Saturday, May 21, 2022

LÝ THUYẾT THAY THẾ và TỘI ÁC (Hiếu Chân / Người Việt)

 




Lý thuyết thay thế và tội ác

Hiếu Chân/Người Việt

May 17, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ly-thuyet-thay-the-va-toi-ac/

 

Cuối tuần qua cả nước Mỹ chấn động vì những vụ xả súng giết người hàng loạt từ New York ở Bờ Đông đến California ở Bờ Tây. Theo giới chức các cơ quan công lực, điểm chung của các tội ác dã man này là lòng thù hận sắc tộc.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/A1-Ly-thuyet-thay-the-1068x712.jpg

Tay súng 18 tuổi Payton Gendron mang súng trường tấn công vào siêu thị Tops Friendly Markets, Buffalo, New York, giết chết 10 người và làm bị thương 3 người khác, phần lớn là người da đen, vì muốn đề cao tính chất “thượng đẳng” của người da trắng, chống người nhập cư và cổ xúy bạo lực. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

 

Nhưng đáng sợ là lòng thù hận không chỉ mang tính chất cá nhân mà có căn cứ từ một lý thuyết sai lầm về mối đe dọa mà người da trắng phải đối mặt từ làn sóng người nhập cư da màu, không chỉ ở nước Mỹ đa sắc tộc mà trên phạm vi toàn cầu.

 

Lý thuyết đó gọi là “the replacement theory” (lý thuyết về sự thay thế) hoặc “the great replacement” (cuộc thay thế vĩ đại). Lý thuyết đó là gì? Từ đâu ra? Và đe dọa cuộc sống của chúng ta như thế nào?

 

Một cuối tuần đẫm máu

 

Hôm Thứ Bảy, 14 Tháng Năm, tay súng 18 tuổi Payton Gendron mang súng trường tấn công vào siêu thị Tops Friendly Markets, giết chết 10 người và làm bị thương 3 người khác; 11 nạn nhân trong số này là người da đen ở một khu vực đông người da đen sinh sống gần thành phố Buffalo, tiểu bang New York. Vụ tàn sát được chuẩn bị chu đáo, thực hiện một cách có phương pháp; hung thủ đã lái xe hơn 200 dặm từ nhà đến siêu thị, mặc áo giáp chống đạn, đeo máy quay phim (video camera) trên nón bảo hiểm và truyền hình trực tiếp (livestream) cảnh bắn giết lên mạng xã hội.

 

Ngay sau khi hung thủ Gendron bị bắt, cảnh sát đã phát hiện một “bản tuyên ngôn” được cho là do tay súng này đăng lên mạng, trong đó trình bày lý thuyết “Sự thay thế vĩ đại.” Trong hơn 180 trang viết, hung thủ cho rằng người Mỹ da trắng có nguy cơ “bị thay thế” từ những người da màu, gồm những người da đen, da vàng từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh đến. Anh ta trách cứ người Châu Âu đã cho phép mình “bị thay thế về mặt sắc tộc” khi mở cửa tiếp nhận người nhập cư từ Châu Á và Châu Phi. Anh ta than phiền về sự đa dạng sắc tộc và văn hóa ở Mỹ; anh ta cảnh báo người da màu nên “rời đi trong khi còn có thể.”

 

Hung thủ Gendron thực hiện vụ thảm sát một mình nhưng tư tưởng của anh ta là sản phẩm của một hệ tư tưởng đang lan rộng trong xã hội, đề cao tính chất “thượng đẳng” của người da trắng, chống người nhập cư và cổ xúy bạo lực.

 

Trước hung thủ Gendron, đã có nhiều vụ tấn công các cộng đồng da màu như vụ xả súng giết chết chín giáo dân da đen tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina, năm 2015, cuộc tàn sát ở một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, Pennsylvania, năm 2018 khiến 11 người chết, cuộc tấn công tại siêu thị Walmart ở El Paso, Texas, năm 2019 mà 23 người chết đều là người Mỹ La Tinh (Hispanic). Cũng trong năm 2019, một kẻ cực đoan đã xả súng vào hai nhà thờ Hồi Giáo ở Christchurch, New Zealand, giết chết 51 người đang hành lễ.

 

Trong vụ thảm sát ở El Paso, hung thủ cũng đã đăng lên mạng một bản phác thảo dài bốn trang, xác nhận mục tiêu của cuộc tấn công là nhằm đáp trả “cuộc xâm lược của người gốc Tây Ban Nha ở Texas” và nêu lên nỗi sợ hãi về việc nhóm sắc tộc này giành được quyền lực ở Hoa Kỳ.

 

Một năm trước đó, khi giết 11 người tại giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh, Pennsylvania, hung thủ đã nói những người tị nạn được giáo hội Do Thái Giáo giúp đỡ là “những kẻ xâm lược,” “tất cả người Do Thái phải chết.” Tại cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, Virginia, năm 2017 có tên là “Đoàn Kết Cánh Hữu” (Unity of Right), những người tuần hành đã hô vang, “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta.”

 

Theo dữ liệu của Liên Đoàn Chống Phỉ Báng (The Anti-Defamation League – ADL) được báo The New York Times dẫn lại hôm 17 Tháng Năm, trong 10 năm qua Hoa Kỳ có khoảng 450 vụ giết người do những kẻ cực đoan về chính trị thực hiện; 75% trong số đó là do những kẻ cực đoan cánh hữu, kể cả 55% do những người tin vào thuyết da trắng thượng đẳng; 20% do những kẻ cực đoan Hồi Giáo và 4% do những kẻ cực đoan cánh tả. Ông Jonathan Greenblatt, lãnh đạo ADL, nhận xét: “Bạo lực của những kẻ cực đoan cánh hữu là mối đe dọa lớn nhất của chúng ta. Số liệu không nói dối.”

 

Lý thuyết thay thế và nỗi sợ của người da trắng

 

Lý thuyết về sự thay thế của những kẻ cực đoan cánh hữu có hai nội dung chính: Một, cho rằng người da trắng là một chủng tộc thượng đẳng, cao quý hơn các sắc dân khác; và hai là người da trắng ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc đang dần dần “bị thay thế” từ những sắc tộc thấp kém hơn, bởi vì người da màu từ Châu Phi, Châu Á, dẫn tới nguy cơ người da trắng trở thành sắc tộc thiểu số, thậm chí bị “diệt chủng” ngay chính trên quê hương của họ. Để tránh nguy cơ bị thay thế đó, người da trắng phải đoàn kết và chống lại những “kẻ thay thế,” cả bằng bạo lực khi cần thiết.

 

Thực ra lý thuyết tôn sùng chủng tộc “da trắng thượng đẳng” đã có từ lâu, từ phong trào xâm chiếm thuộc địa và chủ nghĩa thực dân những thế kỷ trước, khi người da trắng ở Châu Âu xâm chiếm các vùng đất rộng lớn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ, biến thành các thuộc địa. Trong quá trình này, người Châu Âu tự coi mình là chủng tộc thượng đẳng, các sắc dân khác, có màu da sậm hơn, là những chủng tộc man di mọi rợ, cần được khai hóa văn minh. “Một trăm năm đô hộ giặc Tây” ở Việt Nam là một minh chứng cho quan niệm về quan điểm thượng đẳng của người da trắng thực dân.

 

Gần đây, công cuộc toàn cầu hóa kinh tế, làn sóng di cư trên khắp các lục địa đưa người da màu từ Châu Phi, Châu Á đến Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc ngày càng nhiều trong thế kỷ 20 đã gây ra những vụ xung đột về tôn giáo, văn hóa giữa các cộng đồng sắc tộc. Trong sự xung đột đó, quan niệm “da trắng thượng đẳng” đã biến thái dần, trở thành lý thuyết về sự thay thế, không chỉ tôn vinh người da trắng mà còn vẽ ra viễn cảnh đáng sợ rằng người da trắng sẽ bị thay thế bởi người da màu, trở thành thiểu số và bị diệt chủng trong một tương lai không xa.

 

Viễn cảnh diệt chủng người da trắng được báo động và trình bày một cách hệ thống trong cuốn sách Cuộc Thay Thế Vĩ Đại xuất bản năm 2012 của lý thuyết gia người Pháp Renaud Camus. Ông Renaud Camus sinh năm 1946 và hiện còn sống (xin đừng nhầm lẫn với nhà văn Albert Camus, 1913-1960, giải Nobel Văn Chương 1957), cho rằng người nhập cư da màu từ Bắc Phi và Trung Đông kéo tới Châu Âu ngày càng đông, sinh đẻ nhiều con hơn là mối đe dọa đối với người da trắng, vị thế thống trị về chính trị, văn hóa và kinh tế của người da trắng ở Châu Âu hiện nay sẽ bị mai một dần và sẽ bị diệt chủng.

 

Trước Camus, “thuyết thay thế” và ý tưởng về “cuộc diệt chủng người da trắng” đã là trụ cột trong hệ tư tưởng của Đức Quốc Xã. Adolf Hitler tin rằng người Đức là dân tộc thượng đẳng, không thể để dòng máu Đức bị các sắc dân khác pha trộn và đã giết chết 6 triệu người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến.

 

Sau Camus, lý thuyết thay thế trở thành một phần trong nền tảng tư tưởng của các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp và Đức, mà đại diện là Mặt Trận Quốc Gia Pháp cánh hữu của cha con ông Jean Louis Marie Le Pen và đảng Sự Thay Thế Đức (AfD). Cha con ông Le Pen đã nhiều lần thất bại trong các cuộc tranh cử tổng thống Pháp, nhưng sự kiện bà Marine Le Pen vào vòng chung kết cùng với đương kim Tổng Thống Emmanuel Macron so găng trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 24 Tháng Tư vừa qua cho thấy tư tưởng cực hữu và bài ngoại vẫn có chỗ đứng vững chắc ở Pháp.

 

Đến chính sách kỳ thị người nhập cư

 

Ở xã hội đa sắc tộc của Hoa Kỳ, tư tưởng về sự thay thế người da trắng, quan niệm da trắng thượng đẳng, kỳ thị người da màu… lúc đầu chỉ giới hạn trong những diễn đàn cực hữu trên mạng Internet. Nhưng rồi, nó được quảng bá rộng rãi thông qua một số mạng truyền thông bảo thủ và những người ủng hộ chính sách chống người nhập cư của đảng Cộng Hòa. Nhiều chính trị gia Cộng Hòa đã nắm lấy lý thuyết này, biến nó thành công cụ chính trị.

 

Các mạng truyền thông cánh hữu như Fox News, One American News Network, Newsmax… thường có những chương trình bình luận (talk-show) mà trong đó các diễn giả biện minh cho các chính sách hạn chế nhập cư, kỳ thị người da màu. Tiêu biểu là ông Tucker Carlson, nhà bình luận nổi tiếng nhất của đài truyền hình Fox News. Từ ý tưởng về sự thay thế, ông Carlson liên tục báo động về sự thay đổi cơ cấu dân số Mỹ – tỷ lệ người da màu tăng lên do nhập cư và người da trắng giảm xuống tương ứng. Trong hơn 400 chương trình truyền hình Tucker Carlson Tonight mà báo The New York Times đem ra phân tích, ông Carlson đã quảng bá thuyết âm mưu rằng các chính trị gia Dân Chủ muốn mở cửa biên giới, khuyến khích người nhập cư đến Mỹ để thay đổi cơ cấu dân số; số cử tri da trắng theo đảng Cộng Hòa sẽ bị giảm đi, bị thay thế bằng “những người mới, những cử tri ngoan ngoãn hơn từ Thế Giới Thứ Ba.”

 

Lập luận sai trái của Carlson được nhiều vị dân cử của đảng Cộng Hòa tán thành, coi đó là lý do biện minh cho thất bại của họ trước đảng Dân Chủ trong các cuộc tuyển cử gần đây. Dân Biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), đăng tweet nói rằng ông Carlson là “ĐÚNG về Lý Thuyết Thay Thế khi ông ấy giải thích những gì đang xảy ra với nước Mỹ.”

 

Sự kiện ông Barack Obama, đảng Dân Chủ, sinh trưởng ở Mỹ nhưng da đen và có dòng máu Châu Phi trong huyết quản, đắc cử tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ càng làm cho viễn cảnh về sự thay thế thêm có căn cứ và kích thích những chính trị gia Cộng Hòa khai thác nỗi lo sợ của cử tri da trắng để tung ra nhiều thuyết âm mưu nhằm thúc đẩy các chính sách hạn chế nhập cư của họ.

 

Cựu Tổng Thống Donald Trump là người chống nhập cư quyết liệt nhất. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và sau đó ông Trump nhiều lần gọi người Mễ Tây Cơ láng giềng là “bọn hiếp dâm,” gọi các quốc gia nghèo khó ở Châu Phi là “hố phân” (shithole), ban hành nhiều sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi Giáo, thúc đẩy xây bức tường biên giới với Mễ Tây Cơ để ngăn người nhập cư bất hợp pháp và gọi virus Corona gây dịch COVID-19 là “Chinese virus” bất chấp cách gọi kỳ thị đó làm tăng các hành vi bạo lực nhắm vào người Châu Á trên khắp nước Mỹ. Tại cuộc vận động chính trị ở Pennsylvania tuần trước, ông Trump vẫn tiếp tục tố cáo người nhập cư bất hợp pháp (illegal aliens) đang “đổ vào quê hương của chúng ta” dù số liệu của cơ quan biên phòng cho thấy số người nhập cư vào Mỹ trong năm ngoái đến nay đã giảm nhiều so với thời của ông.

 

Ông Trump đã không còn làm tổng thống nhưng thành kiến với người da màu, người di dân của ông vẫn được nhiều vị dân cử Cộng Hòa coi là đường lối căn bản của họ. Một trong những luận điểm mà các chính trị gia Cộng Hòa rút ra từ lý thuyết thay thế là chính sách nhập cư lỏng lẻo của chính quyền Joe Biden là một phần trong chiến lược của thuộc đảng Dân Chủ.

 

Dân Biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), nhân vật lãnh đạo thứ ba của đảng trong Hạ Viện, đăng quảng cáo truyền hình nhấn mạnh rằng “ân xá” cho những người ở Mỹ không giấy tờ sẽ “lật đổ cơ cấu cử tri hiện hành của chúng ta.” Trong các cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra, nhiều ứng cử viên Cộng Hòa công khai cổ xúy cho chính sách đóng cửa biên giới, hạn chế người nhập cư. Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) nói rằng “Thực tế họ [đảng Dân Chủ] muốn lập lại cơ cấu dân số của Mỹ để bảo đảm họ sẽ nắm quyền lực vĩnh viễn.” Ông J.D. Vance, được đảng Cộng Hòa Ohio đưa ra ứng cử vào Thượng Viện liên bang, nói rằng “đang có thêm nhiều cử tri Dân Chủ đổ vào đất nước này,” lặp lại lập luận của ông Trump.

 

Các chính trị gia này đã biến người da màu nhập cư thành cái bung xung để hướng người dân Mỹ trút nỗi tức giận của họ vào vì tin người da màu là thủ phạm gây ra những nỗi thống khổ của họ và một ngày nào đó sẽ thay thế nền văn minh da trắng thượng đẳng.

 

Xu hướng các chính trị gia Cộng Hòa tin theo và quảng bá lý thuyết thay thế đã lan rộng đến mức Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) phải đăng tweet báo động “đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện đã khuyến khích chủ nghĩa dân tộc da trắng, quan niệm người da trắng thượng đẳng” và bà kêu gọi “các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa phải lên án và bác bỏ các quan điểm này và cả những người cổ xúy cho chúng.”

 

Sự kết hợp chết người

 

Sau vụ thảm sát ở Buffalo, New York, các vị dân cử Cộng Hòa đã nhanh chóng ra tuyên bố lên án tội phạm và bác bỏ nhận định của truyền thông về mối dây liên hệ giữa lý thuyết thay thế mà họ cổ xúy với hành động bạo lực của những tay súng thượng tôn da trắng. Trước đó, nhà văn Renaud Camus nói rằng, ông chỉ là lý thuyết gia, không can hệ tới các hành động bạo lực và lên án các vụ bạo lực nhân danh chủng tộc. Nhà bình luận truyền hình Tucker Carlson trong chương trình hôm Thứ Hai, 16 Tháng Năm, cũng lên án các vụ bạo lực kinh hoàng ở Mỹ và tìm cách tránh né liên hệ với cuộc thảm sát ở Buffalo.

 

Tất nhiên không thể tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa truyền thông cánh hữu, các chính trị gia Cộng Hòa với những hành vi bạo lực. Nhưng không khó nhận ra những hung thủ gây tội ác giết người hàng loạt đã bị ảnh hưởng nặng nề của lý thuyết sai lầm về người da trắng thượng đẳng, về nguy cơ diệt chủng người da trắng bởi những người nhập cư có màu da sẫm hơn họ. Và đó là mối nguy lớn, không thể bỏ qua, nhất là đối với các cộng đồng da màu, di dân tới Mỹ trong vài mươi năm gần đây. Có thể một ngày nào đó chính chúng ta hoặc con cháu chúng ta sẽ chết một cách vô nghĩa như các nạn nhân ở Buffalo chiều Thứ Bảy vừa qua.

 

“Lịch sử dạy chúng ta những gì bắt đầu bằng lời nói sẽ kết thúc tệ hại hơn nhiều,” Dân Biểu Liz Cheney viết về những tuyên bố chống người nhập cư của các vị dân cử cùng đảng. Ngay sau vụ xả súng ở New York, nhiều người đã nói tới sự kết hợp chết người giữa tư tưởng thù hận lan tràn trên các mạng trực tuyến, trên truyền thông cả trên diễn đàn Quốc Hội, với tình trạng súng đạn tràn lan thiếu kiểm soát ở Mỹ. Chuyện súng đạn thì đã bàn nhiều, bây giờ là lúc không nên tiếp tục để cho các chính trị gia lợi dụng sự khác biệt về màu da sắc tóc để cổ xúy cho lòng thù hận trong xã hội vì nó có thể biến cuộc sống an bình của chúng ta thành địa ngục. [qd]





No comments: