Thursday, December 16, 2010

THƯ NGỎ của Nhà Văn DƯƠNG THU HƯƠNG gửi BẠN ĐỌC và Nhà Báo HUY ĐỨC (Phần cuối)

Thư ngỏ gửi bạn đọc và nhà báo Huy Đức – phần cuối
Dương Thu Hương - viết riêng cho DCVOnline
16-12-2010 

Nếu độc giả lật lại mớ báo cũ từ những năm 80, sẽ gặp mục “Thư bạn đọc”. Thời ấy, dù không phải người đọc báo thường xuyên nhưng cũng đã hai lần tôi bắt gặp tại mục trên, thư của các đảng viên kì cựu. Họ than thở, họ phàn nàn về tình trạng tham nhũng, về sự hà hiếp dân chúng của đám cán bộ sở tại, họ tha thiết đề nghị đảng sửa đổi chính sách, chấn chỉnh nội bộ và sau khi cầu khẩn bề trên dòm ngó lại đạo đức, họ cam kết lòng trung thành của mình bằng câu “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.
     Khi đọc những dòng chữ này, tôi lặng đi vì kinh hoàng và mặt tôi nóng như hơ lửa vì nhục nhã. Dù đã biết từ lâu rằng dân ta bị ràng trói bởi các quan niệm phong kiến (điều này xảy ra trong chính gia đình tôi và tôi là nạn nhân đầu tiên), nhưng dẫu sao, tôi cũng không hình dung được cái di sản thối rữa kia còn khiến con người u mê đến thế.
     Sau khi suy ngẫm, tôi đành công nhận rằng đạo Khổng đã trở thành khối u di căn trong xã hội Việt Nam, một căn bệnh nan y mà các con bệnh hoàn toàn không hay biết. Trong thâm tâm, các đảng viên coi đảng là vua hoặc thay thế vua nên họ phải thề thốt lòng trung với đảng. Rủi ro là vua cũng như chế độ phong kiến đã bị chính những người cộng sản tiêu diệt, nên sự dịch chuyển này lặp lại lần thứ hai: từ đảng trở thành cha mẹ hoặc ông chủ. Trong bối cảnh đó, các đảng viên cũng như các công dân nghiễm nhiên sắm vai con hoặc vai chó. Quá trình hoán chuyển trên xảy ra một cách hoàn toàn vô thức. Đa phần các đảng viên cộng sản mở miệng là tuôn ra những từ sáo rỗng như dân chủ, cộng hoà... nhưng thực chất họ chẳng có một mảy may hiểu biết về những điều họ nói. Đó là sự mỉa mai của lịch sử mà giờ đây nhìn lại, mỗi chúng ta không tránh khỏi đắng cay.
     Ngày ấy, để có thể tiếp tục sống và đấu tranh, tôi đã tự an ủi “Những đảng viên này đều sinh vào những năm 1920-1930, họ bị trói buộc bởi đạo Khổng. Đạo Khổng dạy con người làm nô lệ một cách thành công. Ta hy vọng ở các thế hệ tiếp nối”.

Dương Thu Hương, cuộc sống của bà là một cuốn tiểu thuyết. Màu đỏ và đen.
Nguồn ảnh: Stephan Gladieu / Le Figaro Magazine

     Tuy nhiên, hơn hai mươi năm sau, tôi biết mình nhầm. Sự mê muội này không chi phối riêng các thế hệ sinh vào những năm 20, 30 của thế kỉ XX mà nó có ảnh hưởng rộng lớn hơn tôi dự tưởng. Vào khoảng 2002, hay 2003 gì đó, khi chúng ta đã bước sang thế kỉ XXI, tôi được xem cuộc phỏng vấn ghi hình của một nhà báo nước ngoài, trong đó có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát.
     Bà Ngát vốn là biên kịch cùng xưởng phim truyện số 4 Thụy Khê với tôi, sau nhờ sự nâng đỡ của ông Nguyễn Khoa Điềm mà lên làm cục phó, trong cuộc phỏng vấn ghi hình nói trên, bà Ngát cũng tuyên bố: “Con không chê cha mẹ...”.
     Tới đó, tôi rùng mình. Bà Ngát sinh năm 1950 hoặc 1951, đã từng học trường điện ảnh Vờ-gich ở Nga bốn năm, được liệt vào loại văn nghệ sĩ (tầng lớp tinh hoa của xã hội). Một người ở vào lứa tuổi ấy, nghề nghiệp ấy, mà điềm nhiêm coi quan hệ của mình với kẻ cầm quyền là con đối với cha mẹ hoặc là chó đối với chủ thì tình trạng thối nát hiện hành của Việt Nam là không tránh khỏi.
     Một đất nước muốn phát triển phải có các công dân hiểu biết về phận sự và quyền lợi của mình, đảm nhận trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình và xứ sở. Người ta không thể xây dựng một nền văn minh với những kẻ có trí não con sen và tư cách thằng ở. Không ai có thể tạo nên một quốc gia hùng mạnh với những kẻ đi bằng hai chân nhưng trong thâm tâm lại chấp nhận mình là chó.
     Bởi một khi đã chấp nhận mình là chó thì chẳng bao giờ có thể hiểu và đạt được cuộc sống thực sự của con người.
     Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đã rút ra kết luận này “Dân chúng nào, chính phủ ấy”.
     Tôi là người Việt Nam, tôi không sung sướng gì khi nói ra những điều cay đắng, nhưng tôi cũng lại biết rõ rằng nếu không dám đối mặt với sự thật, con người sẽ tự giết mình theo cách thức loài đà điểu: nhắm mắt, rúc đầu vào cát, chờ kẻ thù đến kết liễu mạng sống.
     Nếu có thể mở mắt được, thì trước hết chúng ta nên mở mắt và nhìn vào cơ quan đại diện cao nhất, Quốc hội. Bởi vì về mặt chính danh, quốc hội được coi là cơ quan có quyền lực đối chất, giám sát và phủ quyết các đề nghị của chính phủ, như thế quốc hội cũng là bộ phận tinh tuý nhất của dân tộc vì các thành viên của nó đeo biển hiệu người đại diện, người lãnh phận sự nói lên sở nguyện của dân chúng.
     Ông Nguyễn Trần Bật đã có bài viết rất hay về thân phận của các nghị sĩ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Ông phân tích một cách rành mạch cái cơ chế độc đảng độc quyền khiến họ chỉ có thể tồn tại như những con rối, một thứ trang trí trong ngôi nhà quốc gia, một thứ thuốc giảm đau làm nguôi cơn phẫn nộ của đồng bào và một mánh khoé sân khấu nhằm tạo ấn tượng dân chủ giả hiệu để lừa dối dư luận quốc tế. Bài viết của ông là một đóng góp đáng kể để nâng cao trình độ nhận thức cho đám đông cũng như thúc đẩy sự phát triển tư duy dân chủ.
     Tôi chỉ xin bày tỏ nỗi băn khoăn về hiện thực đương thời: Giờ đây, liệu có bao nhiêu phần trăm nghị sĩ dám đứng lên thật sự chất vấn, thật sự giám sát hành vi của chính phủ, nói cách khác dám chống lại sự lộng hành của bộ máy cầm quyền? Bao nhiêu phần trăm cay đắng ngậm ngùi về thân phận bù nhìn trong cam chịu và câm lặng? Còn lại, bao nhiêu phần trăm an nhiên chấp nhận vai trò Nghị gật với nụ cười... dã nhân?”
      Từ vài chục năm nay, nỗi băn khoăn này là nỗi băn khoăn lớn nhất đối với những người đang đấu tranh cho dân chủ. Sơ đồ phân loại các đại biểu quốc hội sẽ được coi như biểu đồ diễn đạt sự tiến bộ xã hội, nói cách khác cuộc tập dượt dân chủ ở nước ta.
     Theo như tin tức của VNexpress và BBC ngày 2 tháng 11 năm nay (2010) thì trong phiên họp ngày mồng 1 tháng 11 năm 2010, nhóm đại biểu quốc hội đứng lên chất vấn chính phủ về vụ Vinashin gồm các ông bà Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Quang Hải, Lê Văn Cuông, Huỳnh Ngọc Đáng, Lê Thị Nga, Phạm Thị Loan, Nguyễn Văn Sỹ, Dương Trung Quốc. Tám người trên tổng số bao nhiêu? Và ý kiến của họ có được chính phủ giải đáp không? So với nhiều năm trước, đây là một dấu hiệu đáng lạc quan. Chỉ có điều, sự lạc quan của chúng ta vô cùng nhỏ bé bởi sau khi các đại biểu trên lên tiếng thì ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch quốc hội lại dằn mặt họ “Vinashin thực chất đã phá sản chỉ có điều mình chưa tuyên bố mà thôi và đây là hình thức phá sản đặc thù của Việt Nam” rồi thì “Trong các lý thuyết về kinh tế thị trường thì phá sản là sự tàn phá sáng tạo, phá cái cũ để tạo ra cái mới, phù hợp với quy luật kinh tế ở thời điểm đó, thì hiện nay mình đang làm. Đừng vì vụ Vinashin mà kéo lùi tư duy đổi mới doanh nghiệp...”
     Ông Kiên là tiến sĩ, uỷ viên uỷ ban kinh tế quốc hội, phó chủ tịch tỉnh Sóc Trăng. Tôi không hiểu ông nhặt cái bằng tiến sĩ này ở đâu?
     Có thời, người ta tổng kết: Dắt một con bò qua biên giới khi trở về nó cũng trở thành tiến sĩ.
     Ấy là vì nước đàn anh Liên Xô xưa kia sẵn sàng thí mảnh bằng này cho bất cứ công dân da vàng, da đen nào được cử đến Mạc Tư Khoa theo tinh thần “vô sản quốc tế” để họ có thể vênh vang quay về bản xứ thực hiện cuộc “cách mạng đỏ”. Hà Nội là mảnh đất đầu tiên được nếm các kinh nghiệm cay đắng với đám Tiến sĩ bò này.
     Sau đó nhiều năm, đến lượt đảng cộng sản Việt Nam vinh quang có cảm hứng “trở thành trí thức” nên yêu cầu các cán bộ nòng cốt phải đủ bằng cấp. Vậy là các quan đầu tỉnh lũ lượt kéo về trường Nguyễn Ái Quốc học, kẻ học thật tính chưa đầy mười phần trăm, số còn lại nhét chữ không vào nên theo nhau nhậu nhẹt, chơi gái chán chê rồi khi hết thời gian “nâng cấp chất lượng đảng” thảy ra vài lượng vàng để đổi lấy tấm bằng vác về tỉnh lẻ.
     Mặt khác, trong niềm kiêu hãnh cộng sản, các quan lớn nghĩ rằng họ đủ sức làm tất cả, kể cả việc lấy đá vá trời. Vì vậy, sự cư xử của họ nhiều khi ngây ngô đến mức thiên hạ khó hình dung nổi. Tôi nhớ rất nhiều lần, trong các buổi gặp gỡ tay ba, ông Trần Độ, ông Nguyễn Kiến Giang và tôi, tướng Trần Độ kể đi kể lại rằng ông Đỗ Mười đã hạ quyết tâm trở thành đại trí thức nên rủ ông Trần Độ “Tôi với anh bỏ ra hai năm học để lấy bằng tiến sĩ”.
     Tướng Trần Độ liền đáp “Chúng ta học hai năm để hiểu được một phần những điều các tiến sĩ nói, thế cũng đã là tốt lắm rồi”.
     Thứ hoang tưởng của trẻ mục đồng có thể khiến ta mỉm cười nếu đứa bé mơ mộng ấy ngồi trên lưng trâu nhưng một khi nó đã trở thành ý nghĩ thật sự của kẻ cầm quyền thì đó là tai họa tầy trời cho quốc dân, và lúc đó, chúng ta không còn cười mà phải khóc.
     Sự “hạ quyết tâm hai năm giật mảnh bằng tiến sĩ” của ông Đỗ Mười khiến tôi nhớ lại cơn phẫn nộ thành thực của vua Tự Đức khi nghe Nguyễn Trường Tộ mô tả ngọn “đèn treo ngược” ở nước Pháp. Ông quan này suýt bị chém đầu vì cơn phẫn nộ thành thực và ngu xuẩn của nhà vua.
     Khi óc hoang tưởng ngu ngơ kèm theo một quyền lực độc tôn không bị kiểm soát, ai hiểu các quan lớn cộng sản có thể làm những gì để vãi ra những tấm bằng tiến sĩ như mấy bà già nhà quê vãi thóc ra sân cho gà mổ? Bởi vì, chưa ai quên lời tuyên bố xanh rờn của ông Đinh Đức Thiện khi ông đương chức bộ trưởng bộ công nghiệp dẫn đoàn cán bộ lên tham quan nhà máy giấy Bãi Bằng “Cần bằng cấp hả? Thì in ra mà phát. Chúng tao đẻ ra bằng.”
     Căn cứ vào lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên được BBC tiếng Việt trích lời mà tôi vừa nhắc lại trên thì hẳn ông đã nhặt mảnh bằng “giấy lộn” này ở biên giới nước Nga hoặc moi nó ra từ túi quần ông Đinh Đức Thiện.
     Một đất nước không có đội ngũ trí thức thật sự, thì bọn lưu manh giả danh trí thức sẽ lên ngôi. Một đất nước không có những đại biểu quốc hội do chính dân bầu và bị dân bãi, do đó phải gánh trách nhiệm trước dân, đất nước ấy phải biến thành thứ bột nhão trong tay một nhóm cầm quyền tự coi mình là Thượng đế.

     Một người đầy tự tin vì trí não sáng suốt và quá trình khổ học của mình như ông Nguyễn Trần Bạt mà khi nói một điều hay phải kèm theo một lời dối láo thì đất nước ấy không thể coi là có tầng lớp trí thức thật sự. Ông Bật sau khi đã phân tích vô cùng chính xác tính bù nhìn và tình trạng bù nhìn bắt buộc của các đại biểu quốc hội Việt Nam lại phải chêm vài lời ca tụng ông Đỗ Mười, một trong những kẻ cầm quyền ngu dốt nhất, một con bệnh tâm thần (các bác sĩ viện Việt-Xô đã chỉ cho tôi xem cái cây mà ông Đỗ Mười thường trèo lên hô hét khi lên cơn điên), và chưa ai quên rằng chính sách của ông ta đã phá hoại nền kinh tế đất nước một cách không thể tính đếm.
     Tôi biết ông Nguyễn Trần Bạt đã lựa chọn “Chống đối một cách khôn ngoan” vì ông không muốn ngồi tù, không muốn con cái ông bị gạt ra lề xã hội, bị đe doạ, bị quấy nhiễu như con cái những anh em đấu tranh cho dân chủ. Nhưng, một khi ông Nguyễn Trần Bạt đã uốn lưỡi hai chiều thì chưa thể định danh ông là trí thức thật sự dù ông khoe rằng mỗi tháng đọc sách mất bao nhiêu lít dầu.
      Tôi cũng xin nhắc để ông Bạt hiểu rằng ở nước ta không thiếu người đọc sách như ông hoặc hơn ông, có những người biết bốn thứ tiếng mà ngồi rũ trong tù vài thập niên đến khi ra thân tàn lực kiệt, gần như một phế nhân. Ông là trường hợp vô cùng hãn hữu, một con ruồi bay vọt khỏi cái vỉ đập của kẻ cầm quyền, ông chớ nên lấy sự may mắn của bản thân làm thước đo chung cho xã hội, trước hết là lớp người “muốn là trí thức thật sự mà bị dìm chết trong bóng tối ngục tù” ở Việt Nam.

     Người trí thức thật sự là người chỉ tin và chỉ quy hàng chân lý mà thôi. Xã hội nào tạo được một lớp trí thức thật sự, xã hội ấy phát triển. Xã hội nào dùng nòng súng chọc vào họng người có chữ buộc họ uốn lưỡi hai chiều, xã hội ấy còn ở trong trạng thái man rợ, vì ở đó con người không thể sống xứng đáng với chính mình.
     Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này bằng công thức:
     Nhị Thể thì Nhất Tâm
     Nhất Thể ắt Nhị Tâm.

Một xã hội dân chủ (gọi nôm na là nhị thể) nơi tồn tại các đảng đối lập, mỗi cá nhân mới có thể trung thực với chính họ và trung thực với đồng bào, bởi pháp luật đảm bảo cho nhân cách của họ được tồn tại. Xã hội nhất thể, tức xã hội độc tài, buộc con người phải nhị tâm, bởi pháp luật không đảm bảo cho họ được sống trung thực. Trong xã hội ấy, trừ những người ôm bom ba càng, liều mình như chẳng có, toàn thể đều nhị tâm, toàn thể đều bị nỗi sợ hãi làm biến hình, và sự dối trá ắt phải là món ăn thường nhật.

Phần trên, tôi có nhắc tới ông Tố Hữu và ông Phạm văn Đồng, họ quả là những kẻ tham quyền cố vị, vô năng, vô trách nhiệm nhưng theo sự hiểu biết của tôi họ không phải quân ăn cắp và ăn cướp. Nói cho đúng hơn, vào những năm đó chưa nhiều quân ăn cắp và ăn cướp trong chính phủ như bây giờ.
     Ông Phạm Văn Đồng không xây nhà thờ họ năm bảy tỷ đồng như Nguyễn Tấn Dũng. Ông Tố Hữu cũng không trù dập báo chí như việc hạ lệnh tống giam hai nhà báo phanh phui vụ PMU18 mà ông Nông Đức Mạnh đã làm để che chắn tội tham nhũng của người thân.
     Kể cả ông tổng bí thư “Đổi mới”, người đã kêu gọi các nhà văn “đừng uốn cong ngòi bút” rồi hơn một năm sau chính ta ông lại uốn cong lưỡi, người đã chửi tôi là “Con đĩ chống đảng” và đã tống giam tôi vào ngục năm 1991, ông ta – Nguyễn Văn Linh, cũng không phải thằng ăn cắp, hạng khốn nạn về nhân cách. Vợ và con gái ông ấy không nhảy lên nắm thị trường chứng khoán như ái nữ của ông Dũng xỉn. Khi thị trường này đổ bể, hàng bao nhiêu gia đình phá sản, vỡ nợ, ái nữ của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nhơn nhơn chường mặt ra đó, cô ta không vào tù, không mất chức, không nói một lời xin lỗi đối với dân. Bố đẻ cô ta cũng vậy.
     Vậy phải chăng dân Việt đích thị là một con gà để kẻ cầm quyền tha hồ vặt lông vặt cánh? Hay dân Việt là lũ trâu bò mà bao nhiêu ngọn roi quất lên lưng họ cũng... như không? Tuỳ theo cách nhìn của độc giả.

Tuy nhiên, dân tộc Việt đã từng chiến đấu một nghìn năm với Bắc phương để giữ được nền độc lập, vì lẽ ấy, tôi không muốn tin rằng họ tiếp tục câm lặng, tiếp tục cam chịu những khổ nhục này. Dân tộc Việt đã sản sinh ra những người lặn xuống lòng sông Bạch Đằng để cắm cọc sắt. Dân tộc ấy đã đẻ ra những chiến sĩ ôm bom ba càng. Cuộc cách mạng tháng tám năm Ất Dậu là cuộc cách mạng hào hùng để giải phóng dân tộc. Trước cuộc cách mạng ấy, khi chưa bị quyền lực làm hủ hoá nhân cách, ông Tố Hữu là người khởi nghĩa đầy can đảm. Ông đã mượn ý nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat mà làm bài thơ Hãy đứng dậy (tháng 4 năm 1938):
     Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
     Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên! (1)

Ý tưởng của Jean-Paul Marat mạnh như roi quất, loé như ánh chớp soi đường cho đám đông. Nhưng Jean- Paul Marat không chỉ khích lệ dân chúng can đảm đứng lên nắm vận mệnh trong đôi tay của chính mình, ông còn là người bạn đích thực và chân thành của dân chúng như ông thường tự nhận “L’ami du peuple”.

(Từ trái) Đông Trình, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập. tại Đại hội Nhà Văn Việt Nam 1995 tại Hà Nội.
Nguồn ảnh: Tư liệu văn học của gia đình Nguyễn Hữu Hồng Minh

     Ông chỉ ra cho dân chúng thấy rõ những cạm bẫy mà bất cứ kẻ cầm quyền nào cũng sẽ giăng ra: ru ngủ dân chúng; giam hãm họ trong ngu dốt và truỵ lạc; khích động họ bằng sự khoe khoang xuẩn ngốc và sau rốt, buộc họ phải ngoan ngoãn tuân phục.
     Jean-Paul Marat cảnh báo rằng “Sự tuân phục mù loà của quần chúng được coi như sự ngu xuẩn của chính họ”
Nguyên văn: “Toujours une aveugle obéissance suppose une ignorance extrême.”
     Tuy nhiên, sự cảnh báo đó cũng chưa quan trọng bằng định nghĩa sau đây: “Chính phủ là kẻ thù của dân chúng.”
Nguyên văn: “Le gouvernement est l'ennemi du peuple.” (2)
     Định nghĩa này chiếu rọi ánh sáng vào sự vật, vô hiệu hoá mọi trò lừa đảo, loè bịp và mị dân của kẻ thống trị, đem lại xác tín cho dân chúng về quyền hành động chính đáng của họ.

Tại sao chính phủ lại là kẻ thù của dân chúng?
     Đơn giản thôi, vì cái Ngã của con người là con quỷ vô cùng khủng khiếp, thường xuyên chiến thắng trong cuộc tranh đấu với lương tâm. Vì thế, bất cứ bộ máy cầm quyền nào cũng tìm mọi cách để thụ hưởng tối đa, tức là ngoạm phần bánh to nhất và buộc dân chúng gánh chịu mọi rủi ro, tổn thất. Lời hứa hẹn của kẻ cầm quyền là thứ thực phẩm dễ bị hư hại, nó sẽ thiu thối ngay sau phút cuộc bầu cử khoá hòm phiếu, xếp trống kèn.
     Vì lẽ đó, ở các nước dân chủ người ta mới cần các hình thức biểu tình, bãi công, các đại nghị để bộc lộ sự bất bình của dân chúng và cứ năm năm hoặc bốn năm (tuỳ theo quốc gia) lại phải có một cuộc bầu cử để dân chúng thực thi quyền lựa chọn của mình.
     Nhưng muốn có bầu cử thực sự phải có đảng đối lập, còn ở các nước độc tài như xứ Việt Nam ta, bầu cử là trò hề mà cả kẻ bầy trò lẫn kẻ buộc phải tham dự đều biết tỏng tòng tong. Những năm sống ở Hà Nội, mỗi lần bầu cử, tôi lại nghe các bà bán rau bán thịt ở chợ Khương Thượng gọi nhau oang oang: “Cứ mười quầy cử một đại diện đi bầu cho xong. Các ông ấy đã sắp xếp hết rồi, còn đâu mà chọn lựa”.

Có thể các độc giả sẽ nói rằng dân châu Á đã quen với ách thống trị độc tài, họ không cần nền dân chủ. Rằng dân chủ là thứ táo thứ lê chỉ có thể trồng ở châu Âu và châu Mỹ, còn ở xứ ta chỉ có rau muống rau cải mà thôi. Nếu thế, làm sao giải thích được tình trạng hai nước Bắc Hàn và Nam Hàn?
     Cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, tại sao giờ đây hai xứ sở đó cách nhau một trời một vực? Phải chăng một thiết chế dân chủ có thể biến một công dân Hàn Quốc đang ăn cỏ dại ở miền Bắc trở thành một người văn minh, sung túc ở phương Nam? Phải chăng, một nửa dân nước Hàn là người tự do, nửa còn lại, cũng như người Việt chúng ta, bị loại khỏi vũ đài bởi họ không đủ tư cách ấy?   
     Xin độc giả tự trả lời.

     Phần tôi, tôi không nghĩ rằng dân tộc chúng ta tót vời thông minh, nhưng tôi cũng chẳng tin rằng người Việt thuộc loại ngu dốt. Vấn đề cơ bản là thiết chế xã hội đã trói buộc họ trong sự thiếu hiểu biết, trong sợ hãi, trong đói nghèo. Một con chim bị buộc chặt hai cánh chỉ có thể nhảy lò cò trên sân mà không bao giờ bay lên được. Sự thành công của các thế hệ người Mỹ gốc Việt hiện nay chứng minh điều đó.
     Cũng vì cái thực tiễn vô cùng cám dỗ ấy mà giờ đây biết bao gia đình bán nhà, bán đất, thắt lưng buộc bụng cho con cái ra nước ngoài học. Trong thâm tâm, ai cũng mong “Thoát Việt!”, ra khỏi mảnh đất bùn lầy tối tăm này bằng mọi giá.
     Cũng tốt thôi, nhưng liệu bao nhiêu người sẽ thoát được Việt nếu tính trên tổng số dân chúng? Và liệu các thế hệ sau này có thể được sống một cách đàng hoàng với đầy đủ sự tự tin và lòng tự trọng hay không khi mà các cánh cửa ở biên cương càng ngày càng khép chặt, khi người da mầu bị lục soát một cách nhục nhã khắp nơi, và khi cánh Hữu đang dậy lên như sóng ở châu Âu cũng như các nước khác?
     Đừng quá nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng nào cũng sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, không sớm thì muộn. Đời là dòng sông trôi chảy và nước không dừng lại dưới chân cầu. Những thuận lợi mà người Việt nhập cư được hưởng vào những năm Thuyền nhân không còn nữa. Cũng không còn nữa cái nhìn thiện cảm của thế giới đối với người Việt sau những năm Thuyền nhân và sau rất nhiều thất vọng qua quá trình chung đụng.
     Rượu vang đang ở quá trình biến thành dấm. Bởi vậy, dù có muốn đại đa số người Việt cũng không thể thực hiện được giấc mơ đổi đời của họ ở xứ người.
Điều họ có thể làm được là thay đổi cuộc đời của chính họ trên quê hương, là đấu tranh để xây dựng một thiết chế xã hội tiến bộ hơn, để họ có thể thực sự làm công dân, được sống với đầy đủ Quyền con người.
     Nếu sự ù lỳ, sự cam chịu đã trở thành căn tính khiến người dân Việt tê liệt thì trong một tương lai gần, chắc chắn họ sẽ không còn là người Việt nữa. Với toàn bộ các căn cứ quân sự đã và đang tiếp tục xây dựng trên Tây Nguyên cũng như các khu vực biên giới dưới mọi thứ trá hình: khai thác mỏ, thuê đất trồng trọt..., con mãnh hổ Trung Hoa càng ngày càng cắm sâu móng vuốt của nó vào bờ cõi của chúng ta, tạo một vành đai chiến lược mà khi cần, các quân đoàn sẽ trùng trùng đổ xuống như thác.

     Một sáng thức dậy, người dân Việt sẽ thấy lính Trung Hoa đứng đầy các phố phường, làng xóm, nương bản mà họ chưa kịp dụi mắt. Chính phủ của họ, chính quyền Hà Nội đã tiếp tay cho cuộc chuẩn bị này. Đảng thân yêu của họ từ lâu đã trở thành con chó của ông chủ Bắc Kinh, dùng tất thảy mọi biện pháp để bịt mắt đám đông, bóp mồm những ai dám lên tiếng. Bộ máy công an được huy động tối đa để dập tắt các sites internet, để bắt giữ những người dám đưa tin và đưa hình về các khu vực mà lính Tầu đang ồ ạt đổ xuống xây cầu đường, thiết lập doanh trại, lập làng mới để di dân Trung Hoa.

     Cuộc tái chiếm Giao Chỉ đang được thực thi một cách quy mô và khẩn trương mà các thái thú Tô Định tân thời, những kẻ ngồi quanh bàn họp Bộ chính trị, trừ Tô Huy Rứa, đều mang tên Việt.
MỘT NGHÌN NĂM BẮC THUỘC LẦN THỨ HAI đang chờ đợi dân tộc chúng ta.
     Nếu dân Việt không đứng lên hành động vào lúc này, nền độc lập chắc chắn sẽ tiêu vong. Họ sẽ trở thành người Tây Tạng của thế kỉ XXI. Thần Kim Quy không còn hiện ra lần nữa dù họ cầu khẩn ngàn lần.
     “Hãy tự cứu mình trước khi Chúa trời cứu!”
     Câu châm ngôn ấy không chỉ dành cho dân công giáo mà dành cho toàn bộ loài người. Trước thế kỉ XVI, nước Pháp là một trong các xứ mộ đạo, nơi quyền lực của Giáo hoàng lấn át quyền lực của nhà Vua, vậy mà nước Pháp ấy đã biến thành nước Pháp cộng hoà, nước Pháp thế tục sau một cuộc cách mạng long trời lở đất. Cũng chính cuộc cách mạng ấy đã khai sinh ra cái ý tưởng mà nhân loại phải biết ơn mãi mãi: Quyền con người.
     Từ cuộc các mạng ấy đến nay hơn hai thế kỉ đã trôi qua, nhưng lời kêu gọi của Jean-Paul Marat vẫn luôn luôn là ánh sáng rọi đường cho các dân tộc yếu kém, các dân tộc bị dìm trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết, bị tê liệt vì khiếp nhược.

Lời kêu gọi của nhà cách mạng này cũng còn nguyên hiệu lực đối với một dân tộc đang đứng trước nguy cơ tái nô lệ như người Việt giờ đây:
NGƯỜI TA LỚN BỞI VÌ NGƯƠI QUỲ XUỐNG
HỠI NHÂN DÂN! HÃY ĐỨNG THẲNG LÊN!


Lần cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các độc giả. Xin lượng thứ cho những nhầm lẫn của tuổi già. Xin chào vĩnh biệt.

© DCVOnline

--------------------------------------

DCVOnline:
(1) Nguyên văn bài thơ "Hãy đứng dậy" của Tố Hữu

Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!
(Ma-rat)

Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn?
Có gì đâu ta ôm mối căm hờn?
Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống!

Ai đi gõ vào cửa lòng lạnh ngắt
Và thiết tha năn nỉ với hồn say
Trên muôn thây, tiệc rượu máu tràn đầy?
Không! Không thề sống như bầy hành khất!
Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống!
Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu!
Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu
Cho ta bước đến cõi đời cao rộng.

Huế, tháng 4/1938

DCVOnline: Tuy Tố Hữu và nhiều người khác cho tác giả ý hai câu Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống / Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên! là Jean-Paul Marat nhưng chưa khi nào trích dẫn nguồn và nguyên văn "ý tưởng của Marat" đã viết khi nào đăng ở sách, báo nào.
(2) Là bài viết thứ bẩy trong Tập (I) của tờ "L'ami du peuple"
L'ami du peuple (I)


Dénonciation contre Necker
Il faut créer un tribunal d'état
Les subsistances
Discours au peuple
Profession de foi de Marat
Réflexions sur les dettes du gouvernement devenues nationales
Le gouvernement est l'ennemi du peuple
Protestation contre la loi martiale
Sur le plan du comité militaire
Évasion d'une religieuse de l'abbaye de Pantemon

Trích, "Il est une vérite éternelle dont il est important de convaincre les hommes: c'est que le plus mortel ennemi que les peuples aient à redouter est le gouvernement." (Le gouvernement est l'ennemi du peuple)

Nguồn: Journal "L'Ami du Peuple"; Charles Simond, Marat.
Ed. L. Michaud, Paris 1906.

------------------------------------------

Thư ngỏ gửi bạn đọc và nhà báo Huy Đức – phần 1Dương Thu Hương - viết riêng cho DCVOnline
15-12-2010

--------------------------------------

PHẢN HỒI :

Minh Duc2010-12-16 00:38:49http://minhduc7.blogspot.com/
Trích: Ngày ấy, để có thể tiếp tục sống và đấu tranh, tôi đã tự an ủi “Những đảng viên này đều sinh vào những năm 1920-1930, họ bị trói buộc bởi đạo Khổng. Đạo Khổng dạy con người làm nô lệ một cách thành công. Ta hy vọng ở các thế hệ tiếp nối”.
-  Những người được đảng CS kết nạp phải chăng là những người thấm nhuần Nho giáo nhất nên họ có óc trung thành với đảng CS? Điều này chắc chắn là không. Thế hệ Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng là thế hệ Tây học, họ còn coi thường đạo Khổng vì họ thấy các nhà Nho đã thất bại trong việc làm cho đất nước hùng mạnh và để bị mất nước. Vì coi thường đạo Khổng nên họ đi theo thuyết Màc xít vì thấy Mác xít làm cho Liên Xô hùng mạnh. Ông Hồ không truyền bá chủ nghĩa CS cho thế hệ theo Nho giáo được nên ông chọn thế hệ trẻ, không có một nhân sinh quan vững chãi như những người theo Nho giáo. Trong đợt Cải Cách Ruộng Đất, cán bộ CS xem là nòng cốt nhưng thành phần bần cố nông ít học, trong đó có những kẻ lưu manh trong làng. Đó là những thành phần ít bị ảnh hưởng của Nho giáo nhất trong làng. Có 2 tác giả mà tư tưởng có ảnh hưởng của Nho giáo là Trần Trọng Kim, và Nguyễn Hiến Lê họ đều tỏ ra dị ứng với CS vì cách hành động của CS vô đạo đức, không thể chấp nhận được nếu đánh giá bằng đạo đức của đạo Khổng. Lòng trung thành với đảng của các đảng viên, cán bộ là do đảng CS dạy, không phải là do Nho giáo ảnh hưởng đến họ. Phương pháp đảng CS dùng để giáo dục đảng viên là của CS Nga và Tàu. Mà Mao và các đảng viên CSTQ cũng là những kẻ bài bác Nho giáo.

Trích: Sự mê muội này không chi phối riêng các thế hệ sinh vào những năm 20, 30 của thế kỉ XX mà nó có ảnh hưởng rộng lớn hơn tôi dự tưởng.
-  Các thế hệ sau có tư tưởng trung thành, không chịu suy nghĩ, không dám phản kháng là do sự giáo dục của đảng CS, không phải là do ảnh hưởng của Nho giáo. Dưới chế độ CS, Nho giáo bị bài bác bị xem là phản động, người dân không được đọc sách để biết Nho giáo nói gì thì sự trung thành của họ với đảng CS đâu phải là do Nho giáo mà là do đảng CS dạy.
Ông Nguyễn Hiến Lê kể trong hồi ký, sau 75 ông gặp một kỹ sư từ miền Bắc vào không biết dùng óc suy luận phân tích, nhà nước nói gì đều tin hết. Đó là do sự đào luyện của chế độ CS. Thứ hai là những kẻ thực sự có óc suy luận phân tích sắc bén không phải là những kẻ được chế độ tin tưởng mà dùng.

noileo
2010-12-16 03:23:26
"Có thể các độc giả sẽ nói rằng dân châu Á đã quen với ách thống trị độc tài, họ không cần nền dân chủ. Rằng dân chủ là thứ táo thứ lê chỉ có thể trồng ở châu Âu và châu Mỹ, còn ở xứ ta chỉ có rau muống rau cải mà thôi.
Nếu thế, làm sao giải thích được tình trạng hai nước Bắc Hàn và Nam Hàn?
Cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, tại sao giờ đây hai xứ sở đó cách nhau một trời một vực? Phải chăng một thiết chế dân chủ có thể biến một công dân Hàn Quốc đang ăn cỏ dại ở miền Bắc trở thành một người văn minh, sung túc ở phương Nam? Phải chăng, một nửa dân nước Hàn là người tự do, nửa còn lại, cũng như người Việt chúng ta, bị loại khỏi vũ đài bởi họ không đủ tư cách ấy?" (DTH)

Nếu thế, làm sao giải thích được tình trạng cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, tại sao ở miền Bắc thì độc tài khép kín, có thể biến một công dân Hàn quốc (Nam hàn) văn minh thành một người chuyên nghề ăn cỏ dại ở miền Bắc, mà ở miền Nam thì dân chủ tự do thịnh vượng?
Tạ sao (cùng một...) trong khi người miền Nam thì biết chọn lựa, sống theo dân chủ tự do, miền bắc thì độc tài khép kín nghèo đói, sống theo bản năng của cái bao tử, không biết sống theo dân chủ tự do thịnh vượng ?
Và không chỉ có một hiện tượng Bắc Hàn & Nam Hàn như nêu trên. Ít nhất, hiện tượng cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, hai xứ sở đó cách nhau một trời một vực một miền Bắc độc tài chuyên chính bên cạnh một miền Nam cởi mở th
Và không chỉ có một hiện tượng Bắc Hàn & Nam Hàn như nêu trên. Ít nhất, hiện tượng cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, hai xứ sở đó cách nhau một trời một vực một miền Bắc độc tài chuyên chính bên cạnh một miền Nam cởi mở thịnh vượng đã diễn ra ngay tại Việt nam từ sau 1954... cho đến 1975!
Mà sau tháng 4-1975, khi tiến vào Sài gòn, Dương Thu Huong & Vuơng Trí Nhàn & Dương Tường & Nguyễn Khải và nhiều người khác nữa, có học hoặc ít học, đều đã hơn một lần tỏ ra thán phục những điều tạm gọi là văn minh, tự do, dân chủ, không phải sợ hãi... mà họ nhìn thấy qua nếp sống, sách vở, thái độ cử chỉ, sự phồn thịnh... của người Miền nam, một trời một vực hơn hẳn miền Bắc cộng sản! (*)

Quan sat 2 trường hợp Bắc Hàn & Nam Hàn và Bắc Việt & Nam Việt neu tren, người ta có thể đưa ra kết luận không sai lầm về nguyên nhân tạo nên hiện tượng "tuy cùng một dân tộc, cùng một v...v..., mà Bắc thì độc tài nghèo đói, Nam thì dân chủ tự do thịnh vượng.., hoàn toàn khác nhau". Dó là vì:
--- miền Bắc (Hàn cũng như Việt) "kết bạn" & "hữu nghị" với "Trung quốc Nhân dân Cộng hoà quốc" vĩ đại, thường trực "học tập và làm theo bác Mao ta đó...", chịu sự uốn nắn của Tàu cộng, chịu ảnh hưởng độc tài không chỉ độc tài chuyên chính vô sản mà còn cả chuyên chính phong kiến của "đảng cộng sản Trung quốc anh em"

--- miền Nam (Hàn cũng như Việt) bị "đế quốc Mỹ" nó "cai trị" & "bóc lột tàn tệ", nó đặt quân Mỹ tại đó, bắt người dân & chính quyền miền nam (Hàn cũng như Việt) phải "học tập và làm theo..." một số những cung cách tử tế của những Washington & Lincoln... của nó, phải "học tập và làm theo" cung cách & lối sống dân chủ tự do của nó, phải "học tập và làm theo" cung cách làm giáo dục tự do nhân bản khai phóng, phải dùng đô la do nó mang vào mà làm kinh tế theo lối kinh tế thị trường "người bóc lột người" của đế quốc Mỹ và các quốc gia tư bản bóc lột phương Tây...

(*) (Tôi từng nghe một người miền Bắc, dân Hà nội, vài năm sau 1975 (nghĩa là khi ấy SG cũng đã bị "mièn bắc xã hội chủ nghĩa" hoá, đã trở nên xơ xác, nghèo đi khá nhiều), đuợc vào miền nam lần đầu, ví von "cứ như là Mát cơ va ấy" để diễn tả lại cái ấn tượng mà quang cảnh Sài gòn, ngay từ khi anh ta còn đang ngồi trên xe, trên xa lộ "hà nội" tiến vào SG, đã gây nên nơi người ấy.
Không biết anh chàng đã đuọc đi Mát cơ va thật chưa, nhưng hẳn là anh ta đã đuọc Tố Hữu & Hồ chí Minh & Chinh & Đồng & Duẩn & Giáp & trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ chuyên nghề làm chứng gian & bộ giáo dục đào tạo xã nghĩa & nhà trường & mái trường xã hội chủ nghĩa & những cái loa phóng thanh xã nghĩa ngoài đầu ngõ mở hết cỡ, nhét vào đầu anh chàng rất nhiều hình ảnh đẹp đẽ, ngoài cỡ thợ mộc, về "Mát-cơ-va" & "Liên -xô"..., nên, cái câu ví von "cứ như Mát cơ va ấy" rõ ràng đã cho thấy ở nơi người nói, một ấn tuọng mạnh mẽ khi tận mắt chứng kiên Sài gòn, thấy SG hơn hẳn, khác hẳn Hà nội, hơn hẳn, khác hẳn những gì anh ta đuọc biết về Sài gòn qua những lời lẽ tuyên truyền bịp bợm láo khoét của Hồ chí Minh & Phạm Văn Đồng & Trường Chinh & Lê Duẩn & đảng csvn và những chuyên gia làm chứng gian, aka "trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ" nói dối họ về miền nam & Sài gòn, để lường gạt & cưỡng bức những người như họ, cầm súng đạn Nga Tàu đi "giải phóng" phá hoại bắn giết & chôn sống đồng bào miền nam..., thực chất là de phuc vu & thoả mãn tham vọng quyền lực bệnh hoạn của lũ ác quỷ cộng sản, tay sai Nga Tàu cộng, the serial killers, Minh Đồng Chinh Duẩn Giáp... chuyên nghề giết người đồng chủng, đã đẩy hơn 3 triệu người Việt nam, phần lớn là nam thanh nữ tú đang tuổi xuân thì, vào những cái chết bi thảm bất đắc kỳ tử...
.
.
.

No comments: