Tuesday, December 3, 2019

VIỆC ÂN XÁ CỦA TỔNG THỐNG & HỆ THỐNG QUÂN PHÁP (Lê Phan)




Lê Phan (theo Christian Science Monitor)
December 2, 2019

Khi ông bộ trưởng Hải Quân bị ông bộ trưởng Quốc Phòng cách chức, đây chỉ là hậu quả mới nhất và ồn ào nhất trong vụ một quân nhân thuộc lực lượng Seal bị cáo buộc tội chiến tranh – nhưng lại được Tổng Thống Hoa Kỳ bênh vực.

Nhưng trong khi sự ra đi của Bộ Trưởng Richard Spencer có thể chấm dứt câu chuyện dài về Thượng Sĩ Eddie Gallagher, nó đã làm nổi bật cuộc tranh luận về việc Tổng Thống Donald Trump ân xá cho Thượng Sĩ Gallagher và những quân nhân có tội chiến tranh. Tuy tổng thống quả có quyền ân xá, các chỉ huy quân sự nay đang phải vật lộn với ảnh hưởng lâu dài của những vụ ân xá này.

Những người chỉ trích khuyến cáo khái niệm về nhu cầu bảo vệ các chiến sĩ trước những bản án mà các vị chỉ huy và chiến hữu có thể áp đặt lên họ, sẽ làm hại đến hệ thống quân pháp. Nó đặt câu hỏi nữa về liệu bản năng muốn bảo vệ cho chưa đầy 1 phần trăm người Mỹ đang chiến đấu trong các trận chiến của quốc gia trong suốt 17 năm qua – đôi khi đối diện với sợ hãi và bị căng thẳng vì nhiều lần tham chiến – có nghĩa là ân xá cho những tội chiến tranh mà một nhóm nhỏ có thể đã thực hiện.

Thiếu Tướng hồi hưu David Barno, cựu tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan và nay là giáo sư về nghiên cứu chiến lược ở trường John Hopkins School of Advanced International Studies, thì nghĩ là quyết định của Tổng Thống Trump can thiệp vào vụ ông Gallagher sẽ có hậu quả. Ông giải thích: “Việc này làm hại đến dây chuyền chỉ huy và những cố gắng để buộc các quân nhân chịu trách nhiệm – và trên thực tế làm hại đến sự công bình cho những quân nhân trẻ vốn nói ‘chỉ huy của chúng tôi đã làm một điều gì sai trái.’”

Thượng Sĩ Gallagher, cũng xin được nhắc lại, bị cáo buộc tội cố sát cho điều được nói là đâm chết một thiếu niên mà lại là khủng bố của Islamic State – thiếu niên này đã bị thương và đang là tù binh của quân đội Hoa Kỳ- trong khi đang phục vụ ở Iraq hồi năm 2017. Ông cũng bị cáo buộc mưu sát qua việc bắn sẻ vào một nữ sinh người Afghanistan, và với “chụp hình sai phạm chung với một xác chết” sau khi text hình ông ta chụp với thi thể của câu bé tuổi teen người của ISIS cho một người bạn với hàng chữ “Ta đã giết được nó với con dao săn.”

Nhiều quân nhân trong trung đội Seal của ông đã báo cáo những hành động này của ông cho thượng cấp, mặc dầu những quan ngại này của họ lúc đầu đã bị gạt sang một bên bởi các tư lệnh của lực lượng Seals. Thượng sĩ Gallagher bác bỏ những cáo buộc này, lý luận là đó là từ những quân nhân vốn không thích lối táo bạo của ông.
 Thượng Sĩ Eddie Gallagher (giữa). (Hình: Getty Images)

Tổng Thống Donald Trump đã đưa ra chỉ dấu hồi đầu năm nay là ông sẽ ân xá Thượng Sĩ Gallagher trước khi ông bị ra tòa án quân sự. Ông cũng thường xuyên can thiệp với những tweet ủng hộ và ra lệnh dời Thượng Sĩ Gallagher ra một nơi giam giữ ít giới hạn hơn trong khi ông chờ ra tòa. Lệnh đó đã được Hải Quân thi hành. Tuần này tổng thống nói: “Ông ta là một trong những chiến binh tột cùng – một người mạnh bạo.” Rồi ông thêm: “Những (phiến quân) không phải là yếu đuối. Họ là những người mạnh bạo.Và chúng ta sẽ bảo vệ các chiến binh của chúng ta. Một ai đó bảo vệ cho họ, và được gọi là tổng thống Hoa Kỳ, OK?”

Một tòa án quân sự gồm những quân nhân chiến hữu của Thượng Sĩ Gallagher đã thấy ông chỉ có một tội – đã chụp hình với ‘một thi thể.’ Họ cũng hạ cấp ông một bậc, có nghĩa là ông sẽ được ít tiền hưu hơn. Sau phán quyết đó, tổng thống lập lại cấp bậc thượng sĩ của ông, cho phép ông về hưu với đủ lương hưu. Tổng thống cũng chống lại việc Thượng Sĩ Gallagher bị truất cái pin Trident, biểu tượng cao quý trong cộng đồng SEAL, và do đó ông đã được cho phép giữ nó, mặc dầu một dự trù của Hải Quân triệu tập một phiên xử của những chiến hữu của Thượng Sĩ Gallagher để quyết định xem là ông có bị tước biểu tượng đó hay không.

Cựu Bộ Trưởng Hải Quân Richard Spencer trong một bài viết trên tờ Washington Post có nhắc lại “Cộng đồng chiến tranh đặc biệt Hải Quân sở hữu những Trident pin, không phải bộ trưởng Hải Quân, không phải bộ trưởng Quốc Phòng, không phải ngay cả tổng thống. Nếu ủy ban cứu xét quyết định là Gallagher có quyền giữ nó, thì đó sẽ là chấm dứt.” Và ông cũng thêm là Hải Quân đã thành lập một hội đồng theo thủ tục thông thường gồm bốn hạ sĩ quan cao cấp để cứu xét việc này, vì chính những người này mới có quyền nói là ông Gallagher có đáng giữ nó hay không.

Việc tổng thống bảo vệ Thượng Sĩ Gallagher, cũng như việc ông ân xá cho một số những người đã bị tội chiến tranh, có vẻ đã tạo nên khá nhiều phản ứng khác biệt trong các quân nhân. Một cuộc thăm dò tức thời các quân nhân đang phục vụ, Hội Cựu Chiến Binh Iraq và Afghanistan Hoa Kỳ (IAVA) thấy là hầu hết các cựu quân nhân (52%) “mạnh mẽ bất đồng ý kiến và (39%) “phần nào bất đồng.” Một thiểu số đáng kể (40%) tuy vậy “đồng ý mạnh mẽ” hay (23%) “phần nào đồng ý” với việc ân xá.

Thiếu Tá Lindsay Rodman, vốn đang là luật sư của Quân Chủng Thủy Quân Lục Chiến và nay là chủ tịch điều hành về truyền thông và chiến thuật pháp lý của IAVA, nói: “một khám phá còn đáng ngại hơn” của cùng cuộc thăm dò đó là 33% thành viên không nghĩ “những luật và lệ áp dụng cho các binh sĩ đang phục vụ ở bãi chiến trường là công bằng.” Bà thêm là những ân xá của tổng thống sẽ củng cố cho khái niệm đó và vì lý do đó “tiêu biểu cho một đe dọa sống còn của hệ thống quân pháp,” với “ngầm ý đằng sau những sự ân xá này là thiếu niềm tin” vào hệ thống pháp lý của quân đội đó.

Thiếu Tá Rodman nhớ lại khi còn dạy luật chiến tranh cho những quân nhân Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi ở Afghanistan. Bà nói: “Tôi biết là trong phòng có một số người không cảm thấy là luật lệ là công bằng hay chính đáng, hay có liên hệ gì với họ. Họ sẽ nói hay thì thầm hay hỏi những câu hỏi theo kiểu ‘Bà là ai mà đặt thêm những luật lệ cho tôi? Mọi sự đã chưa khó khăn đủ hay sao’ và coi nó như chỉ là một bài giảng của một sĩ quan tách rời không hiểu cuộc sống ở hiện trường như thế nào.” Bà thêm: “Dĩ nhiên, 99 phần trăm Thủy Quân Lục Chiến không có vấn đề gì trong việc tuân theo luật lệ. Chỉ có 1 phần trăm là có vấn đề.”

Tướng Barno giải thích là nhóm thiểu số quân nhân đó thường “không ngờ là hệ thống tỉ mỉ đến mức nào.” Ông thêm là kết quả như vụ Gallagher, vốn đã chỉ bị kêu án cho cáo trạng ít nghiêm chỉnh nhất, chứng tỏ là những lo ngại của nhóm thiểu số cũng được chú ý đến.

Tổng Thống Trump đã đưa ra chỉ dấu là ông sẽ can thiệp vào một số những vụ đang xảy ra liên quan đến các quân nhân Hoa Kỳ bị cáo buộc tội chiến tranh. Tướng Barno nói mối lo là vụ Thượng Sĩ Gallagher sẽ dạy cho các luật sư của những nghi phạm hãy sử dụng truyền thông để “vận động” giải quyết vụ án thay vì ra trước các tòa án quân sự. Ông nói: “Điều đáng lo ngại là tổng thống đã bị ảnh hưởng một cách thiên lệch rất lớn không phải bởi các chỉ huy quân sự nhưng bởi Fox TV,” và nay thì các luật sư, gia đình và các tổ chức khác sẽ tìm cách “lợi dụng.”

Thiếu Tướng hồi hưu Charles Dunlap Jr., một cựu luật sư quân đội và nay là giám đốc điều hành của Trung Tâm Center on Law, Ethics and National Security ở trường Luật Viện Đại học Duke, nhìn về tương lai, nói chắc sẽ không có triển vọng bất cứ ai có khuynh hướng gây tội ác chiến tranh sẽ tưởng lầm là ân xá của tổng thống là giấy phép cho giết người. Tướng Dunlap nói: “Tôi quả không nghĩ là bất cứ một quân nhân nào cũng nghĩ là vì có những hành động của tổng thống, nay họ có thể phạm tội bất chấp. Tuyệt đại đa số những quân nhân Hoa Kỳ cố làm cách tốt nhất mà họ có thể để tuân thủ luật pháp vì đó là điều đáng làm.”

Đại tá hồi hưu Peter Mansoor, vốn đã là phu tá cho Tướng David Petreaus ở Iraq, và nay là giáo sư về quân sử của viện đại học Ohio State University, thêm là đồng thời họ đã phải tuân thủ những luật về chiến tranh khắc khe hơn là bất cứ lúc nào khác trong lịch sử. “Chúng ta phải kỷ luật hơn ngày nay.” Và theo ông có những lý do chính đáng cho điều đó,vì những luật chiến tranh được lập ra không những chỉ để bảo vệ thường dân mà còn để giảm thiểu thương tổn đạo đức cho binh sĩ. Ông nói: “Quân sự là một công việc giết người – nó bạo động, có giết và phá hủy- và chúng ta muốn làm thiệt hại tối thiểu cho những giá trị của chúng ta càng nhiều càng tốt, để chúng ta không bị rớt xuống vực.”

Đại Tá Mansoor thêm là nếu trong một cơ hội hãn hữu các binh sĩ có thể bị cám dỗ bởi việc làm hại người ta mà họ đáng lẽ không được làm, sẽ có cách để cho các tư lệnh phản ứng.

Ông nói: “Bạn bảo binh sĩ, ‘Nếu bạn muốn cơ hội là tổng thống sẽ cứu xét trường hợp của bạn và cho bạn được ân xá, thì chúc bạn may mắn, vì tôi sẽ làm thực thi luật pháp cho tất cả chúng ta.’ Và ‘còn một điều nữa, ông Trump sẽ không vĩnh viễn làm tổng thống.’” (Lê Phan)






No comments: