Wednesday, December 4, 2024

TỪ BUDAPEST MEMO ĐẾN HÒA BÌNH CHO UKRAINE : CÓ TRÁNH ĐƯỢC SAI LẦM? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Từ Budapest Memo đến hòa bình cho Ukraine: Có tránh được sai lầm?

Hiếu Chân/Người Việt

December 3, 2024 : 7:12 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-budapest-memo-den-hoa-binh-cho-ukraine-co-tranh-duoc-sai-lam/ 

 

Về nguyên ủy, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine có mầm mống từ một sai lầm ngoại giao cách đây tròn 30 năm, và có khả năng dẫn tới một sai lầm ngoại giao khác, không kém phần tệ hại, trong những ngày sắp tới.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/A1-Hoa-binh-cho-Ukraine-1536x1024.jpg

Ông Volodymyr Zelensky (trái), tổng thống Ukraine, và ông Donald Trump, lúc đó là ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Cộng Hòa, gặp nhau ở New York City hôm 27 Tháng Chín. (Hình minh họa: Alex Kent/Getty Images)

 

Budapest Memo

 

Vào 30 năm trước, Thứ Tư, 5 Tháng Mười Hai, 1994, tại Budapest, thủ đô nước Hungary, một thỏa thuận quan trọng về giải trừ vũ khí hạt nhân đã được ký kết giữa ba cường quốc Nga, Mỹ và Anh, với ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vừa giành được độc lập là Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Thỏa thuận có tên chính thức là “Bản Ghi Nhớ Budapest về Bảo Đảm An Ninh” (Budapest Memorandum of Security Assurances), thường được gọi tắt là Bản Ghi Nhớ Budapest hoặc Budapest Memo.

 

Theo Budapest Memo, ba nước Ukraine, Kazakhstan và Belarus đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đang bố trí trên lãnh thổ của họ để gia nhập Hiệp Định Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons – NPT); đổi lại ba cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ và Anh long trọng cam kết sẽ không sử dụng võ lực, không đe dọa sử dụng võ lực hoặc cưỡng bức kinh tế chống lại sự độc lập chính trị của ba nước này. Budapest Memo cũng cam kết tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” của ba quốc gia này trong đường biên giới hiện hữu.

 

Thời Liên Xô, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga; nhưng Kiev đồng ý “phi hạt nhân hóa” vì nghe lời ngon ngọt của các cường quốc. Cả Tổng Thống Bill Clinton, Phó Tổng Thống Al Gore và Bộ Trưởng Quốc Phòng William J. Perry đều lần lượt bay tới Kiev cuối năm 1993 đầu năm 1994 để thuyết phục Tổng Thống Ukraine Leonid M. Kravchuk chấp nhận các điều khoản của Budapest Memo. Một chi tiết thú vị là đại diện Hoa Kỳ ký vào Budapest Memo là Đại Sứ Donald Blinken, thân phụ của Ngoại Trưởng Antony Blinken trong chính quyền Biden hiện nay. Thực hiện cam kết, từ 1994 đến 1996, Ukraine đã chuyển toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Nga dưới sự giám sát và hỗ trợ tài chính-kỹ thuật của Anh, Mỹ.

 

Thời gian đã chứng tỏ Budapest Memorandum là một sai lầm ngoại giao, nếu không nói là một thỏa thuận “ngu dốt” và “ngây thơ” trước dã tâm bành trướng lãnh thổ của Nga. Từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ukraine trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng của viên cựu sĩ quan tình báo KGB Vladimir Putin. Ngày nay, các sử gia thường nói Budapest Memo giống như hiệp định Munich ký kết năm 1938 giữa phát xít Đức với Thủ Tướng Anh Neville Chamberlain nhằm xoa dịu Adolf Hitler mà không tránh khỏi Đệ Nhị Thế Chiến, hay hiệp ước Yalta năm 1945 chia đôi Châu Âu và đẩy thế giới vào Chiến Tranh Lạnh.

 

Năm 2014, Tổng Thống Putin xé bỏ Budapest Memo, xua quân thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine và kích động người Nga ly khai khỏi chính quyền trung ương Kiev, lập ra cái gọi là hai nước cộng hòa tự trị Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Do không gặp phản ứng mạnh từ phía Mỹ và Anh – hai cường quốc đã bảo trợ và ký kết Budapest Memo, nên ông Putin thừa thắng xông lên; Tháng Hai, 2022, ông Putin dốc toàn lực xâm lược Ukraine, gây ra cuộc chiến tranh hiện nay với tham vọng khôi phục đế chế Nga xưa cũ. Với các nhà độc tài, mọi hiệp định, thỏa thuận đều chỉ là những thủ đoạn chính trị trong tham vọng của họ; chỉ có ngu dốt và ngây thơ thì mới tin vào chữ ký hoặc lời cam kết của những kẻ điên cuồng như ông Putin.

 

 

Kế hoạch hòa bình của Trump

 

Sự kiện 30 năm bản ghi nhớ Budapest diễn ra vào lúc cuộc xâm lược mang tính hủy diệt của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 1,000 ngày và có triển vọng kết thúc, một phần do quyết tâm dàn xếp của chính quyền Donald Trump sắp nhậm chức, một phần do cả hai bên đã cạn kiệt sức lực và tài nguyên. Một hiệp định hòa bình cho cuộc chiến là mong mỏi của tất cả mọi người, nhưng nó sẽ như thế nào và liệu nó có tránh được những sai lầm trong quá khứ?

 

Ông Donald Trump, tổng thống đắc cử, cùng các cố vấn của ông như Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên về Nga và Ukraine, đang nỗ lực tìm một thỏa thuận đình chiến ở Ukraine, ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng, 2025. Tuy ông Trump chưa công bố chính thức kế hoạch của ông, nhưng các cố vấn hàng đầu của ông hé lộ Hoa Kỳ có thể sử dụng viện trợ vũ khí làm đòn bẩy, gây áp lực buộc hai bên ngồi vào bàn đàm phán và “đóng băng” cuộc chiến trong tình huống hiện tại, nghĩa là quân đội của hai bên ngừng bắn và giữ nguyên vị trí.

 

Tương lai của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng – Nga hiện chiếm khoảng 70%-80% bốn tỉnh vùng Donbass của Ukraine, cùng với bán đảo Crimea, tổng cộng khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine; trong khi Ukraine cũng chiếm một phần tỉnh Kursk của Nga – sẽ được đàm phán.

 

Theo ý tưởng của ông JD Vance, phó tổng thống đắc cử, các vùng này có thể sẽ là vùng đệm giữa hai nước, có quy chế tự trị dưới sự kiểm soát của quốc tế nhưng chưa biết Nga có chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát các vùng mà họ đã sáp nhập vào Nga hay không.

 

 

Ukraine đầu hàng?

 

Cho đến nay, phản ứng của các bên có vẻ thuận lợi cho giải pháp của ông Trump dù đó là một thảm họa cho Ukraine.

 

“Đóng băng” cuộc chiến ở tình huống hiện tại là mong muốn của ông Putin. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông ta tin rằng chỉ diễn ra vài tuần lễ đã kéo dài gần ba năm với những tổn thất khủng khiếp về nhân mạng và tài nguyên, đẩy nước Nga tới bờ vực sụp đổ cả về quân sự lẫn kinh tế. Chiếm được 20% lãnh thổ Ukraine làm “chiến lợi phẩm,” ông Putin đã có thể tuyên bố “chiến thắng.”

 

Nhưng nhà độc tài Nga đòi nhiều hơn nữa. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, để chấp nhận đình chiến, ông Putin đòi Hoa Kỳ và Liên Âu phải bãi bỏ cấm vận kinh tế, Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phải phi-phát-xít-hóa, thay đổi guồng máy lãnh đạo quốc gia và cam kết bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng nói tiếng Nga.

Chưa thấy chính quyền ông Trump bình luận như thế nào về các đòi hỏi của ông Vladimir Putin, nhưng với người Ukraine, đòi hỏi như vậy chẳng khác nào buộc họ đầu hàng sau gần ba năm kiên cường chiến đấu chống xâm lược.

 

Nhưng người Ukraine đang ở thế khó. Sau hơn 1,000 ngày chiến đấu với một kẻ thù hung ác và tàn bạo, hàng trăm ngàn người thương vong, các đô thị bị tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ, người Ukraine đã thấm mệt. Chiếm lại đất đai, khôi phục đường biên giới năm 1991 được quốc tế công nhận là một giấc mơ hão huyền. Về đạo lý và pháp lý, vùng Donbass và bán đảo Crimea là của Ukraine nhưng Kiev không có đủ binh lính, vũ khí và đạn dược để giành lại; họ đành phải đổi lấy hòa bình để có điều kiện tái thiết, phát triển phần đất nước họ còn giữ được. Tin tức quốc tế cho thấy giới lãnh đạo Ukraine đã gác lại yêu cầu đòi đất để tập trung vào yêu cầu bảo đảm an ninh – điều mà họ đã được hứa hẹn trong Bản Ghi Nhớ Budapest 30 năm trước.

 

Thêm vào đó, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump chưa bao giờ xem việc giúp Ukraina giữ được toàn vẹn lãnh thổ là một nghĩa vụ của nước Mỹ mà Washington đã cam kết trong Budapest Memo. Chính ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, đã nhìn nhận “không có viện trợ quân sự của Mỹ thì Ukraine sẽ thua.” Ba điểm tựa quan trọng khác của Kiev là Anh, Pháp và Đức thì đang tê liệt vì những vấn đề chính trị nội bộ.

 

Hôm Thứ Hai, ngoại trưởng Ukraine nói “sự bảo đảm an ninh thật sự” cho Ukraine chỉ có khi nước này trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Tổng Thống Zelensky cũng đã đưa yêu cầu NATO chính thức mời Ukraine gia nhập NATO ngay tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao NATO đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, nhưng yêu cầu đó xem ra khó mà được đáp ứng. Chỉ khi vào NATO, Ukraine mới ngăn chặn được tham vọng bành trướng của ông Putin, mới giữ được an ninh và ổn định để tái thiết.

 

 

Thất bại ở Ukraine và tác động

 

Nếu Ukraine chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” mà an ninh của quốc gia của họ trong tương lai vẫn không được bảo đảm bằng tư cách thành viên đầy đủ của NATO thì đây lại là một sai lầm lịch sử nữa. Một hiệp định đình chiến nghiêng về lợi ích của Nga, cho phép ông Putin giữ lại những vùng lãnh thổ đã chiếm được cũng là một thất bại của Ukraine, của Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới, biến thế giới thành đấu trường “mạnh được yếu thua,” “cá lớn nuốt cá bé,” tạo ra tiền lệ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tùy tiện xâm chiếm và nô dịch các quốc gia khác mà không ai ngăn cản được.

 

Cũng như Hitler năm 1938, ông Putin sẽ không dừng lại ở 20% lãnh thổ Ukraine đã chiếm được mà tham vọng của ông ta là gây bất ổn và thống trị Châu Âu, ít nhất là phần Châu Âu từng nằm trong đế quốc Cộng Sản Liên Xô. Ông Putin có thể hy vọng, người Ukraine mệt mỏi, thất vọng và căm giận Tây phương bỏ rơi họ, sẽ nhanh chóng chấp nhận sự cai trị của người Nga.

 

Một thất bại như vậy cũng tác động đến cả Châu Á xa xôi, làm cho các đối thủ của Hoa Kỳ thêm liều lĩnh, còn các đồng minh mất lòng tin ở Washington. Tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, sẽ coi thất bại của Hoa Kỳ và NATO ở Ukraine như một bằng chứng cho sự xuống dốc của Tây phương và ông ta sẽ toan tính những cuộc chiến thâu tóm Đài Loan và Biển Đông, hoàn thành giấc mộng thống nhất Trung Quốc.

 

Song song với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn, đã gửi hàng chục ngàn binh sĩ đến Ukraine đánh thuê cho Nga, cũng là để rèn luyện trong thực chiến, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Nam Hàn. Có vũ khí hạt nhân trong kho, có hiệp định phòng thủ chung với Nga chống lưng, chứng kiến sự thất bại của Ukraine, ông Kim Jong Un sẽ sớm liều lĩnh thực hiện tham vọng thâu tóm toàn bán đảo Triều Tiên vào ách thống trị tàn bạo của gia tộc họ Kim.

 

Nếu chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc theo kế hoạch của Hoa Kỳ, ông Donald Trump sẽ có cơ may được giải Nobel Hòa Bình. Giống như năm 1973, ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ được trao giải này sau khi ký Hiệp Định Paris, chấm dứt chiến tranh.

 

Hiệp Định Paris cho phép quân Bắc Việt tiếp tục hiện diện ở miền Nam trong khi buộc quân đội Hoa Kỳ và đồng minh phải rút hết trong vòng 60 ngày, tạo điều kiện thuận lợi để Cộng Sản thôn tính miền Nam hai năm sau đó.

 

Ông Kissinger huênh hoang đã tìm thấy “hòa bình trong danh dự” nhưng thực tế chẳng có hòa bình mà cũng chẳng có danh dự, chỉ có một sai lầm lịch sử bi thảm mà người dân miền Nam tự do phải trả giá vô cùng đắt. Ukraine cũng có thể đi lại con đường của Việt Nam Cộng Hòa nếu họ chấp nhận một giải pháp mà phần thiệt thòi là quá rõ.

 

Chiến tranh Ukraine-Nga phải sớm kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình. Nhưng một hiệp định tồi thì còn tệ hơn là không có hiệp định nào cả. [qd]

 

 

 





TÌNH BÁO QUÂN SỰ UKRAINA : NGA SỬ DỤNG PHI ĐẠN ĐẠN ĐẠO BẮC TRIỀU TIÊN ĐỂ TẤN CÔNG UKRAINA (Thùy Dương / RFI)

 



Tình báo quân sự Ukraina: Nga sử dụng tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên để tấn công Ukraina

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 13:15  -  Sửa đổi ngày: 03/12/2024 - 13:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241203-t%C3%ACnh-b%C3%A1o-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-ukraina-nga-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BA%A1o-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%83-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-ukraina

 

Ban lãnh đạo tình báo quân sự của Ukraina cho biết Nga dường như đã sử dụng 60 tên lửa đạn đạo KN-23 được chế tạo tại các nhà máy của Bắc Triều Tiên để tấn công Ukraina. Thông tin nói trên được hãng tin Ukraina RBC-Ukraine đăng tải hôm thứ Hai 02/12/2024 và được hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay 03/12 dẫn lại.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu : Một tên lửa đạn đạo được phóng từ một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, ngày 20/02/2023. AP

 

Theo hãng tin Ukraina RBC-Ukraine, ông Andrii Chernyak, đại diện ban lãnh đạo tình báo của bộ Quốc Phòng Ukraina, hôm qua khẳng định các tên lửa này được chế tạo theo « những công nghệ đã lỗi thời » nên không có độ chính xác cao. Cũng theo cơ quan này, Nga đã nhận được « một số lượng lớn » đạn pháo của Bắc Triều Tiên.

 

Về viện trợ quân sự cho Kiev, theo AFP, chính quyền tổng thống Mỹ Biden hôm qua thông báo giải ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung 725 triệu đô la cho Ukraina, chủ yếu gồm tên lửa và mìn sát thương.

 

Trong lĩnh vực ngoại giao, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua đã cảnh báo đồng nhiệm Trung Quốc là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Matxcơva sẽ tác động đến các quan hệ và thúc giục Trung Quốc giúp chấm dứt xung đột Ukraina. Ngoại trưởng Baerbock kêu gọi một tiến trình hòa bình quốc tế cho Ukraina và nhấn mạnh đó là lý do bà đến Bắc Kinh. Ngoại trưởng Đức cho rằng mọi thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều phải có « trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh trên thế giới ».

 

Về phía Nga, nhân ngày họp của các ngoại trưởng khối NATO tại Bruxelles, trong khi Kiev gây sức ép để Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mời Ukraina gia nhập khối, điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc Ukraina trở thành thành viên NATO sẽ cấu thành một mối đe dọa « không thể chấp nhận được » đối với Matxcơva.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

LIÊN ÂU - UKRAINA

Các lãnh đạo ngoại giao mới của Liên Âu công du Ukraina, bày tỏ quyết tâm hỗ trợ Kiev giành chiến thắng

 







NGA CÔNG BỐ NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG 2025, HƠN $145 TỶ, QUYẾT CHIẾM BẰNG ĐƯỢC UKRAINE (Người Việt Online)

 



Nga công bố ngân sách quốc phòng 2025, hơn $145 tỷ, quyết chiếm bằng được Ukraine

Người Việt Online

December 2, 2024 : 7:35 AM

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/nga-cong-bo-ngan-sach-quoc-phong-2025-hon-145-ty-quyet-chiem-bang-duoc-ukraine/

 

 MOSCOW, Nga (NV) – Tổng Thống Nga Vladimir Putin phê duyệt các kế hoạch tăng cường ngân sách quân sự cho năm 2025 lên mức kỷ lục, cho thấy Moscow quyết xâm lược Ukraine cho bằng được.

 

Khoảng 32.5% ngân sách được công bố trên trang mạng của chính phủ hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Hai được phân bổ cho quốc phòng, lên tới 13.5 ngàn tỷ rúp (hơn $145 tỷ), tăng so với mức 28.3% được công bố trong năm nay, CBS đưa tin.

 

Các nhà lập pháp ở lưỡng viện tại Quốc Hội Nga, Duma Quốc Gia và Hội Đồng Liên Bang, đồng loạt phê duyệt các kế hoạch trong 10 ngày qua.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/GettyImages-2187334865-1536x1024.jpg

Thủ Tướng Đức Olaf Scholz (giữa) thăm một thương binh Ukraine ở Kyiv, bên cạnh là Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy (trái) ngày 2 Tháng Mười Hai, 2024 (Hình: Marvin Ibo Güngör/Bundesregierung/Getty Images)

 

Cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine nổ ra từ Tháng Hai 2022 là cuộc xung đột lớn nhất tại Âu Châu tính từ thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến và làm nguồn tài lực của đôi bên đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt. Kyiv nhận được hàng tỷ Mỹ kim ngân khoản quân viện từ các đồng minh Tây Phương, nhưng lực lượng Nga hùng hậu hơn và tối tân hơn, và trong những tháng gần đây, quân Nga cũng từng bước xua quân đội Ukraine ra khỏi các khu vực miền Đông.

 

Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy gợi ý trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Thứ Sáu rằng “giai đoạn rực lửa” trong cuộc chiến có thể chấm dứt nếu Ukraine được NATO chấp thuận tư cách thành viên. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia thuộc chính quyền Tổng Thống Joe Biden, Jake Sullivan, phát biểu hôm Chủ Nhật trên chương trình “Face the Nation with Margaret Brennan” rằng “bản thân dân Ukraine nên tự định đoạt tương lai quốc gia tại bàn đàm phán, chứ đừng chỉ trông mong vào Hoa Kỳ hay ảnh hưởng từ bất kỳ bên nào khác.”

 

Sullivan khẳng định Tòa Bạch Ốc dưới thời chính quyền Biden “sẽ đưa cho Ukraine những nguồn tài lực cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ làm mọi cách nhằm tương trợ Ukraine có được vị thế tốt nhất trên trận địa, từ đó giúp họ có vị thế thuận lợi nhất trên bàn đàm phán, chỉ có như vậy cuộc chiến này mới có thể kết thúc bằng con đường ngoại giao.”

 

Tân Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu Antonio Costa và nhà lãnh đạo đứng đầu chính sách đối ngoại Liên Âu Kaja Kallas có mặt tại Kyiv hôm Chủ Nhật, đánh dấu ngày đầu tiên Costa nhậm chức với thông điệp quyết liệt ủng hộ Ukraine. Chuyến viếng thăm của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh chính trường quốc tế vẫn không ngừng thắc mắc rằng Kyiv sẽ ra sao dưới thời chính quyền Tổng Thống tân cử Donald Trump.

 

“Liên Âu đã sát cánh với Ukraine ngay từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược,” Costa đăng trên X, cùng với một tấm hình chụp ông, Kallas và người đứng đầu cơ quan cố kết đồng minh Liên Âu Marta Kos. “Liên Âu vẫn tiếp tục ủng hộ nhân dân Ukraine không ngừng nghỉ ngay từ ngày đầu tiên tôi nhậm chức.”

 

Trên chiến địa tại Ukraine, ba người thiệt mạng tại thành phố Kherson tọa lạc ở phía Nam khi một máy bay không người lái của Nga không kích một chiếc xe buýt cỡ nhỏ vào sáng Chủ Nhật, Thống Đốc khu vực Oleksandr Prokudin cho biết. Ngoài ra còn có bảy người khác bị thương trong vụ tấn công.

 

Chưa hết, số người bị thương trong vụ oanh kích bằng hỏa tiễn hôm Thứ Bảy diễn ra tại Dnipro thuộc miền trung Ukraine tăng lên 24, trong đó có bảy người nguy kịch, Thống Đốc Dnipropetrovsk Serhiy Lysak cho biết. Bốn người khác cũng thiệt mạng trong vụ tấn công.

 

Giới chức Ukraine cho biết Moscow điều động 78 máy bay không người lái tiến vào Ukraine từ đêm Thứ Bảy cho tới Chủ Nhật. Theo lực lượng không quân Ukraine, 32 máy bay không người lái bị bắn hạ và 45 máy bay không người lái khác bị thất lạc, có thể là do nhiễu sóng.

 

Tại Nga, một đứa trẻ chết oan mạng trong một vụ oanh kích bằng máy bay không người lái do Ukraine phát động nhắm vào khu vực Bryansk giáp ranh với Ukraine, theo Thống Đốc khu vực Alexander Bogomaz.

 

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết có 29 máy bay không người lái Ukraine cũng bị bắn hạ trong đêm Chủ Nhật tại bốn khu vực thuộc miền Tây Nga: trong đó có 20 mục tiêu ở khu vực Bryansk, bảy mục tiêu ở khu vực Kaluga, cuối cùng là Smolensk và Kursk mỗi nơi một mục tiêu. (TTHN)

 






HOA KỲ KHÔNG GIAO TRẢ VŨ KHÍ HẠT NHÂN CHO UKRAINE (Reuters)

 



Mỹ không giao trả vũ khí hạt nhân cho Ukraine

Reuters

02/12/2024

https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-giao-tra-vu-khi-hat-nhan-cho-ukraine/7884081.html

 

Mỹ không xem xét hoàn trả lại cho Ukraine vũ khí hạt nhân mà họ đã từ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết hôm 1/12.

 

Ông Sullivan có phát biểu như vậy khi được hỏi về bài báo của New York Times hồi tháng trước trong đó đưa tin rằng một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.

 

“Điều đó không được xem xét, không. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường những năng lực thông thường đa dạng cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với người Nga, chứ không phải cung cấp cho họ năng lực hạt nhân,” ông nói với kênh ABC.

 

Tuần trước, Nga cho biết ý tưởng này là ‘hoàn toàn điên rồ’ và một trong những lý do khiến Moscow đưa quân vào Ukraine là ngăn chặn kịch bản như vậy xảy ra.

 

Kyiv được thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau khi nước này sụp đổ hồi năm 1991 nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994 được gọi là Bản ghi nhớ Budapest để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.

 

------------------

LIÊN QUAN

.

Bộ trưởng quốc phòng Nga thăm Triều Tiên, nói quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng đang mở rộng

.

Putin phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục

.

Tân lãnh đạo EU thăm Kyiv vào ngày bắt đầu cương vị mới

.

Thủ tướng Đức đến Kyiv, cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine







GRUZIA : DÙ BỊ TRẤN ÁP, BIỂU TÌNH ỦNG HỘ GIA NHẬP LIÊN ÂU VẪN TIẾP DIỄN (Anh Vũ / RFI)

 



Gruzia: Dù bị trấn áp, biểu tình ủng hộ gia nhập Liên Âu tiếp diễn

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 12:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241203-gruzia-d%C3%B9-b%E1%BB%8B-tr%E1%BA%A5n-%C3%A1p-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-gia-nh%E1%BA%ADp-li%C3%AAn-%C3%A2u-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n

 

Hôm 02/12/2024, hàng nghìn người biểu tình Gruzia ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã tập hợp trước Nghị Viện ở thủ đô Tbilisi trong ngày thứ năm liên tiếp. Các vụ đụng độ với cảnh sát đã xảy ra trong đêm qua, làm 26 người bị thương, đa số là người biểu tình, theo bộ Y Tế Gruzia. Phong trào phản kháng đã bùng lên từ hôm 28/11 do chính phủ hoãn đến năm 2028 các cuộc đàm phán gia nhập Liên Âu.

 

HÌNH :

Người dân biểu tình ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu tại Tbilisi, Gruzia, ngày 02/12/2024. REUTERS - Irakli Gedenidze

 

Từ Tbilisi, thông tín viên Régis Genté tường trình :

 

Một lần nữa, suốt cả đêm, người biểu tình đối mặt với lực lượng cảnh sát, chủ yếu trên đại lộ Roustaveli.

 

Trên trục giao thông chính ở trung tâm thủ đô Tbilisi, người biểu tình hàng đêm dựng lên các hàng rào thô sơ, điều mà họ đã không làm trong hai tháng biểu tình chống lại bộ luật có tên gọi luật về « nhân viên nước ngoài ».

 

Họ đốt lửa trên các hàng rào đó. Trong bầu không khí mù mịt hơi cay, người biểu tình hình thành từng đám đông di chuyển đến tận đêm khuya. Có lẽ hàng nghìn thanh niên muốn trêu tức, chứng tỏ với cảnh sát họ không sợ bằng cách bắn pháo hoa ngay trên đầu họ. Một trò nguy hiểm mà cảnh sát đã cố ngăn chặn.

 

Các tổ chức phi chính phủ tại Gruzia lên án việc đánh đập có hệ thống những người bị bắt, bất kỳ lúc nào, khi bắt giữ trên đường phố, có khi ngay trong các cửa hàng hay ga tàu điện ngầm, trong lúc đưa đến nơi giam giữ và tại nơi giam giữ. Khoảng 80% trên 200 người bị bắt giữ có thể đã bị đánh đập như vậy.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

GRUZIA - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Tổng thống Gruzia : Phong trào ủng hộ gia nhập Liên Âu "không suy yếu"

 

 





PHÁP : CHÍNH PHỦ TRƯỚC NGUY CƠ BẤT TÍN NHIỆM, ÁP LỰC LỚN HƠN ĐỐI VỚI TỔNG THỐNG MACRON (Anh Vũ / RFI)

 



Pháp: Chính phủ trước nguy cơ bất tín nhiệm, áp lực lớn hơn đối với tổng thống Macron

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241203-ph%C3%A1p-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nguy-c%C6%A1-b%E1%BA%A5t-t%C3%ADn-nhi%E1%BB%87m-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-l%E1%BB%9Bn-h%C6%A1n-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-macron

 

Nước Pháp một lần nữa trở lại khủng hoảng chính trị. Với quyết định kích hoạt điều khoản 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh Xã hội, chính phủ của thủ tướng Michel Barnier sẽ bị các đảng đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ sẽ được đưa ra thảo luận ngày mai (04/12) trước khi tổ chức bỏ phiếu thông qua kiến nghị. Như vậy, sự tồn tại của chính phủ Barnier coi như chỉ tính bằng ngày.

 

HÌNH :

Thủ tướng Pháp Michel Barnier rời đi sau khi kích hoạt điều khoản 49.3 để thông qua dự luật ngân sách An sinh Xã hội 2025 (PLFSS) tại Hạ Viện ở Paris, Pháp, ngày 02/12/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier

 

Hôm qua, thủ tướng Michel Barnier đã kích hoạt 49.3 để cố gắng để thông qua ngân sách An sinh Xã hội không cần đến phiếu bầu của các dân biểu. Một quyết định có thể khiến ông bị bãi nhiệm ngay trong tuần này, vì cánh tả đã ngay lập tức nộp kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, đồng thời phe cực hữu cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu thông qua kiến nghị, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày mai, thứ Tư, và sau đó sẽ được các dân biểu bỏ phiếu.

 

Nếu không có bất ngờ lớn nào, chính phủ Michel Barnier sẽ bị các dân biểu lật đổ trong nay mai. Và như vậy, nước Pháp rơi trở lại khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, kể từ khi tổng thống giải tán Quốc Hội và bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu trong bối cảnh chính giới Pháp bị chia phân hóa sâu sắc, không một liên minh nào có được đa số quá bán ở Quốc Hội.

 

Mặc dù là người được đánh giá có nhiều kinh nghiệm thương lượng, cuối cùng ông Michel Barnier đã không thể tìm được thỏa hiệp với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc để thông qua các chính sách của chính phủ.

 

 

Ai sẽ thay thế Barnier?

 

Nhiệm vụ tiếp theo là của ông Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp sẽ lại phải bổ nhiệm một người kế nhiệm thủ tướng trong vòng 90 ngày kể từ khi kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ được thông qua.

 

Tổng thống Emmanuel Macron đã phải mất gần hai tháng để chọn ông Michel Barnier làm thủ tướng với hy vọng đảm bảo một sự ổn định chính trị nhất định. Chính phủ Barnier bị đổ có nghĩa là ông sẽ phải làm lại từ đầu, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách cho nước Pháp cực kỳ khẩn cấp. Hậu quả của sự sụp đổ của chính phủ có thể rất nghiêm trọng, không chỉ giới hạn ở chính trị mà còn đối với cả kinh tế, xã hội.

 

Nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này, đầu tiên là ai sẽ thay thế Michel Barnier ? Liệu Emmanuel Macron có sẽ bổ nhiệm một nhân vật cánh tả ? Theo giới phân tích chính trị tại Pháp, trong tay ông Macronhiện không có nhiều lá bài. Bổ nhiệm lại Michel Barnier ? Hay chọn một nhân vật khác lửng lơ giữa cánh hữu và trung ? Hoặc chọn lại một trong những cái tên đã được thử đưa ra thăm dò hồi đầu tháng 9 vừa qua, như trường hợp của cựu thủ tướng Xã Hội Bernard Cazeneuve ?

 

Dù là lựa chọn nào thì cán cân lực lượng chính trị ở Quốc Hội sẽ vẫn không thay đổi. Chắc chắn không có một chính phủ của một ai có thể hội tụ được đa số, đủ để thông qua ngân sách cho năm 2025. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới thì luôn đòi để người của phe họ lên lãnh đạo chính phủ, nếu không sẽ lại dùng vũ khí kiến nghị bất tín nhiệm. Đảng cực hữu RN thì thường xuyên gây áp lực, cố nắn chính phủ theo đường lối của họ, nhằm chuẩn bị cho lịch trình dài hơi hơn là cuộc bầu cử tổng thống 2027.

 

 

Tổng thống phải từ chức?

 

So với việc bổ nhiệm thủ tướng lần trước, áp lực với tổng thống Macron lớn hơn nhiều khi mà các đảng đối lập tố cáo tổng thống là người đã gây ra bất ổn chính trị hiện nay. Bên cánh tả, cũng như cựu hữu và đôi khi cả ở cánh trung, đã bắt đầu có tiếng nói cho rằng tổng thống Emmanuel Macron từ chức là giải pháp duy nhất để giải tỏa cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

 

Nhà nghiên cứu chính trị Pháp Bruno Cautrès nhận định với AFP: Tình hình ngày càng phức tạp hơn với tổng thống, « ông không được phép nhầm lẫn một lần nữa. Nếu tổng thống chỉ định một thủ tướng rồi lại bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, hay nếu ông giải tán Quốc Hội vào mùa hè tới rồi vẫn bị thất cử, tôi không biết làm thế nào ông có thể trụ được ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - CHÍNH TRỊ

Pháp: Phe đối lập trình kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Barnier trước nguy cơ bị đổ

 

 

 





PHÁP : PHE ĐỐI LẬP TRÌNH KIẾN NGHỊ BẤT TÍN NHIỆM, CHÍNH PHỦ BARNIER TRƯỚC NGUY CƠ BỊ ĐỔ (Anh Vũ / RFI)

 



Pháp: Phe đối lập trình kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Barnier trước nguy cơ bị đổ

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 11:38  -  Sửa đổi ngày: 03/12/2024 - 11:40

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20241203-ph%C3%A1p-phe-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-tr%C3%ACnh-ki%E1%BA%BFn-ngh%E1%BB%8B-b%E1%BA%A5t-t%C3%ADn-nhi%E1%BB%87m-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-barnier-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nguy-c%C6%A1-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%95r

 

Chiều ngày 02/12/2024, trước Hạ Viện, thủ tướng Pháp Michel Barnier đã sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh xã hội 2025 (PLFSS) mà không cần bỏ phiếu ở Quốc Hội. Quyết định này đã đặt chính phủ trước nguy cơ bị lật đổ. Các dân biểu của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ngay lập tức thông báo nộp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) cũng cho biết sẽ đệ trình kiến nghị tương tự.

 

HÌNH :

Thủ tướng Pháp Michel Barnier họp Quốc Hội tại Paris, Pháp, ngày 02/12/2024. © Michel Euler / AP

 

Do không có đa số quá bán tại Hạ Viện và lường trước dự luật sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ, thủ tướng Barnier kích hoạt điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật Ngân sách An sinh xã hội mà không cần các dân biểu bỏ phiếu. 

 

Ngay sau tuyên bố của thủ tướng Barnier sử dụng điều 49.3 tại Quốc Hội, liên minh cánh tả, mà đại diện là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, cho biết sẽ nộp kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ trong ngày hôm nay. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc cũng đã khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Các kiến nghị bất tín nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận kể từ chiều mai để được biểu quyết. 

 

Tại Hạ Viện, đảng cực hữu RN cùng các đồng minh có hơn 140 dân biểu. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có gần 200 ghế. Trong khi đó, chỉ cần 288 dân biểu bỏ phiếu thuận là đủ để kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua.

 

Từ khi nội các Barnier được thành lập, đảng cực hữu RN thường xuyên đặt những điều kiện cho các chính sách mà chính phủ đề ra. Chính phủ Barnier  đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ, nhưng vẫn không thỏa mãn lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen.

 

Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua trong vài ngày tới, chính phủ bị đổ, tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng mới. Đây là vấn đề cực kỳ nan giải, trong bối cảnh chính trị của nước Pháp gặp khủng hoảng sau khi tổng thống Macron giải tán Quốc Hội hồi đầu tháng 6 vừa qua.

 

 





SYRIA : TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC KÊU GỌI CÁC BÊN NGƯNG XUNG ĐỘT (Thùy Dương / RFI)

 



Syria: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên ngưng xung đột

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 11:07

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241203-syria-t%E1%BB%95ng-th%C6%B0-k%C3%BD-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-c%C3%A1c-b%C3%AAn-ng%C6%B0ng-xung-%C4%91%E1%BB%99t

 

Trước nguy cơ xung đột leo thang giữa phe nổi dậy và chính quyền tổng thống Bachar Al Assad tại Syria, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 02/12/2024 kêu gọi ngừng ngay lập tức xung đột tại Syria, trong bối cảnh chính quyền Al Assad bất ngờ mất quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai, sau một chiến dịch tấn công chớp nhoáng của các lực lượng nổi dậy.

 

HÌNH :

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ở New York, Hoa Kỳ, ngày 02/10/2024. AP

 

Chỉ trong vài ngày, đã có hơn 500 người thiệt mạng vì các cuộc giao tranh, gần 50.000 người phải di tản.

 

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :

 

« Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh giác trước tình trạng bạo lực leo thang đã bao trùm miền tây bắc Syria. Đây là những cuộc giao tranh đầu tiên có quy mô lớn như vậy tính từ 4 năm trở lại đây, trong khi Syria đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp nhất trên thế giới, với 7 triệu người phải di tản và gần 17 triệu người cần được cứu trợ.

 

Đa phần các chiến dịch phân phối hàng viện trợ của Liên Hiệp Quốc đã phải tạm đình chỉ ở một số khu vực tại Aleppo, Idler và Hama … bởi vì các ê-kip của Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo không thể tiếp cận các kho trữ hàng viện trợ nhân đạo được nữa.

 

Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức xung đột. Theo ông, tất cả các bên cần phải cố gắng hết sức để bảo vệ thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm việc cho phép những thường dân muốn tị nạn chiến tranh được di tản an toàn.

 

Người dân Syria đã chịu đựng cuộc xung đột này từ suốt gần 14 năm qua. Stéphane Dujarric khẳng định người  dân nước này xứng đáng có được một viễn cảnh chính trị đưa họ đến một tương lai hòa bình, chứ không phải một tương lai đầy máu đổ.

 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng lo ngại là tình hình vệ sinh dịch tễ sẽ thêm nghiêm trọng, do có những thi thể không được chôn cất và nước sạch thì khan hiếm ».

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

SYRIA - XUNG ĐỘT

Syria: Lực lượng nổi dậy tiếp tục tiến quân, tổng thống Assad tìm kiếm đồng minh hỗ trợ

 

ĐIỂM BÁO

Chỉ mất ba ngày để chiếm Aleppo, quân nổi dậy Syria có lật đổ được Assad ?

 

PHÂN TÍCH

Syria : Bóng ma nội chiến trở lại có nguy cơ làm rối thêm tình hình Trung Cận Đông

 

 





SARS-COV-2 CÓ THỂ THÚC ĐẨY CUỘC CHIẾN CHỐNG UNG THƯ (Phan Minh / RFI)

 



SARS-CoV-2 có thể thúc đẩy cuộc chiến chống ung thư

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 08:38  -  Sửa đổi ngày: 03/12/2024 - 10:40

https://www.rfi.fr/vi/khoa-h%E1%BB%8Dc/20241203-sars-cov-2-c%C3%B3-th%E1%BB%83-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-ung-th%C6%B0

 

Một nghiên cứu mới và thú vị vừa được công bố vào tháng 11/2024 trên Tạp chí Nghiên cứu Lâm sàng (Journal of Clinical Investigation), thực sự cho thấy virus SARS-CoV-2, gây ra đại dịch Covid-19, có thể thúc đẩy cuộc chiến chống ung thư.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Một nhân viên y tế quét các ống nghiệm tại Bệnh viện Đại học Queen Elizabeth ở Glasgow, Anh Quốc, ngày 22/04/2020. REUTERS - POOL New

 

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng phát hiện bất ngờ này, dựa trên các nghiên cứu được thực hiện trên chuột, không khuyến khích mọi người cố nhiễm Covid-19 một cách có chủ đích... Tuy nhiên, nghiên cứu này làm sáng tỏ các tương tác phức tạp giữa hệ miễn dịch và các tế bào ung thư, mở ra những hướng mới để tiêu diệt các tế bào này.

 

Tầm quan trọng của hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống ung thư đã được chứng minh bởi rất nhiều dữ liệu. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, và hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhắm vào hệ miễn dịch để khai thác tiềm năng chống ung thư.

 

Những tác giả của nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Lâm sàng đã tập trung vào một loại tế bào miễn dịch đặc biệt, các bạch cầu được gọi là monocyte. Những tế bào này đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể không bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân ung thư, các tế bào u có thể lợi dụng monocyte và sử dụng chúng để bảo vệ mình khỏi hệ miễn dịch, qua đó thúc đẩy sự phát triển của bệnh.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc bị viêm nhiễm nặng do virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ kích thích cơ thể sản sinh một loại monocyte đặc biệt có tính chất chống ung thư độc đáo. Các monocyte "được kích thích" trong quá trình này được "huấn luyện" để nhắm mục tiêu vào virus, nhưng chúng vẫn giữ được khả năng chống lại các tế bào ung thư.

 

Để hiểu cơ chế này, cần tìm hiểu về vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2, đó là axit ribonucleic hay ARN. Các nhà khoa học đã phát hiện những monocyte được kích thích sau nhiễm trùng có một thụ thể đặc biệt trên bề mặt, có thể liên kết hiệu quả với một đoạn ARN đặc trưng của virus SARS-CoV-2. Ankit Bharat, một trong những nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), tham gia vào công trình nghiên cứu này, nhận xét : "Nếu coi thụ thể của monocyte như một ổ khóa, thì ARN của virus là chìa khóa hoàn hảo để mở khóa."

 

 

Kết quả đáng khích lệ

 

Để kiểm tra xem các tế bào này có tác dụng đối với ung thư hay không, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm trên chuột mắc các loại ung thư giai đoạn cuối (giai đoạn 4), bao gồm ung thư da, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại tràng. Họ đã tiêm cho chuột một chất kích thích miễn dịch mô phỏng phản ứng miễn dịch khi bị viêm nhiễm nặng do SARS-CoV-2 gây ra, và kích thích cơ thể chuột sản sinh ra các monocyte đặc biệt này. Kết quả thật đáng ngạc nhiên : ở cả bốn loại ung thư nói trên, các khối u bắt đầu thu nhỏ lại.

Trong khi các khối u có thể "chuyển hóa" các monocyte thông thường thành tế bào bảo vệ chúng, thì các monocyte được kích thích này vẫn giữ được đặc tính chống ung thư. Hơn nữa, chúng có thể di chuyển đến các vị trí của khối u, việc mà phần lớn các tế bào miễn dịch không làm được. Khi đến nơi, chúng kích hoạt các tế bào lymphocyte NK (Natural Killer), là những tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc tế bào bị nhiễm. Những tế bào NK này đã tấn công các tế bào ung thư, khiến các khối u thu nhỏ lại. Cơ chế này thực sự có nhiều triển vọng, vì nó mở ra một cách tiếp cận mới để chống ung thư.

 

 

Thay thế cho các liệu pháp miễn dịch truyền thống ?

 

Hiện nay, các bác sĩ và nhà nghiên cứu đặt nhiều kỳ vọng vào các liệu pháp miễn dịch chống ung thư. Các phương pháp điều trị này nhằm mục đích kích thích hệ miễn dịch để cơ thể tự loại bỏ các tế bào ung thư. Một loại tế bào miễn dịch đặc biệt, lymphocyte T, đóng vai trò trọng tâm trong nhiều liệu pháp miễn dịch hiện tại.

 

Tuy nhiên, mặc dù có những kết quả đầy khả quan, các phương pháp này chỉ hiệu quả đối với khoảng 20% đến 40% ca bệnh. Chúng thường thất bại khi cơ thể bệnh nhân không thể sản sinh đủ lượng lymphocyte T hoạt động. Việc phụ thuộc vào lymphocyte T hiện được xem là một hạn chế lớn của những phương pháp này.

 

Cơ chế mới được các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern phát hiện có thể mở ra một phương thức mới để loại bỏ các tế bào ung thư mà không cần đến lymphocyte T, mang lại giải pháp tiềm năng cho những bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp miễn dịch truyền thống.

 

 

Kết quả cần được xác nhận trên người

 

Điều quan trọng là nghiên cứu này chỉ mới được thực hiện trên chuột. Các thử nghiệm lâm sàng sẽ cần được thực hiện để xác định cơ chế này có hiệu quả với con người hay không. Điều này có thể xảy ra, bởi cơ chế này liên quan đến con đường mà hầu hết các loại ung thư đều sử dụng để di căn trong cơ thể.

 

Những kết quả này có thể sẽ có ảnh hưởng đối với việc sản xuất vac-xin. Trên thực tế, các vac-xin chống Covid hiện nay ít có khả năng kích hoạt cơ chế này, vì chúng không sử dụng toàn bộ chuỗi ARN của virus. Tuy nhiên, có thể sẽ có những vac-xin được phát triển sau này, có thể kích thích sản sinh các monocyte chống ung thư mà các nghiên cứu đã phát hiện.

 

 

Khái niệm “huấn luyện hệ miễn dịch”

 

Những phát hiện từ nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa đối với Covid-19 và ung thư. Chúng thực sự cho thấy cách phản ứng của hệ miễn dịch đối với một mối đe dọa này có thể hiệu quả hơn đối với một mối đe dọa khác. Khái niệm "huấn luyện hệ miễn dịch" là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị có thể dẫn đến những phương pháp điều trị mới cho một loạt các bệnh tật.

 

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh khái niệm này không có nghĩa là mọi người nên cố để lây nhiễm Covid-19. Nhiễm bệnh này không phải là cách để chiến đấu với ung thư. Hơn nữa, nhiễm virus SARS-CoV-2 nặng có thể gây tử vong và có nhiều hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe. Cuối cùng, việc mắc bệnh này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân ung thư.

 

Những thông tin quý giá mà nghiên cứu này cung cấp có thể dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị an toàn hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn trong tương lai. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được điều đó, những phát hiện này đã giúp hiểu rõ hơn về mối quan hệ phức tạp giữa virus, hệ miễn dịch và ung thư.

 

Trong khi chúng ta tiếp tục đối mặt với hậu quả của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Covid kéo dài, với những ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tồn tại, kết quả này nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng vô cùng lớn của nghiên cứu cơ bản, giúp thúc đẩy sự hiểu biết về sinh học con người và các bệnh tật, mở ra con đường dẫn đến những tiến bộ y tế đôi khi không ngờ tới.

 

Nguồn : The Conversation

 

 

 




LIÊN HIỆP QUỐC : HẠN HÁN KHIẾN THẾ GIỚI THIỆT HẠI GẦN 300 TỶ EURO MỖI NĂM (Thùy Dương / RFI)

 



Liên Hiệp Quốc: Hạn hán khiến thế giới thiệt hại gần 300 tỷ euro mỗi năm

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 12:11Sửa đổi ngày: 03/12/2024 - 14:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241203-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-h%E1%BA%A1n-h%C3%A1n-khi%E1%BA%BFn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i-g%E1%BA%A7n-300-t%E1%BB%B7-euro-m%E1%BB%97i-n%C4%83m

 

Hạn hán gây thiệt hại gần 300 tỷ euro mỗi năm trên quy mô toàn cầu, theo cảnh báo hôm nay, 03/12/2024, của Liên Hiệp Quốc. Vào ngày thứ hai của hội nghị COP16 về tình trạng sa mạc hóa, Liên Hiệp Quốc kêu gọi đầu tư khẩn cấp vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên, ví dụ như trồng rừng.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa: Một con lạc đà được dẫn qua cồn cát ở Erg Chebbi, rìa sa mạc Sahara, Maroc, tháng 06/2013. AP - Giovanna DellOrto

 

Theo báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc, các đợt hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu và việc quản lý không bền vững tài nguyên nước và đất, được dự báo ​​sẽ tác động đến 75% dân số thế giới từ nay đến năm 2050.

 

Andrea Meza, phó thư ký điều hành Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (CNULCD), lưu ý : « Quản lý đất và các nguồn tài nguyên nước một cách bền vững là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường khả năng chống đỡ của các cộng đồng bị các chu kỳ hạn hán tác động ». Chính CNULCD là định chế tổ chức vào tuần này tại Riyad, Ả Rập Xê Út, hội nghị COP16 về tình trạng sa mạc hóa.

 

Theo giải thích của bà Andrea Meza, « trong khi các cuộc thảo luận để đạt được một quyết định mang tính lịch sử về hạn hán đang được tiến hành, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhận ra rằng những chi phí do hạn hán gây ra là quá cao nhưng có thể tránh được, và cần sử dụng các giải pháp chủ động, dựa vào chính thiên nhiên để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của con người ».

 

Về các giải pháp chống hạn hán dựa vào thiên nhiên, Liên Hiệp Quốc nêu lên ví dụ về các biện pháp « tái trồng rừng » hoặc « quản lý hiệu quả chăn thả gia súc », vừa có thể giảm tổn thất, vừa tăng các nguồn thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại lợi ích về khí hậu và môi trường.

 

Một nghiên cứu năm 2020, được công bố trên tạp chí khoa học Global Change Biology và được AFP trích dẫn, đã kết luận rằng trong 59% trường hợp, « các biện pháp can thiệp dựa vào thiên nhiên thường cho thấy là có hiệu quả nhất hoặc hiệu quả hơn so với các biện pháp can thiệp khác nhằm chống lại tác động của biến đổi khí hậu ».

 

Năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, với nhiều đợt hạn hán có sức tàn phá mạnh ở Địa Trung Hải, Ecuador, Brazil, Maroc, Namibia, Malawi, gây ra các vụ cháy rừng, khan hiếm nước và lương thực.

 

Kaveh Madani, đồng tác giả của báo cáo và cũng là giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Liên Hiệp Quốc (UNU-INWEH), nhấn mạnh chi phí khắc phục hậu quả « vượt quá mức tổn thất trực tiếp về nông nghiệp, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, làm giảm tổng sản phẩm quốc nội, tác động đến các phương tiện sinh kế, về dài hạn sẽ gây ra nhiều vấn đề như nạn đói, thất nghiệp và di cư ».

 

---------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Báo động hạn hán trên toàn quốc, tác động tai hại cho kinh tế

 

KHÍ HẬU - SA MẠC HÓA

Chống suy thoái đất do hạn hán: Khai mạc hội nghị Liên Hiệp Quốc tại xứ sở sa mạc

 

MÔI TRƯỜNG - KHÍ HẬU

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị hạn hán chưa từng có vào giữa mùa đông