Hấp hối dòng sông huyền thoại
Lao Động số 247 Ngày 25/10/2008 Cập nhật: 9:34 PM, 24/10/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Hap-hoi-dong-song-huyen-thoai/200810/111803.laodong
(LĐ) Đối với tỉnh Long An, Vàm Cỏ Đông đã trở thành dòng sông huyền thoại.Cuộc sống, lịch sử, chiến công, tình yêu, thơ ca, nhạc hoạ... của bao thế hệ người Long An đều gắn với dòng sông này. Thế nhưng nay dòng sông đang "hấp hối".
Những dự báo đáng tin cậy cho biết, nếu không có sự can thiệp khẩn trương, kiên quyết và khoa học, thì dòng sông "nước xanh biêng biếc" này sẽ chết trước năm 2015.
Dòng sông dập dềnh tôm cá (!)
Ông Huỳnh Văn Ri - sinh năm 1929, ngụ ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, Long An - đã sống gần trọn một đời bên sông Vàm Cỏ Đông. Ngày ông còn nhỏ, dòng sông luôn "dập dềnh tôm cá", ông lớn lên với nghề "đóng đáy" trên sông. Ông đã gặp bà Nguyễn Thị Tây ngay trên dòng sông thơ mộng trong một đêm trăng, khi bà chèo xuồng ra ghe đáy của ông mua tôm cá về cho cha. Thời của ông Ri và bà Tây chưa có câu ca "Anh ở đầu sông em cuối sông - Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông" (thơ Hoài Vũ, nhạc Phan Huỳnh Điểu), nhưng tình yêu trên dòng sông hiền hoà thì thời nào cũng đẹp.
Ông và bà đã thành chồng thành vợ, sinh 8 đứa con, cá tôm của sông Vàm Cỏ Đông đã nuôi chúng khôn lớn. Những đứa con lớn lên cũng gắn với nghề "đóng đáy", nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông. Thế nhưng, dòng sông "dập dềnh tôm cá" đã chịu cảnh "tang tóc" vào tháng 1.2003.
Ngày ấy, hàng chục ngàn cá điêu hồng trong 8 bè cá của ông Ri đột ngột chết. Nguyên nhân do nước sông ô nhiễm từ nước thải của Nhà máy đường Hiệp Hoà cách đó khoảng 5km. Từ đó đến nay, nước sông Vàm Cỏ Đông ngày càng xấu đi, cá tôm cạn kiệt, ông Ri đã bán hết các bè cá, các con ông đã rời bỏ dòng sông vì nó không nuôi nổi người.
Ngày ấy, lúc cá chết nổi đỏ bè, con trai ông Ri mướn tàu kéo bè cá về thượng nguồn - đoạn thuộc tỉnh Tây Ninh, tiếp tục nuôi cá. Thế nhưng chỉ được vài năm, nước thượng nguồn cũng bị ô nhiễm nặng. Các con suối đầu nguồn một thời góp nước thành sông, giờ cũng chảy ra sông Vàm Cỏ Đông nhưng với dòng nước ô nhiễm đen bẩn.
Hàng loạt các doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì mang họ Sầm (như Sầm Nhất, Sầm Nhị, Sầm Phát, Sầm Hên) và ngoài họ Sầm (như Hiệp Long Hương, Minh Tuyền, Tapioca Việt Nam...) mỗi ngày tuôn hàng ngàn mét khối nước thải không qua xử lý xuống suối Bà Sự, suối Cạn, suối Tre, kênh Bà Đằng, kênh Tiêu..., từ đó đổ hết ra sông Vàm Cỏ Đông. Ngay từ thượng nguồn, dòng sông đã bị đầu độc!
Một hướng tấn công khác vào sông Vàm Cỏ Đông là từ TPHCM. Những năm gần đây, kênh Thầy Cai bỗng trở nên "nổi tiếng" về sự ô nhiễm. Dòng kênh này nhận nước từ cống Lồ Ôè của huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), mà cống Lồ Ồ lại nhận nước thải (phần nhiều chưa qua xử lý) từ các khu công nghiệp Trảng Bàng và Linh Trung 3.
Trên đường chảy qua Long An, kênh Thầy Cai nhận thêm nước thải của khoảng 30 doanh nghiệp của Khu công nghiệp Tân Phú Trung, cùng khoảng 20 cơ sở sản xuất khác. Rồi "nước cốt" của khu liên hợp xử lý rác Tam Tân và bãi rác Phước Hiệp cũng tuôn xuống dòng kênh. Chất lượng nước kênh Thầy Cai vì vậy mà thuộc loại "siêu bẩn".
Khi qua địa phận Long An, kênh Thầy Cai đổ vào kênh An Hạ, rồi ra kênh Xáng, trước khi dòng nước đen kịt vì ô nhiễm của nó tuôn ra dòng Vàm Cỏ Đông. Nước kênh Thầy Cai chẳng những cá không sống nổi, mà vịt, rồi heo khi uống nước kênh cũng lăn ra chết.
Sông chết từng khúc
Nếu quan niệm khi chất lượng nước vượt giới hạn B (giới hạn cá sống được) - TCVN 5942 năm 1995 - sông sẽ trở thành "sông chết", thì sông Vàm Cỏ Đông đang ở ngưỡng chết, vì hầu hết các chỉ tiêu hoá lý, hoá sinh của nước sông đang ở mức giới hạn B. Theo kết quả đo đạc năm 2007 và 2008 của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường Long An, trên sông Vàm Cỏ Đông có những đoạn đã "chết", thậm chí "chết" rất nặng.
Chẳng hạn, kết quả quan trắc tháng 8.2008 cho thấy, hầu hết các vị trí trên sông có chỉ tiêu BOD (nhu cầu ôxy sinh học) nằm trong giới hạn B, nhưng tại vị trí của Cty Formosa (chuyên dệt nhuộm - thị trấn Bến Lức) chỉ tiêu này cao hơn giới hạn B gấp... 7 lần. Trong khi ấy, chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hoá học) của 50% số điểm đo đạc trên sông đạt B, còn lại là vượt giới hạn B, riêng tại Formosa vượt giới hạn B... 12 lần.
Trước đó, kết quả quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông trong cả năm 2007 cho thấy, chỉ tiêu SS (chất rắn lửng lơ) ở những điểm nóng như Cty Formosa, Cty Đa Năng, Cty đường Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà), Cty đường NIVL (xã Lương Hoà, Bến Lức) vượt giới hạn B từ 3 đến 29 lần! Cũng tại các điểm trên, chỉ tiêu BOD còn vượt cao hơn, gấp cả trăm lần giới hạn B (như tại Cty đường Hiệp Hoà, tháng 8.2007, BOD đo được 2.520mg/l, cao hơn 100 lần giới hạn B).
Đặc biệt, kết quả quan trắc năm 2007 ghi nhận có nơi chỉ tiêu vi khuẩn coliform (gây bệnh đường ruột) cao đến chóng mặt - 240 lần giới hạn B. Trên dòng Vàm Cỏ Đông đang có nhiều đoạn đã chết như sông Thị Vải!
Sẽ trở thành "Thị Vải" vào năm 2015?
Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông những năm qua cho kết quả đáng lo: Chất lượng nước năm sau luôn xấu hơn năm trước, dòng sông ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn. Thế nhưng, từ nay đến năm 2015 mới là giai đoạn mà con người "tấn công" mãnh liệt sông Vàm Cỏ Đông.
Theo GS-TS Lê Huy Bá (trong công trình "Nghiên cứu những giải pháp tổng hợp bảo vệ môi trường nước sông Vàm Cỏ Đông phục vụ cho phát triển bền vững KT-XH tỉnh Long An"), thì với đà phát triển công nghiệp ven sông Vàm Cỏ Đông, đến năm 2015 lượng nước thải công nghiệp (chỉ riêng Long An) đổ xuống sông Vàm Cỏ Đông sẽ tăng 2,66 lần so với hiện nay (từ 154.000m3/ngày lên 412.000m3/ngày).
Cũng theo nghiên cứu này, phần lớn các hệ thống xử lý nước thải của các DN ven sông Vàm Cỏ Đông xây dựng không đúng kỹ thuật hoặc công nghệ lỗi thời, hoặc có nhưng không hoạt động, nên nước thải ra sông không đạt chất lượng quy định, hầu hết chỉ đạt B hoặc C. Các khu, cụm công nghiệp ven sông Vàm Cỏ Đông không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mà từng doanh nghiệp xây dựng riêng, nên việc quản lý nước thải rất khó khăn. Xây dựng hệ thống nước thải nhằm đối phó, lén xả nước thải chưa qua xử lý ra sông... là những chuyện đang làm các nhà quản lý đau đầu. Thanh tra Sở TNMT và Cảnh sát môi trường Long An đã phát hiện và xử phạt rất nhiều vụ như thế. Các doanh nghiệp "vui vẻ" đóng phạt để rồi sau đó lại vi phạm, vì chi phí đóng phạt thấp hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng hoặc vận hành hệ thống xử lý nước thải.
TS Lê Huy Bá kiến nghị: Di dời các cơ sở ô nhiễm ven sông vào các khu công nghiệp tập trung và xử lý nước thải tập trung, thay vì riêng lẻ hiện nay. Còn Trung tâm Quan trắc Long An thì kiến nghị: Tăng cường kiểm tra thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt lưu ý các công ty đường Hiệp Hoà, Formosa, Đa Năng, Việt Cường...
Trên cả dòng sông Vàm Cỏ Đông hiện nay hầu như chỉ còn ông Huỳnh Văn Ri (Lộc Giang, Đức Hoà) làm nghề "đóng đáy". Ông cụ 80 tuổi ngày 2 bận một mình chèo ghe ra miệng đáy giữa dòng, vì các con ông đều đã bỏ nghề. Ông Ri không nỡ bỏ phương tiện mưu sinh cả đời.
Đang con nước đổ tháng 10, thời điểm này ngày trước mỗi lần dỡ đáy được hàng trăm ký cá tôm, nay chỉ lách tách vài con cá nhỏ. "Sông Vàm Cỏ Đông chết thật rồi" - ông Ri ngao ngán nói khi nhìn khắp mặt sông không bóng chim, tăm cá.
Ông Nguyễn Văn Thiệp - Giám đốc Sở TNMT Long An - đã từng phát biểu thống thiết trong một cuộc họp ở TPHCM: "Để dòng sông còn "nước xanh biêng biếc", tôi đề nghị các cơ quan chức năng TPHCM (và Tây Ninh) làm tốt hơn nữa công tác quản lý, xử lý triệt để những doanh nghiệp xả nước thải chưa xử lý xuống kênh Thầy Cai. Hãy nghĩ đến con cháu chúng ta mai sau!".
Ông Thiệp đề nghị Bộ TNMT xây dựng quy chế phối hợp liên vùng, vì một mình Long An không thể cứu kênh Thầy Cai, cứu sông Vàm Cỏ Đông.
Bà Huỳnh Thị Phép - Phó GĐ Sở TNMT Long An - bức xúc nói: "Tất cả chúng ta cần hành động ngay, trước khi sông Vàm Cỏ Đông chết như sông Thị Vải".
Kỳ Quan
No comments:
Post a Comment