Tuesday, October 14, 2008

XUNG DỘT GIỮA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM và TÔN GIÁO


Thông báo của diễn đàn X-cafevn.org về cuộc hội thảo

10-10-2008, 12:16 PM
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=19017

Thông báo của diễn đàn X-cafevn.org về cuộc hội thảo: Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công giáo gần đây.

Kính thưa quý vị,

Các cuộc xung đột giữa chính quyền Việt Nam và giáo hội Công Giáo Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người Việt khắp nơi. Nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề này đã diễn ra trên các diễn đàn trong và ngòai nước.

Diễn đàn X-cafevn chúng tôi, với chủ trương "tôn trọng sự khác biệt", cũng đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên với nhau về những sự kiện liên quan đến vấn đề thời sự này.

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận giữa chúng tôi với nhau đều chỉ mang quan điểm, góc nhin riêng của từng cá nhân riêng lẻ. Chúng tôi tự hỏi: Vậy thì quan điểm, nhận xét, phân tích của các tổ chức khác nhau với những lập trường, quan điểm chính trị khác nhau, về vấn đề này như thế nào? Các tổ chức đó có giải pháp nào để giải quyết nan đề này hay không? Nội dung của những giải pháp đó ra sao? Chúng sẽ được dư luận đánh giá, ủng hộ hay phê phán như thế nào?

Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, diễn đàn X-cafevn chúng tôi đã mời một số tổ chức chính trị của người Việt, hiện đang có mặt trong nước cũng như ở hải ngoại, cùng tham gia cuộc hội thảo với chủ đề: "Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công giáo gần đây".

Cuộc hội thảo sẽ được mở đầu với buổi hội luận trực tiếp vào lúc 9:30 tối giờ Việt Nam, thứ bảy, 11/10/2008.

Bảng giờ tương ứng:
7:30 AM giờ California (PST)
10:30 AM giờ New York (EST)
3:30 PM giờ London
4:30 PM giờ Paris
9:30 PM giờ Việt Nam
0:30 AM giờ Sydney (của ngày hôm sau, tức vào sáng sớm ngày Chủ nhật, 12/10/2008)

Nhóm điều hợp cuộc hội thảo: Nguyễn Thương Dân, Hồ Gươm, Trặc Trẹo.

Khách mời tham gia hội thảo:

- Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là đảng Việt Tân. Bác sĩ Đặng Vũ Chấn, ủy viên trung ương đảng Việt Tân, sẽ đại diện đảng tham gia hội thảo.
- Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
- Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ.

Chương trình hội thảo:
Khách mời sẽ có một bài tự giới thiệu về tổ chức của mình và một bản tham luận theo chủ đề hội thảo. Diễn đàn X-cafevn sẽ đăng tải trước khi mở hội luận để mọi người cùng tham khảo. Sau đó các bên sẽ cùng tham gia hội luận theo thời gian ấn định ở trên.

Diễn đàn X-cafevn sẽ cử một số thành viên tham gia hội luận cùng với khách mời của diễn đàn.

Sau buổi hội luận là phần thảo luận gián tiếp. Cuộc hội luận trực tiếp với sự tham dự đồng thời của tất cả các bên sẽ kéo dài trong khoảng từ ba đến bốn tiếng đồng hồ. Phần thảo luận gián tiếp, không đòi hỏi sự có mặt đồng thời, dự kiến sẽ kéo dài trong một tuần.

Cuộc hội luận trực tiếp và buổi hội thảo sẽ được tổ chức trong forum Đối Thoại của diễn đàn chúng tôi tại địa chỉ: http://www.x-cafevn.org/forum/forumdisplay.php?f=30

Bạn đọc trong nước, nếu bị ngăn chận bởi tường lửa (firewall), xin sử dụng các free anonymous proxy để vượt.
Trân trọng kính mời quý vị quan tâm theo dõi.
T/M Ban Tổ Chức Hội Thảo
Nguyễn Công Huân (aka. Tqvn2004)



Xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây
[*]

Phan Bá Việt
Đăng ngày 12/10/2008 lúc 07:07:12 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3181

Diễn tiến vụ Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà có thể tóm lược trong vài nét chính: tịch thu nhà đất một cách tùy tiện không văn bản, hứa trả lại đất, nhưng rồi không trả và đề nghị các mảnh đất khác, sau đó khẩn cấp công viên hoá các khu đất giáo phận đang đòi lại, bắt giam những người được coi là có uy tín trong khối giáo dân, gửi côn đồ tới khiêu khích và đánh đập giáo dân tham gia cầu nguyện.

Diễn tiến này không khỏi gây ra nhiều thắc mắc. Tại sao không trao trả những khu đất yêu cầu mà lại chỉ định các khu đất khác? Có phải vì những khu đất đòi hỏi đã được chuyển nhượng nên không thể trao trả? Tại sao không lập công viên tại các khu đất đã đề nghị cho giáo phận Hà Nội? Có phải vì lời tuyên bố của tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là khối Công Giáo chỉ đòi lại những nơi đã không được sử dụng vào công ích nên nhà nước đã vội vàng công viên hoá khu đất để vô hiệu hoá việc đòi lại đất? Tại sao lại vu khống và lăng nhục tổng giám mục Kiệt bằng các phương tiện truyền thông nhà nước? Tại sao lại sử dụng bọn xã hội đen?

Nhưng muốn hiểu những gì xảy ra cần ý thức trước hết một điều, đó là đề tài “Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây” tự nó đã chứa đựng một sai lầm. Không làm gì có xung đột và cũng không làm gì có tranh chấp. Bởi vì chỉ có thể nói tới xung đột và tranh chấp khi các đối tác trong cuộc tranh giành với nhau một quyền lợi mà cả hai đều có một lý do nào đó để cho là của mình. Đằng này chỉ là một sự bắt chẹt một chiều của một nhà nước cậy có bạo lực đối với một thành phần ôn hoà của xã hội dân sự. Công Giáo bị cướp đoạt đất một cách tùy tiện không qua một văn bản nào cả. Họ đòi hoặc phải trả lại họ hoặc phải có văn bản tịch thu hẳn hoi. Như vậy không thể gọi là một tranh chấp được. Vả lại các tôn giáo Việt Nam đều không có tham vọng chính trị nên không muốn và cũng không thể tranh chấp với chính quyền cộng sản. Đặc biệt là trong trường hợp Công Giáo thì hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn có khuynh hướng nhẫn nhục với chính quyền, theo như lời Chúa phán: "của César hãy trả cho César, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời", ngay cả khi César lấn sang quyền của Thiên Chúa. Thái độ nhẫn nhục quá đáng này nhiều khi đã khiến người ta phải phiền lòng. Bởi vậy quan hệ giữa Công Giáo, và các tôn giáo Việt Nam nói chung, với chính quyền cộng sản chỉ là một quan hệ đàn áp đơn phương.

Nhưng tại sao lại có quan hệ đàn áp đơn phương như vậy?


Tính toàn trị và quan liêu của nhà nước công sản

Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và ĐCSVN thì lại quan niệm rằng một khi mình đã cướp được chính quyền ("cướp chính quyền" là tiếng mà chính người cộng sản đã dùng để nói về Cách Mạng Tháng 8) thì tất cả đất nước là của họ. Đảng đã quy định quyền này bằng điều 4 của hiến pháp để biến Đảng thành một ông vua kiểu mới. Đảng là luật, chỉ một mình Đảng có quyền trên đất nước còn mọi người khác, mọi tôn giáo, phải thần phục, không có quyền đòi hỏi mà chỉ được phép xin, để Đảng tùy tiện cho hay không cho. Chính vì vậy nhà nước Việt Nam, công cụ của Đảng, đã tỏ ra hống hách quan liêu, không bao giờ chấp nhận là mình đã sai, không bao giờ muốn biết tới quyền của những người ngoài Đảng. Những ai có ý định đòi hỏi, không chấp nhận cách hành xử "xin-cho" thì phải bị đàn áp và trừng phạt. Trái với một nhận định hơi vội vàng, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa hề cáo chung tại Việt Nam, mô hình kinh tế của nó đã phá sản và không thể tiếp tục được nữa, nhưng văn hóa toàn trị của nó vẫn còn đó.


Sợ hãi xã hội dân sự

Như mọi chính quyền toàn trị, chính quyền cộng sản Việt Nam rất sợ xã hội dân sự. Vì vậy họ chủ trương bóp nghẹt xã hội dân sự. Các tôn giáo là những thành phần của xã hội dân sự. Các tôn giáo lại có số người đông đảo, có truyền thống lâu dài, có lòng tin và sự gắn bó cao. Đó là những thành phần xã hội dân sự bền vững nhất nên cũng phải bị khống chế chặt chẽ nhất. Xã hội dân sự là điểm trên đó lập trường của đảng cộng sản và của đối lập dân chủ đối chọi với nhau một cách rõ rệt nhất. Một bên, đảng cộng sản, coi xã hôi dân sự như một mối nguy cẩn phải triệt tiêu; một bên, đối lập dân chủ, coi đó là yếu tố nền tảng của đất nước cần được phát huy tối đa.

Trong dự án chính trị Thành Công Thế Kỉ 21, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phát biểu một quan điểm trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa cộng sản:

“Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị.

Ý niệm xã hội dân sự đã được xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây liên lạc đan xen đó tạo ra sự bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự cũng là những cái nôi cho ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự.

Trong mô hình xã hội của chúng ta, xã hội dân sự còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.

Mọi kết hợp đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất, của các kết hợp công dân có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Sức mạnh của xã hội dân sự từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị.

Xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của xã hội và đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Mọi chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và bất lực của quần chúng.

Triết lý của một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là công cụ của xã hội dân sự với sứ mệnh bảo đảm hoạt động lành mạnh của xã hội dân sự, để xã hội dân sự tạo hạnh phúc cho các công dân. Đó không phải là một sự từ nhiệm mà là một triết lý chính trị mới của một chính quyền đủ tự tin để đặt lòng tin vào các công dân. Trong quan hệ biện chứng với xã hội dân sự, nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là người trọng tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự”

Văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản Việt nam

Việt Nam là một trong những nước may mắn không thực sự có vấn đề tôn giáo. Số người có tôn giáo chỉ là một tỉ lệ nhỏ và họ cũng không hề quá khích. Công giáo 8%, tín đồ Phật Giáo thực sự, nghĩa là những Phật tử hành đạo một cách tương đối đều đặn vào khoảng 10%, Cao Đài và Hoà Hảo chỉ còn rất ít tín đồ thực sự. Một cuộc thăm dò gần đây của đại học Irvine, Hoa Kỳ, cho thấy gần 90% thanh niên Việt Nam tuyên bố họ không theo và cũng không muốn có một tôn giáo nào; gần 100% không muốn tôn giáo can thiệp vào hoạt động chính trị. Bất cứ một chính quyền nào, trừ chính quyền cộng sản, cũng không có lý do nào để phải lo ngại các tôn giáo. Vấn đề tôn giáo chỉ đặt ra vì, ngoài tâm lý toàn trị, văn hoá cộng sản về bản chất cũng không khác một văn hóa tôn giáo, nghĩa là cũng đòi người dân tin Đảng thay vì lý luận, cũng đòi được tôn sùng thay vì phê phán. Chúng ta có thể thấy văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản qua những ứng xử như việc thần thánh hoá các lãnh tụ (Hồ Chí Minh đã được đưa vào chùa và còn được cho ngồi ở nơi trang trọng hơn Đức Phật), việc đảng không bao giờ sai lầm, việc chủ trương xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, việc hô hào học tập đạo đức Hồ Chí Minh…. Chính văn hoá tôn giáo này đã khiến đảng cộng sản nhìn các tôn giáo như là các đối thủ.


Âm mưu chia rẽ Công Giáo với phần còn lại của dân tộc


Âm mưu lộ liễu của chính quyền CSVN là chia rẽ Công Giáo với phần còn lại của dân tộc. Họ muốn là dân chúng nhìn vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ như là một tranh chấp giữa một bên là chính quyền CS muốn xây công viên và thư viện, nghĩa là những tiện ích công cộng phục vụ toàn dân, và một bên khác là Công Giáo chỉ muốn giành các khu đất cho mình. Vì vậy nhà nước đã sử dụng các cơ quan truyền thông để xuyên tạc vu khống, để khích động dân chúng và cố tạo ra hiềm khích giữa dân chúng và người Công giáo. Chiến dịch đả kích và bôi nhọ tổng giám mục Kiệt -bằng cách cắt xén và xuyên tạc những gì ông nói và bịa đặt cho ông những ý đồ mà ông không hề có- nằm trong mục tiêu cô lập người Công Giáo để dễ đàn áp. Chúng ta cần phải cảnh giác với âm mưu này và lên án mạnh mẽ một chính quyền đang cố tình chia rẽ dân tộc. Chia để trị luôn luôn là chủ trương của những chính quyền toàn trị. Đó cũng là lý do khiến đảng cộng sản rất dị ứng với chủ trương Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không ngừng cổ võ. Chính vì “Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện cần cho thắng lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và cũng là điều kiện cần cho thành công của cố gắng phục hưng đất nước ngày mai” (TCTK21) nên chúng ta cần phải cảnh giác với mọi âm mưu phá hoại chất liệu nhân xã của dân tộc ta.


Vấn đề cụ thể: cướp đoạt nhà đất để chia chác

Ngoài những nhận định về triết lý chính trị chúng ta không thể bỏ qua một mâu thuẫn cụ thể giữa chính quyền CS và các tôn giáo, đó là vấn đề nhà đất. Đảng CS đã cướp đoạt quá nhiều nhà đất của dân chúng, trong đó có các tôn giáo. Khối dân oan hiện nay lên tới gần một triệu người. Vấn đề nhà đất không phải là vấn đề riêng của Công Giáo, hay của một tôn giáo nào, hay của các tôn giáo, mà là vấn đề chung của cả dân tộc. Cả một dân tộc bị cướp bóc! Chính vì vậy mà các biến cố Thái Hà và Tòa Khâm Sứ nguy hiểm cho chế độ vì sự phản kháng của Công Giáo có thể lây lan sang nhiều thành phần dân tộc khác. Trong lịch sử cận đại của thế giới chưa có trường hợp một đảng cầm quyền nào cướp đoạt nhà đất của dân chúng trên một qui mô lớn như tại nước ta. Nhà đất là một trái bom nổ chậm. Điều đó càng khiến nhà nước cộng sản sợ và phản ứng thô bạo.


Một hy vọng

Những phân tích trên đây một lần nữa tái xác nhận là trong tình trạng hiện nay tại Việt Nam điều được nhìn như các xung đột giữa chính quyền với các thành phần dân tộc thực sự mới chỉ là những đàn áp đơn phương của một chính quyền đồng hóa cai trị với thống trị. Sự kiện người Công Giáo không nao núng, vẫn giữ được quyết tâm mà không bị trượt tuột vào thái độ căm thù là một yếu tố rất quan trọng và là một hy vọng. Nó có thể tạo ra thay đổi tâm lý cả trong xã hội Việt Nam lẫn trong đảng cộng sản. Về phía xã hội Việt Nam nó tạo ra ý thức rằng dù quyền lợi chính đáng đến đâu cũng phải đấu tranh có tổ chức nếu muốn giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh của người Công Giáo Hà Nội đã có hiệu lực vì họ có tổ chức. Về phía đảng cộng sản từ chỗ không thể đàn áp người ta có thể dần dần bỏ tâm lý đàn áp và chấp nhận đối thoại như là phương thức văn minh hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những bất đồng. Chúng ta không mong đợi gì hơn.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cần một thay đổi lớn, thay đổi cả một văn hóa quyền lực. Đây là một thay đổi rất khó khăn vì ngoài một nhận thức mới họ còn phải giải quyết những sai lầm, kể cả những tội ác, đã tích lũy từ nhiều thập niên trong quá trình giành chính quyền, giữ chính quyền và lạm dụng chính quyền. Những người cầm quyền hiện nay không phải là nguyên nhân của phần lớn những vấn đề nghiêm trọng của đất nước, họ chủ yếu là những người đã kế thừa một di sản nặng nề. Chắc chắn rất nhiều người yêu nước sẵn sàng thông cảm những khó khăn của họ và sẵn sàng đánh giá những bước đi đúng hướng. Với điều kiện là chính họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận một đoạn tuyệt quyết định với tâm lý và những tập quán cũ.

Phan Bá Việt

(thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
[*] Tham luận đóng góp cho buổi hội luận ngày 11/10/2008 về đề tài “Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây”, do Diễn Đàn X-Café tổ chức.


Phân tích sự tranh chấp giữa CSVN với Công Giáo gần đây
Đặng Vũ Chấn (VNCTCMĐ)

(LÊN MẠNG Thứ hai 13, Tháng Mười 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4821

Chú Thích: Phân tích dưới đây được nhìn từ góc độ của người đấu tranh, không nhằm phản ánh quan điểm hay góc nhìn của giáo dân Thái Hà, Toà Khâm Sứ hay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Trong bài, chữ viết tắt CSVN đứng riêng được dùng để chỉ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Chúng tôi không dùng danh từ chính quyền để chỉ họ vì không muốn duy trì ấn tượng chính danh cho nhà nước CSVN hiện nay. Đặng Vũ Chấn
----------
CSVN hiện nay đang đứng trước sự bất mãn của nhiều thành phần nhân dân, như dân oan, nông dân, công nhân, thanh niên sinh viên, các nhà đấu tranh cho dân chủ, các giáo hội tôn giáo như Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất, Phật Giáo Hoà Hảo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo, đồng bào sắc tộc Tây Nguyên v.v.. Trong tất cả các thành phần nhân dân trên, có lẽ người công giáo là thành phần có khả năng mở ra phong trào tranh đấu bất bạo động tương đối hữu hiệu nhất vì đây là một tập thể có kỷ luật theo hệ thống tổ chức tôn giáo thuần nhất, có nhiều khả năng vận dụng hỗ trợ quốc tế, và có niềm tin khá tuyệt đối vào đấng tối cao, khó lay chuyển hơn là nếu họ tin vào một nhân vật trần thế có thể thay đổi theo thời gian. Thực tế ta thấy gì qua cuộc đấu tranh công khai của người dân Công Giáo gần đây, khởi đi từ cuối năm ngoái?


Cuộc Diễn Tập lần thứ nhất:

Vụ tranh đấu đòi lại đất Toà Khâm Sứ tại Hà Nội nổ ra công khai từ trung tuần tháng 12 năm 2007 sang tháng Giêng năm 2008. Lần đầu tiên qua vụ này ta thấy giáo dân đã theo đúng một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động:

1- Đấu tranh ôn hòa bằng hình thức cầu nguyện, một hình thức dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, vừa gia tăng niềm tin vừa khó gây ra những lý cớ để chế độ đàn áp, và dễ thu hút sự tham gia tập trung của đông đảo bà con giáo dân

2- Số Đông Người. Càng đông, người ta càng bớt sợ hãi, cho nên những lời lên án răn đe của nhà cầm quyền Hà Nội thay vì có thể uy hiếp tinh thần bà con lại có tác dụng ngược của sự thách thức khiến bà con càng đổ về tập họp cả nhiều ngàn người

3- Mục tiêu ban đầu nhỏ đơn giản: đòi ngưng thi công trên vùng đất đang tranh tụng, mà nhà thờ đã từng khiếu kiện đòi lại từ bao năm qua. Mục tiêu này làm cho CSVN ban đầu không có lý do thẳng tay đàn áp, trong lúc số người tham gia cầu nguyện chưa đủ đông.. Mục tiêu không to lớn trừu tượng, bà con liên hệ được để mạnh dạn tham gia bước đầu

4- Có kỷ luật, tổ chức. Các giáo dân đã rất kỷ luật và có tổ chức để bảo vệ nhau và bảo vệ các người lãnh đạo của mình. Những công an mật vụ được gài vào đám đông đều bị phác hiện và không vô tới được vòng trong gần ban lãnh đạo.

5- Đẩy CSVN vào thế tiến thoái lưỡng nan: CSVN nếu để yên thì phong trào càng lớn, nếu nhượng bộ thì mở đường cho các thành phần nhân dân bất mãn khác cùng theo nhau đứng dậy, nếu dùng bạo lực đàn áp thì sẽ trả giá đắt với dư luận và áp lực quốc tế, trong lúc đang cần hội nhập vào thế giới văn minh để làm ăn.

Nhưng CSVN không thiếu bản lãnh. Biết rõ hệ thống chỉ huy trong tổ chức giáo hội Công Giáo, họ đã đi thẳng lên cấp quyền Công Giáo cao nhất là Vatican. Không biết hai bên đã ngầm thỏa thuận với nhau điều gì, chỉ thấy CSVN hứa sẽ giải quyết vấn đề đất đai của toà Khâm Sứ và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone của Vatican đã gửi thư ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội giải tán các cuộc cầu nguyện tập thể. Sau đó tình hình tạm lắng đọng mặc dù cốt lõi vấn đề vẫn còn nguyên. CSVN ổn định được tình hình, và có thêm thì giờ để rút kinh nghiệm, chuẩn bị kế sách đối phó với các biến động sau này hữu hiệu hơn.
Có người thất vọng bất mãn với lệnh giải tán trên từ Vatican. Nhưng nhìn kỹ, thì đây là một quyết định khôn ngoan. Chắc Vatican cũng hiểu bản chất CSVN là phải cướp và nắm chính quyền bằng mọi giá. Cho nên nếu mà giáo dân Hà Nội tiếp tục đẩy tới, dồn CSVN vào chỗ bế tắc, đe dọa trầm trọng vào sự ổn định của chế độ độc tài, và với tương quan lực lượng lúc này vẫn còn nghiêng quá nhiều lợi thế về phía CSVN, thì có xác xuất cao họ sẽ làm một Thiên An Môn thứ hai bất chấp giá phải trả với thế giới. Hoặc nếu không có Thiên An Môn, mà CSVN cứ khoanh vùng và chai lỳ, cuộc tụ tập đông người sẽ khó kéo dài mãi mãi mà không bị soi mòn rơi rụng vì bản chất tự nhiên của phong trào quần chúng. Nên giải tán để bảo toàn lực lượng là bước lui binh chiến thuật rất khéo, sau khi giáo dân đã làm các thi công trên vùng đất tranh chấp phải tạm ngưng, đã có được cơ hội thực tập đối đầu với bạo lực, xác quyết được niềm tin và tạo sự chú ý của thế giới.


Trận thử lửa lần thứ 2: Vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ

Vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ lần này bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2008 cho tới nay. Thời điểm thoạt đầu tưởng bất lợi cho CSVN khi họ đang phải đối đầu với những khó khăn khác như kinh tế suy thoái, lạm phát phi mã, và nhất là khi có những nhen nhúm hâm nóng việc họ bán đất nhượng biển cho Trung Quốc nhân dịp 50 năm đánh dấu công hàm ô nhục của thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng vào tháng sau, 14-9 (gọi tắt là vụ Hoàng Sa Trường Sa, HS-TS).

Nhưng với kinh nghiệm già dặn ranh mãnh, CSVN thay vì bị ở thế tứ bề thọ địch, đã xoay trở để biến tình hình thành cơ hội làm loãng đi vụ HS-TS. Bộ máy tuyên truyền của họ đã im lờ đi mọi đề cập về HS-TS trong lúc họ lặng lẽ tung chiến dịch trấn áp triệt để các thành phần, nhân vật mà họ nghĩ có lien quan đến vụ HS-TS, dập tắt kế hoạch biểu tình lên án bá quyền Trung Quốc của thanh niên sinh viên ngay trong trứng nước. Thay vào đó bộ máy tuyên truyền của chế độ thổi lớn lên những lên án đả kích giáo dân Thái Hà và đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

CSVN phải chuyển mọi chú ý của dư luận trong nước ra khỏi vụ HS-TS vì đây là điểm nhược nhất của họ. Họ hiểu rõ hình ảnh hành động bán nước, khôn nhà dại chợ, hung hăng bịt miệng đồng bào yêu nước của mình trong khi đó lại mềm nhũn trước sự lấn át chi phối của Bắc Kinh, là điều mà toàn thể nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận nếu mọi người đều biết. Và nguy hiểm nhất cho họ là hình ảnh đó đang bắt đầu được truyền bá trong hàng ngũ quân đội và công an, vốn là những trụ cột chính chống đỡ bảo vệ chế độ, với lời ngầm kêu gọi nhau rằng quân đội là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ Đảng. (ông Nguyễn Minh Triết đã phải bay vào Nam đích thân sinh hoạt với Quân Khu 5, vùng có trách nhiệm trên các vùng đảo HS-TS, để trấn an những bức xúc của các chiến sĩ Quân Khu này). Cho nên đối với CSVN, vụ Thái Hà trở nên tương đối nhỏ, dễ giải quyết khắc phục, nhất là sau khi họ đã rút được một số kinh nghiệm đối phó từ lần trước. Vì thế họ có vẻ chủ động làm lớn chuyện này trong nước để thu nhỏ quan tâm của quần chúng vào vụ mất đất nhỏ của riêng giáo xứ Thái Hà thay vì vào vụ mất đất mất biển lớn của chung cả tổ quốc


Những chiêu thế của CSVN trong vụ Thái Hà lần 2:

Tuyên truyền áp đảo sớm: Các báo đài đồng loạt đưa tin rất sớm xuyên tạc lên án các hành động cầu nguyện tập thể cuả giáo dân để dọn đường cho thái độ cứng rắn của nhà nước.

2- Sử dụng bạo lực sớm:
cô lập khu vực, dùng lựu đạn cay giải tán cuộc tụ tập cầu nguyện, cho côn đồ hành hung giáo dân, bắt bớ các giáo dân bị nghi là nồng cốt chỉ đạo, trước khi những cuộc cầu nguyện thu hút đủ số đông khó dẹp

3- Đặt giáo dân trước sự đã rồi: gấp rút thi công xây công viên và thư viện trên vùng đất tranh chấp trong thời gian kỷ lục, khiến giáo dân khó đòi mà nếu làm lớn chuyện cứ đòi thì rơi vào thế đã gài sẵn như sau:

4- Thổi lên hình ảnh giáo dân Công Giáo là thành phần xấu ích kỷ, đặt quyền lợi riêng trên nhu cầu phục vụ quần chúng, thiếu nhi của nhà nước, với vị chủ chăn Ngô Quang Kiệt “không muốn nhận mình là người Việt Nam”. Thuê thường dân và xã hội đen đến quấy phá chửi bới khiêu khích giáo dân, thổi lên hình ảnh nhân dân đang chửi chống thiểu số giáo dân. Có lẽ CSVN qua đó muốn như sau:

5- Chia để trị: tạo sự phân hóa chia rẽ giữa các thành phần dân tộc, khích động sự xung đột giữa giáo dân và người ngoại đạo, để người dân quên đi mối nhục chung là độc tài đã nhường đất biển cho ngoại bang.

6- Xiết và nhả trong tư thế bề trên: Bên cạnh sự cứng rắn áp đảo, CSVN cũng nhả ra một chút, đưa ra ba miếng đất để Tổng Giám Mục Hà Nội chọn một để thế cho miếng đất toà Khâm Sứ đã bị trưng thu , với điều kiện phải làm đơn xin phép. Đây là cung cách quen thuộc cố hữu của CSVN: xiết cổ nạn nhân cho gần quỵ rồi nhả ra một chút cho thở, nạn nhân sẽ biết ơn được ban cho sự sống và quên rằng sống thở thoải mái không bị ai xiết họng là quyền tự nhiên của mình.


Những thế đối phó của Công Giáo Việt Nam:

1- Giữ vững kỷ luật hàng ngũ: triệt để bất bạo động, không rơi vào bẫy khích động bạo động của công an và đám côn đồ được thuê tới. Vì bạo động là cung cấp cho CSVN có lý cớ để thẳng tay dùng bạo lực đàn áp.

2- Bám chặt đối phương để giảm thiểu bạo lực: Các linh mục và giáo dân đã thắng một bước khi buộc được viên chỉ huy công an phải làm biên bản về cuộc tấn công bạo động của công an và bọn côn đồ. Việc công an làm biên bản theo sự yêu cầu của dân là dấu chứng xác nhận " giáo dân chúng tôi là những công dân tôn trọng luật pháp, tôn trọng thẩm quyền của công an dù bất đồng, là nạn nhân của bạo lực, công an không có lý do gì mà đàn áp thêm mà còn có trách nhiệm phải bảo vệ chúng tôi". Có lẽ vì thế mà bạo lực đã khó mà leo thang tiếp từ phía nhà nước.

3- Nâng cấp đấu tranh: nâng cấp đòi hỏi lên một bước rộng hơn, đòi Công Lý Công Bình và Sự Thật. Sau tám tháng chờ đợi để thấy rõ hơn nhà nước thất hứa, dùng thủ đoạn gian trá, và sau khi bị khích động bởi bạo lực đã không khuất phục được niềm tin, sự quyết tâm và dấn thân của giáo dân đã chín mùi để mở ra mục tiêu cao hơn. Và mục tiêu này phổ quát chung cho mọi thành phần dân tộc để phá đi hình ảnh ích kỷ cục bộ của thiểu số mà nhà nước đã cố tuyên truyền xuyên tạc về giáo dân. Ngoài ra cũng nâng cấp nhập cuộc của hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Không còn một LM Nguyễn Văn Lý cô đơn trước sự im lặng của đồng sự, mà dần dần đã lên tới cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức lên tiếng bênh vực cho con chiên và lẽ phải, vun bồi thêm niềm tin tranh đấu.

4- Cốt chắc vỏ mềm:
lần này ta có thể cảm nhận được sự kiên quyết đi tới cùng của công giáo VN. Nhất định không chấp nhận việc xin cho đất để thỏa hiệp về việc đất nhà thờ bị cướp mất, mà còn mở rộng tầm tranh đấu như ở trên. Thế mà nghe và đọc các lời báo cáo, tuyên bố của các vị lãnh đạo tinh thần Công Giáo, ta không hề thấy những từ ngữ nặng nề tấn công CSVN mà hầu hết là những lời ôn tồn hòa hoãn kêu gọi sự bền tâm vững tin vào lẽ phải. Phong cách trên không những thể hiện bản lãnh của những người đầy niềm tin vào nội lực của mình, không như những thùng rỗng kêu to, mà còn bộc lộ rõ sự tương phản giữa một bên là sự trong sáng tử tế đầy thiện ý và bên kia là sự trí trá xảo quyệt của CSVN. Phong cách tử tế này cũng buộc CSVN ít nhất phải tỏ vẻ tử tế tương xứng theo.

5- Vận dụng báo đài hải ngoại và quốc tế để trung hòa tuyên truyền xấu từ truyền thông nội địa:
Những tin tức trung thực về cuộc tranh đấu, tiếng nói của giáo dân, cha xứ, Hội Đồng Giám Mục đã có cơ hội chọc thủng tấm màn bưng bít xuyên tạc một chiều của bộ máy tuyên truyền CSVN nhờ truyền thông bên ngoài bắn ngược vào trong nước

6- Kêu gọi được sự hiệp thông rộng rãi lan rộng khởi đầu từ các giáo xứ khác sang dần đến các thành phần dân tộc khác, ra cộng đồng người Việt hải ngoại, cho tới Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất trong nước cũng đã bày tỏ sữ cảm thông hỗ trợ. Cơ sở cho một liên minh dân tộc thực sự đang có triển vọng được xây dựng.

Từ những nhận xét trên, những điều có thể rút tỉa:

1- Đấu tranh bất bạo động không phải là lối đấu tranh thụ động tự phát. Nó đòi hỏi tính tổ chức, kỷ luật, cân nhắc đấu trí, liên tục đánh giá tương quan lực lượng hai bên để có những bước tiến lùi công thủ cho hữu hiệu. Nó có lúc sẽ dấy lên những phong trào sôi nổi, có lúc lặng xuống nhưng vẫn ngún như than hồng bên trong.

2- Cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội hiện nay đang vào giai đoạn than hồng giữ lửa sau khi bùng lên và đạt được một số thành quả tiếp theo trận diễn tập lần đầu: quan trọng nhất là nó đã được nâng cấp về chiều sâu lẫn độ rộng như đã viết ở trên.

3- Nhưng nó vẫn còn khó mà đi đến thắng lợi sau cùng, giống như các cuộc đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất, của Phật Giáo Hòa Hảo, của Tin Lành, của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, của dân oan, công nhân hay của thanh niên sinh viên yêu nước hay các nhà đấu tranh dân chủ, khi nó chưa được lồng vào trong cùng nhịp với sự bức xúc khắc khoải chung của mọi thành phần dân tộc trong nước. Khi chưa đánh trúng vào tần số chung của mọi thành phần, thì những cuộc đấu tranh của từng thành phần kể trên vẫn mới chỉ có tác dụng quấy rối chế độ một cách lẻ tẻ dù có liên hòan; có soi mòn đẩy lùi chế độ độc tài mau hay chậm vẫn còn tùy thuộc vào bản lãnh ứng phó, kinh nghiệm ma mãnh, mức độ phi nhân bản của nhà cầm quyền độc tài, những điều mà CSVN không thiếu.

4- Khi có được một thông điệp chung mà tất cả các thành phần dân tộc đều liên hệ được và thấy mình trong đó, người người sẽ tham gia tích cực đấu tranh một cách đồng bộ đưa tới một con số đông quần chúng tới mức độ mà bạo lực không còn có thể trấn áp được nữa và phải quy hàng. Lúc đó cuộc cách mạng hòa bình bất bạo động ít đổ vỡ sẽ thành công như đã thành công tại Đông Âu.

5- Liệu thông điệp mà công giáo Việt Nam phần nào đề xuất: Tranh đấu cho Công Lý, Công Bình, Sự Thật, có đủ tác dộng để làm thông điệp chung kể trên chưa? Nó có đánh động chung lòng người mạnh hơn là những từ Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, Chống Tham Nhũng, Đòi Tăng Lương, Đòi lại Hoàng Sa Trường Sa v.v... không? Nó có tạo điều kiện tốt hơn để soi mòn các trụ cột chống đỡ chế độ không? Có một thông điệp nào hay hơn nữa không? Câu trả lời xin dành cho tất cả chúng ta.

Đặng Vũ Chấn(Đảng Việt Tân)



Phân tích xung đột giữa tôn giáo và nhà nước Việt Nam
THTNDC
Ngày 11.10.2008
http://www.thtndc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=293:phan-tich-xung-t-gia-ton-giao-va-nha-nc-vit-nam&catid=51:vanbanchinhthuc&Itemid=70

Giới thiệu với bạn đọc bản tham luận về chủ đề Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công giáo gần đây trên diễn đàn X-cafevn
Mời bạn đọc xem toàn bộ buổi đối thoại tại đâyhttp://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=19017

Trải dài theo lịch sử, các hình thức phát triển xã hội loài người cho đến nay, xung đột giữa tôn giáo và chính quyền không phải hiếm, nhất là trong thể chế Nhà nước-cai trị (hiểu theo ý ngược với Nhà nước- lo cho dân). Lý do chính nằm ở chỗ trong những thể chế ấy, tôn giáo được hiểu theo một cách- không- bình- thường.

Tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đó là một hiện tượng xã hội và còn tồn tại lâu dài với thiên chức hướng con người đến những cái tốt, cái thiện giữa đạo và đời. Chính sự tác động vào tâm linh của con người nên tôn giáo có khả năng gắn kết những con người có cùng tín ngưỡng, tôn giáo mà không cần sử dụng đến một sức mạnh vũ lực nào. Bản chất tự nhiên của tôn giáo là không làm chính trị. Nhưng đối với thể chế Nhà nước-cai trị, khả năng gắn kết người theo đạo của tôn giáo là mối nguy hiểm cho chính quyền cai trị và như vậy, hoặc họ dựa vào tôn giáo để ru ngủ dân, hoặc đàn áp tôn giáo.

Ở Việt Nam, với lý luận cộng sản coi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (được hiểu theo “tính dễ bảo” của người nghiện sau khi có thuốc), Nhà nước đã có những quan niệm và chính sách không đúng về tôn giáo, tạo nên thế đối đầu. Công giáo chỉ là một trong những tôn giáo tồn tại ở VN “ bị đặt” vào thế đối đầu với chính quyền từ những quan niệm và chính sách ấy. Ngoài Công giáo, ví dụ điển hình là Phật giáo: chùa chiền bị cách mạng trưng thu, bị đập phá sau những cuộc thanh trừng; đối với Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhà nước đã thật sự thành công trong việc phá nát bản chất của đạo phật, vô hiệu hoá tư tưởng của đạo giáo đối với nhân dân. Tuy thời gian gần đây đã có những tiến bộ, cho mở lại các chùa chiền, nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, còn thực chất việc tu hành đã bị mai một biến tướng.

Nhắc lại như vậy để nhấn mạnh rằng xung đột giữa Công giáo và nhà nước Việt Nam gần đây chỉ là một biểu hiện nhất thời của mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu giữa nhà nước với tôn giáo nói chung, và Công giáo nói riêng. Trước Công giáo, Phật giáo cũng từng lên tiếng đòi lại đất bị trưng thu nhưng bị dập tan nhanh chóng.

Những bài phân tích và lý giải xung quanh sự việc ở giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ đã rất nhiều, ủng hộ hành động của giáo dân có, chỉ trích cũng có. Bài tham luận của THTNDC xin được bàn đến hai đặc điểm của xung đột này với những nhận định riêng của Tập Hợp, đồng thời trình bày suy nghĩ về cách giải quyết xung đột.

Xung đột về quyền sở hữu đất

Hai mảnh đất ở giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ trước đây Phật giáo dùng để hành đạo, rồi Pháp chuyển sang cho Công giáo sử dụng. Sau khi miền Bắc thiết lập chính quyền cộng sản thì mảnh đất bị xung công như là “thuộc sở hữu của toàn dân” và từ đó nhà nước sử dụng theo ý mình.

THTNDC không đi sâu vào vấn đề xác định ai là chủ thực sự của hai mảnh đất này, bàn cãi xung quanh nó cũng đã nhiều và thực sự chưa có lý lẽ nào là thuyết phục hoàn toàn. THTNDC quan tâm đến những tác nhân khác có thể có trong sự tranh chấp này.

Tại sao ngoài một số giáo xứ cùng cầu nguyện với giáo dân ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, các giáo phận khác và đặc biệt là Tòa tổng giám mục Sài Gòn không có phản ứng? Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn không hề lên tiếng, ngoại trừ việc minh định (tuy chỉ là trích dẫn đầy đủ bài phát biểu chứ không thể hiện thái độ) lời nói của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt.

Nguyên nhân chính là sợ ảnh hưởng và chưa có lý do trực tiếp nào để toàn Công giáo đối đầu với nhà nước. Nguyên cớ và bằng chứng mà giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ đưa ra chỉ là tranh chấp mảnh đất. Nhưng nếu có chính sách bài xích Công giáo thì Công giáo sẽ phản ứng khác, nhất là khi mối quan hệ giữa Vatican và nhà nước đã thiết lập lại, Công giáo trong nước có sự ủng hộ của Vatican.

Tuy nhiên, cũng như thế giới, Vatican không có biểu hiện nào dứt khoát về tranh chấp này. Sự mập mờ lịch sử vùng đất tranh chấp, vấn đề đúng sai chưa xác định giải thích thái độ này. Nếu khi sự việc chưa có lý lẽ nào thuyết phục mà Vatican tỏ thái độ ủng hộ, hay một hành động động viên giáo dân thì có nghĩa Vatican xem bên Tổng Giám Mục đúng, như vậy chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với Vatican vừa mới thiết lập sau nhiều khó khăn.

Nếu xét xung đột giữa công giáo và nhà nước ở góc độ quyền sở hữu đất thì câu hỏi đặt ra : tại sao vấn đề trưng thu đất đã rất lâu rồi mà đến nay xung đột này mới diễn ra ? Thực ra, quyết định chuyển mảnh đất tranh chấp sang tay tư nhân để kiếm lợi cho quan chức đã châm ngòi cho tranh chấp ở Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Đó là xung đột giữa lợi ích chung (của cộng đồng) và lợi ích riêng (của quan chức), và trong quan niệm của người theo đạo còn là sự xung đột giữa sự nhơ bẩn văn hóa (chuyển đất Thánh thành đất kinh doanh karaoke, lố lăng) và thiên hướng chân- thiện- mĩ của Công giáo. Chính sự xung đột lợi ích và văn hóa ấy đã tạo nên sự phản kháng của giáo dân.

Quyết định chuyển đất tranh chấp sang công viên là cách giải quyết có sự nhượng bộ từ cả hai phía. Bài phát biểu của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ngày 20.9.2008 trong cuộc gặp với UBND Hà Nội đã cho phép nghĩ đến khả năng giải quyết bằng thỏa hiệp xung đột ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ diễn ra cả năm nay : “Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung. Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ dám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi dám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung…”. Phía Công giáo từ bỏ đòi đất nhân danh quyền sở hữu. Phía chính quyền từ bỏ ý định chuyển thành đất tư nhân mảnh đất tranh chấp.

Rõ ràng, Nhà nước “buộc” giải quyết tranh chấp bằng cách nhượng bộ này, và đây là lần đầu tiên. Trước đây, với Phật giáo, nhà nước thành công khi đàn áp thẳng tay. Kết quả có được từ sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ chứng tỏ sự kiên cường của giáo dân qua cầu nguyện ảnh hưởng đến khả năng đặt nhà nước vào thế thương lượng. Sớm hay muộn, nếu nhà nước muốn tránh những xung đột này thì cần thay đổi luật đất đai, tất nhiên sẽ không thể là luật có tính hồi tố.

Xung đột chính trị ?

Xung đột chính trị là xung đột có mục đích chính trị (quyền lực chính trị, các quyền chính trị của công dân như tự do tín ngưỡng, tôn giáo…) giữa một nhóm người (có tổ chức) với các cơ quan nhà nước, và đòi hỏi một giải pháp chính trị, tức là giải pháp thông qua thảo luận chứ không phải bằng vũ lực.

Với THTNDC, đó chỉ là một giả thuyết. Hẳn nhiên, khả năng thiết lập mối quan hệ giữa vấn đề đất đai và tự do tín ngưỡng, tôn giáo là có bởi không ít thì nhiều việc trưng thu (nhiều khi bừa bãi) đất của tôn giáo cũng nhằm mục đích hạn chế, đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, không chỉ tôn giáo mà còn các tầng lớp khác của xã hội đều liên quan đến xung đột đất đai : nông dân ở miền Tây, miền Đông, miền Trung. Vấn đề đất đai ở Việt Nam vì thế không phải là vấn đề có thể trở thành xung đột chính trị đòi tự do tôn giáo, mà đơn thuần là xung đột từ luật đất đai. Nhưng từ xung đột đang có giữa Công giáo và nhà nước, với cách “lái” công luận của chính quyền, xung đột về quyền sở hữu có thể gây nên chia rẽ, hận thù giữa Phật giáo và Công giáo- xung đột tôn giáo.

Xung đột chính trị (nếu có) nằm ngoài tranh chấp nhất thời hiện nay, nó là mâu thuẫn từ lâu nay giữa tôn giáo và chính quyền cộng sản, mâu thuẫn đã buộc tôn giáo vào thế đối đầu với chính quyền để đòi không gian tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Giải quyết sự xung đột chính trị này mới thật sự là khó ở Việt Nam.
Không những chế độ cộng sản, mà các thể chế không dân chủ đều sợ sức mạnh của tôn giáo. Chúng ta còn nhớ dưới thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm, Phật giáo bị đàn áp ở thập niên 60 và biến cố này, nếu không phải là yếu tố chủ yếu thì cũng là một yếu tố dẫn đến cuộc đảo chánh được gọi là cách mạng tháng 11 năm 1963, mà kết quả là ông Diệm và ông Nhu đã bị lật đổ.

Mục tiêu hoạt động của tôn giáo là truyền đạo, đạt đến chân- thiện- mĩ, thiên đường do tôn giáo ấy vẽ nên, chứ ko phải tranh chấp chính trị. Nếu có bất công thì tôn giáo có thể tạo nên lực lượng chống đối, hoặc đồng lõa với lực lượng chống đối. Các xã hội dân chủ tôn trọng hoạt động chính trị và tự do tôn giáo và hạn chế những bất công; nhà nước do dân bầu lên có sự tin tưởng từ nhân dân nên sự sợ hãi tôn giáo lấn chiếm vào đời sống xã hội dân sự, chính trị là không có.

Một xã hội cộng sản với thể chế toàn trị thì không thể có dân chủ, không thể giải quyết được mâu thuẫn này.
Ngày 11.10.2008
THTNDC


No comments:

Post a Comment