Wednesday, May 25, 2011

LUẬN một chút về LÝ của hai chữ TUYÊN TRUYỀN ( Me. Nâ'm 's Blog)


Me. Nâ'm 's Blog
May 24, '11 1:52 PM

Nhân việc blogger Xuồng Tam Bản bị buộc phải đóng blog vì phía an ninh (Pa25 - Công an TpHCM) và những người có trách nhiệm quản lý sinh viên trường Đại học Hoa Sen cho rằng, việc viết blog thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị - xã hội, vấn nạn tham nhũng.... và chia sẻ quan điểm của mình ở dạng nhật ký mở, là một hình thức tuyên truyền sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng" với người viết, ta hãy thử lướt qua một số định nghĩa về hành vi "tuyên truyền" xem sao:

1. Tuyên truyền là hành động truyền bá thông tin với mục đích đưa đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng có lợi cho một phong trào hay tập đoàn, thường lồng sau mục tiêu chính trị. (1)

2. Tuyên truyền là một hoạt động nhằm thuyết phục quần chúng thông qua các phương tiện thông tin để hướng dẫn quần chúng hành động theo mục tiêu đặt ra nhằm đạt một mục đích nhất định nào đó. (2)

3. Tuyên truyền là một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân, tạo nên sự thống nhất và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng đã đề ra. (3)

Tuyên truyền được hiểu nôm na rằng: Người ta "chế tác ra nội dung thông tin", dùng các phương tiện "làm giá" thông tin, đẩy nội dung đến nơi mà chủ của thông tin cần. Làm cho nội dung thông tin trước tiên trở nên "hữu ích" đối với chủ nhân của nội dung thông tin đó.

Xét theo 3 định nghĩa được trích dẫn cho từng lĩnh vực như trên trên người ta có thể thấy rõ rằng tuyên truyền có vị trí như thế nào, có tác dụng ra làm sao đối với toàn xã hội.

Với đảng Cộng sản, công tác tuyên truyền chiếm vị trí cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là "quyết định sự sống còn". Bên cạnh đó, song song với các biện pháp tuyên truyền thì tại Việt Nam lại có thêm sự tồn tại của một "hội đồng lý luận" và cả một "ban tuyên giáo lẫy lừng" chuyên sử dụng biện pháp che đậy tồn tại song song với những liệu pháp tuyên truyền. Có thể nói rằng, nếu tuyên truyền là sở trường của đảng Cộng sản, thì che đậy lại là sở đoản.

Họ, đảng Cộng sản thấy sự bất lợi của "mạng cộng đồng" đối với họ. Cái "giá" thông tin này đang phát huy tác dụng theo nhiều chiều, nhiều tầng lớp xã hội. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet thì sức mạnh tuyên truyền của những công cụ như báo chí, truyền thanh, truyền hình do đảng Cộng sản lãnh đạo cũng bị suy thoái dần. Người Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin để mở hơn, họ có sự lựa chọn khi đọc, để có thể phân tích và quyết định xem nên đặt niềm tin của mình ở đâu cho đúng chỗ. Blog xuất hiện, blogger thành các nhà dân báo. Họ thể hiện quan điểm, độ nhanh nhạy và xác thực của thông tin không theo những định hướng tuyên truyền của đảng Cộng sản, điều này thu hút một số lượng người đọc và có nhu cầu tìm kiếm thông tin thật sự về hiện trạng xã hội mà mình đang sống. Lại thấy nguy cơ bị yếu dần do sức mạnh của dân trí tác động nên đảng Cộng sản ra sức che giấu, "chặn khung", "đặt tường" mà ta hiểu nôm na nhưng rộng rãi, đó là bưng bít thông tin.

Bằng chứng, họ đã bắt và bỏ tù những người có tư tưởng đối lập với những nguyên nhân "lãng xẹt".

Bằng chứng sống nhất, dễ nhận thấy nhất là họ muốn có sự độc quyền để kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội, và cả trong tư tưởng của con người.
Online cũng như offline.(4)

Thật là không tưởng!

Trong một xã hội văn minh với sự bùng nổ thông tin đến mức như chúng ta nhận thấy. Nếu đảng Cộng sản vẫn giữ vững và kiên định theo đuổi một "sở trường" và sở đoản như đã nói trên thì quả thật là họ đang cố chứng minh rằng:"Nếu muốn kéo tụt thế giới, giật lùi nhân loại không thể kiếm ra một biện pháp nào hơn là biện pháp tuyên truyền và bưng bít của đảng"...
Hãi chưa? Sợ chưa?

Cụm từ "tự do ngôn luận" hiện nay ở Việt Nam đang lơ lửng trên đầu một lưỡi đại đao "tuyên truyền" và sợi dây thòng lọng "bưng bít".

Chủ nhân của vũ khí đó, hẳn ai cũng rõ.

Cuối cùng, "LUẬN" mãi cũng ra cái "LÝ" của đảng, "đỉnh cao trí tuệ" cũng chỉ có hai từ ĐỘC ĐOÁN.


-------------------------

Xuồng Tam Bản
19/05/2011

-
Sau 1 lần làm việc với các thầy Thu (Ths), thầy Tám (TS), anh Giang (bí thư đoàn trường) tại văn phòng bộ môn lý luận chính trị – ĐH Hoa Sen.
Lần thứ 2 (1/4) làm việc với thầy Cường (TS) – hiệu phó ĐH Hoa Sen, thầy Tuấn – chủ tịch công đoàn tại phòng đào tạo (CS Quang Trung).
Lần thứ 3 ngày 18/5, vẫn như 2 lần trước, tôi được mời miệng từ cô Mỹ Lan – phó phòng đào tạo tới làm việc tại phòng đào tạo (CS Tản Viên). Trong cuộc làm việc này có cô Lan, thầy Tuấn và viên công an mặc thường phục tên Tài tự xưng từ phòng PA25 – CA TP.HCM.

Cũng như 2 lần làm việc trước, nội dung buổi làm việc này xoay quanh các entry tại blog xuongtamban.com.

Trước tiên là những câu hỏi “nghiệp vụ” như thân thế, gia đình gồm ai, làm nghề gì. Kế đến là những câu hỏi về bản thân: chỗ ở hiện tại, địa chỉ… Tiếp theo, viên công an này hỏi lập blog để làm gì? Có ai tài trợ kinh phí làm không? Lập blog từ khi nào?
Câu trả lời của tôi là: lập blog để bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề cá nhân hoặc xã hội. Blog này được lập vào khoảng tháng 10/2010.
Còn chuyện kinh phí thì ai cũng biết dịch vụ blog của google hoàn toàn miễn phí.

CA Tài hỏi: blog này viết về những vấn đề chính trị đó là những vấn đề gì? Những bài viết này là tự viết hay copy của người khác?
Trả lời: như chống tham nhũng, vấn đề boxit tây nguyên, vấn đề biển đảo, trong đó tôi quan tâm nhiều tới vấn đề giáo dục. Nhưng bài viết này có bài tự viết, có bài copy từ báo chí trong và ngoài nước.

Thầy Tuấn – chủ tịch công đoàn: Em nên hạn chế dùng những bài có nguồn từ những trang như BBC tiếng Việt vì …ở đây mình chưa xác định được là trang này có chính thống, có bị cấm đọc hay không.
Trả lời: xin lỗi thầy, em không tìm được văn bản luật nào có danh mục của những trang báo cấm không được đọc cả.

CA Tài: em có quan hệ hay gặp gỡ gì với GS Nguyễn Văn Tuấn và GS Nguyễn Đăng Hưng hay không?
Trả lời: với thầy Tuấn, tôi có gặp 1 lần tại buổi hội thảo về nghiên cứu khoa học do ĐH Hoa Sen tổ chức. Còn với GS Hưng, tôi chỉ biết qua những bài viết của ông ấy.

CA Tài: Về vấn đề boxit quan điểm của e thế nào?
Trả lời: Tôi cho rằng đây là 1 dự án sai lầm.


Hỏi: Còn về vấn đề chống tham nhũng?
Đáp: Tôi cho rằng muốn chống phải bảo vệ người tố cáo, chống từ trên xuống.


Sao em biết là người tố cáo không được bảo vệ?
Đáp: Thầy Đỗ Việt Khoa đã tự thôi việc sau khi chống tham nhũng, tiêu cực vì liên tục bị trù dập.

Hỏi: Còn về vấn đề biển đảo, theo em tranh chấp phải giải quyết bằng cách nào?
Đáp: Bằng thương lượng hòa bình.

Hỏi: em có biết là những bài viết trên blog em về những vấn đề chính trị “nhạy cảm” là một hình thức “tuyên truyền” không?
Đáp: tôi không cho đó là hình thức tuyên truyền, vì tuyên truyền là vận động người khác làm theo những gì mình muốn họ làm. Tôi không kêu gọi hay vận động ai làm theo mình cả. Tôi chỉ giản đơn là bày tỏ quan điểm cá nhân.
(Hình như cố tình gài mình vào cái gọi là tuyên truyền để giở cái điều 79 hay 88 ra thì phải!?)

Hỏi: nhưng nếu em viết những ý kiến của mình, người ta đọc được, người ta có thể suy nghĩ lệch lạc theo hướng tiêu cực thì sao?
Đáp: em không chịu trách nhiệm về những việc làm của người khác, họ nghĩ sao và làm gì, đó là việc của họ.
Thầy Tuấn – chủ tịch công đoàn: Em có biết là những bài viết của em, tôi tìm được trên mạng có khá nhiều người chỉ trích em dữ dội trong đó tôi tìm được một Video trên youtube nói em là đảng viên Việt Tân…? (ổng show 1 video của “hội chống PĐ” trên facebook)
Đáp: Thưa thầy, việc em có là đảng viên Việt Tân không thì công an là người rõ nhất. Còn chuyện người khác chỉ trích e thế nào là quyền của họ, e sẵn sàng tranh luận. Còn về đoạn video ấy, em nghĩ nhìn vào nội dung thầy đã biết nó nhằm đã kích, bôi nhọ chứ chẳng có tí giá trị nào.

Chị Lan – phó phòng đào tạo: ở lứa tuổi của em, em nên chú tâm vào việc học, còn những chuyện nhạy cảm như thế nếu em viết thì nó không có lợi cho em và tương lai em.

CA Tài: Là sinh viên, lứa tuổi này nên lo học, viết về những vấn đề “nhạy cảm” không có lợi cho em. Cái này là anh khuyên chân thành, anh muốn từ nay em không viết về những chuyện “nhạy cảm” đó trên blog nữa. Đó là anh chỉ muốn bảo vệ cho em thôi. Em thấy sao? Có hứa không?
Ví dụ như e có thấy bài nào hay, em tâm đắc thì em cứ giữ đó mà đọc 1 mình, chả ai cấm. Nhưng đưa lên mạng cho người ta đọc thì nó trở thành 1 hình thức…”tuyên truyền” đó, em biết không?

Thầy Tuấn – chủ tịch công đoàn: Nhà trường nhiều lần làm việc với em là chỉ muốn tốt và bảo vệ em thôi. Em là sinh viên Hoa Sen, chúng tôi không muốn em là Nguyễn Tiến Trung thứ 2 hay Phạm Minh Hoàng. Em hiểu chứ?

Cô Lan: Tất nhiên em có quyền tự do ngôn luận, nhưng về những chuyện nhạy cảm thì nó không có lợi cho em.

Tôi không trả lời.

Cuộc làm việc hơn 2 tiếng kết thúc bằng việc ký tên vào biên bản.
____________________________________________________

Lời bình:

Khi đại học Hoa Sen đang phát động dự án FACE – vì một nền giáo dục trong sạch, phát động cuộc thi sáng kiến chống tham nhũng trong giáo dục, tôi đã gửi 1 bài tiểu luận để tham gia. Thế mà hôm nay lại được bảo: chống tham nhũng là…nhạy cảm. Và không được động tới.
Việc tôi làm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, thế mà lại điều tra, xét hỏi họ tên gia đình, nghề nghiệp…là chuyện không chấp nhận được.
Tôi phải cam kết là không được viết blog về các vấn đề chính trị “nhạy cảm”. Hầu như người ta cố đem từ “nhạy cảm” ra để lấp liếm những thứ xấu xa hiện nay và để không đụng chạm, ở Việt Nam Bạn có quyền tự do ngôn luận cho tới chừng nào bạn không đụng tới các vấn đề chính sự.
Được biết qua cách trao đổi của CA với nhân viên trường, tất cả các trường ĐH, CĐ đều có một ban chuyên trách của CA và các trường này sẽ báo cáo định kỳ về những diễn biến tư tưởng của sinh viên.

Cuối cùng, tôi sẽ tạm ngưng bày tỏ suy nghĩ của mình trên blog thì quả thật cứ cái đà mời lên xuống này thì bất lợi cho tôi thật. Nhưng điều quan trọng là chừng nào mà những vấn đề chính trị còn bị cho là nhạy cảm và cấm đoán ở VN thì cái xã hội này nhất quyết không phải là cái xã hội mà hàng triệu anh hùng liệt sỹ, kể cả Hồ Chí Minh mong muốn đấu tranh để giành lấy.

Sau bài này, blog xuongtamban sẽ đóng cử vô thời hạn, thiết nghĩ chỉ là một con cá nằm trên thớt giữa một xã hội tuy ngậm bồ hòn và vẫn lấy làm ngọt thì sẽ bị giết dễ dàng như 1 còn kiến và vì gia đình tôi không thể trãi qua 1 cú sốc nếu nghe tin tôi bị công an sờ gáy. Sẽ có một cơ hội tốt hơn nếu học xong, vẫn chưa muộn.

Xã hội luôn vận động, dân chủ, tự do là khuynh hướng tất yếu. Bất kỳ ai hay điều gì phản lại khuynh hướng ấy là phản động.

.
.
.

No comments: