Friday, November 7, 2008

BARACK OBAMA : TÂN TỔNG THỐNG MỸ

Barack Obama: Tân tổng thống Mỹ!
Thạch Thủ
Cập nhật lúc 10:54:47 PM - 04/11/2008
http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=5213&item=92

Tiên đoán

Trước một ngày bầu cử 04.11.2008, đài CNN dự đoán ứng cử viên của đảng Dân Chủ (DC) sẽ thu được 51% tổng số phiếu bầu. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận sau cùng khác cũng cho biết ông Obama vẫn dẫn trước đối thủ từ 5 tới 10 điểm hay 50,3% đối lại 44,0% dành cho ứng viên Cộng Hòa (CH) John McCain.

Bên Âu châu, dân chúng các nước cũng nôn nức có lẽ không kém chính người Mỹ. Sử gia Anh Timothy Garton Ash đã viết rằng người Mỹ vẫn phải chịu đựng ”một cơn ảo tưởng đau lòng về cuộc bầu cử này là của riêng họ”. Họ đã lầm. Đây là cuộc bầu cử của chúng ta. Cuộc bầu cử của thế giới. Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào cuộc bầu cử này. ”Chỉ một điều chúng tôi thiếu, ấy là quyền bỏ phiếu”.

Cuộc thăm dò Transatlantic Trends do German Marhall Fund tổ chức về một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ở 12 nước Đông và Tây Âu. Kết quả cho thấy Barack Obama đã thu được đa số phiếu ở Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Hòa Lan và tại 3 nước Bắc Âu. Ngược lại, John McCain thắng ở Georgia, Turkey, Spain và Portugal. Những cuộc điều nghiên khác cũng xác quyết đa số người dân Âu châu, gần 2/3 đã chán chê ông George W. Bush, và cũng chỉ ít người tin tưởng ông John McCain. Nhưng Barack Obama thì rõ rệt là ”favorite” của Âu Châu. Bởi thế không lạ khi ông Obama đã đắc cử tổng thống Mỹ tại... Âu châu này.

Kết quả tiên khởi

Sau khoảng không đầy nửa tiếng đồng hồ các trung tâm đầu phiếu đóng cửa, kết quả kiểm phiếu đã lần lượt được phổ biến. Thế giới nín thở theo dõi. Tất cả hệ thống truyền hình ở Âu châu đều trực tuyến suốt cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ này. Theo những kết quả đầu tiên, McCain chỉ thu được nhiều phiếu hơn ở Georgia, Kentucky, trong khi Obama đã thắng lớn tại Vermont, Pennsylvania, New Yersey, New Mexico, Florida và đặc biệt Ohio.

Tại tiểu bang đông dân cư Montana thuộc Tây-Bắc Hoa Kỳ vẫn được coi là của CH theo truyền thống kể từ 1992, nay chỉ ”bố thí” cho ”gà nhà” một tỷ lệ khít khao: 49% (CH) - 45% (DC). Trong khi đó các tiểu bang vốn mệnh danh là ”giữ chìa khóa của tòa Bạch Ốc” như Colorado, New Mexico và Nevada đã dứt khoát chọn Barack Obama. Ngoài ra, Mississippi vốn đặc thù CH, nơi mang một dĩ vãng đầy hận thù chủng tộc, bạo động và sợ hãi; mặc dầu vậy 90% cư dân da đen ở đây đã bỏ phiếu cho DC. Thêm vào đó, một số tiểu bang khác cũng vẫn được đánh giá là ”thủ phủ” của CH, điển hình như Virginia và North Carolina... đã cấp cho Obama nhiều phiếu để đưa ông lên ghế tổng thống Hoa Kỳ.

Tóm lại, như dư luận trong nước lẫn trên thế giới đã suy đoán, ứng cử viên Barack Obama đã đắc cử chức vị tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc với 51% số phiếu và 338 đại biểu; trong khi John McCain chỉ được 48% và 156 đại biểu. Được biết, danh sách cử tri kỳ này gồm 226.844.130 người (năm 2004: 197.005.000) và tỉ lệ đi bầu là 76%, một trong những tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Đúng 2 giờ rạng sáng thứ Tư, từ trung tâm Phoenix, ông McCain đã chấp nhận thua cuộc, điện thoại chúc mừng đối thủ Barack Obama và tuyên bố trước đám đông: ”Hoa Kỳ đã bày tỏ rõ rệt. Tôi hoan hô ông Obama và tất cả những gì mà ông đã đạt được”. Sau đó, ông kêu gọi dân chúng Mỹ chân tình nỗ lực xóa bỏ mọi dị biệt để hòa hợp và hợp tác. Tổng thống George W. Bush cũng đích thân điện thoại đến với lời lẽ mang tính cách ”bài bản” thường lệ: ”Thưa ông tổng thống đắc cử, quả thật là một đêm tuyệt vời cho ông, gia đình ông và những người ủng hộ ông. Laura và tôi điện thoại đến chúc mừng ông và phu nhân”. Từ phương trời xa xôi, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đã điện thoại chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ.

