Friday, November 25, 2011

VIỆT NAM "ĐÒI CHỦ QUYỀN" HOÀNG SA (BBC)



BBC
Cập nhật: 06:17 GMT - thứ sáu, 25 tháng 11, 2011

Trong động thái mà giới chuyên gia nhận định là có 'dịch chuyển về chính sách', Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố rằng chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn từ năm 1974.

Ông Dũng đã đề cập tới vấn đề chủ quyền Biển Đông khi trả lời chất vấn của đại biểu trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội Khóa 13 vào sáng thứ Sáu 25/11 tại Hà Nội.
Tuy nhiên ông thủ tướng nói thêm Việt Nam cũng chủ trương "đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình".

Được biết phần phát biểu về Biển Đông của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội kéo dài khoảng 10 phút.
Ông được truyền thông trong nước dẫn lời nói: "Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này".
Theo ông, việc đàm phán đòi hỏi chủ quyền là phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước LHQ về Luật biển.
Ông thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã "làm chủ thực sự" đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, "ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào".
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa.

Áp lực bên trong nước

Hôm 22/11, chính quyền tỉnh Hải Nam đã cấp phép cho một công ty du lịch đưa khách đi tham qua từ Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối kế hoạch này. Hôm thứ Năm 24/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng việc tổ chức du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc là 'vi phạm chủ quyền của Việt Nam'.
Ông Nghị tuyên bố: "Mọi hoạt động của nước ngoài tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà các nước Asean đã ký với Trung Quốc năm 2002".

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội dường như chỉ là khẳng định ở cấp cao hơn quan điểm của Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông, nhưng theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nó mang tầm quan trọng đặc biệt, nhất là khi được truyền thông đại chúng Việt Nam tường thuật chi tiết.
Ông Thayer nhận xét: "Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam công khai tuyên bố rành rẽ về vấn đề Hoàng Sa".
"Khác với Trường Sa, vốn được cho là khu vực tranh chấp, Hoàng Sa luôn được Trung Quốc coi là lãnh thổ của nước này một cách hiển nhiên và không bao giờ đặt Hoàng Sa vào trong nội dung các cuộc đàm phán."

Theo ông Thayer, do vậy vấn đề Hoàng Sa cũng không được lãnh đạo Việt Nam nhắc đến, và việc hai chữ Hoàng Sa được nhắc tới một cách chính thống những ngày này cho thấy một sự dịch chuyển trong chính sách.
Ông giáo sư, người vừa có mặt ở Hà Nội hồi đầu tháng, nói lý do có thể là vì "áp lực vô cùng lớn ở trong nước, từ phía dư luận và người dân đòi hỏi chính phủ phải có hành động cứng rắn về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thái độ của Hoa Kỳ

Một lý do nữa, theo ông Carlyle Thayer, là phản ứng của Việt Nam trước những động thái mới đây của các cường quốc tại Biển Đông.
Mới hôm thứ Tư 23/11, Trung Quốc loan báo kế hoạch tập trận hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương, kể cả Biển Đông, vào cuối tháng này.
Tuy quân đội nước này giải thích đây là hoạt động 'thường kỳ và không nhắm vào bất cứ quốc gia nào', giới quan sát vẫn cho rằng nó được đưa ra để đối trọng lại chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực.

Tuần trước, Mỹ thông báo sẽ điều thủy quân lục chiến tới Darwin, miền bắc Australia, với quân số có thể lên tới 2.500 trong tương lai.
Trái ngược với thái độ dè chừng xưa nay trước các diễn biến quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/11 đưa ra bình luận hiếm hoi về kế hoạch điều quân của Mỹ, gọi đây là 'việc hợp tác' giữa các nước.
Ông Lương Thanh Nghị nói: "Chúng tôi mong rằng việc hợp tác giữa các quốc gia sẽ có đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới".

Chính sách biển ngày càng hung hăng và khả năng quân sự ngày càng tăng cường của Trung Quốc, theo các nhà bình luận, đang đẩy các nước trong khu vực lại gần nhau và xích lại với Hoa Kỳ.

----------------

BBC
Cập nhật: 09:51 GMT - thứ sáu, 25 tháng 11, 2011

Ngày 25/11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
22 đại biểu đã đặt câu hỏi cho Thủ tướng, trong đó có hai người hỏi về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Dưới đây là nguyên văn trả lời của ông Nguyễn Tấn Dũng, được Quốc hội Việt Nam công bố:

"Quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, gọi tắt DOC đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, căn cứ vào thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà ta và Trung Quốc mới ký trong chuyến thăm của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, căn cứ những chủ trương, đường lối và những nguyên tắc nêu trên, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên biển Đông như sau:

Vấn đề thứ nhất, về đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Trong Vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới năm 2000, còn vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ nếu theo Công ước Luật biển năm 1982 thì thềm lục địa của nước ta có trồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, mãi tới năm 2009 thì hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường hai bên còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010 hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển sau nhiều lần đàm phán như tôi vừa trình bày, nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa rồi. Trên nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển này thì vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy 2 nước Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước Luật biển, trên cơ sở DOC, trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận.
Để có một giải pháp hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được chúng ta đang thúc đẩy cùng với Trung Quốc xúc tiến đàm phán giải quyết việc phân định này. Cũng xin nói thêm trong khi chưa phân định thì trên thực tế với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm cho việc an ninh, an toàn trong việc khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đó là vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Thưa các đồng chí, các vị đại biểu, Việt Nam chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ Thế kỷ XVII. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với Công ước về Luật biển, phù hợp với tuyên bố DOC. Đó là loại vấn đề thứ hai mà chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền.

Vấn đề thứ ba, quần đảo Trường Sa, năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì Hải Quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản.
Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm, 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này, vùng biển trong phạm vi mà 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Trong khi đó ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng đã chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philipin chiếm 9 đảo, Malaixia chiếm 5 đảo, còn Bruney có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không có chiếm giữ đảo nào.
Như vậy trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam chúng ta cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ với số hộ là 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu cũng đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này.
Chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền đối với Hoàng Sa là như thế nào mà các đồng chí nêu, tôi cũng muốn nói rõ vấn đề này. Chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật biển, nghiêm túc thực hiện tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông gọi tắt là DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà chúng ta đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Việc thứ nhất là chúng ta yêu cầu phải giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm để gây ảnh hưởng đến hòa bình ổn định ở khu vực này.
Thứ hai là chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ bao gồm cả đường sá, điện, trạm xá, trường học, nước v.v... để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa, đó là việc làm thứ hai.
Việc làm thứ ba là chúng ta có các cơ chế chính sách hiện nay đã có, Chính phủ đang yêu cầu sơ kết đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này. Không có thời gian, tôi không nói cụ thể nhưng đã có, đang có hiệu quả, nhưng chúng tôi thấy cần phải sơ kết để làm sao khuyến khích, hỗ trợ cho bà con của chúng ta thực hiện làm ăn sinh sống, thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa này.

Vấn đề thứ tư, liên quan tới cam kết quốc tế là chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông. Bởi vì đây là mong muốn, là lợi ích của tất cả các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam, của tất cả các bên liên quan của các nước. Vì trên Biển Đông là tuyến đường vận tải hàng hóa từ đông sang tây mà tuyến đường này là tuyến vận tải từ 50%-60% tổng lượng hàng hóa vận tải từ đông sang tây.
Đó là những việc ta làm cụ thể. Lập trường này của chúng ta thì báo cáo với các vị đại biểu là được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao ASEAN với các đối tác.
Vấn đề thứ tư, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiện quả hơn đối với vùng biển này.
Tôi xin nói lại là vùng biển 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Do không có thời gian, nên tôi xin trình bày vắn tắt 4 vấn đề mà chúng ta đang chủ trương giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông."
.
.
.

No comments: