Tuesday, October 25, 2011

VIỄN TƯỞNG II : SUY NGHĨ VỀ SỰ NGHIỆP DUY TÂN ĐẤT NƯỚC [IV] - (Nguyễn Trung)

Nguyễn Trung
(viet-studies 26-10-11)

IV. Phần kết: Thay đổi cách nhìn

IV. 1 Thay đổi cách nhìn
Thiết nghĩ nên bắt đầu công việc bằng thay đổi cách nhìn.
Nên vượt qua nỗi sợ của chính mình, với tinh thần không cam chịu, để thay đổi cách nhìn. Có ý chí, ai cũng có thể làm được, kể cả những người ít hay không có điều kiện được học hành nhiều. Quyết tâm và giúp đỡ lẫn nhau, chắc chắn ai cũng làm được, cả nước làm được; hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cũng có thể làm được hay sẽ được thúc đẩy. Dân chủ, công khai minh bạch, xây dựng – làm như thế, chắc chắn sẽ làm được.
Thay đổi cách nhìn, sẽ thấy nhiều cái khác, nhiều cái mới.
Ví dụ, tái cấu trúc kinh tế để chuyển sang phát triển năng động và bền vững đang được đặt lên bàn nghị sự quốc gia. Nếu chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về công nghiệp hóa như đã tiến hành hơn 2 thập kỷ vừa qua, rút ra kết luận phải tận dụng tốt hơn nữa lợi thế nước đi sau, phải phát huy hơn nữa nguồn lực lớn nhất của đất nước là con người, tận dụng lợi thế lớn nhất (phần nào còn là các thách thức nữa) của đất nước là đất đai, khí hậu, vị trí địa lý tự nhiên trong hội nhập kinh tế thế giới, lại phải nhằm vào phát triển một nền kinh tế có hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao, tiến tới một nền kinh tế của tri thức, của văn hóa.., chắc chắn thay đổi cách nhìn như thế, chúng ta sẽ tìm ra cách xắp xếp lại nền kinh tế nước ta, thay thế cái gì bằng cái gì, bỏ bớt cái gì và bỏ như thế nào, duy trì cái gì, phát triển cái gì mới… – nhất là trong lúc bản thân cấu trúc kinh tế thế giới và phương thức vận hành của nó đang thay đổi. Tôi đã có dịp trình bày một số suy nghĩ riêng về chủ đề này trong các bài viết trước.
Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý thêm:
- Thay đổi cách nhìn trong kinh tế, trước hết nên khắc phục bằng được cái nôn nóng, manh mún cục bộ (ít nhiều mang tính tranh thủ, chụp giật, chia chác), cái tư duy dễ làm trước, khó bỏ lại sau.., mà phải kiên định chuyển sang cách nhìn chiến lược, bài bản, có tính quy hoạch cao hơn, bước trước chuẩn bị bước sau. Cần thay cách nhìn quá thiên về tăng trưởng để chú trọng hơn về phát triển. Hiện nay không thế.
- Nên chú ý phát triển một nền kinh tế của văn hóa nữa – văn hóa về sản xuất/tiêu dùng theo những chuẩn mực của văn minh, về chất văn hóa trong sản phẩm, về môi trường tự nhiên, về phương thức kinh doanh, về sự hài hòa các lợi ích, về thân thiện với con người và phục vụ con người, về đặc thù văn hóa và cái bản sắc riêng của đất nước ta, về hòa nhập và hội nhập. Chí ít đấy là việc làm ra những sản phẩm kinh tế mang tải nét văn hóa hay giá trị tạo ra sự khác biệt của Việt Nam… Vân vân… Nó còn là gì nữa, tiến hành như thế nào..? Là nước đi sau, ta nên chú ý bỏ công sức bàn vỡ câu hỏi quan trọng này. Nó có thể góp phần quan trọng làm nên sự khác biệt mà nền kinh tế nước ta phải có để có chỗ đứng trong kinh tế thế giới.
- Trong chiến lược công nghiệp hóa, nên đặc biệt quan tâm phát triển tốt hơn nữa 2 ngành kinh tế rất quan trọng của nước nhà: (1) nông nghiệp, (2) dịch vụ. Vì nước ta có lợi thế lớn nhiều mặt cho 2 ngành này. Nói ngắn gọn ở đây là: Học hỏi và hình thành cả một chiến lược lâu dài xây dựng bằng được 2 ngành này theo những hình mẫu tiên tiến và đã thành công trên thế giới. Ta có lợi thế nước đi sau và thị trường rất triển vọng cho 2 ngành này, nhất là kinh tế thế giới đang thay đổi sâu sắc.
Tôi đã đôi ba lần có dịp nói tới và bây giờ xin nhấn mạnh: Giáo dục trước hết, chứ không phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21. Nghĩa là giáo dục phải tiến nhanh và trở thành một trong những yếu tố nền tảng phải có cho công nghiệp hóa. Trước sau, nền giáo dục nước nhà cần nhằm vào cái đích hình hài, xây dựng nền tảng và nuôi dưỡng một quốc gia dân chủ của những công dân là con người tự do.
Không thể nói hết chung quanh câu chuyện thay đổi cách nhìn. Về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Về thế giới. Về ta và thế giới. Về quan hệ Việt – Trung. Về chính nước ta và mỗi bản thân chúng ta… Về từ thế giới nhìn lại chúng ta… Ở đây tôi xin được nhắc lại để nhấn mạnh một điểm: Nên nhìn rõ những thách thức mới của thế giới hôm nay, đặc biệt là khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, trong đó có nước ta. Chỉ có cách nhìn mới, có đoàn kết dân tộc, có sự dấn thân cùng đi với cả trào lưu tiến bộ của thế giới, nước ta mới tạo ra được chỗ đứng cần phải có tại địa bàn năng động, không ít nóng bỏng và rất quyết liệt này.
Thay đổi cách nhìn về ta, rất nên mạnh dạn nhìn thấu những yếu kém của ta. Nhất là nên từ các bài học của lịch sử, cố nhìn thấu những yếu kém của ta. Đương nhiên không phải để tự ti, mà là để không cam chịu, trước hết là để khiêm tốn, để có ý chí giải phóng mình ra khỏi các thứ bệnh cản trở sự tiến bộ của đất nước, ví dụ: “tâm lý tiểu nông đậm mùi hủ nho” (manh mún, thiển cận coi trời bằng vung, hẹp hòi, bảo thủ, đố kỵ, hợm hĩnh, nhiều khi khôn vặt đến lưu manh nhưng lại dễ bị lừa trong chuyện lớn…), “nếp nghĩ mì ăn liền và bóc ngắn cắn dài” (trong Đảng còn có tư tưởng”nhiệm kỳ”), thói ỷ vào chi viện, thói tự huyễn theo kiểu “nhất thế giới.., nhất Đông Nam Á” và những thứ “xấu xí” khác, … (người Trung Quốc ngày xưa mắc nặng chứng bệnh “AQ”, bây giờ có nhiều thứ bệnh thời nay của “Người Trung Quốc xấu xí”[30]). Tôi rất xin lỗi nếu bị khép tội phỉ báng người mình.
Sông có lúc, người có khúc. Người ít hay người nhiều, con người bao giờ cũng là người, không bao giờ là thánh. Thiết nghĩ, muốn phát huy những phẩm chất dân tộc ta đã tạo dựng nên được suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của mình, nhất thiết phải khắc phục những yếu kém nói trên, đồng thời cần bền bỉ xây dựng cho mình những giá trị và phẩm chất mới phải có, để có thể cùng đi với trào lưu tiến bộ của thế giới, nhất là tính trung thực, sự khoan dung lẫn nhau và ý chí dấn thân vì sự thật, vì tiến bộ. Tạo ra chuyển biến này càng phải là nhiệm vụ của duy tân.
Đang viết, điện thoại reo. Bạn tôi, một nhà giáo tạm thời tử thần ung thư đang điểm danh, xúc động chia sẻ: Học trò anh, cũng là một nhà giáo, khi giải thích cho học sinh của mình lý do xin nghỉ dạy 2 ngày để đi thăm thày cũ, học sinh thích quá vỗ tay hoan hô vì được nghỉ học. Tôi hiểu được các em và nghĩ chắc là các em tôi cũng vui như thế. Nhưng không biết vì sao, tôi vẫn thoáng rùng người nhớ lại đã được đọc, hay được nghe ở đâu đó câu chuyện một phụ huynh học sinh là thương binh già…Trong một buổi họp trường ông ta phê phán (nói cho đúng hơn là mắng) thầy hiệu trưởng, đại ý: …Tôi đã đi qua nhiều chiến trường và chết chóc, đã chứng kiến nhiều người thân thể bị bom đạn làm rách nát song vẫn có cơ may chữa chạy lành lặn… Nhưng nếu một ai đó để linh hồn mình rách nát, thì khó cơ chữa khỏi và hoàn toàn không có đồ thay thế (kiểu như chân tay giả)! Tại trường này, cái khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” ở tường treo trên đầu ông kia kìa, nó chỉ là “lễ” trước tiên! Nhà trường của ông làm ăn như thế này là đang đào tạo ra những linh hồn như thế!..
Có thể hình dung nhiệm vụ giải phóng khỏi thứ di sản văn hóa cần bỏ lại phía sau, lại còn phải nuôi dưỡng cái chân, thiện, mỹ, cái mới nữa.., quả thực là sự nghiệp khó nhất và vô cùng quan trọng, nhất là lúc này và thường xuyên mãi mãi về sau đối với dân tộc ta, sau khi từ nay trở đi Việt Nam là một quốc gia độc lập.

IV.2. Thử nghĩ về được và mất
Thay đổi cách nhìn, cũng nên thay đổi cách nghĩ về được/mất. Có lẽ phải ý chí, trí tuệ và dũng cảm lắm, dám vì mục tiêu trong sáng, dám vì chân lý, mới có thể đụng chạm được vào nhìn lại và thay đổi cách nghĩ về được/mất. Được – mất đã xảy ra. Được – mất cần và phải lựa chọn cho hiện tại và tương lai.
Ví dụ, thành quả cách mạng đã giành được là cái được lớn lắm; song cứ mài cái được rất vinh quang đã thành lịch sử này ra mà hưởng thụ, mà sống, sẽ có nghĩa là mất, rồi sẽ có lúc mất hết vì tha hóa. Cuộc sống của đất nước hôm nay, nói cụ thể hơn nữa là cuộc sống tinh thần, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước hôm nay, đã có ở mức hơi quá nhiều cái trạng thái mài cái được rất vinh quang đã thành lịch sử này ra mà hưởng thụ, mà sống tiếp. Xin kể lại ở đây, lúc sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần phải nhắc nhở, khuyến cáo điều này một cách có ý tứ, kể cả trong những dịp quốc lễ lớn.
Mặt khác, sự thật cuộc sống đất nước có nhiều cái được bị đánh mất đến bây giờ vẫn chưa biết sao lấy lại được. Nhiều lắm. Những cái mất ấy đang gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho đất nước hôm nay, và có thể mai sau nữa, nhất là mất niềm tin. Cứ nhìn lại những giá trị đã xây dựng được nhưng ngày nay đang mai một hoặc bị đảo ngược sẽ rõ, bao giờ làm lại được? Một trong những cái được rất lớn ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công nay bị mất (thoạt đầu có thể là mất do hoàn cảnh chiến tranh), đến giờ chưa có cách gì lấy lại được, đó là Hiến pháp năm 1946. Cứ đem ra thảo luận công khai trong cả nước, chắc sẽ thấy rõ tổn thất này đối với hôm nay lớn như thế nào, và từ đó có thể sẽ có được nhiều gợi ý cho công việc sửa đổi Hiến pháp sẽ phải thực hiện. Sau khi đất nước thống nhất, có nhiều cơ hội lớn tuột tay, đấy là những cái mất vô cùng xót xa, nhất thiết phải nhìn lại.
Thay vì nuôi dưỡng niềm tự hào chính đáng là động lực phấn đấu của hôm nay, nhằm đưa đất nước ra khỏi số phận nghèo hèn, lại đi ngược dòng, muốn lấy cái được đã thành lịch sử làm chân lý, làm giường cột, làm khuôn vàng thước ngọc cho hiện tại và tương lai, thì trên thực tế - dù thừa nhận hay không thừa nhận – là đã chủ động tự quy hoạch và thực hiện cho mình cái mất hết. Phải chăng không ít thứ đã mất hết rồi? Đối với sự nghiệp của Đảng cộng Sản Việt Nam tôi cũng nghĩ như vậy, xin trở lại vấn đề này trong Bài 3.
Trong cuộc sống, trong phấn đấu, trong xây dựng đất nước luôn luôn có được và mất. Mất mà có được bài học và chung cuộc là tạo ra được khả năng xoay chuyển tình thế, thì thực chất và cuối cùng là được. Nhưng được mà phải trả giá lớn, làm hỏng cái được và chung cuộc là số âm với nhiều hệ lụy xấu, thì chắc chắn đấy là mất. Con người ta không phải là ông thánh, lại thêm những yếu kém vốn có của chính nó; đồng thời cuộc sống luôn luôn đi theo bản đồ riêng của nó mà con người khó biết hết được, nên hành động có đúng, có sai là đương nhiên, có đượcmất là tất yếu. Tôi nghĩ, nếu có cái tâm và ý chí Tổ quốc trên hết, có trí tuệ dẫn dắt, chắc chắn sẽ có khả năng xử lý đúng đắn cái được/mất đã xảy ra cho hiện tại và tương lai.
Trong lịch sử cận đại, nước ta có nhiều cái được/mất vô cùng quan trọng, người cầm quyền và người dân nhất thiết phải trấn tĩnh xem lại để quyết định đường đi nước bước của tương lai đất nước. Phải như thế, nếu muốn đất nước sang trang, đổi đời.
Trong Dòng đời, má Sáu Nhơn, một cơ sở cách mạng tại Sài Gòn, đã cất gữ một bản viết tay in litho Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945 ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (23-09-1945). Thế nhưng chỉ vài năm sau ngày 30-04-1975, một đêm má phải dứt ruột tiễn con cháu mình đi di tản. Trở lại nhà, ngay đêm ấy, má xé bản Tuyên Ngôn Độc Lập, vừa xé vừa khóc. Song vì tiếc xương máu của nhân dân mình – trong đó có xương máu chính con cháu ruột thịt mình, má lại cất bản Tuyên Ngôn rách vào chỗ cũ. Rồi một ngày, trăng trối trước giờ phút lâm chung, má gọi bầy cháu nội của mình đến và trao tận tay bản Tuyên Ngôn rách: “Các con phải giữ lấy! Bảo nhau cha truyền con nối thực hiện bằng được!..” Còn cụ Phạm Trung Học, chú ruột của đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa phải thốt lên: “Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt lắm!.. Đắt quá!..”
Ai dám nói những gì nước ta đã đạt dược trong 35 năm đầu tiên của quốc gia độc lập thống nhất là không đắt?
Để giành thắng lợi phía trước, nhất thiết phải học được từ quá khứ bài học được/mất.


Khi tôi viết đến đây, trên thế giới sôi nổi những tin tức về các cuộc biểu tình Chiếm lấy phố Wall ở nhiều nơi phát triển nhất trên thế giới này. Động cơ (motivation) và mục tiêu của hành động này là chính đáng: Nhất thiết phải sửa chữa những khuyết tật của phát triển. Cụ thể ở đây là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và việc phân bổ gánh nặng của khủng hoảng quá nặng lên vai tầng lớp thu nhập thấp hơn trong xã hội. Biểu tình như thế không phải là phương thức sửa chữa khuyết tật, nhưng nó đặt ra được vấn đề phải sửa chữa, nó thúc đẩy sự quan tâm và những nỗ lực cho công việc sửa chữa.
Các nước phát triển này, - tư bản hay đế quốc, muốn gọi thế nào thì tùy - lúc này khác có những cuộc biểu tình rất lớn như thế. Vừa mới đây nhất là các cuộc biểu tình ở Mỹ chống chiến tranh Iraq giữa lúc cuộc chiến đang nóng bỏng. Những cuộc biểu tình này ở Mỹ cùng với nhiều thể chế khác nữa của hệ thống pháp quyền Mỹ không phải là không có tác động đối với chính quyền Obama bây giờ. Những sự việc này cho thấy hệ thống chính trị những quốc gia này được thiết kế sao cho có khả năng vạch ra quyết liệt các điều cần vạch ra (dù rằng không phải khuyết tật nào cũng vach ra được), và có khả năng điều chỉnh, sửa chữa những khuyết tật được vạch ra (dù không hiếm trường hợp là không thể, là bất lực). Làm gì có chế độ chính trị tiên thánh nào trên thế giới luôn luôn sửa chữa được 100% khuyết tật xảy ra.
Coi cuộc biểu tình Chiếm phố Wall là sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản, là những “triệu chứng” hay “bằng chứng” cho việc xã hội loài người nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội… là tuỳ cách nhìn của mỗi người. Tôi quan tâm đến một khía cạnh khác: Mong muốn thể chế chính trị ở nước ta có được sức mạnh như thế vạch ra và sửa chữa các khuyết tật. Một cỗ xe hiện đại thế nào đi nữa cũng phải có cái thắng (cái phanh) mới đắc dụng được. Còn hơn thế, phong trào duy tân đất nước tôi muốn xới xáo lên trong Bài 2 này, để gợi ý, để xin được bàn luận.., không phải chỉ có mỗi một việc là làm ra cái thắng cần phải có, nó còn phải nhằm vào cải thiện và xây lại cả bộ máy.
Như đã nêu trên, điểm khởi động là người dân phải đứng lên tự giải phóng. Nên thông qua thực hiện dân chủ và công khai minh bạch để khuyến khích người dân tự đứng lên giải phóng. Cả nước, ngoài Đảng cũng như trong Đảng, xin cùng nhau vắt óc tìm cách thực hiện sự khởi động này.
- Suy nghĩ về duy tân như vậy, tôi ảo tưởng?
- Gần như chắc chắn. Nhất là ảo tưởng về khả năng thực hiện.
- Vậy nêu ra con đường duy tân để làm gì?
- Vì theo cách nhìn của tôi, muốn thực hiện được cải cách triệt để đất nước thì có lẽ nên có một phong trào duy tân như thế làm động lực. Tôi tin đấy là con đường cải cách thành công lâu dài, bền vững, để đất nước đoạn tuyệt hẳn với cái quán tình lịch sử tai ác, đi vào giai đoạn phát triển mới. Để đừng tái diễn cái cảnh sau 25 năm đổi mới, cái quán tính lịch sử bây giờ lại lên ngôi! Tôi hy vọng như vậy!.. Con đường ấy có thể người dân và người cầm quyền không thể đi được trong trạng thái hiện nay… Hoặc là, con đường ấy người dân muốn đi, người cầm quyền không dám, không muốn… Hoặc là, con đường ấy người cầm quyền không muốn, chưa muốn, hoặc phải cân nhắc trong, ngoài nhiều thứ, nhất là vào thời khắc nhạy cảm như hiện nay. Hoặc là, con đường ấy người cầm quyền tự thấy không thể đi được. Hoặc là, người cầm quyền dứt khoát bác bỏ nó… Hoặc là cuộc sống còn có con đường khác?.. Hoặc có thể tôi nghĩ sai… Vân vân… Tôi hy vọng sẽ đến gần sự thật tôi đang đi tìm.

Nguyễn Trung
Võng Thị, ngày 20 tháng 10, 2011

Chú thích
[1] Cách nhìn này của tôi không giống quan điểm có cái tên gọi là “giải phóng lực lượng sản xuất” như đã từng thực hiện ở nước ta.
[2] Ví dụ: (1) Chúng ta chắc sẽ rất khó hình dung nổi những cố gắng lặng lẽ, bền bỉ, tự thân – nghĩa là hầu như không có một sự trợ giúp nào có cái tên gọi là “quốc doanh” của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, những nỗ lực giành chỗ đứng cho sản phẩm Việt Nam ngay trên thị trường Việt Nam và nước ngoài. Năm này qua năm khác, Hội này tìm mọi cách đưa các sản phẩm ấy đến các chợ, các vùng khắp cả nước hoặc ra bên ngoài, giới thiệu chúng, vận động người tiêu dùng hiểu và yêu thích tiêu thụ, vận động các doanh nghiệp cùng nhau bảo vệ nhãn hiệu và thương trường của mình chống lại thị trường lậu và nạn cướp nhãn hiệu... (2)Khó mà nói hết những khó khăn do nghèo thiếu và những khó khăn do những cái đầu chật hep từ bên ngoài NXB gây ra mà Nhà xuất bản Tri thức phải vượt qua để dịch và mang đến bạn đọc chúng ta những bộ sách quý giá của văn minh nhân loại đang vô cùng cần thiết cho nước ta lúc này. Khỏi phải nói người đọc chúng ta vui như thế nào khi có trong tay các cuốn sách như Bàn về tự do, Nền dân trị Mỹ … Còn rất rất nhiều những ví dụ làm ấm lòng người như thế, vân vân…
[3] Tìm đọc các bài viết “Biển Đông, cái biển hay cái ao?”, “Tô-tem sói…” vân vân… trên tạp chí Thời Đại Mới các số trong năm 2011.
[4] Ngày nay Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, song cách diễn đạt như vậy vẫn không thay đổi vị trí nước ta đứng xa về phía cuối trong bảng xếp hạng quốc gia tính theo GDP p.c.
[5] Theo sử liệu,
[6] Đơn vị đo lường cũ của ta: 1 cân ta = 16 lạng ta.
[7] Xem: Cao Huy Thuần, Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc? , tạp chí Thời đại mới, số 19 – xuất bản tháng 7-2011. Trong bài này, dựa vào tìm hiểu những công trình nghiên cứu của những học giả lỗi lạc của Nhật, Cao Huy Thuần cho rằng sức ép về văn hóa, tư tưởng thay đổi nước Nhật có trước cả thời kỳ khai sáng ở châu Âu.
[8] Xem Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, NXB Đà Nẵng 2001; Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885”, MXB Nhã Nam & NXB Tri thức, 2001
[9] Xem thêm Tựa cho sách của Tsuboi, Tsuboi - sách đã dẫn.
[10] Tham khảo thêm (a) những sử liệu và những lời bình của Trần Trọng Kim, trong “Việt Nam Sử Lược”; (b) những sử liệu rất phong phú của các giáo sỹ ngoại quốc, các quan chức và nhà buôn các nước, trước hết là Pháp, được Yoshiharu Tsuboi sưu tầm, hệ thống hóa và lý giải trong luận văn tiến sỹ của mình, bảo vệ tại Pháp năm 1982, sau đó đã xuất bản thành sách với tựa đề “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” – đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam.
[11] Xem Y Tsuboi, sách đã dẫn, trang 255, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, do 2 NXB Nhã Nam và Tri Thức đồng phát hành năm 2011.
[12] Xem Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 420, bản do NXB Đà Nẵng in và phát hành năm 2002.
[13] Xem Y Tsuboi, sách đã dẫn, trang 136.
[14] Tsuboi, sách đã dẫn, trang 339.
[15] Nên tham khảo thêm bài viết của anh Cao Huy Thuần, nêu trong chú thích (4).
[16] TRần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 522.
[17] Nguyễn Trung, tiểu thuyết Dòng đời, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2006.
[18] Nguyễn Trung, “Dòng đời”, sách đã dẫn, tâp IV, tr 857, 858.
[19] Tìm xem thêm: Trần Bạch Đằng, “Vài suy nghĩ về tiểu thuyết Dòng đời
[20] Tôi chưa xin phép tác giả trích dẫn, nên xin viết tắt tên tác giả như vậy.
[21] Nguyễn Trung, trong Tạp chí Thời đạ mới, số 22, xuất bản tháng 8-2011.
[22] Gần đây và tại Đại hội XI, cái đích của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tinh túy trong Di Chúc của người được viết lại là: xây dựng một “Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Viết chi tiết và viết dài ra như thế vẫn là cái đích của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí minh đã đúc kết nên. Điều cốt yếu là phấn đấu thực hiện thành công cái đích này.
[23] Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 240.
[24] Xem Nguyễn Trung, bài về vấn đề Hiền tài, TĐM số 22, đã dẫn.
[25] Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 171.
[26] Theo dõi trong 25 đổi mới, cũng thấy chu kỳ các cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước ta có biểu hiện ngắn lại, nội dung cũng ngày càng phưc tạp hơn, cuộc khủng hoảng hiện nay là phức tạp nhất vì chủ yếu là khủng hoảng cơ cấu kinh tế.
[27] Trên thực tế bộ máy nhà nước của hệ thống chính trị nước ta là hai bộ máy song trùng, dính vào nhau, đan xen nhau, chồng lấn nhau ờ mọi cấp mọi ngành giữa hai bên đảng và chính quyền. Nếu gọi mọi người làm việc ăn lương ở cả hai bộ máy này dưới cái tên chung là viên chức, hầu như chắc chắn nước ta có tỷ lệ này tính theo số dân cao nhất Đông Nam Á và vào loại rất cao trên thế giới. Song điều nguy hiểm nhất là nó rất kém hiệu quả, tính trách nhiệm và tin cậy được thấp (accountability), rất khó cải cách, một trong những nguyên nhân làm cho chống tham nhũng trở thành gần như không thể. Cách đào tạo, tuyển chọn và sử dụng đội ngũ viên chức này càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
[28] Tìm xem Tsuboi, sách đã dẫn.
[29] Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI đã phải nêu khá rõ thực trạng này. Xem Văn kiện Đại hội XI, sách đã dẫn, tr, 173.
[30] Tên quyển sách “Người Trung Quốc xấu xí”, của Bá Dương.
Lên trang viet-studies ngày 25-10-11

.
.

No comments: