Friday, October 31, 2008

NƯỚC CỜ CHÓT CỦA NGHỊ SĨ McCAIN

Nước cờ chót của Nghị sĩ McCain
Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 30, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86196&z=7
Ai cũng công nhận: Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 có tính cách lịch sử. Lúc đầu năm còn chưa biết ứng cử viên đảng Dân Chủ sẽ là một phụ nữ hay một người da đen, cả hai đều là chuyện lạ. Một người Mỹ da đen là ứng cử viên tổng thống của một trong hai đảng lớn phải coi là một hiện tượng không ngờ. Nếu Nghị Sĩ Barack Obama đắc cử cả thế giới phải kinh ngạc. Nếu cả Hành Pháp lẫn Quốc Hội nước Mỹ cùng thuộc đảng Dân Chủ, họ có thể thay đổi cả tư tưởng nền tảng trong việc điều hành kinh tế, xã hội, giống như đã thay đổi trong thập niên 1930. Mỗi thế kỷ chỉ xẩy ra một vài lần như vậy. Nếu Nghị Sĩ John McCain lại thắng, thì còn kinh ngạc hơn nữa, vì hiện nay ông tự nhận là đã bị qua mặt! Nhưng chuyện gì cũng có thể xẩy ra!

Năm nay, dân chúng Mỹ được tác động rất mạnh, hơn những cuộc bầu cử gần đây; cả hai ứng cử viên tổng thống đều thu hút cảm tình nồng nhiệt của các cử tri theo họ. Những người ủng hộ Ðảng Dân Chủ đã nao nức ngay trong cuộc tranh cử sơ bộ giữa ông Obama và bà Hillary Clinton, số người tham dự các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đông chưa từng thấy. Những đám đông hàng chục đến hàng trăm ngàn người tới dự để nghe các ứng cử viên nói.

Phía đảng Cộng Hòa, lúc đầu Nghị Sĩ McCain không thu hút được những thành phần bảo thủ cơ sở của đảng, vì ông quả thật là một nhà chính trị rất ôn hòa, bị giới tôn giáo nghi ngờ. Nhưng sau khi ông chọn một ứng cử viên phó tổng thống rất bảo thủ, bà Sarah Palin đã huy động được thành phần cơ sở này. Nhờ có bà Palin nên có những đám đông mấy chục ngàn người bắt đầu tới nghe bà và ông McCain vận động.

Với tinh thần hăng hái này, có thể đoán tỷ số cử tri đi bỏ phiếu năm nay sẽ rất cao. Từ năm 1968, số người Mỹ đi bầu thường dưới 60% tổng số cử tri ghi danh. Trong những năm 1976, 80, 88, tỷ số xuống dưới 55%; xuống thấp nhất vào năm 1996, dưới 52%. Năm nay chúng ta có thể đoán tỷ lệ cử tri đi bầu có thể cao hơn 60% như năm 2004. Ngay bây giờ, số người đi bầu sớm ở những tiểu bang cho phép, đã cao hơn mức bình thường rồi. Cho đến ngày 27 Tháng Mười đã có 18% số cử tri bỏ phiếu rồi.

Tỷ lệ cử tri đi bầu ở các nước mới thiết lập chế độ dân chủ thường cao, vì người ta đã tranh đấu đòi được tự do cho nên họ muốn thi hành quyền tự do lựa chọn. Còn ở những nước tiên tiến như thì tỷ lệ thường rất thấp. Tỷ số thấp không phải vì người dân không tin lá phiếu của mình có khả năng thay đổi vận mệnh quốc gia, nhưng vì người ta thấy không có đề tài nào quan trọng đối với họ để phải đích thân chọn lựa.
Năm 2004 tỷ lệ tăng vọt (từ dưới 55% năm 2000 lên tới trên 60%) cũng vì có nhiều đề tài tranh cử gay go gây xung động tình cảm, lôi kéo mọi người. Năm đó đảng Dân Chủ nêu vấn đề Iraq để thu hút những người chống chiến tranh, còn đảng Cộng Hòa đưa những vấn đề phá thai, và hôn nhân đồng tính lên hàng đầu để vận động các cử tri nhiệt tín về tôn giáo đi bỏ phiếu. Năm 2008 này thì kinh tế là vấn đề quan trọng nhất, nhưng kinh tế thường là một vấn đề của lý trí, không khích động tình cảm. Nếu số người đi bỏ phiếu đông năm nay, đó là vì cuộc bỏ phiếu này có tính cách lịch sử thật, người ta muốn có mặt, tham dự!
Yếu tố kỹ thuật cũng thúc đẩy dân Mỹ quan tâm đến bầu cử nhiều hơn trong năm nay. Mạng lưới Internet là một khí cụ tranh cử được khai thác tận tình. Những blog mọc lên như nấm, ngoài tầm kiểm soát của các ứng cử viên, cho nên thường mạnh miệng hơn! Nhưng cũng nhờ Internet Obama đã được hơn 2 triệu người góp vào quỹ tranh cử, một nửa số người ủng hộ ông chỉ góp những số tiền từ 200 đô la trở xuống. Nhiều đài ti vi năm nay cũng loan tin tranh cử suốt ngày, người dân muốn làm ngơ cũng không được! Nhân cách các ứng cử viên vẫn là yếu tố lôi cuốn nhất. Bà Hillary Clinton (Dân Chủ) và ông Mike Huckabee (Cộng Hòa) đều đã từng huy động những đám đông nhiệt thành của họ. Ông Obama, ông McCain và bà Palin đều có cá tính mạnh mẽ và thu hút mọi người, không phải là những hình ảnh chính trị gia quen thuộc.

Tương đối, cuộc tranh cử năm nay diễn ra trong không khí lành mạnh, có thể nói là “sạch sẽ” hơn mấy lần trước. Dân chúng Mỹ không phải chứng kiến những vụ đả phá, khích bác và xuyên tạc lộ liễu như trong nhiều cuộc tranh cử khác, những năm 1988 và 2004 chẳng hạn. Khi có những người nóng tính phát biểu những lời lỗ mãng, chính Nghị Sĩ John McCain đã lên tiếng yêu cầu mọi người phải tỏ lòng tôn trọng ứng cử viên đối lập với ông. Ông McCain còn nói thẳng với những người ủng hộ rằng ông Obama là một người cha, một người chồng đáng kính trọng. Ðây là một cách cư xử rất cao thượng khiến ông Obama phải công khai cảm ơn. Còn ông Obama thì luôn luôn nhắc lại những lời ngợi ca ông McCain là một người ái quốc và đã phục vụ quốc gia hết mình (để sau đó chê ông McCain sai lầm về kinh tế!) Ai cũng phải công nhận Nghị Sĩ John McCain là một người hùng thật sự, một người trung trực, đặt công ích trên tư lợi. Có nhiều lúc phản ứng của ông quá chân thật, không có vẻ gì là chính trị gia! Nhưng Nghị Sĩ Barack Obama cũng tỏ ra là một người có sức thu hút mạnh, điềm đạm và khôn ngoan; ông diễn tả được những ước mơ mà nhiều người Mỹ, nhất là giới trẻ muốn chia sẻ. Ðây là một cuộc tranh cử của hai con người đàng hoàng, tử tế, mặc dù có nhiều người ủng hộ họ không tự kiềm chế được như họ!

Một điểm son trong mùa bầu cử năm nay là hai ứng cử viên và hai ban vận động của họ đã trình bày các chủ trương, các chính sách quốc gia mà họ sẽ theo đuổi. Mà những chủ trương chính sách của hai bên có những điểm khác nhau, rõ ràng là khác nhau, để các cử tri biết mình lựa chọn cái gì. Các ứng cử viên đã vạch ra những điểm khác biệt đó, chứ không phải chỉ hô những khẩu hiệu mà thôi. Các cử tri không bị đánh lừa về những vấn đề giả, mặc dù lớn lao nhưng một vị tổng thống không thể giải quyết được.
Dù kết quả các cuộc nghiên cứu dư luận ra sao, người thận trong cũng không thể nói chắc ai sẽ được dân Mỹ chọn làm vị tổng thống thứ 44 trong mấy ngày nữa. Nghị Sĩ John McCain đã nói thẳng là ông không tin tưởng vào kết quả của những cuộc nghiên cứu dư luận.

Từ một tháng nay, theo dõi những kết quả này trong mạng lưới RealClearPolitics, ông Obama lúc nào cũng dẫn trước ông McCain, trên toàn quốc. Mạng lưới này mỗi ngày tính kết quả trung bình của nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau, cho thấy mức chênh lệch từ 2, 3 điểm tới 6, 7 điểm. Nghị Sĩ McCain cho rằng các cuộc nghiên cứu này có thể sai, và ông tin tưởng ở người dân bỏ phiếu hơn là tin ở những nhà nghiên cứu và phân tích dư luận! Mặt khác, ông cũng nói đùa là ông thích đóng vai người không đang yếu thế (underdog)

Một lý do khiến nhiều người nghi ngờ, là kết quả các cuộc nghiên cứu dư luận khác nhau nhiều quá. Như trong ngày 28 Tháng Mười, Gallup và Rasmussen đều cho ông Obama dẫn trước ông McCain 3 điểm (50% và 47%) trên toàn quốc, nhưng ngày 26 thì Pew Research lại thấy ông Obama dẫn trước 15 điểm! Cũng ngày 28, Reuters và Zogby cho thấy số chênh lệch là 5 điểm, còn GWU lại chỉ cho số chênh lệch là 3. Nghiên cứu dư luận là một khoa học, nhưng phương pháp khoa học nào cũng có thể lầm khi đem thử ở hiện trường.

Ðể nghiên cứu dư luận, phải chọn một số người thuộc đủ mọi thành phần trong dân chúng để hỏi ý kiến. Nếu trong số các cử tri toàn quốc có các thành phần khác nhau về giới tính, mầu da, tôn giáo, lợi tức khác nhau, sống ở các địa phương khác nhau, thì nhà nghiên cứu phải tìm được một “mẫu” khoảng 800 đến 1200 người; trong mẫu đó có đủ các thành phần như trong dân số, với các tỷ lệ tương ứng. Mẫu nhỏ quá thì không đáng tin cậy bằng mẫu đông người hơn. Người nghiên cứu lại muốn chọn những người nằm mẫu này một cách tình cờ, ngẫu nhiên, càng ngẫu nhiên thì mức tin cậy càng cao.

Vậy các cuộc nghiên cứu có thể sai như thế nào?

Một yếu tố là thành phần những người được chọn trong mẫu để phỏng vấn có thể không tiêu biểu cho cả dân số. Pew Research thấy kết quả Obama vượt McCain tới 15 điểm vì họ giả thiết là năm nay tỷ lệ số người da đen và giới trẻ sẽ đi bầu đông hơn các năm trước. Ngược lại, ban vận động của ông McCain cho là thành phần cử tri năm nay không khác gì năm 2004. Ðây là một điều mà chỉ sau ngày bỏ phiếu chúng ta mới biết được ai đúng ai sai. Nếu các nhà nghiên cứu của Pew đúng thì Nghị Sĩ Obama sẽ thắng với một số phiếu cử tri đoàn rất lớn. Như RealClearPolitics đếm ngày 30 Tháng Mười, nếu các kết quả hiện giờ vẫn giữ cho tới ngày bỏ phiếu, ông Obama sẽ được 364 phiếu, ông McCain chỉ được 174 phiếu cử tri đoàn!

Sau vấn đề chọn mẫu để phỏng vấn còn vấn đề những người được phỏng vấn có trả lời hay không. Người phỏng vấn gọi một số điện thoại, nhưng người chủ nhà vắng mặt, không trả lời, hoặc từ chối tham dự, là bị bỏ qua, gọi sang số khác. Nếu số người “vắng mặt” đó cùng thuộc một khuynh hướng thì kết quả cuộc nghiên cứu sẽ nghiêng về khuynh hướng đối lập. Một nhược điểm của các cuộc nghiên cứu hiện nay là người ta không gọi được các điện thoại di động, chỉ dùng các điện thoại có đường dây. Do đó, các cuộc phỏng vấn cũng bỏ sót một số rất đông cử tri có thể là tiêu biểu.

Một nhóm cử tri mà Nghị Sĩ John McCain đang nhắm tới là những người chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai, chiếm từ 7 đến 10% tổng số tùy theo tiểu bang. Nếu những người đó vào phút chót ủng hộ ông McCain thì kết quả ở một số tiểu bang then chốt sẽ nghiêng để cho ông có thể lật ngược thế cờ.

Cho nên trong những ngày cuối cùng của cuộc tranh cử, ông John McCain đang nhắm vào một cố tiểu bang then chốt. Ðặc biệt, ông đang chi ba phần tư quỹ quảng cáo truyền hình vào ba tiểu bang với nhiều phiếu cử tri đoàn: Ohio (20), Florida (21) và Pennsylvania (27). Ở Ohio tuần trước ông Obama có lúc được hơn 14%, tuần này có cuộc nghiên cứu thấy tỷ số rút xuống chỉ còn 3%, chứng tỏ những đợt tấn công mới của ông McCain (I'm running to be commander-in-chief not redistributor-in-chief) có hiệu quả. Ở Florida mức chênh lệch là 3.5%, nằm trong khoảng sai số. Ở Pennsylvania, ông Obama dẫn trước 12% nhưng ông McCain vẫn tấn công; vì ông tin có những cử tri chưa quyết định thuộc thành phần lao động, đàn ông và da trắng có thể ngả sang phía mình.

Trong cuộc chạy đua nước rút vào những ngày chót này, nếu ông McCain giữ được Ohio, Florida trong tay Cộng Hòa và chiếm thêm được Pennsylvania thì ông có thể vẫn thu đủ 270 phiếu cử tri đoàn để thắng, dù có bị mất một số tiểu bang nhỏ cho đối thủ.

Nếu không, thì Nghị Sĩ John McCain sẽ chịu thua với niềm hãnh diện là ông đã chiến đấu đến phút chót, với tư cách một chiến sĩ! Ông sẽ lui về đóng vai một nghị sĩ cương trực, thẳng thắn và độc lập ở Thượng Viện, vai trò mà ông đã giữ hơn 22 năm qua khiến mọi người đều kính trọng, kể cả các đối thủ của ông.

No comments:

Post a Comment