Tại thủ phủ Chicago, lúc 3.30 giờ sáng Barack Obama đã ngỏ lời cám ơn những ủng hộ viên, gia đình, cách riêng phu nhân Michelle và các cử tri đã đặt tin tưởng nơi ông. Tân tổng thống nhấn mạnh: ”Nay là thời điểm của những việc thay đổi”.

Song song với kết quả bầu cử tổng thống, đảng CH đồng thời thú nhận cũng đã thua cả cuộc chạy đua vào quốc hội. Trong số 32 tiểu bang được phép tổ chức bỏ phiếu trước, cử tri đã dồn phiếu cho DC nhiều hơn CH. Theo đó, đảng DC gia tăng phe đa phần của mình lên tới 60 ghế ở Thượng viện; và tại Hạ viện, DC cũng đạt thắng lợi với 239 ghế, nắm quyền kiểm soát kể từ năm 1994 tới nay, trong khi CH chỉ được 199 chỗ mà thôi.

3 lợi điểm đưa tới đại thắng


Ở đây xin miễn nhắc lại lập trường chính trị, các chương trình, kế hoạch mà Barack Obama đã trình bầy trong thời gian tranh cử, chỉ mạn phép nói về những phương pháp mà ông đã sử dụng để đạt thắng lợi. Thứ nhất, đó là kỹ thuật. John F. Kennedy thắng cử năm 1960 là vì ông là ứng cử viên xuất sắc hiểu được sức mạnh của một phương tiện truyền thông mới thời đó: Truyền hình. Nay ông Obama đã tận dụng các ”websites” như Facebook và YouTube. ”Trang nhà” của ông đã giúp cho các ủng hộ/cảm tình viên gặp gỡ nhau dễ dàng cũng như tiếp xúc thuận lợi với ”bộ tham mưu-Obama”. Ngoài ra, ”ban vận động-Obama” còn dùng internet để quyên tiền khả dĩ thâu được một kỷ lục mà chưa từng một chính khách nào đạt tới trong lịch sử. Thiết tưởng cần lưu ý rằng người đã xây dựng cây cầu trong lãnh vực này vào năm 2004 chính là Howard Dean. Đương sự là ứng cử viên đầu tiên đã chứng tỏ một khả năng phong phú trên ”mạng” nhằm tổ chức và quyên tiền. Hiện ông Dean là lãnh tụ của đảng DC. Thứ hai, quá trình của Obama là một ”community organizer” ở Chicago. Đây là một “job” mà bà Sarah Palin lẫn ông Rudolph Guiliani đã chế nhạo trong bài diễn văn của họ nhân dịp đại hội đảng CH. Nhưng thực tế, chính kinh nghiệm nghề nghiệp đó đã mang lại cho ông Obama kiến thức về phương cách huy động các đội ngũ ở hạ tầng cơ sở. Đích thân Obama trong suốt thời gian tranh cử thường xuyên điện thoại hoặc ghé qua các địa điểm, văn phòng vận động tranh cử này để khích lệ và nâng cao tinh thần “phe” mình. Nhật báo bảo thủ Wall Street Journal đã phải khen ngợi: “Khả năng của ông Obama trong việc tổ chức một cuộc tranh cử đủ để hứa hẹn tốt đẹp về năng lực của ông trong việc điều hành một chính phủ”. Lợi điểm thứ ba mà Obama có được là nhờ ông đã rong ruổi khắp nước để “ăn thua đủ” với bà Hillary Clinton trong giai đoạn tranh cử sơ bộ. Các cử tri tại các tiểu bang mà theo truyền thống đã bỏ phiếu lâu rồi kể từ lần bầu cử sơ bộ đó, nay họ có cảm nhận rằng chính những lá phiếu của họ đã mang một ảnh hưởng và giá trị nào đó. Điều này đã lại huy động thêm nhiều nhóm mới nữa khả dĩ giúp Obama có điều kiện thiết lập nhiều tổ chức trong tất cả tiểu bang trước ông John McCain nhiều.

Đó là chưa kể các lợi điểm khác nữa đã mang lại chiến thắng cho Barack Obama, chẳng hạn hàng triệu người đã hoan hỉ dùng thời giờ rảnh rỗi của mình để tình nguyện tham gia vào cuộc vận động cho Obama; và quan trọng nữa là “ủy ban vận động-Obama” đã “ghi danh” được đông đảo kỷ lục những cử tri mới, đặc biệt giới trẻ và những người da đen.

Trông đợi nơi tân tổng thống


Ngay trong ngày bầu cử, đài CNN đã thực hiện một cuộc điều nghiên về những động lực quyết định lá phiếu của mình. Theo đó 60% cử tri cho biết đã lấy vấn đề kinh tế làm chủ yếu; 10% dựa vào nguyên nhân chiến tranh Iraq và 9% vì chính sách y tế.

Vâng, trong lúc này, Hoa Kỳ và thế giới hiện hữu giữa những cuộc khủng khoảng nghiêm trọng. Cơn khủng khoảng tài chánh khẩn thiết hơn cả và được liên kết vào niềm hy vọng là tân tổng thống Barack Obama sẽ dành mọi nỗ lực và ưu tiên cho việc điều chỉnh các thị trường. Cơn khủng khoảng khí hậu cũng cấp thiết không kém. Về điểm này, người ta trông đợi tân tổng thống Obama sẽ xoay chiều Hoa Kỳ từ vị thế chống đối xoay về hợp tác. Cả hai cơn khủng khoảng kể trên sẽ mang lại cho ông Obama cơ hội viết thành lịch sử. Thêm vào đó, Barack Obama cũng còn thừa kế Iraq và Afghanistan. Ông đã hứa sẽ nỗ lực nhiều hơn để trước hết mang lại chiến thắng cho các cuộc chiến này, thứ đến đưa quân nhân Hoa Kỳ trở về quê nhà. Cả hai việc này đều cần thiết và giá trị ngang nhau, tuy nhiên “nói dễ hơn làm”.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người đã dồn phiếu cho Barack Obama, bởi vì trước hết ông là niềm “hy vọng đen thực tế”. Hoa Kỳ vào thời kỳ lập quốc đã không ngăn chận được tệ trạng nô lệ do sự phân biệt chủng tộc. Tiếp tục tới nay người Mỹ da đen phần đông vẫn chịu thân phận đứng bên lề: Nghèo, ít học và thường lâm cảnh tù tội. Với việc tuyển chọn Barack Obama làm tổng thống, Hoa Kỳ muốn trao cho ông cơ may để chiến thắng tình trạng phức tạp đó, và cũng có thể để giúp đỡ các sắc tộc thiểu số ở các nước khác.

Đối với Âu châu, dân chúng tin rằng với tân tổng thống Barack Obama, người Mỹ đã đạt đến một khúc quanh trong trang lịch sử mới. Nhật báo Irish Times (Ái Nhĩ Lan) viết: ”Ông Obama đã hoàn toàn xứng đáng thắng cử nhờ những lý luận chính trị, khí phách và năng lực lãnh đạo”. Rồi đây mối liên hệ giữa Âu châu và Hoa Kỳ sẽ tốt đẹp hơn như tờ Le Soir ở Bỉ cũng đã nhận định: ”Một tổng thống da đen lãnh đạo siêu cường quốc Hoa Kỳ nay không còn là điều không tưởng nữa... Cả thế giới - đặc biệt dân chúng Bỉ và Âu châu - đã cảm phục năng lực của ông Obama. Để mang lại cơ hội cho việc đối thoại, cho chủ nghĩa đa văn hóa và cho các chiến dịch chống những biến đổi khí hậu. ”For changing!”. Người Âu đã cảm thấy ”quá đủ” với chủ thuyết chiến tranh và muốn có một sự xích lại sâu sắc gần nhau hơn trong chính trị. Họ muốn xóa bỏ danh sách gồm các từ ngữ liên hệ với chính phủ Bush: Iraq, Trung Đông, vũ khí hạch tâm, Abu Ghraib, Guantanamo, Kyoto, v.v... Phần thưởng cho dân chúng Âu châu chính là một vị tổng thống vốn quan tâm về kế hoạch bắc các nhịp cầu hơn là tiến hành chiến tranh. Điển hình là lập trường của tân tổng thống Obama về mối liên hệ với Nga sô cũng như về chủ trương đối thoại gần gũi với thái độ và quan điểm của các nhà lãnh đạo Âu châu, như Angela Merkel và Nicolas Sarkozy. Tờ Suddeutsche Zeitung ở Đức kết luận rằng với việc tuyển chọn ông Barack Obama làm tổng thống, ”người Mỹ muốn chứng tỏ với thế giới đất nước của họ vẫn có sức mạnh đổi mới dẫu trong những thời điểm khủng khoảng, hay có lẽ chính bởi sự khủng khoảng ấy”.

Hạ màn

Trong bất cứ cuộc tranh cử nào, dù ở cấp bậc gì đi nữa và tại bất cứ đâu, các ứng cử viên đã (phải) sử dụng đủ mọi đòn phép dưới mọi hình thức vừa để quảng cáo mình vừa để hạ (nhục) đối thủ. Một trong những mẫu quảng cáo được... chấm điểm là xấu xa nhất của phe Obama là đã chiếu hình một ông già khú đế với cặp kính đại lão đồng thời một giọng nói khàn khàn nổi lên: ”Cụ ấy cũng không biết cả đến cách gửi e-mail nữa”. Ngầm hiểu: McCain là một ông già gàn dở, lẩm cẩm. Các cố vấn của Obama thường mô tả McCain là người bất khả lường hoặc ”đã mất trí não” đến độ chạy tất ta tất tưởi lên Washington để mong giải quyết cơn khủng khoảng tài chánh. Ngược lại, John McCain luôn luôn gọi Obama là một ”socialist” (người theo chủ nghĩa xã hội) và khôi hài đen: ”Obama muốn gieo rắc sự phong phú” mà âm ”riches” nghe hao hao với ”syphilis” (bệnh giang mai).

Các hành động trên gọi là ”dogpipe” (còi gọi chó) mà trên chính trường Mỹ có nghĩa là sử dụng từ ngữ hay lối phát biểu nhằm cho một số nhóm nào đó nhận ra và phản ứng hoặc tác động một thứ phản ứng vô thức xuyên qua sự liên tưởng.

Nhiều người đã phản ứng trước việc ”chơi chữ” của bà Sarah Palin khi nữ ứng cử viên này đổ dầu vào lửa nấp dưới khuynh hướng kỳ thị và cực đoan bằng cách nói về ”real Americans” và ”pro-Americans”, ngầm ám chỉ Barack Obama là một ”người lạ”, đáng khả nghi về lòng ái quốc và lý lịch. Vào giai đoạn cuối của cuộc vận động tranh cử, phe McCain sử dụng cả ”còi” (pipe) lẫn ”kèn” (trumpet) nhằm khích động các cộng đồng Do Thái bằng cách báo động Obama là một ”tên khủng bố Hồi giáo”, xác quyết tên đệm của đương sự là Hussein đồng thời tung ra hình vẽ chân dung Obama bao phủ bản đồ Trung Đông.

... Giờ thì các màn bi hài kịch đã bế mạc. Nay người ta trông đợi tân tổng thống Barack Obama tận dụng năng lực sẵn có để ”thay đổi nước Mỹ, thay đổi thế giới”. Tuy nhiên cũng có thể nguy hiểm là những sự trông đợi một khi quá lớn lao lại dễ khiến niềm thất vọng trở nên cùng mức độ. Chúng ta vẫn chưa thể tiên đoán hoàn toàn nổi cơn khủng khoảng tài chánh trầm trọng đến cỡ nào, nhưng nó có thể làm hư hại nặng nề chức vị tổng thống của ông Obama. Nói thí dụ vậy thôi, chúng ta sống, ắt vẫn có quyền hy vọng và bởi thế dám tin tưởng. Thế giới nay cần một nước Hoa Kỳ vững mạnh, đầy tình thân hữu và xây dựng.

--------------------------
“I Am Reminded Everyday, I Am Not A Perfect Man, I Will Not Be A Perfect President. But I can promise you this, I will always tell you what I think and where I stand. I will always be honest with you about the challenges we face. I will listen to you when we disagree. And most importantly I will open the doors of government and ask you to be involved in your democracy again.”
Barack Obama October 29, 2008

"Tôi luôn được nhắc nhở mỗi ngày rằng tôi không phải là một người hoàn hảo, tôi sẽ không là một vị tổng thống hoàn hảo. Nhưng tôi có thể hứa với bạn rằng: Tôi sẽ luôn nói với bạn điều tôi nghĩ và quan điểm của mình. Tôi sẽ luôn trung thực với bạn về những thử thách của chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe bạn khi chúng ta bất đồng. Và quan trọng hơn tất cả, tôi sẽ mở những cánh cửa của chính phủ và thỉnh cầu sự tham gia trở lại của bạn vào nền dân chủ của chúng ta".
Barack Obama October 29, 2008.

Video vui mừng
http://cosmos.bcst.yahoo.com/up/player/popup/index.php?cl=10544097

Video những người ủng hộ ông John McCain chia tay sau khi thất cử
http://cosmos.bcst.yahoo.com/up/player/popup/index.php?cl=10543607

Video tổng thống Bush chức mừng tân tổng thống thứ 44 – Obama
http://cosmos.bcst.yahoo.com/up/player/popup/index.php?cl=10545624

No comments:

Post a Comment