Wednesday, November 25, 2009

TỔNG THỐNG OBAMA trả lời 7 CÂU HỎI CỦA YOANI SÁNCHEZ

Tổng thống Barack Obama trả lời các câu hỏi của Yoani Sánchez
Hiếu Tân dịch
25/11/2009 1:30 sáng
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14082
talawas - Sau loạt bài về
vụ hành hung nhà báo Yoani Sánchez, blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Cuba, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bản dịch phỏng vấn của bà với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Yoani Sánchez đã gửi 7 câu hỏi tới Tổng thống Mỹ Obama và 7 câu hỏi tới Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Và bà đã nhận được thư trả lời của Obama.

--------------------------

Tổng thống Barack Obama: Cám ơn bạn về cơ hội trao đổi quan điểm này với bạn và các độc giả của bạn ở Cuba và trên toàn thế giới và chúc mừng bạn nhận giải thường của Khoa Cao học Báo chí Trường Đại học Columbia vì những hoạt động báo chí ở Châu Mỹ Latin giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước châu Mỹ.
Blog của bạn mở ra cho thế giới một cửa sổ duy nhất để nhìn vào thực tế của cuộc sống hàng ngày ở Cuba. Nó cho thấy Internet đã cung cấp cho bạn và các blogger can đảm khác của Cuba một phương tiện để tự do bày tỏ ý kiến của mình, và tôi hoan nghênh những cố gắng tập thể của các bạn cổ võ người dân Cuba bày tỏ ý kiến của riêng họ thông qua việc sử dụng công nghệ. Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sát cánh cùng tất cả các bạn hướng tới một ngày mà mọi người dân Cuba có thể tự do bày tỏ ý kiến trước công luận mà không phải sợ hãi và không bị trả thù.

Yoani Sánchez:

CÂU HỎI 1: TRONG NHIỀU NĂM CUBA ĐÃ LÀ MỘT VẤN ĐỀ TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ GIỐNG NHƯ MỘT VẤN ĐỀ QUỐC NỘI, ĐẶC BIỆT VÌ CỘNG ĐỒNG LỚN NGƯỜI CUBA Ở HOA KỲ. THEO QUAN ĐIỂM CỦA ÔNG, VẤN ĐỀ CUBA PHÙ HỢP VỚI CÁI NÀO TRONG HAI LOẠI CHÍNH SÁCH ẤY?
Tổng thống Barack Obama: Tất cả các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại đều liên quan đến các thành phần trong nước, đặc biệt những vấn đề liên quan đến các nước láng giềng như Cuba mà Hoa Kỳ có một lượng lớn người nhập cư di trú và chúng tôi đã có một lịch sử quan hệ lâu dài. Cam kết của chúng tôi bảo vệ và ủng hộ quyền tự do phát biểu, quyền con người, và cai quản dân chủ trong nước và trên thế giới cũng xuyên qua sự phân chia chính sách đối nội/đối ngoại. Hơn nữa, nhiều thách thức mà cả hai nước chúng ta phải đối đầu trong đó có vấn đề nhập cư, vận chuyển ma túy, và các vấn đề kinh tế, kéo theo các quan ngại của chính sách đối nội và đối ngoại truyền thống. Như vậy những mối quan hệ của Hoa Kỳ với Cuba được xem xét đúng trong cả hai bối cảnh chính sách đối ngoại và đối nội.

CÂU HỎI 2: NẾU CHÍNH QUYỀN CỦA ÔNG SẴN SÀNG CHẤM DỨT CUỘC TRANH CÃI NÀY, NÓ CÓ CÔNG NHẬN VỀ MẶT PHÁP LÝ CHÍNH PHỦ RAUL CASTRO LÀ NGƯỜI ĐỐI THOẠI DUY NHẤT CÓ HIỆU LỰC TRONG CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN CUỐI CÙNG KHÔNG?
Tổng thống Barack Obama: Như tôi đã nói ở trên, tôi sẵn sàng cho chính phủ của tôi dàn xếp với chính phủ Cuba về một loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm như chúng tôi đã làm trong các cuộc thảo luận về vấn đề nhập cư và vấn đề trao đổi thư tín trực tiếp. Tôi cũng có ý định tạo điều kiện tiếp xúc tốt hơn với nhân dân Cuba, đặc biệt trong số những gia đình Cuba bị chia rẽ, là điều tôi đã làm bằng cách xóa bỏ những hạn chế từ phía Hoa Kỳ đối với các cuộc thăm viếng và gửi tiền, hàng cho gia đình.
Chúng tôi tìm kiếm sự đối thoại với những người dân Cuba ngoài chính phủ như chúng tôi đã làm ở những nơi khác trên khắp thế giới, vì chính phủ, tất nhiên, không phải là tiếng nói duy nhất có ý nghĩa quan trọng ở Cuba. Chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội Cuba và hướng tới một ngày chính phủ phản hồi nguyện vọng được biểu lộ tự do của nhân dân Cuba.

CÂU HỎI 3: CHÍNH PHỦ HOA KỲ ĐÃ TỪ BỎ SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ NHƯ MỘT BIỆN PHÁP ĐỂ CHẤM DỨT TRANH CHẤP CHƯA?
Tổng thống Barack Obama: Hoa Kỳ không có ý định sử dụng lực lượng quân sự ở Cuba. Hoa Kỳ ủng hộ tăng cường tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do chính trị kinh tế ở Cuba và hy vọng rằng chính phủ Cuba sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Cuba được hưởng những lợi ích của nền dân chủ và có thể tự do quyết định tương lai của Cuba. Chỉ có nhân dân Cuba mới mang lại nhưng thay đổi tích cực ở Cuba và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ sớm có thể sử dụng đầy đủ tiềm năng của họ

CÂU HỎI 4: RAUL CASTRO ĐÃ NÓI CÔNG KHAI RẰNG ÔNG ẤY SẴN SÀNG THẢO LUẬN MỌI ĐỀ TÀI VỚI HOA KỲ, MIỄN LÀ CÓ SỰ TÔN TRỌNG LẪN NHAU VÀ MỘT SÂN CHƠI BÌNH ĐẲNG. PHẢI CHĂNG RAUL ĐÃ ĐÒI HỎI QUÁ NHIỀU?
Tổng thống Barack Obama: Trong nhiều năm tôi đã nói rằng đã đến lúc theo đuổi đường lối ngoại giao thẳng thắn, không có điều kiện tiên quyết, với bạn bè cũng như kẻ thù. Tuy nhiên tôi không quan tâm đến việc đối thoại chỉ để mà đối thoại. Trong trường hợp Cuba, cách ngoại giao như thế sẽ tạo ra những cơ hội cải thiện những lợi ích của Hoa Kỳ và sự nghiệp tự do của nhân dân Cuba.
Chúng tôi đã khởi động một cuộc đối thoại về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: nhập cư an toàn, hợp pháp và trật tự, và tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp. Đây là những bước nhỏ nhưng là một phần quan trọng trong quá trình dịch chuyển các mối quan hệ Hoa Kỳ – Cuba sang một hướng mới tích cực hơn. Tuy nhiên để đạt được quan hệ bình thường hơn, cần có hành động từ phía chính phủ Cuba.

CÂU HỎI 5: TRONG MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI GIẢ SỬ LÀ CÓ GIỮA HOA KỲ VÀ CUBA, ÔNG CÓ SẮN SÀNG ĐÓN TIẾP CÁC THÀNH PHẦN THAM DỰ TỪ CỘNG ĐỒNG CUBA LƯU VONG, CÁC NHÓM ĐỐI LẬP GỐC CUBA VÀ CÁC NHÓM XÃ HỘI DÂN SỰ CUBA MỚI RA ĐỜI KHÔNG?
Tổng thống Barack Obama: Khi xem xét bất kỳ một quyết định chính sách nào, điều quan trọng là càng nghe được nhiều tiếng nói khác nhau càng tốt. Đối với vấn đề Cuba, chúng tôi làm đúng như thế. Chính phủ Mỹ thường xuyên đối thoại với các nhóm và các cá nhân trong và ngoài Cuba có quan tâm đến các quan hệ của hai nước. Nhiều người không phải lúc nào cũng đồng ý với chính phủ Cuba, nhiều người không phải lúc nào cũng đồng ý với chính phủ Hoa Kỳ, và nhiều người không đồng ý với nhau. Điều mà tất cả chúng ta nên có khả năng nhất trí với nhau trong khi tiến tới là sự cần thiết phải lắng nghe những mối quan tâm của những người Cuba đang sống trên hòn đảo này. Đó là lý do tại sao mọi việc bạn đang làm để phát ra tiếng nói của mình lại quan trọng như thế, không chỉ cho sự tiến bộ của bản thân quyền tự do phát biểu mà còn cho những người bên ngoài Cuba được hiểu biết tốt hơn về cuộc sống, những cuộc đấu tranh, những niềm vui và những mơ ước của nhân dân Cuba trên hòn đảo đó.

CÂU HỎI 6: ÔNG ỦNG HỘ MẠNH MẼ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ TRUYỀN THÔNG THÔNG TIN. NHƯNG CUBA VẪN CÒN ĐANG BỊ HẠN CHẾ TRUY CẬP VÀO INTERNET. SỰ HẠN CHẾ ẤY CÓ BAO NHIÊU PHẦN LÀ DO CẤM VẬN CỦA HOA KỲ, VÀ BAO NHIÊU PHẦN THUỘC VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH PHỦ CUBA?
Tổng thống Barack Obama: Chính phủ tôi đã đi những bước quan trọng trong việc thúc đẩy dòng chảy tự do của thông tin đến và đi từ nhân dân Cuba đặc biệt thông qua những công nghệ mới. Chúng tôi đã tạo được những đường truyền viễn thông lớn hơn để thúc đẩy sự giao lưu giữa các công dân Cuba và thế giới bên ngoài. Việc này sẽ làm tăng các phương tiện mà nhờ chúng người Cuba trên đảo có thể thông tin với nhau và với những người bên ngoài Cuba, chẳng hạn, bằng cách mở rộng các cơ hội cho các chương trình phát qua vệ tinh và cáp quang đến và từ Cuba. Điều này không thể xảy ra qua ngày một ngày hai. Nó cũng không đạt được kết quả mỹ mãn nếu không có hành động từ phía chính phủ Cuba. Tôi hiểu chính phủ Cuba đã tuyên bố sẽ cung cấp cho người dân Cuba khả năng truy cập Internet lớn hơn từ những bưu điện. Tôi đang quan tâm theo dõi sự phát triển này và thuyết phục chính phủ đó cho phép nhân dân của nó hưởng quyền truy cập không hạn chế vào Internet và thông tin. Ngoài ra chúng tôi hoan nghênh những đề xuất liên quan đến những lĩnh vực trong đó chúng tôi có thể trợ giúp nhiều hơn nữa luồng thông tin tự do, bên trong, từ, và đến Cuba.

CÂU HỎI 7: ÔNG CÓ SẴN LÒNG ĐẾN ĐẤT NƯỚC CHÚNG TÔI KHÔNG?
Tổng thống Barack Obama: Tôi sẽ không bao giờ loại trừ một tiến trình hành động có thể thúc đẩy những lợi ích của Hoa Kỳ và sự nghiệp tự do của nhân dân Cuba. Đồng thời các công cụ ngoại giao chỉ nên được sử dụng sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và là một phần của một chiến lược rõ ràng minh bạch. Tôi trông chờ một cuộc viếng thăm Cuba trong đó tất cả công dân được hưởng cùng những quyền và những cơ hội như những công dân khác trên bán cầu này.

Nguồn:
http://www.desdecuba.com/generationy/?p=1179

Bản tiếng Việt © 2009 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog





No comments: