Wednesday, July 29, 2009

TỪ SỰ KIỆN TAM TOÀ

Từ sự kiện Tam Tòa
VietCatholic News (28 Jul 2009 14:28)
http://vietcatholic.net/News/Html/69554.htm
Nhiều lần tôi vẫn tự nghĩ không biết những lời bàn về quyền con người có phải là những vấn đề vẫn còn xa lạ và thậm chí là “xa xỉ” đối với những người Việt Nam chúng ta? Không biết có bao nhiêu người, ngay cả những đảng viên trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam, hiểu giá trị câu Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ (1776) được Hồ Chủ Tịch lấy lại trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của mình năm 1945: «Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc» ?

Tôi đặt câu hỏi và tôi nghi ngờ về khả năng nhận thức và quyết tâm thăng tiến những chân giá trị này nơi nhiều con người trong xã hội chúng ta hôm nay. Đây không phải là một lời kết án mà là ghi nhận thực tế, một thực tế đáng buồn cho hết mọi con người có tâm huyết đối với đất nước và đối với những thế hệ tương lai. Có phải vì miếng cơm manh áo, vì những quyền lợi, vì những thói ăn theo hay vì không hiểu biết hay được “định hướng” theo những “chủ trương” mà nhiều người mất cảm thức những giá trị của đời sống con người, những giá trị không được đo lường bởi sự đố kỵ, hận thù nhưng “quyền được sống”, “quyền tự do”, “quyền mưu cầu hạnh phúc”, đời sống tâm linh, lòng bao dung, tình người và những tính chất làm cho con người là người?

Ngày hôm nay, khi ở nhà hay khi ra đường chúng ta thường nghe những câu than vãn về sự sa sút đời sống đạo đức trong gia đình, trong trường học, trong đời sống xã hội: con cái tranh chấp tài sản gia đình với cha mẹ; người ta không còn biết cư xử một cách lịch thiệp với nhau bằng những lời xin lỗi, những lời cám ơn; chỉ vì một đôi vòng vàng hay một lời nói mà người ta có thể đâm chết đối phương…. Còn có vô vàn những điều ngược đời khác như kẻ gây tai nạn lại mắng chửi những nạn nhân của mình bằng những lời vô nhân. Nói một cách đại loại là: “vừa ăn cắp vừa hô trộm”. Người ta thay trắng đổi đen, biến không thành có, biến có thành không. Đây là những chuyện xảy ra trong đời sống xã hội thường ngày làm chúng ta đau lòng.

Một vấn đề khác nữa trong lãnh vực đời sống chính trị: người ta thường “lấy ác báo ác”, xúi giục kẻ khác đánh nhau để mình nắm quyền chỉ huy và kiếm lợi nhuận (“quần chúng nhân dân tự phát” là một hiện tượng !). Đây không phải là kiểu mẫu cho đời sống chính trị đúng nghĩa. Chúng ta sẽ không thể xây dựng một xã hội bền vững, ổn định và phát triển lâu dài dựa trên những sự kỳ thị, những sự phân biệt đối xử, những cách hành xử hoang dã đối với nhau.

Đời sống văn minh, sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào đời sống nội tâm, tâm linh của những con người khát vọng đi tìm những gì là chân thật, những gì là tốt, những gì đẹp đẽ. Không có một xã hội văn minh nếu không có những con người văn minh, không có một xã hội công bằng nếu không có những con người công bằng, không có một xã hội dân chủ nếu không có những con người dân chủ. Những con người độc đoán xây dựng những xã hội độc đoán, những con người độc ác xây dựng những xã hội độc ác. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này trong lịch sử nhân loại với những nhân vật lịch sử. Hít-le là một trong những gương mặt tiêu biểu nói lên mặt tiêu cực này.

Quả thực, nếu chúng ta cho rằng đất nước của chúng ta văn minh, nhân đạo, hiền hòa, hiếu khách (không ít những băng rôn, bảng hiệu hô hào cho những giá trị trên)….thì trước tiên chúng ta cần phải trở thành những con người văn minh, nhân đạo, hiền hòa và hiếu khách. Việc đàn áp, bắt bớ những người vô tội, đối xử với họ một cách man rợ như trong những trường hợp ở Thái Hà (Hà Nội), Tam Tòa (Quảng Bình)…. đi ngược lại ý chí trên. Tất cả mọi con người có chút lương tri đều có thể nhận ra điều đó. Không có bất cứ một cơ sở xây dựng pháp luật của một nhà nước chân chính nào dựa trên những sự khủng bố tinh thần và thể chất. Chỉ có những con người mù quáng, quá khích, bạo lực, hung hãn mới hành động một cách điên dại!
Trần Khuê


Xã hội đen hành hung giáo dân?
http://www.doi-thoai.com/baimoi0709_354.html
Từ vụ Thái Hà người ta đã từng chứng kiến nhóm người mặc thường phục gồm những thanh niên khỏe mạnh đàn áp, khiêu khích và dùng vũ lực để đánh đập giáo dân Thái Hà. Do không phân biệt được những kẻ côn đồ này là ai, người ta gọi chúng là bọn xã hội đen.
Phía cơ quan ngôn luận của nhà nước Việt Nam thì gọi đó là quần chúng nhân dân bức xúc.
Gần đây tại vụ Tam Tòa hàng trăm kẻ dữ dằn mặc thường phục tung hoành trên đất Đồng Hới, phát hiện ai là giáo dân là chúng xông vào đánh đạp, lăng mạ chửi bới trước sự hững hờ quan sát của các lực lượng cảnh sát mặc cảnh phục. Không rõ chúng là ai, một lần nữa người ta quy kết đó là nhóm xã hội đen.

