Thursday, October 30, 2008

GRUZIA (GEORGIA) VÀ CÁN CÂN LỰC LƯỢNG

Gruzia và cán cân lực lượng
George Friedman
Nguyên Mẫn dịch
30.10.2008
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=14624&rb=0402

Cuộc xâm lăng Gruzia của Nga đã không thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực Âu-Á. Nó chỉ báo hiệu là cán cân lực lượng đã lệch. Hoa Kỳ đang bị cuốn hút vào những cuộc chiến của họ ở Iraq và Afghanistan, khả năng xung đột với Iran, và tình trạng bất ổn ở Pakistan. Họ không còn lực lượng trừ bị chiến lược và đang ở vị thế không thể can thiệp vào vùng ngoại biên của Nga. Điều này đã tạo cơ hội cho người Nga khẳng định lại ành hưởng của họ trong khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Moksva không cần phải bận tâm về phản ứng của Hoa Kỳ hay của châu Âu; vì thế, cán cân lực lượng đã lệch, và việc chọn thời điểm để công bố điều này tùy vào người Nga. Họ đã làm điều đó vào ngày 8 tháng Tám.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách duyệt lại các sự kiện gần đây. Vào đêm thứ năm, 7 tháng Tám, lực lượng của Cộng hòa Gruzia tràn sang biên giới Nam Ossetia, một vùng ly khai của Gruzia đã hoạt dộng như một thực thể độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Họ tiến thẳng đến thủ phủ Tskhinvali, gần sát biên giới. Các lực lượng Gruzia đã bị khựng lại khi định chiếm thành phố. Mặc dù đã giao tranh ác liệt họ không thể làm chủ được thủ phủ cũng như phần còn lại của Nam Ossetia.

Vào sáng ngày 8 tháng Tám, lực lượng Nga, bao gồm bộ binh cơ giới với không lực yểm trợ, tiến vào Nam Ossetia. Nga, tuy không chính thức liên kết với Nam Ossetia, đã hành động để ngăn không cho Gruzia nuốt chửng vùng này. Phản ứng nhanh chóng của Nga - chỉ vài giờ sau khi Gruzia tấn công - cho thấy họ đang trông chờ sự kiện này và đã bố trí lực lượng tại các điểm xuất phát. Cuộc phản công đã dược lên kế hoạch chu đáo và tiến hành rất vững chắc. Chỉ hơn 48 giờ sau Nga đã đánh bại lực lượng chính của Gruzia và buộc họ thoái lui. Đến ngày chủ nhật, 10 tháng Tám, họ đã củng cố vị trí ở Nam Ossetia.

Vào thứ hai, 11 tháng Tám, Nga mở hai trục tiến công tràn vào lãnh thổ Gruzia. Một trục từ phía nam của Nam Ossetia tiến đến thành phố Gori của Gruzia. Trục kia từ Abkhazia, môt vùng ly khai khác của Gruzia và cũng liên kết với Nga. (Ngày 26 tháng Tám, Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, biến tình trạng thực tế từ 16 năm qua thành tình trạng hợp pháp). Cuộc tấn công này nhằm cắt đứt con đường giữa thủ đô Tbisili của Gruzia và các cảng Poti và Batumi ở Biển Đen. Đến thời điểm này, Nga đã ném bom các phi trường quân sự của Gruzia ở Marneuli và Vaziani và có vẻ như đã làm tê liệt các dàn ra đa tại phi trường quốc tế Tbisili. Các mũi tiến công đưa quân Nga dến cách thủ đô của Gruzia chỉ khoảng 40 dặm, đồng thời gây khó khăn cho bất cứ dự tính nào từ bên ngoài nhằm tăng viện và tiếp vận cho quân đội Gruzia.

Bí ẩn đằng sau vụ tấn công của Gruzia

Trong trình tự đơn giản này có một điều khó hiểu: Tại sao Gruzia lại quyết định xâm lấn Nam Ossetia vào ngày 7 tháng Tám? Trong ba đêm trước đó Nam Ossetia đã pháo kích vào các làng của Gruzia, tuy mức độ có gay gắt hơn bình thường, nhưng các cuộc pháo kích qua lại như thế là chuyện vẫn thường xảy ra. Quân Gruzia có thể đã không chiến đấu giỏi nhưng họ đã điều động một lực lượng khá lớn mà phải cần đến vài ngày để triển khai và tiếp tế. Đây là một hành động có dự tính của Gruzia.

Hoa Kỳ là đồng minh thân cận nhất của Gruzia. Họ giữ khoảng 130 cố vấn quân sự ở Gruzia, cùng với các cố vấn dân sự, các nhân viên khế ước liên hệ với các mặt hoạt động của chính quyền, và các thương gia làm ăn ở đấy. (Trong tháng Bảy một ngàn lính Hoa Kỳ đã mở cuộc tập trận với quân Gruzia. Để đáp ứng, Nga cũng mở các cuộc tập trận cùng lúc. Sau đó lính Hoa Kỳ rút lui. Lính tập trận của Nga ở lại và tạo thành lực lượng chủ yếu trong vụ xâm lăng Gruzia.) Thật khó có thể tưởng tượng được là Hoa Kỳ không biết gì đến việc huy động quân đội và ý đồ của Gruzia. Lại càng không thể hiểu được là Hoa Kỳ đã không biết đến việc Nga đã điều động khá nhiều quân gần biên giới Nam Osstia. Kỹ thuật tình báo của Hoa Kỳ, thu thập tin tức từ ảnh vệ tinh, tín hiệu, đến phi cơ thám báo không người lái, lại có thể bỏ qua sự kiện hàng ngàn quân Nga đã di chuyển đến các vị trí tiền phương. Nga đã biết rõ quân Gruzia đang sửa soạn tấn công. Làm sao Hoa Kỳ lại không nhận ra được dự tính của Nga? Thật vậy, khi đã có tin về việc điều động của quân Nga, làm sao tình báo lại không nhận ra khả năng là Nga đang đặt cạm bẫy, hy vọng cuộc xâm lấn của Gruzia sẽ biện minh cho cuộc phản công của họ?

Khó tưởng tượng được là Gruzia đã tiến hành cuộc tấn công đi ngược lại ý muốn của Hoa Kỳ. Người Gruzia dựa vào Hoa Kỳ, và họ không thể hành động bất chấp đồng minh của họ. Có hai khả năng giải thích điều này. Thứ nhất là sự suy sụp trầm trọng của tình báo, theo đó Hoa Kỳ hoặc không hay biết gì về việc điều động của quân Nga hoặc biết nhưng - cùng với Gruzia - đã đánh giá sai ý đồ của Nga. Thứ hai là Hoa Kỳ, cùng với các nước khác, đã nhìn Nga qua lăng kính của thập niên 90, khi quân đội của nước này rơi vào tình trạng hỗn độn và chính quyền bị tê liệt. Hoa Kỳ nhận thấy kể từ sau cuộc chiến ở Afghanistan trong các thập niên 70 và 80, Nga không có một hoạt động quân sự dứt khoát nào ngoài biên giới của họ. Trong suốt nhiều năm người Nga đã tránh né các hoạt đông như thế một cách có hệ thống. Hoa Kỳ cho rằng Nga e dè vì sợ hậu quả của một cuộc xâm lấn.

Nếu sự việc là như thế, nó chỉ ra thực tế cốt lõi của tình trạng này: cùng với cán cân lực lượng trong vùng, người Nga đã thay đổi khá nhanh chóng. Họ đón chào cơ hội để phô bày thực tế mới này, đó là họ có thể xâm lấn Gruzia, và Hoa Kỳ cùng đồng minh không thể có đáp ứng có ý nghĩa nào. Họ không xem cuộc xâm lấn là nguy hiểm. Về mặt quân sự, không có một lực lượng nào đối chọi họ. Về mặt kinh tế, Nga là một nước xuất khẩu năng lượng đang ở thế mạnh - thật vậy, châu Âu cần đến năng lượng của Nga hơn là Nga cần bán cho họ. Về mặt chính trị, chúng ta sẽ thấy, người Mỹ cần đến người Nga nhiều hơn là nguời Nga cần đến người Mỹ. Theo tính toán của Moskva, đây là thời điểm để tấn công. Người Nga đã chuẩn bị trong nhiều tháng qua, và họ đã ra tay trước.

