Vắt kiệt tuổi thơ
16-10-2008 07:12:59 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/242868.asp
0 giờ. Nhiều quán bar, nhà hàng trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão... (quận 1 - TPHCM) tấp nập khách ra vào. Dưới ánh đèn lập lòe của quán bar GO2 GO2 GO2, một đứa trẻ ngái ngủ xuất hiện, chậm rãi đến từng bàn mời khách mua kẹo, thuốc lá. Chừng 5 phút sau, một nhóm trẻ khác cũng kéo đến, tranh nhau mời từng người khách...
Tôi vẫy đứa trẻ lại trò chuyện. Em tên Cường, 12 tuổi, quê Bến Tre. Bố mẹ Cường bỏ nhau, em về sống với bà nội một thời gian rồi bỏ lên TPHCM, đụng đâu ngủ đó, kiếm được gì ăn nấy. Lang thang một thời gian, Cường gặp Minh “xụ”. Minh “xụ” cho em vay một ít tiền làm vốn để mua kẹo, thuốc lá, hoa hồng và bước vào cuộc mưu sinh ở những quán bar. “Đêm nào cả bọn cũng thức trắng để bán hàng, nhưng chủ yếu là xin tiền để sống”- Cường thành thật.
Bé Lương, 5 tuổi, bán kẹo, thuốc lá tại bar Majestic lúc 4 giờ sáng
http://www.nld.com.vn/img/4480/8-9tre-1.jpg
Trắng đêm mưu sinh
3 giờ. Cả dãy phố vẫn còn náo nhiệt bỗng cơn mưa ập xuống. Mọi người tìm chỗ trú ẩn. Trong tiếng sấm chớp ì ầm, Cường vừa chạy vừa lấy người che khay đựng kẹo, thuốc lá cho khỏi ướt, rồi chui tọt vào ống cống của một công trình đang làm dở để trú mưa. Mãi 1 giờ sau mưa mới tạnh hẳn. Tôi đi ngang ống cống và thấy Cường khoanh người ngủ ngon lành. Bên kia đường, Hỏn, Sơn “gù”, Minh “xụ”... vẫn đang tranh thủ níu kéo một cặp vợ chồng du khách nước ngoài để nài nỉ bán kẹo, thuốc lá...
Trong góc tối trước ngôi nhà đối diện với bar GO2 GO2 GO2, một người đàn ông ngồi trên xe máy tựa lưng vào tường gật gà ngủ. Tôi giả vờ lại kêu xe ôm để tìm cách nói chuyện với ông ta. Người đàn ông giới thiệu tên Quang, bảo: “Tui đang chờ mấy đứa trẻ bán hàng mang tiền về. Cả 3 đứa con tui đều đi bán hàng đêm”. Ông chỉ hai bé gái đang đi vào bar, cho biết: “Đứa đi trước là Thảo, con tui, năm nay 12 tuổi, bán hàng được 5 năm, giờ đang học lớp 4 tại một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Đứa đi sau tên Tâm, con em gái tui gửi từ Huế vào, ngày đi học, tối bán hàng phụ tui kiếm sống”.
Những đứa trẻ này vẫn kiên nhẫn mời khách mua kẹo, thuốc lá lúc rạng sáng
http://www.nld.com.vn/img/4480/8-9tre-2.jpg
Bên một góc tường, tôi thấy Hiếu, con trai đầu của ông Quang, đang nằm co ro. “Tụi em phải tranh thủ ngủ khi trời mưa hoặc vắng khách. Còn em, bữa nay phải ngủ nhiều, lấy sức mai còn làm bài thi” - Hiếu cho biết. Do hoàn cảnh khó khăn, cả ngày đi học, tối lại thức suốt đêm để bán hàng nhưng chẳng mấy khi Hiếu phàn nàn gì với cha mẹ. Hiếu bộc bạch: “Có nhiều đêm thức trắng, sáng đến lớp không sao mở được mắt nhưng tối về cũng phải đi bán hàng. Không đi bán sợ không có tiền ăn học”.
Không làm lấy gì ăn!
Mãi đến 5 giờ, ông Quang chở mấy đứa con, cháu về một căn phòng nhỏ nằm trên đường Trần Văn Đang, quận 3. Chỉ kịp rửa ráy qua loa, Hiếu và Thảo vội thay bộ đồ đồng phục học sinh rồi chào cha mẹ, đạp xe thẳng đến trường. Cô giáo Lê Hồng Ánh, chủ nhiệm lớp 8/6 Trường THCS Bạch Đằng, nhận xét: “Tôi mới làm chủ nhiệm lớp, chưa tiếp xúc nhiều nhưng thấy Hiếu khá chăm học và lễ phép”. Theo một số bạn bè trong lớp, trước đây Hiếu học rất tốt, nhưng thời gian qua em có vẻ căng thẳng, nhiều hôm nằm gục xuống bàn ngủ ngay trong giờ học. Khi nghe tôi khuyên ráng học, Hiếu tâm sự: “Em cũng không dám ước mơ gì, chỉ mong sao đêm nào cũng bán được hết hàng để về sáng còn đi học”.
Một đêm, cạnh bar Majestic góc đường Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, tôi gặp một phụ nữ chừng 30 tuổi, trên tay bế một đứa bé đi về một góc hẻm tối. Đặt nó xuống đường, chị đưa mấy bịch sing-gum, vài nhánh hoa hồng rồi bảo bé vào mời khách. Thằng bé chập chững chạy vào bán hàng. Khoảng gần 1 giờ sau, nó lúp xúp chạy ra, đưa cho người phụ nữ nọ một ít tiền rồi lăn ra đường ngủ ngon lành. Khi tôi lân la hỏi chuyện, chị ta cho biết: “Con tui đó, tên Lương, năm nay 5 tuổi, chưa đi học”. Tôi thắc mắc: “Lương nhỏ xíu vậy sao bắt nó thức đêm bán vậy chị?”. Chị ta khoe: “Khách thấy mấy đứa nhỏ như vậy thương tình nên mua hàng cũng khá, có đêm may mắn cũng bán được vài trăm ngàn đồng. Nhỏ thì nhỏ chứ, không làm lấy gì ăn...”.
Nhiều người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết, do đây là nơi khách nước ngoài thường lui tới chơi đêm nhiều nên những đứa trẻ như Lương, Hiếu, Thảo... bán hàng cũng kiếm sống được. Chưa kể, khách thấy các em còn nhỏ mà đã vất vả mưu sinh ban đêm nên thương tình, thường cho tiền mà không cần mua hàng. Bởi vậy, nhiều người đã mang con nhỏ đến đây để cho chúng bán hàng kiếm tiền. Tuy nhiên, những đứa trẻ này vẫn còn may mắn vì có cha mẹ đi kèm, không như nhiều em khác bơ vơ, lạc loài, phải chịu sự quản thúc khắc nghiệt của những kẻ chăn dắt...
Cạm bẫy
Trên lề đường Bùi Viện, Mộng- đứa lớn tuổi nhất trong nhóm bán hàng rong ở khu vực này - vẫn còn hãi hùng khi kể cho tôi một tai nạn mà nó vừa bị cách nay vài hôm. Hôm đó, Mộng đang đi bán hàng trên đường Phạm Ngũ Lão thì có hai gã pê đê gọi vào một con hẻm tối để mua hàng. Vừa giáp mặt, hai gã liền bóp cổ nó, lục túi lấy 300.000 đồng. Chưa hết, hai gã còn sờ soạng khắp người Mộng một hồi lâu mới buông tha. “Tụi em gặp pê đê hoài chứ gì!” – Sơn “gù” góp chuyện- “Nhiều bữa, mấy tay đó dụ em ngủ chung, cho 200.000 đồng, được dẫn đi ăn đêm..., nhưng em không dám”.
Nhưng có lẽ điều mà những đứa trẻ ở đây sợ hãi nhất vẫn là gặp những đối tượng nghiện ngập hoặc mấy gã Tây ba lô “bụi”. “Những người đó cướp giật dữ lắm. Mới đêm trước, thằng Hỏn bị hai ông Tây lấy hết tiền, hàng luôn” - Sơn “gù” kể.
Bài và ảnh: Thành Đồng
Kỳ tới: Những kẻ chăn dắt trẻ
Vắt kiệt tuổi thơ
Những kẻ chăn dắt trẻ
17-10-2008 00:06:06 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/phong-su/242973.asp
“Đ.M mày, đến đây ngủ hả?”. Người đàn bà vừa giơ chân đá liên tục vào người một đứa bé đang nằm co ro ngủ trong một góc hẻm vừa quát mắng tục tằn. Thằng bé giật mình bật dậy, nháo nhào xách khay đựng kẹo, thuốc lá lủi thủi ra đường tìm khách. Bà ta chửi với theo: “Mày liệu hồn, coi chừng ngày mai tao bỏ đói nhăn răng đó!”
Từ khoảng 20 giờ, trước các quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện (quận 1- TPHCM) xuất hiện 3-4 nhóm trẻ em, mỗi nhóm khoảng 5-6 đứa. Thấy khách nước ngoài xuất hiện, các em lập tức bám theo, đứa nài nỉ mua kẹo, thuốc lá; đứa vòi vĩnh xin tiền. Vài em khác chui tọt vào quán bar tìm khách bán hàng.
Người đàn bà (ngồi sát tường) đang đếm tiền do bọn trẻ đi bán hàng về giao nộp. (Ảnh chụp lúc 2 giờ sáng ngày 21-9). Ảnh: T.Linh
http://www.nld.com.vn/img/4481/8-9-PS.jpg
Bà mẹ đáng ngờ
Bên kia góc đường Bùi Viện - Đề Thám, một phụ nữ chừng 40 tuổi lăm lăm trên tay chiếc dùi gỗ, miệng rít thuốc liên tục, đưa mắt dõi theo mấy đứa trẻ. Tôi lại gần bà ta, xin châm nhờ điếu thuốc để dọ chuyện. Bà cho biết tên Lan, thuê phòng ở đường 46, phường 5, quận 4 – TPHCM. “Mấy đứa nhỏ kia là gì của chị vậy?” – tôi thắc mắc. Bà Lan nhìn tôi dò xét, rồi ngập ngừng: “Con tôi hết đó..., cả thảy 5 đứa, 2 trai, 3 gái... Tối nào tôi cũng đưa tụi nó đến đây bán hàng đến 6 giờ mới về”.
Qua nhiều ngày theo dõi, tôi khó thể tin bà Lan là mẹ các em. Bà ta thường chọn một nơi dễ quan sát chúng nhất rồi thảnh thơi gọi cà phê ngồi uống, nhàn nhã hút thuốc. Cứ khoảng nửa giờ, bọn trẻ lại đem tiền bán hàng hoặc xin được đến đưa cho bà. Em nào kiếm được nhiều tiền đem lại, bà Lan không tỏ vẻ gì; song đứa nào bán được ít hay không có tiền, bà ta liền sưng sỉa quát tháo. Một đêm, thằng Đỏ, “con” bà Lan, bị công an phường tạm giữ vì nghi ăn cắp đồ của khách. Nghe bé Nủng, cũng “con” bà Lan, đến báo, bà ta dửng dưng: “Mày ở lại đây trông tụi kia, để tao về lấy giấy tờ xin nó ra”. Tôi tình nguyện chở bà Lan về căn phòng trọ chừng 20 m2 trong một con hẻm trên đường 46. Trong nhà có một người đàn ông trạc tuổi bà Lan và 2 đứa trẻ đang nằm ngủ. Bà ta lục lọi rồi mang ra sổ hộ khẩu. Tôi tìm cách mở ra xem, song tìm mãi vẫn không thấy tên bà Lan, thằng Đỏ, con Nủng đâu.
Hôm sau, tôi lại đến nơi bà Lan trọ. Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Mấy người này từ nơi khác đến thuê phòng ở chỉ mới vài tháng nên tôi cũng chưa nắm rõ, chỉ biết người đàn bà với mấy đứa trẻ cứ tối đi sáng về”. Còn anh công an khu vực cũng lắc đầu bảo: “Tôi cũng chưa nắm rõ hộ này, không biết mấy đứa trẻ có phải là con của người phụ nữ đó không”.
Tối đi sáng về
Ở khu vực Đề Thám- Bùi Viện, ngoài nhóm “con” bà Lan, tôi còn biết ít nhất có 2 nhóm khác do 2 người đàn ông chăn dắt. Hai nhóm này có điểm chung là tất cả đều là nam, đứa lớn nhất khoảng 15 tuổi, còn lại đa số khoảng 8-10 tuổi. Hai người đàn ông chăn dắt 2 nhóm trẻ này ít khi ngồi một chỗ mà thường xuyên chạy xe máy lòng vòng bám theo để theo dõi các em bán hàng và thu tiền. Đến khoảng 4 giờ, 2 người đàn ông này đi một vòng, tập hợp đám trẻ lại. Tôi theo một người đàn ông chở nhóm trẻ về một phòng trọ trên đường Phan Huy Thực, phường Tân Kiểng, quận 7- TPHCM.
Bà Lương Thị Lơ, tổ trưởng tổ dân phố 6, khu phố 2, phường Tân Kiểng, nơi người đàn ông và nhóm trẻ này cư ngụ, cho biết: “Ông này trước ở đâu không rõ, mới chuyển đến thuê phòng trọ tại đây nhưng không có giấy tờ gì cả. Tôi mới biết ông ta tên T., dân trộm cắp, nghiện ngập, mới ở tù ra. Trong nhà có 6 đứa trẻ tuổi ngang ngang nhau, thường được ông ta chở đi từ tối tới gần sáng hôm sau mới về. Ban ngày, những đứa trẻ này không đi học, cứ ở trong nhà, không ra đường”.
Trước nhà hàng hải sản vi cá Hoàng Thành trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1 là “lãnh địa” của một phụ nữ vạm vỡ, dữ tướng. Trong tay bà ta có gần chục đứa trẻ, thường vây quanh khách đến nhà hàng để vừa bán hàng vừa xin tiền. Thỉnh thoảng bà ta lại xách túi đi một vòng theo dõi, nếu thấy vị khách nào lọt vào “mắt xanh”, bà ta ra hiệu cho đám trẻ bám theo bán hàng hoặc xin tiền cho bằng được. Khoảng 5 giờ, có một người đàn ông đi xe máy đến chở hai chuyến, đưa người phụ nữ và đám trẻ về căn phòng trọ nằm trong một con hẻm trên đường Cô Giang, quận 1. Tìm hiểu ở địa phương, tôi được biết người đàn bà và mấy đứa trẻ này cũng từ nơi khác đến cư ngụ, không giấy tờ gì cả, cứ tối đi sáng về.
Đánh đập, dọa bỏ đói
“Đ.M mày, đến đây ngủ hả?”. Người đàn bà vừa giơ chân đá liên tục vào người một đứa bé đang nằm co ro ngủ trong một góc hẻm trên đường Bùi Viện vừa quát mắng tục tằn. Thằng bé giật mình bật dậy, nháo nhào xách khay đựng kẹo, thuốc lá lủi thủi ra đường tìm khách. Bà ta chửi với theo: “Mày liệu hồn, coi chừng mai tao bỏ đói nhăn răng đó!”.
Bên kia đường Đề Thám, một nhóm trẻ đang moi trong túi ra những tờ giấy bạc, xếp lại ngay ngắn rồi đưa cho một người đàn ông. Đến lượt thằng bé tên Min, tôi bỗng nghe ông ta quát: “Tối giờ mà kiếm được có bây nhiêu hả?”. Thằng Min tái mặt, lúng túng lật trái hai túi áo ra như để chứng minh nó không hề gian lận. Ông ta trừng mắt, dằn giọng: “Tao mà bắt được thằng nào giấu tiền thì biết tay nhé!”. Xong, ông ta lên xe máy chạy đến một quán cà phê cóc trên đường Phạm Ngũ Lão ngồi chờ tiếp.
Tiếp xúc với những đứa trẻ bán hàng rong trong khu vực này, khi tôi hỏi đến chuyện gia đình như cha mẹ đâu, cư ngụ chỗ nào..., các em đều im lặng nhìn nhau rồi lờ đi. Hầu hết các em đều không được đi học. Có lần tôi hỏi một phụ nữ giới thiệu là mẹ của 3 đứa trẻ bán hàng rong, bà ta than: “Nghèo khó quá mới để tụi nó thức đêm kiếm tiền thế này, sáng chúng còn phải đi học”. Vậy mà khi tôi hỏi các em học lớp nào, trường gì, ở đâu, cả mấy “mẹ con” đều ấp a ấp úng không nói được. Trong đầu đám trẻ chỉ chăm chăm bán hàng, xin tiền sao cho được nhiều, bởi, như lời thằng Min: “Không bán được hàng, không xin được tiền hay ngủ quên, tụi con bị chửi, đánh, hôm sau còn bị bắt nhịn ăn”...
Thành Đồng
No comments:
Post a Comment