Thực ra nếu ai am hiểu về dân giang hồ , xã hội đen, những băng đảng kiếm ăn bằng cách phạm pháp có thể thấy rõ , nhóm người hành hung giáo dân kia không phải là băng nhóm xã hội đen nào cả.
Ở Hà Nội là nơi trung tâm, có nhiều thành phần tiền án, tiền sự kết thành các nhóm.Nhưng điểm mặt không có băng nhóm nào có quá 20 thành viên. Những lần cần thanh toán, ẩu đả chúng kéo bạn bè từ các địa phương có truyền thống giang hồ về Hà Nội. Gom lại bất quá cũng đến 40 tay dao là cùng. Băng nhóm xã hội đen lớn nhất của Hà Nội ở thời kỳ cực thịnh của xã hội đen là băng Khánh Trắng chợ Đồng Xuân, lực lượng chiến đấu của chúng cũng không quá con số 100. Và điều tối kỵ là không khi nào xã hội đen phục vụ cho cơ quan công quyền để dùng bạo lực với những người dân lành, nhất là người dân có tín ngưỡng. Bởi chính những tên xã hội đen phần lớn đều có tín ngưỡng, nên chúng rất tránh nặng lời với những người có tín ngưỡng chứ đừng nói là dùng vũ lực. Mấy năm trước với chiến dịch thanh trừng những băng nhóm tội phạm có tổ chức của cơ quan cảnh sát.Nhiều băng nhóm xã hội đen đã chịu hậu quả khốc liệt, nhiều tên đại ca phải lãnh mức án cao nhất ,nhận mức án tù nhiều năm từ Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn như băng Khánh Trắng, Cu Nên, Năm Cam, Tín Palet.
Ở Hà Nội ở thời điểm bây giờ trừ một hai nhóm xã hội đen hoạt động trong lĩnh vực cờ bạc lô đề, bóng đá ra, chưa có nhóm nào khả dĩ huy động một lúc vài chục quân. Và những nhóm này không dại gì đứng ra nhận làm thuê cho chính quyền vì bất cứ lý do gì. Và chính quyền cũng không dại gì sử dụng những tên tội phạm xã hội đen bởi chúng là con dao hai lưỡi, không thể kiểm soát được tên giang hồ nào nổi hứng kể về chiến tích mà nhà nước thuê chúng ngoài quán nhậu thì không bưng bít nổi.
Quan sát kỹ những tên đánh đập giáo dân ở Thái Hà cũng như vụ Tam Tòa, chúng có nét mặt hũng dữ giống bọn xã hội đen. Nhưng không có tên nào xăm trổ hay sứt sẹo hoặc có gương mặt phong trần, khắc khổ dấu ấn của bọn xã hội đen. Một điểm nữa là xã hội đen ở Đồng Hới chưa bao giờ có tên tuổi số má trong giang hồ đất Việt. Bởi vậy nói rằng ở vụ Tam Tòa có hàng chục tên xã hội đen đánh đập giáo dân là oan cho cho dân giang hồ, xã hội đen Đồng Hới cũng như cả nước.

Phải khẳng định rằng ở Thái Hà cũng như Tam Tòa, không có một tổ chức tội phạm của xã hội đen nào dúng tay vào việc đánh đập giáo dân. Bởi bản chất của giang hồ và cũng như tổ chức của chúng không quy mô đến mức có nhiều tên tham gia như vậy trong vụ hành hung người Công Giáo.
Vậy những tên tham gia hành hung giáo dân ở Thái Hà và Tam Tòa là ai ?

Tổ chức nào có thể huy động hàng chục, hàng trăm thanh niên khỏe mạnh tuổi từ 25-35. Sẵn sàng hung hãn đánh đập những người dân yếu đuối gồm cả trẻ con lẫn phụ nữ. Đánh đập công khai trước sự quan sát của các lượng lượng cảnh sát đang bàng quan theo dõi như không có gì ?

Không phải băng nhóm của xã hội đen, nhưng chúng cũng vẫn là một băng nhóm của xã hội..ngược lại mà thôi.
Thanh Linh
Đống Đa – Hà Nội

1 comment:

LongMinh said...

Người viết bài này tư tưởng ấu trĩ quá, cứ như mình có cái nhìn sâu sắc, tổng quan lắm.Thực ra chỉ là nhân cơ hội một vài sự kiện diễn ra rồi ngồi phân tích, nói xấu xã hội.Mà khi xem xét sự việc cũng không xem xét hết, chỉ như thấy bói xem voi. Ví dụ như sự kiên Tam Tòa ấy, tự dưng đến khu di tích xây nhà, xử thế còn nhẹ tay đấy.Tôi đi mấy nước châu Âu, với tội thế này thì họ làm mạnh tay lắm, chống đối là dùi cui và hơi cay ngay.
Tác giả nên nhìn nhận xã hội khách quan đi, bạn hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho nhân dân hay chỉ ngồi tư lợi cá nhân, thấy gì thì ngồi bình luận.