Thursday, May 18, 2017

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI (Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA)




Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-05-16

Hội nghị quốc tế về Con Đường Tơ Lụa mới vừa kết thúc hôm Thứ Hai tại Bắc Kinh với lời phát biểu hùng hồn của Chủ tịch Tập Cận Bình về một trật tự mới của thế giới trong sự hợp tác cho thịnh vượng chung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong bữa tiệc chào mừng lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Sáng kiến của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hội nghị quốc tế về Sáng kiến Một vành đai Một con đường của Trung Quốc vừa chấm dứt hai ngày họp tại Bắc Kinh nhưng lại không có thêm dữ kiện cụ thể liên hệ đến công trình mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "dự án của thế kỷ". Ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chấm dứt hội nghị, ông Tập Cận Bình dùng hình tượng bầy ngỗng trời đặc thù của Châu Á thường bay sau con đầu đàn với dạng chữ V ngang. Các nhà báo sính văn hóa có khi tâm đắc với hình ảnh đầu đàn của Trung Quốc trong một dự án "hoành tráng", với ngoặc kép, giữa 65 quốc gia trên đại lục địa Âu Á, có 62% dân số toàn cầu và sản xuất ra 30% sản lượng của thế giới. Nhưng thuần về kinh tế thì đấy là bầy chim sẽ còn thay hình đổi dạng theo cái nhìn của Bắc Kinh. Tôi xin lần lượt giải thích, sau khi trình bày bối cảnh.

Đầu tiên là vào Tháng 9 rồi Tháng 10 năm 2013, khi thăm Cộng hòa Kazahkstan tại Trung Á và Indonesia tại Đông Nam Á, ông Tập nói đến kế hoạch gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, gồm hai phần là Nhất Đái và Nhất Lộ, theo Anh ngữ là One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR. Nhất Đái hay Nhất Đới là "tẩu lang kinh tế" trên bộ từ Trung Quốc tới Âu Châu qua Nga, khu vực Trung Á và Trung Đông. Nhất Lộ là "đường Hàng hải Thế kỷ 21" từ Trung Quốc qua biển Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương và các biển Đông Phi, Trung Đông rồi Địa Trung Hải đến tận Âu Châu. Khi đó báo chí Bắc Kinh còn so sánh tham vọng OBOR với Kế hoạch Marshall khi Hoa Kỳ viện trợ cho 16 nước Âu Châu tái thiết sau Thế Chiến II, đấy là một so sánh buồn cười mình sẽ nói sau. Vài năm qua, Bắc Kinh lại sửa tên gọi theo Anh ngữ là "Belt and Road Initiative", viết tắt là BRI. Rồi đây, tôi nghĩ là họ còn sửa nữa, chứ "Belt and Road Initiative" hay bầy ngỗng dại này chưa định hình và sự thật lại chẳng giống như ông Tập vẫn tô vẽ trước sự trầm trồ của những người thiếu hiểu biết.


Nguyên Lam : Ông vừa nói sự thật lại chẳng giống như Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tô vẽ, ông có thể giải thích chuyện này được không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, bầy ngỗng dại này cất cánh lần đầu từ năm 1999, vào thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và xuất phát từ thực tế nghiệt ngã về địa dư của Trung Quốc.

Với diện tích 10 triệu cây số vuông, xứ này có ít nhất hai khu vực khác biệt. Tại hướng Đông là vùng duyên hải có các tỉnh tương đối trù phú và tăng trưởng mạnh sau khi mở ra buôn bán với bên ngoài. Bên trong, tại hướng Tây và hướng Bắc hoang vu, là các tỉnh nghèo nàn lạc hậu bị khóa trong lục địa, khó thông thương ra ngoài mà lại là nơi tập trung các dị tộc thiểu số. Trong lịch sử, Trung Quốc bị loạn khi dân nghèo từ trong đổ xuống vùng Trung Nguyên hay Hoa Đông, như thời Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông. Vì vậy, Bắc Kinh có chiến lược "Tây Tiến", đó là "Tây Bộ Đại Khai Phá" do Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Chu Dung Cơ chỉ đạo từ năm 2000 nhằm phát triển các vùng nghèo khốn tại miền Tây để tránh dị biệt quá lớn về lợi tức và nhận thức.

