Wednesday, October 12, 2011

OSLO THÁNG MƯỜI ! (Song Chi)


Song Chi

Tôi đã đến Oslo nhiều lần trong hơn 2 năm qua.
Lần này là vào những ngày tháng Mười.
Trời se se lạnh, nhất là vào buổi sáng và chiều tối, nhưng vẫn có nắng ấm vào buổi trưa. Cũng đủ cho mọi người phải mặc áo khoác, quàng khăn khi ra đường.
Và mặc dù đang là mùa thu nhưng cây cối không có nhiều lá vàng như một số thành phố khác của châu Âu hay Bắc Mỹ, khi mùa thu đến lá đổi màu, khắp nơi rực sắc vàng, đỏ. Dường như mùa thu không rõ rệt lắm ở những xứ Bắc Âu, người ta vẫn nói đùa rằng ở những xứ này thật ra một năm chỉ rõ nhất hai mùa: mùa đông xanh, khi không có tuyết và mùa đông trắng, khi có tuyết.
Oslo là thủ đô, là trung tâm về chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học và là thành phố lớn nhất, đông dân nhất của Na Uy-khoảng hơn 6,005,000 người vào tháng 4.2011 (theo Wikipedia). Dân nhập cư chiếm hơn 25% tổng dân số, đến từ nhiều quốc gia, nhiều chủng tộc trên thế giới. Trong đó những cộng đồng lớn nhất là Pakistan, (3.6%), Somalis (2.0%), Thụy Điển (2.0%), Ba Lan (1.7%) (theo Wikipedia).

Một đường phố ở Oslo. Ảnh: Joyce Anne Nguyễn.

Dân nhập cư ở Oslo và ở Na Uy nói chung không sống thành từng khu vực co cụm với nhau như ở Mỹ hay một vài quốc gia khác, tôi không rõ có phải vì chính sách của chính phủ Na Uy muốn cho người nhập cư sống chen lẫn với người bản xứ thay vì hình thành những khu vực riêng hay không. Nhưng đôi khi có thể thấy những khu phố có khá nhiều cửa hàng, quán ăn của người Pakistan hay người Việt làm chủ nằm cạnh nhau chẳng hạn.

Người Việt ở Oslo có khoảng gần 5,700 người. Bây giờ dân Việt Nam đi du lịch đến Oslo hoặc sống ở đây có thể ăn tại các nhà hàng VN, hoặc có thể tìm được đủ gia vị, thực phẩm để tự nấu các món cho đỡ thèm hương vị quê hương.

So với một số thủ đô, Oslo khá rộng (hơn 454 km2 trong nội ô) nhưng khó gọi là đẹp. Nhìn chung kiến trúc của Oslo tạo cảm giác hơi nặng nề với những khối nhà to, thô, thường xây bằng gạch màu đỏ nâu hay đá có tông màu tối như vàng đất, xanh rêu, xám tro…Nếu là tường quét vôi thì cũng thường có khuynh hướng chọn màu lạnh hay màu trung tính.

Đất rộng, người thưa nên những tòa nhà thường được xây cất lớn, rộng rãi, nhưng đường phố thì lại không rộng lắm. Dân Oslo đi lại bằng xe hơi hoặc các phương tiện công cộng như metro, xe bus, xe điện, rất ít xe gắn máy và cũng hiếm xe đạp, không như ở Amsterdam hay Beijing, nhưng nếu khách du lịch muốn đạp xe dạo chơi thì cũng có xe đạp cho thuê như một số các thành phố châu Âu khác.

Và nếu so với một số thành phố lớn nổi tiếng là điểm đến của khách du lịch trên thế giới như Paris, London, New York, Roma, Tokyo, Hongkong hay Shanghai…Oslo không phải là một địa điểm có thể thu hút mạnh khách du lịch. Với người thích shopping thì giá cả ở đây quá đắt (trong nhiều năm liền Oslo luôn luôn được xếp hạng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới), còn riêng lĩnh vực thời trang thì Oslo cũng không là gì nếu so với một số trung tâm thời trang của thế giới. Với những ai muốn ăn chơi giải trí sòng bạc, hộp đêm, vũ trường, gái mại dâm…sẽ không tìm đến Oslo. Với người thích các nhu cầu về tinh thần như đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử…đó cũng không phải là điểm mạnh của thành phố này, bù lại Oslo có khá nhiều bảo tàng, gallery, các hoạt động, sự kiện văn hóa diễn ra hàng năm.

Đây là một thủ đô bình yên, hiền hòa, xanh và sạch. Người dân có đời sống lành mạnh, nhịp sống thong dong. Người ta không nhìn thấy sự vội vã khẩn trương như ở nhiều thành phố lớn khác trên thế giới. Không việc gì phải đi nhanh, cũng không việc gì phải chen lấn. Không nhìn thấy cảnh hàng ngàn hàng vạn con người hối hả trên các vỉa hè, hối hả lên và xuống mỗi khi xe điện, metro dừng lại. Cũng không nhìn thấy nét căng thẳng lo âu sợ hãi trên khuôn mặt người. Một sự kiện như vụ đánh bom khủng bố vào ngày 22 tháng 7 vừa qua là rất hiếm hoi từ trước đến giờ!

Hơn hai tháng sau vụ đánh bom, nếu chỉ nhìn bên ngoài đời sống của thành phố, có vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ngay cả khi tôi trò chuyện với một số người Na Uy, mặc dù tất cả họ vẫn còn không hiểu nổi vì sao một sự việc như vậy lại có thể xảy ra ở đất nước này, nhưng hầu hết đều không nghĩ đến việc lẽ ra phải tử hình thủ phạm Anders Behring Breivik mới đáng, hay cần phải thay đổi luật để tránh một sự việc tương tự trong tương lai. Câu trả lời mà tôi thường hay nghe thấy từ người Na Uy đó là “Có giết anh ta thì cũng có mang những người đã chết trở lại được đâu”. Hóa ra chỉ có tôi và những người dân nhập cư đến từ những quốc gia còn có án tử hình và chưa được văn minh lắm là băn khoăn về việc một kẻ như Anders Behring Breivik, giết 76 mạng người trong đó hầu hết là thanh thiếu niên, lại chỉ bị tù cao nhất là 21 năm! Mà tù nhân ở Na Uy thì sướng hơn tù nhân của nhiều quốc gia trên thế giới nhiều!

Tòa nhà trụ sở chính phủ bị đánh bom vào ngày 22.7.2011 bây giờ đang xây sửa.

Tôi đi qua tòa nhà trụ sở chính phủ của Na Uy (tiếng Na Uy là Regjeringskvartalet) bị đánh bom vào cái ngày khủng khiếp ấy. Nhưng không thể nhìn thấy gì vì người ta đã dựng hàng rào che xung quanh, bên trong là công trường nơi mọi người đang xây sửa lại tòa nhà. Một thời gian nữa khi mọi việc đã hoàn tất, khách du lịch nếu không theo dõi tin tức sẽ chẳng hề biết là ở đó đã từng có một sự kiện gây chấn động cái đất nước yên bình này.

Ở Oslo, có một địa điểm mà phần lớn khách du lịch đều muốn đến khi đã ghé qua thành phố, đó là tòa nhà Nobel Peace Center (tiếng Na Uy là Nobels Fredssenter), nơi diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa Bình hàng năm.

Tòa nhà Nobel Peace Center (Nobels Fredssenter).

Năm 2009 khi tôi đến trung tâm này lần đầu tiên, ở đây đang tổ chức vận động ký tên đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Miến Điện, giải Nobel Hòa Bình năm 1991, lúc đó vẫn đang bị quản thúc tại gia. Còn lần này khi tôi đến, lại đúng ngay vào ngày thứ Sáu 7.10, thời điểm công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2011 cho ba nhà hoạt động đấu tranh vì nữ quyền: Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee - cũng là người Liberria và Tawakkul Karman của Yemen.

Ba người phụ nữ được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2011.

Trên chiếc màn hình TV lớn đặt ngay tại sảnh và một chiếc TV khác bên trong, là hình ảnh ông Thorbjørn Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel đang đọc bài diễn văn công bố giải. Năm nay thì chắc là không có những rắc rối do việc trao giải như năm ngoái, với trường hợp nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Liu Xiaobo, mà hệ lụy của nó kéo dài cho đến tận bây giờ, trong hàng loạt động thái có tính “trả đũa, trừng phạt” về kinh tế, ngoại giao của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với đất nước Na Uy nhỏ bé.

Người Na Uy rất tự hào vì thủ đô của họ được chọn làm nơi trao giải Nobel Hòa Bình, cứ nhìn cách họ tổ chức lễ trao giải hàng năm một cách trang trọng, cách họ vinh danh những người được trao giải thì hiểu: Từ những tấm thiệp, vật lưu niệm có hình ảnh, những câu nói nổi tiếng của mỗi nhân vật, những chiếc áo T-shirt có in tên các nhân vật đoạt giải, những chiếc vòng nhựa xinh xắn với dòng chữ “Let give peace a hand” hoặc biểu tượng hòa bình…Cho đến căn phòng được thắp sáng bởi hàng trăm ống đèn điện bọc nhựa mica trong suốt, thanh mảnh trông như một rừng cây sáng lên trong bóng tối, trên những thanh cây lớn hơn có gắn một cái khung bọc nhựa mica bên trong là những tấm phim về hình ảnh, tiểu sử và những câu nói nổi tiếng của từng người. Họ đang bên cạnh nhau, từ Theodore Roosevelt, Martin Luther King Jr., Mother Teresa, Lech Walesa, vị Dalai Lama thứ 14 (Tenzin Gyatso), Aung San Suu Kyi, Kofi Annan, Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Nelson Mandela , Barack Obama, Liu Xiaobo…cho đến các tổ chức như International Committee Of The Red Cross, International Labour Organization (ILO), Amnesty International…

Căn phòng với chân dung, tiểu sử các nhân vật được trao giải Nobel Hòa Bình từ trước đến nay.

Oslo có khá nhiều bảo tàng, gallery, như bảo tàng quốc gia (The National Museum), bảo tàng của thành phố Oslo (Oslo City Museum), bảo tàng tàu biển giai đoạn Viking (The Viking Ship Museum)…Những ai yêu mến nhà thơ, nhà viết kịch bản, đạo diễn sân khấu Henrik Ibsen, tác giả của những vở kịch nổi tiếng Peer Gynt, An Enemy of the People, Emperor and Galilean, A Doll's House, Hedda Gabler, Ghosts, The Wild Duck… hay họa sĩ Edvard Munch, tác giả của bức tranh nổi tiếng The Scream, trong loạt tranh The Frieze of Life, có thể ghé qua bảo tàng của mỗi người. Cả hai bảo tàng đều ở ngay khu vực trung tâm, gần nhà ga chính. Đây là hai khuôn mặt lớn của Na Uy. Một nhà văn lớn khác, Knut Hamsun, giải Nobel văn học năm 1920, tác giả của những cuốn tiểu thuyết Hunger, Mysteries, Pan, and Victoria và anh hùng ca Growth of the Soil thì bảo tàng về ông lại không nằm ở Oslo mà ở mãi tận Hamarøy, phía Bắc Na Uy.

Kể ra, người Na Uy có quyền tự hào rằng mặc dù dân số cho đến bây giờ chỉ khoảng 4,9 triệu người, nhưng ít ra họ cũng có được 12 người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực kinh tế, hóa học, vật lý, văn học và Nobel hòa bình!

Đến Oslo, cũng phải ghé qua Vigelandparken, một địa điểm khá là độc đáo của thành phố này.

Vigeland Sculpture Park (Vigelandparken)

Đó là công viên với hàng trăm tác phẩm điêu khắc hình người khỏa thân bằng đồng và đá granite trong những tư thế khác nhau, được thiết kế theo 4 phần chính: The Brigde với hàng chục bức tượng khỏa thân bằng đồng xanh dựng trên hai thành cầu dọc theo lối đi vào, nối liền cổng chính với thác nước. The Fountain-thác nước với những khối tượng đồng xanh hình người và cây trường sinh, những bức phù điêu khắc trên bức tường thấp xung quanh cái hồ nhân tạo, ở giữa là một quần tượng lớn 6 người thanh niên đang xúm nhau đỡ một chiếc thau đồng lớn từ đó nước phun xuống hồ. The Monolith-quần thể tượng nằm trên một cái đài cao gồm những khối tượng bằng đá granite trắng dựng trên những bậc thang, tâm điểm là một ngọn tháp hình trụ với hàng chục hình người khỏa thân, nam nữ già trẻ lớn bé quấn chung quanh đủ mọi tư thế. Cuối cùng là tác phẩm Bánh xe sự sống (The Wheel of Life).

The Monolith.

Cái độc đáo là tất cả những bức tượng này chỉ nhằm thể hiện con người trong những tư thế tự do nhất, và trong những mối quan hệ tình cảm bạn bè, yêu đương nam nữ, vợ chồng, cha mẹ con cái, ông bà…, ý nghĩa về vòng tròn cuộc đời con người từ lúc mới sinh ra cho đến khi già, chết đi…

Lang thang qua những con phố của Oslo, mới thấy người nhập cư bây giờ sao đông thế. Trên vỉa hè thỉnh thoảng lại thấy một người nhập cư ngồi co ro xin bố thí. Và ngay bên cạnh một ngôi nhà thờ lớn trên đường tới Vigelandparken, có những túp lều dựng tạm lụp xụp của người nhập cư lậu từ một quốc gia Trung Đông với những dòng chữ “Alle har rett til en nasjonatitet”, (Mọi người đều có quyền có một quốc tịch), “Alle har rett til å ha et sted å bo” (Mọi người đều có quyền có một nơi để cư ngụ)…
Những hình ảnh này trước đây chừng mươi năm thôi chắc là chưa hề có ở thành phố này.
Hiện tượng dân nhập cư, nhất là nhập cư lậu đang dần dần đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết cho Na Uy, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia Âu, Mỹ khác. Cũng chính từ việc phản đối chính sách nhập cư, chính sách đa văn hóa của Đảng Lao Động đang cầm quyền mà thủ phạm Anders Behring Breivik đã gây ra 2 vụ khủng bố kép vào tháng 7 vừa qua.

Khi đến Paris, tôi thường thấy có những quán ăn bán món Phở bò nổi tiếng của Việt Nam hay món Sushi nổi tiếng của người Nhật nhưng là do…người Hoa nấu. Còn ở Oslo lại thấy có khá nhiều quán Sushi nhưng do người VN chế biến! Chắc vì không có mấy người Nhật ở xứ này, mà món Sushi lại được nhiều người ưa thích chăng. Ngộ nghĩnh là có một quán lấy tên Sumosushi, hai cái “món” chẳng ăn nhập gì với nhau, nhìn là biết ngay không phải quán của Nhật, và không biết khi người Nhật nhìn thấy cái tên quán thế này thì họ sẽ cười hay mếu!

Nhưng phải nói thật các đồng hương VN đừng buồn, mặc dù tôi chỉ mới ăn Sushi do đầu bếp Nhật ở Sài Gòn chế biến chứ chưa được hân hạnh đến tận đất Nhật, tuy nhiên, họ chế biến vẫn cứ ngon hơn món Sushi của người Việt, cũng như ăn phở bò mà do người Hoa nấu thì làm sao mà bằng người Việt được! Còn mấy quán ăn Việt thì khá là đúng với hương vị quê nhà. Ăn món hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang ở Oslo hay bún thang, bún chả ở Berlin, phở bò ở Paris…lại nhớ da diết Việt Nam.

Nhớ quê hương là vậy, không chỉ nhớ những thứ trừu tượng xa xôi mà những gì rất cụ thể, từ món ăn, mùi vị… Nhớ chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Mành, cơm nắm muối vừng giò lụa, bún đậu mắm tôm, bún riêu ốc, bánh cuốn Thanh Trì thơm mùi cà cuống…ở Hà Nội; bún bò chả tôm, bánh bèo bánh ít trần bánh nậm, cơm hến, hến xúc bánh đa, chè bột lọc bọc đậu phọng của xứ Huế; bánh đập, bánh hoa hồng, mì Quảng, cơm gà Hội An; bún lèo Sóc Trăng, bánh bèo bì Thủ Dầu Một, bún mắm miền Trung…

Và nhất là nhớ Sài Gòn nơi thứ gì cũng có, từ các món đặc sản của mỗi miền, những món quà rong rẻ tiền như bắp xào, gỏi đu đủ khô bò, bò bía, cháo trắng ăn với hột vịt muối, dưa cải muối, cá khô sặc…hủ tíu, cơm tấm, cháo lòng, cho đến những món ăn cầu kỳ, tiệc buffet hàng trăm món… ở những nhà hàng sang trọng. Dù bây giờ đi đến những thành phố có người Việt sinh sống cũng có thể ăn được một số món hoặc tự nấu nhưng tất nhiên là không thể phong phú, đậm đà, đủ gia vị hương liệu như ở nhà.

Và những ngày ghé Oslo lần này của tôi đã kết thúc như thế, trong nỗi hoài niệm về những món ăn Việt khi đang ngồi thưởng thức…Sushi…Việt Nam!


.
.
.

No comments: