Việt Nam, Nga ra Tuyên bố chung về chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
(29/10/2008-06:23:00 PM)
http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=130895&item_id=10087111&p_details=1
(Cổng TTĐT Chính phủ) - Kết thúc chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ ngày 26 đến 29/10/2008, hai nước đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm. Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT - NGA VỀ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM
CHÍNH THỨC LIÊN BANG NGA CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
NGUYỄN MINH TRIẾT
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Liên bang Nga D. Medvedev
http://www.chinhphu.vn/pls/portal/docs/1/16885015.JPG
1. Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã thăm chính thức Liên bang Nga từ 26 đến 29 tháng 10 năm 2008.
Tại Moscow, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga D. Medvedev; gặp Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga V. Putin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga S. Mironov, Thị trưởng Moscow Luzhkov.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mộ Liệt sỹ vô danh và vào Lăng viếng V. Lenin; tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga; gặp gỡ các thành viên tích cực của Hội hữu nghị Nga-Việt và Hội cựu chiến binh Nga đã từng công tác tại Việt Nam; gặp đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nga; thăm thành phố Saint Petersburg và gặp Thống đốc Saint Petersburg V. Matvienko.
Hai Bên đã ký các Hiệp định hợp tác giữa hai nước gồm Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về chống di cư bất hợp pháp; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc nhận trở lại công dân và Nghị định thư thực hiện hiệp định này; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về vấn đề làm việc có thời hạn của công dân Việt Nam tại Liên bang Nga và công dân Liên bang Nga tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch nước và Tổng thống Medvedev cũng chứng kiến lễ ký các thoả thuận, kế hoạch và biên bản ghi nhớ hợp tác gồm Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trên cơ sở Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro; Kế hoạch hành động trung hạn Việt Nam–Liên bang Nga trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đến năm 2012; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thông tin giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn ITAR-TASS; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Nhôm của Liên bang Nga và Công ty An Viên về việc hợp tác đầu tư thực hiện Dự án xây dựng tổ hợp khai thác, chế biến bô-xít–alumin tại Việt Nam. Hai bên cũng đã ký một số thoả thuận hợp tác về dầu khí.
2. Trong các cuộc gặp và hội đàm, trên tinh thần cởi mở và tin cậy, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng các vấn đề hợp tác toàn diện giữa Nga và Việt Nam trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật và nhân văn, thông báo cho nhau về tình hình ở mỗi nước, trao đổi những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Tổng thống Liên bang Nga D. A. Medvedev đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm thực hiện chính sách đổi mới, ghi nhận uy tín ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hoan nghênh những thành tựu của nhân dân Nga trong việc thực hiện các dự án vĩ mô và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố vai trò của Nga trên trường quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình. Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực gìn giữ hoà bình của Liên bang Nga tại Caucasia, bao gồm cả việc nước Nga giúp nhân dân Nam Ossetia và Abkhazia bảo đảm an ninh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 16 tháng 6 năm 1994 và Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 01 tháng 3 năm 2001; bày tỏ quyết tâm tiếp tục củng cố và đa dạng hoá quan hệ giữa Việt Nam và Nga trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển và phồn vinh ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống D. A. Medvedev đánh giá cao các cuộc đối thoại chính trị, kể cả ở cấp cao nhất, được thực hiện thường xuyên với nội dung phong phú về các vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế này. Hai Bên ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các mối quan hệ giữa Quốc hội, giữa các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội hai nước.
Hai Bên nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư trên cơ sở lâu dài, phát huy lợi thế và tiềm năng của mỗi nước, theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Để thực hiện những mục tiêu này, hai Bên đã thoả thuận sẽ tăng cường vai trò điều phối của Uỷ ban Liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga nhất trí cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng – nhiên liệu tiếp tục là hướng ưu tiên chiến lược; cần đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở Tuyên bố chung về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga V. Putin ký ngày 20/11/2006 tại Hà Nội. Trên cơ sở đó, hai bên đánh giá cao hoạt động của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và hoan nghênh việc ký kết Thoả thuận về chuyển đổi hoạt động của Xí nghiệp này sau năm 2010; hoan nghênh và ủng hộ mở rộng hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, Liên bang Nga và sang nước thứ ba.
Việt Nam đánh giá cao việc Nga quan tâm hợp tác với Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn lớn của Nga đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm của Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, kết cấu cơ sở hạ tầng, khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, luyện kim, viễn thông… với việc sử dụng các công nghệ hiện đại nhất.
Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tích cực thúc đẩy các dự án liên doanh đầu tư vào các ngành kinh tế tiềm năng, hỗ trợ hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp Việt-Nga, giúp đỡ giới doanh nhân thiết lập và mở rộng quan hệ trực tiếp, tìm kiếm các hình thức hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga bày tỏ hài lòng về mức độ phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống D. A. Medvedev ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các chủ thể của Liên bang Nga và các tỉnh, thành phố của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phía Việt Nam khẳng định nhu cầu cử công dân của mình sang Nga học tập.
Lãnh đạo Việt Nam và Nga bày tỏ hài lòng với kết quả hợp tác song phương trong lĩnh vực nhân văn, mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, y tế, thể thao và du lịch. Hai bên đánh giá cao việc tổ chức Những ngày văn hoá Việt Nam tại Nga và Những ngày Hà Nội tại Moscow trong năm vừa qua. Hai Bên mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như vậy trong thời gian tới. Để tạo thuận lợi hơn nữa, từ 01/01/2009, Việt Nam sẽ miễn thị thực cho công dân Liên bang Nga mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn tạm trú 15 ngày.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống D.A. Medvedev ghi nhận sự đóng góp quan trọng của công dân Việt Nam ở Nga và công dân Nga ở Việt Nam trong việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, thống nhất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để họ sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ Việt Nam và Liên bang Nga phù hợp với luật pháp của hai nước, nhất trí cần thiết phải xây dựng một cơ sở văn bản pháp lý vững chắc cho việc hợp tác trong lĩnh vực lao động.
3. Trong trao đổi các vấn đề quốc tế, hai Bên ghi nhận có đồng quan điểm hoặc gần gũi trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Hai Bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp trên trường quốc tế nhằm xây dựng một thế giới đa cực, công bằng và dân chủ.
Hai Bên cam kết trung thành với việc củng cố tính tối thượng của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế, nhằm bảo đảm sự hợp tác bình đẳng và cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở tính đến lợi ích dân tộc, cũng như lợi ích của cộng đồng thế giới nói chung. Lãnh đạo hai nước ghi nhận sự cần thiết để các chuẩn mực chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế thực sự mang tính chất tổng hợp khi hiểu và áp dụng trên thực tế, tuyên bố phản đối những mưu đồ biện hộ và hợp pháp hoá việc sử dụng vũ lực, đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hai Bên nhất trí rằng, phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả những thách thức và đe dọa mới, xây dựng mối quan hệ hài hòa hơn giữa các quốc gia là ngoại giao đa phương, trong đó loại bỏ tư tưởng khối và phản ứng đơn phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống D.A. Medvedev nhấn mạnh vai trò trung tâm và điều phối không thể thay thế được của Liên Hợp Quốc trong các công việc quốc tế, như là một tổ chức tổng hợp, có tính pháp lý đặc biệt. Hai Bên ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, là cơ chế có trách nhiệm chính trong việc củng cố hoà bình và an ninh thế giới.
Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga nhất trí ủng hộ xây dựng một cơ chế an ninh công bằng và minh bạch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở những nỗ lực tập thể và tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên của cộng đồng trong khu vực, chống lại việc hình thành các cơ chế chính trị, quân sự khép kín.
Hai bên khẳng định quyết tâm củng cố sự phối hợp hành động trong đấu tranh chống khủng bố quốc tế và những thách thức và nguy cơ khác tại châu Á–Thái Bình Dương. Vì vậy, hai Bên bày tỏ sẵn sàng tăng cường những nỗ lực chung trên cơ sở song phương và các cơ chế đa phương, trước hết là trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ARF).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống D.A. Medvedev khẳng định vai trò quan trọng của quan hệ đối tác đối thoại giữa Nga và ASEAN như là nhân tố hiệu quả trong sự phát triển các quá trình hội nhập, củng cố bầu không khí ổn định, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác ở khu vực, ghi nhận sự cần thiết thúc đẩy hơn nữa và đưa thêm những nội dung mới cho quan hệ đối tác Nga-ASEAN.
Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Nga tham gia tích cực vào các quá trình hội nhập tại châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định ủng hộ đề nghị chính thức của Nga đưa ra năm 2005 về việc gia nhập Cấp cao Đông Á với tư cách là quốc gia đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí tham gia do ASEAN đề ra, bao gồm việc có quan hệ thực chất với Hiệp hội.
Hai Bên bày tỏ ủng hộ việc thiết lập sự phối hợp thực tế giữa Tổ chức hợp tác Thượng Hải với ASEAN theo các phương hướng hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo Việt Nam và Nga bày tỏ hài lòng với những nội dung có chất lượng trong phối hợp hành động giữa hai nước trong khuôn khổ diễn đàn “Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”. Hai Bên ghi nhận tầm quan trọng của APEC như là một trong những cơ chế hàng đầu của liên kết khu vực.
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định ủng hộ Liên bang Nga sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới trên cơ sở bảo đảm những lợi ích quốc gia của Nga.
Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết bày tỏ cảm ơn phía Nga về sự đón tiếp nồng hậu và mến khách, và mời Tổng thống Liên bang Nga D.A. Medvedev thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời gian thích hợp. Tổng thống Liên bang Nga đã vui vẻ nhận lời./.
Moscow ngày 29 tháng 10 năm 2008
TIN LIÊN QUAN
VIỆT NAM LÀ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC CỦA NGA
TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
No comments:
Post a Comment