Monday, August 3, 2020

TRONG DỊCH BỆNH COVID-19, THI PTTH ĐỂ LÀM GÌ? (Hiệu Minh)



NỘI DUNG :

 

Tại sao phải đưa học sinh ra làm mồi nhử cho dịch bệnh hả các ông Bộ Giáo dục?   

Hoàng Nguyên Vũ

.

Trong dịch bệnh Covid-19, thi PTTH để làm gì?

Hiệu Minh

 

===========================================

.

Tại sao phải đưa học sinh ra làm mồi nhử cho dịch bệnh hả các ông Bộ Giáo dục?   

Hoàng Nguyên Vũ

02/08/2020  lúc 05:03

https://www.facebook.com/hoangnguyenvunhabao/posts/10207372271301292

 

Trong những ngày vốn chẳng thể vui vẻ vì virus ngoại bang tấn công cộng đồng, lan rộng và gây mất an toàn trên diện rộng, ông Bộ Giáo dục vẫn cứ khư khư quan điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đó là một quyết định có thể mang đến nhiều rủi ro, thậm chí làm bùng phát dịch bệnh trên diện rộng và đầy nguy hiểm.

 

Tại sao tôi lại có ý kiến như vậy?

 

Thứ nhất, đến giờ nguồn lây lan dịch bệnh từ đâu chưa ai xác định được. Điều đó cũng đồng nghĩa nguồn bệnh đang đâu đó trôi nổi trong cộng đồng mà chúng ta chưa thể biết hoặc những kẻ ném đá giấu tay đang đầy rẫy ngoài kia mà môi trường thi cử đông đúc sẽ là dịp để virus “từ người bay đến”. Số người từ Đà Nẵng về nhiều vô kể, nay âm tính nhưng không thể biết chắc ngày mai là gì. Khi chúng ta còn chưa biết được số phận của mình ra sao trước virus Tàu mà đẩy trẻ con tập trung thi cử có khác gì đó là một việc làm quá liều lĩnh?

 

Thứ 2, sau mùa dịch tiếp theo, nguồn lực kinh tế của đất nước đang suy giảm trầm trọng. Tổ chức một kỳ thi tốn bao công sức, tiền của; trong khi mùa dịch bệnh quy trình đảm bảo kết quả thi khó có thể đạt được nên rất dễ sinh tiêu cực. Lại ùn ùn một bầy thủ khoa kiểu Hà Giang, Hoà Bình thì có đáng không? Tại sao không xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập, ít ra nó còn công bằng hơn kỳ thi của những năm như vừa rồi?

 

Thứ 3, phương án giãn cách để thi cử mà Bộ giáo dục đưa ra rất không khả thi, tốn kém và mua việc để làm. Đất nước đang gồng mình trước dịch bệnh, nay chỉ vì kỳ thi tốt nghiệp mà phòng phòng ốc ốc, giãn giãn cách cách thì biết bao nhiêu điểm thi cho đủ, chi bằng nghỉ luôn rồi, đỡ đưa sĩ tử và một lô một lốc nhân lực khác ra hành hạ như vậy!

 

Thứ 4, học trò đi thi không chỉ là học trò đến chỗ thi và làm bài, mà cha cha mẹ mẹ đưa đưa rước rước. Cái đám đông đó ngộ nhỡ có vài ông không rõ triệu chứng như ông người Nhật, rồi sau đó ho, tức ngực khó thở, có phải huỷ hết thi cử và cuộc sống sẽ vô cùng hỗn loạn khi cách ly cả một loạt không?

 

Thứ 5, khi chúng ta đang ý thức giữ an toàn trong cộng đồng và không tụ tập đông người, Bộ Giáo dục nên là gương đi đầu vì ông đi giáo dục người ta, nhưng không, ông lại tách hàng đu ngược như thế, ông còn giáo dục được ai nữa?

 

Và cuối cùng: các ông Bộ Giáo dục, máy lạnh phà phà ngày hè, chăn ấm nệm êm ngày đông, sướng rơn chứ đâu có khổ như các ông y tế đâu, thì các ông lo hưởng cái sung sướng ấy đi, đừng đưa lũ trẻ ra làm mồi nhử cho dịch bệnh để làm khổ ngành y tế, khổ dân khổ nước nữa.

 

Không thi thời điểm này thì thi thời điểm khác. Không thi năm này thì thi năm khác thậm chí không thi học sinh cũng vẫn nên người nếu chọn giải pháp khác, đâu mất mát gì ngoài mất mát thành tích và lợi lộc của các ông, đúng không?

 

Nghỉ dùm đi, thi cử gì lúc này chứ? Một ngành giáo dục không nghĩ đến sự an toàn cho con trẻ là một ngành giáo dục thất bại và phi nhân văn đấy!

 

292 BÌNH LUẬN 

 

 

---------------------------------------------------

.

Trong dịch bệnh Covid-19, thi PTTH để làm gì?

Hiệu Minh

03/08/2020

https://hieuminh.wordpress.com/2020/08/03/trong-dich-benh-covid-19-thi-ptth-de-lam-gi/

 

Cuối cùng TT Phúc đã chốt hạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm hai đợt. Đợt một diễn ra theo kế hoạch (ngày 9-10/8), đợt hai muộn hơn dành cho thí sinh diện F1, F2 và ở địa phương đang giãn cách xã hội. Cấm cãi…dưng mà hang Cua vẫn bò ngang.

 

Từ vài năm nay, kỳ thi tốt nghiệp “THPT quốc gia” được thống nhất trên toàn quốc. Từ kết quả thi tốt nghiệp này, các trường đại học sẽ căn cứ để tuyển sinh, gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một”.

 

Tuy nhiên, năm 2020, kỳ thi trở lại với tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT (bỏ từ “quốc gia”) và chỉ nhằm xác định học sinh tốt nghiệp.

 

Việc xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ do các trường quyết định, nhưng chủ yếu vẫn trên cơ sở xem xét kết quả thi tốt nghiệp. Không có “quốc gia” nhưng vẫn là “hai trong một”.

 

Trong thực tế, kỳ thi tốt nghiệp có tỉ lệ tốt nghiệp luôn cao (trên 95%), bao lời kêu gọi bỏ hình thức thi này đi vì 5% còn lại khó mà được vào đại học nếu các trường ĐH tuyển sinh kỹ.

 

Hiện Covid-19 đang hoành hành. Đợt 1 được TT Phúc kêu gọi quyết liệt “tránh lây lan” thì lần này là cụm từ “giảm thiểu tử vong” vì đã có 6 ca tử vong, đủ nói lên sự nguy hiểm của làn sóng lần 2 cao hơn hẳn.

 

Hơn 900.000 học sinh dự thi còn trẻ, khả năng bị nhiễm khó hơn, nhưng lây cho gia đình, cho cộng đồng, thì hoàn toàn có thể.

 

Tại Hoa Kỳ đang có tranh cãi nảy lửa về mở cửa trường học vào tháng 8 này. Lý do, học sinh đi học thì bố mẹ mới đi làm được. Người ủng hộ phát triển kinh tế muốn học sinh tới trường, ở nhà là toi. Người lo cho con em, cho mình, cho sức khỏe cộng đồng, thì phản đối. Dollar or Death (tiền hay tử) là câu chuyện của người Mỹ đang lao đao vì Covid.

 

Vụ thi PTTH của VN không liên quan đến kinh tế nhiều mà chỉ là chất lượng tuyển sinh vào đại học. Con số khó tốt nghiệp 5%, cộng với số thí sinh có kết quả đột biến như Hà Giang, Hòa Bình năm trước, thì cũng không quá nhiều.

 

Trong nguy có cơ, Covid-19 là cơ hội cho Giáo dục VN thay đổi tư duy. Hãy thử bỏ thi PTTH một năm làm thí điểm, rồi 10 năm nữa (2030) thống kê xem chất lượng sinh viên ra trường có khác xưa.

 

Trong dịch bệnh Covid-19 đầy lo lắng, thi để làm gì?

 

 

 

 


No comments: