Thursday, October 23, 2008

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU CHỈ TRÍCH VIỆT NAM VỀ NHÂN QUYỀN

Nghị Viện Châu Âu ra quyết nghị về VN
23 Tháng 10 2008 - Cập nhật 05h37 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081023_meps_vietnam.shtml

Nghị viện châu Âu vừa thông qua nghị quyết về quan hệ với Việt Nam, kêu gọi gia tăng áp lực nhân quyền và tự do tôn giáo.

"Nghị quyết về Hiệp định mới về Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam và về Nhân quyền" đã được thông qua với đa số phiếu 479/21 trong phiên họp ngày 22/10/2008 tại Strasbourg.
Bản nghị quyết kêu gọi thiết lập cơ chế hữu hiệu cho các điều khoản về nhân quyền và dân chủ trong Hiệp định về Đối tác và Hợp tác mới mà hai bên đang thương lượng vòng hai.
Hiệp định này được trông đợi sẽ thay thế cho Hiệp định hợp tác EU-Việt Nam ký từ năm 1995.

Thông cáo của Nghị viện châu Âu nhận định quyền tự do tụ họp, tự do báo chí và tiếp cận internet vẫn còn bị hạn chế ở Việt Nam, trong khi một vài nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số vẫn bị phân biệt đối xử và trấn áp.

Nghị quyết mới ra nhấn mạnh rằng đối thoại nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam "cần phải đưa ra được các cải thiện rõ rệt".

Thỏa thuận mới
Các dân biểu châu Âu thống nhất yêu cầu Ủy hội châu Âu đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam "dựa trên tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và quyền cơ bản"; cũng như có cơ chế đánh giá rõ ràng đối với các dự án phát triển ở Việt Nam để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền.
Nghị quyết mới ra cũng khuyến cáo không ký hiệp định mới với Hà Nội chừng nào các vi phạm chưa được chấm dứt.

Quốc hội châu Âu đóng vai trò tham vấn trong quá trình soạn thảo hiệp định hợp tác mới giữa châu Âu và Việt Nam, mà quá trình đàm phán được hy vọng sẽ kết thúc vào 2009.
Quyết nghị của Nghị viện yêu cầu Việt Nam phải có một số hành động cải thiện dân chủ nhân quyền, trong đó có việc chấm dứt kiểm duyệt nhà nước và kiểm soát đối với báo chí.

Đây không phải lần đầu Nghị viện châu Âu ra nghị quyết chỉ trích Việt Nam về nhân quyền.
Về phần mình, Việt Nam luôn luôn bác bỏ các chỉ trích này, mà Hà Nội cho là "dựa trên thông tin sai lệch" và "không phù hợp với tiến triển tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hiệp Âu châu".

MỘT SỐ YÊU CẦU
Đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam
Đưa ra cơ chế đánh giá rõ ràng đối với các dự án phát triển ở Việt Nam để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền
Không ký hiệp định hợp tác mới với Hà Nội chừng nào các vi phạm chưa được chấm dứt
Nghị quyết của Nghị viện châu Âu 22/10



Nghị viện châu Âu yêu cầu xét lại chính sách hợp tác với Việt Nam
Thanh Phương
Bài đăng ngày 23/10/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 23/10/2008 15:26 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/106/article_1360.asp

Hôm qua, với đa số áp đảo 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu phải xem xét lại chính sách hợp tác với Việt Nam và phải thúc giục chính quyền Hà Nội chấm dứt những vi phạm nhân quyền có tính chất hệ thống ở Việt Nam

Bản nghị quyết nhấn mạnh là ''cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam phải dẫn đến những cải thiện đáng kể ở quốc gia này''. Các nghị viên châu Âu lên án những hành động hạn chế quyền tự do hội họp và tự do báo chí, cũng như hạn chế việc truy cập Internet ở Việt Nam. Bản nghị quyết nhắc lại là trong năm nay, nhiều nhà báo Việt Nam đã bị bắt giữ hay bị kỹ luật vì đã điều tra về nạn tham nhũng của các quan chức trong chính quyền.

Văn bản cũng đề cập đến vụ nhà báo Ben Stocking, trưởng văn phòng hãng tin AP của Mỹ ở Hà Nội, ngày 17 tháng 9 đã bị công an bắt giữ và đánh đập, khi ông đến đưa tin và chụp hình về cuộc tập hợp cầu nguyện của giáo dân Hà Nội đòi Nhà nước trả lại đất cho Giáo hội. Bản nghị quyết của Nghị viện châu Âu còn lên án những hành động kỳ thị và truy bức các sắc tộc thiểu số và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Về phiá Việt Nam, hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao đã lên tiếng phản bác Nghị viện châu Âu. Theo đó, nghị quyết vừa được thông qua không phản ánh đúng tình hình Việt Nam và đặt ra những điều kiện có thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa đôi bên.

Còn trong lãnh vực ngoại giao, hôm nay, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chuyến viếng thăm Trung Quốc bằng cuộc hội kiến với tổng bí thư Đảng kiêm chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Hôm qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hai bên đã đồng ý sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm phân định vùng biển Vịnh Bắc Bộ và tiếp tục trao đổi ý kiến về việc phát triển khu vực này. Sau cuộc hội đàm, hai vị thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 8 văn kiện, trong đó có hiệp định giữa hai chính phủ về việc thiết lập đường điện thoại bảo mật giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Về mặt kinh tế, theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố hôm nay, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng lên thành 16,2 tỷ đôla, chủ yếu do đã nhập thêm nhiều máy móc, sắt thép và sản phẩm dầu hỏa. Theo dự báo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần trước, thâm thủng mậu dịch năm nay có thể lên tới 19 tỷ đôla.

No comments:

Post a Comment