Tuesday, April 8, 2025

CHIẾN TRANH UKRAINA : TT ZELENSKY CHỈ TRÍCH MỸ THIẾU PHẢN ỨNG KHI NGA TỪ CHỐI ĐỀ XUẤT NGƯNG BẮN (Chi Phương / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : TT Zelensky chỉ trích Mỹ thiếu phản ứng khi Nga từ chối đề xuất ngừng bắn

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 12:13  -  Sửa đổi ngày: 07/04/2025 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250407-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-tt-zelenky-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-hoa-k%E1%BB%B3-thi%E1%BA%BFu-ph%C3%A1n-%E1%BB%A9ng-khi-nga-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%ABng-b%E1%BA%AFn

 

Sau các vụ oanh kích của Nga vào Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua, 06/04/2025, lấy làm tiếc vì Hoa Kỳ  thiếu phản ứng trước việc Nga từ chối lệnh ngừng bắn 30 ngày mà Washington đề xuất từ giữa tháng Ba.

 

HÌNH :

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một tòa nhà chung cư sau cuộc tấn công của Nga ở Kupyansk, vùng Kharkiv, Ukraina, ngày 6 tháng 4 năm 2025. AP

 

Trong bài phát biểu hàng ngày gửi đến người dân Ukraina hôm Chủ Nhật, tổng thống Zelensky khẳng định « Kiev đã chấp nhận đề xuất của Hoa Kỳ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện, nhưng Putin đã từ chối ». Ông Zelensky cho biết vẫn đang chờ đợi phản ứng của Hoa Kỳ, cũng như là các biện pháp của châu Âu.

 

Trên mạng xã hội, hôm qua, ông Zelensky khẳng định rằng « áp lực đối với Nga là chưa đủ, và các cuộc tấn công của Nga hàng ngày vào Ukraina đã cho thấy rõ điều đó ». Theo chính quyền Kiev, các cuộc oanh kích của Nga khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, 8 người bị thương hôm Chủ Nhật. Trước đó, cuộc oanh kích thứ Sáu tuần trước của Nga, đã khiến 20 người chết, trong đó có 9 trẻ em.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua, cũng đã lên án các cuộc tấn công của Nga, đồng thời kêu gọi « có hành động mạnh mẽ » nếu Matxcơva tiếp tục « từ chối hòa bình ». Tổng tham mưu trưởng của Pháp và Anh đã đến Kiev vào tuần trước để thúc đẩy việc điều động lực lượng quân sự tới Ukraina sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, nhằm ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công mới nào của Nga.

 

Về phía Nga, trong một cuộc phỏng vấn được truyền thông Nga trích dẫn, ông Kirill Dmitriev, đặc phái viên về kinh tế của tổng thống Vladimir Putin, nêu ra khả năng lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ liên lạc trong tuần này, nhưng không nêu rõ nội dung cụ thể.

 

Hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết tổng thống Putin "ủng hộ ý tưởng cần đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng trước đó còn có nhiều câu hỏi cần giải đáp mà chưa ai trả lời", theo trích dẫn của AFP. Đó là những câu hỏi liên quan đến việc chế dộ Kiev không có khả năng kiểm soát nhiều nhóm cực đoan, cũng như về những dự án quân sự hóa của Ukraina

 

Trên chiến trường, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua đã tuyên bố chiếm được làng Bassivka, lần đầu tiên kể từ khi Nga rút quân vào mùa xuân năm 2022. Matxcơva cũng khẳng định đạt được đà tiến tại vùng Soumy của Ukraina. Hồi đầu tháng Ba, Nga cũng đã tuyên bố chiếm được làng Novenké ở trong khu vực này. Tuy nhiên, phía Ukraina bác bỏ thông tin này.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

MỸ - NGA - UKRAINA

Kế hoạch tạm ngừng bắn cho Ukraina chậm thực thi : Mỹ « phẫn nộ » với cả Matxcơva lẫn Kiev

 

PHÂN TÍCH

Thỏa thuận ngừng bắn với Ukraina ở Hắc Hải: Nga vẫn chơi trò "câu giờ"

 

 

=================================================

Ukraina : Chiến sự leo thang sau khi Nga oanh kích thủ đô Kiev

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 06/04/2025 - 12:00  -  Sửa đổi ngày: 06/04/2025 - 15:35

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250406-ukraina-chi%E1%BA%BFn-s%E1%BB%B1-leo-thang-sau-khi-nga-oanh-k%C3%ADch-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-kiev

 

 

 

 

 

TÌNH HÌNH SẼ RA SAO NẾU MỸ BỎ RƠI CHÂU Á (Minh Phương / RFI)

 



Tình hình sẽ ra sao nếu Mỹ bỏ rơi châu Á ?

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 11:45

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20250407-b%C3%A0i-s%E1%BB%ADa-%E1%BA%A1-s%E1%BA%BD-ra-sao-n%E1%BA%BFu-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-b%E1%BB%8F-r%C6%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A1

 

Từ Tokyo, Seoul, Đài Bắc đến Manilla, các đồng minh của Mỹ ngày càng lo ngại bị tổng thống Donald Trump bỏ rơi như cách mà ông đã làm với Ukraina hay Liên Âu. Vị thế “người bảo hộ” mà chính Mỹ đã dày công gây dựng từ sau Đệ nhị thế chiến, liệu sẽ còn lại gì dưới thời Trump II?

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức "thuế đối ứng" toàn cầu tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Mỹ, vào ngày 2 tháng 4 năm 2025. AFP - BRENDAN SMIALOWSKI

 

Một mặt, Washington khẳng định mong muốn củng cố hiện diện ở châu Á để đối phó với Trung Quốc, đối thủ thực sự của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz đã bảo đảm với các đồng minh châu Á rằng Hoa Kỳ sẽ không rút lui khỏi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

 

Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth thì nhấn mạnh trong chuyến thăm Tokyo hôm 30/03 rằng : “Mỹ quyết tâm duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ, sẵn sàng và đáng tin cậy trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan” và gọi Nhật Bản là “đối tác không thể thiếu để răn đe bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào từ Trung Quốc cộng sản”. 

 

Nhưng mặt khác, người ta cũng tự hỏi rằng những cam kết của Hoa Kỳ liệu có đáng tin, nhất là khi nguyên thủ Mỹ cho rằng đồng minh là những “kẻ ăn bám”, lợi dụng Mỹ? Ông Yann Rousseau, trưởng văn phòng châu Á của tờ Les Echos nhận định rằng với ông Trump, các đồng minh chỉ là gánh nặng không hơn không kém. Hồi đầu tháng Ba, tổng thống Mỹ đã giận dữ phát biểu : “Chúng ta đã hỗ trợ cả thế giới. Chúng ta đã hỗ trợ NATO. Chúng ta trả tiền cho các hóa đơn của các quốc gia khác.” và cũng không quên mỉa mai rằng : “Chúng ta có một hiệp ước “thú vị” với Nhật Bản. Chúng ta phải bảo vệ họ nhưng họ lại không cần phải bảo vệ chúng ta.” 

 

Ông Trump còn tố cáo những đồng minh châu Á là những kẻ lừa đảo. Theo ông, họ đã làm giàu trong suốt hàng thập kỷ qua trên lưng những người lao động Mỹ và gây ra mức thâm hụt thương mại khổng lồ mà Mỹ đang phải gánh chịu. Tokyo và Seoul lần lượt bị cáo buộc thao túng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu hoặc đóng cửa biên giới đối với hàng hóa “Made in USA”. Ông cũng không ngần ngại đánh thuế đối với xe hơi của Nhật và Hàn Quốc dù biết rằng điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp sản xuất của hai đồng minh thân cận. Vậy liệu có phải Mỹ đang muốn bỏ rơi các đồng minh châu Á? Mọi việc sẽ ra sao nếu viễn cảnh này xảy ra? 

 

 

Châu Á thức tỉnh 

 

Với bài học nhãn tiền là Ukraina và châu Âu, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ nhận ra rằng đã đến lúc họ không còn có thể trông cậy vào sự bảo hộ của Mỹ, từ đó thức tỉnh và tự bảo vệ chính mình. Tờ Les Echos trong bài “Dưới thời Trump, đồng minh châu Á đang phòng thủ”, nhận định, ngân sách quân sự đang tăng lên ở khắp nơi tại châu Á và nhu cầu về vũ khí đang được đánh giá lại. Vấn đề hạt nhân, trước đây là điều cấm kỵ, giờ đang trở thành chủ đề tranh luận công khai ở Hàn Quốc cũng như ở Nhật Bản. Nhà nghiên cứu chính trị Dominique Moïsi, cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Montaigne  và viện Quan hệ Quốc tế Ifri, nhấn mạnh thêm rằng Donald Trump “đang mạo hiểm khuyến khích một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á. Tổng thống Mỹ cũng gửi một thông điệp đáng lo ngại tới các đồng minh rằng :“Giờ thì các người tự lo liệu đi.” 

 

 

Bắc Kinh tăng cường vị thế 

 

Hơn nữa, nếu bỏ rơi châu Á, Mỹ sẽ khó có thể kiềm hãm việc Trung Quốc bành trướng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Louis Gautier, giảng viên khoa học chính trị tại đại học Paris Panthéon-Sorbonne, nhấn mạnh trên nhật báo Les Echos, rằng các đồng minh châu Á của Mỹ, bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines là những điểm tựa quan trọng để Washington có thể duy trì một sự cân bằng sức mạnh cần thiết đối phó với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trong khu vực. Hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực này không phải là hệ thống đa phương toàn cầu như NATO mà đó là một mạng lưới chằng chịt các thỏa thuận song phương, các quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác quân sự và các hợp đồng vũ khí mang tính cấu trúc. Mỹ có khoảng 20 căn cứ quân sự với 95.000 lính Mỹ đóng quân tại các quốc gia này.

 

Không những khiến Mỹ mất đi khả năng đối phó với Trung Quốc, thái độ bất nhất của người ngồi trong phòng Bầu Dục hiện nay thậm chí còn có thể khiến các nước châu Á xích lại gần với Trung Quốc hơn. Trong bài “Trump có thể khiến châu Á, chứ không phải Mỹ, vĩ đại trở lại”, tờ South China Morning Post trích lời ông Yuqing Xing, một giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách đại học Quốc gia Tokyo, cho rằng “những thay đổi mang tính cách mạng” mà chính quyền Trump mang lại đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đề xuất nhưng sau đó đã sụp đổ khi ông Trump rút Washington khỏi hiệp định vào nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Giới quan sát cũng nhận định, Trung Quốc sẽ ngày càng chuyển từ “chế độ chiến binh sói lang” sang ngoại giao “gấu trúc” ở cả Đông Á và châu Âu để tận dụng khoảng trống mà ông Trump đang tạo ra khi rút lui khỏi các mối quan hệ và tự cô lập Hoa Kỳ. 

 

Hơn nữa, theo tờ báo, mối quan hệ giữa ba cường quốc Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dường như đang ngày càng xuống thang căng thẳng. Hôm 30/03, Tokyo, Bắc Kinh và Seoul đã đồng ý thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại ba bên để giải quyết “những thách thức mới nổi”. Đồng quan điểm, kinh tế gia Nick Marro tại cơ quan phân tích và dự báo kinh tế Economist Intelligence Unit trả lời trên đài CNN rằng : “Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn chưa có khả năng trả đũa Mỹ, nhưng điều họ có thể làm là phát triển một cách thầm lặng mối quan hệ với Bắc Kinh để tái kết nối và đánh giá lại cơ hội thị trường Trung Quốc.” 

 

 

Liên minh Á-Âu hiệp lực đối đầu Mỹ 

 

Ngoài Bắc Kinh, châu Âu cũng có thể được hưởng lợi nếu Hoa Kỳ quay lưng với châu Á. Từ Bruxelles, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh đến nhiều nước Đông Nam Á đều là nạn nhân của chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, và vì thế, họ có thể coi việc hợp tác và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và hệ thống thương mại toàn cầu là điều cần thiết và khẩn cấp. Các nước này đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, do vậy họ sở hữu những quân bài mạnh mẽ để chống lại Mỹ nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Các công ty đa quốc gia của Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng vào những quốc gia này để sản xuất hàng hóa, do vậy nếu không có sự tham gia của họ, cán cân thương mại của Mỹ – chưa kể đến thị trường chứng khoán Mỹ – có thể chịu những đòn đánh nặng nề.

 

Ông Gautier nhận định rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai trò là một cường quốc cân bằng, quan tâm đến vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, điều tiết quốc tế và tôn trọng pháp quyền để tránh một cuộc hỗn loạn toàn cầu. Điều này sẽ giúp các quốc gia châu Âu và châu Á đẩy mạnh hợp tác để duy trì thịnh vượng và hòa bình. 

 

 

Tượng Nữ thần Tự do không còn “thắp sáng” Thiên An Môn 

 

Vậy còn người Mỹ, họ sẽ nhận được gì? Nhà nghiên cứu Dominique Moïsi nhận định nước Mỹ vốn luôn tự hào rằng bản thân là “một cường quốc bảo vệ trật tự” sẽ biến thành “nhân tố gây bất ổn toàn cầu dưới thời Donald Trump”. Ông Moïsi đặt ra hàng loạt câu hỏi : Nước Mỹ liệu còn có thể đi truyền bá khắp nơi về đạo đức, về các giá trị dân chủ với phần còn lại của thế giới? Tượng Nữ thần Tự do, từng được những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 giương cao như một biểu tượng về tự do và dân chủ, giờ đây còn đại diện cho điều gì? Liệu nước Mỹ dưới thời Trump còn có thể dạy cho người Trung Quốc những bài học về dân chủ hay không? Hay ngược lại, chính Trung Quốc mới là người đang dạy Mỹ những bài học về chủ nghĩa tư bản? Chỉ cần lắng nghe bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos và sự ca ngợi của ông về toàn cầu hóa là ta sẽ có câu trả lời. 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM TUẦN BÁO

Bài toán khó để « Ngày giải phóng » của Trump không trở thành « Ngày lụn bại »

 

Tạp chí Đặc biệt

Áp thuế toàn cầu và ý đồ làm suy yếu đồng đô la của tổng thống Trump

 






KHÔNG QUÂN MỸ & PHILIPPINES TẬP TRẬN CHUNG TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG RĂN ĐE (Anh Vũ / RFI)

 



Không quân Mỹ và Philippines tập trận chung tăng cường khả năng răn đe

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 12:25  -  Sửa đổi ngày: 07/04/2025 - 13:59

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20250407-kh%C3%B4ng-qu%C3%A2n-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-philippines-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-chung-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-r%C4%83n-%C4%91e

 

Hôm nay 07/04/2025, Malina thông báo không quân Philippines và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và « răn đe chiến lược ».

 

HÌNH :

Nhân viên không quân Philippines và Hoa Kỳ trong lễ khai mạc cuộc tập trận song phương thường niên Cope Thunder, tại căn cứ không quân Clark gần TP Angeles, Philippines, ngày 07/04/2025. AFP - TED ALJIBE

 

Theo AFP, trong lễ khai mạc cuộc tập trận mang tên « Cope Thunder », tư lệnh không quân Philippines Arthur Cordura cho biết, mục đích chính của cuộc diễn tập là nhằm « cải thiện khả năng chuẩn bị chiến đấu và hiệu quả của các nhiệm vụ chung » của quân đội 2 nước.

Về phần mình, tướng Mỹ Christopher Sheppard phát biểu tại buổi lễ khẳng định : « Nhịp độ liên minh của chúng ta đang tăng tốc ».

 

Theo không quân Philippines, cuộc tập trận « Cope Thunder », sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 18 tháng 4, nhằm cải thiện khả năng phối hợp tác chiến và răn đe chiến lược. Cuộc tập trận dự kiến ​​diễn ra ở phía bắc đảo Luzon, khu vực gần Đài Loan nhất của Philippines.

Cuộc tập trận thường niên có tên gọi « Balikatan » lớn hơn, phối hợp các binh chủng hải, lục không quân  của quân đội hai nước cũng được lên kế hoạch vào cuối tháng 4 này.

 

Tuần trước, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mô phỏng phong tỏa Đài Loan, tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner nhận định, trong trường hợp đảo Đài loan bị xâm lược, việc Philippines bị cuốn vào cuộc chiến tranh này là điều « không thể tránh khỏi ». Tuy nhiên sau đó Manila đã diễn giải lại rằng các bình luận trên muốn liên hệ đến việc triển khai quân đội để hồi hương kiều dân Philippines làm việc tại Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.

 

Từ năm 2022,  Philippines và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines.

Trong chuyến công du Philippines mới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Washington đã « nỗ lực gấp  bội » để  tăng cường mối quan hệ đồng minh với Philippines.

 

Tuần trước Hoa kỳ thông báo đã thông qua quyết định bán cho Philippines 20 chiến đấu cơ F-16, dù Manila cho biết là hợp đồng này vẫn đang trong « giai đoạn đàm phán ».

Nhiều tháng gần đây, giữa Philippines và Trung Quốc đã xảy ra nhiều căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

MỸ - PHILIPPINES - HỢP TÁC

Chính quyền Trump tìm cách thắt chặt quan hệ song phương bền vững Mỹ - Philippines

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Philippines và đồng minh sẵn sàng chống Trung Quốc hạn chế không phận ở Biển Đông

 

BIỂN ĐÔNG - TẬP TRẬN

Hải quân Mỹ, Nhật và Philippines tổ chức tập trận chung ở Biển Đông

 

 





CƠ HỘI MÀ TRUNG QUỐC CÓ THỂ NẮM BẮT TRƯỚC ĐÒN THUẾ QUAN CỦA DONALD TRUMP (Anh Vũ / RFI)

 



Cơ hội mà Trung Quốc có thể nắm bắt trước đòn thuế quan của Donald Trump

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 15:45  -  Sửa đổi ngày: 08/04/2025 - 14:42

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250407-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-m%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-th%E1%BB%83-n%E1%BA%AFm-b%E1%BA%AFt-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%C3%B2n-thu%E1%BA%BF-quan-c%E1%BB%A7a-donald-trump

 

Cuộc chiến thương mại và thuế quan do tổng thống Donald Trump phát động với cả thế giới nhưng chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận thấy, một trong những bên có thể được hưởng lợi lại chính là Trung Quốc – quốc gia là tổng thống Mỹ xem là đối thủ số một.

 

HÌNH :

Hình minh họa : Lá cờ Mỹ và Trung Quốc với dòng chữ "Thuế quan 34%". REUTERS - Dado Ruvic

 

Ngay sau khi Donald Trump thông báo mức thuế đối ứng đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc 34%, Trung Quốc là nước duy nhất đáp trả bằng mức thuế tương đương, kèm theo những biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm – những nguyên liệu cho công nghệ mà Mỹ đang rất cần, đưa một loạt công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Hành động của Bắc Kinh là chưa từng có.

 

Khác với nhiệm kỳ đầu tiên (2017–2021), lần này Donald Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn cả thế giới, bao gồm cả các nước đồng minh từng ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh.

 

Rõ ràng đối đầu trực diện với Mỹ là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc cũng nhìn thấy một số cơ hội chiến lược và dài hạn trong cuộc chiến thuế quan lần này.

Ngay trước khi Donald Trump thông báo hôm 02/04 áp thuế tối thiểu 10% và các khoản thuế bổ sung đối với những quốc gia bị cho là đặc biệt thù địch trong thương mại, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố muốn “đẩy nhanh” các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do.

 

Lizzi Lee, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Asia Society Policy Institute) nhận định : “Nếu Trump tiếp tục đơn phương theo đuổi chủ trương biệt lập, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ chủ động tiếp cận các thủ đô này một cách quyết liệt hơn, tự thể hiện mình là nhân tố ổn định kinh tế trong khu vực”.

 

Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để cải thiện hình ảnh và vị thế trong trật tự thương mại toàn cầu. Trước đó hầu như cả thế giới đều nhìn Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, lấn lướt trong quan hệ  kinh tế.  Bà Lizzi Lee  giải thích : “Trung Quốc mô tả các mức thuế của Trump như bằng chứng cho thấy sự suy tàn của nước Mỹ, sự quay lại chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa đồng minh và sự thiếu tin tưởng vào các chuẩn mực quốc tế”.

 

Bà Tôn Vân (Yun Sun), chuyên gia tại trung tâm tư vấn Stimson Center, cho biết bà từng nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng “mềm mỏng hơn”, nhưng hiện tại Bắc Kinh dường như ít lo ngại hơn so với nhiệm kỳ đầu của vị tổng thống tỷ phú của đảng Cộng Hòa.

 

Bà nhận định : “Tôi nghĩ Trung Quốc coi đây là một cơ hội và cho rằng Hoa Kỳ đang tự bắn vào chân mình”. “Hiện có một số quốc gia bất mãn, những đồng minh cứng và trung thành của Mỹ, giờ đây, niềm tin của họ vào chính sách đối ngoại của Mỹ chưa hoàn toàn sụp đổ, nhưng ít nhất cũng đang bị đặt dấu hỏi”.

 

Do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, Trung Quốc giờ đây buộc phải tìm kiếm và phát triển thị trường mới: Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu. Thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tạo mạng lưới kinh tế rộng lớn hơn, giảm phụ thuộc vào phương Tây. Hay thậm chí có thể khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhà máy đến các nước lân cận (như Việt Nam, Bangladesh), từ đó hình thành chuỗi cung ứng khu vực do Trung Quốc điều phối.

 

Jacob Stokes, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới- Center for a New American Security (CNAS), nhấn mạnh đến mối quan hệ khó khăn giữa Bắc Kinh  với nhiều quốc gia khác, từ các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á, cho đến những lo ngại từ Châu Âu về việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraina.

 

Nhà phân tích này cũng cho rằng cựu tổng thống Joe Biden đã thành công trong việc xây dựng các liên minh với những quốc gia khác để tạo áp lực lên Trung Quốc, từ vấn đề mạng 5G đến an ninh.

 

Cuối nhiệm kỳ của chính quyền Biden, Bắc Kinh cảm thấy khá cô lập và tôi nghĩ phần lớn áp lực đó đã giảm đi, vì "kẻ gây rối" giờ đây rõ ràng lại là Washington”.

 

Trung Quốc, quốc gia đã xuất khẩu hơn 500 tỷ đô la hàng hóa sang Mỹ trong năm ngoái, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế của Mỹ. Cú sốc thuế quan của Donald Trump là có thật. Các nhà xuất khẩu của nước này, vốn đã suy yếu do suy thoái kinh tế, đang chứng kiến ​​khả năng cạnh tranh của mình giảm sút. Cuộc chiến thương mại này là thách thức lớn với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là “phép thử” buộc Trung Quốc phải điều đẩy nhanh quá trình tự chủ và chuyển đổi mô hình phát triển.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Thuế quan : Donald Trump làm cho nước Mỹ hay Trung Quốc vĩ đại trở lại ?

 

THUẾ QUAN - TRUNG QUỐC TRẢ ĐŨA MỸ

Chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, chứng khoán thế giới tiếp tục giảm mạnh

 

 





TRUNG QUỐC & CAMPUCHIA MỞ TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN Ở QUÂN CẢNG REAM, 'SẼ TẬP TRẬN CHUNG NHIỀU HƠN' (BBC News Tiếng Việt)

 



Trung Quốc và Campuchia mở trung tâm huấn luyện ở quân cảng Ream, 'sẽ tập trận chung nhiều hơn'

BBC News Tiếng Việt

7 tháng 4 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp91x7yvx20o

 

Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm 5/4 đã chủ trì lễ khánh thành quân cảng Ream – nơi mà giới phân tích và chính phủ Hoa Kỳ cho rằng có thể được Trung Quốc sử dụng như một tiền đồn chiến lược.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8eb5/live/6598db70-1360-11f0-ba12-8d27eb561761.png.webp

Ông Uông Văn Bân, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong lễ khánh thành căn cứ Ream hôm 5/4

 

 Trung tâm Huấn luyện và Hậu cần chung Campuchia - Trung Quốc cũng đồng thời được đưa vào sử dụng.

 

Tại buổi lễ, ông Hun Manet khẳng định Campuchia sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự tại Campuchia, có thể hiểu như là một thông điệp trấn an gửi tới các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan và Mỹ.

 

"Tôi xin tuyên bố rằng Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo sẽ không bao giờ cho phép thành lập bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại Campuchia - cả trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai," báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Manet hôm 5/4.

 

Thủ tướng Campuchia cũng đã tuyên bố rằng căn cứ Ream mở cửa đón tàu chiến từ tất cả những quốc gia thân thiện, với điều kiện trọng tải dưới 20.000 tấn và có thông báo trước, trừ trường hợp khẩn cấp.

 

Khmer Times cũng dẫn thông tin từ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Tea Seiha cho biết rằng các công trình vừa được khánh thành bao gồm một cảng quân sự, một ụ nổi khô có sức chứa 5.000 tấn, một đường trượt có tải trọng 1.000 tấn, các tòa nhà văn phòng, ký túc xá và các cơ sở hạ tầng hậu cần khác. Tổng diện tích là 787.673 mét vuông.

 

Ông Tào Thanh Phong, ủy viên cấp cao của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã phát biểu đang trong chuyến thăm Campuchia rằng Trung tâm Huấn luyện và Hậu cần chung Campuchia - Trung Quốc này "chắc chắn sẽ trở thành một điểm khởi đầu mới để không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội và củng cố đà phát triển chung," theo hãng tin AP News.

 

Căn cứ quân sự Ream của Campuchia nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.

 

Căn cứ này nằm cạnh cảng biển nước sâu Sihanoukville thuộc đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi được ví như "Thâm Quyến của Trung Quốc".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0e7a/live/90cd60a0-12d8-11f0-b234-07dc7691c360.jpg.webp

Một tàu chiến của Trung Quốc ở căn cứ Ream vào ngày 5/4

 

 

Căn cứ quân sự Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2022 đến nay?

 

VIDEO :

Nguồn: BlackSky

 

 

'Không của riêng quân đội Trung Quốc'

 

Trong thời gian tới, căn cứ Ream dự kiến sẽ đón một tàu chiến Nhật Bản, theo một tuyên bố trước đây của chính quyền Campuchia. Nếu việc này được thực hiện, Nhật Bản sẽ là quốc gia đầu tiên có tàu chiến cập cảng tại căn cứ Ream.

 

Chính phủ Campuchia cho biết sự ưu tiên dành cho tàu chiến Nhật Bản cho thấy mức độ cởi mở cao trong hợp tác, quan hệ và lòng tin lẫn nhau giữa hai nước.

 

Việc Campuchia công bố kế hoạch đón tàu chiến Nhật Bản cho thấy nước này dường như đang cố gắng phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng mở cửa với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, AP News dẫn nhận định của ông Euan Graham, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp tại cao Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI).

 

"Đây có vẻ là một bước đi có chủ ý từ phía Campuchia," ông nói, "nhằm cho thấy rằng căn cứ Ream không phải chỉ dành riêng cho quân đội Trung Quốc."

 

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã xác nhận lời mời của Campuchia, nhưng từ chối cung cấp chi tiết cụ thể với AP News, viện dẫn các quy định thường lệ về bảo mật hoạt động.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5eaf/live/85a5c3e0-12d6-11f0-ac9f-c37d6fd89579.jpg.webp

Trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo (trái) vào ngày 20/12/2024, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã tuyên bố tàu Nhật Bản sẽ là tàu đầu tiên cập cảng Ream sau khi dự án này hoàn tất

 

Sau buổi khánh thành Trung tâm Huấn luyện và Hậu cần chung Campuchia - Trung Quốc, hai nước đã khởi động cuộc tập trận chung "Rồng vàng 2025" – một chương trình hợp tác quân sự thường kỳ giữa Trung Quốc và Campuchia, góp phần củng cố quan hệ "sắt son" giữa hai nước và tăng cường phối hợp chiến lược giữa quân đội hai bên.

 

Trước lần này, hai nước đã sáu lần tổ chức tập trận Rồng vàng.

 

Theo Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, trong khuôn khổ cuộc tập trận, tàu chiến của hai nước đã tiến hành huấn luyện các nội dung như điều động đội hình, thông tin liên lạc trên biển và thao tác thiết bị.

 

Tờ báo này cũng dẫn lời ông Phó Tiền Tiêu, một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề quân sự, rằng việc cuộc tập trận Rồng vàng được tổ chức tại trung tâm mới khánh thành "thể hiện một bước đi nhằm duy trì ổn định khu vực".

 

Ông Phó Tiền Tiêu cho rằng trong tương lai, các cuộc diễn tập như vậy nhiều khả năng sẽ diễn ra thường xuyên hơn, không chỉ trên biển mà còn bao gồm cả các nội dung đường bộ và trên không.

 

Trong khi đó, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Trung tâm Huấn luyện và Hậu cần chung Campuchia – Trung Quốc sẽ hỗ trợ triển khai nhiều hoạt động chung trên nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm chống khủng bố, phòng chống và ứng phó thiên tai, hỗ trợ nhân đạo và huấn luyện chung.

 

 

'Tiền đồn nước ngoài của Trung Quốc'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/623/cpsprodpb/f9a2/live/ce625ee0-12d6-11f0-b234-07dc7691c360.png.webp

Nguồn: BlackSky

 

Căn cứ quân sự Ream được chú ý một phần là vì Mỹ tin rằng Trung Quốc đã được bí mật trao quyền tiếp cận đặc biệt và độc quyền đối với căn cứ này.

 

Theo AP News, những lo ngại về hoạt động của Trung Quốc tại căn cứ Ream bắt đầu dấy lên từ năm 2019, khi tờ The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin rằng một bản dự thảo thỏa thuận sơ bộ - mà phía Mỹ được cho là đã tiếp cận được - sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong vòng 30 năm, với quyền triển khai nhân sự quân sự, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến.

 

Từ đó tới nay, Lầu Năm Góc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng căn cứ hải quân Ream có thể là một tiền đồn nước ngoài của Trung Quốc. Giới chức Campuchia luôn bác bỏ cáo buộc này.

 

Một số người ở Washington dự đoán rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ có một mạng lưới căn cứ toàn cầu, hoặc các cảng dân sự mà họ có thể sử dụng làm căn cứ. Và một trong những căn cứ đầu tiên trong số này là Ream.

 

Hiện tại, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại quốc gia Djibouti ở châu Phi, được xây dựng vào năm 2016.

 

Chính vì vậy, có nhiều chuyên gia thường xuyên so sánh căn cứ Ream với căn cứ quân sự nước ngoài của Trung Quốc ở Djibouti.

 

Về điều này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã nhận xét với Thời báo Hoàn Cầu rằng Trung tâm Huấn luyện và Hậu cần chung Campuchia - Trung Quốc khác với căn cứ hậu cần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Djibouti.

 

Theo ông Trương, trong khi căn cứ ở Djibouti do quân đội Trung Quốc độc lập sử dụng và duy trì, trung tâm ở Campuchia được Campuchia và Trung Quốc cùng xây dựng, vận hành, và mọi hoạt động tại đây đều do hai phía phối hợp duy trì.

 

Bên cạnh chức năng hỗ trợ hậu cần, ông Trương nói rằng trung tâm còn đảm nhiệm huấn luyện chung, qua đó góp phần thúc đẩy hiện đại hóa quân đội Campuchia, phần nào bác bỏ những đồn đoán từ một số quốc gia phương Tây cho rằng Trung Quốc đang âm thầm xây dựng một căn cứ hải quân riêng tại Campuchia cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

 

Vào tháng 7/2024, Giáo sư Dennis Wilder từ Đại học Georgetown, cựu quan chức CIA đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, đã nhận định với BBC News Tiếng Việt về quyền neo tàu mà Trung Quốc có thể có được tại Ream.

 

"Ở Djibouti là một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã thuê cơ sở ở đó. Họ cho xây tường bao quanh, triển khai thủy quân lục chiến, binh sĩ ở căn cứ này. Căn cứ ở Djibouti thì hầu như là do Trung Quốc sở hữu và vận hành."

 

"Còn ở Campuchia thì có thể Trung Quốc có quyền neo tàu, điều này rất phổ biến ở các nước. Điều này rất khác so với sở hữu luôn căn cứ đó. Trong trường hợp này, không nhất thiết là Trung Quốc có một căn cứ, nắm độc quyền sử dụng, mà thay vào đó là vận hành chung với Campuchia."

 

"Dù như vậy thì cũng rất hữu ích. Họ sẽ có quyền sử dụng khi muốn, dù không sở hữu hoàn toàn và vận hành căn cứ này. Tuy nhiên, tôi không có thông tin xác nhận về điều đó."

 

BẢN ĐỒ :

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7659/live/4fec4170-12d6-11f0-b234-07dc7691c360.png.webp

 

Bên cạnh đó, nếu nắm quyền kiểm soát căn cứ Ream, Trung Quốc có thể sẽ có lợi trong trường hợp xung đột nổ ra trên Biển Đông.

 

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào tháng 7/2024 rằng nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát căn cứ Ream, cùng với hệ thống radar có ở những đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát bao phủ một vùng rất rộng lớn, đối với Việt Nam, cụ thể là toàn bộ vùng biển phía nam Việt Nam, rộng hơn là toàn bộ trung tâm khu vực Đông Nam Á.

 

"Đây chỉ mới là vấn đề radar để nghe, nhìn tất cả những gì diễn ra, chưa nói đến chuyện căn cứ mà từ đó người ta có thể xuất phát đưa tàu, phương tiện để làm chủ vùng trời, vùng biển, hoặc những khu vực gần đó. Đây cũng là một điều có thể xảy ra," ông nhận định thêm.

 

Cũng vào thời điểm ấy, ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ, cho rằng trong tình huống xung đột trên Biển Đông, căn cứ Ream sẽ giúp bổ trợ cho những căn cứ trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở giữa Biển Đông và ngoài ra còn có lực lượng hỗ trợ từ miền nam Trung Quốc và đảo Hải Nam.

 

VIDEO : Trung Quốc đang làm gì tại căn cứ Ream của Campuchia?

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp91x7yvx20o

 

--------------------------------

Tin liên quan

 

Căn cứ Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2019 đến nay? (bài 1)

3 tháng 7 năm 2024

·         

Trung Quốc đang làm gì tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia? (bài 2)

4 tháng 7 năm 2024

·         

Căn cứ quân sự Ream của Campuchia quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự? (bài 3)

5 tháng 7 năm 2024

·         

 

 

 



VIỆT NAM : "BẠN" hay "THÙ" TRONG CHÍNH SÁCH ĐÁNH THUẾ CỦA TRUMP? (Thu Hằng / RFI)

 



Việt Nam : “Bạn” hay “thù” trong chính sách đánh thuế của Trump ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 08:57

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20250407-viet-nam-ban-hay-thu-trong-chinh-sach-danh-thue-cua-trump

 

Ngày 02/04/2025, tổng thống Donald Trump tuyên bố “giải phóng” nước Mỹ khỏi 50 năm bị cả thế giới lừa đảo. Ông cáo buộc : “Bạn của chúng ta còn tệ hơn cả kẻ thù của chúng ta”. Việt Nam được ông Trump đánh giá là “nước đàm phán tài ba” và ông “thích đất nước này” nhưng vẫn quyết định đánh thuế 46%, chỉ một nửa mức 90% mà Việt Nam đánh vào hàng Mỹ theo tính toán của Nhà Trắng.

 

HÌNH :

Ảnh lưu trữ : Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phủ chủ tịch Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/02/2019. REUTERS - Leah Millis

 

Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, cùng với Trung Quốc, Cam Bốt, Lào, Indonesia, Miến Điện. Theo một số chuyên gia, được trang VnExpress trích dẫn ngày 03/04, các ngành có tỷ trọng xuất cao sang Mỹ cũng là các nhóm chịu tác động lớn từ mức thuế 46% : thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, nội thất, giấy bột, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, điện tử...

 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và hoạt động xuất khẩu chiếm đến đến 85% GDP đất nước. Tại sao Việt Nam lại bị áp mức thuế cao 46% ? Nền kinh tế và sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị tác động lớn đến mức nào ? Việt Nam có thể thuyết phục được chính quyền Trump xem xét lại mức thuế ?

 

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Hubert Testard, chuyên gia về châu Á và các thách thức kinh tế quốc tế, tổng biên tập báo mạng Asialyst chuyên về châu Á.


 

RFI : Ngày 02/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng thuế đối ứng với 180 nước trên thế giới cùng với biểu thuế đánh vào mỗi nước. Tỷ lệ này được tính như thế nào ?

 

Hubert Testard : Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ - USTR đã công bố một tài liệu giải thích cách họ thực hiện tính toán. Đây là một tài liệu phức tạp với nhiều phương trình nên mọi thứ không thực sự rõ ràng. Nhưng điểm nổi bật trong tài liệu này là USTR không chỉ tính đến sự chênh lệch về thuế quan giữa các nước mà còn tính đến tầm quan trọng của thương mại song phương và giá cả liên quan đến hàng nhập khẩu Mỹ. Có nghĩa là họ cũng nghiên cứu xem mức thuế quan của mỗi nước làm giảm lượng hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ bao nhiêu. Cho nên đây là phép tính khá phức tạp.

Tôi cho rằng những tính toán đó rất tùy tiện vì nó bao gồm cả những đánh giá về các biện pháp phi thuế quan mà về bản chất là rất phức tạp. Ví dụ, nếu một quốc gia có những yêu cầu khá cao về an toàn thực phẩm, như trường hợp của Úc, đất nước rất khắt khe về nhập khẩu nông sản vì lý do an toàn, còn Hoa Kỳ thì coi đó là một trở ngại, sau đó quy đổi thành thuế quan. Cho nên, trên thực tế, quyết định đó rất võ đoán.

 

*

RFI : Tổng thống Trump áp mức thuế 46% đối với sản phẩm của Việt Nam. Nên giải thích như thế nào về mức thuế cao như vậy đối với Việt Nam ?

 

Testard : Thông thường mức chênh lệch trung bình về thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không quá cao. Và trên thực tế, thuế trung bình của Việt Nam thấp hơn một chút so với thuế của Mỹ. Trường hợp này không đúng với một số sản phẩm, ví dụ ô tô hoặc nông phẩm mà Việt Nam áp dụng khá nhiều loại thuế hải quan. Nhưng thuế hải quan của Việt Nam nhìn chung không quá cao.

Vậy phải giải thích thế nào về tỉ lệ 46% ? Tôi cho là chủ yếu do khối lượng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ và quy mô thặng dư thương mại của Việt Nam. Có nghĩa là Việt Nam mua rất ít sản phẩm Mỹ nhưng lại bán rất nhiều cho Hoa Kỳ. Và đó là lý do tại sao Việt Nam bị đánh thuế rất nặng. Tổng thống Trump nói đến thuế đối ứng nhưng thực ra, lập luận của chính quyền Mỹ chủ yếu dựa trên tầm mức trao đổi thương mại và quy mô của thâm hụt thương mại.

 

 

Đọc thêm

Tăng nhập hàng Mỹ, vận động hành lang : Việt Nam tháo gỡ nguy cơ đánh thuế của TT Trump

 

*

RFI : Ngoài ra, liệu yếu tố Trung Quốc có nằm trong quyết định áp mức thuế cao như vậy đối với Việt Nam không ? Một số nước Đông Nam Á cũng bị áp thuế cao như Việt Nam có phải do là điểm trung chuyển để tái xuất hàng hóa Trung Quốc ?

 

Hubert Testard : Cũng có thể là có vai trò nào đó. Nhưng tôi không cho đó là yếu tố chính bởi vì không phải tất cả hàng Việt Nam xuất khẩu đều là hàng Trung Quốc đội lốt. Có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu được sản xuất từ ​​các nhà máy do Hàn Quốc, Nhật Bản thành lập hoặc của nhiều nước khác và cũng từ các nhà máy của Việt Nam.

Tôi không nghĩ Trung Quốc là yếu tố chính mà do thực tế là Việt Nam có thặng dư rất lớn với Hoa Kỳ. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới có thặng dư thương lớn với Mỹ và đó là lý do chính khiến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

 

*

RFI : Trước khi tổng thống Trump công bố loạt thuế mới, đã có thông tin là một phái đoàn Việt Nam sẽ tới Hoa Kỳ ngay cuối tuần, từ ngày 06/04. Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet sẽ gặp Boeing còn phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Washington. Việt Nam có thể đàm phán như thế nào với chính quyền Trump ?

 

Hubert Testard : Việt Nam đã có những biện pháp về hàng xuất khẩu của Mỹ, như giảm thuế quan đối với khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô. Việt Nam đã có nhiều động thái nhưng chưa có tác động gì cho đến nay và vẫn chưa thay đổi được điều gì. Vậy điều này được hiểu như thế nào ? Có khả năng là chính quyền Trump sẽ yêu cầu nhân nhượng nhiều hơn và giải thích với phái đoàn Việt Nam rằng như vậy là chưa đủ và Hà Nội cần phải làm nhiều hơn nữa để thay đổi tình hình. Vì vậy, sẽ còn phải chờ vào giai đoạn đàm phán.

Xin nhắc lại là vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, chính phủ Mỹ đã ban hành nhiều loại thuế quan, nhưng chủ yếu đánh vào các sản phẩm thép, nhôm và một số mặt hàng tiêu dùng. Trong thời gian đầu, tất cả đều bị đánh thuế. Tiếp theo, trong giai đoạn thứ hai, ông Trump đã đàm phán nhượng bộ và miễn trừ cho từng quốc gia. Hầu hết các nước được hưởng biện pháp này, ngoại trừ Trung Quốc.

 

Đọc thêm

TT Mỹ Donald Trump thông báo đánh thuế 25 % nhôm và thép nhập khẩu

 

Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả các nước đều hy vọng rằng tiến trình tương tự có thể sẽ diễn ra. Các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến kết quả. Nhưng hiện giờ, tiêu chuẩn đặt ra cao hơn nhiều so với trước đây. Mức thuế quan 10% đã được quyết định áp dụng cho toàn thế giới, ngay cả Úc, Anh, Singapore… chẳng hạn cũng chịu mức thuế 10%. Cho nên, theo tôi, mức thuế hải quan 10% sẽ được giữ nguyên bởi vì đó là số tiền mà chính quyền Trump muốn thu hồi (thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2024 là 1.200 tỷ đô la) để có thể tài trợ cho việc cắt giảm thuế. Sau đó là phần có thể thương lượng. Và hiện giờ, rất khó để có thể đoán chuyện gì sẽ xảy ra về phần có thể thương lượng được này.

 

Vấn đề hiện nay là Hoa Kỳ sẽ phải đàm phán với không biết bao nhiêu nước. Tôi cho là khả năng đàm phán của USTR không phải là vô hạn, cho nên họ có thể sẽ chọn từng quốc gia một và việc này sẽ mất thời gian. Do đó, trong thời gian đầu, các mức thuế trên 10% vẫn được áp dụng từ ngày 09/04. Tình trạng này dự kiến ​​sẽ kéo dài trong một thời gian.

 

*

RFI : Mức thuế suất rất cao mà Mỹ áp dụng đối với Việt Nam có tác động đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác ở Đông Nam Á ?

 

Hubert Testard : Có. Tác động đầu tiên, theo tôi, sẽ là về kinh tế khi chúng ta biết rằng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 25% GDP của Việt Nam. Cú sốc sẽ rất dữ dội, xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Vì vậy, GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy tác động đầu tiên sẽ là một cú sốc kinh tế, chắc chắn sẽ rất lớn đối với trường hợp của Việt Nam.

 

Thứ hai, xét về mặt cạnh tranh, vấn đề này khá phức tạp vì mỗi nước bị áp mức thuế khác nhau. So với Trung Quốc thì không có thay đổi nhiều vì mức thuế mà Mỹ áp dụng với Việt Nam là tương đương với Trung Quốc. Tháng 03/2025, Trung Quốc đã bị đánh thuế 20%, cho nên với mức thuế bổ sung 34% thì Trung Quốc đang chịu hơn 50%. Do đó, Việt Nam so với Trung Quốc thì không có cú sốc cạnh tranh nào.

 

Đọc thêm

Việt Nam sẵn sàng nhập thêm nông sản Mỹ để đối phó với chính sách thuế quan mới của TT Trump

 

Tuy nhiên, so với các nước khác thì sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị tác động. Ví dụ trong ngành dệt may, vải sợi, một số nước như Ấn Độ, Bangladesh có mức thuế thấp hơn đáng kể so với Việt Nam. Vì vậy có thể có một số tác động về việc điều chuyển hàng xuất khẩu từ nước này sang nước khác. Những công ty lớn như Nike có thể điều chỉnh lại một chút cơ sở công nghiệp của họ trong khu vực, nhưng việc này cũng cần thời gian. Tôi cũng không chắc là họ sẽ sớm tiến hành vì trước tiên họ sẽ xem xét liệu mỗi nước có thể đàm phán được điều gì.

 

*

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chuyên gia Hubert Testard, tổng biên tập báo mạng Asialyst chuyên về châu Á.


 

 

Việt Nam dưới sức ép đàm phán với “đối tác chiến lược toàn diện” Mỹ

 

Ngay sau tổng thống Trump thông báo biểu thuế, chính phủ Việt Nam lập tổ phản ứng nhanh, vừa trấn an công luận, vừa ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, nhất là những đơn vị xuất khẩu lớn. Hai ngày sau, ngày 04/04, tổng bí thư Tô Lâm điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm được ông Trump đánh giá trên mang Truth Social là “rất hiệu quả” và “Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan (đối với hàng nhập khẩu Mỹ) xuống 0% nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ”.

 

Truyền thông trong nước đánh giá đây là “bước đi đúng đắn và thông minh” vì “Việt Nam không chỉ tránh đối đầu với chính quyền tổng thống Trump”“Bước đi này (hy vọng) giúp duy trì xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 136 tỷ đô la năm 2024 - đồng thời mở đường cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và công nghệ, vào Việt Nam với giá cạnh tranh hơn”.

 

Đọc thêm

Hà Nội muốn Mỹ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở Việt Nam

 

Tuy nhiên, quyết định nằm trong tay chính quyền tổng thống Trump. Nhiệm vụ thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng được giao cho phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, đến Mỹ công tác từ 06-14/04. Nếu bị đánh thuế 46%, GDP của Việt Nam sẽ bị mất 3%, theo thẩm định của công ty Bảo Minh - BMI, được Reuters trích dẫn ngày 06/04. Và nếu bị áp mức thuế thấp nhất là 10%, GDP của Việt Nam sẽ bị mất 0,85%. 

 

Về lâu dài, chính phủ, cũng như giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần “mở rộng, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy và khai thác thị trường nội địa hóa”. Theo thủ tướng Phạm Minh Chính, cú sốc lần này cũng “là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo” và hướng đến những thị trường xuất khẩu mới.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - NHÂN SỰ

Việt Nam cải cách bộ máy Nhà nước, tăng hấp lực vào lúc Mỹ gia tăng sức ép về thương mại

 

Tạp chí Việt Nam

Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?