Wednesday, July 15, 2020

BÀN VỀ TUYÊN BỐ CỦA MỸ QUA CÁC YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
15/07/2020

Tuyên bố của Mỹ về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất là việc tái khẳng định sự ủng hộ của quốc gia này đối với phán quyết 12 tháng 7 năm 2016 của tòa PCA (Phi đơn phương kiện Trung Quốc theo phục luc VII UNCLOS với nội dung “giải thích và cách áp dụng Luật Biển”).

Mục đích của việc tái khẳng định lần này có thể mở ra một “trận chiến pháp lý” mới, gọi là “actio popularis”, gồm Mỹ và các quốc gia có cùng “lợi ích” cần bảo vệ ở Biển Đông, ngoài Phi, là Việt Nam, Mã lai và Indonesia.

“Actio popularis” là một “dụng cụ” pháp lý, có thể sử dụng đơn phương (một quốc gia) hay đa phương (nhiều quốc gia), mục đích đưa vấn đề trước một trọng tài quốc tế để bảo vệ “lợi ích chung”. Hệ quả của “actio popularis” có thể là một phán quyết có giá trị “erga omnes”, tức có hiệu lực pháp lý bắt buộc chung cho các bên.

Có nhiều “lợi ích chung” giữa các quốc gia nói trên:

1/ “actio popularis” nhằm bảo vệ lợi ích chung là “quyền tự do hàng hải và không lưu” giữa Mỹ, các quốc gia Đông Á và các quốc gia VN, Phi, Mã lai, Indonesia… đã và đang bị Trung Quốc đe dọa bằng các phương pháp “bá đạo”, không phù hợp với luật lệ…

2/ “actio popularis” nhằm bảo vệ lợi ích chung là “các quyền chủ quyền”, và quyền tài phán ở vùng nước EEZ và thềm lục địa của các quốc gia Phi, VN, Mã lai, Brunei, Indonesia đã và đang bị các yêu sách “bá đạo”, không phù hợp với luật lệ của Trung Quốc xâm phạm.

Mặt trận “Ủy ban ranh giới thềm lục địa” thuộc LHQ có thể là “chất xúc tác” để các quốc gia ngồi lại với nhau và tìm ra trọng tài thích hợp.

Vũ khí “pháp lý” của Trung Quốc sử dụng từ nhiều năm nay là áp dụng nguyên tắc nền tảng của công pháp quốc tế “Ex factis jus oritur”, theo đó “thái độ đơn phương của các quốc gia”, đối với một vấn đề thuộc phạm vi quốc tế, là “luật”.

Theo nguyên tắc này Trung Quốc “ép” các quốc gia (như VN) để đối tượng có một “thái độ” có lợi cho Trung Quốc.

Thí dụ, phán quyết 12-7-2016 có khoản “giải thích” rằng các đảo Trường Sa không có đảo nào có hiệu lực “đảo”. Tuyên bố của Mỹ vừa qua đã khẳng định quốc gia này ủng hộ điều này. Nhưng đối với công pháp quốc tế, hai quốc gia (thí dụ Việt Nam và Trung Quốc) có thể có ý kiến khác về hiệu lực các đảo trong việc phân định biển giữa hai nước.

Việt Nam sẽ rất khó để “kiện” Trung Quốc theo mô hình của Phi. Đơn giản vì Việt Nam đã nhiều lần cam kết với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng “đàm phán”.

Sử dụng được dụng cụ “Actio popularis” thì Bộ Ngoại giao Việt Nam chứng tỏ được “tầm”. Tránh được sự gò bó để lại do “di sản lịch sử” là không dễ.

-----------------------------------------

15/07/2020
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á hôm 14/7 cảnh báo rằng Washington có thể áp đặt cấm vận và trừng phạt các quan chức hay doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến các hành động sử dụng vũ lực ở Biển Đông sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trả lời một tổ chức tư vấn chính sách ở Washington, về liệu Hoa Kỳ có đáp ứng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông bằng các biện pháp cấm vận hay không, ông David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao đặc trách các vấn đề Đông Á, nói:

“Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào... vẫn còn rộng chỗ cho cấm vận. Đấy là thứ ngôn ngữ mà người Trung Quốc hiểu - các hành động cụ thể và rõ ràng”.

Ông Stilwell lên tiếng một ngày sau khi Washington bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”.

Washington từ lâu vẫn chống đối các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, và để thể hiện tự do hàng hải, gửi tàu chiến thường xuyên qua lại tuyến đường biển chiến lược, nơi khoảng 3 nghìn tỷ đô la hàng hóa được vận chuyển mỗi năm.

Nhưng thông báo hôm Thứ Hai 13/7 là lần đầu tiên Mỹ lên án hành động của Trung Quốc là ‘bất hợp pháp’.

Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của CSIS, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói tuyên bố cho rằng hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp đã mở đường cho một phản ứng cứng rắn hơn từ Hoa Kỳ, như thông qua lệnh trừng phạt, có thể dẫn đến các hoạt động để khẳng định sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án động thái của Hoa Kỳ, nói rằng đây là một hành động vô trách nhiệm, có thể phá hoại hòa bình và tình trạng ổn định khu vực.

Thứ Ba 14/7. một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện hoạt động bảo vệ tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa, quân đội cho biết.

Ông Stilwell nói lập trường cứng rắn hơn của Hoa Kỳ có nghĩa là Mỹ không còn tuyên bố trung lập trong các vấn đề Biển Đông. Ông nói:

“Khi Trung Quốc kéo giàn khoan tới cắm trong các vùng biển của Việt Nam hay của Malaysia, chúng tôi có thể ra một tuyên bố rõ rệt”, ông nói.

Ông Stilwell đặc biệt cảnh cáo các hoạt động của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, một tuyến đường biển chiến lược cách bờ biển Philippines 200 km mà Manila tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.

Ông nói bất kỳ động thái nào của Trung Quốc để chiếm đóng, mở rộng hoặc quân sự hóa bãi cạn Scarborough sẽ là một động thái nguy hiểm ... gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho mối quan hệ Mỹ- Trung, cũng như cho quan hệ của Trung Quốc với toàn khu vực.”








No comments: