Tuesday, November 4, 2008

BẢN KIỂM ĐIỂM CỦA "CHỦ NHÂN" GỬI CÁC BẬC "ĐẦY TỚ"

“HỠI TRANG DẸP LOẠN RÀY ĐÂU VẮNG?”
Công Lý và Sự Thật's Blog
Tuesday November 4, 2008 - 05:48pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA--?cq=1&p=10134

Trận mưa lớn bắt đầu từ
đêm 30 rạng ngày 31/10/2008 và kéo dài đến ngày hôm nay (04/11/2008) vẫn chưa dứt hẳn.
Ngay từ ngày 31/10/2008 mưa đã “khiến nhiều tuyến đường Hà Nội chìm sâu trong nước. Giao thông hỗn loạn, ôtô chết máy la liệt trên đường. Hoạt động của nhiều công sở bị xáo trộn”,

Ngày 01/11/2008, “cơn mưa lớn với lượng mưa 300mm duy trì liên tục suốt 2 ngày đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hà Nội. Đường phố biến thành sông, đặc biệt người chết đã lên tới 17 người và 1 người mất tích”, “thiệt hại sơ bộ 3.000 tỷ đồng”.

Ngày 02/11/2008, phố xá Hà Nội thành sông, các loại xe cộ “chết ngạt”, giao thông đình trệ, dân chúng phải ăn cả nước bẩn, bệnh nhân cấp cứu mắc kẹt trên đường vào Hà Nội, người dân tự cứu lấy mình, tự sơ tán tài sản chạy nước, nhiều khu vực bị mất điện.

Ngày 03/11/2008, Tại quận Cầu Giấy, đường Trần Duy Hưng, Trần Bình, siêu thị BigC chỉ còn ngập từ 40 - 60cm. Tại huyện Thanh Trì, nước đang rút mạnh ở đập Thịnh Liệt. Khu vực nghĩa trang Văn Điển, Ngọc Hồi đo được 30 - 40cm. Tân Triều nước vẫn ngập ở mức trung bình 50cm.
Đường vòng Cầu Đuống tại huyện Đông Anh mức nước vẫn đang ở mức 80cm.
Các trục, đoạn: Nguyễn Quý Đức; ngã ba Lương Thế Vinh - Nguyễn Trãi; Nguyễn Huy Tưởng - Lê Văn Lương; Lê Trọng Tấn... thuộc quận Thanh Xuân cũng còn ngập khoảng 20 - 30cm.
Tuy nhiên, tại trung tâm nội thành Hà Nội, nhiều phố vẫn có đoạn chìm trong nước, chưa có dấu hiệu rút nhiều, như: đoạn Trần Quốc Toản - Quang Trung; đoạn Nguyễn Du - Quang Trung; đường Láng Hạ; đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn hồ Ngọc Khánh); Nguyễn Lương Bằng; Phạm Ngọc Thạch; Đào Duy Anh; Huỳnh Thúc Kháng; Đông Tác; Hoàng Cầu; Thái Hà; Lê Duẩn (đoạn qua hồ Ba Mẫu)...
Phía tây Thủ đô, đường Láng - Hòa Lạc vẫn ngập nặng. Ngược lên phía Long Biên, đường 5 (mố phía bắc cầu Vĩnh Tuy) và đoạn soát vé cũ đường Ngô Gia Tự cũng chưa thoát lụt. Bến xe Giáp Bát (đường Giải Phóng) tình hình cũng chưa khả quan hơn.
Đã có
20 người chết, 2 người bị thương vì mưa ngập ở Hà Nội. Dân tiếp tục tự cứu mình bằng đủ loại phương tiện.

Ngày 04/11/2008, người dân Thủ đô vẫn phải ngụp lặn trong những “rốn ngập” với điều kiện vệ sinh thật kinh hoàng, vẫn phải dùng thực phẩm đắt gấp nhiều lần ngày thường.
Các khu vực nội thành “
mức nước ngập tính đến 9 giờ sáng như sau: Quang Trung (0,15m), Trần Quốc Toản (0,15m), Nguyễn Chí Thanh (sát hồ Ngọc Khánh: 0,3m), Phan Kế Bính (0,3m), Nguyễn Lương Bằng (0,4m và ùn tắc), Thái Hà (0,7m), Chùa Bộc (0,5), Phạm Ngọc Thạch (0,7m), Tôn Thất Tùng (0,5m), Hồ Đắc Di (0,4m), Vũ Văn Dũng (0,4m), Huỳnh Thúc Kháng (0,6m), Hoàng Tích Trí (0,4m)...”
Ngạc nhiên là đến chiều ngày 03/11/2008,
Thành ủy Hà Nội và UBND Thành phố mới họp về vấn đề mưa lụt này.

Chợt nhớ hồi tháng 9, tháng 10/2008, để đối phó với những giáo dân tay không tấc sắt cầu nguyện để đòi đất ở
Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ, chính quyền Thành phố Hà Nội đã phô trương cho người dân cả nước biết lực lượng “quân đội ta” hùng hậu về số lượng, phong phú về binh chủng, quy mô về khí giới chống bạo động (dù chẳng thấy ai bạo động gì cả). Thôi thì hàng rào sắt, dây thép gai, roi điện, dùi cui, hơi cay, chó săn… cũng được dịp phát huy để “biểu dương lực lượng” với dân một cách “hoành tráng”.
Tuy nhiên, 5 ngày ngập lụt Hà Nội vừa qua, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một lực lượng nào ra giúp dân chạy ngập, bảo vệ người, bảo vệ tài sản, điều hành giao thông.

BBCVietnamese ngày 03/11/2008 cho hay, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội “nói rằng trong sáng ngày 1.11 lãnh đạo thành phố phải họp về vấn đề tôn giáo”, trong khi các quan chức Hà Nội đang “bận họp” như thế thì truyền thông Nhà nước “đã đưa tin có 17 người đã chết và số tiền thiệt hại, chưa đầy đủ, đã trên 3.000 tỷ đồng”, vậy mà ông Nghị còn lạnh lùng bảo rằng “Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai”. Ngài “đầy tớ” Phạm Quang Nghị ơi! Nếu Ngài thích “diễn tập” thì Ngài hãy đem sinh mệnh người nhà của Ngài, tài sản của Ngài ra mà “diễn tập”, đừng lấy tính mạng và tài sản của dân ra xem như “diễn tập” và bỏ mặc họ “tự bơi” như thế lương tâm Ngài có bị cắn rứt hay không???

Nếu nguồn tin của BBC là đúng thì hóa ra các quan chức Hà Nội coi tôn giáo còn nguy hiểm hơn cả ngập lụt nên 17 mạng người dân và 3.000 tỷ đồng của dân chẳng đáng phải quan tâm. Như vậy thì chính sách hòa hợp tôn giáo của Nhà nước Việt Nam chỉ là trò bịp quần chúng hay sao?

Tôn giáo mà các quan chức Hà Nội bận tâm họp để đối phó ở đây chỉ có thể hiểu là những người theo một tín ngưỡng nào đó và là người dân Việt Nam, chớ hoàn toàn không phải là tôn giáo hay người theo tôn giáo ở nước ngoài. Hóa ra là các lực lượng hùng hậu kia chỉ để đối phó với người dân Việt Nam, còn ai chết mặc ai.

Ngày xưa các cụ thích tập Kiều, lẫy Kiều, bây giờ xem ra 15 năm trôi nổi của Thúy Kiều và nước sông Tiền Đường so với cái hồ to nhất nước là Hà Nội cũng còn kém xa, nên Truyện Kiều không đủ để cho hậu thế “tập” hay “lẫy” nữa. Hậu sinh chỉ có thể bất lực “tập thơ” cụ Đồ Chiểu mà cảm thán rằng:

Hà Nội của tiền tan bọt nước
Thăng Long tranh ngói nhuộm màu mây
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Sài Gòn, ngày 04 tháng 11 năm 2008
Tạ Phong Tần

BẢN KIỂM ĐIỂM CỦA “CHỦ NHÂN” GỞI CÁC BẬC “ĐẦY TỚ”
Công Lý và Sự Thật's Blog
Monday November 3, 2008 - 01:53pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA--?cq=1&p=10095

Kính gởi: Các bậc “Đầy tớ chi dân”!

Sự kiện sau một cơn mưa Hà Nội biến thành cái hồ to nhất nước, người dân Thủ đô trở thành “ngư dân bất đắc dĩ”, làm cho
17 người chết vì lụt lội và số người mất tích còn tăng lên nữa, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, v.v… Ngài “đầy tớ” Phạm Quang Nghị -Bí thư Thành ủy Hà Nội đã la mắng “chủ nhân” chúng con rằng: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, “Thiên tai thì không tính trước được”…, nói chung là nguyên nhân không tránh được hậu quả của nước ngập để xảy ra thiệt hại về người và tài sản là lỗi của “loanh quanh đâu đó”, của các bên A, Bờ, Cờ, Dờ…, của dân chúng, mà không thấy bậc “đầy tớ chi dân” nào nhận lỗi về mình cả.

Nghe câu “giáo huấn” này, đa số cư dân mạng khắp mọi miền đất nước, kể cả các “khúc ruột dư ngàn dặm” cũng hùa nhau đồng loạt lên tiếng chửi mắng lại Ngài Phạm Quang Nghị rất thậm tệ bằng đủ thứ ngôn từ có lẫn chưa có trong Từ điển Tiếng Việt. Nào là “mặt người dạ thú”, “độc ác”, “biết ăn tiền thuế của dân mà không biết làm”, “sâu dân mọt nước”, “làm quan để làm gì”, “trách nhiệm ở đâu”, v.v… và v.v…

Cá nhân “chủ nhân” con thì con phản đối cách chửi bới “hồ đồ”, “quy chụp”, “thiển cận” đó, vì chửi như thế là “mắng oan” cho các bậc “đầy tớ chi dân” quá, “chủ nhân” con nhận thấy quả là chúng con có lỗi thật, Ngài Phạm Quang Nghị mắng thế là đúng. Nếu bọn “chủ nhân” “to mồm rộng họng” kia không biết lỗi và các “đầy tớ” cũng không ai chịu nhận lỗi, thôi thì để con làm kiểm điểm tự nhận lỗi vậy.

Kính thưa các bậc “Đầy tớ chi dân”!

“Chủ nhân”con xin lần lượt thành khẩn thiết tha tự kiểm điểm các lỗi lầm của mình như sau:

1- Ông bà ta có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”, tức là “dân” thì sống lâu truyền kiếp từ đời này sang đời khác với “chức vụ” không bao giờ suy suyển, “dân”đáng tuổi cha chú ông bà tổ tiên nội ngoại của “Đầy tớ chi dân”, nhưng vẫn “già đầu còn dại”, vì vậy mà không biết thiên tai là “sự phức tạp, khó lường”, “35 năm mới có một lần” mà hổng biết tự mình dự đoán, tính toán trước, người lớn mà không biết “làm thay” cho ngành Khí tượng Thủy văn “trẻ người non dạ”, để xảy ra lụt lội rồi mới la làng ầm ĩ; đây là lỗi thứ 1 (Đáng chết!).

2- Mưa to, nước lên, phố xá thành sông mà “chủ nhân” không biết tự thân chống chọi với nước ngập, nâng cao tinh thần “tự lực tự cường”, mà còn đòi hỏi các ban ngành của Thành phố cảnh báo, hướng dẫn tránh ngập, điều hành giao thông… là một biểu hiện của sự ỷ lại, chây lười; đây là lỗi thứ 2 (Đáng chết!).

3- Thành phố đã dùng rất nhiều tiền đóng thuế của dân đầu tư nhiều camera lắp đặt ở các tuyến phố nhưng trong mấy ngày mưa lụt chẳng tên “chủ nhân” nào chịu sử dụng để tự mình điều hành giao thông giúp lẫn nhau mà chờ đợi cán bộ sử dụng, điều hành, lại một biểu hiện của sự ỷ lại vào Nhà nước; đây là lỗi thứ 3 (Đáng chết!).

4- Hệ thống loa đài phường (ngày thường chỏ mồm vào khu vực Giáo xứ Thái Hà hay Tòa Khâm sứ mà oang oang tuyên truyền đường lối chính sách sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta với dân chúng), trong lúc mưa ngập lớn, đường tắc, có vẻ như là phương tiện hữu hiệu để các ban ngành thành phố liên lạc với dân thì không thấy Nhà nước huy động. Lẽ ra khi thấy các ban ngành Thành phố không hề huy động hệ thống loa đài này để liên lạc với dân thì các “chủ nhân” Hà Nội phải chủ động “đánh chiếm” để giành quyền điều khiển hệ thống ấy nhằm mục đích liên lạc với các ban ngành Thành phố, đàng này họ đã cùng nhau im thin thít, “ỷ lại” chờ Nhà nước liên lạc với dân; đây là lỗi thứ 4 (Đáng chết!).

5- Chiều ngày 01/11/2008, Sở GD-ĐT Hà Nội “ra thông báo muộn mằn về chuyện nghỉ học hết ngày 3.11, sau khi có 3 học sinh chết đuối vì mưa ngay giữa thủ đô (!)”. Lẽ ra các cháu học sinh này dù nhà trường không hề có chương trình dạy bơi cũng phải chủ động tự mình đi học bơi cho giỏi thì đâu đến nỗi chết đuối trên đường phố Thủ đô. Các cháu lại siêng năng, chăm chỉ đi học, có tinh thần tôn trọng kỷ luật quá đáng, nước ngập như thế mà vẫn không chịu tự động nghỉ học; hoặc các cháu hãy chờ Sở GD-ĐT Hà Nội ra thông báo xong rồi hãy chết đuối thì hôm nay đâu có gieo tiếng ác và vô trách nhiệm cho Quý “Đầy tớ chi dân” Sở GD-ĐT. “Mũi dại lái chịu đòn”, các cháu nhỏ có lỗi là do “chủ nhân” người lớn không biết dạy dỗ; đây là lỗi thứ 5 (Đáng chết!).

6- Có kẻ còn to mồm bảo rằng: “Sau khi Hà Nội có tới cả chục người chết vì mưa và thiệt hại cả ngàn tỉ đồng, giá cả tăng vọt mà chẳng có cấp nào can thiệp, thì Phó Chủ tịch Thành phố phụ trách khối mới đến trạm bơm Yên Sở để động viên và chỉ đạo bơm nước. Đó là sự vô cảm khó có thể chấp nhận!”.
Ô hô, rõ ràng là quy trách nhiệm một cách lãng xẹt và rất mâu thuẫn. Người chết vì mưa, giá cả tăng vọt là do mấy bà bán rau quả, thực phẩm tự ý tăng giá chớ có phải Ngài Phó Chủ tịch tự mình đầu cơ nâng giá để thu lợi cho riêng Ngài đâu, còn cái Trạm bơm Yên Sở gì đấy nếu không có Ngài đến “chỉ đạo bơm nước” thì có lẽ bọn công nhân ở Trạm bơm không biết sử dụng máy mà bơm như thế nào. Nguyên nhân đã rõ ràng rồi, tự mình nói tự mình trả lời luôn, sao còn “già mồm” đổ thừa cho Ngài Phó Chủ tịch, thiệt quá đáng! Nghe đồn sau khi đến Trạm bơm về thì Ngài Phó có bị cảm sốt (cảm sốt nặng hay nhẹ, đã uống thuốc chưa, nguyên nhân cảm sốt là do nhiễm phong hàn, nhiễm khuẩn, viêm họng hạt, viêm xoang, đau dạ dày, bệnh gút hay nhiễm HIV… thì chưa biết). Vậy mà dám hàm hồ bảo rằng “Đó là sự vô cảm khó có thể chấp nhận”, Ngài đã “cảm” rồi, ai bảo là Ngài “vô cảm”, có “chấp nhận” hay không thì cũng là “cảm”; nói như thế là chửi mắng vô căn cứ, ăn nói quàng xiên quá sức; đây là lỗi thứ 6 (Đáng chết!).

7- Mặc dù lúc bổ nhiệm chưa bao giờ thấy có vị “Đầy tớ chi dân” nào từ chối chức vụ, trả lại quyết định bổ nhiệm với lý do “năng lực hạn chế”, nhưng sau khi hậu quả xảy ra chè è (ra Tòa chẳng hạn) thì “chủ nhân” luôn luôn được nghe Quý Ngài “đầy tớ” lặp đi lặp lại câu “trình độ hạn chế”, “năng lực hạn chế” để bào chữa cho cái sự “làm bậy” của mình. Nay các Ngài quy hoạch Hà Nội dự báo thoát nước theo mức chỉ mưa 100ml, đến lúc mưa to quá, nước không thoát được, vì mưa to là “bất thường”, đó là do tầm nhìn của các Ngài có hơi bị “hạn chế” không thấy trước được cái “bất thường” nhưng có thể xảy ra, thì cũng là lẽ thường của các “đầy tớ”. Có gì đâu mà phải làm toáng lên như thế?
Chẳng phải ngay từ năm lớp Một đứa trẻ nào cũng được dạy rằng nước ta nắng lắm, mưa nhiều? Đã biết rồi thì phải tự thân vận động chớ, sao còn ỷ lại vào người khác. “Chủ nhân” mà tầm nhìn và tư duy dự báo theo kiểu cò con, chắp vá, cùng nạn phá rừng, phá hoại tài nguyên chính là đầu mối của rất nhiều tai hoạ do... “chủ nhân” gây nên, còn trách ai được; đây là lỗi thứ 7 (Đáng chết!).

8- Lại có kẻ nói rằng “Bất thường ấy, người ta nói đến từ hàng trăm năm nay rồi. Có hay không những công trình thoát nước không đúng chất lượng vì bị bớt xén?”. Đợi đến sau khi có “Hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng chỉ vì một cơn mưa” mới ngồi đó mà đặt câu hỏi thì có muộn lắm không? Nói “công trình thoát nước không đúng chất lượng vì bị bớt xén” thì chứng cứ đâu? Sao trước kia không biết phát huy cái quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” bằng cách canh me suốt 24/24 giờ các công trình thoát nước đang thi công, hễ thấy có biểu hiện bớt xén vật tư thì hè nhau xông vào đập chết bọn độc ác ấy đi, hoặc lấy chính số vật tư chúng bớt xén ấy mà tọng ngay vào mồm chúng nó có phải hơn không, cần gì phải thưa kiện rồi ngồi chờ Thanh tra, Cảnh sát, lực lượng này lực lượng kia làm việc! Ai biểu nộp thuế trả lương cho các lực lượng không hoàn thành nhiệm vụ đó làm chi rồi bi giờ tiếc tiền, thiệt vô trách nhiệm với đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình quá xá!; đây là lỗi thứ 8 (Đáng chết!).

9- Lại có kẻ cho rằng ở Hà Nội bọn bất lương cấu kết với bọn “vô cảm” (lại ‘vô cảm)
đua nhau “tận diệt ao hồ”, nên bây giờ mưa trút xuống nước không có chổ chứa thành thử mới chảy ngập tràn lan như vậy. Nguyên nhân trực tiếp thế là rõ rồi, còn nguyên nhân sâu xa là “chủ nhân” đã “lực bất tòng tâm” không thể ngăn cản được hành vi phá hoại đất nước của bọn bất lương, bọn “vô cảm” kia, là biểu hiện cho thấy chủ nhân “sức phẻ” yếu, bị “bệnh bất lực”; đây là lỗi thứ 9 (Đáng chết!).

10- Thời mồ ma thực dân Pháp ở nước ta, kẻ ăn người ở để sai bảo trong nhà gọi là “con sen” (nữ), “thằng nhỏ” (nam). Sau đó tiến lên một chút thì gọi là “đầy tớ” và phát kiến thêm cụm từ mới là “công bộc”, “đầy tớ của dân”. Thời nay học đòi “Nhật hóa” nên gọi chung là “Ô-sin”.
Phàm ở đời hễ cha mẹ thì có bổn phận, trách nhiệm lo lắng, bảo bọc từ đầu đến chân cho con cái, chịu trách nhiệm “Mũi dại lái chịu đòn”. Chủ nhân thì phải lo tiền công xá, lo cái ăn, cái mặc cho đầy tớ. Còn đầy tớ chỉ có mỗi việc sai đâu làm đấy, chỉ đâu đánh đó, tới tháng ngữa tay nhận tiền lương, cá biệt còn có một số đầy tớ rất xấu tính luôn lợi dụng cơ hội chủ nhân sơ hở để “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Thời bây giờ là thời của “Ô sin” và “niềm đau chôn giấu” của
thân phận ông bà chủ. Cho nên, “chủ nhân” phải có trách nhiệm lo cho “đầy tớ” mọi mặt, suốt ngày cứ nghĩ quan chức là “phụ mẫu chi dân” rồi “ỷ lại vào Nhà nước” là thứ tư tưởng ấu trĩ, phong kiến, cần phải đánh đổ, đập tan. Túm lại, hậu quả của trận mưa to mấy ngày qua gây thiệt hại nặng nề đó có nguyên nhân chính rất quan trọng đại là “chủ nhân” đã quá “ỷ lại” vào tinh thần trách nhiệm của “đầy tớ”, là biểu hiện của sự hoang tưởng, lạc hậu; đây lỗi thứ 10 (Đáng chết!).

Kính thưa các bậc “Đầy tớ chi dân”!

Trong khi chờ đợi “chủ nhân” con đóng cửa “diện bích sám hối” để nghĩ ra lỗi mới thì xin các bậc “Đầy tớ chi dân” hãy nhận trước lời thú nhận 10 tội lỗi to lớn này của con.
“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi bề!”. Khi nào con vắt óc nghĩ ra được lỗi mới thì con sẽ viết tiếp!

Muôn ngàn lần “bái phục” sự vô cảm của các Quý Ngài “Đầy tớ chi dân”!

Sài Gòn, ngày 03 tháng 11 năm 2008
Tạ Phong Tần

No comments:

Post a Comment