Tuesday, September 13, 2011

TRUNG QUỐC : SỰ THAY ĐỔI LỚN ĐANG ĐẾN GẦN (Lê Ngọc Thống)



Lê Ngọc Thống
(viet-studies 12-9-11)

Trong xã hội loài người khi có sự phân công lao động là có sự phân hóa giàu- nghèo. Sự phân hóa theo tự nhiên diễn ra chậm, quy mô nhỏ. Số lượng người giàu được tăng lên đồng nghĩa với số lượng người nghèo giảm đi. Sự phân hóa này mang tính tích cực. Chẳng hạn đội ngũ những người có học, có điều kiện tiếp xúc với khoa học, họ biết cách làm giàu và sẽ trở nên giàu có. Những người giàu loại này được xã hội tôn vinh, vị nể.

Sự phân hóa theo cơ học tức do bất công của nền kinh tế và chính trị gây ra thì nhanh, quy mô lớn tạo ra rất nhiều người nghèo, tạo ra người giàu ít hơn nhưng loại người giàu này phất lên rất nhanh, chiếm hầu hết tổng sản phẩm xã hội. Và đương nhiên một khi nền kinh tế bất công với chế độ bất công sinh ra họ, o bế họ thì chính họ làm chủ và chi phối kinh tế và chính trị quốc gia. Tầng lớp này mới thực sự là giai cấp thống trị. Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và bị trị thực chất là mâu thuẫn giữa người nghèo và người giàu loại này. Khi sự chênh lệch giữa giàu và nghèo quá ngưỡng chịu đựng thì mâu thuẫn sẽ trở thành đối kháng, là mầm họa bất ổn cho xã hội. Thực tế những cuộc cách mạng “màu” xảy ra gần đây đều chứng minh điều đó.

Lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng…“Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa Tư bản” là chung chung không chính xác. Nếu vậy thì Mỹ, Anh… bị chôn lâu rồi nhưng tại sao họ vẫn tồn tại và phát triển không ngừng? Bởi lẽ khoảng cách giàu nghèo không quá lớn. Điều đó cho thấy xã hội có sự công bằng, dân chủ, đồng thời cũng khẳng định loại người giàu mà do nền kinh tế và chế độ bất công sinh ra ít, không đủ sức lũng đoạn kinh tế và nhà nước của quốc gia đó. Công nhân, người lao động, họ được bảo đảm một quyền lợi tối thiểu và một nền dân chủ tối đa ứng với khả năng của mình thì họ thỏa mãn. Không đình công, biểu tình, bạo loạn là điều chắc chắn, dễ hiểu.

Mọi người sẽ rất ngạc nhiên là tại sao một nước như Trung Quốc giàu có như thế, GDP chỉ sau Mỹ, lại là chủ nợ 15000 tỷ USD của Mỹ mà dân lại nghèo (Ngân hàng thế giới xếp thứ 100). Đặc biệt là một đất nước sắp bá chủ thế giới mà dân chúng bạo động liên tục gia tăng. Năm 2006: 60 ngàn vụ. Năm 2007: 84 ngàn vụ; năm 2008: 128 ngàn vụ và 180 ngàn vụ là con số cho năm 2010. Và đa số người giàu họ chỉ coi Tổ quốc của mình chỉ là nơi kiếm tiền; có tiền là chuyển ra nước ngoài; tìm mọi cách để trở thành công dân của nước khác là tại sao?

Thế giới chính xác khi gọi Trung Quốc là một “nước nghèo giàu có”, nghĩa là người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế cả nước thì giàu. Một điều phi lý vô cùng là sau bao nhiêu năm tích lũy, của cải của quốc dân tăng lên rất nhiều nhưng sự phân phối tài sản lại mất công bằng nghiêm trọng. Ông Kỷ Ngọc Thành – Hiệu trưởng trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói: “Theo số liệu chính thức nhà nước công bố thì chỉ 10% số người giàu đã chiếm 45% tổng tài sản quốc dân”. Đến nay con số đó đã khác, có một tỷ lệ ít trong xã hội (thành phần thượng lưu) 0,2% dân số – khoảng 2,5 triệu người lại nắm gần 70% tài sản của Trung Quốc (Theo báo cáo của doanh nghiệp tư vấn Boston Consulting Group). Không những thế, điều đặc biệt nguy hiểm là sự chênh lệch về giàu nghèo quá lớn: 23 lần là con số do chính phủ đưa ra, trong khi con số điều tra độc lập là 25 và của thế giới đưa ra là 65 lần.

Chênh lệch giàu nghèo là chênh lệch về mức thu nhập, là chênh lệch về việc sử dụng các tiện ích trong xã hội như giáo dục, sức khỏe, việc làm, đi lại, nhà ở … Tỷ lệ chênh lệch càng lớn thì sự oán hờn càng tăng là điều tất yếu. Chênh lệch giàu nghèo chính là sản phẩm của sự bất công của nền kinh tế và sự bất công của chế độ chính trị. Là nguồn gốc của sự bất ổn.

Thực tế cho thấy lực lượng can thiệp từ bên ngoài dù có hùng hậu, mạnh mẽ bao nhiêu cũng không thể làm gì và chẳng là cái gì nếu như không có “lực lượng” bên trong do nền kinh tế và chế độ chính trị của nhà nước đó “sinh ra và nuôi dưỡng”.

Đến đây chúng ta không còn ngạc nhiên khi chỉ một đụng độ nhỏ giữa cảnh sát với một người dân thôi là lập tức có hàng vạn người nổi dậy. Điều đáng nói là chính quyền chỉ có một cách giải quyết là đàn áp. Nhưng càng đàn áp bạo loạn càng nổ ra và số lượng tham gia tăng đột biến. Có cảm giác như lòng oán hờn, căm phẫn của nhân dân với chính quyền đã tích tụ quá lâu, quá gay gắt, ngột ngạt. Ngay như Thủ tướng Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận sự “oán hờn ghê gớm” của dân chúng trước một loạt vấn đề như chênh lệch giàu nghèo, tham nhũng, giá nhà đất, lạm phát…

Vậy tăng trưởng, tăng trưởng để GDP đứng hàng đầu thế giới làm chi? Người dân có được lợi lộc gì hơn so với hậu quả mà họ phải gánh chịu? Với lại tiền của về tay ai, họ làm gì và họ đi đâu? Trả lời những câu hỏi này không phải là quá khó, và khi đó những người hiểu biết và yêu nước chân chính Trung Quốc không thể không đặt vấn đề về cái giá của sự trỗi dậy trong 3 thập kỷ qua để lại là: Phải chăng cái “chế độ XHCN mang màu sắc Trung Quốc” thực chất là chế độ thực dân kiểu mới ngay tại đất nước của mình hay không?

Khi phê phán Trung Quốc có biểu hiện “ chủ nghĩa thực dân mới” ở châu Phi bà Ngoại trưởng Mỹ nói, đại ý: “ Chúng ta đã thấy trong thời thuộc địa, rất dễ đến, lấy đi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trả tiền cho nhà lãnh đạo và ra đi. Và khi bạn ra đi, bạn không để lại nhiều thứ phía sau cho người dân nơi ấy”. Ngẫm nghĩ lại thì biểu hiện đặc điểm “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc đâu chỉ có ở châu Phi mà còn ngay ở chính quốc của mình. Bởi lẽ, tăng trưởng kinh tế thì phải gắn liền với sự phát triển xã hội dân chủ văn minh… và phải hướng đến con người, vì con người. Nhưng ở Trung Quốc thì không như thế. Thế giới chỉ cảm nhận được qua sự tăng trưởng của Trung Quốc bằng máy bay, tàu chiến và hành động “quả quyết, cơ bắp”; những tuyên bố hoanh hoang hiếu chiến, bắt nạt, chèn ép các nước nhỏ láng giềng mà thôi.

Nếu như bất ổn chính trị là một quả bom đe dọa sự tồn vong của xã hội Trung Quốc hiện hành thì quả bom này có 3 ngòi nổ nguy hiểm mà Trung Quốc bằng mọi giá ngăn chặn. Đó là lạm phát; thất nghiệp và khu tự trị.

Một nền kinh tế phát triển lành mạnh là phải đem lại hiệu quả ngày càng cao cho người dân, thân thiện với môi trường. Trung Quốc với mục tiêu tăng trưởng cao đã bất chấp tất cả. Vùng tự trị như Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng chính phủ hành xử và đối xử như Thực dân khai thác thuộc địa gây nên thảm họa về môi trường, bóp chết môi trường sống của người dân…( Nên nhớ đây là những khu tự trị của đất nước Trung Hoa vĩ đại chứ đâu phải châu Phi) Họ không uất ức, vùng lên bạo loạn đối đầu với chính quyền mới là chuyện lạ. Vụ ngày 15/5 xảy ra ở khu tự trị Nôi Mông vừa qua khiến một sinh viên ĐHSP Nội Mông cắt tay lấy máu viết huyết thư rằng: “Các người coi khinh người Mông Cổ chúng tôi như thế này, chúng tôi quyết liều mạng với các người” Không hồ nghi gì nữa đó là một ngòi nổ nguy hiểm.

Ngòi nổ thứ hai là thất nghiệp, mất việc làm. Kinh tế Trung Quốc tồn tại 3 loại doanh nghiệp tạo thành một hình chóp: DN nhà nước trên cùng, được ưu đãi đặc biệt về chính sách. Phía dưới là DN tư nhân lớn cũng được ưu đãi nhờ quan hệ chính trị và tiền bạc với giới “tai to mặt lớn”. Dưới cùng là hàng triệu DN vừa và nhỏ sống nhờ vào hệ thống sản xuất và làm gia công cho các đại gia ở trên với mức lời rất thấp nhưng lại có vị trí xã hội rất quan trọng vì tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho dân chúng địa phương. Tại cái “hình chóp” này tỷ lệ phá sản của các DN nhỏ và vừa tăng đột ngột từ 0,3% năm ngoái lên 16% năm nay, tức là nền móng của cái “hình chóp” ấy bị xói mòn và đương nhiên hàng chục triệu công dân bị đẩy ra đường, con số thất nghiệp tăng. Trong khi kinh tế Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất và lớn nhất là Mỹ. Nếu Mỹ ngừng nhập khẩu vì ‘hết tiền” thì lập tức hàng trăm triệu công nhân mất việc. Vì vậy, dân Mỹ thì giàu hơn 10 lần dân Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn phải cho Mỹ vay tiền để dân Mỹ tiêu xài, còn bắt dân Trung Quốc thì thắt lưng buộc bụng chi tiêu thấp nhất thế giới 34% so với Mỹ 70%. Cái giá phải trả quá đắt nhưng thất nghiệp với số lượng lớn trong tình hình hiện nay của Trung Quốc thì thảm họa còn khủng khiếp hơn.

Đối với ngòi nổ lạm phát. Lạm phát thì nước nào cũng có nhưng với Trung Quốc thì có một dân số quá lớn có nghĩa là cũng có quá lớn người bần cùng theo tỷ lệ. Cho nên khi đã rơi vào lạm phát là đất nước có sự bất ổn, luôn gieo vào lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh nỗi khủng khiếp. Hơn 30 năm nay Trung Quốc chủ yếu là giảm phát, nghĩa là hàng hóa chỉ giảm giá chứ không tăng giá. Chỉ có 3 lần lạm phát là các năm 1985; 1989 và 93-1996. lần nào cũng có sự cố, đặc biệt vụ Thiên An Môn vào 6/1989.

Lạm phát lần này xảy ra trong tình hình mức thu nhập của các hộ gia đình giảm, có hàng nghìn cuộc bạo động xảy ra. Nếu như hàng ngàn cuộc bạo động xảy ra là do nhiều nguyên nhân khác nhau cho nên các cuộc bạo động mang tính riêng lẻ ở từng địa phương thì lạm phát là nguyên nhân chung ảnh hưởng trực tiếp đến bát cơm manh áo của tầng lớp nghèo trong xã hội, nên không cần kêu gọi, tuyên truyền, không cần Interrnet cũng huy động được nạn nhân của sự lạm phát. Nạn nhân của nó thì số lượng quá lớn không thể đàn áp. Lạm phát là chất dẫn hết sức nhanh nhạy cho các mâu thuẫn bùng nổ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung quốc đang bất ổn. Khi tiêu chuẩn đánh giá cán bộ bằng mức độ bất ổn của địa phương; khi chi phí cho chính quyền nhiều hơn cả quốc phòng; khi có hàng trăm ngàn cuộc bạo động liên tiếp xảy ra; khi người giàu chuyển tiền của ra ngoài chuẩn bị sẵn sàng “biến”… thì một đất nước như thế sao gọi là ổn định, hạnh phúc…? Một đất nước như thế làm sao bá chủ được thế giới?.

Trung Quốc rất có kinh nghiệm để đàn áp các cuộc bạo loạn , khởi nghĩa trong nước mình. Một trong các kinh nghiệm đó là dùng chiến tranh xâm lược các nước láng giềng để hạ nhiệt bên trong. Tuy nhiên thời nay, ngoài những kẻ ngu đần ra thì dân Trung Quốc chẳng ai tin có một nước nào đó “khiêu khích Trung Quốc”, “xâm lược trung Quốc cả”.

Dừng lại để cải cách chính trị toàn diện hay choạnh choạng tiến lên? Câu trả lời vốn thuộc về giới lãnh đạo Bắc Kinh nhưng e là quá muộn, không còn cơ hội nữa. Nhân dân Trung Quốc sẽ trả lời câu hỏi đó. Những dấu hiệu của một sự đổi thay lớn đang đến gần.

Tác giả gủi cho viet-studies ngày 12-9-11

------------------------------


.
.
.

No comments: