Wednesday, October 29, 2008

HỌC ĐỂ SỐNG hay "ĐỂ ĐẦU TO MẮT CẬN" ?

Học để sống hay để "đầu to mắt cận"?
Vũ Mạnh Tiến
28/10/2008 14:12 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5164/index.aspx
Khi hội nhập, người Việt Nam bộc lộ rất nhiều những nhược điểm như mất đoàn kết, tầm nhìn hạn hẹp, vô tổ chức... Vì vậy, ngay từ bậc phổ thông, học sinh cần phải học cách khắc phục những nhược điểm đó.

Kiến thức phổ thông đủ để... sống
Ngày 13 tháng 6 năm 2006 tại Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra tai nạn rất thương tâm, cùng lúc 8 em học sinh lớp 9 bị chết đuối, lý do là các em đều không biết bơi.
Đi học đã 9 năm ở vùng nông thôn, sông nước mà không biết bơi, lỗi này phải thuộc về ngành giáo dục. Nếu được dạy đúng phương pháp, mỗi ngày 1 giờ, sau 2 tuần một người bình thường đã có thể biết bơi.
Môn bơi chính là kiến thức phổ thông, là một kỹ năng sống rất cần có trong chương trình dạy phổ thông sắp tới.

Con gái tôi năm nay vào lớp 11, không thể tự tay làm một mâm cơm đãi khách. Gần đây nhiều bạn trai cũng than phiền về người yêu, bạn gái của mình đã tốt nghiệp đại học mà không biết nấu nướng, may vá, giặt là quần áo. Trong giao tiếp, ứng xử thì vụng về, gây khó chịu, mất lòng mọi người.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ kết hôn với nhau thời gian ngắn đã lục đục, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lý do là việc nữ công gia chánh, môn tâm lý giao tiếp, ứng xử không được quan tâm trong chương trình phổ thông hiện nay.

Lẽ ra, các kiến thức liên quan đến “công, dung, ngôn, hạnh” và đặc biệt là “đắc nhân tâm-nghệ thuật ứng xử” phải rất được coi trọng trong chương trình phổ thông.
Các em học sinh phổ thông trung học, nam cũng như nữ sau này cho dù có thể làm các nghề khác nhau, trình độ, suy nghĩ, hoàn cảnh, số phận khác nhau... nhưng đều giống nhau ở chỗ “trai lớn lấy vợ”, “gái lớn gả chồng” tức là đều sẽ lập gia đình với các vấn đề về ăn hỏi, cưới xin, làm chồng, làm vợ với các quan hệ gia đình nội, ngoại, lễ, tết, ma chay...
Vì vậy trong chương trình phổ thông rất cần những kiến thức về "đặc điểm của phái nam”, “tâm lý bạn gái”, “sức khỏe sinh sản”, về gia đình và phong tục, tập quán của người Việt nam. Đây chính là kiến thức phổ thông mà ai cũng nên biết.

Với các em nam những kiến thức như lắp đặt, sửa chữa hệ thống các thiết bị điện trong gia đình, các bài thực hành về máy bơm nước, máy công nông, giếng khoan, hệ thống lọc nước... Các loại vật liệu xây dựng, cách thiết kế xây nhà đơn giản, trang trí nội ngoại thất cho ngôi nhà. Sử dụng, sửa chữa thông thường xe đạp, xe máy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ...
Những điều đó sẽ dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều so với việc đau đầu, dồn sức giải các bài toán về hạt nhân nguyên tử, vận tải điện đi xa, các dạng mạch vòng, mạch thẳng của hóa hữu cơ hay các đường cong parabol, hypecbol...các hàm số tích phân với đủ các loại biến số chạy từ không đến... vô cùng như hiện nay.
Những kiến thức đó chỉ dành cho các sinh viên đại học, các kỹ sư, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh... không phù hợp với học sinh phổ thông.

Học một kỉ luật sống

Sau khi rời khỏi quân đội, điều để lại trong tôi không phải là các kỹ thuật điều khiển tên lửa mà là việc hàng ngày phải gấp chăn, màn, vuông thành khối chữ nhật, để đúng giữa phía trên đầu giường. Mũ sắt treo vừa tầm với trên tường. Giày, dép để thành đôi phía cuối giường, mũi giày dép quay ra phía ngoài để choàng dậy khi báo động có thể đi ngay vào chân kể cả trong đêm tối. Khăn mặt khi phơi phải thẳng, mép khăn phải bằng, dây giày phải lồng và buộc cho đúng...
Tất cả những điều này tạo nên thói quen cẩn thận, ngăn nắp, gọn gàng, khoa học và thẩm mỹ, những điều này rất có ích cho tôi trong cuộc sống, làm việc sau này. Thật sự chỉ khi vào quân đội tôi mới được dạy và học những thứ đơn giản như vậy. Tôi luôn nghĩ tại sao không có môn dạy những thứ đó trong trường phổ thông?
Những luật liên quan đến đời sống hàng ngày của mọi người như luật nhà ở, đất đai, luật hôn nhân, gia đình, luật giao thông, luật dân sự... cũng cần được chọn lọc để phổ biến cho các em. Học môn văn thì phải thành thạo việc viết đơn từ, lập hợp đồng mua bán hàng hóa, nhà đất... Đó chính là kiến thức phổ thông, công dân nào cũng cần biết.

Học cách khắc phục những nhược điểm của người Việt

Gần đây khi hội nhập với các nước khác trên thế giới, người Việt Nam ta bên cạnh những ưu điểm như cần cù, ham học, chịu khó, chịu khổ, thông minh... cũng bộc lộ rất nhiều những nhược điểm thuộc dạng “bẩm sinh” như mất đoàn kết, tầm nhìn hạn hẹp, vô tổ chức, kỷ luật... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người Việt cũng như uy tín của đất nước.
Vì vậy môn học về “ưu, nhược điểm của người Việt Nam ta” cũng như “hội nhập quốc tế”, “Du lịch, du học” và các môn như “Tiếng Anh thông dụng”, “ Sử dụng máy tính và Internet”, “ Văn minh, lịch sự, khôn ngoan” là những môn nên đưa vào chương trình phổ thông .

Trước đây Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hay dùng những câu như “non sông, gấm vóc” hay “rừng vàng, biển bạc” để nói về nước Việt Nam là rất chính xác, chỉ có điều con người Việt Nam chưa biết tận dụng để khai thác những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng thôi.
Vì thế, các em cần được học về “ tiềm năng đất nước, con người”. Trong đó chỉ ra những thế mạnh, biết cách phát huy, khai thác những tiềm năng về con người, về thiên nhiên, về gia đình, địa phương, đất nước, truyền thống... để phục vụ cho cuộc sống, cho gia đình, địa phương và đất nước mình.
Điều đó cũng cho các em biết các nước khác trên thế giới đã tận dụng, khai thác triệt để những thế mạnh của họ để thành công trên các lĩnh vực của cuộc sống như thế nào.
Người Việt Nam có một nhược điểm đã được nhiều nhà xã hội học trong và ngoài nước tổng kết đó là hay “mơ mộng hão huyền” tính thiết thực, thực dụng yếu.

Là một kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa tôi vẫn luôn thấy buồn vì những thứ đơn giản như chiếc nồi cơm điện, chiếc máy giặt chẳng hạn cũng do nước ngoài nghĩ và làm ra, trong khi đó gia đình Việt Nam nào cũng cần tới nó.
Trong nước thì chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt, chiếc máy gặt lúa cải tiến từ máy cắt cỏ, rất đơn giản và hiệu quả, đều do các bác nông dân ít học sáng tạo ra. Điều tôi thấy xấu hổ là chính chúng tôi, những sinh viên kỹ thuật, những kỹ sư, các trường đại học, các viện nghiên cứu không suy nghĩ gì về những việc đơn giản và hữu ích cần cho đời sống nhân dân mà thường tổn hao thời gian, trí lực, tiền bạc cho biết bao đồ án, đề tài nghe thì hoành tráng mà vô tích sự, không thể áp dụng vào thực tiễn được.
Vì vậy, ngay từ bậc học phổ thông, các em cần được dạy về tính thiết thực, hữu dụng, tiết kiệm, hiệu quả trong tư duy và hành động.

Một nhược điểm nữa của người Việt Nam là khả năng làm việc, hợp tác theo nhóm, tập thể kém. Có lẽ đó là tàn dư của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ từ bao đời nay.
Nếu dạy các em về làm việc theo nhóm, hợp tác để phát triển, hay “tập làm lãnh đạo” chẳng hạn thì sẽ rất tốt, vì nó tập cho các em cách nhìn nhận, suy nghĩ, điều khiển, ứng xử của con người trong một tập thể.
Vũ Mạnh Tiến
Bài 2: Không lẽ để một thế hệ "đầu to, lưng còng, mắt cận"?

Tin bài liên quan
>>
Thử chọn 1 cách khác để đánh giá chất lượng giáo dục
>> Nền giáo dục ảo tưởng và hưởng thụ
>> Trường phổ thông chỉ nên dạy kiến thức phổ thông
>>
Để được học môn mình thích, với thầy cô mình muốn

No comments:

Post a Comment