Khu vực này chiếm hơn 70% diện tích lãnh thổ, trùm lên các tỉnh là Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Vân Nam, năm đặc khu tự trị của các sắc dân thiểu số, là Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ, cùng một thành phố thuộc quyền quản lý của trung ương là Trùng Khánh. Bây giờ, khi Tập Cận Bình muốn mở ra các "tẩu lang kinh tế" chính là để khu vực hoang vu bát ngát này có thể buôn bán với bên ngoài. Yêu cầu ở đây chính là an ninh và kinh tế cho nội tình Trung Quốc. Rồi họ sở dĩ cứ đổi tên gọi vì chưa thống nhất được hệ thống quản lý công cuộc mở mang khai phá đó.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ phát biểu tại Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, có nguồn dư luận e rằng kế hoạch Một vành đai Một con đường ấy của Bắc Kinh chính là để bành trướng ảnh hưởng với các nước bên ngoài. Ông nghĩ sao về nhận định đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Với thần dân của họ, dĩ nhiên lãnh đạo Bắc Kinh muốn tuyên truyền cho sự "quật khởi hòa bình" và chính đáng sau hơn trăm năm lụn bại và bị liệt cường sâu xé kể từ quãng 1840 cho tới khi đảng Cộng sản thống nhất đất nước từ năm 1949. Ta hiểu ra nhu cầu tâm lý chính trị đó, khi giới lý luận thủ cựu mơ ước phát huy tư thế và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán qua Con Đường Tơ Lụa. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc hiện có nhiều ưu tiên cấp bách hơn, đó là tái phân lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu bị khóa ở trong nên không tiếp cận với thế giới.

Đây là loại nan đề ngàn năm của Trung Quốc đang trở thành sức ép chính trị cho lãnh đạo vì người dân bên trong đã biết và không chấp nhận bất công được nữa. Nhưng, về kinh tế thì ta còn cần thấy ra chuyện khác nữa và chúng ta nên hãi sợ về sự sợ hãi của Bắc Kinh.

Âm mưu của Trung Quốc

Nguyên Lam : Ông hay trình bày sự thể dưới dạng nghịch lý làm người đọc giật mình. Thưa ông, thế nào là chúng ta nên hãi sợ về sự sợ hãi của Bắc Kinh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong lịch sử, chưa khi nào kinh tế Trung Quốc lại cần buôn bán với thế giới như hiện nay. Ngoại thương hay xuất nhập khẩu là lẽ sống của họ, mà 90% hàng hóa lại được chở qua biển vì là phương tiện rẻ nhất. Nhìn từ Bắc Kinh ra biển, với tâm trạng của một kẻ từng bị hạm đội xứ khác khuất phục, họ thấy ba mặt biển cận duyên là biển Hoàng hải, biển Hoa Đông và biển Hoa Nam lại bị ngăn bởi các quần đảo mà họ gọi là "Đệ Nhất Đảo Liên", như chuỗi xích kéo dài từ Nhật Bản, Đài Loan tới Philippines và Indonesia.
Nhiều quốc gia quần đảo này lại là đồng minh của Mỹ. Luồng giao dịch hàng hóa từ các hải cảng của Trung Quốc tại vùng duyên hải với thế giới phải qua nhiều eo biển, thí dụ như eo biển Malacca, hiện nay vẫn do một siêu cường bảo vệ. Khi thấy an ninh kinh tế của mình lại nằm trong tay của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sợ là có ngày bị Mỹ xiết họng ! Vì vậy, họ mới có nhiều động thái đáng ngại.

Thứ nhất là họ cưỡng đoạt quần đảo hay bãi cạn của các lân bang nghèo yếu hơn ; thứ hai là quân sự hóa các bãi cạn đã chiếm và biến thành đảo nhân tạo ; thứ ba là ly gián các nước trong Hiệp hội ASEAN theo kiểu bẻ đũa từng chiếc để nhóm kinh tế Đông Nam Á này không thể thống nhất hành động chống cự ; thứ tư là mua chuộc hai thành viên của ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ tại Đông Nam Á, là Việt Nam và Philippines ; thứ năm là tránh gây hấn trực tiếp với Hoa Kỳ. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn chưa yên lòng nên tìm cách tiến thẳng ra Ấn Độ Dương mà tránh các eo biển Đông Nam Á. Đấy cũng là mục tiêu của "Tẩu lang Kinh tế Đông Dương" với bảy nước Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Malaysia, Brunei và Indonesia và của "Tẩu lang Kinh tế Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017.AFP photo

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai, với câu hỏi là sau bốn năm chuẩn bị thì Sáng kiến Đới Lộ này đã tiến tới đâu và có hy vọng thành hình không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở lại với thực tế phũ phàng. Thứ nhất, việc xây dựng chuỗi hành lang trên đất liền và ngoài biển, như xa lộ, thiết lộ, cầu đường, phi cảng, hải cảng, ống dẫn dầu khí v.v, qua một vùng bát ngát có bốn tỷ 400 triệu dân, là 62% dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất có 30% sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, 62% dân số và 30% sản lượng, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực. Mà hiện nay và trong tương lai xa xôi, vùng đất hoang vu ấy có quá nhiều tranh chấp và bất ổn có thể gây loạn cho Trung Quốc. Đấy là về địa dư, kinh tế, xã hội và cả an ninh trong một vùng đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và sự nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang.

Thứ hai là chuyện bạc tiền. Khi công bố kế hoạch bốn năm về trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết kinh phí dự trù là năm ngàn tỷ đô la, dùng trong bao lâu thì chưa rõ. Ngân hàng Hongkong Shanghai của Anh thì tính ra nhu cầu từ bốn đến sáu ngàn tỷ trong 15 năm, và Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB ước lượng rằng là từ nay đến năm 2030 các nước Châu Á cần 26 ngàn tỷ cho các dự án xây dựng hạ tầng ! Tính đến nay thì các ngân hàng có vốn của Trung Quốc mới chỉ gạn được khoảng ba trăm tỷ thôi và một số dự án đầu tiên đã lỗ vốn. Thứ ba, trong 65 nước liên hệ đến Con đường Tơ lụa mới thì chỉ có 20 nguyên thủ tham dự hội nghị tuần qua ở Bắc Kinh với Chủ tịch Tập Cận Bình, tức là lãnh đạo của 44 quốc gia vẫn đứng ngoài nghe ngóng mà đấy lại là các nước giàu nhất với lợi tức bình quân một đầu người là 25 ngàn đô la so với 20 nước có lãnh tụ tới Bắc Kinh thì người dân chưa có được 15 ngàn một năm.

Thứ tư ta thấy bài toán phối hợp giữa các nước và giữa các cơ quan của Trung Quốc với nhau. Nhiều tỉnh hay tập đoàn kinh tế nhà nước của Bắc Kinh nhảy vào vay tiền ngân hàng cũng của nhà nước, nhân đó dùng khối nguyên vật liệu ế ẩm và nhân công dư dôi của họ vào các dự án có giá trị kinh tế đáng ngờ. Trong khi đó dự án hỏa xa nối liền Trùng Khánh với thành phố Duisburg của Đức được coi như một thành công chói lọi lại chẳng là sáng kiến của Bắc Kinh mà do tổ hợp Hewlett-Packard của Mỹ đề ra từ sáu năm trước để chở máy vi tính qua Âu Châu cho lẹ. Vì vậy, ta không nên chờ đợi phép lạ mà phải chấp nhận nhiều năm học bay cho bầy ngỗng trời.


Nguyên Lam : Câu hỏi ngược lại, thưa ông, đâu là những rủi ro cho các nước khi Trung Quốc lại muốn là con ngỗng đầu đàn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một số quốc gia đã thấy dụng tâm của Bắc Kinh trong kế hoạch này, như Thống đốc Chu Tiểu Xuyên của Ngân hàng Nhà nước Bắc Kinh có phát biểu, là chính phủ Trung Quốc không có đủ tiền nên các nước dần tìm nguồn tài trợ rẻ tiền để thực hiện dự án và khi ấy sẽ sử dụng đồng Nguyên của Trung Quốc. Tại hội nghị ở Bắc Kinh, bà Tổng trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức hăm là không ký tên vào thông cáo chung nếu thiếu điều kiện đảm bảo tình chất bình đẳng cho các doanh nghiệp dự thầu vì ai cũng cho là Trung Quốc sẽ tìm cách nâng đỡ doanh nghiệp của mình.

Tuy nhiên, sự bất đồng và bất công ấy thật ra vẫn còn nhỏ so với nhiều mối quan tâm khác. Các nước trong Hiệp hội ASEAN thì sợ đòn ly gián của Bắc Kinh. Liên hiệp Âu Châu thấy Trung Quốc muốn tranh thủ các nước Đông Âu nên sẽ gây khó cho đối sách thống nhất của cả khối. Ấn Độ chẳng yên tâm trước ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc với Pakistan và đe dọa quyền lợi của mình tại bang Kashmir. Tướng lãnh Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi thì thấy bàn tay Bắc Kinh đằng sau các lực lượng thiểu số đòi ly khai tại biên giới giữa hai nước. Liên bang Nga có thể ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh nhưng vẫn phải canh chừng quyền lợi của mình tại Trung Á… Cho nên chưa biết Con đường Tơ lụa mới có thành chăng thì các nước cũng ngại sự xuất hiện của một cường quốc với các dự án kinh tế khả dĩ chi phối an ninh của họ.


Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

------------------
Tin, bài liên quan





No comments: