Saturday, October 25, 2008

CHUYẾN ĐI BẮC KINH ĐẦU TIÊN của NGUYỄN TẤN DŨNG

CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN THĂM BẮC KINH CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG
Âu Dương Thệ
DC&PT - Thời Sự 2008

* Hồ Cẩm Đào đã cư xử với Nguyễn Tấn Dũng như thế nào?
* Tại sao vào lúc này BK lại „mở vòng tay“ với HN ?
* Mức nhập siêu của VN trong giao thương với TH đã chiếm 70% mức dự trữ ngoại tệ của VN!
* Tại sao nhóm cầm đầu HN luôn luôn phải chọn giải pháp tình thế vô cùng bất lợi?

Hồ Cầm Đào ra lệnh, Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe

Hồ Cầm Đào, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) và Chủ tịch nước TH, trong cuộc gặp tại Bắc kinh (BK) ngày 22.10 đã nói thẳng với TT Nguyễn Tấn Dũng về phương hướng quan hệ hai nước như sau: „Hai nước Trung - Việt phải nắm vững phương hướng đúng đắn phát triển quan hệ hai nước, tăng thêm sự tin cậy chiến lược, tăng cường hợp tác toàn diện, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển vừa tốt vừa nhanh. „
[1]

Các từ „đúng đắn“ và „tin cậy“ mà Hồ Cẩm Đào nói với Nguyễn Tấn Dũng phải hiểu theo nội hàm của những người cầm đầu CSTH. Tức là phải phù hợp theo quyền lợi của TH và không được phép đi hàng hai, bắt cá hai tay! Ông Đào còn chỉ rõ mối quan hệ phải theo phương thức sớm giải quyết những bất đồng giữa hai bên:
„…kịp thời trao đổi về vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước, xử lý ổn thoả vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, hết sức giữ gìn đại cục hữu hảo Trung Việt, tăng cường thương thảo, sớm hoàn thành việc hoạch định đường biên giới trên đất liền. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn chỉ rõ, hai nước nên nhìn nhận đúng đắn và xử lý ổn thoả vấn đề biển Nam Hải, cố gắng tìm kiếm con đường và hình thức tăng cường hợp tác trên biển Nam Hải, khiến biển Nam Hải trở thành biển hoà bình, hợp tác, hữu nghị. „
[2]

Nội dung lời phán của Hồ Cẩm Đào với Nguyễn Tấn Dũng trên đây phải hiểu là, các tranh chấp hiện nay giữa hai nước trên đất liền, các hải đảo và Biển đông cần phải giải quyết ổn thỏa sớm theo các yêu sách của BK!

Nếu phân tích kĩ thì sẽ thấy nội dung và ngôn ngữ của Hồ Cẩm Đào nói với người đứng đầu chính phủ của chế độ CSVN có những đặc điểm cần lưu ý: 1. Không dùng ngôn ngữ ngoại giao, lịch thiệp giữa hai nước có độc lập, chủ quyền và bình đẳng, mà đã chọn ngôn ngữ ra lệnh, đe dọa và khuyên bảo của một nước lớn ra lệnh và muốn ăn hiếp một nước nhỏ hơn. 2. Muốn bắt VN phải chấp nhận những yêu sách của TH về những vấn đề đang còn tranh chấp giữa hai nước, đặc biệt hiện nay là các hải đảo Hoàng sa, Trường sa và biển Đông.

Trong khi đài Bắc kinh tường thuật lại lời phát biểu của Hồ Cẩm Đào như thế thì không thấy các cơ quan báo chí của ĐCSVN, kể cả tờ điện tử của Chính phủ, ghi lại các lời phát biểu trên đây. Điều này thì dễ hiểu thôi. Nhưng có điều đáng lưu ý ở đây là, trước những lời có tính cách chỉ thị và ra lệnh của Hồ Cẩm Đào thì ngay trong tờ báo điện tử Chính phủ (VN) đã ghi quan điểm và thái độ của Nguyễn Tấn Dũng:
„Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn hết sức coi trọng, chân thành mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung quốc và sẽ làm hết sức mình để vun đắp cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển vững chắc.“
[3]

Ngoài ra, trong chuyến thăm TH chính thức 4 ngày (từ 20-23.10) trước khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEM (Á-Âu) lần thứ bẩy tại BK (24-25.7), ông Dũng đã nhiều lần lập lại câu thần chú là quan hệ Việt-Hoa theo „phương châm 16 chữ“ và „tinh thần bốn tốt“. Như vậy, trước thái độ kẻ cả rất sống sượng của Hồ Cẩm Đào thì Nguyễn Tấn Dũng, người cầm đầu chính phủ của chế độ CSVN, đã phải xuống giọng dùng ngôn ngữ vuốt ve và khúm núm một cách an phận! Mặc dầu ông Dũng đã cầm đầu một phái đoàn hùng hậu thăm BK lần đầu trong tư cách Thủ tướng (TT)!

Tại sao lại như vậy? : Bối cảnh chuyến đi BK đầu tiên của Nguyễn Tấn Dũng

Sau hơn hai năm làm TT, nhưng ông Dũng vẫn không thăm chính thức BK, đây là một việc không bình thường so với các người tiền nhiệm của ông trước đây. Chỉ vài tháng sau khi giữ chức TT, Nguyễn Tấn Dũng đã chọn Nhật làm nước đầu tiên đi thăm.
[4] Ai cũng biết Nhật là bạn hàng thương mại quan trọng của VN và là nước viện trợ cao nhất cho VN. Không những thế, Đông kinh trong những năm gần đây đang có những tranh chấp lớn với Bắc kinh về một số lãnh vực. Trong chuyến thăm Nhật Nguyễn Tấn Dũng đã công khai ủng hộ việc Nhật muốn trở thành một hội viên thường trực mới trong Hội đồng Bảo an của Liên hiệp quốc trong trường hợp tổ chức quốc tế này cải tổ lại. Đây là một điều mà BK đã công khai chống đối từ mấy năm nay. Vì thế, nhóm cầm quyền BK đã rất bực bội, cho nên đã không chính thức mời Nguyễn Tấn Dũng thăm BK trong chuyến ông tham dự Hội nghị Cấp cao về đầu tư và thương mại giữa TH và ASEAN ở thành phố Nam ninh (Quảng Tây) vào cuối tháng 10.07.[5]

Nhóm cầm đầu BK đã chờ đợi vào một thời điểm thích hợp để „tiếp đón“ Nguyễn Tấn Dũng. Và chính lúc này là thời điểm thuận lợi nhất cho họ. BK biết rất rõ là ông Dũng đang bị rơi vào hoàn cảnh chính trị ngặt nghèo: 1. Hiện nay vị thế của ông Dũng trong Bộ chính trị (BCT) ĐCSVN đang rất suy yếu, sau những sai lầm để xẩy ra nạn lạm phát phi mã, các biện pháp bất nhất trong chống lạm phát đã gây ra phân hóa ngay trong nội bộ chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng.
[6] Hai Hội nghị Trung ương 7 (7.08) và 8 (10.08) đã mổ xẻ liên tiếp nguyên nhân và các giải pháp chống lạm pháp. Trong đó Nguyễn Tấn Dũng, dù không nêu tên, đã bị phê bình gay gắt. BCT hiện nay do một số người bảo thủ đang nắm chuôi, đã tước một phần lớn quyền của ông Dũng, nhưng vẫn để ông ta giữ ghế TT. 2. Uy tín của Nguyễn Tấn Dũng trong nhân dân VN cũng đang bị mất sau việc ông đầu hàng những phần tử lãnh đạo bảo thủ trong việc chống tham nhũng, điển hình là vụ tham nhũng cực kì nghiêm trọng PMU 18 trong đó cả gia đình của TBT Nông Đức Mạnh cũng dính líu, mà kết quả là những quan tham thì được tha hoặc không được động chạm tới, còn các nhà báo tố tham nhũng thì bị tù! Việc hàng chục ngàn Giáo dân thắp nến cầu nguyện ở ngay thủ đô Hà nội trong nhiều tuần lễ vừa qua và thái độ vừa kiêu ngạo vừa ấu trĩ của chính phủ khi cho báo chí xuyên tạc và mạ lị Giáo dân và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt cũng cho thấy uy tín của Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục xuống nhanh. 3. Cuộc khủng hoảng tài chánh lớn nhất trên thế giới từ 80 năm qua đã trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng nhất từ trước tới nay. Trong đó các trung tâm kinh tế của phương Tây (Mĩ, EU và Nhật) đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Nhưng đây cũng là những đối tác chính cho VN trong kinh tế, thương mại, viện trợ và đầu tư. Nguyễn Tấn Dũng vẫn nuôi tham vọng trở thành Thủ tướng giành được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất. Nhưng hiện nay tình hình quốc nội và quốc tế đang làm cho các tham vọng của ông Dũng tan nhanh như bong bóng! BK nắm vững nội tình ĐCSVN nên hiểu rõ tư thế chính trị ngặt nghèo lúc này của Nguyễn Tấn Dũng như thế nào!

Trong bối cảnh vô cùng bất lợi và hiểm nguy như vậy thì „anh hùng“ Nguyễn Tấn Dũng đã thấm mệt và cô đơn. Đây là lúc BK mở vòng tay ra „cứu“. Nắm biết được tính tình thích nổ và sĩ diện của ông Dũng, cho nên BK bề ngoài đã tổ chức tiếp đón Nguyễn Tấn Dũng theo tư cách thượng khách với 19 phát súng đại bác. Nhưng các trong cuộc thảo luận với Nguyễn Tấn Dũng thì Ôn Gia Bảo và nhất là Hồ Cẩm Đào đã thúc bách và gần như muốn ra chỉ thị cho Thủ tướng của chế độ CSVN, như phần trên đã trình bày.

Trong bối cảnh quốc tế, BK chọn thời điểm này để mời Nguyễn Tấn Dũng thăm là một tính toán kĩ có lợi cho quyền lợi của BK. Trong khi Mĩ (nước mà ông Dũng ưu tiên nhắm tới trong các hoạt động ngoại giao từ khi lên làm TT) thì đang bị kẹt lớn về nhiều mặt: Cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mĩ đã đẩy Hoa kì vào những khó khăn nan giải không chỉ trước mắt mà còn trong trung hạn; chiến tranh Irak, Afghanistan rất tốn kém và thất nhân tâm vẫn chưa có lối thoát; hiện nay cuộc bầu cử tổng thống mới đang diễn ra ở Mĩ khiến cho ông Bush chỉ như con vịt què. Cho nên nếu giả thử ông Bush muốn giúp Nguyễn Tấn Dũng thì cũng không có khả năng và cũng không còn tâm trí. Vì thế tuyên bố xuông của Tổng thống Bush khi tiếp ông Dũng tại tòa Bạch ốc (6.08)
[7] là Hoa kì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN không giúp được chế độ CSVN đứng vững hơn trước sức ép của BK, nhưng ngược lại càng thúc đẩy BK phải ra tay bóp mạnh hơn nữa!

Tình hình trong nước lẫn quốc tế đang diễn ra rất bất lợi cho thế đứng của Nguyễn Tấn Dũng, nên ông Dũng phải tìm một chỗ tựa chính trị khác để giải quyết lạm phát và kinh kế suy đồi. Đây cũng chính là quan điểm của một số người đang nắm vai trò chủ động trong BCT của ĐCSVN, đứng đầu là Nông Đức Mạnh. Sau chuyến đi BK vào cuối tháng 5 vừa qua, trong cuộc họp của Ban Đối ngoại trung ương vào đầu tháng 7.08, chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Tấn Dũng từ Mĩ trở về, Nông Đức Mạnh đã nói thẳng là, đường lối đối ngoại không phải do Chính phủ mà do Đảng quyết định.
[8] Trong hoàn cảnh cô thế như vậy thì ông Dũng phải quay đầu sang BK, dù thâm tâm không muốn và trước đây đã tìm cách thoái thác !

Nói tóm lại, BK hiểu rõ nội tình trong nhóm lãnh đạo CSVN là trong lúc này sẽ chưa tìm người thay thế Nguyễn Tấn Dũng. BK cũng hiểu rõ cá tính của ông Dũng, một người chỉ thích nổ, tham vọng cao nhưng khả năng không nhiều. Họ ước tính là, sau những thất bại trong nạn lạm phát và kinh tế thì Nguyễn Tấn Dũng phải phục tùng nhóm bảo thủ hơn, chứ không còn dám to miệng như trước! Không những thế, nạn lạm phát phi mã trên 25% đang tạo ra những khó khăn lớn trong kinh tế và các áp lực xã hội đang đè nặng lên nhóm lãnh đạo bảo thủ thân BK trong ĐCSVN. Cho nên dưới con mắt của BK, trong giai đoạn trước mắt nếu diễn ra bất ổn chính trị ở VN, một lân bang của TH, thì cũng không có lợi cho BK. Vì thế, theo tính toán của nhóm cầm đầu BK thì họ mở rộng bàn tay trong lúc này là nhất cử đa tiện !

Các vấn đề nan giải trong bang giao Việt-Hoa hiện nay

Là hai nước láng giềng cho nên hai bên có nhiều liên hệ về văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế. Trong quá khứ các triều đại phong kiến TH vẫn coi các nước lân bang là chư hầu, trong đó có VN. Nhưng trong nhiều triều đại ở VN nước ta đã đạt được tự chủ và độc lập với phương Bắc và đã trở thành một quốc gia cường thịnh ở phương Nam. Từ khi hai nước TH và VN dưới quyền cai trị của các ĐCS thì nói chung ảnh hưởng của BK đối với Hà nội (HN) rất mạnh, ngoại trừ một số năm có những xung đột mà đỉnh cao là chiến tranh biên giới phía Bắc vào đầu 1979.

Tuy HN sau đó đã cầu hòa với BK từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, nhưng quan hệ giữa hai bên, tuy cùng là hai ĐCS, không phải trên tình đồng chí tin cậy mà luôn luôn là những tính toán hơn thiệt, nghi ngờ lẫn nhau và trong các năm gần đây vì những quyền lợi quốc gia nên BK đã gây sức ép ngày càng mạnh lên HN.

Các khó khăn lớn mà HN đang phải đương đầu trong bang giao với BK là: Giao thương rất bất lợi, BK đưa ra những yêu sách ngày càng cao và rất ngang ngược đối với các hải đảo, vịnh Bắc bộ và biển Đông.

Hiện nay việc buôn bán với TH đang tạo ra thua thiệt rất lớn cho VN, vì mức nhập siêu của VN với TH ngày càng gia tăng rất mạnh, từ gần 4 tỉ USD (2006) lên 9 tỉ USD (2007) và năm nay có thể lên tới 13 tỉ USD
[9]. Ngay cả các chuyên viên cao cấp trong bộ Công thương VN trong Tạp chí CS số tháng 7.08 cũng đã phải nhìn nhận tình hình rất bất lợi này.[10] Nếu tính cả hàng buôn lậu và một số dịch vụ khác thì mức nhập siêu của VN từ TH còn cao hơn nhiều. Trong thực tế, việc này có nghĩa là VN phải chi ít nhất 70% ngoại tệ dự trữ để trả nợ cho TH. Với mức ngoại tệ dự trữ hiện nay của VN còn rất thấp là trên 20 tỉ USD thì đây là một gánh nặng rất lớn cho kinh tế VN. Giữa khi ấy thì mức giao thương giữa hai nước càng gia tăng nhanh, có nghĩa là mức nhập siêu của VN với TH ngày càng tăng mạnh. TH hiện là nước đứng đầu trong buôn bán với VN. Trong năm nay kim ngạch hai chiều có thể lên tới 21 tỉ USD, vượt cả chỉ tiêu của 2010 (15 tỉ). Trong chuyến thăm TH Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mức buôn bán giữa hai nước có thể tăng lên 25 tỉ USD vào năm 2010.[11] Trong các chuyến thăm BK từ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới TBT Nông Đức Mạnh đã yêu cầu những người cầm đầu BK cải thiện tình trạng buôn bán bất lợi cho VN.[12] Phía BK chỉ hứa, nhưng thực tế thì họ đã để tình hình phát triển tiếp tục càng xấu cho VN, như đã trinh bày ở trên. Điểm 5 của Tuyên bố chung Việt-Hoa về kết quả chuyến thăm TH của Nguyễn Tấn Dũng vừa được công bố ngày 25.10 chỉ nói tới tăng cường giao thương hơn nữa giữa hai nước, nhưng tuyệt nhiên không thấy đả động gì tới các yêu cầu của HN muốn giảm bớt mức nhập siêu.[13] Vì thế, việc ủy viên BCT, Phó TT Phạm Gia Khiêm kiêm bộ trưởng Ngoại giao –người tham dự trong phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng thăm TH- tuy trong cuộc phỏng vấn của Việt tấn xã có nhắc lại yêu cầu này của VN, nhưng chỉ nhằm tuyên truyền để đánh lừa dư luận ở VN mà thôi! [14]

Những năm gần đây BK đã khai triển thế mạnh về quân sự và kinh tế của mình để gia tăng sức ép trong các quan hệ với HN, nhất là về lãnh thổ, các hải đảo và biển Đông. Sau khi ép HN phải kí Hiệp định biên giới trên đất liền rất bất lợi cho VN
[15], từng bước tiếp theo BK đã ép HN phải thỏa thuận phân chia hải phận ở vịnh Bắc bộ có lợi cho TH, tiếp đến bắt HN phải chấp nhận để các tầu của hải quân TH được cùng tuần tra trên khu vực biển Đông thuộc thẩm quyền của VN. Không những thế, BK còn coi quần đảo Hoàng sa là lãnh thổ của TH không cần phải bàn cãi, mặc dầu đầu thập niên 70 của thế kỉ trước họ đã dùng hải quân xâm chiếm. Còn quần đảo Trường sa thì BK tìm mọi cách mở rộng thế lực của mình, đồng thời ngăn cản VN thực hiện chủ quyền ở đây. Cụ thể nhất là mới đây BK đã đe dọa công ti dầu hỏa Exxon Mobil của Mĩ không được thăm dò dầu hỏa ở Trường sa thuộc chủ quyền của VN[16], mặc dầu trước đó Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Mĩ đầu tiên với tư cách Thủ tướng đã mời công ti này đầu tư thăm dò dầu hỏa ở VN. Một năm trước đó BK cũng đã ép công ti BP của Anh phải bỏ cuộc thăm dò dầu hỏa ở đây theo thỏa thuận với VN.[17] Cuối năm qua BK còn ra quyết định hành chính sát nhập hai quần đảo này vào lãnh thổ của TH. Không những thế, nhà cầm quyền BK còn hống hách lên tiếng theo kiểu ra lệnh cho chính quyền CSVN phải ngăn cản các cuộc biểu tình phản đối BK của sinh viên, học sinh VN ở Hà nội và Sài gòn vào cuối năm qua.[18] Trong Tuyên bố chung lần này đã giành cả Điểm 6 để trình bày về các vấn đề đang tranh chấp này, nhưng chỉ lập lại những ngôn ngữ cũ. Một điểm khác ở đây là sau khi đã đạt được sự đồng ý của Nông Đức Mạnh trong cuộc thăm TH vào cuối tháng 5, lần này BK đang thúc giục Nguyễn Tấn Dũng phải „ tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ“.[19] Có nghĩa là, sau khi giải quyết xong vấn đề biên giới trên đất liền và trong vịnh Bắc bộ đã rất bất lợi cho VN, nay BK còn ép HN phải thỏa thuận nhanh những yêu sách của BK ở cả khu vực „ngoài cửa vịnh Bắc bộ“, tức là khu vực biển Đông liên quan tới các quần đảo Hoàng sa và Trường sa, trong đó không chỉ liên hệ tới chủ quyền lãnh thổ mà còn liên hệ tới tài nguyên dưới biển và an ninh trực tiếp của VN. Trong điều kiện vô cùng bất lợi cho VN hiện nay thì chắc chắn BK sẽ gia tăng thêm yêu sách, nhất là sau khi Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm BK vừa qua đã „nhất trí“ với nhóm cầm đầu BK là, hai nước sẽ „phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện“ cả trong kinh tế, thương mại lẫn ngoại giao, quốc phòng và an ninh.[20] Đấy là chưa kể việc chế độ CSVN vẫn gắn bó chặt chẽ ý thức hệ với ĐCSTH. Trong vài ngày tới sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về „Hội thảo lí luận“ ở HN giữa hai ĐCS này. Phía CSTH đã cử Ủy viên thường trực BCT Chu Vĩnh Khang cầm đầu. [21]

Giải pháp tình thế

Khi sang thăm VN vào tháng 11.06 nhân Hội nghị cấp cao APEC Hồ Cẩm Đào tuyên bố là quan hệ giữa VN và TH đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Nhưng trước khi xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc 1979 chế độ CSVN cũng ra Bạch thư cho biết, hễ mỗi khi BK tuyên bố công khai là bang giao gữa hai nước đang phát triển tốt đẹp nhất thì cũng chính là thời gian HN phải chịu áp lực mạnh nhất của người anh cả phương Bắc.

Trong những năm gần đây BK đã tung lên „phương châm 16 chữ“ và „tinh thần bốn tốt“ và HN đã hoan hỉ hứng lấy. Nhưng trong thực tế VN phải hứng những quả tạ mà thôi. Thật vậy, khẩu hiệu là „Tinh thần 4 tốt: Láng giềng tốt, Đồng chí tốt, Bạn bè tốt và Đối tác tốt” .
[22] Nhưng nếu quả thực là „láng giềng tốt“ thì tại sao nhà cầm quyền BK lại chiếm đất, lấn chiếm biển, chiếm tài nguyên của VN? Còn gọi „đối tác tốt“ nhưng vì sao phía HN bao lần yêu cầu BK cải thiện cán cân thương mại, nhưng mức nhập siêu của VN với TH ngày càng cao khủng khiếp? Thế rồi nói là „bạn bè tốt và đồng chí tốt“, vậy tại sao BK lại chèn ép các công ti dầu hỏa nước ngoài không được khai thác dầu ở biển Đông thuộc lãnh thổ của VN? Tại sao lại bắn giết nhiều ngư dân VN đánh cá trên biển Đông? Tất cả những việc làm và hành động này của BK đã tự phủ nhận toàn bộ nội dung của „Tinh thần bốn tốt“, khiến nó trở thành kịch cỡm và những người VN còn biết giữ thể diện quốc gia sẽ phải xấu hổ khi phải nghe những câu này từ chính cửa miệng những người cầm đầu CSVN!

Nhưng tại sao từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng luôn luôn niệm thần chú câu này mỗi khi tiếp đón các nhà lãnh đạo BK?

Vì ưu tiên đặt quyền lợi của bản thân và củng cố chế độ độc tài toàn trị, nên khi gặp khó khăn những người cầm đầu chế độ CSVN trong từng thời kì thường rất thiển cận, thỏa hiệp lười biếng chọn giải pháp tình thế. Cuối thập niên 80 của thế kỉ trước vì Liên xô tan rã và phương Tây còn phong tỏa nên số phận của chế độ CSVN lúc ấy như sợi chỉ treo ngàn cân, cho nên nhóm cầm quyền mới trong BCT lúc đó là Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã vội vàng chọn giải pháp tình thế xin cầu hòa với BK. BK đã để cho những người này yên thân củng cố quyền lực, nhưng phải đáp ứng các yêu sách của BK về lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo!

Nay trước những khó khăn chồng chất về lạm phát và tài chánh cùng những ảnh hưởng vô cùng bất lợi từ cuộc khủng khoảng tài chính-kinh tế trên thế giới, nhất là của Mĩ, EU và Nhật, nên những người cầm đầu CSVN hiện nay cũng lại chọn giải pháp tình thế để cứu vãn chế độ độc tài và cứu chính bản thân mình. Họ đang hồ hởi đón nhận vòng tay mở rộng của người anh cả phương Bắc, bất kể tới sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và tài nguyên của đất nước và danh dự của tổ quốc!

Trong chuyến thăm TH hiện nay của Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã kí Hiệp định thiết lập đường giây nóng để các người cầm đầu hai bên thảo luận mật trực tiếp với nhau, điều này chỉ nhằm thể hiện một cách hợp pháp sự thỏa thuận giữa Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh trong chuyến đi BK của ông vào cuối tháng 5 vừa qua.
[23]

Nếu so sánh tương quan lực lượng hiện nay giữa hai nước và thái độ rất hống hách kẻ cả của nhóm cầm đầu BK –thể hiện cụ thể mới đây nhất là cách cư xử của Hồ Cẩm Đào với Nguyễn Tấn Dũng tại BK ngày 22.10 - , câu hỏi quan trọng và nóng bỏng cho những ai quan tâm tới quyền lợi chính đáng của VN là, đường giây nóng mới được thiết lập giữa BK và HN là đường giây hai chiều, hay chỉ là đường giây một chiều, đường giây ra lệnh của nhóm lãnh đạo BK đối với nhóm cầm đầu HN? ♣

GHI CHÚ
[1] . Đài Bắc kinh chương trình tiếng Việt ngày 22.10

[2] . Như trên
[3] . Báo điện tử Chính phủ (CP), 22.10
[4] . Nhân dân (ND), 19-24.10.06
[5] . ND 28-29.10.07
[6] . Âu Dương Thệ, BCT chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng trong việc chống lạm phát, trong www.dcpt.org ,
phần thời sự

[7] . ND 22-24.6
[8] . ND 2.7
[9] . DPA 22.10
[10]. Nguyễn Bảo, Đoãn Công Khánh, quan hệ thương mại VN-TQ: một chặng đường nhìn lại, Tạp chí
Cộng sản tháng 7.08 , tr. 103-08)

[11] . CP 24.10
[12] . ND 2.6
[13] . CP 25.10
[14] . CP 25.10
[15] . Âu Dương Thệ, chung quanh việc HN kí kết các Hiệp định biên giới với BK: Đối ngoại không đầu!,
trong Dân chủ & Phát triển số 23, 5.02, tr. 4-14

[16] . BBC 20.7
[17] . Như trên
[18] . Âu Dương Thệ, Chủ trương 4 không của nhóm cầm đầu CSVN trước việc Bắc kinh ngang ngược
sát nhập Hoàng sa-Trường sa của VN vào lãnh thổ Trung hoa!,
www.dcpt.org
[19] . Tuyên bố chung Việt-Hoa sau chuyến đi TH của Nguyễn Tấn Dũng, CP 25.10
[20] . Tuyên bố chung Việt-Hoa sau chuyến đi TH của Nông Đức Mạnh, ND 2.6
[21] . Đài BK 21.10
[22] . CP 21.10
[23] . Tuyên bố chung Việt-Hoa sau chuyến đi TH của Nguyễn Tấn Dũng, CP 25.10

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

No comments:

Post a Comment