Friday, September 16, 2011

ANH DO & THE HAPPIEST REFUGEE (Nguyễn Mạnh Trinh)


Nguyễn Mạnh Trinh
Thứ Ba, 06 tháng 9 2011

Anh Do (tên Việt Nam là Đỗ Anh) là tác giả của “The Happiest Refugee”, một tác phẩm đã đoạt nhiều giải văn học giá trị: Overall Winner, Indle Book of The Year Award 2011, Winner Non-fiction Indle Book of the Year 2011, Shortlisted 2011 NSW Premier's literary Award, Community Relations Commission Award. Anh Do, sinh năm 1977 ở Việt Nam, là một diễn viên hài hước người Úc gốc Việt được biết nhiều đến trong vai trò diễn viên chính của phim “Footy Legends” do người em trai của anh là Đỗ Khoa làm đạo diễn. Và anh cũng đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình như The NRL, Footy Show, The Matty Johns Show và Pizza TV Series.

Hình bìa tác phẩm “The Happiest Refugee” 

Gia đình của Anh Do đến Úc tị nạn vào năm 1980 lúc anh mới vừa 3 tuổi. Trong thiên hồi ký tự thuật The Happiest Refugee, anh đã kể lại cả gia đình anh đã vượt biển đi tìm tự do trong 5 ngày với một chiếc thuyền nhỏ tồi tàn chỉ dài có 9 mét rưỡi và chiều ngang 2 mét mà chứa tới 47 người. Họ vượt qua Đông Hải với một hành trình cam go đầy nguy hiểm. Anh Do đã kể lại là chiếc thuyền anh đi y hệt như một hộp cá mòi chất chồng đầy người. Rồi năm lần bị hải tặc Thái Lan cướp, rồi bịnh hoạn vì khát nước. Ngay ngày hải hành thứ hai đã có người chết bởi vì ở ngày đầu con thuyền đã bị mất tất cả đồ ăn và nước uống vì bão tố.

Mặc dù những khó khăn từ bước khởi đầu để tạo dựng cuộc sống mới, trải qua hơn ba chục năm phấn đấu, Anh Do tốt nghiệp cử nhân về thương mại cùng với cử nhân luật và đã được trúng giải ”Comedian of the Year”. Với công việc của một tác giả viết văn, một diễn viên hài hước có chương trình thường xuyên trên truyền hình và một đạo diễn sản xuất phim ảnh anh đoạt giải NSW Triple J Raw Comedy Champion và nhận Winner Thank God You're here Trophy sau khi viết The Happiest Refugee.

Anh Do đã trải qua thăng trầm trong đời, đã được nhận định để vinh danh, đã từng có những khó khăn trở ngại cũng như có những tiến triển vượt bực của một người tị nạn trải qua ba thập niên đã tạo thành một chuyện kể kỳ thú đầy bất ngờ khiến người đọc cảm thấy bị lôi cuốn chen lẫn xúc cảm với nét u mặc để tạo thành một nụ cười. Từ những bi kịch hóa giải để thành một hài kịch, có phải?

Hồi ký của anh như của những thuyền nhân khác đầy những phấn đấu, với trở ngại ngôn ngữ nơi một xứ sở xa lạ, trở ngại gia đình vì cha mẹ ly dị lúc anh mới hơn mười tuổi và người mẹ đóng vai chủ gia đình nuôi con khôn lớn. Cuộc đời cũng thay đổi từ đổ vỡ chán chường ra thành công tuyệt hảo, từ cực độ này sang tuyệt đối kia. Có ai nghĩ đáng lẽ anh sẽ thành một luật sư đúng với sở học của mình của công ty danh tiếng Anderson Consulting mà lại trở thành một diễn viên hài nổi tiếng của màn ảnh truyền hình đoạt giải Comedian of the Year. Hình như Anh Do đã mang xử dụng tất cà những kinh nghiệm trải qua của đời mình cho nghệ thuật giải trí với sự sáng tạo.

Sau khi Anh Do và gia đình đến định cư ở Sydney, anh đã có một mục tiêu cho cuộc đời mình. Đã trải qua những lần bị hải tặc tấn công con thuyền vượt biển từ Việt Nam đến khi trải qua những tháng ở trại tị nạn Malaysia, anh đã xác nhận được một mục đích là giúp gia đình vượt qua được sự bần hàn. “Đã từ lâu lắm rồi, tôi mong muốn làm việc để có tiền mua cho mẹ tôi một ngôi nhà.” Anh đã nói như vậy khi 33 tuổi và đang là một diễn viên hài hước nổi tiếng. Người cha của anh đã rời khỏi gia đình lúc anh vừa mười ba tuổi và người mẹ quán xuyến gia đình với công việc nặng nhọc mà số lương chỉ có 6 đồng 80 cents một giờ trong một tiệm quần áo. Từ tuổi mười bốn, Anh Do đã bắt đầu làm thương mại với công việc nuôi và bán các loại cá cảnh nhiệt đới sau khi biết được rằng chỉ với số vốn 15 đồng nuôi một con cá lớn có thể sinh sản ra hơn 500 chú cá con. Vào năm thứ nhất đại học University Technology, Sidney, Anh đã điều hành một quán bán những vật dụng của thổ dân Indian và đã khuếch trương thành hệ thống “Dances with Wolves” và sau này đã có 4 chi nhánh làm franchised.

Đúng sáu tháng từ khi tốt nghiệp chương trình đại học 5 năm, Anh Do đã từ chối công việc của luật sư đã được nhận để chú tâm vào công việc của một diễn viên hài hước vì nghĩ rằng với công việc này sẽ kiếm tiền nhanh hơn. “Với công việc chỉ đứng bốn giờ một tuần và lương thì khá hơn đôi chút khi tôi nhận công việc luật sư mà phải làm tới 65 giờ một tuần. Tôi chọn một phương cách hơi lười biếng một chút.”

Để mua nhà cho mẹ, Anh Do đã mang hết khả năng ra làm việc để kiếm tiền bất kể công việc nặng nhọc thế nào chăng nữa và đã có được 40 ngàn đô la để làm tiền deposit. Giáng sinh năm 2000, Anh Do đã mua được nhà cho mẹ vào tuổi 23.

Anh Do nhận thấy rằng mình có cơ may khá hơn trong tương lai khi làm diễn viên hài vào năm cuối của đại học khi các sinh viên luật tập sự những kỹ thuật sẽ phải áp dụng tại tòa án. “Họa hoằn hơn khi tôi phải đối diện với những trường hợp liên quan đến luật pháp, tôi đến những lớp để học về nghệ thuật chọc cười thiên hạ và tôi đã thắng trong cuộc tranh giải vì những khán thính giả đã bầu phiếu cho tôi.”

Mặc dù đã trải qua hơn một thập kỷ lăn lộn cố gắng trong nghề nghiệp của một diễn viên hài hước và một người viết văn, Anh Do vẫn có ấn tượng mình là một người ít có tính hài hước nhất trong gia đình. Đó có lẽ vì ảnh hưởng của những phiên bản ghê rợn của chuyến tàu vượt biển mà tất cả mọi người phải chịu đựng bằng cách thay đổi từ “horror” ra “humour”.

Chuyến vượt biển vào năm 1980 khi hai người cậu của Anh Do vượt thoát từ trai tù cải tạo. Họ là những sĩ quan của QLVNCH đã chiến đấu chống Cộng sản và bị thua trận. Con thuyền nhỏ chất đầy người ra khơi và từ ngày thứ hai đã mất hết cả lương thực và nước uống vì bão tố trên biển. Hải tặc đã lấy tất cả vật dụng trên thuyền kể cả máy tàu, nhưng một hải tặc trẻ tuổi ném lại cho một bình nước uống khi tàu của hắn bỏ đi. Và đó chính là nguồn sống lây lất cho cả mọi người trong năm ngày trước khi được một tàu chở hàng của Đức cứu giúp. Lúc đó Anh Do còn nhỏ tuổi chưa biết gì nhưng về sau câu chuyện kể ấy ảnh hưởng đến cuộc đời anh rất nhiều và đã thành một châm ngôn cho cuộc sống của anh: “Giàu có thì đương nhiên là phải thắng nghèo hèn nhưng gia đình là yếu tố quan trọng nhất của đời sống hơn bất cứ một thứ gì hiện hữu.”

Trả lời những câu hỏi về cá nhân mình thì Anh Do cho rằng thành công lớn nhất của mình là mua cho mẹ ngôi nhà đầu tiên. Sau khi đã di chuyển tới 17 lần, Anh Do mới thực sự hiểu được ý nghĩ của bà mẹ về điều đã đạt được. Đó là nơi chốn yên ổn và không có những người chủ nhà sẵn sàng tống cổ cả gia đình ra khỏi căn nhà mướn.

Điều mà anh hối tiếc là đã thích một cô gái ở năm đầu tiên của đại học và không dám ngỏ lời trong 5 năm học kế tiếp. “Chúng tôi chỉ là bạn với ranh giới của nó. Nhưng sau cùng tôi đánh bạo hỏi nàng về tình yêu và may mắn nàng cũng trả lời: ‘Em cũng yêu anh như thế’, và chúng tôi làm lễ hứa hôn sau đó 3 tuần. Đúng là tôi đã chờ đợi quá lâu tới 5 năm để có một ngày hứa hẹn.”

Khi đến Úc, cả gia đình sống bằng nghề may và sau đó lập một trại chăn nuôi. Họ làm việc siêng năng nhưng đến khi mức tiền lời của tiền đi vay tăng cao của thập niên 80 khiến các nhà đầu tư phải rút lui và không chịu bỏ vốn ra để giúp khi có những cơn dịch bệnh của gia súc. Và như thế là cả gia đình lại phải trở về nghề may lại. Thời gian này, vì công việc thất bại, người cha nghiện ruơụ để quên đi những khó khăn của cuộc sống. Gia đình bị tan vỡ và gánh nặng đè trên vai người mẹ. Dù vậy bà cũng cố gắng chu toàn nhiệm vụ và đã cho con đi học ở những trường học tư và phải trả học phí cao.
Anh Do muốn nhắc đến những hình tượng anh hùng của chính cha mẹ mình. Đó là những mẫu người thực. Là cha của anh thời trước và mẹ của anh lúc người cha bỏ phế gia đình. Tính nhân ái tự nhiên của người mẹ thật là không kể xiết dù có khi suýt làm tan vỡ cả gia đình. Nhưng kết cuộc vẫn là sự toàn vẹn của một gia đình theo truyền thống Việt Nam.

Anh Do là một người siêng năng nhưng vui tính, biểu tượng của một thiếu thời đầy gian nguy gần với cái chết và vòng quay nhọc nhằn phân hai giữa đói nghèo cực độ và cuộc sống dễ thở hợp lý. Dù có nhiều khả năng, anh đã chọn lựa một nghề chuyên môn thật nhiều may rủi và bất trắc nhất là đối với một người Á Châu: làm diễn viên hài hước. Và là một người rất can đảm, dám chọn lựa và dám sống chết với chọn lựa của mình.

Thiên hồi ký sau khi kể lại những ngày ở Việt Nam được nối kết với đời sống mới ở tiểu bang New South Wales nước Úc. Gia đình Anh Do đã làm việc từ một xưởng may ở vùng ngoại ô của Newtown, đến trang trại ở Swan Bay rồi đến vùng Yagoona.

Khi viết hồi ký, Anh Do rất thành thật và những nhận xét về mình về người khá chính xác. Những kỷ niệm ấu thơ lúc vừa bước chân vào trường học ở Úc đến lúc thành một cậu bé lo lắng giúp đỡ gia đình, dù hoàn cảnh nào cũng kèm theo nụ cười của lạc quan và tin tưởng. Hình như, sự thư giãn đời sống làm con người dễ đạt được mục đích hơn dù có nhiều trở ngại.

David Koch trong “The Kochie Blog” đã viết về Anh Do và “The Happiest Refugee”: “Tôi đã đọc xong tác phẩm “The Happiest Refugee”. Tôi đã cười to sảng khoái khi đọc nhưng cũng đã bật khóc vì cảm động với câu chuyện kể bất ngờ kỳ thú. Và tôi đã chọn cuốn sách này để làm tặng phẩm trong dịp lễ giáng sinh hoặc ngày từ phụ. Tại sao tôi lại có lựa chọn để quyết định như thế? Bởi vì, tác phẩm đã mở rộng ra tầm mắt (và cả tấm lòng nữa) về những gì liên quan đến người tị nạn. Đừng nói rằng tất cả sự khởi đầu một chu kỳ trở lại từ người tị nạn. Bộ mặt của nước Úc bây giờ đã thay đổi. Đúng như khi những người Anglo Saxon bắt đầu đến châu lục này và cứ thế tiếp diễn sau thế giới chiến tranh lần thứ hai khi đất nước này đã tiếp nhận những người đến định cư từ những nước Nam Âu Châu

...Tôi đã đọc The Happiest Refugee với nụ cười nhưng tôi nghĩ sự ấm áp sẽ ôm choàng bạn. Sẽ làm cho tôi thấy mình có lỗi khi tôi đến xứ Úc như một ban tặng. Tôi yêu đất nước này nhưng ở trong một sự so sánh tôi vẫn chưa hiểu biết hết tận tường ân sủng này như thế nào. Cảm xúc, tạ ơn, tình yêu của gia đình người tị nạn này (và độ chừng của phần đông những người tị nạn khác) về đất nước mới sẽ chân thành biết bao, trung tín biết bao.”

Anh Do, người tị nạn Việt Nam hạnh phúc nhất, có phải vì đã vượt qua tất cả các bi kịch để diễn một vai hài kịch cho đời?
 [NMT]

--------------------------------

Phil Mercer | Sydney  
Thứ Ba, 26 tháng 7 2011

Một người đàn ông Việt Nam tới Australia tị nạn hơn 30 năm trước đã được tuyên dương tại lễ trao giải thưởng văn học danh giá nhất Australia. Anh Đỗ, tác giả văn học kiêm diễn viên hài kịch, đã đoạt ba giải thưởng cho cuốn sách mang tên ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’. Cuốn sách kể lại chuyến đào thoát đầy hiểm nguy trốn tránh cuộc chiến Việt Nam của một gia đình tị nạn vào cuối những năm 70. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney.

Bị cướp biển tấn công trong cuộc đào thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Anh Đỗ và gia đình đã được một tàu thương mại của Đức cứu thoát và đưa tới một trại tị nạn ở Malaysia.

Những người chú bác của anh đã sát cánh, chiến đấu bên các binh sĩ Australia trong cuộc xung đột, khiến gia đình anh rõ ràng trở thành mục tiêu bị trả thù.

Cuối cùng họ được phép tái định cư ở Australia. Anh Đỗ lúc đó mới 2 tuổi khi gia đình anh bắt đầu một cuộc sống mới vào năm 1980.

Câu chuyện đó được thuật lại trong cuốn hồi ký ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ và đã được vinh danh tại Giải thưởng Ngành công nghệ Sách Australia tại Melbourne, là nơi tác phẩm được chọn là Cuốn sách xuất sắc trong năm.

Anh Đỗ nói cuốn sách kể chi tiết về cuộc đào thoát đầy hiểm nguy khỏi Việt Nam.

Anh Ðỗ nói: “Nói chung, những người chú bác của tôi đã sát cánh chiến đấu cùng các binh sĩ Úc trong cuộc chiến Việt Nam. Vì thế, sau khi cuộc chiến kết thúc, gia đình tôi bị ngược đãi và lâm nguy. Một trong những người chú bác của tôi làm công binh, dò mìn sát thương cho Anzacs, tức các binh sĩ Australia, nên chúng tôi phải rời bỏ Việt Nam. Có 40 người chúng tôi trên một chiếc thuyền đánh cá dài 9 mét. Chúng tôi lênh đênh trên biển suốt 5 ngày liền trong một chuyến đi hết sức nguy hiểm. Chúng tôi đã bị cướp biển tấn công hai lần.”

Còn là một diễn viên hài kịch biểu diễn trên sân khấu, Anh Đỗ dự định chuyển thể cuốn ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ thành phim.

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 tới năm 1994, hơn 110.000 người tị nạn Việt Nam đã được phép định cư ở Australia. Hàng ngàn người khác cũng đã được cấp visa theo diện đoàn tụ gia đình. Cộng đồng người Australia gốc Việt thường hiện diện đông đảo tại các trường đại học cũng như trong nhiều ngành nghề, và được coi là một phần của câu chuyện thành công về xã hội đa văn hóa ở Australia.

Tuy nhiên, anh Đỗ nói rằng, những năm qua, quê hương thứ hai của anh ngày càng tỏ ra ít muốn chào đón người tị nạn.

Anh Ðỗ nói tiếp: “Thái độ có lẽ đã hơi thay đổi. Tôi nghĩ Chiến tranh Việt Nam cùng với tất cả những hình ảnh thảm khốc về cuộc chiến được truyền tới các gia đình trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã khiến người Australia thông cảm hơn chút ít đối với những người tị nạn Việt Nam hơn là những người tị nạn đặt chân tới nước này ngày nay.”

Chính phủ Australia hàng năm cấp visa cho khoảng 13.000 người tị nạn, theo các hiệp ước quốc tế khác nhau. Tuần này, Canberra ký một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm đưa hàng trăm người xin tị nạn tới Malaysia, và đổi lấy hơn 4.000 người tị nạn lâu dài.

Đây là một phần của kế hoạch nhằm chống nạn buôn người bị quy trách đã gây ra dòng người xin nhập cư trái phép tới các vùng lãnh hải xa xôi phía bắc của Australia bằng thuyền.

.
.
.

No comments: