Chiến binh David Fisher trở về Úc sau 39 năm nằm lại rừng núi Việt Nam
Phùng Nhân
Ngày 24/10/2008
http://www.huongduong.com.au/article_2227.html
Hôm nay ngày 14/10/2008. Chúng tôi gồm có 7 người cựu quân nhân, đã đi ra nhà quàn Funeral Magnolia Chapel Macquarie Park, để đặt vòng hoa cho chiến binh David Fisher mà lòng ngậm ngùi đau đớn.
Bởi hình ảnh một người lính Biệt Cách (SASR), từ một đất nước xa xôi đã đi chiến đấu hy sinh trên chiến trường Việt Nam, để làm tròn nghĩa vụ quốc tế mà nước Úc Đại Lợi là một đồng minh tham chiến từ năm 1962 cho tới năm 1975 mới rút hết quân về nước.
Trời hôm nay mưa nặng hột, chúng tôi cứ thắc thỏm lo âu, sợ mình đến trễ thì sự có mặt hôm nay cũng bớt đi ý nghĩa. Nhưng nhờ chiếc xe đã chiến, mà người chủ của nó lại chiến hơn. Nên anh cầm tay lái rất vững vàng, thỉnh thoảng lại liếc mắt vào cái màn ảnh của GPS mà tăng tốc lực. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến đúng giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi mới được đi dự một cuộc di quan của lính đồng minh, nên trong lòng tôi có một cảm xúc dâng lên thật là kỳ lạ. Khi tôi thấy trong hội trường Nhà Quàn, các ghế ngồi đã được đánh số cẩn thận cho quan khách, nên trật tự lặng trang. Chỉ có mấy người ký giả, và mấy cái máy quay phim họ xách chạy tới chạy lui mà thôi. Còn ngoài ra thì khách tham dự, đều được mời vào chỗ ngồi chỉ định. Đúng 2 giờ 15 phút, thì đội quân nhạc trổi lên. Khi chiếc xe nhà binh sơn màu xanh lá cây từ từ bò vô sân, phía sau thớt xe có chở theo quan tài của cựu chiến binh David. Ông linh mục đi trước cầu kinh, chắc có lẽ cầu hương linh cho người quá vãng.
Một toán lính mặc đồng phục rất nghiêm trang, đồng vịn tay vào chiếc quan tài. Họ lặng im chừng vài phút, đó là nghi lễ rất trang nghiêm. Sau đó họ cất lên vai tiến vào nhà quàn rất là trang trọng.
Ông Chaplain Denis Galloway, đảm trách vai trò tổ chức lễ nghi đứng trước máy vi âm nói đôi lời. Sau đó ông David Lewis đọc lại tiểu sử của chiến binh David Fisher, cho biết dòng tộc nầy là một dòng tộc anh hùng, tình nguyện đăng vào đơn vị SASR (biệt cách). Một đơn vị mà có lẽ vừa nghe nói qua, thì mọi người cũng có thể hình dung ra bao nỗi khổ cực của một người lính chiến.
Ngày đó David đăng vào lính còn quá trẻ, cho nên anh chưa có vợ con. Mà anh chỉ có cha mẹ và bạn bè đưa tiễn. Ngày hôm nay sau 39 năm anh từ giã quê hương, bây giờ anh trở về chỉ còn có một bà mẹ già chống gậy bước ra mừng đón. Nhưng trên đôi mắt của mẹ già đã đọng lại những giọt lệ khô, nhưng cũng phải rán gượng bắt tay cám ơn quan khách đã đến đây đưa tiễn con mình về nơi an nghĩ đời đời. Rồi những người thân, bước lên đưa tay rờ lên nấp quan tài để nói lời từ biệt. Sau bài cầu kinh của vị linh mục để tiễn đưa người lính SASR về bên kia thế giới, làm cho đôi mắt của mọi người tham dự dường như đang đọng lại giọt sầu. Tiếp theo thì ban nghi lễ bắn 3 phát súng tiễn đưa. Một phút mặc niệm chiêu hồn tử sĩ, ban quân nhạc lại trổi bài chiến sĩ trận vong. Thế là David được yên lòng nằm trong đất mẹ, mà 39 năm qua chắc gia đình không thể ngờ được có ngày nầy. Bởi cuộc chiến đã tàn từ lâu, mà sự tìm kiếm hài cốt của quân nhân đồng minh tử trận trên chiến trường Việt Nam dường như vô vọng.
Tuy nhiên trường hợp tìm được hài cốt của David Fisher nó rất lạ kỳ. Nếu chúng ta tin vào tôn giáo thần linh, thì cũng còn lý giải được. Còn đằng nầy David là người Úc, thì lý giải sau đây. Bởi ở Việt Nam những chỗ rừng núi ngày xưa, bây giờ có thể trở thành làng mạc, hoặc nương rẫy của người dân cày cấy hằng ngày. Thì việc mồ mả vô chủ đâu có gìn giữ chi đâu, nên việc nó bị san bằng đã xảy ra là một việc rất thường không làm ai chú ý.
Nhưng mà David rất linh thiêng, anh đã phù hộ độ trì cho Kim Tất Minh chỉ có một đêm gần sáng, để cho anh nhớ lại mà vẽ ra một bản đồ và địa thế không thể nào sai. Nhờ đó mà phái đoàn đi tìm hài cốt của Úc, mới có cơ hội đi về Việt Nam khai quật.
Nguyên nhân phát hiện cũng là một việc tình cờ. Số là anh Kim Tất Minh cũng là lính Biệt Kích, nên sau tháng tư năm 1975 anh cũng đi vô tù cải tạo như bao nhiêu người khác trong trại Suối Máu Long Giao, nơi hậu cứ của sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đảo làm tư lịnh. Nhưng nhờ những năm đi lính, vì là Biệt Kích cho nên anh đã ở trong rừng. Có lúc sống lẩn lúc với người dân, để từ đó mới báo cáo những đơn vị của Việt cộng cho quân đội của mình chận đánh.
Rồi trại tù nào cũng vậy, cán bộ quản giáo họ vắt kiệt hết sức lao động của mọi người. Riêng anh Kim Tất Minh vì có kinh nghiệm những năm tháng ở rừng, cho nên anh được sắp vào toán thợ rừng, luồng sâu vào rừng để tìm ra gỗ quý. Hễ gặp cây danh mộc nào thì toán của anh đóng búa vào đó làm dấu, để cho xe be chạy tới hạ xuống xẻ gỗ sau. Trong lúc luồng rừng như vậy, anh Minh đã nhìn thấy một cái mả lạng trong rừng, có mấy cục đá chất chồng lên chắc có lẽ là do một người có tấm lòng nhân đạo, để làm dấu sau nầy cho khỏi thất lạc. Đến buổi ăn trưa hỏi thăm cán bộ dẫn đi thì ông nầy cho biết, đó là nấm mồ của thằng giặc mũi lõ mắt xanh ở nước ngoài. Đi đánh giặc mướn, nên bây giờ phải đành bỏ xác lại đây cho mối rừng đục khoét...
Rồi ngày ra tù cũng đến, anh Minh cũng phải mưu sinh. Anh đạp xích lô trên đường phố Sàigòn, nhưng trong đầu lại quên đi nấm mộ lạng ngày xưa. Có lẽ nhờ vậy mà sau nầy mới còn hai cốt. Còn anh cán bộ dẫn toán đi rừng, sau nầy không biết còn sống hay đã thuyên chuyển đi đâu. Cái đó mới là số phận, đã an bài cho David có được ngày nay. Đến năm 1983. Anh Minh và vợ con vượt biển đến Mã Lai ở đảo Paulo Bidong, anh được phái đoàn Mỹ phỏng vấn cũng như bao nhiêu thuyền nhân khác. Nhưng ở vào thời điểm nầy thì phái đoàn họ chú trọng hỏi đến tình hình quốc phòng của Cộng sản Việt Nam, cũng như căn cứ Rada đặt ở Mũi Tàu Phú Lam, để từ đó họ hỏi phăng ra những hài cốt hoặc những người lính đồng minh đang mất tích.
Chính trong những ngày nầy, anh Kim Tất Minh mới nhớ lại và hồi tưởng, hồi anh bị bắt đi cải tạo, được phân công vào tổ luồng rừng để tìm gỗ quý. Có gặp một cái mả lạng, và một chiếc thiết vận xa M113 đã bị bắn cháy, chỉ còn là một đống sắt đen thui. Nhưng bây giờ những di vật đó không biết có còn không, bởi từ khi anh được thả về thì đạp xích lô quanh quẩn trên đất Sàigòn sanh sống.
Thế là phái đoàn Mỹ, họ liền chợp lấy lời khai. Họ o bế anh như là một con gà nòi, họ ưu đãi anh trong mọi vấn đề, để cho anh nhớ lại từng chi tiết và vẽ lại cho họ bản đồ để họ tìm kiếm những người lính thất tung. Mà nước Mỹ hiện nay, muốn chuộc lại lỗi lầm. Khi đưa quân đội vào tham chiến, rồi bị dân chúng chống chiến tranh. Nên vội vã rút quân, để cho miền Nam thất thủ... Nhờ trí nhớ còn tốt, anh Kim Tất Minh vẽ lại rất rành mạch bản đồ. Từ chỗ cái mả lạng cách dòng suối bao xa, từ dòng suối cách căn cứ Black Horse nếu tính bằng đường chim bay thì bao xa, còn đi đường bộ thì phải băng qua những rừng núi làng mạc như thế nào. Khu vực rừng núi của cái mả lạng đó thuộc xã Cẩm Tiến, gần sông Rây, nằm chếch sâu trong dãy núi gần con suối có tên là suối Lút.
Rồi anh Kim Tất Minh được nước Úc Đại Lợi nhận định cư vào năm sau. Từ ngày đó đến nay dường như anh đã quên hẳn cái mả lạng năm nào. Mãi cho đến khi chánh quyền Mỹ, gởi thơ qua Bộ Quốc Phòng Úc báo tin, rồi họ nhắn tin anh trên bán tuần báo Việt Luận đến mấy tuần mà anh không hề hay biết.
Sau đó thì vào khoảng tháng 3/2008 có người bạn là anh Phú gốc lính không quân cho hay, là không biết có chuyện gì mà Bộ Quốc Phòng Úc nhắn tin anh trên báo, rồi còn nhắn tin trên đài phát thanh của ông Nguyễn Đình Khánh nữa.
Cũng bắt đầu từ đó, anh Minh mới liên lạc với thẩm quyền. Sau khi biết rõ lý do, anh Minh đồng ý hợp tác. Nhưng anh không thể dẫn phái đoàn về lại Việt Nam, vì anh sợ bọn Việt cộng trả thù, vì miếng mồi câu ngon như vậy mà bị anh trao cho phái đoàn MIA "tìm hài cốt và người thất tung của Úc".
Bộ Quốc Phòng Úc, họ mua vé máy bay khứ hồi mời anh đi lên Canberra để cung cấp thêm tin tức. Mặc dầu đã từng là lính Biệt Kích, đã từng nhảy toán vào mật khu Việt cộng nhiều lần. Vậy mà khi lên tới Canberra, anh mới thấy mình hồi hộp lạ thường. Bởi từ sự săn đón, đến sự an ninh và cách làm việc của họ vô cùng kín đáo. Sau những giờ làm việc căng thẳng, cuối cùng thì anh Minh xin Bộ Quốc Phòng cho anh một tuần lễ về lại Cabramatta nhớ lại để vẽ bản đồ.
Khi về đến nhà anh Minh mới bắt đầu lo sợ. Bởi từ ngày đó đến nay có biết bao nhiêu vật đổi sao dời, cũng có thể nơi đó bây giờ là nhà cửa hoặc ruộng rẫy cũng nên. Hai vợ chồng anh bắt đầu lo sợ, những tờ giấy trắng đã trải ra trước mặt, nhưng tấm bản đồ không thể vẽ xong. Bởi anh đã quên đi hết những chi tiết ban đầu, cột móc cần thiết để làm chỗ khởi điểm. Như vậy thì làm sao tìm ra cái mả lạng đó đây...
Cho đến một đêm chót hết hạn, anh nằm van vái "David Fisher, anh đã sống chiến đấu cho dân tộc tôi. Dân tộc chúng tôi không bao giờ quên được anh, vì máu của anh đã đổ xuống cho dân tộc tôi được sống. Mặc dầu tới năm 1975 miền Nam chúng tôi phải chịu bức tử đầu hàng, bây giờ thì gia đình chúng tôi đang trôi giạt sang định cư trên đất nước của anh. Vậy anh hãy phù hộ độ trì cho tôi được minh mẫn, nhớ lại từng chi tiết ngôi mả lạng năm xưa, để tôi vẽ lại bản đồ, cung cấp cho Bộ Quốc Phòng để liên lạc với chánh phủ Việt Nam xin khai quật. Nếu đó không phải là hài cốt của anh, thì cũng là đồng đội của anh, hay đồng minh của anh để cải táng đem về quê nhà chôn cất. Vì Bộ Quốc Phòng Mỹ, với Bộ Quốc Phòng Úc đã có hồ sơ, nhưng chưa biết rõ đích xác địa điểm chỗ nào nên chưa tiến hành khai quật".
Sau một hồi van vái linh hồn David, thì anh Kim Tất Minh lại chìm vào trong giấc ngủ muộn màng. Đến gần 4 giờ sáng thì anh bỗng dưng giựt mình thức dậy, đầu óc tỉnh táo một cách lạ thường, dường như chuyện mấy chục năm về trước lại hiện nguyên về. Thế là anh bình tỉnh ngồi vào bàn phác thảo. Từ vị trí chỗ con đường nào để đi đến cái mả lạng năm xưa, rồi phía bên phải bên trái có những đặc điểm gì. Con suối Lút nó chảy qua đâu, đến cái làng Cẩm Tiên hay "Cẩm Liên" gì đó thì hỏi dân làng để nhờ người dân hướng dẫn.
Sau khi giao nạp bản đồ cho Bộ Quốc Phòng Úc, thì giữa anh Minh với họ liên lạc rất thường. Họ đã báo cáo với anh, là bên Việt Nam có ý hướng dẫn phái đoàn (MIA) của Úc đi lên Đà Lạt khai quật. Nhưng cuối cùng phía Úc cam kết, là khi khai quật dù có hài cốt hay không, cũng vẫn đền bù lại tài sản của người dân xứng đáng. Nhưng phải là chỗ mà phái đoàn của Úc đề nghị, chớ không thể thay đổi địa điểm ở bất cứ chỗ nào. Cuối cùng thì chánh phủ Việt Nam cũng phải thuận theo, cuộc khai quật đang tiến hành trong thuận lợi. Những ngày chờ đợi lặng lẽ trôi qua, cho đến tháng 8/2008. Phái đoàn MIA đã điện thoại về anh Minh báo tin mừng, là đã tìm được hài cốt của David Fisher và đã làm công việc thử nghiệm DNA vừa xong. Hiện nay chánh phủ đang đài thọ vé máy bay cho gia đình của anh David bay qua Việt Nam để nhìn hài cốt của đứa con thân yêu của mình, đã vùi thây ở một chiến trường xa xôi trong suốt 39 năm ròng không núm mộ.
Đến ngày 10/10/2008 Bộ Quốc Phòng Úc lại thông báo với anh Kim Tất Minh, là khoảng 10 giờ sáng máy bay chở quan tài người chiến sĩ David Fisher sẽ đáp xuống phi trường quân sự Richmond Sydney. Vậy hai vợ chồng anh hãy ráng thu xếp gia đình, đi đến đón một người bạn đồng minh sau 39 năm mất tích. Họ còn căn dặn, nếu anh không biết đường lái xe, thì cứ việc kêu một chiếc Taxi bao luôn bận về, vì chánh phủ Úc Đại Lợi coi anh là một người ơn đã tìm ra hài cốt. Cả gia đình anh đến nơi đều rơi lệ, lúc đó thì hình ảnh một người lính hào hùng năm xưa lại trở về. Anh thì đang đứng ở đây với tấm thân tỵ nạn, còn người bạn đồng minh của anh thì nằm trong cổ quan tài có phủ lá quốc kỳ. Ôi người lính nào rồi cũng da ngựa bọc thây, nhưng đã là thân trai trong thời loạn thì đành phải chịu.
Bộ Quốc Phòng Úc, họ rất trang trọng khi tiếp đãi gia đình anh. Vợ chồng anh và hai đứa con, mỗi người đều cài lên miệng túi phù hiệu của người lính đồng minh đã có mặt tham chiến tại Việt Nam. Trong giây phút ngắn ngủi và thiên thu đó, anh Minh có cảm tưởng rằng mình đang đứng trước hàng binh, hay đang lặn lội trong rừng để tìm ra dấu chân của địch quân đang ẩn náo. Nên anh lặng lẽ đưa tay lên chào kính bạn mình, mà ngày xưa khi còn đi cải tạo, vì mang tấm thân tù nên anh không làm được.
Thôi hãy yên nghỉ một giấc ngàn thu nghen David, một vòng hoa của Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa NSW đang trang trọng dâng đến cho anh, dẫu có muộn màng nhưng cũng vẫn là tấm lòng thành kính. Bởi hiện giờ đây, còn biết bao nhiêu đồng đội của chúng ta, thân xác còn thất lạc Hạ Lào, Khe Sanh, Đất Tô, Măng Bút. Nhưng rồi sẽ có ngày tổ quốc ghi công, bởi mỗi người chiến sĩ khi nằm xuống, là xương máu của họ sẽ điểm tô thêm giang sơn gấm vóc. Vĩnh biệt David thân yêu. Người chiến sĩ sau khi tàn cuộc chiến, trở về nơi cố quốc rất muộn màng. Hãy ngủ một giấc ngủ bình yên, sẽ không còn tiếng kèn đồng thúc quân cho anh thức dậy. Ngủ đi David, đây là vùng đất rất thanh bình. Hầu như từ khi lập quốc cho tới bây giờ chưa có biết chiến tranh, chỉ có đem thân trai đi làm nghĩa vụ quốc tế. Ôi cái chết nào rồi cũng giống nhau thôi, nhưng chỉ có khác nhau, khi cái chết được tổ quốc ghi công và người đời thương tiếc. Ngủ ngon đi David.
Phùng Nhân
Vài hình ảnh buổi lễ của Quân lực Hoàng gia Úc tiễn chào chiến binh David Fisher trước khi mang anh trở về Úc tại phi trường Nội Bài Việt Nam. (Photos from http://www.defence.gov.au)
http://www.huongduong.com.au/IMG/cache-200x278/arton2227-200x278.jpg
http://www.huongduong.com.au/IMG/cache-200x125/ghjkk-200x125.jpg
http://www.huongduong.com.au/IMG/cache-200x124/jklll_-200x124.jpg
No comments:
Post a Comment