Phương Tây bao vây nước Nga

Để hiểu cách suy luận của Nga chúng ta cần xét đến hai sự kiện. Đầu tiên là cuộc Cách mạng Cam ở Ukraina. Theo quan điểm của Hoa Kỳ và châu Âu, cuộc Cách mạng Cam tiêu biểu cho chiến thắng của dân chủ và ảnh hưởng của phương Tây. Theo quan điểm của Nga, Moskva đã nêu rõ điểm này, Cách mạng Cam là một sự can thiệp vào nội tình của Ukraina do CIA tài trợ, với mục đích lôi kéo Ukaraina vào khối NATO và nhằm bao vây nước Nga. Hai vị tổng thống Hoa Kỳ, George H.W. Bush và Bill Cliton, đã hứa với người Nga là NATO sẽ không bành trướng vào khu vực đế quốc Xô viết cũ.

Lời hứa đó đã bị bội ước vào năm 1998 khi NATO mở rộng thu nhận Ba Lan, Hungary và cộng hòa Tiệp – và một lần nữa vào năm 2004 khi thu nhận không những các nước vệ tinh Xô viết trước đây ở vùng Trung Âu mà cả ba nước vùng Baltic.

Người Nga đã chịu đựng những chuyện đó, nhưng họ xem dự tính thu nhận Ukraina vào NATO là mối đe dọa cơ bản đối với nền an ninh quốc gia của Nga. Điều đó, theo tính toán của họ, sẽ làm suy yếu sự phòng thủ nước Nga và gây nên bất ổn cho cả Liên Bang Nga. Khi Hoa Kỳ còn đề nghị cho Gruzia gia nhập NATO, đưa NATO tiến sâu vào vùng Caucasus, Nga đã kết luận - và đã công bố điều này - là Hoa Kỳ đang tìm cách bao vây và làm suy yếu nước Nga.

Sự kiện thứ hai kém quan trọng hơn là quyết định của Hoa Kỳ và châu Âu ủng hộ việc tách rời Kosovo ra khỏi Serbia. Người Nga thân thiện với người Serbia, nhưng vấn đề sâu đậm hơn của Nga là: nguyên tắc đã được châu Âu chấp nhận kể từ sau Thế chiên thứ hai là, để ngăn ngừa xung đột, các biên giới quốc gia sẽ không thay đổi. Nếu nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Kosovo, các thay đổi biên giới khác có thể tiếp nối - các vùng khác trong nước Nga sẽ đòi độc lập. Người Nga đã yêu cầu, công khai hay riêng tư, là không nên cho Kosovo chính thức độc lập mà vẫn tiếp tục qui chế tự trị không chính thức, nghĩa là trên thực tế chẳng khác nhau. Các yêu cầu của Nga đã bị phớt lờ.

Qua kinh nghiệm tại Ukraina, người Nga cho rằng Hoa Kỳ có kế hoạch bao vây và bóp nghẹt nước Nga. Qua vụ Kosovo, họ kết luận rằng Hoa Kỳ và châu Âu không sẵn sàng xét đến ước muốn của Nga ngay cả trong các vấn đề không quan trọng. Đấy là giọt nước làm tràn ly. Nếu những đề nghị của Nga không được dàn xếp ngay cả trong các vấn đề thứ yếu như thế, rõ ràng giữa Nga và phương Tây đang có sự xung đột. Đối với người Nga, như chúng ta đã nói, câu hỏi đặt ra là phải đáp ứng như thế nào. Sau khi đã tự kiềm chế trong vấn đề Kosovo, họ quyết định đáp ứng khi họ nắm các lá bài trong tay: tại Nam Ossetia.

Có hai động cơ thúc đẩy Moskva hành động: động cơ kém quan trọng hơn là để trả đũa vụ Kosovo. Nếu Kosovo có thể tuyên bố độc lập dưới sự bảo trợ của phương Tây, Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng ly khai của Gruzia, cũng có thể tuyên bố độc lập dưới sự bảo trợ của Nga. Bất kỳ phản kháng nào của Hoa Kỳ hay châu Âu chỉ xác nhận tính cách đạo đức giả của họ. Điều đó quan trọng đối với nội tình chính trị của Nga, nhưng động cơ thứ hai còn quan trọng hơn nhiều.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã từng nói là sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa có tính cách địa-chính trị. Điều đó không có nghĩa là ông ta muốn giữ lại nhà nước Xô-viết; rõ hơn, nó có nghĩa là sự phân rã của Liên Xô đã tạo nên tình thế nền an ninh của Nga đã bị các quyền lực của phương Tây đe dọa. Ví dụ, trong thời chiến tranh lạnh, khoảng cách giữa St. Petersburg với nước NATO gần nhất là 1200 dặm. Ngày nay khoảng cách đó với Estonia, một thành viên của NATO, chỉ dưới 100 dặm. Sự phân rã của Liên Xô đã để lại một nước Nga bị bao quanh bởi một số quốc gia mà Nga cho là thù nghịch theo nhiều mức độ khác nhau và bị ảnh hưởng sâu rộng bởi Hoa Kỳ, châu Âu, và, trong vài trường hợp, kể cả Trung quốc.

Phục hồi khu vực ảnh hưởng của Nga

Putin không muốn tái lập Liên Xô, nhưng ông ta muốn tái lập khu vực ảnh hưởng của Nga trong vùng Xô viêt cũ. Để đạt được điều này, ông ta phải thực hiện hai điều. Thứ nhất, ông ta phải tái lập uy tín của quân đội Nga như là một lực lượng chiến đấu, ít ra là trong khu vực của Nga. Thứ nhì, ông ta phải cho thấy những lời cam kết của phương Tây, kể cả việc gia nhập khối NATO, chẳng là gì cả khi chạm mặt với sức mạnh của Nga. Ông ta không muốn trực tiếp đương đầu với NATO, nhưng ông ta muốn đối chọi và đánh bại một thế lực nào mà đã liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, được Hoa Kỳ ủng hộ, viện trợ, cố vấn, và xem như được Hoa Kỳ che chở. Gruzia hội đủ những điều kiện đó.

Khi xâm lăng Gruzia như Nga đã làm (hữu hiệu nếu không muốn nói là xuất sắc), Putin đã tái lập uy tín của quân đội Nga. (Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc hành quân đã làm cho hàng ngàn người mất nhà cửa và gây thương vong cho thường dân). Nhưng quan trọng hơn cả là cuộc xâm lăng của Putin đã làm lộ ra cái bí mật mà ai cũng biết. Khi Hoa Kỳ đang còn bị buộc chân ở vùng Trung Đông, cam kết của Mỹ không có giá trị nữa. Bài học này không dành cho người Mỹ. Nó là điều mà, theo quan điểm của Nga, người Ukraina, người vùng Baltic, và người vùng Trung Á cần nghiền ngẫm. Thật vậy, đó cũng là bài học mà Putin muốn gửi đến Ba Lan và Cộng hòa Tiệp. Vào tháng Bảy chính phủ Tiệp ký kết thỏa ước với Hoa Kỳ để thiết lập dàn phi đạn phòng thủ tại Cộng hòa Tiệp, và trong tháng Tám, vài ngày sau khi cuộc xung đột ở Gruzia xảy ra, chính quyền Ba Lan tuyên bố là họ đã đồng ý cho người Mỹ lập căn cứ chống phi đạn ở Ba Lan. Thỏa ước giữa Ba Lan và Mỹ được ký kết một cách vội vã như là một cử chỉ thách đố người Nga. Người Nga đáp ứng với những đe dọa mà Condoleeza Rice đã bác bỏ, gọi là “kỳ quặc”.

Nga biết Hoa Kỳ sẽ lên án cuộc tấn công của họ. Điều này đã xảy ra đúng như họ mong muốn. Các nhà lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ càng cao giọng phản kháng thì càng lộ rõ sự thiếu hành động của họ, và người Nga muốn nêu rõ cái ý những cam kết của Hoa Kỳ là rỗng tuếch. Người Nga còn biết một điều khác quan trọng hơn. Đối với Hoa Kỳ, Trung Đông quan trọng hơn vùng Caucasus, và Iran thì đặc biệt quan trọng. Hoa Kỳ muốn Nga tham gia việc cấm vận Iran. Càng quan trọng hơn nữa, Hoa Kỳ không muốn Nga bán vũ khí cho Iran, nhất là hệ thống phi đạn phòng không rất hữu hiệu, S-300. Đối với Hoa Kỳ, Gruzia chỉ là một vấn đề bên lề; Iran mới là vấn đề cốt lõi. Người Nga đang ở vị thế gây khó dễ cho Hoa Kỳ không những ở Iran mà còn có thể bán vũ khí cho các nước khác, như Syria chẳng hạn.

Vì thế, Hoa Kỳ đang gặp vấn đề - hoặc phải chuyển hướng chiến lược của họ từ vùng Trung Đông về vùng Caucasus, hay là phải giới hạn phản ứng đối với vụ Gruzia để tránh đối đầu với Nga ở Iran. Dù Hoa Kỳ có sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến ở Gruzia vào lúc này, họ cũng phải tính toán đến đáp ứng của Nga ở Iran - và có thể ở cả Afghanistan (mặc dù quyền lợi của Moskva ở nước này cũng tương tự như của Washington.)

Nói cách khác, Nga đã đẩy Hoa Kỳ vào thế kẹt. Châu Âu, thiếu hẳn một lưc lượng viễn chinh và tùy thuộc vào năng lượng xuất khẩu của Nga, lại càng có ít lựa chọn hơn. Nếu không có gì khác xảy ra, người Nga đã cho thấy dù họ không còn là một thế lực toàn cầu nữa, họ đã giành lại vai trò của một thế lực rất quan trọng tại khu vực với nhiều vũ khí hạt nhân và một nền kinh tế không tồi như trước đây. Nga đã buộc các nước chung quanh xét lại lập trường đối với Nga của họ. Đó là điều Nga muốn chứng tỏ, và họ đã chứng tỏ điều ấy.

Cuộc chiến ở Gruzia cho thấy Nga đã trở về vị thế của một cường quốc. Đó không phải là chuyện mới xảy ra - nó đã diễn ra kể từ khi Putin lên nắm quyền, và đã gia tăng mãnh liệt trong năm năm qua. Một phần là do sự gia tăng quyền lực của Nga, nhưng phần lớn là do các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã làm cho Hoa Kỳ mất thăng bằng và thiếu hụt tài nguyên. Cuộc xung đột ấy đã tạo một cơ hội. Mục tiêu của Nga là dùng cơ hội đó để xác nhận một thực tại trong khu vực trong khi người Mỹ đang bị bó tay ở một nơi khác và cần đến sự hợp tác của Nga. Cuộc chiến không phải là một sự bất ngờ; nó đã được gây dựng trong nhiều tháng qua. Nhưng những cơ sở địa-chính trị của cuộc chiến đã được gây dựng từ năm 1992. Nga đã là một đế quốc trong nhiều thế kỷ. Khoảng mười lăm năm gần đây không phải là một thực tại mới, nó chỉ là một sự lệch lạc mà sẽ được chấn chỉnh. Bây giờ điều đó đã được chấn chỉnh. Liệu Hoa Kỳ và đồng minh có thể đưa ra một đáp ứng rõ ràng nào không giờ đây trở thành vấn đề trọng yếu cho chính sách đối ngoại của phương Tây.

27 tháng Tám, 2008

--------------------------
George Friedman, người sáng lập và cũng là Giám đốc Stratfor, một công ty thu thập tình báo tư nhân
chuyên xuất bản các phân tích về địa-chính trị và an ninh tại
www.statfor.com. Ông là tác giả cuốn America’s Secret War. Tác phẩm mới của ông, The Next Hundred Years, sẽ được xuất bản trong tháng Giêng 2009.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


Nguồn:
The New York Review of Books, September 25, 2008

No comments:

Post a Comment