Tuesday, October 21, 2008

LẤY GÌ KỶ NIỆM HÀ NỘI 1000 NĂM TUỔI

“Chưa đầy 2 năm nữa là đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhưng mới có duy nhất một công trình kỉ niệm là Thư viện Hà Nội đã hoàn thành. 8 công trình trọng điểm về văn hóa khác vẫn nằm “đắp chiếu” hoặc trong tình trạng dang dở, “dừng chẳng được mà tiến không xong”. Không khí nô nức bàn về xây dựng các dự án hoành tráng mấy năm trước biến mất, chỉ thấy rõ sự uể oải, lúng túng của Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khiến dư luận không khỏi băn khoăn: sẽ có gì để kỉ niệm ngày thủ đô tròn nghìn tuổi?”. Dẫu sao cái phim Lý Công Uẩn mà người ta định sang Trung Quốc để quay đã bị dẹp tiệm. Thế cũng là mừng.
Dâng gì cho Hà Nội 1000 năm tuổi?
8:49 ngày 18/10/2008
http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/11103.ts?ccat=5
(Toquoc) - Chưa đầy 2 năm nữa là đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhưng mới có duy nhất một công trình kỉ niệm là Thư viện Hà Nội đã hoàn thành.
8 công trình trọng điểm về văn hóa khác vẫn nằm “đắp chiếu” hoặc trong tình trạng dang dở, “dừng chẳng được mà tiến không xong”. Không khí nô nức bàn về xây dựng các dự án hoành tráng mấy năm trước biến mất, chỉ thấy rõ sự uể oải, lúng túng của Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khiến dư luận không khỏi băn khoăn: sẽ có gì để kỉ niệm ngày thủ đô tròn nghìn tuổi?

Ý tưởng lớn, bao giờ cho đến… hiện thực?


Ngay từ mấy năm trước đây, nhiều ý tưởng chuẩn bị cho đại lễ đã hình thành với các công trình, dự án “hoành tráng” mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa như: Phục dựng Điện Kính Thiên ở chính tâm Hoàng thành Thăng Long; Lập dự án và tiến hành bảo tồn, tôn tạo thí điểm các tuyến phố và ô phố trọng điểm trong phố cổ Hà Nội, thực hiện một bước quan trọng dự án giãn dân khu phố cổ Hà Nội; Nghiên cứu, từng bước triển khai xây dựng một số tượng đài theo chủ đề về lịch sử: Thánh Gióng, An Dương Vương, Lý Thái Tổ; đài kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Toàn quốc kháng chiến, tượng đài Chiến thắng, tượng đài Thành phố vì Hòa bình, Công viên 1000 năm Thăng Long… Cải tạo các sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, cùng với bảo tồn các di tích văn hóa ở phụ cận; Lập dự án cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu dành cho người đi xe đạp và đi bộ - Cầu văn hóa… Nhưng rồi các ý tưởng lớn vẫn chỉ dừng lại là ý tưởng bởi gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình hiện thực hóa chúng.

Hiện tại, các hạng mục công trình trọng điểm về văn hóa được đề ra để hoàn thành gồm: Hoàn chỉnh quy hoạch bảo tồn tôn tạo Khu di tích Thành cổ Hà Nội, bảo tồn tôn tạo một số hạng mục; Khu di tích Cổ Loa: triển khai và hoàn thành dự án 5 thành phần, hoàn thành xây dựng Cửa ô phía Nam, hoàn thành xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội; Dự án bảo tồn thí điểm một ô phố cổ Hà Nội; Xây dựng Tháp Ngàn năm Thăng Long, đền thờ Lý Thái Tổ; Tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp đền thờ Lê Thái Tổ.

Ngày 10/10 vừa qua, công trình đầu tiên để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Thư viện Hà Nội đã hoàn thành và mở cửa phục vụ nhân dân, “vớt vát” chút niềm tin ít ỏi của người dân về những công trình lớn mừng ngày Đại lễ. Nhưng nỗi lo và sự chán nản lại có phần tăng lên khi các công trình khác vẫn dang dở (không loại trừ dang dở trong ý tưởng) và không hẹn ngày hoàn thiện. Điển hình là dự án thí điểm cải tạo ô phố cổ, đã có từ cách đây cả chục năm, được quyết định chọn ô phố cổ nằm trong 4 đường Hàng Ngang - Hàng Cân - Hàng Bồ - Thuốc Bắc, thế rồi tỉ lệ nghịch với thời gian, dự án chẳng có gì tiến triển. Có chăng chỉ là sự chuyển hướng theo kiểu “một bước tiến, hai bước lùi”: đổi ô khác là Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện (theo GS Lê Văn Lan). Cho tới giờ, khi mà người dân đang “thi nhau” phá vỡ cảnh quan phố cổ bằng nhiều cách khác nhau thì dự án vẫn nằm trên giấy.

Hay công trình đền thờ Lý Thái Tổ, đã qua một năm kể từ khi có thêm quyết định mà vẫn nằm im bởi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà văn hóa, nhà sử học. GS Lê Văn Lan đã từng bức xúc lên tiếng: Không nên xây đền thờ Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội nữa, vì đã có đền thờ Ngài ở quê hương Bắc Ninh (chỉ cách Hà Nội 30 km), và đã có tượng đài Ngài ở Hà Nội rồi. Nếu trong quá khứ đã xây đền thờ thì bảo tồn, tôn tạo, còn bây giờ mới đề xuất xây mới, là kệch về tư duy thời đại, về lịch sử văn hóa“…
Tháp Báo Thiên cũng như công trình đền thờ Lý Thái Tổ cũng chỉ đang ở giai đoạn “tranh cãi”. Các công trình Bảo tàng Hà Nội, tượng đài Thánh Gióng được coi là khả thi hơn sau công trình Thư viện Hà Nội nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc “đã cày xới” và chắc chắn không kịp cho ngày Đại lễ…

Cố đấm ăn xôi?

Ý tưởng lớn nhưng khi thực hiện thì dàn trải, thiếu trọng tâm, thiếu kinh nghiệm… có lẽ đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngổn ngang các công trình hiện nay. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã phải ngậm ngùi rằng: đã có quá nhiều công trình được xới ra trong khi thời gian tới ngày Đại lễ không còn nhiều. Các công trình văn hóa thì dở dang, thậm chí còn chưa rõ ý đồ, tranh cãi cả về địa điểm và tên gọi. Các công trình đưa ra là tổng thể của nhiều lĩnh vực như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, xuất bản, bảo tồn, kiến trúc, lịch sử… trong khi đó bộ phận tham mưu lại yếu, chưa được kiện toàn. Hiện nay nhiều công trình đang được tiến hành một cách chểnh mảng, không ai chịu trách nhiệm cũng như không giao cho ai làm cả, tạo ra nhiều lỗ hổng.

Có lẽ chúng ta đã không biết lượng sức mình, quá tự tin vào tình yêu với thủ đô để rồi huyễn hoặc mọi thứ. Sẽ thật đáng trách, sẽ là có lỗi với lịch sử khi khơi ra nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Nhưng cái lỗi ấy sẽ càng nặng hơn khi mà tới thời điểm này, phía Hà Nội vẫn chưa đưa ra được một quyết định rõ ràng nhất về số phận các công trình. Tất cả vẫn còn “treo”, cả trong ý tưởng, trên giấy và cả trên… đất. Đơn cử rõ nhất như trường hợp bộ phim Lý Công Uẩn, một dự án hoành tráng đã được vạch ra, nhưng rốt cục rơi vào im lặng. Không rõ dự án này sẽ đi đến đâu, chỉ biết rằng, tới thời điểm này, phía Hà Nội vẫn chưa có văn bản chính thức thông báo về việc có dừng bộ phim hay không, trong khi lại phê duyệt thêm một phim khác là “Hà Nội dấu yêu”.

GS sử học Lê Văn Lan đã từng khuyến cáo rằng: “Hãy cùng kiểm điểm lại cho thật khoa học, chặt chẽ về tất cả những việc đã đặt ra. Nếu thấy rằng có những việc không làm kịp, hoặc không làm được, thì công khai xin lỗi rằng chúng tôi dự kiến thế này, nhưng đã không làm được, giờ chúng tôi cố gắng để nhất định chỉ làm được thế kia thôi. Xin lỗi với bây giờ, tạ lỗi với tiền nhân và cáo lỗi mai sau”. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra theo kiểu “tung hỏa mù” với dư luận rằng các công trình đã động thổ thì chắc vẫn tiến hành. Chỉ có điều tới bao giờ hoàn thành thì không rõ?

Vừa rồi, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội có đưa ra yêu cầu với UBND TP Hà Nội phải nhanh chóng tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ và quy định rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân tham gia các công trình; khi cần phải xử lý nghiêm những người, đơn vị vi phạm trong quá trình triển khai các công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Một vài ý kiến còn cho rằng sẽ xử phạt, thậm chí thay ngay nhà đầu tư nếu thấy yếu, các công trình cần ghi rõ ngày khởi công và hoàn thành để người dân giám sát. Đây có thể coi là động thái tích cực nhằm đẩy nhanh và đúng hạn tiến độ các công trình, nhưng liệu tiến độ nhanh có song hành với chất lượng? Với một lượng công trình dàn trải, cả trên giấy và đã động thổ, trong khi chỉ còn khoảng thời gian ngắn ngủi hơn một năm là đến ngày Đại lễ, chúng ta có hoàn thành hay chỉ là làm quấy quá cho xong để kỉ niệm? Những bài học nhãn tiền như công trình tượng đài Điện Biên Phủ, bánh chưng khổng lồ mừng ngày giỗ tổ Hùng Vương… phải chăng chúng ta bỏ ngoài tai?

Theo nhà thơ Bằng Việt thì “Đằng nào cũng muộn rồi, không nên ấn định thời gian để tránh tình trạng làm quấy quá cho xong, cho kịp tiến độ” và “nên chú trọng vào những công trình thiết thực, mang tính phúc lợi xã hội cao, chứ không nên quá chú trọng vào những công trình khánh tiết, nghi thức. Cái quan trọng là phải dựng được không khí ngày hội, tạo được sự tự hào và nâng cao mức sống cho người dân Thủ đô”. Đây có lẽ là mong muốn của không chỉ riêng nhà thơ mà của đông đảo người dân thủ đô cũng như cả nước… Những món quà ý nghĩa để dâng lên Hà Nội nghìn năm tuổi là cần thiết, nhưng đừng chạy theo số lượng để rồi có những món quà thiếu đầy đặn, chỉ hào nhoáng bề ngoài./.
Khánh Nguyên

No comments:

Post a Comment