Wednesday, October 2, 2024

PHÁP : NGOẠI Ô NGHÈO và KÉM AN NINH, ĐIỂM ĐẦU TƯ AN TOÀN và THUẬN LỢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP? (Thanh Hà / RFI)

 



Pháp : Ngoại ô nghèo và kém an ninh, điểm đầu tư an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp ?    

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 01/10/2024 - 16:21

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF. . . . . BB%A3i-cho-c%C3%A1c-doanh-nghi%E1%BB%87p

 

Làm thế nào để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Pháp và quốc tế về các vùng ngoại ô « nhạy cảm » ? Đó là mục đích Diễn Đàn Kinh Tế FEB đầu tiên tổ chức ngày 17 và 18/09/2024 tại quận 16 Paris, Pháp. Trong 5 năm liên tiếp, trong khối Liên Âu, Pháp là nước thu hút nhiều nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo báo cáo của cơ quan Ernest&Young công bố đầu tháng 5/2024, nhưng chỉ có 5 % các dự án hướng về các vùng ngoại ô kém phát triển. 

 

HÌNH :

Bạo động tại thành phố Nanterre, ngoại ô phía tây Paris trong đêm 30/06/2023. Ảnh minh họa. REUTERS - GONZALO FUENTES

 

Theo Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE tính đến cuối 2023 trên toàn quốc có 5,4 triệu dân, tương đương với 8 % dân số, sống tại hơn 1.500 khu thuộc « Những khu vực ưu tiên trong chính sách phát triển thành phố -quartier prioritaire de la politique de la ville QPV».

 

Đây là những nơi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn từ 2 đến 3 lần so với mức trung bình trên toàn quốc ; gần 25 % giới trẻ từ 16 đến 25 tuổi bỏ học và không có việc làm ; 44 % sống dưới ngưỡng nghèo khó và một nửa có thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu ở Pháp.

 

Đài Quan Sát Quốc Gia về Chính Sách Phát Triển Thành Phố -OPV ghi nhận, hơn 70 % dân cư tại ở những QPV là công nhân và tầng lớp thợ thuyền ; gần 22 % là người nhập cư và để so sánh thì trên toàn quốc, trung bình người nhập cư chiếm 12,9 % dân số. Đây cũng là nơi, tập trung nhiều gia đình một mẹ, đông con.

 

Vùng Seine – Saint Denis, ngoại ô phía bắc Paris, là nơi tập trung 25 % các khu cần ưu tiên phát triển, mà ngôn ngữ thông thường hay gọi là các vùng « ngoại ô thuộc diện nóng » với nhiều vấn đề : « hai phần ba sống trong các khu nhà do xã hội trợ cấp, dân chúng tại đây khó hội nhập vào thị trường lao động và 1 người trên 5 thất nghiệp, 68 % là công nhân thợ thuyền và phần lớn trong số ấy dù có việc làm vẫn mang nợ chồng chất ».

 

Trở ngại thứ nhì đối với những khu vực nhạy cảm này là hình ảnh những khu phố « mất an ninh ». Trong quá khứ, Pháp trải qua nhiều cuộc « khủng hoảng ở các vùng ngoại ô » như hồi 2005 hay gần đây nhất là năm 2023 khi một số các ngoại ô nghèo « bốc cháy », thanh niên đốt phá trường học, siêu thị, ngân hàng hay cơ quan môi giới tìm việc làm cho người thất nghiệp… Những hình ảnh đó càng tạo nên thành kiến không tốt đẹp về những vùng cần tạo công việc làm cho thanh niên, cần mở thêm trường học, mở thêm phòng khám bệnh, mở thêm những nơi sinh hoạt cho giới trẻ.

 

 

Thay đổi cách nhìn về những QPV

 

Do vậy sáng lập viên của Diễn Đàn Kinh Tế FEB ông Azis Senni đề ra mục tiêu làm thay đổi cách nhìn của các doanh nhân về những vùng ngoại ô nhậy cảm. Là cột trụ trong bản tổ chức mời gần 100 lãnh đạo các tập đoàn đủ cỡ và các chính khách cấp vùng, cấp quốc gia đến tham dự sự kiện, Aziz Senni nhấn mạnh : trên 1.580 QPV không chỉ là một gánh nặng về mặt xã hội hay kinh tế như mọi người lầm tưởng mà đây còn là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng, bảo đảm 75 tỷ euro doanh thu một năm, nơi đến nay đã mở rộng cửa đón nhận 250.000 công ty. 

 

« Mục tiêu của diễn đàn FEB nhằm trả lời câu hỏi chúng ta có thể làm được những gì cho các vùng ngoại ô nghèo và mất an ninh về mặt kinh tế. Trong ba thập niên, nước Pháp đã có những chính sách cải thiện an ninh, mở mang đô thị và đầu tư vào mặt xã hội để cải thiện bộ mặt của các khu vực này, nhưng chưa thực sự có hẳn một chính sách kinh tế để giúp các vùng ngoại ô kém phát triển trở thành những điểm thu hút đầu tư, những vùng năng động có tính thuyết phục cao với các doanh nghiệp Pháp, và nước ngoài (…) Pháp đã có hẳn chương trình Choose France : Pháp là một trong những điểm thu hút đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 5 % trong số đó đổ về các vùng ngoại ô 'nóng'. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn rằng các vùng ngoại ô còn kém phát triển phải được hội nhập tốt hơn nữa vào trào lưu này ».

 

Trong số các khách mời của diễn đàn kinh tế FEB Paris lần này có nhiều bộ trưởng, chủ tịch cấp vùng, cấp tỉnh, thị trưởng đặc trách về chính sách phát triển thành phố, về công tác đào tạo hay phụ trách các tổ chức hội đoàn dẫn dắt thanh niên ở các khu vực kém phát triển. Nhưng đông đảo hơn hết là sự hiện diện của các doanh nhân. Trong số này có những người đã rất nổi tiếng, điều hành những đại tập đoàn hàng chục tỷ euro doanh thu như tỷ phú Xavier Niel trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện thoại và internet, hay giám đốc điều hành chi nhánh của Google tại Châu Âu Jalil Chikhi ...

 

Về phía các tiểu doanh nghiệp, có và nhiều chủ công ty vừa và nhỏ như chủ nhân Fullsoon, một công ty gia đình mới chào đời cách nay 2 năm, mang trí tuệ nhân tạo vào phục vụ cho các chủ nhà hàng, hay như trường hợp của Adil Bouatasssa, sáng lập viên kiêm tổng giám đốc AxyDis chuyên bảo đảm các dịch vụ viễn thông và điện thoại cho khách hàng trong hệ thống mạng 4G và 5G. Hãng này hoạt động từ 2017 lập địa bàn ở Cergy, vùng Val d’Oise, cách Paris hơn 30km về hướng tây bắc. Cergy nổi tiếng là nơi có nhiều trường đại học tốt, nhưng cũng là một điểm nóng, kém án toàn.

 

 

Tiếp cận thị trường là một thách thức đối với các QPV

 

Trả lời RFI tiếng Việt, Adil Bouatassa cho biết đã bắt đầu mở công ty đầu tiên từ cách nay 20 năm và đã nhiều lần nếm mùi thất bại trước khi tạo được cơ sở cho AxyDis với gần 700 thân chủ, với mối liên kết với các đối tác lớn trong ngành điện thoại viễn thông như SFR của Pháp, CISCO của Mỹ …

 

« Chúng tôi chọn mở doanh nghiệp tại Cergy, một địa điểm mang tính chiến lược trước hết là về địa lý và kế tới đây là một khu vực rất năng động về kinh tế. Cergy nằm gần khu vực công nghiệp ở Saint- Ouen l’Aumône, sát cổng thành tây bắc Paris, một trong những khu công nghiệp lớn nhất châu Âu. Hãng của chúng tôi có hơn 40 nhân viên và từ Cergy, AxyDis dễ dàng giao tiếp với các khách hàng ở khắp nơi trong vùng Paris và phụ cận. Hơn nữa Cergy là một trung tâm đào tạo có uy tín với không dưới một chục trường quản trị kinh doanh, đại học, trường kỹ sư… Chúng tôi kết nối với các trường để đón nhận thực tập viên. AxyDis cũng là điểm khởi đầu cho các em sinh viên bước vào thị trường lao động, để từ đó các bạn trẻ có kinh nghiệm, bay nhẩy vào các hãng lớn ».

 

 

Có sự hỗ trợ của chính quyền

 

Cũng trong cuộc trả lời dành cho RFI Việt Ngữ, giám đốc AxyDis giải thích cụ thể hơn khi quyết định mở công ty tại thành phố Cergy ông đã được chính phủ khuyến khích dưới hình thức nào.

 

« Các khoản trợ giúp được phân ra thành ba loại : Chính phủ miễn thuế doanh nghiệp cho các công ty đến đây hoạt động trong một thời gian đầu, chúng tôi cũng được miễn đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội và sau cùng là một khoản trợ cấp 15.000 euro khi mà chúng tôi tuyển dụng một nhân viên. Điều khoản này nhằm khuyến khích tuyển dụng nhân viên ngay ở những khu vực được gọi là QPV tức là những vùng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phát triển thành phố ».  

 

Adil Bouatassa nói thêm những khoản trợ cấp trong khuôn khổ chính sách phát triển thành phố của Pháp chỉ được áp dụng trong thời gian đầu, đó là thời gian cần thiết để mở rộng mạng lưới với khách hàng. Và ông nói thêm là từ khi lao vào việc mở công ty mỗi ngày làm việc của ông thường là từ 15 tiếng đồng hồ trở lên.

 

 

Những hình ảnh xấu về các vùng ngoại ô nghèo

 

Trở lại câu hỏi tại sao chính phủ Pháp đã có rất nhiều kế hoạch để nâng đỡ, để phát triển các vùng ngoại ô thuộc diện nóng, nhưng đây vẫn là nơi bị coi là mất an ninh, là một gánh nặng cho xã hội, chủ tịch tổng giám đốc hãng cung cấp dịch vụ internet và viễn thông, AxyDis cho rằng, đấy là một sự bất công và cũng là một thành kiến về những QPV chung quanh Paris. Adil Bouatassa lớn lên ở Cergy và làm việc tại đây từ 20 năm qua nên đủ kinh nghiệm để so sánh :

 

« Tôi điều hành doanh nghiệp từ 20 năm nay, bộ mặt của các vùng ngoại ô thuộc diện nóng ở quanh Paris giờ đây khác nhiều so với hơn 2 thập niên về trước. Hồi trước, các bạn trẻ ở đây không có phương tiện kết nối với thế giới bên ngoài, với thị trường lao động ; không có ngõ thoát, không tìm được việc làm. Ở các vùng này không có dịch vụ thuê bao xe Uber, không có UberEat để giao và đặt đồ ăn đến tận nhà. Họ cũng không có mạng xã hội để kết nối. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi mà giới trẻ không giao tiếp được với ai, cũng không có những tổ chức hay hiệp hội để dẫn dắt họ … Các em không có cơ hội nào để thoát ra khỏi môi trường xã hội chung quanh… Bây giờ thì khác, các bạn trẻ có cơ hội làm ăn, họ mở công ty… Đương nhiên là vẫn còn nhiều vấn đề, cũng vẫn có những thành phần lêu lổng, phá làng phá xóm chứ không phải là không, nhưng theo chỗ tôi biết, hiện tượng này đã giảm đi nhiều so với trước. Để thay đổi bộ mặt cho các khu ngoại ô nhạy cảm, nhiều thành phố đã dẹp bỏ hẳn một số chung cư cao tầng cũ kỹ, để thay bằng những khu ở tập thể khoáng đãng hơn, lành mạnh hơn … »

 

 

Các chương trình đạo tạo vừa học vừa làm

 

Cuối cùng, Adil Bouatassa, một trong những khách mời của diễn đàn kinh tế Pháp FEB đầu tiên về tình trạng các vùng ngoại ô kém phát triển, nhấn mạnh : giáo dục và đào tạo là chìa khóa thành công trong chính sách phát triển những vùng ngoại ô nhậy cảm ở Pháp

 

« Giờ đây việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với các chương trình giáo dục đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Đây không còn là những rào cản đối với các bạn trẻ ở các vùng ngoại ô kém phát triển. Các công ty chung quanh cũng tuyển dụng người tại chỗ, tạo cơ hội cho các bạn trẻ không học hành đến nơi đến chốn, để họ cũng có thể hội nhập vào thị trường lao động. Thí dụ như là thông qua các chương trình ‘vừa học vừa làm’. Ngay các hãng, các công ty nhỏ ở trong khu vực nhận thực tập sinh, đào tạo cho các em, để chúng có được một cái nghề, đồng thời có cơ hội thực hành, giao tiếp với khách hàng … Thí dụ như ở chỗ chúng tôi, các em đi học 2 ngày trong tuần và 3 ngày còn lại thì đi thực tập ở các hãng…Điều này giúp các em hiểu được luật chơi của thị tường lao động, phải có trách nhiệm trong công việc của mình. Nhà trường và công việc làm là những cơ hội giúp các em trưởng thành. Điều tôi nghi nhận được là một số các bạn trẻ vừa học vừa làm, rốt cuộc họ tiếp tục đi học thêm để thăng tiến, một số khác thì say mê với nghề nghiệp, và rồi đứng ra mở công ty : đó có thể là một hiệu ăn nhỏ, một cửa hiệu cắt tóc, một hãng giặt ủi, hay một là một công ty dịch vụ sửa chữa đô điện gia dụng … và chính các em lại trở thành đầu tàu để giúp tiếp cho các thế hệ đi sau …Thường thì có tới gần 90 % các em mở hãng quanh quẩn gần khu họ sinh ra và lớn lên. Điều đó giúp các khu ngoại ô nghèo năng động hẳn lên. »   

 

Mùa hè 2023 một số các vùng ngoại ô nghèo ở Pháp lại « bốc cháy » sau cái chết của một thiếu niên bị cảnh sát rượt đuổi. Báo Le Figaro thân hữu ngày 13/07/2023 tổng kết lại các kế hoạch được các chính phủ Pháp liên tục đề xuất từ thập niên 1970 để thu hẹp khó khăn của những vùng ngoại ô thuộc diện nhậy cảm : Paris đã « đổ hàng chục tỷ euro vào các vùng ngoại ô nghèo, đề xuất không biết bao nhiêu sáng kiến » qua các kế hoạch mang tên các đời bộ trưởng của các bên tả hữu mà vẫn chưa xóa được những cách biệt về mặt xã hội, về kinh tế giữa những vùng « ngoại ô cần được ưu tiên phát triển này » với phần còn lại của nước Pháp.

 

Nhật báo Le Monde với lập trường tương đối « trung lập », trong bài viết ngày 05/09/2023 tức hai tháng sau làn sóng bạo động hồi mùa hè năm ngoái cũng đưa ra nhận định : tại các khu vực kém phát triển về kinh tế, các vấn đề vẫn tồn tại. Giới trẻ vẫn gặp khó khăn trên con đường hội nhập và các doanh nhân Pháp dường như vẫn thận trọng trong các dự án đầu tư vào những vùng thuộc diện « ưu tiên này ».

 

 

 




No comments:

Post a Comment