Friday, October 31, 2008

BAO GỜ BÁO CHÍ VIỆT NAM THỨC DẬY ?

Bao giờ báo chí Việt Nam thức dậy?
Thư tòa soạn

Báo Tổ Quốc số 52 ngày 1 tháng 11 năm 2008
Xin mời bấm vào đây để xem báo Tổ Quốc

Vụ xử án hai sĩ quan công an và hai nhà báo quá nhiệt tình chống tham nhũng trung tuần tháng 10 vừa qua đã không có anh hùng. Tướng Quấc đã không khảng khái. Thượng tá Đinh Văn Huynh và nhà báo Nguyễn Văn Hải đã nhận tội và xin khoan hồng. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến kêu oan và xin tòa thương hại. Tất cả bốn người này, nhất là hai nhà báo, đều là những người có tâm huyết nhưng họ đã cảm thấy cô đơn và bất lực.

Cảm giác này rất đúng. Các báo mới đầu đều đã lên tiếng bênh vực hai đồng nghiệp, nhưng sau đó, theo lệnh của Đảng, tất cả đều đã im lặng. Trong khi tường thuật lại phiên tòa báo Thanh Niên đã viết về Nguyễn Việt Chiến như thể ông này không phải là một nhà báo của Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ đã viết về Nguyễn Văn Hải như thể ông này chưa bao giờ cộng tác với Tuổi Trẻ. Cúi mặt quên nhau. Tệ nhất là họ còn gọi hai nhà báo này là hai "nguyên nhà báo" vì lý do họ đã bị chính quyền cấm hành nghề. Phải chăng các nhà báo Việt Nam không coi làm báo là một nghề mà chỉ là một phân công trong nội bộ chế độ?

Báo chí đã góp phần quyết định kích thích cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. Đã đến lúc báo chí Việt Nam cũng phải đấu tranh đòi những quyền lợi chính đáng cho chính mình, trước hết là quyền được hành nghề nhà báo một cách đứng đắn. Đó là điều kiện để không hổ thẹn khi tiếp xúc với các ký giả nước ngoài, và để có thể tự nhìn mình trong gương một cách bình yên.
Khối nhà báo Việt Nam có thể đòi được quyền đó. Họ là một khối người đông đảo có kiến thức và thông tin, có cả tiếng nói. Điều mà họ thiếu chỉ giản dị là ý chí dám đảm nhiệm căn cước xã hội của mình, nghĩa là sống và làm việc đúng như những nhà báo. Đây cũng là một cuộc đấu tranh thực tiễn. Nghề báo chí, truyền thông và xuất bản có tiềm năng rất lớn trong một nước Việt Nam gần một trăm triệu dân; sự khống chế của đảng cộng sản không chỉ làm nhục mà còn gây thiệt hại lớn cho các nhà báo Việt Nam. Trong các nước dân chủ các nhà báo có thế giá đặc biệt cao trọng, báo chí được coi là quyền thứ tư bên cạnh ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Và quyền này ngày càng mạnh thêm trong một kỷ nguyên được gọi một cách rất đúng là kỷ nguyên truyền thông. Cũng có cả một lực lượng báo chí quốc tế rất mạnh mẽ sẵn sàng yểm trợ.

Chỉ còn một câu hỏi : bao giờ khối nhà báo Việt Nam mới thức dậy?

Ban biên tập

No comments:

Post a Comment