Friday, December 6, 2019

CHÂU PHI : ĐỊA BÀN CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 06-12-2019 S

Từ gần hai thập niên nay, sự hiện diện của các quân đội nước ngoài ngày càng đông đảo tại châu Phi. Cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các lợi ích kinh tế - thương mại là những động cơ chính cho các chiến dịch can thiệp của nhiều cường quốc tại châu lục.

Theo nhà báo Tirthankar Chanda, trên trang mạng RFI, các siêu cường phương Tây chưa phải là những thế lực duy nhất đang tìm cách khẳng định tầm ảnh hưởng của mình tại mặt trận châu lục đen này.

Tác giả nhắc lại, sau khi các nước châu Phi thuộc địa giành được độc lập trong những năm 1950 - 1960, quân đội các nước phương Tây vẫn tiếp tục nắm giữ một vai trò thiết yếu, như Pháp chẳng hạn. Trong thời gian dài, được ví như là “sen đầm của châu Phi”, quân đội Pháp là cường quốc duy nhất còn duy trì lực lượng tại châu lục, nhờ vào các thỏa thuận hợp tác quân sự hay quốc phòng được ký kết với các nước cựu thuộc địa.

Trong suốt giai đoạn chiến tranh lạnh, sự hiện diện của quân đội Pháp cho phép giữ những nước châu Phi nói tiếng Pháp vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của phương Tây. Kể từ những năm 1990, mối lo bảo vệ lợi ích quốc gia đi kèm với các chính sách chống cướp biển và khủng bố đã dẫn đến việc nhiều nước phương Tây tăng cường hiện diện ở châu Phi. Những cường quốc mới trỗi dậy cũng nhanh chân tham gia cuộc chơi gây ảnh hưởng lớn chưa từng có, phản ảnh rõ mối tương quan lực lượng địa chính trị trên thế giới.

Pháp có những cơ sở quân sự nào tại châu Phi?
Khi cho rằng hạ Sahara là “một vùng không gian chiến lược quan trọng do tính chất gần gũi địa lý, chính trị và văn hóa”, và để dễ bề thanh trừ mối họa thánh chiến tại Mali, nước Pháp năm 2013 mở chiến dịch Serval, điều 1.700 binh sĩ, nhiều chiến đấu cơ và trực thăng đến nơi đây.

Năm 2014, “Serval” được thay thế bằng “Barkhane”, huy động 4.500 binh sĩ và phạm vi hoạt động mở rộng ra khỏi biên giới Mali, bao phủ toàn vùng Sahel – Sahara, liên quan đến 5 nước trong khu vực là Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania và Tchad. “Barkhane” có tổng hành dinh đặt tại thủ đô N’Djamena của Niger và nhiều căn cứ quân sự tạm thời nằm rải rác tại nhiều nước khác, trong đó có căn cứ không quân Niamey.

Ngoài ra Pháp còn có hai khu căn cứ quân sự tác chiến chính thức khác, ở Djibouti (1.450 quân) và Côte d’Ivoire (900 quân) và hai khu căn cứ cũ gọi là “vùng hợp tác tác chiến” tại Senegal (350 người) và ở Gabon (350 người). Trong số này, Djibouti được cho là khu căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Pháp tại châu lục. Từ đây, Pháp có thể tiếp nhận hay triển khai quân nhanh về hướng Ấn Độ Dương hay vùng Trung Đông trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong khu vực.

Lực lượng tại Côte d’Ivoire có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Pháp ở sườn phía tây châu Phi. Các đơn vị tại Gabon và Senegal đóng vai trò nguồn dự trữ cho các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân cho các tiền đồn ở vùng tây và trung Phi.

Ngoài ra, hải quân Pháp từ năm 1990 thực hiện một chiến dịch mang tên “Nhiệm vụ Corymbe”, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của Pháp trong khu vực và chống nạn cướp biển. Chiến dịch huy động 250 binh sĩ hoạt động từ ngoài khơi Senegal cho đến vùng duyên hải phía bắc của Angola, đi qua cả lãnh hải Côte d’Ivoire, Benin, Ghana, Togo, Nigeria, Cameroun, Gabon hay quần đảo Sao Tomé-et-Principe.

Mỹ mở rộng sự hiện diện
Mỹ bắt đầu mở rộng sự hiện diện trên quy mô lớn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, với mục tiêu chính thức là ủng hộ cuộc chiến chống thánh chiến cực đoan (quân khủng bố Shebab ở Somali, Boko Haram xung quanh khu vực hồ Tchad hay al-Qaida tại Sahel) và chống cướp biển (vùng Vịnh Guinea và vùng Sừng châu Phi).

Năm 2007, tổng thống Georges W. Bush cho thành lập bộ chỉ huy châu Phi Africom, đóng trụ sở tại Stuttgart, ở Đức. Bộ chỉ huy này huy động đến 7.200 người (quân nhân và dân sự), có hai căn cứ thường trực (một ở Djibouti và một căn cứ khác tại đảo Ascension của Anh), 12 căn cứ không thường trực (cooperative security locations) và 20 điểm hỗ trợ tác chiến nhưng lính Mỹ không hiện diện liên tục (contingency locations).

Tại châu Phi, Djibouti là nơi Mỹ có số quân đồn trú lớn nhất (hơn 4.000 người). Căn cứ Camp Lemonnier rộng 200 ha, được chính phủ Djibouti cho thuê dài hạn, được trang bị các cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn của không quân Mỹ. Đây cũng là điểm xuất phát của nhiều chiếc drone trong các chiến dịch oanh kích al-Qaida tại vùng bán đảo Ả Rập ở Yemen hay tấn công quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan Shebab tại Somalia.

Ngoài ra, còn có khoảng 30 căn cứ thứ cấp và không thường trực khác của Mỹ nằm rải rác trên khắp châu lục, chủ yếu để phục vụ cho ba mặt trận chống thánh chiến: Vùng Sừng châu Phi, Libya và Sahel. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Africom với Niger đặc biệt mật thiết. Chỉ riêng tại Niger, Hoa Kỳ có đến ít nhất là 5 căn cứ quân sự, trong đó có hai trung tâm hợp tác an ninh.

Tuy nhiên, mật độ lính Mỹ hiện diện đông đảo tại quốc gia tây Phi này, vốn được cho là “giao lộ bất ổn khu vực”, nằm giữa Libya, hồ Tchad và Sahel, chỉ được biết đến sau vụ bốn binh sĩ Mỹ tử nạn trong lần bị phục kích tại biên giới với Mali. Vụ việc cũng làm lộ rõ công trình xây dựng một căn cứ drone tinh vi nhất do Mỹ đầu tư trị giá khoảng 100 triệu đô la. Một khi hoàn tất, căn cứ này rất có thể sẽ được dùng để thay thế cho căn cứ Djibouti về mặt tầm quan trọng chiến lược và khả năng hậu cần.

Tạp chí The Intercept, dựa vào các thông tin từ các tài liệu giải mật của Africom cho biết, châu Phi là địa bàn thứ hai cho các chiến dịch chiến lược của Mỹ sau Trung Đông.

Trung Quốc, Nga, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng bắt đầu nhập cuộc
Những năm gần đây, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi. Diện mạo trong khu vực cũng vì thế bắt đầu thay đổi trên phương diện hợp tác an ninh – quân sự. Nhờ vào việc cung cấp vũ khí hay đề nghị đào tạo và luyện tập chung cùng các đối tác châu Phi với những điều kiện rất hấp dẫn, các cường quốc mới hiện diện này đã trở thành những đối thủ gây rắc rối cho các nước phương Tây, vốn dĩ có một truyền thống hiện diện lâu đời tại châu Phi.

Năm 2017 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, gần với căn cứ Camp Lemonnier của Mỹ. Về mặt chính thức, Trung Quốc chỉ có 400 binh sĩ đồn trú tại đây để bảo đảm khâu hậu cần cho các lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden. Tuy nhiên, theo giới phân tích, kể từ năm 2026, căn cứ này sẽ tiếp nhận đến 10.000 quân và Trung Quốc có tham vọng biến vùng lãnh thổ nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự của mình tại châu Phi.

Là đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại châu Phi. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào châu Phi trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác quặng mỏ. Trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, có đến 39 nước tham gia vào dự án đối tác Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, nối liền Á-Âu, Trung Đông và châu Phi nhờ vào mạng lưới hệ thống hạ tầng cầu đường, cảng biển và viễn thông.

Thế nhưng, Hoa Kỳ xem những dự án đầy tham vọng mà Trung Quốc đề nghị với các đối tác châu Phi như là một “mối đe dọa thật sự cho các lợi ích an ninh quốc gia (của Mỹ)”. Các chuyên gia cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung tại châu Phi có nguy cơ gây bất ổn toàn châu lục, đặc biệt là vùng Hồng Hải chiến lược, một trong những con đường hàng hải có mật độ lưu thông dày đặc nhất thế giới.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng ghi nhận sự trở lại đầy ngoạn mục của Nga sau một thời gian gián đoạn tại một số nước như Algeri, Ai Cập, Angola, Ouganda, Zimbabwe, Nam Phi, Ethiopia hay Mozambic. Tại những nước này, Nga không chỉ cung cấp vũ khí, mà còn gởi cả những cố vấn đào tạo, nhất là tại Cộng Hòa Trung Phi. Từ năm 2018, Matxcơva gởi khoảng 200 cố vấn quân sự thuộc các đội đặc nhiệm đến huấn luyện cho các lực lượng Trung Phi, để đối đầu với các nhóm nổi dậy thiện chiến. Phía Mỹ cho rằng, trên thực tế đó là những nhóm lính đánh thuê có liên hệ mật thiết với điện Kremlin, được gởi đến Bangui, Khartoum hay tại Libya để bảo đảm an ninh cho các chính phủ và bảo vệ các hoạt động kinh tế chủ yếu như khai thác mỏ kim cương, mỏ vàng và dầu hỏa…

Cuối cùng trong số những nước không thuộc phương Tây nhưng có sự hiện diện quân sự tại châu Phi, còn phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ (2017) tại Mogadiscio, thuộc Somalia với 200 sĩ quan và các cố vấn đào tạo để huấn luyện cho quân đội nước này. Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với một trung tâm hậu cần ở vùng Sừng Phi Châu.

Nhật Bản cũng có một căn cứ quân sự tại Djibouti với 180 binh sĩ làm nhiệm vụ chống cướp biển tại vịnh Aden, hay như Ấn Độ cũng có tham vọng gia tăng ảnh hưởng. Vốn đã có một trạm nghe do thám tại Madagascar để giám sát các hoạt động tầu thuyền và bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình, hải quân Ấn Độ đã đề nghị các cuộc tập trận chung với các đối tác châu Phi như Tanzania, Kenya và Nam Phi vào tháng 3/2020.

Tác giả bài viết kết luận: Trong lĩnh vực an ninh tại châu Phi, cuộc chạy đua chiến lược giữa các cường quốc cũ và mới cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi!





No comments: