Saturday, October 18, 2008

MINH VÕ SẮP RA MẮT SÁCH về CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Nhà văn Minh Võ sắp ra mắt tác phẩm biên khảo thứ bảy
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt

Friday, October 17, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85674&z=157

Tác phẩm biên khảo “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” của nhà văn Minh Võ dự trù sẽ được ra mắt vào ngày Chủ Nhật 2 tháng 11 lúc 1 giờ 30 chiều tại Westminster Civic Center, 8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.

Tác phẩm thứ 7 của nhà văn Minh Võ, “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc”.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85674-medium_NVHN-081017-MinhVo.jpg

Ðây là cuốn biên khảo thứ bảy của nhà văn Minh Võ trong suốt 45 năm viết báo soạn sách của ông. Vào năm 1963, ông đã soạn cuốn “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản” và được tái bản vào năm 1970 tại Việt Nam vì lý do những nhận định của tác giả đã đúng với thực tế diễn ra.

Mãi 35 năm sau, vào tháng 5 năm 1998, nhà văn Minh Võ mới lại cho xuất bản cuốn biên khảo thứ hai là cuốn “Ngô Ðình Diệm, lời khen tiếng chê”. Cuốn này đã được độc giả hải ngoại đón nhận đến độ chỉ năm tháng sau đã phải tái bản lần thứ nhất và bốn năm sau, năm 2004, tái bản lần thứ hai. Nói về cuốn sách được độc giả đón nhận nồng nhiệt này, nhà văn Minh Võ cho biết: “Vào năm 1988 tôi soạn cuốn sách này để trình bày với độc giả cả hai bức chân dung của ông Diệm căn cứ vào những lời khen và tiếng chê. Hai bức chân dung ấy chỉ là phác thảo sơ sài”.

Rồi tiếp đó nhà văn Minh Võ liên tục gửi đến độc giả những cuốn “Phản tỉnh, phản kháng, thực hay hư” năm 1999, “Tâm sự nước non, ai giết Hồ Chí Minh” năm 2005, “Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp” năm 2003. Cuốn này dày tới 790 trang khổ lớn...

Trong những biên khảo của nhà văn Minh Võ, người đọc đều nhận được cái tinh thần dân tộc của người viết. Từ tinh thần ấy, nhà văn đã soi rọi vào những nhân vật thời cuộc để tìm cho ra những sự thực đằng sau mọi biến cố chính trị, xã hội trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam có quá nhiều biến cố cả nội tại cũng như ngoại lai đã đẩy đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào cảnh lụn bại như ngày nay để như một vị lãnh đạo tôn giáo phải than thở là “rất xấu hổ khi trình ra thẻ thông hành (passport) là người Việt Nam tại các phi trường quốc tế”.

Cuốn biên khảo sắp được ra mắt độc giả như tác giả Minh Võ cho biết: “Sau một thời gian tham khảo nghiên cứu nhiều hơn nữa thì thấy càng ngày sách báo và tài liệu về ông Diệm càng nhiều và những nhận định về ông càng ngày càng có chiều thay đổi. Cuối cùng thì thấy một chân dung Ngô Ðình Diệm hoàn toàn thay đổi”.

Cuốn sách dày gần 500 trang, in ấn mỹ thuật trên giấy vàng, bìa cứng mà chỉ bán với giá $20, đã có một phần khá quan trọng mà hình như tác giả muốn xoáy mạnh vào để làm nổi lên cái “Chính Nghĩa Dân Tộc” nơi cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðó là phần II của cuốn sách. Trong phần này, tác giả đề cập đến câu chuyện “Cành Ðào” mà dư luận vẫn cho rằng Ngô Ðình Diệm nhận của Hồ Chí Minh gởi biếu vào dịp Tết Quý Mão (1963) nhằm mở đầu những toan tính hiệp thương với miền Bắc Cộng Sản.

Với những chi tiết được liệt kê trong sách, từ những nhân vật “con thoi” trong Ủy Hội Quốc Tế Ðình Chiến, qua đến những nhà ngoại giao của Pháp, Ấn Ðộ, những nhà báo ngoại quốc nổi tiếng lúc bấy giờ, tác giả Minh Võ trình bày lại trong tinh thần khách quan của ông câu chuyện toan tính hiệp thương của chính quyền Ngô Ðình Diệm với miền Bắc Cộng Sản. Lý do được nêu ra là ông Ngô Ðình Diệm vì lòng thương dân mà không muốn đẩy cuộc chiến lớn rộng và kéo dài sợ sẽ có bàn tay ngoại nhân nhúng vào nội bộ đất nước, đẩy cuộc chiến tranh lên tầm mức quốc tế giữa hai phe tư bản và cộng sản. Trang 158 tác giả viết: “Qua tất cả những thông tin ở trên... người ta có thể xác quyết: chuyện tiếp xúc bí mật giữa hai miền là có thật và có lý do thực tiễn của nó. Sở dĩ nó chưa đi đến kết quả cụ thể nào, vì người Mỹ đã sớm ra tay”.
Ðây quả là một vấn đề mà nhiều người lưu tâm đến chính tình Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cận đại rất mong muốn được đào sâu tìm hiểu, cân nhắc, phê phán. Cuốn sách này, tác giả cũng đã xới lên những nhát cuốc để mọi người cùng “khai khẩn” ngõ hầu thế hệ sau thu hoạch được những bài học lịch sử chính xác.

Trong dịp tưởng nhớ lại chính biến 1 tháng 11, 1963, năm nay, cuốn sách “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” được cho ra mắt kể như một dịp tưởng niệm đến một vị tổng thống VNCH, một người làm chính trị đã có nhiều “lời khen và tiếng chê” nhất. (N.H.)



No comments:

Post a Comment