Saturday, May 21, 2022

CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE : DIỄN BIẾN và HỆ QUẢ SẼ NHƯ THẾ NÀO? (BBC News Tiếng Việt)

 



Chiến tranh Nga-Ukraine: Diễn biến và hệ quả sẽ như thế nào?

BBC News Tiếng Việt

22 tháng 5, 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61535376

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1508A/production/_124845168_putinanddefenceministersergeishoigu.jpg.webp

Tổng thống Putin được cho là ngày càng tham gia nhiều hơn vào các quyết định của cấp dưới

 

Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trong một chương trình thảo luận đặc biệt của BBC News Tiếng Việt về tình hình chiến sự ở Ukraine, cho rằng phía Nga đang có thể có những bước để chuẩn bị dàn xếp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.

 

Ông cũng đánh giá rằng Tổng thống Putin đã không còn tin vào cấp dưới của mình nữa khi ra các quyết định chiến thuật hàng ngày như ở cấp tướng tá.

 

Ông Thắng kết luận rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine với lý do ngăn chặn Ukraine gia nhập Nato thì giờ đây lại có kết quả ngược lại khi Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập khối này.

 

Nga tuyên bố chiến thắng ở nhà máy thép tại thành phố Mariupol

Mỹ hoàn toàn ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Nato

Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN và kỳ vọng của Mỹ về tương lai quan hệ đối tác với VN

 

.

BBC: Ông đánh giá gì về xu thế nổi trội của cuộc chiến ở Ukraine cho đến nay?

 

Thực tế cho đến nay, sau gần 3 tháng thì tình hình giằng co. Và thế giằng co này, các đánh giá, các tin của Nga và Mỹ đưa ra cũng rất khác nhau. Và các đánh giá của ngay các cơ quan tình báo cũng rất khác nhau. Người thì bảo Nga không duy trì nổi sau tháng Chín, người thì bảo tháng Tám này có thể có kết thúc nào đấy.

Nhưng ngày 18/5, trên BBC có một bài về một sự kiện mà có lẽ cả thế giới quan tâm, đó là một đại tá về hưu người Nga Mikhail Khodarenok là một nhà phân tích quân sự và ông đã phát biểu trên một chương trình chính thức dài 60 phút ở Nga.

Ông nêu ra 3 cảnh báo. Thứ nhất là giao tranh ngày càng tồi tệ cho Nga và Ukraine càng đánh thì càng nhận được sự ủng hộ của các nước. Thứ hai là ý chí bảo vệ tổ quốc của người Ukraine rất mãnh liệt và ông tin chiến thắng cuối cùng trên chiến trường được xác định là nhờ dũng khí cao của quân và dân Ukraine. Thứ ba là tình hình quân sự và chính trị ở đây đẩy Nga vào thế bị cô lập hoàn toàn về địa chính trị trên thế giới.

Tôi thắc mắc là tại sao ông này phát biểu trên đài truyền hình nhà nước của Nga mà nói được như thế. Tôi cho rằng đây có thể là một tín hiệu mà phía Nga mở ra để chuẩn bị dàn xếp kết thúc cuộc chiến này. Chứ với chính sách đàn áp của Putin thì nhà báo không thể lên nói những chuyện như thế một cách công khai ở trên đài truyền hình được.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1026A/production/_124845166_ee452bc7-6be1-4886-9021-2615c7a267f9.jpg.webp

Mikhail Khodarenok nói rằng Nga hoàn toàn bị cô lập về chính trị

 

BBC: Ông có nhận xét gì về tinh thần của người Ukraine trong cuộc chiến này?

 

Tôi nghĩ phần lớn người Việt Nam rất có thể dễ đồng cảm với tinh thần này và cũng dễ nhận ra tinh thần này. Bởi vì Ukraine cũng giống VN, cũng từng là một dân tộc nhỏ phải chống chọi với hoàn cảnh ác liệt như vậy.

 

Ở đây mình không lý tưởng hóa vấn đề nhưng ý chí, tinh thần xả thân vì độc lập dân tộc, tinh thần hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia thì điểm đó chúng ta thấy, bản thân tôi cảm nhận thấy khá rõ từ người dân Ukraine.

 

Mình không nhìn trực tiếp cảnh chiến đấu của họ, nhưng nhìn cung cách của họ thì tôi cũng thấy rất rõ rằng đây là hai phương thức chiến tranh khác nhau.

 

Cả hai đều là phương thức chiến tranh hiện đại, nhưng một cái có lẽ là kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay bởi vì kiểu triển khai tăng như thế rất là kinh điển. Nhưng còn kiểu dùng drones, thiết bị AI để đánh thì tôi cho đó là một phương pháp đánh rất là hiện đại.

 

Như vậy, ở đây có sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất, cho nên phải nói đây là một sự kết hợp rất ngoạn mục. Đặc biệt, ở đây tôi thấy một cái nữa là sự thống nhất giữa chính quyền và người dân. Ta thấy có những người Ukraine đã rời đất nước rồi vẫn quay trở về để chiến đấu, ta thấy những bà cụ, phụ nữ tập bắn.

 

Tôi thấy những hình ảnh này thật thuyết phục, nó không thể là diễn được, phải là thật thì mới có được cái đó. Đối với những dân tộc nhỏ, sự thống nhất trên dưới, tức là giữa chính quyền với người dân là điều chúng ta phải suy ngẫm về giá trị này.

 

.

BBC: Các nguồn tin quân sự phương Tây nói giờ đây ông Putin tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến, ra các quyết định chiến thuật hàng ngày như ở cấp tướng tá. Vai trò của Tổng thống Putin đã thay đổi ra sao trong thời gian gần đây?

 

Tôi nghi việc ông Putin phải "tay dao tay thớt vào bếp" nói lên là ông không còn tin cấp dưới của ông nữa.

 

Cái này cũng có một lẽ nào đó của nó. Bởi vì ông thấy cấp dưới báo cáo sai cho nên kế hoạch ban đầu đánh nhanh thắng nhanh, rồi thì nói là quân kéo vào thì nhân dân sẽ mang hoa ra đón thì ông thấy không phải như vậy.

 

Không phải vô cớ mà cứ mỗi tuần trôi qua Điện Kremlin phải điều chỉnh mục tiêu chiến tranh. Có một vấn đề nữa dễ nhận ra là ta biết ông Putin là gốc tình báo, ông không phải nhà quân sự. Cho nên khi ông lấy các quyết định chiến thuật hàng ngày như cấp tướng tá thì rõ ràng nó sẽ có vấn đề.

 

Tuy nhiên, ở đây phải có lý do nào đó buộc ông Putin phải làm như thế. Phải chờ xem việc ông trực tiếp tham gia chỉ đạo như thế sẽ mang đến kết quả như thế nào. Bởi vì bên phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cũng đứng ra chỉ đạo.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1BF2/production/_124845170_phamminhchinhatus-aseansummit2022.jpg.webp

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN diễn ra từ ngày 12-13 tháng Năm tại Washington DC

 

BBC: Theo ông, quan điểm 'Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn bên' nên được hiểu ra sao? Khoản viện trợ nhân đạo 500.000 USD của VN cho Ukraine có ý nghĩa như thế nào?

 

Việc chọn chính nghĩa ở VN tôi nghĩ rằng nó đã có từ 5-600 năm rồi. Nếu chúng ta đọc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thì nhớ rằng lúc bấy giờ tiền nhân của chúng ta đã chủ trương "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".

 

Chí nhân ở đây là cái tận cùng của chủ nghĩa nhân văn. Như vậy, từ rất sớm tiền nhân ta đã từng xem quyền sống của con người là lẽ phải, lẽ phải là quyền con người, quyền công dân mà ngày nay gọi là nhân quyền.

Mấy trăm năm sau, một tổ phụ của người Mỹ cũng đã đem quyền cơ bản của con người đó vào tuyên ngôn độc lập nổi tiếng.

 

Tuy nhiên, sau này qua những năm tháng ngặt nghèo của chiến tranh, như hiện nay chúng ta đang chứng kiến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine., hay như cuộc chiến tranh của VN qua bao năm tháng chúng ta thấy rằng một số quyền cơ bản của con người như là hiện thân của lẽ phải, đành phải gác lại cho những ưu tiên khác.

 

Nghĩa vụ "cầm súng" bảo vệ độc lập, bảo vệ biên cương của tổ quốc và lòng biết ơn, tri ơn những người đã "cấp súng" tạm thời lấn lượt nhiều thứ, cho đến tận ngày nay.

 

VN mang nặng tình nghĩa với Nga là vì lẽ đó. Nhưng trên thực tế VN có tin nguyên nhân Nga "nại ra" để xâm lăng Ukraine và ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine không?

 

Có điều chắc chắn mọi người đều băn khoăn về 3 lá phiếu của VN ở LHQ. Cái đó chinh bà phó đại sứ cũng nói, có một số nước do xuất phát từ lợi ích trước mắt thì người ta buộc phải có những hành xử như ở LHQ, nhưng điều đó không có nghĩa là người ta ủng hộ Nga trong cuộc chiến.

 

Đặc biệt là việc thủ tướng VN tuyên bố ủng hộ nhân dân Ukraine qua các tổ chức nhân đạo 500.000 USD. Đứng về mặt vật chất nó không phải là lớn, nhưng về mặt tinh thần đứng trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nga-Ukraine thì đây là một biểu tượng rất ý nghĩa.

 

.

BBC: Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN vừa diễn ra, vai trò của Hoa Kỳ trong việc giúp VN điều hòa quan hệ tay ba VN-Mỹ-Nga giai đoạn hậu chiến tranh Ukraine? Tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn chưa nâng lên quan hệ đối tác chiến lược?

 

Tuyên bố 28 điểm giữa Mỹ - ASEAN có 3 điểm cần nhấn mạnh. Thứ Nhất, Tuyên bố nhắc đến cuộc chiến Ukraine nhưng không nhắc đến Nga để tránh bị hiểu nhầm là ASEAN bị Mỹ lối kéo và chọn bên vào tập hợp để chống Nga. Cả ASEAN, trong đó có VN, không chọn bên, như Thủ tướng Chính đã nhấn mạnh.

 

Thứ hai, ASEAN tái khẳng định "sự tôn trọng chủ quyền, độc lập về chính trị và toàn vẹn lãnh thổ" của các bên. Điều này nên được hiểu là ASEAN không tán thành cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine vì cuộc chiến tranh đó vi phạm cả 3 nguyên tắc nói trên.

 

Thứ ba, cũng như Việt Nam, ASEAN vì quyền lợi trước mắt, phải giữ cân bằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Giữ được đến đâu, thành công hay thất bại là một câu chuyện khác. Nhưng như Indo đã tuyên bố vẫn muốn mời Tổng thống Putin và Zelensky đến dự Hội nghị G20 tới đây.

 

Về quan hệ Việt - Mỹ, có điều chắc chắn trong hơn 60 cuộc tiếp xúc với mọi cấp, mọi giới ở Mỹ của TT Chính trong 7 ngày qua, các bên đã bàn đến câu chuyện lớn lao này. Theo tôi, thứ nhất, về lâu dài, Mỹ có thể tiến tới giúp VN vấn đề trang bị vũ khí trước nay VN tùy thuộc vào Nga. Thật ra, vấn đề 7 - 8 tỷ USD là không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn ở đây là sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm từ cả hai phía sẽ như thế nào trong những năm tới đây?

 

Thứ hai, điều đau đầu của VN là vấn đề dầu khí. Một khi bị suy yếu và phải phụ thuộc vào TQ sau chiến tranh Ukraine, Nga có thể buộc phải nhượng lại cho TQ các hợp đồng dầu khí đã ký và đang làm ăn với VN. Nguồn thu tuy không thật lớn trong GDP nhưng vấn đề an ninh trên biển đảo lại là vấn đề sinh tử đối với VN. Nga mà nhượng cho TQ những hợp đồng ấy, VN coi như "đứt phim". Vấn đề là Mỹ có cách nào giúp không. Về lực thì không khó, nhưng về ngoại giao thì còn kẹt nhiều thứ, kể cả cho VN lẫn Mỹ.

 

Thứ ba, nếu Mỹ cho rằng VN cứ lập lờ chiến lược một thời gian nữa. Bởi vì ta biết Mỹ rất nhiều lần, qua rất nhiều kênh đề nghị VN nâng cấp quan hệ toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược. Nhưng về phía VN cũng nêu nhiều lý do chưa muốn nâng cấp lên. Điều này tôi nghĩ là để phòng xa thôi.

 

Bởi vì trong lịch sử nó đã xảy ra rồi cho nên không thể xem thường. Ai cũng biết VN có giá trị về địa chính trị đối với Mỹ và khu vực. Nhất là trong bối cảnh hiện nay Philippines có chính quyền mới và tuyên bố "quay xe", tức là đồng minh với TQ và vứt bỏ phán quyết CPA.

 

Điều này đặt ra những vấn đề vừa thách thức vừa cơ hội cho VN. Thách thức là ngày xưa còn có Philippines, VN như là hai nước tiền tuyến để mà đấu với TQ trong vấn đề biển đảo. Nhưng bây giờ VN sẽ đơn thương độc mã hay VN có ai nữa không?

 

Tất nhiên còn có vai trò của Indonesia, nhưng lại ở khía cạnh khác. Đồng thời nó cũng có cơ hội nếu trong bối cảnh đó VN và Mỹ ký bang giao, cập bến được đối tác chiến lược và VN cùng với Indonesia như những nước chiến địa thì vị thế của VN sẽ được củng cố.

 

Tất cả điều này phụ thuộc vào chủ quan của VN còn Mỹ thì đã sẵn sàng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/22DD/production/_124852980_f403be6a-b451-49d5-9d9f-2250f1d00987.jpg.webp

Tổng thống Hoa Kỳ cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh

 

 

BBC: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong Nato ngăn cản đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Động thái này gây khó khăn như thế nào cho Phần Lan và Thụy Điển?

 

Tin mới nhất là không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga còn vận động được cả Croatia đứng ra nói sẽ phản đối. Động cơ của TNK và Croatia mỗi bên nêu khác nhau, nhưng có một cái chung là phải đòi đánh đổi.

 

TNK muốn Thụy Điển và Phần Lan phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên TNK. Điều đó cho thấy sự sòng phẳng trong quan hệ đối tác của họ.

 

Lý do Putin nại ra là Ukraine vào Nato sẽ đe dọa an ninh của Nga thì bây giờ lại có kết quả ngược lại. Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Nato thì diện tích của khối sẽ gấp rưỡi.

 

 




No comments: