Đúng
thế, nhưng là với trước ngày 1.7.2024. Sau hai lần cải cách tiền lương gần đây,
lương giáo viên đã tăng lên một cách cơ bản. Hình dung thế này, nếu trước đây,
ra trường lương gần bốn triệu/ tháng, sau 10 năm đi dạy thì tăng lên được sáu
triệu. Nay mức lương đó là 12 triệu/tháng, nghĩa là đã tăng lên gấp đôi. Lưu ý,
chữ “lương” dùng ở đây là bao gồm cả các khoản phụ cấp, tức là thu nhập từ việc
dạy học trong hệ thống giáo dục.
Khởi
điểm dưới bốn triệu thì sống làm sao, nhưng 8 – 10 triệu thì “sống” được rồi. Với
nông thôn, hai vợ chồng giáo viên có thu nhập tương đương nhau như hiện nay thì
đời sống đã tạm ổn định. Giáo viên có thâm niên có thể nhận lương mỗi tháng khoảng
20 triệu đồng.
Bạn
tôi còn nói nửa đùa nửa thật: Các shop quần áo hiện nay mở ra là để phục vụ
giáo viên!
Mức
lương hiện nay, nếu sống ở thành phố thì cũng chưa thật ổn, nhưng cũng là ở mức
tàm tạm. Lương đã tăng, và câu khẩu hiệu “giáo viên sống được bằng lương” đã gần
như không còn là khẩu hiệu nữa, sau mấy chục năm hô hào. May quá!
Nghề
giáo không thể giàu như kinh doanh hay một số ngành đặc biệt khác, đó cũng là bức
tranh chung của ngành này trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Lương
giáo viên hiện nay là một trong những thay đổi rất có ý nghĩa. Xin chúc mừng
các thầy cô giáo, bởi một phần gánh nặng đã được trút xuống.
Và
hy vọng từ nay lý do về lương sẽ không còn là chính yếu để biện minh cho chất
lượng giáo dục đang thấp thê thảm nữa. Và cũng đừng lấy đó làm lý do để biện
minh cho việc dạy thêm đang làm khổ học sinh và phụ huynh trong toàn xã hội. Bộ
Giáo dục phải bãi bỏ Dự thảo Thông tư về chủ trương cho phép dạy thêm phi lý đến
cùng cực này.
Lương
đã tăng, giáo viên đã “sống được”, nhưng đã “sướng” chưa? Tôi cho là chưa, vì
môi trường giáo dục đang tồn tại sự mất dân chủ nghiêm trọng cùng những nhiêu
khê của nó. Bộ trưởng Bộ giáo dục liên tục đòi quyền lợi vật chất cho giáo viên
nhưng hầu như không để ý gì đến cái mặt hệ trọng bậc nhất nhất này. Vì chất lượng
giáo dục có thay đổi hay không, môi trường học đường có trở nên lành mạnh hay
không, sự tiến bộ và văn minh có hiện diện hay không, chủ yếu phụ thuộc vào
cách thức tổ chức bộ máy và sự vận hành, chứ không phải quyết định bởi lương,
lương chỉ là điều kiện cần.
Quan
tâm đến lương, điều đó là một đòi hỏi chính chính đáng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở
đó mà không đòi một môi trường giáo dục văn minh, thì Bộ cũng chỉ đang đòi quyền
lợi (vật chất) cho cá nhân chứ chưa nghĩ đến lợi ích chung cho toàn xã hội. Chỉ
dừng đòi hỏi lại ở đó, nó dễ gây nên cảm giác thô lỗ và xôi thịt. “Sống được” rồi,
đã đến lúc ngành giáo dục phải nghĩ đến việc sống có khát vọng?
Thái
Hạo
No comments:
Post a Comment