Monday, October 20, 2008

NGUYỄN TẤN DŨNG TỚI TRUNG QUỐC

Chuyến đi sứ Tàu gian nan của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trần Bình Nam
http://www.tranbinhnam.com/binhluan/CongDu_TrungQuoc_TTDung.html

Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc có chiều căng thẳng trong những tháng gần đây, giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 20 đến ngày 25/20/2008 này sẽ có mầu sắc như thế nào. Một chuyến đi để bày tỏ sự thần phục phương Bắc thêm nữa hay một chuyến đi để xác định vị trí, chủ quyền và quyết tâm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, không có chuyến đi sứ nào sang Trung quốc mà không được xem là đi “chầu” nước lớn. Chầu để xin được phong vương. Chầu để đạt một thỏa thuận nào đó thường là thỏa thuận lép vế về phía Việt Nam. Và trớ trêu là có khi còn đi chầu để giảng hòa mặc dù vừa đánh cho quân Tàu tan tác.

Trong lịch sử quan hệ Việt – Trung, Trung quốc ít khi tiếp sứ Việt Nam trong thời kỳ căng thẳng. Sau trận đánh biên giới tháng 2/1979, Trung quốc không tiếp sứ Việt Nam cho đến năm 1990 sau khi Liên bang Xô viết sắp sụp đổ mới tiếp đại diện Việt Nam do nhu cầu làm hòa của hai nước (nhưng chỉ tiếp một cách xuống cấp tại Thành Đô, một thành phố phía tây nam của Trung quốc cách xa thủ đô Bắc Kinh 1450km).
Từ đó cho đến nay (hay ít nhất cho đến giữa năm 2006, trước đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam) hai bên tiếp sứ liên miên, và năm 1999 do sáng kiến của Giang Trạch Dân, Chủ tịch nước và Bí thư đảng cộng sản Trung quốc, trong một chuyến thăm viếng của Tổng bí thư Lê Khả phiêu đã công thức hóa quan hệ giữa hai nước bằng 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai.” Và gần đây Hồ Cẩm Đào thêm bốn tiêu chuẩn “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt và Đối tác tốt.”

Hiện nay quan hệ chính thức giữa Trung quốc và Việt Nam vẫn là quan hệ “16 chữ vàng” nhưng quan hệ thật sự đã có chiều căng thẳng do tham vọng lấn chiến đất đai Việt Nam của Trung quốc: đất liền nơi biên giới, vùng biển trong vịnh Bắc Việt, và hiện nay là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và gần đây là sự can thiệp của Trung quốc khi hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ định ký giao kèo với Việt Nam khai thác dầu khí ngoài khơi biển Đông. (*)

Trong bối cảnh đó chuyến công du Trung quốc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một “chuyến đi sứ” gian nan đòi hỏi nhiều bản lãnh nơi ông Dũng.

Chuyến đi Bắc Kinh cuối tháng 5/2008 vừa rồi của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có thể xem là chuyến đi lót đường làm dịu cho chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó.
Qua thông cáo chung Việt – Trung hai vị Tổng bí thư tái xác nhận quan hệ “16 chữ vàng”, và cam kết với nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất có thể có trong một văn bản ngoại giao.

Nhưng chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 6/2008 của ông Dũng đánh dấu một cách công khai và cụ thể quan hệ chặt chẽ về an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thông cáo chung giữa hai nước khẳng định rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một quan hệ chính trị liên quan đến chiến lược, an ninh, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Sự khẳng định đó diễn ra trong khung cảnh có những biến cố và biến chuyển chính trị trên biển Đông làm cho quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng như:
Tháng 12/2007 Trung quốc công bố ý định thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện sát nhập vào tỉnh Hải Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 1/6/08 tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh Á châu ở Singapore bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ không quên cam kết của mình đối với an ninh và ổn định tại Á châu.
Trung quốc âm thầm (trong những tháng đầu năm 2008) áp lực công ty ExxonMobil chấm dứt các dự tính dò tìm và khai thác dầu khí với Việt Nam.
Phản ứng mạnh mẽ của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc làm ăn của ExxonMobil với Việt Nam là chính đáng và theo đúng luật lệ quốc tế.
Việt Nam chính thức yêu cầu công ty ExxonMobil tiếp tục các dự tính giao kèo với Việt Nam bất chấp lời cảnh cáo của Trung quốc.

Cho nên lời lẽ trong bản thông cáo chung Việt - Mỹ không phải là những lời lẽ ngoại giao bình thường như thường thấy trong các thông cáo chung. Nó có ý nghĩa chiến lược rằng Việt Nam đang điều chỉnh chính sách ngoại giao và quốc phòng để tự vệ trước sự xâm lấn của Trung quốc với sự hứa hẹn nhập cuộc nào đó của Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi Hoa Kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các giới chức cao cấp của Việt Nam bắt đầu tỏ thái độ mạnh dạn hơn. Ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam (tháng 8/2008) tuyên bố rằng các khu biển Việt Nam đang ký kết khai thác dầu khí với hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, và ông Vũ Dũng nói một cách khẳng định “quyền của chúng ta thì chúng ta làm”. Và mới đây trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Lý Kiến Trúc, một nhà báo tại hải ngoại, ông đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng nói về cuộc thương thuyết đất đai biên giới đã dùng những lời lẽ khá nặng nề đối với Trung quốc.
Các động thái của thứ trưởng Vũ Dũng và ông đại sứ Lê Công Phụng không phải là những hành động do sáng kiến cá nhân, mà là một cách bày tỏ lập trường ngoại giao của Việt Nam.

Qua đám mây mù đó, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Tàu. Và đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên mặt đối mặt giữa cấp lãnh đạo cao cấp của hai nước sau một thời gian âm ỉ tranh chấp và lời qua tiếng lại giữa hai nước.

Theo chương trình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Bắc Kinh dự hội nghị Âu-Á gọi là hội nghị ASEM (**), và nhân thể đáp lời mời của thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm viếng chính thức Trung quốc. Hai vị sẽ hội đàm với nhau trong hai ngày 24 & 25/10/2008 và theo thông báo của tòa đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng như của văn phòng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ông Dũng sẽ chính thức ký bản văn về biên giới đất liền đã được cắm mốc giữa hai nước và “… còn cốt để thắt chặt mối quan hệ chiến lược giữa hai nước và sẽ cùng trao đổi bàn bạc một số vấn đề quan trọng hai nước đang cùng quan tâm.”

Các vấn đề quan trọng hai bên đều quan tâm là vấn đề gì nếu không phải là vấn đề chủ quyền các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà điểm nổi cộm là quần đảo Trường Sa và vụ lời qua tiếng lại về việc khai thác dầu khí trong vùng biển đó?

Trung quốc sẽ đem miếng mồi mậu dịch (***) nếu không muốn nói phối hợp với áp lực quân sự để thuyết phục Việt Nam nhượng bộ về vấn đề Trường Sa và vấn đề khai thác dầu khí trên biển Đông cũng như các vấn đề chiến lược khác.

Trong bối cảnh đó chuyến đi Tàu lần này của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một tầm quan trọng và một ý nghĩa đặc biệt. Sắc thái và kết quả của các cuộc trao đổi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Bắc Kinh sẽ đánh dấu một bước ngoặc trong quan hệ hai nước, một thứ quan hệ không còn che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ ngoại giao như trước được nữa./.

Trần Bình Nam
Oct. 20, 2008
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

(*) Quan hệ này được Blogger Công Lý & Sự Thật trong nước miêu tả là quan hệ 16 chữ “Láng giềng khốn nạn, Cướp đất toàn diện, Lấn biển lâu dài, Thôn tính tương lai.”
(**) ASEM (Asia-Europe Meeting) là hội nghị Âu Á được thành lập năm 1996, hai năm họp một lần để trao đổi về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, giáo dục và văn hóa giữa các nước thành viên.
(***) Mậu dịch song phương giữa Việt Nam và Trung quốc: $32 triệu năm 1991 lên 7.2 tỉ năm 2004 và 15 tỉ năm 2007. Dự trù lên đến 20 -25 tỉ năm 2010.


Thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc
20 Tháng 10 2008 - Cập nhật 05h13 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081020_vietpm_china.shtml
Ông Nguyễn Tấn Dũng sang Bắc Kinh 'củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước’ trong khi kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.

Thủ tướng Dũng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ 20 tới 23/10 và sau đó dự Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu 7 (ASEM) ở Bắc Kinh nhân dịp này (24-25/10).

Trang web chính phủ Việt Nam nhận định chuyến thăm của ông Dũng “tăng cường quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác giữa VN và Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo trang web này, chuyến công du còn “cụ thể hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước do hai Tổng Bí thư vừa thỏa thuận tháng 5/2008”.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc nhắc rằng đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng tới Trung Quốc sau khi được bầu làm thủ tướng hồi năm 2006.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng Sáu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm Trung Quốc.
Về chuyến đi của Thủ tướng Dũng, ông Dương Danh Di, nhà nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Hoa, nhận định với BBC: “Dù hơi muộn, nhưng chuyến đi này là thông lệ tiếp xúc cấp cao đôi bên sau khi các lãnh đạo hai nước được bầu lên”.

Vấn đề kinh tế

Ông Di nói thêm: “Cuối năm nay, Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách, đổi mới trong khi sang năm nước này kỷ niệm 60 năm ngày lập nước, nên tôi nghĩ chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh này”.

Theo Tân Hoa Xã, ông Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác “chưa được công bố cụ thể”.

Ngoài chuyện tăng cường quan hệ, ông Danh Di, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nhận định rằng “lãnh đạo hai nước sẽ bàn về hợp tác chống ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.
“Làm thế nào duy trì kim ngạch và hợp tác giữa hai nước là điều sẽ được đưa ra bàn, nhất là khi Mỹ đang gặp khó khăn".
"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn không chỉ của cả Việt Nam mà cả Trung Quốc, nên đây là vấn đề quan tâm chung”.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 15 tỷ đôla năm 2007 và dự báo sẽ tăng lên mức 20 tỷ đôla vào năm 2008.

Về sự hỗ trợ từ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Danh Di cho rằng “chí ít là Việt Nam được ủng hộ về mặt tinh thần”.

Kỷ niệm cuộc chiến?
“Nếu Trung Quốc thấy dự trữ ngoại tệ dồi dào, và có thể giúp thì tôi nghĩ Việt Nam không từ chối”.

Tân Hoa Xã đưa tin, ngoài gặp quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Dũng sẽ đến thăm tỉnh Hải Nam.

Về câu hỏi liệu vấn đề biên giới biển có được đề cập trong chuyến đi lần này, ông Di cho rằng biên giới trên biển là “vấn đề lịch sử để lại và rất phức tạp”.

Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Nhã, người nghiên cứu về vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa, nhận định với BBC rằng tranh chấp biển “sẽ còn kéo dài”.
“Về mặt lịch sử, tài liệu xác lập chủ quyền của Việt Nam đã rất rõ ràng, nhưng Trung Quốc lại nói có các bằng chứng mà theo tôi không cụ thể và khá mơ hồ”.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Dương Danh Di còn cho biết có thông tin về chuyện “Trung Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Chiến tranh Biên giới Việt Nam".
“Theo tôi, làm như thế không có lợi gì cho quan hệ và ảnh hưởng tình cảm hòa hợp giữa hai nước”.
“Trung Quốc từng nói chuyện win – win (cùng thắng) mà nay nếu làm thế thì ai tin được?”.

TIN LIÊN QUAN


Từ biên giới đến kinh tế Việt – Trung
18 Tháng 10 2008 - Cập nhật 09h00 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081016_chinavietnamstrategy.shtml
Chuyến thăm đến Bắc Kinh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 24/25 tháng 10 sẽ xác tín chiến lược Trung Quốc của Ban lãnh đạo Việt Nam qua quan hệ hai đảng và vấn đề biên giới.

Nội dung chuyến thăm của ông Dũng là nhằm cụ thể hóa nội dung của quan hệ hợp tác chiến lược này được định ra từ chuyến thăm hồi tháng 5 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.Tin từ Hà Nội nói ông Dũng dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký kết hiệp định biên giới trên bộ với bản đồ 1/5000, có độ tỷ chi tiết cao nhưng chưa thấy được công bố trên các phương tiện truyền thông Việt Nam.
Theo phía Trung Quốc, hai thủ tướng Ôn Gia Bảo và Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm ở Bắc Kinh khi ASEM 7 diễn ra 24/25 tháng 10.
Trước đó, từ ngày 23 đến 27 tháng Chín, Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, đã đến Bắc Kinh để bàn về biên giới.Còn về phía mình, có vẻ như Trung Quốc coi việc hoạch định biên giới trên bộ đã chấm dứt và chỉ công nhận còn phải thảo luận về biên giới trên biển.Tiến sĩ Từ Mậu Hồng, một nhà quan sát tình hình Đông Á tại Bắc Kinh nói với BBC Tiếng Việt hôm 17/10 rằng "Cơ bản mà nói việc phân định biên giới trên bộ coi như đã xong, chủ đề khó hơn là các hòn đảo ngoài khơi".

Vòng tay Trung Quốc
Với các vụ xử lỵ́ nhanh và mạnh về tôn giáo và báo chí vừa qua, chắc chắn các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm phía Trung Quốc yên tâm về định hướng chính trị giống họ.Trong bối cảnh bản thân Trung Quốc đang phải tìm hướng giải quyết các vấn đề hết sức căn bản cho kinh tế và đối ngoại, Bắc Kinh lại càng lo lắng muốn Việt Nam không đi chệch quỹ đạo của họ.

Nếu như Olympics Bắc Kinh thể hiện được tinh thần dân tộc Trung Quốc nhưng cũng cho thấy thái độ e ngại Trung Quốc lên cao trên thế giới, vụ sữa độc melamine bộc lộ các yếu kém nghiêm trọng của hệ thống quản lý nước này.

Vấn đề nông dân và nông nghiệp ảnh hưởng tới hàng trăm triệu dân cũng phải đợi tới ba mươi năm mới được bàn đến tại Hội nghị Trung ương vừa kết thúc tại Bắc Kinh.
Tất cả cho thấy hệ thống chính trị Trung Quốc không tự tin người ta tưởng.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Trung Quốc cũng phải tính đến việc hợp tác với Hoa Kỳ và Phương Tây chứ không thể dùng nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá 2 nghìn tỷ đôla để gây áp lực.
Nhưng trước mắt Trung Quốc vẫn phải làm mọi cách để tự cứu mình.
Theo Tân Hoa Xã, sau cuộc nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Anh Gordon Brown về khủng hoảng tài chính, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói “Điều quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc phải giải quyết ngay các vấn đề của mình”.
Nhìn xuống Đông Nam Á, có một Việt Nam đi chậm hơn sẽ khiến Ban lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào yên tâm và làm giảm bớt các thách thức chính trị trong khi họ phải lo nhiều chuyện chiến lược khác.
Trước đó, đã có lúc “dân chủ trong đảng” được Việt Nam đề cao hơn ở Trung Quốc, đặt ra câu hỏi cho các kỳ họp của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Gần đây, việc gia tăng quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước Phương Tây dù chỉ mang tính chiến thuật và thu hút đầu tư cũng khiến Trung Quốc theo dõi kỹ.
Trong nửa năm qua, Việt Nam chuyển sang áp dụng các biện pháp chính trị giống Trung Quốc.Các động thái hướng tới bình thường hóa quan hệ với Vatican của Hà Nội, có lúc tưởng như sẽ nhanh hơn Trung Quốc, cũng chấm dứt với việc trấn áp vụ Công giáo cầu nguyện đòi đất.
Trái với các phát biểu về hội nhập, quán tính của bộ máy tại Việt Nam trong hàng loạt vấn đề tương tự vẫn giống như Trung Quốc.
Trong lúc Hoa Kỳ và Phương Tây sa lầy trong khủng hoảng tài chính, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tạo một gián đoạn đến sang năm trong quan tâm của Washington về Việt Nam, sức hút từ Bắc Kinh chắc chắn sẽ còn tăng đối với Hà Nội.



No comments:

Post a Comment