Wednesday, June 8, 2011

NHÀ VĂN NGUYỄN LÂN RA MẮT HAI TÁC PHẨM “SÔI NỔI” & “TÌM MỘT CÕI VỀ”


Bùi Quốc Hùng-VBMN
(06/08/2011)

Một góc hội trường: Quan khách đang nghiêm chỉnh chào cờ trong buổi giới thiệu sách và tác giả, nhà văn Nguyễn Lân với hai tác phẩm Sôi Nổi và Tìm Một Cõi Về tại Woman's Club, Kirkland, Washington, ngày 4/6/2011. (Ảnh: Master Trinh-VBMN)

Nhà văn Nguyễn Lân đang nói về tập truyện Ngắn Sôi Nổi và tiểu thuyết Tìm Mộât Cõi Về trong buổi giới thiệu sách và tác giả, tại Woman's Club, Kirkland, Washington, ngày 4/6/2011. (Ảnh: Master Trinh-VBMN)

Washington, ngày 4/6/2011.
Bùi Quốc Hùng-VBMN

KIRLKLAND, Wash. - Mở đầu cho sinh hoạt văn học nghệ thuật vùng Tây Bắc, một buổi tiếp tân tưng bừng thân thiết với một cử tọa chọn lọc trong tình bằng hữu, tình thầy trò và cảm tình của độc giả với Nhà văn Nguyễn Lân, tác giả 2 tác phẩm được hân hạnh giới thiệu hôm nay: Tập truyện ngắn Sôi Nổi và truyện dài Tìm Một Cõi Về, đã diễn ra vào lúc 1 giờ trưa Thứ bảy, ngày 4/6 tại Woman's Club, 407 First Street, Kirkland, Wa 98033.

Trong nắng vàng rực rỡ của một ngày tuyệt đẹp đầu mùa hè, và trong không khí nồng ấm tình đồng hương, khoảng 100 khách mời đã hiện diện vừa đủ không gian hội trường Câu Lạc Bộ Phụ Nữ trên Cao Nguyên Tình Xanh Washington.

Khách đến từ các thành phố Tacoma, Seattle, Bellevue, với sự tham dự của một số các cựu học sinh Trường Nữ Trung Học Gia Long (trước 1975), Niên Trưởng Cựu Đại Tá Lương Tri, chiến hữu HQ Trần Minh Chánh; Bà và ông Nguyễn Công Khanh; chiến hữu Nguyễn Công Ba, Hội Cựu SVSQ/TB/Thủ Đức/Washington; Mục Sư Nguyễn Xuân Sơn, nhà phê bình văn học Trần Nguyên Sơn; một số văn nghệ sĩ, báo chí, truyền thanh gồm có nhà văn Nguyễn Tường Thiết, thi sĩ Nhất Tuấn, Lam Nguyên, Trần Thế Phong, Song Xuyên, Quốc Nam, SRBS-HD Radio; họa sĩ & điêu khắc gia Nguyễn Minh và họa sĩ Nguyễn Đại Giang; nhà nhiếp ảnh Master Trinh, Việt Báo Miền Nam  và My Lương; nhà báo Phạm Kim, Người Việt Tây Bắc; Huỳnh Kim Anh, tạp chí Bia Miệng; Huỳnh Thanh Bình, Sàigòn Nhỏ Seattle và Bùi Quốc Hùng, VBMN.

Sau phần chào cờ Việt-Mỹ và phút mặc niệm do Anh Khanh (TSQ) phụ trách, nhà giáo Nguyễn Công Minh, điều hợp chương trình, chào mừng quan khách, thân hữu, đồng hương và giới thiệu quan khách tham dự.
Kế tiếp, nhà giáo Nguyễn Công Minh nói về liên hệ giữa ông và nhà giáo, nhà văn Nguyễn  Lân khi còn là các nhà giáo tại Sàigòn trước năm 1975.

Đi vào chương trình, Ban Văn Nghệ 3 Thế Hệ trình bày nhạc phẩm "Đoàn Người Lữ Thứ" của Lam Phương tạo nên một không khí vui tươi, rộn rã cho hội trường.

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết được mời giới thiệu tác giả Nguyễn Lân.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết cho biết ông và nhà văn Nguyễn Lân là anh, em con chú con bác; ông là vai anh và là con trai thứ của nhà văn Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam (Tự Lực Văn Đoàn), và nhà văn Nguyễn Lân vai em, là con nhà văn Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Long (TLVĐ). Hai anh em rất thân thiết, gắn bó với nhau từ hồi con nhỏ cho đến bây giờ dù rằng vì thời cuộc và cuộc sống có khi xa cách cả mười năm, cho đến nay mới có dịp gặp lại trong bối cảnh ra mắt sách hôm nay. Dịp này, nhà văn Nguyễn Tường Thiết nhắc đến thân phụ ông, nhà văn Nhất Linh và chú ông, nhà văn Hoàng Đạo. 60 năm về trước, nhà văn Nhất Linh và nhà văn Hoàng Đạo ở Quảng Châu, Trung Hoa trong cuộc sống ly hương và giờ đây, hai anh em ông cũng sống ly hương như cha, chú ông khi xưa.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết cho biết cha và chú ông ngày xưa ôm mộng lớn đánh đuổi thực dân Pháp mưu tìm sự độc lập cho nước nhà, nhưng mộng lớn không thành; cha và chú ông đã đồng thời chống lại cả thực dân xâm lược và cộng sản để trở thành kẻ thù của cả thực dân Pháp và Cộng Sản. Cuộc đời cha và chú ông cũng kỳ ngộ: khi là nhà văn, Ông Nhất Linh đi vào hoạt động chính trị, ngược lại, Ông Hoàng Đạo, hoạt động chính trị đi vào nghiệp văn. Cả hai nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo cùng một chí hướng, san sẻ cùng nhau từ văn hoá đến chính trị và không chọn đường đi của cộng sản.

Sau đó, nhà văn Nguyễn Tường Thiết giới thiệu tác giả, nhà văn Nguyễn Lân, ra đời năm 1937 tại Hà Nội, gốc Hội An, nhưng sống nhiều tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Sinh Vật; Cử Nhân Khoa học và Cao Học Giáo Dục. Giảng nghiệm viên ĐH. Y Khoa và Dược Khoa Sài Gòn. Giáo sư các Trường Gia Long, Quốc Gia Nghĩa Tử, Phục Hưng và Huỳnh Thị Ngà.
Tại Hoa Kỳ năm 1977, Giảng nghiệm viên tại ĐH. Georgetown, D.C. Sáng tác thơ, truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn học tại miền đông Hoa Kỳ, Nam và Bắc California. Tác giả tập truyện ngắn Sôi Nổi và tiểu thuyết Tìm Một Cõi Về.

Tiếp theo, nhà văn Nguyễn Lân nói về hai đứa con tinh thần của ông: Truyện ngắn Sôi NổiTìm Một Cõi Về.

Trong phần phát biểu cảm tưởng, Bà Đỗ Hoàng Nghĩa nói về những tình cảm sâu xa giữa tình thầy trò gắn bó qua nhiêu thăng trầm dâu bể cho đến nay.

Cuối cùng, Ban tổ chức nhiệt liệt cảm tạ thi sĩ Quốc Nam và Sài Gòn Radio đã yểm trợ cho buổi họp mặt đầy ý nghĩa này rất nhiều. Đáp lại, nhà thơ Quốc Nam nói rằng theo ông, đây là một buổi sinh hoạt văn học mang tầm vóc với sự tham dự của một cử toạ chọn lọc với sự góp mặt của một số văn nghệ sĩ, báo chí , truyền thanh trên vùng Tây Bắc. Nhà thơ Quốc Nam cũng nói ông và Sàigòn Radio sẵn sàng tích cực hỗ trợ cho các buổi sinh hoạt văn học ở địa phương.

Xen kẽ chương trình là phần trình diễn văn nghệ của các ca sĩ trong Ban văn nghệ 3 Thế Hệ: Thanh Điệp với nhạc phẩm "Người Đi Qua Đời Tôi" thơ Trần Dạ Từ, Phạm Đình Chương phổ nhạc; Quỳnh Vân, vừa chân ướt chân ráo từ VN qua đoàn tụ với gia đình trình bày "Nửa Hồn Thương Đau" cũng của Phạm Đình Chương, tràn đầy những cảm xúc rạt rào với những tiếc nhớ, xót xa, ngậm ngùi, chia ly và tan vỡ và dẫu có thế nào chăng nữa cũng vẫn "Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho gặp người tôi ước mơ".Và Người đi qua đời tôi. Không nhớ gì sao người. Người đi qua đời tôi. Đường xưa đầy lá uá. Vàng xưa đầy dấu chân. Đen tối vùng lãng quên Anh đi qua đời em. Không nhớ gì sao Anh? "  Ngoài ra còn có cháu Cathy Trần với 2 em phụ họa trong nhạc phẩm "Mẹ Hiền Yêu Dấu", và Chị Phương Thu ngâm một bài thơ rất truyền cảm được cử tọa nồng nhiệt tán thưởng.

Nhà văn Nguyễn Lân một lần nữa xuất hiện trong võ phục lụa trắng diễn ngân trích đoạn kịch thơ "Tro Tàn Điện Ngọc" và từ nguồn cảm hứng này, thi sĩ Song Xuyên cũng diễn ngâm một trích đoạn kịch thơ gây sôi động trong hội trường.

Trong một tiết mục bất ngờ, họa sĩ Nguyễn Đại Giang, người sáng lập trường phái Upsidown đã ngồi vẽ chân dung cho nhà văn Nguyễn Lân ngay trong hàng ghế của cử tọa.

Như thế, buổi sinh hoạt văn hóa giới thiệu tác giả và tác phẩm, những hàn huyên thân ái giữ tình thầy trò, sự gặp gỡ giữa giới văn nghệ và báo chí, truyền thanh, giữa độc giả và tác giả hiển lộ sự hài hòa, tốt đẹp và là một kỷ niệm trong sinh hoạt văn học nghệ thuật trên vùng Tây Bắc.
Được biết, ban văn nghệ 3 Thế Hệ và cử tọa còn tiếp tục một chương trình ca nhạc sôi động, hấp dẫn cho đến 6 giờ chiều cùng ngày mới chấm dứt.

Từ bàn viết Tacoma-Hè 2011
.
.
.

No comments: