Thursday, March 31, 2022

NHỮNG TRÙNG PHẠT KINH TẾ NGA VÌ CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC UKRAINE (Nguyễn Quốc Khải)

 



Những trừng phạt kinh tế Nga vì chiến tranh xâm lược Ukraine

Nguyễn Quốc Khải

01/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-kinh-t%E1%BA%BF-nga-v%C3%AC-chi%E1%BA%BFn-tranh-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraine/6509879.html

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-b5eb-08da13423f4b_w650_r1_s.jpg

Hình mẫu một ống dẫn dầu trên đồng tiền Ruble của Nga. Hình minh họa.

 

 

Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có một kế hoạch cấm vận quy mô và khốc liệt như đang áp dụng vào Nga.

 

                                                                *

 

Hơn một tháng đã trôi qua một cách chậm chạp, sau khi quân Nga ngang nhiên tràn vào lãnh thổ Ukraine, một nước có chủ quyền và được cả thế giới công nhận. Ước mơ chiếm được thủ đô Kyiv trong vài ngày của Tổng Thống Vladimir tan thành mây khói. Hàng ngàn binh sĩ Nga thiệt mạng, gần 20 sĩ quan cao cấp tử trận và hàng trăm xe tăng, xe bọc sắt bị tiêu hủy hoặc bị quân đội Ukraine tịch thu.

 

Không phải chỉ có vậy. Bài phân tách sau đây sẽ bàn về những thiệt hại kinh tế Nga đang phải lãnh đủ. Nga với 142 triệu dân (2021) và tổng sản lượng nội địa (GDP) của 2020 là $3,876 tỉ (theo thời giá 2017), từ một nền kinh tế chỉ huy chuyển qua kinh tế tư bản quốc doanh với một khu vực tư nhân giới hạn sau khi Liên Xô xụp đổ. Kinh tế Nga đã thực hiện được mức phát triển tốt đẹp vào những năm 1998-2008. Tiếp theo là giai đoạn kinh tế trì trệ. Cuộc xâm chiếm Crimea vào 2014 đã đẩy Nga vào cuộc suy thoái kinh tế. Cuộc xâm lăng Ukraine vào 2022 sẽ làm kinh tế lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy vì những biện pháp trừng phạt kinh tế của khối các nước dân chủ.

 

NHỮNG BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT KINH TẾ

 

1. Tài chánh

 

Đóng băng những tích sản của Ngân Hàng Trung Ương của Nga bao gồm $630 tỉ ngoại tệ dự trữ ở bên ngoài nước Nga.

 

Hoa Kỳ, Anh, và Liên Âu cấm cá nhân và các cơ sở kinh doanh giao dịch với Ngân Hàng Trung Ương Nga, Bộ Tài Chánh và những quỹ tài sản (dự trữ tiền của chính phủ).

 

Không cho phép các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống giao dịch tài chánh quốc tế SWIFT (Society for worldwide Interbank Financial Telecommunication), khiến cho việc thanh toán tiền bạc giữa các ngân hàng và giữa các nước khó thực hiện nhanh chóng.

 

2. Năng lượng

 

Hoa Kỳ cấm nhập cảng dầu khí của Nga.

 

Anh Quốc sẽ dần dần chấm dứt nhập cảng dầu khí của Nga vào cuối năm 2022.

 

Liên Hiệp Âu Châu hiện nhập cảng 25% dầu và 40% khí đốt từ Nga, không hoàn toàn cấm nhập cảng, nhưng sẽ dần dần giảm bớt lệ thuộc và sẽ độc lập với Nga trước năm 2030.

 

Đức đã tạm ngưng cấp cho phép mở đường ống dẫn dầu Nord Stream II từ Nga.

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-5237-08da134b2958_w650_r0_s.jpg

Các nước đóng không phận với Nga.

 

3. Thương mại

 

Hoa Kỳ, Anh, Liên Hiệp Âu Châu và một số nước khác cấm xuất cảng qua Nga một số sản phẩm như phi cơ và thiết bị, những hàng hóa dân dụng nhưng có lợi ích quân sự như hóa chất hay laser.

 

33 quốc gia gồm Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và một số nước khác cấm các phi cơ Nga bay qua không phận của những nước này, ngoại trừ trường hợp ngoại giao và nhân đạo.

 

4. Cá nhân

 

Hoa Kỳ, Anh, và Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt một số tỉ phú Nga thân cận với Điện Kremlin bao gồm Tổng Thống Vladimir Putin và Ngoại Trưởng Sergei Lavrov. Du hành bị cấm và tích sản của họ bị đóng băng.

 

Tỉ phú Nga Mikhail Fridman, hiện đang cư ngụ tại London, Anh quốc, với một tài sản trị giá $10.4 tỉ, than phiến rằng, ông như bị giam lỏng tại nhà vì lệnh cấm vận. Ông không tiếp cận những chương mục ngân hang, không dung được thẻ tín dụng, và máy ATM để rút tiền. Ông đang làm đơn xin chính phủ Anh cho chi tiêu 2,500 Bảng Anh ($3,275) mỗi tháng.

 

5. Công ty tư nhân

 

Rất nhiều công ty Tây phương đã tự nguyện tạm ngưng một phần hay toàn phần các hoạt động tại Nga. Chính quyền Nga tìm cách ngăn chặn các công ty rời bỏ Nga nhưng không thành công.

 

1.    Xe hơi: Ford, General Motors, Toyota, Volkswagen, Nissan.

 

2.    Hàng Không: Boeing, Airbus.

 

3.    Kỹ nghệ cao: Airbnb, Amazon. Apple, Facebook, Hitachi, IBM, Intel, Microsoft, Netflix, Nintendo, Roku, Sony, Spotify, Twitter, YouTube.

 

4.    Cố vấn: Accenture, EY, Deloitte, KPMG International, PricewaterhouseCooper.

 

5.    Năng lượng và kim loại: BP, Equinor, Exxon, BP, Shell, Rio Tinto, TotalEnergies.

 

6.    Tài chánh: Norway’s, Mastercard, Visa, American Express, Moody’s, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Western Union, Citigroup, Paypal.

 

7.    Thực phẩm: AB InBev, Burger King, Coca-Cola, Heineken, McDonald’s, Nestle, PepsoCo, Starbucks, Yum Brands.

 

8.    Khách sạn: Hyatt, Marriott, Hilton.

 

9.    Công nghệ: 3M, Dow, General Electric, John Deere, Caterpillar, Alstom.

 

10. Truyền thông và giải trí: DirecTV, Disney, WarnerMedia.

 

11. Thương mại: Crocs, Estée Lauder, H&M, Ikea, Imperial Brands, Inditex, Mothercare, Mondelez, Procter & Gamble, Unilever.

 

12. Vận chuyển: UPS, Fedex, Maersk, MSC Mediterranean Shipping Company.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-7ff4-08da134b583e_w650_r0_s.jpg

Hối suất Ruble/$US từ 28 tháng Giêng đến 29 tháng Ba.

 

HẬU QUẢ CỦA HÌNH PHẠT KINH TẾ

 

1. Đồng Ruble mất giá.

 

Vào 23-2-2022 hối suất Ruble / US Dollar là 81.277. Khi Putin xua quân Nga vào Ukraine, Ruble tiếp tục mất giá trong trong tuần lễ đầu. Một đồng Rub trị giá không tới 1 xu của USD. Ngân Hàng Trung Ương Nga phải can thiệp bằng cách tăng lãi xuất từ 9.5% lên đến 20% vào ngày 28-2-2022 nhưng đã không thành công. Đồng Rub tiếp tục mất giá trong hai tuần kế tiếp. Một USD có thể đổi được 142.64 Rub vào ngày 7-3-2022. Chính quyền Nga đã phải thi hành một số biện pháp khác để nâng giá đồng Rub như bắt buộc những công ty xuất cảng dầu khí chỉ được giữ 20% ngoại tệ, đổi số tiền còn lại qua Rub. Dự trữ ngoại tệ thường được dùng để bảo vệ đồng bạc nội địa, nhưng dự trữ ngoại tệ tổng cộng khoảng $640 tỉ để ở các ngân hang ngoại quốc đã bị đóng băng. Nga có một số vàng dự trữ đáng kể. Tuy nhiên vàng không thể dùng để bảo vệ đồng Rub vì hiện nay chính quyền Nga không thể bán vàng lấy USD, Euro, hay Yen.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-9a97-08da134b8163_w650_r0_s.jpg

Lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Nga.

 

2. Thị trường chứng khoán

 

Vào ngày 24-2-2022, khi Nga xâm lược Ukraine, chỉ số chứng khoán mất 1/3 giá trị. Khi các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng, đồng Rub phá sản, thị trường chứng khoán Nga buộc phải đóng cửa. Đúng một tháng sau, vào ngày 24-3-2022, thị trường chứng khoán của Nga mở cửa lại, 4 giờ mỗi ngày, nhưng chỉ có 33 trong số vài trăm chứng khoán được phép mua bán với nhiều giới hạn. Những người đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Nga nhưng hiện nay không được bán cổ phần của họ cũng như không được bán Rub để đổi lấy USD.

 

3. Kỹ nghệ hàng không

 

Trước đây hãng hàng không quốc doanh Aeroflot có những chuyến bay đến 146 địa điểm khác nhau. Kể từ ngày chiến tranh xâm lược xẩy ra, công ty này giảm bớt một nửa số đường bay vì hai lý do: (1) Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, và Anh không cho máy bay Nga bay qua không phận của họ; (2) Máy bay Nga sẽ bị tịch thâu vì cấm vận. Phi cơ Nga không những bị cấm bay đến Âu Châu và Bắc Mỹ. mà còn không thể đến những địa điểm phải bay qua không phận bị cấm.

 

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, công ty hàng không Nga bay phi cơ làm tại Nga và những công ty hàng không Tây phương dùng phi cơ sản xuất ở phương Tây. Nhưng trên 30 năm qua, kỹ nghệ hàng không thế giới hoàn toàn kết hợp. Các công ty hàng không Nga ngày nay sử dụng phần lớn phi cơ của Boeing và Airbus. Theo luật cấm vận, Boeing và Airbus không được phép cung cấp dịch vụ bảo trì và thiết bị phi cơ cho công ty hàng không Nga. Do đó, các công ty hàng không Nga sẽ phải đối phó với sự an toàn và thiếu máy bay ngay cả cho những đường bay quốc nội. Không thể mua phụ tùng mới, các công ty Nga sẽ phải hi sinh một số máy bay để lấy phụ tùng cũ ra thay thế.

 

Ngoài ra, các công ty hàng không Nga còn thuê của các hãng cho mướn ở Âu châu khoảng 500 phi cơ, chiếm khoảng 80% tổng số phi cơ. Cũng theo luật cấm vận, các công ty cho mướn phi cơ đến ngày 28-3-2022 phải hủy bỏ tất cả hợp đồng cho thuê và thu hồi những phi cơ này. Cho tới này các hãng cho thuê phi cơ đã lấy lại vài chục chiếc. Số phi cơ còn lại vẫn còn nằm trên đất Nga. Chính quyền Nga xem ra không chịu trả lại những phi cơ đang thuê mướn.

 

Quả thật, kỹ nghệ hàng không Nga đang gặp khá nhiều khó khăn, nhưng chưa hết. Do hậu quả của cấm vận, các công ty hàng không Nga bị cắt đứt mọi tiếp cận với ngân hàng Tây phương và hệ thống mua vé. Hành khách không thể sử dụng những thẻ tín dụng như Visa, MasterCard, hay American Express để thanh toán chi phí.

 

4. Kỹ nghệ dầu khí.

 

Nga là một nước sản xuất và xuất cảng dầu thô nhiều thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Saudi Arabia theo U.S. Energy Information Administration. Nga cũng là một nước sản xuất khí đốt lớn thứ nhì sau Hoa Kỳ nhưng là một nước có số lượng dự trữ và xuất cảng khí đốt lớn nhất thế giới. Dầu và khí đốt xuất cảng là nguồn lơi tức lớn của Nga. Trong năm 2021, lợi tức dầu khí chiếm 45% ngân sách quốc gia. Ngoài ra, Nga còn là nước sản xuất lớn thứ nhì về than và nước xuất cảng nhiều than thứ ba trên thế giới.

 

Vào ngày 8-3-2022, chính quyền Biden đã quyết định cấm nhập cảng dầu, khí đốt và than của Nga. Năm vừa qua, Hoa Kỳ đã nhập cảng gần 700,000 thùng dầu thô và dầu tinh luyện của Nga mỗi ngày. khoảng 3% tổng số dầu Hoa Kỳ nhập cảng vào 2021. Theo Nhà Trắng, quyết định này sẽ ngưng cung ứng cho Nga hàng tỉ Mỹ kim để tài trợ chiến tranh ở Ukraine. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng ngăn cấp công ty Hoa Kỳ đầu tư mới vào khu vực năng lượng của Nga và tài trợ những công ty ngoại quốc đầu tư để sản xuất năng lượng ở Nga.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-2cee-08da134ba43a_w650_r0_s.jpg

Giá dầu thô thế giới, 4/2021 - 3/2022.

 

5. Lạm phát và suy thoái kinh tế

 

Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs, một công ty đầu tư và dịch vụ tài chánh đa quốc gia, kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm 2022. Đây là một suy thoái lớn nhất kể từ thời kỳ đen tối vào đầu thập niên 1990. Trước khi có chiến tranh xâm lăng, kinh tế Nga dự trù tăng 2%. Mức lạm phát ở Nga sẽ tăng lên đến 20% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, một cư dân ở Moscow cho biết giá đã tăng 20% - 30%. Xuất khẩu và nhập cảng sẽ giảm 10% và 20%.

Dầu xuất cảng, một nguồn lợi tức chính của Nga, có thể giảm xuống còn 3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương với 38% mức xuất cảng trước chiến tranh.

 

Cấm vận của thế giới không những ảnh hưởng đến kinh tế của Nga mà còn gây ra những thiệt hại cho dân Nga. Alexey Skripko, một cư dân ở Moscow, đã nhanh chóng mua được một máy computer khá tốt để bàn với giá 70,000 rubles (khoảng $1,000). Ngày hôm sau, giá chiếc máy này là khoảng 90,000 rubles. Bây giờ hơn 100,000. Ít lâu sau ông Skripko và gia đình đã chạy qua Armenia vì lo sợ chiến tranh do Tổng Thống Putin gây ra.

 

Konstantin Sonin, giáo sư kinh tế gốc Nga tại University of Chicago, cho hay giá đường tăng 37% ở một vài vùng và trung bình 14% trên toàn quốc trong tuần lễ kết thúc vào 18-3-2022. Một vài nơi đã xẩy ra xô xát giữa những người tiêu thụ vì dành mua đường. Chính phủ Nga đã phải cấm xuất cảng đường.

 

KẾT LUẬN

 

Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có một kế hoạch cấm vận quy mô và khốc liệt như đang áp dụng vào Nga. Giáo Sư và Kinh Tế Gia Tiệp Tomas Sedlacek nhận xét rằng “Những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga rất thành công, rất nhanh chóng. Đáng kể hơn hết đây là một thông điệp căn bản rằng toàn thế giới, thế giới Tây phương tiến bộ sẵn sàng và đoàn kết để tấn công với võ khí kinh tế bởi vì đây là cách những quốc gia văn minh phát động một cuộc chiến tranh - nếu cần thiết. Họ không giết nhau nhưng tiến hành một chiến tranh kinh tế và chiến tranh kinh tế này đang có lợi cho chúng ta.”

 

Nga sẽ không thể gia nhập vào thế giới văn minh như GS Tomas Sedlacek nói để tiến bộ nếu những nhà lãnh đạo Nga không từ bỏ tư duy độc đoán hun đúc hàng thế kỷ từ thời Nga Hoàng qua Liên Xô. Hi vọng chế độ Putin sẽ sớm cáo chung và một trào lưu dân chủ thực sự sẽ ngoi lên ở Nga và sẽ mang lại hòa bình cho Âu Châu và thế giới. Vài quốc gia chư hầu trung thành mới của Putin sẽ rơi rụng tả tơi.

 

--------------

THAM KHẢO

 

1. Sergey Aleksashenko, “How much damage will sanctions do to Russia?” Aljazeera, March 3, 2022.

 

2. BBC, “Ukraine: What sanctions are being imposed on Russia?” March 24, 2022.

 

3. CIA World Book, “Russian economy,” March 10, 2022.

 

4. CNN Business staff, “Here are the companies pulling back from Russia,” CNN, March 15, 2022.

 

5. Bill Chappell, “Russia’s central bank doubles a key interest rate as sanctions spark economic turmoil,” NPR, February 28, 2022.

 

6. Max Fisher, “Russia’s other contest with the West: Economic endurance,” The New York Time, March 9, 2022.

 

7. Stephen Gadel, Jason Karaian,”Who’s buying stocks?” The New York Times, March 26, 2022.

 

8. Nicholas Gordon, “Russia’s flag carrier, Aeroflot, is canceling its international flights to stop foreign governments seizing its planes,” Fortune, March 7, 2022.

 

9. Julie Johnson, Danny Lee, “Owners fear planes ‘are gone forever’ after Russia shields them from seizure,” Bloomberg, March 8, 2022.

 

10. Jim Puzzanghera, “It’s going down the drain: Sanctions are taking toll on Russia’s economy,” Boston Globe, March 26, 2022.

 

11. Harry Robertson, “Russia’s economy will shrink a huge 10% this year, Goldman Sachs says – Its worst construction since the dark days of the 1990s,” Business Insider, March 21, 2022.

 

12. Greg Rosalsky, “How sanctions are pining down the Russian economy,” NPR, March 8, 2022.

 

13. David Schaper, “Growing sanctions on Russia could cripple Russian airlines,” NPR, March 11, 2022.

 

14. Tomas Sedlacek, “I am proud of how fast the West agreed on sanctions,” english.radio.cz, March 03, 2022.

 

15. Alina Selyukh, “How everyday Russians are feeling the impact from sanctions,” NPR. March 2, 2022.

 

16. Huileng Tan, “Sanctioned Russian oligarch Mikhail Fridman says he is ‘practically under house arrest’ and has to eat at home as his credit cards have been blocked,” 17. Business Insider, March 29, 2022.

 

17. Derek Thompson, “Russia’s looming economic collapse,” The Atlantic, March 2, 2022.

18. Ben Walsh, “The unprecedented American sanctions on Russia, explained,” March 9, 2022.





UKRAINE, MỘT DÂN TỘC ĐẦY NGHỆ SĨ TÍNH (Đinh Yên Thảo)

 



Ukraine, một dân tộc đầy nghệ sĩ tính

Đinh Yên Thảo

01/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-m%E1%BB%99t-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BA%A7y-ngh%E1%BB%87-s%C4%A9-t%C3%ADnh-/6509863.html

 

Quốc ca Ukraine trong bối cảnh này chưa bao giờ ý nghĩa hơn vậy, khi tựa của bài hát là “Ukraine vẫn chưa diệt vong”. Giọng ca, khuôn mặt của Amelia một lần nữa lay động hàng triệu con tim đang hướng về Ukraine.

 

                                                        *

 

Chiến sự tại Ukraine bước vào tháng thứ nhì và vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi sự khốc liệt. Điều lạ thường ở cuộc chiến này là bên cạnh những tin tức chiến sự và thời cuộc liên quan hàng ngày trên các phương tiện truyền thông thế giới, những hình ảnh, những bản tin, các đoạn phim nhỏ đầy nghệ sĩ tính đã được người dân Ukraine đưa lên các trang mạng xã hội, tạo ra vô vàn cảm xúc và niềm hứng khởi cho người dân khắp thế giới và từ đó phong trào ủng hộ người dân Ukraine ngày càng mạnh mẽ hơn.

 

Trong những ngày đầu cuộc chiến Ukraine, nhiều người đã được xem một thước phim ngắn hay đọc mẩu tin truyền trên internet, ghi lại đoạn đối thoại của một cụ bà Ukraine can đảm đối chất thẳng cùng một người lính Nga mang đầy súng ống. Bà đưa anh ta nắm hạt hướng dương và bảo hãy bỏ vào túi mình để nếu có tử trận, hoa hướng dương sẽ mọc lên từ thân xác của tất cả những quân chiếm đóng, quân phát-xít sẽ nằm xuống trên mảnh đất của bà.

 

Hoa hướng dương vốn quen thuộc với nhiều người và được trồng tại nhiều quốc gia nhưng trước khi Nga xâm lấn Ukraine, không nhiều người biết đến loại hoa này là quốc hoa của Ukraine và cũng là quốc gia trồng và cung cấp dầu hạt hướng dương nhiều nhất nhì thế giới. Những người Slav từ các thế kỷ trước đã xem hoa hướng dương là biểu tượng dân gian về sự ấm áp và quyền năng của mặt trời. Nó thể hiện năng lượng, sự sống và cả sự hợp nhất, chống lại ma quỷ, điềm dữ và bệnh tật. Ðó là lý do trẻ em tại các vùng này thường mặc những áo quần có thêu hay đội các vòng hoa kết từ hướng dương trong những dịp lễ hội.

 

Và khi cuộc chiến xảy ra, cùng với màu cờ xanh-vàng của quốc kỳ Ukraine, hoa hướng dương trở thành một biểu tượng của sự kháng cự anh dũng và can đảm của người dân Ukraine, xuất hiện trong các hình ảnh, những cuộc tuần hành ủng hộ Ukraine, làm hình nền trên mạng xã hội của nhiều người như một biểu tượng đoàn kết và thể hiện khát vọng hòa bình, cũng như để phản đối chiến tranh. Những người phản chiến đã gắn đầy hoa hướng dương bên hàng rào các đại sứ quán của Nga tại một số quốc gia trên thế giới.

 

Màu cờ và hoa hướng dương là biểu tượng vật thể, tạo sự chú ý và mối quan tâm của thế giới đến cuộc chiến tự vệ không cân sức của Ukraine hiện nay. Ðiều quan trọng và đáng chú ý hơn là hầu như mọi giai tầng người dân Ukraine, từ vị tổng thống trẻ tuổi và đầy tư chất lãnh đạo, giới chính khách Ukraine cho đến những ca sĩ, hoa hậu và cả những người dân, em bé bình thường của dân tộc này cũng tạo ra những hiệu ứng cảm xúc cho thế giới qua những phát biểu, các tấm hình, thước phim cho thấy họ đang chống trả lại chiến tranh như thế nào.

 

Những phát biểu của Tổng Thống Volodymyr Zelensky trước các nghị viện quốc hội Châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh tạo được những cảm xúc lẫn hiệu quả to lớn. Các phát biểu của ông được giới chuyên gia đánh giá là xuất sắc cả trong ngôn từ sử dụng, kỹ thuật trình bày lẫn nội dung truyền tải, tạo thêm được sự ủng hộ đáng kể cho quốc gia mình cả về mặt chính trị, quân sự lẫn tinh thần. Những cam kết viện trợ vũ khí hay tài chánh gia tăng sau các phát biểu của ông, những lệnh chế tài, cấm vận Nga càng mạnh mẽ hơn, cho thấy dấu hiệu khối đồng minh hết lòng ủng hộ cá nhân ông và cả Ukraine.

 

Trên các trang mạng xã hội, những hoa hậu, người mẫu đăng hình cầm súng bảo vệ quốc gia. Những nhà vô địch thể thao lên tiếng phản đối hay tham gia vào quân đội. Hình ảnh những bà cụ đang nấu ăn, làm bánh mì hay thậm chí cầm súng đã lan tràn khắp nơi. Cho dù những điều này có thể mang yếu tố tâm lý nhưng chúng tạo ra hiệu quả khá cao khi các tấm ảnh, bản tin đầy cảm hứng như vậy được chia sẻ lại tràn ngập trên mạng xã hội, thu hút các bình luận, lưu tâm và sự ủng hộ dành cho họ nói riêng và cả đất nước Ukraine nói chung.

 

Ðoạn YouTube ghi cảnh cô bé Amelia Anisovych hát bản nhạc “Let it go” trong phim Disney dưới hầm trú bom tại Ukraine được nhiều cơ quan truyền thông lớn của thế giới đưa tin và trích lại, có hàng triệu người vào xem. Hồi tuần qua, tên của em lại ngập tràn trên các phương tiện truyền thông khi cô bé đang tị nạn tại Ba Lan lại xuất hiện trong một chương trình ca nhạc gây quỹ giúp người tị nạn và hát quốc ca Ukraine. Quốc ca Ukraine trong bối cảnh này chưa bao giờ ý nghĩa hơn vậy, khi tựa của bài hát là “Ukraine vẫn chưa diệt vong”. Giọng ca, khuôn mặt của Amelia một lần nữa lay động hàng triệu con tim đang hướng về Ukraine.

 

Cũng vậy, khi ca sĩ Bon Jovi tình cờ xem được mẩu video thu cảnh người dân tại thành phố Odessa đang gom cát chuẩn bị tuyến phòng ngự chống lại sự tấn công của quân Nga trong lúc đang nghe nhạc của ban nhạc này, anh chia sẻ lại trên tài khoản twitter của mình và có thêm hàng triệu người khác bày tỏ sự ủng hộ và thán phục.

 

Những clip phim ngắn các nghệ sĩ Ukraine chơi hồ cầm, vĩ cầm hay dương cầm giữa những đổ nát, điêu tàn của bom đạn Nga, clip phim nghe nhạc Bon Jovi khi đang dựng tuyến phòng thủ không chỉ làm xúc động người xem mà còn cho thấy nghệ sĩ tính cùng niềm hy vọng, lạc quan và tự tại của người dân Ukraine trước cuộc chiến tranh đầy chết chóc này.

 

Người ta tin rằng cuộc chiến phi nhân của Nga rồi sẽ thất bại và người dân Ukraine sẽ chiến thắng, cho dù phải trả một cái giá rất đắt với những đổ nát, điêu tàn và hàng ngàn người dân thiệt mạng. Bất luận thế nào, dân tộc Ukraine đã mang lại niềm cảm hứng cho nhiều dân tộc khác về tinh thần quả cảm, yêu nước thật sự là như thế nào.

 

Hoa hướng dương vẫn nở rộ trên đất nước Ukraine. Xin thanh bình sớm quay lại với dân tộc nghệ sĩ và đầy kiêu hùng này.





UKRAINE GIÚP THẾ GIỚI THỨC TỈNH (Ngô Nhân Dụng)

 



Ukraine giúp thế giới thức tỉnh

Ngô Nhân Dụng

31/03/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-gi%C3%BAp-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%A9c-t%E1%BB%89nh/6508418.html

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-392c-08da12819529_w650_r1_s.jpg

Quang cảnh đổ nát ở Kyiv.

 

Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức.

 

Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài gần bằng thời gian quân Thanh đánh Việt Nam năm Kỷ Dậu. Quân Thanh chiếm được Thăng Long; còn quân Nga bao vây thủ đô Kyiv cả tháng trời, mới tuyên bố sẽ rút đi. Vladimir Putin sẽ thất bại như Càn Long thời trước. Sẽ không có cảnh quan quân nhà Thanh tháo chạy “sập cầu trôi đầy sông” nhưng hình ảnh một đoàn quân xa Nga với thiết giáp cùng đại pháo tắc nghẽn trên quãng đường dài 60 cây số suốt bốn ngày sẽ ghi mãi trong lịch sử. Với 40,000 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, 15,000 lính tử trận, trong đó có bảy tướng lãnh, quân Nga cũng thiệt hại nặng như quân Thanh năm 1789.

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với báo Economist, “Bọn xâm lược không bận tâm đến những binh sĩ tử trận; đó là điều tôi không hiểu nổi. [Vladimir Putin] đẩy đám lính ra trận như ném củi gỗ vào trong lò đầu máy xe lửa. Xác chết bỏ mặc trên đường phố không lo chôn cất.”

 

Zelensky ca ngợi quân đội Ukraine ở thành phố Mariupol, “sau 31 ngày bị vây hãm và pháo kích, họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Không phải vì họ được lệnh của Ông Zelensky mà vì họ ở lại để chôn cất các đồng đội tử trận và cứu những người bị thương...” Ông kết luận, “Đó là điều căn bản cho thấy hai phía trong cuộc chiến nhìn thế giới khác biệt với nhau thế nào.”

 

Cuộc chiến Ukraine, cuối cùng, là cuộc chiến giữa hai cách nhìn thế giới. Một bên tôn trọng giá trị của con người. Bên kia coi dân và lính như những dụng cụ vô hồn để đạt tham vọng quyền lực. Một bên chọn tự do dân chủ. Bên kia chuyên chế độc tài. Một bên thiện, một bên ác. Dân Ukraine đang làm gương cho nhân loại cùng thấy: Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng làm người?

 

Báo Economist kể chuyện anh Sasha, một người dân thủ đô Kyiv. Ngày quân Nga bắt đầu tấn công, anh nghe tiếng đại pháo nã vào phi trường Hostomel. Sasha lái xe đưa vợ và hai con ra khỏi thành phố, đi về phía biên giới. Vợ con chạy qua Ba Lan rồi, anh lái xe trở về Kyiv để chiến đấu. “Nếu tôi không quay về,” Sasha nói, “Tôi sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt các con tôi nữa.”

 

Loài người khắp nơi nức lòng chứng kiến những hình ảnh dũng cảm của dân Ukraine qua các mạng xã hội. Những thường dân Ukraine phất lá quốc kỳ leo lên trên các xe thiết giáp Nga. Hình ảnh dân Ukraine chơi nhạc giữa cuộc chiến tranh đáng nhớ nhất. Những giai điệu cất lên vừa có vẻ hư ảo, vừa bày tỏ chí bất khuất, vừa bình dị vừa ngạo nghễ.

 

Nhật báo The Washington Post tả cảnh một em bé gái đứng trong hầm tránh bom, hát bài “Let It Go” trong một phim của hãng Disney. Một nhạc sĩ hồ cầm (cello) ngồi trình tấu giữa các ngôi nhà đổ nát. Cả một ban nhạc mặc đồ lính trận cùng trình diễn với ca sĩ Ed Sheeran. Ở thành phố Kharkiv đã bị quân Nga bủa vây hàng tháng, video chiếu hình một ông mặc cái áo trùm đầu đứng hát trong ga xe điện ngầm. Những người tị nạn trong hầm trú ẩn đứng nghe rồi lần lượt hát theo, giống như trong một giáo đường.

 

Nhạc sĩ Sviatoslav Vakarchuk, biệt hiệu Slava, dẫn đầu ban nhạc Okean Elzy (Đại Dương Elza), là ban nhạc “Rock” nổi tiếng nhất nước. Ông đã đậu PhD về Vật lý học Lý thuyết, đã học thêm ở các Đại học Mỹ như Stanford và Yale, hai lần làm đại biểu quốc hội nhưng giã từ chính trị. Vakarchuk đang vào các bệnh viện hát cho thương binh nghe; hát trong các nơi tụ họp người tị nạn nghe, từ Kharkiv tới Lviv.

 

Thành phố hải cảng Odessa đã bị quân Nga tấn công ngay từ đầu, trên bộ và từ ngoài biển. Ban đồng ca đại nhạc kịch Odessa đứng ngoài trời hát opera của Verdi.

 

Đài BBC thuật lời Olexandr Proletarskyi, một nhà phê bình sân khấu ở Odessa: “Âm nhạc là đời sống. Khi không còn âm nhạc nữa, cái gì cũng có thể xảy ra. Âm nhạc là một phương pháp bảo vệ cái tâm mình. Tại thành phố bên bờ Hắc Hải này, các quán trên bờ biển, các tiệm ăn có hòa nhạc, các tiệm làm móng tay vẫn mở cửa, chứng tỏ người dân tự tin họ sẽ thắng.

 

Alexander Hodosevich, một tay trống trong ban nhạc ở quán “More Music club” nói: “Tôi thấy thành phố đang sống lại. Người ta đã bớt sợ. Dân chúng tin quân đội sẽ bảo vệ họ, họ cảm thấy bình an. Tôi không tin quân Nga có thể thắng.” Quán nhạc More Music mới mở cửa trở lại, trình diễn nhạc sống mỗi buổi chiều cho khách nghe trước giờ giới nghiêm phải về nhà. Người dân tin tưởng vì trong lịch sử nhiều đế quốc đã muốn đánh chiếm Odessa nhưng đều thất bại.

 

Odessa có một địa đạo dài 2,500 cây số, đào trong hai lần đại chiến thế giới thế kỷ trước, bây giờ lại được quét dọn để làm “hầm trú ẩn” tránh bom và pháo kích. Những tấm nệm, thực phẩm khô, chất đống trong những góc hầm tối tăm. Ông Maxim Baranestski, nhà sử học 46 tuổi, nhìn ra những chữ viết trên tường của dân tị nạn từ thời 1940. Ông chiếu đèn pin lên mặt tường đá cho thấy khẩu hiệu ‘Diệt Phát xít’ cho phóng viên BBC đọc.”

 

Cuối cùng, Thiện sẽ thắng Ác. Dân Ukraine đang chiến đấu cho cả loài người. Ông Andriy Yermak, một người bạn đang làm chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky nói với báo Economist, “Ukraine cần đứng vững và tồn tại. Nếu không, Putin sẽ không bao giờ ngừng.”

 

Tới giờ Putin vẫn chưa ngừng. Cuộc chiến còn tiếp tục. Quân Nga có thể phá nát các thành phố của Ukraine ở hai tỉnh phía Đông trong vùng Donbas, làm áp lực khi mặc cả chính sách ngoại giao của Ukraine đối với Âu châu và NATO trong tương lai.

 

Putin có thể chọn giải pháp ngưng bắn nhưng không rút quân, Ukraine sẽ bị chia cắt như Moldova và Georgia. Moldova đã mất Transnistria, Georgia mất Ossetia và Abkhazia, cả ba vùng “ly khai” đều còn quân Nga chiếm đóng. Ngày 30 tháng Ba, Anatoly Bibilov, tổng thống nước “Cộng Hòa Ossetia” tuyên bố sẽ bắt đầu các thủ tục để gia nhập Liên bang Nga. Putin có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý gian lận, cho vùng này gia nhập Liên bang Nga. Vladimir Putin có thể tuyên bố với dân chúng rằng Nga đã thắng lớn! Nhưng sau đó sẽ phải gánh chịu việc tái thiết và cai trị vùng Donbas, kinh tế Nga khó lòng chịu đựng nổi. Và dân Ukraine sẽ không để yên cho ông Putin ca khúc khải hoàn.

 

Tổng thống Volodymir Zelensky chắc chưa hề đọc lịch sử Việt Nam, nhưng đã hành động giống như Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tổ và Quang Trung. Sau khi đã đánh bại các đoàn quân xâm lược, cả ba vị vua Việt Nam đều “dâng biểu cầu hòa.” Như Nguyễn Trãi giải thích trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.”

 

Suốt một tháng qua, ông Zelensky cũng luôn luôn cầu hòa, cho dân đỡ khổ. Ông đã nói với một nhà báo Nga: “Tôi hiểu không thể đánh cho quân Nga phải rút hết khỏi vùng Donbas.” Zelensky còn nói, “Đất đai quan trọng thật, nhưng cũng chỉ là đất đai thôi,” theo báo Economist.

 

Nhưng trước đó, Zelensky từng tuyên bố không chấp nhận để mất một mảnh đất nào của Ukraine. Bây giờ nếu ông muốn nhượng bộ thì dân chúng và quân đội sẽ phản đối. Quân đội và dân Ukraine đã chứng tỏ tinh thần dũng cảm và khả năng chiến đấu của họ. Sau một tháng cầm cự, được viện trợ thêm nhiều vũ khí mới, họ sẽ tiếp tục bền bỉ tấn công những đám quân Nga còn đóng lại, không bao giờ để yên. Hiện nay khối NATO và Mỹ chỉ giúp các vũ khí phòng ngự, nhưng trong tương lai các nước cộng sản Đông Âu cũ có thể gửi thêm các hỏa tiễn, thiết giáp và phi cơ chiến đấu do Nga sản xuất mà quân Ukraine quen sử dụng.

 

Dù Putin theo đường nào trong ba giải pháp trên, Zelensky cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nước tự do dân chủ phong toả kinh tế Nga – cho đến khi Putin rút hết quân về. Chính phủ Anh mới lập lại điều kiện đó: “Chỉ ngưng cấm vận khi Nga rút hết quân khỏi Ukraine.” Mỹ và các nước NATO cũng vậy; sẽ được các nước khác ủng hộ, từ Nhật Bản, Australia, đến Thụy Sĩ, Singapore.

 

Dân Nga đã bắt đầu thấm đòn cấm vận. Các ngân hàng thiếu ngoại tệ, các công ty ngoại quốc bỏ đi, hàng nhập cảng cạn dần, giá sinh hoạt tăng 15% và còn tăng mãi. Công ty nghiên cứu thị trường S&P tiên đoán trong năm nay kinh tế Nga sẽ sụt giảm 22%.

 

Trước đây thế giới đã đứng ngoài, để yên cho Putin đánh, chiếm đất đai của Georgia, Moldova từ năm 2008. Sau đó năm 2014 cũng chỉ trừng phạt nhẹ nhàng khi Putin chiếm Crimea của Ukraine. Thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” này chỉ khiến Putin nuôi thêm tham vọng phiêu lưu, bành trướng. Bây giờ Mỹ, các nước Âu châu nhất là Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Hungary, các nước Á châu như Nhật Bản, Australia, chắc đồng ý phải duy trì áp lực.

 

Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức. Họ đang chịu thống khổ, nhưng đứng vững không khuỵu chân nên khiến loài người cùng thức tỉnh. Cần bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Ukraine để xác định lại quy tắc: Không một nước nào được đánh, chiếm, chia cắt đất đai của một nước nào khác.








TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ UKRAINE NGÀY 31/3/2022 (VOA Tiếng Việt)

 



 

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ UKRAINE NGÀY 31/3/2022    

VOA Tiếng Việt

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ukraine-xung-dot/6456674.html

 

Quan chức quân sự Ukraine : Nga đổi chiến thuật sang tấn công từ xa quanh    

 

Kyiv

Các lực lượng Nga xung quanh Kyiv đã mất khả năng tấn công và đang thay đổi chiến thuật để thiên về các cuộc tấn công tầm xa, thay vì giao tranh trực tiếp, phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng trên bộ của Ukraine cho biết hôm thứ Năm 31/3.

 

Trong một bài phát biểu được ghi hình và đăng lên mạng nói về việc phòng thủ của thủ đô Kyiv, Phó Tổng tham mưu trưởng Oleksandr Gruzevich đưa ra nhận định: "Kẻ địch gần như đã cạn kiệt tiềm lực tấn công, nhưng những lực lượng còn lại xung quanh Kyiv không hề nhỏ đâu".

 

Trong một diễn biến khác, các lực lượng Ukraine đang chuẩn bị đánh trả các cuộc tấn công mới của Nga ở miền đông đất nước vì Moscow dồn quân ở đó sau khi hứng chịu thất bại ở gần thủ đô Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm 30/3.

 

Ông Zelenskyy nói thêm rằng Ukraine chứng kiến việc Nga “tăng cường lực lượng cho các cuộc tấn công mới vào Donbass” và “chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó”.

(Reuters)

 

----------------

16:1231.3.2022

Ukraine chiếm lại con đường quan trọng ở Kharkiv

Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga khỏi một đường cao tốc bên ngoài thành phố lớn thứ hai đất nước là Kharkiv, và đang dọn dẹp đống đổ nát những chiếc xe bị đốt cháy.

Diễn biến này xảy ra sau khi Moscow cho biết họ sẽ tập trung nỗ lực quân sự để chiếm giữ khu vực Donbass ở miền đông Ukraine, vốn nằm giáp với phía nam Kharkiv.

 

Các nhà báo AFP cách Kharkiv khoảng 4 km về phía đông đã nhìn thấy những chiếc xe dân sự bị bỏ rơi với những lỗ đạn trên thân nằm vương vãi trên nhiều làn đường của đường cao tốc và xác chết của những binh lính Nga trên một bờ kè cạnh con đường.

 

“Con đường đã hứng chịu hỏa lực của quân Nga khiến thường dân thiệt mạng. Chúng tôi đã đẩy họ lùi xa hơn khoảng 10 km về phía bắc,” một tư lệnh thuộc lữ đoàn 92 của quân đội Ukraine nói với AFP tại hiện trường.

 

“Con đường hiện đã mở, nó đã được giải phóng,” ông nói, thêm rằng khu vực này hiện đang được gỡ mìn và các dịch vụ công trong thành phố đã bắt đầu nối lại hoạt động.

 

Con đường trở nên yên tĩnh vào sáng 30/3 và máy móc đang làm việc để dọn dẹp xe cộ bị bỏ hoang và bị phá hỏng.

 

Con đường nối Kharkiv với thị trấn nhỏ Chuguiv - với dân số trước chiến tranh khoảng 30.000 người – nẳm cách 50km về phía đông nam.

 

“Xác lính Nga nằm rải rác khắp nơi. Giao tranh thực sự quyết liệt, đôi khi chúng tôi chỉ cách nhau 10 mét,” một sĩ quan tình báo Ukraine tại hiện trường nói với AFP.

 

“Những người lính Nga là những thanh niên kiệt sức, đói khát. Họ đã cướp bóc nhà cửa khắp khu vực. Có khoảng 120 lính Nga ở đây và chúng tôi đã bắt giữ khoảng 40 tù nhân,” ông nói thêm.

 

Thi thể của 5 lính Nga nằm gần đó trên một ngọn đồi. Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân được tìm thấy cho thấy họ ở trong độ tuổi 19-23.

(AFP)

 

----------------------

15:4431.3.2022

XEM THÊM:

Chính quyền Biden xem xét tung ra số lượng dầu dự trữ lớn nhất từ trước đến nay

 

Chính quyền Biden đang xem xét tung ra tới 180 triệu thùng dầu trong vài tháng từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), bốn nguồn tin của Mỹ cho biết hôm 30/3, vào lúc Nhà Trắng tìm cách giảm giá nhiên liệu

 

------------------

14:5131.3.2022

Zelenskyy kêu gọi Úc trừng phạt Nga nặng tay hơn

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với Quốc hội Úc hôm 31/3 rằng các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga là cần thiết để tăng áp lực lên Moscow về cuộc xâm lược đất nước ông.

Úc đã cung cấp thiết bị quốc phòng và vật tư nhân đạo cho Ukraine, cũng như áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nhôm và quặng nhôm, bao gồm cả bauxite, sang Nga.

(Reuters)

 

-------------------------

 14:42 31.3.2022

https://gdb.voanews.com/02660000-0aff-0242-8571-08da10fbdd9d_w650_r1_s.jpg

Khung cảnh đổ nát trước một khu chúng cư ở Mariupol hôm 27/3

 

----------------------------

14:2831.3.2022

Đoàn xe buýt cứu trợ của Ukraine đang trên đường đến Mariupol

Một đoàn xe buýt Ukraine đã lên đường đến thành phố cảng Mariupol ở miền nam hôm 31/3 để cố gắng chuyển hàng viện trợ nhân đạo và đưa dân thường bị mắc kẹt ra ngoài, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết.

 

Bà cho biết 45 xe buýt đang trên đường đến Mariupol sau khi Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế xác nhận Nga đã đồng ý mở một hành lang an toàn.

 

Thị trưởng thành phố trong tuần này nói rằng có tới 170.000 cư dân bị mắc kẹt ở Mariupol mà không có điện và nguồn cung cấp cạn kiệt.

 

"Có 45 xe buýt đang trên đường đến Mariupol,” bà Vereshchuk nói trong một thông báo.

(Reuters)

 

--------------------

14:2031.3.2022

Moscow bị cáo buộc ‘cưỡng ép sơ tán người dân Mariupol đến Nga’

Thành phố Mariupol đang bị quân Nga bao vây hôm 30/3 đã lên án việc cưỡng ép một bệnh viện phụ sản sơ tán đến Nga.

 

“Hơn 70 người, phụ nữ và nhân viên y tế thuộc bệnh viện phụ sản số 2 thuộc quận tả ngạn đã bị quân chiếm đóng dùng vũ lực đưa đi,” văn phòng thị trưởng Mariupol cho biết trên Telegram.

 

Hơn 20.000 cư dân Mariupol đã bị ép buộc đi đến Nga, nơi giấy tờ tùy thân của họ bị tịch thu rồi sau đó được đưa đến các thành phố xa xôi của Nga, văn phòng thị trưởng cho biết.

Thông tin này không thể được xác minh độc lập vì Mariupol đã bị bao vây và bắn phá dữ dội kể từ cuối tháng 2 và thông tin liên lạc phần lớn bị cắt đứt.

 

Ước tính khoảng 160.000 thường dân vẫn còn mắc kẹt trong thành phố khi mà giao tranh và bắn phá dữ dội đã biến thành phố thành địa ngục.

 

Những người dân trốn được ra ngoài nói với AFP rằng họ đã sống trong nhiều tuần trong các hầm trú bom dưới tầng hầm mà không có điện, thiếu thức ăn và nước uống.

(AFP)

 

--------------------

13:5031.3.2022

Điện Kremlin ra dấu muốn các sản phẩm xuất khẩu chính của Nga được giao dịch bằng rúp

Trong tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị cho phản ứng thậm chí còn cứng rắn hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà lập pháp hàng đầu của nước này hôm 30/3 đã gợi ý rằng gần như toàn bộ năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga có thể sớm được định giá bằng đồng rúp.

 

Khi được hỏi về phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vyacheslav Volodin, phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: “Đây là ý tưởng chắc chắn cần được nghiên cứu.”

 

“Ý tưởng cũng có thể được triển khai ra,” ông Peskov nói về đề xuất này.

 

Ông Peskov nói rằng vai trò của đồng đô la Mỹ như đồng tiền dự trữ toàn cầu đã bị ảnh hưởng, và rằng động thái định giá các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga bằng đồng rúp sẽ là ‘vì lợi ích của chúng tôi và lợi ích của các đối tác của chúng tôi’.

 

“Nếu quý vị muốn có khí đốt, hãy tìm đồng rúp,” ông Volodin nói trên Telegram. “Hơn nữa, sẽ là việc làm đúng - ở những chỗ có lợi cho đất nước - khi mở rộng danh sách các sản phẩm xuất khẩu định giá bằng đồng rúp bao gồm: phân bón, ngũ cốc, dầu ăn, dầu, than, kim loại, gỗ…”

(Reuters)

 

                                                      TẢI THÊM