Sunday, October 24, 2021

NGƯỜI THIỂU SỐ Ở MỸ LÀ MỤC TIÊU CỦA KẺ GIAN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 (Thiện Lê / Người Việt)

 


 

Người thiểu số ở Mỹ là mục tiêu của kẻ gian trong đại dịch COVID-19

Thiện Lê/Người Việt

October 24, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nguoi-thieu-so-o-my-la-muc-tieu-cua-ke-gian-trong-dai-dich-covid-19/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ thường là mục tiêu của nhiều kẻ gian muốn lường gạt bằng nhiều cách. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, đẩy nhiều người vào đường cùng, trong lúc kẻ gian lại tìm cách lường gạt họ từ tiền nhà đến xe cộ hay các vấn đề liên quan đến ngân hàng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/DP-luong-gat-nguoi-tieu-dung-thieu-so-1-1068x712.jpg

Cộng đồng gốc Phi Châu là mục tiêu của nhiều vụ lường gạt. (Hình minh họa: Kamil Krzaczynski/AFP via Getty Images)

 

Để nói về những ảnh hưởng của lường gạt người tiêu dùng thiểu số, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời hai chuyên gia của Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC) dự hội thảo hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Mười.

 

Diễn giả đầu tiên là bà Monica Vaca, quyền phó giám đốc của Cục Bảo Vệ Người Tiêu Dùng thuộc FTC.

 

Bà Vaca cho biết nhiệm vụ của FTC là bảo vệ tất cả người tiêu dùng trong bất cứ tình huống nào, và mục đích hai chuyên gia của FTC dự hội thảo của EMS là để nói về báo cáo “Phục Vụ Cộng Đồng Da Màu” mới phát hành.

 

Theo bà, báo cáo này tuy mới, nhưng chỉ là một bản cập nhật những thông tin mà FTC lấy được trong năm năm vừa qua để nói về những thiếu sót trong bảo vệ các cộng đồng thiểu số, trong đó có thi hành luật pháp, tiếp xúc với các cộng đồng đó và nghiên cứu.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/Mexican-1068x712.jpg

Cộng đồng Latino, ngoài bị giả dạng, họ còn bị lường gạt rất nhiều về cơ hội làm ăn và việc làm. (Hình minh họa: PATRICK T. FALLON/AFP via Getty Images)

 

Bà Vaca nói về ba vụ lường gạt xảy ra gần đây nhất để giải thích cách FTC bảo vệ người tiêu dùng, và đây là những trường hợp mà người thiểu số bị lường gạt.

 

Sự việc đầu tiên là đại lý xe hơi Bronx Honda ở New York tính phí tài chánh cao hơn cho người gốc Phi Châu và Hispanic. Không chỉ vậy, đại lý này còn không bán xe theo giá được giảm như trên quảng cáo, và còn sửa giá lại trên giấy tờ nhưng không nói với khách hàng.

 

FTC bắt đại lý xe đó hoàn tiền lại cho 3,977 nạn nhân, trung bình $371 cho từng người.

Sự việc thứ hai là cách tài xế của dịch vụ giao hàng Amazon Flex bị tập đoàn Amazon lấy tiền tip từ khách hàng.

 

Amazon Flex là dịch vụ giao hàng quan tài xế trung gian. Các tài xế sẽ dùng xe của mình để giao hàng cho Amazon, và “nhận được 100% tiền tip” theo quy định.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/DP-luong-gat-nguoi-tieu-dung-thieu-so-2.jpg

Bà Monica Vaca và Rosario Mendes, hai đại diện FTC. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

 

Tuy nhiên, trong năm 2016, Amazon giảm lương theo giờ của các tài xế lại. Bình thường, họ có thể kiếm được từ $18 đến $25/giờ, nhưng Amazon giảm lương của họ mà không báo.

 

Sau đó, tập đoàn này dùng tiền tip của khách hàng để bù vào tiền lương bị giảm của các tài xế để đủ mức lương trước khi giảm. Điều đó làm tài xế của Amazon Flex bị mất đến tổng cộng $61.7 triệu tiền tip.

 

Sau khi bị FTC kiện, Amazon phải trả số tiền tip nói trên cho các tài xế của Amazon Flex, và bị cấm thay đổi cách sử dụng tiền tip của họ.

 

Vụ lường gạt thứ ba có tên “Blessings in No Time” là một kiểu lường gạt đa cấp nhắm vào cộng đồng gốc Phi Châu ở tiểu bang Arkansas.

 

Kẻ gian kêu gọi người tiêu dùng đầu tư tiền vào một món đồ cầu nguyện, và cho hay họ có thể kiếm được tiền lời lên đến 800%.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/Lua-Xe-Hoi-1068x649.jpg

Các cộng đồng thiểu số thường bị lường gạt liên quan đến mua xe hơi. (Hình minh họa: MARK RALSTON/AFP via Getty Images)

 

Đơn kiện gồm có BINT Operations LLC ở Texas, LaShonda Moore, và Marlon Moore là công và những người có liên quan đến vụ lường gạt này.

 

FTC khuyến cáo cư dân nên cẩn thận trước những lường gạt đầu tư đa cấp như vậy, và sẽ tìm cách giúp họ lấy lại tiền.

 

Diễn giả thứ hai là Luật Sư Rosario Mendes, thuộc ban giáo dục doanh nghiệp và người tiêu dùng của FTC, đưa ra những thông số về các cộng đồng thiểu số bị lường gạt.

Cộng đổng gốc Phi Châu bị lường gạt thẻ tín dụng nhiều nhất, còn cộng đồng Latino thì bị lường gạt theo kiểu giả dạng nhiều nhất.

 

Đối với cộng đồng Latino, ngoài bị giả dạng, họ còn bị lường gạt rất nhiều về cơ hội làm ăn và việc làm. Kẻ gian nói họ phải trả một số tiền cho công ty cần tuyển họ, và không được bảo vệ.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/DP-luong-gat-nguoi-tieu-dung-thieu-so-4-1068x712.jpg

Các sản phẩm về sức khỏe cũng là một cách lường gạt. (Hình minh họa: Kena Betancur/AFP via Getty Images)

 

Vì nhiều lý do, cộng đồng này không dám báo cáo mình bị lường gạt cho cảnh sát, cho chính quyền địa phương hay báo cho FTC.

 

Về cộng đồng gốc Phi Châu, bà Mendes cho biết ngoài bị lường gạt về thẻ tín dụng, họ còn bị lường gạt về mua xe hơi cũ và về nợ học phí sinh viên. Cộng đồng này cũng bị lường gạt đa cấp vì nghĩ đó là cơ hội kiếm tiền.

 

Cộng đồng Á Châu và thổ dân Hoa Kỳ cũng là nạn nhân của nhiều vụ lường gạt. Họ thường bị lường gạt về các sản phẩm sức khỏe, về lãi suất mua xe hơi. Vì vậy, cộng đồng này cần có những nguồn lực đáng tin cậy để bảo vệ họ.

 

Cuối cùng, hai diễn giả cho biết các cộng đồng có thể tự bảo vệ mình bằng cách đọc những tài liệu hay sách vở liên quan đến lường gạt.

 

Hai nguồn thông tin đáng tin cậy là hai trang web của chính phủ gồm consumer.gov và ftc.gov. Người tiêu dùng sẽ đọc được nhiều thông tin quan trọng ở hai trang web này.

 

Ngoài ra, nếu cảm thấy mình bị lường gạt, người tiêu dùng có thể báo cáo với FTC qua trang web reportfraud.ftc.gov. [kn]

 

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com




No comments: