Monday, December 9, 2019

ĐẤT NƯỚC ĐI VỀ ĐÂU? - MỘT ĐẤT NƯỚC TRỘM CẮP (VietTuSaiGon)




Thứ Hai, 12/09/2019 - 01:40 — VietTuSaiGon

Một đất nước phát triển, không thể là một đất nước trộm cắp. Một đất nước có thể có nhiều nhà cao cửa rộng, có nhiều xe hơi xịn, có nhiều tàu thuyền và có nhiều phương tiện công, sân bay… Xét về mặt giàu có, có thể xem đó là quốc gia giàu có. Nhưng khi xét về vấn đề phát triển hay không, tất cả những dấu hiệu trên không đủ để đi đến kết luận đó là đất nước phát triển. Vì khái niệm phát triển bao gồm cả hữu hình và vô hình, gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Trong đó, giá trị tinh thần đóng vai trò nòng cốt, làm cái lõi của phát triển. Muốn biết đất nước đó phát triển hay không, phải nhìn vào các giá trị tinh thần mà người dân, chính quyền trong đất nước đó đạt được. Ngược lại, nếu chỉ có vật chất trương nở mà tinh thần teo tóp thì đất nước đó đang đi xuống, đang cận kề nấm mồ.

Việt Nam, cho đến thời điểm hiện nay, mọi thứ vật chất cần có, thậm chí vật chất thừa mứa dường như đã xuất hiện khắp mọi nơi, từ công trình vài chục tỉ cho đến vài chục ngàn tỉ đã mọc ra, thế nhưng, hỏi rằng Việt Nam đã phát triển hay chưa thì phải ngậm ngùi nói rằng Việt Nam đang thụt lùi. Mà dấu hiệu thụt lùi đáng sợ nhất là cái lò chống tham nhũng của Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì sao lại nói rằng đó là dấu hiệu đáng sợ?

Nói theo nghĩa rộng, nhìn vào đời sống nhân dân, có mấy người không sợ trộm cắp? Nạn trộm cắp tràn lan, từ việc nông dân nghèo nuôi con trâu, con bò bị dắt trộm đến việc kẻ trộm vào thẳng chuồng trại, làm thịt cả một con bò, con trâu rồi chừa lại bộ xương cho khổ chủ, rồi kẻ trộm chó đập chó ngay trước mặt chủ nhà, nếu chủ nhà lên tiếng thì bị kẻ trộm tấn công bằng roi điện, dao, kiếm, ống tuýp sắt… Người Việt đi du lịch ra nước ngoài thì vào siêu thị trộm cắp, thậm chí có cả một người đang làm phát ngôn viên cho cơ quan văn hóa cấp trung ương cũng từng có thâm niên trong việc trộm ở các siêu thị nước ngoài. Bước vào sân bay, qua cửa khẩu hải quan thì cách gì cũng bị trộm đồ, bị mè nheo làm tiền, bị lừa đảo... Nhưng, trộm đáng sợ hơn là trộm tài sản công, hiện tại, thật khó vô cùng để tìm ra những người không từng ăn trộm tài sản công (nói cho sang là tham nhũng) trong hệ thống cán bộ Việt Nam. Từ việc trộm cắp tiền ăn của học sinh, bớt xén từng bữa ăn của học sinh nghèo miền núi cho đến việc trộm cắp đất đai, công sản, dường như đi bất kì nơi đâu đụng đến bất kì công việc gì và chạm mặt với bất kì đảng viên, cán bộ Cộng sản nào cũng đều cho cảm giác không đáng tin cập và tởm lợm bởi sự hợm hĩnh, hống hách và trơ tráo của họ. Thậm chí, có kẻ làm cán bộ và lộng quyền, làm vua một cõi nhờ liên kết được thế lực trộm cắp tài sản công, trộm cắp ngân khố quốc gia.

Và nạn trộm cắp tài sản công, ngân khố quốc gia bùng phát đến độ không thể giải quyết được. Một người là nguyên thủ quốc gia kiêm bí thư của một đảng duy nhất lãnh đạo như Chủ tịch nước – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đích thân đốt lên cái lò chống tham nhũng và nổi tiếng ngay với khái niệm “lò ông Trọng”. Nếu nhìn bề ngoài thì đất nước vẫn còn may mắn có một lãnh đạo chống tham nhũng như ông Trọng. Nhưng nhìn sâu vào sự việc thì lẽ ra, việc của một nguyên thủ quốc gia là điều hành, lèo lái con tàu đất nước đi đến tương lai tươi sáng, đưa ra những quyết sách tốt đẹp để từ đó các thuộc cấp đồng tâm thực hiện để làm cho dân giàu, nước mạnh và văn minh. Nhưng ở đây, dường như chức năng, sứ mệnh đối ngoại và lãnh đạo của nhà lãnh đạo tối cao đã bị lu mờ, để rồi thay vào đó, ông hiện ra như một nhà quan sát và một gã công an khổng lồ trước thuộc cấp. Điều này hết sức trớ trêu, mà nó cũng phản ánh gánh nặng mang tên hệ thống cầm quyền đã làm cho đôi vai của cả nhà lãnh đạo tối cao và nhân dân trở nên đau oằn, ngoài sức chịu đựng. Sự trộm cắp đã vượt ngưỡng chịu đựng của một dân tộc.

Và, hệ quả của thói quen trộm cắp sinh ra từ chế độ là hầu hết người ta đều phải tập thích nghi với trộm cắp, tập sống với trộm cắp, thâm chí chống chế trộm cắp bằng chính việc ăn cắp lại của người khác. Nghĩa là cuộc đời trộm cắp của ta cái này thì ta phải trộm cắp lại cuộc đời cái khác, xem như huề! Tâm lý xem trộm cắp như một ứng xử xã hội và kẻ nào càng giỏi trộm cắp thì càng vinh thân phì gia, càng giỏi trộm cắp thì càng giàu có, thế lực đã đẩy đất nước đến chỗ giống như một băng nhóm trộm cắp khổng lồ và trong băng nhóm khổng lồ này có nhiều băng nhóm nhỏ, theo tầng lớp, thứ bậc khác nhau. Đây cũng là lúc để suy xét về tư cách và chiều hướng phát triển của quốc gia, đất nước.

Thử nghĩ, một đất nước mà ra đường có rất nhiều xe sang, xe khủng, mặc dù bị đánh thuế gấp đôi, gấp ba lần so với giá xe của các nước tư bản nhưng người ta vẫn mua nườm nượp, tiền tiêu xài cuồn cuộn như nước. Phải nói là giàu có, phải nói là tiền bạc tiêu xài ở Việt Nam cứ như lá mít, đến người Việt hải ngoại về thăm quê cũng thấy sợ cho mức chi tiêu của người Việt. Chính vì vậy mà dân gia đương đại có câu “Việt Kiều không giàu bằng Việt Cộng” là vậy. Mọi thứ vật chất trương phình, hàng đểu cũng có mà hàng thật cũng có. Nhưng nếu hỏi Việt Nam có phát triển hay không và phát triển chỗ nào? Thì tắt tị, vì không có thứ gì để nói rằng đang phát triển. Bởi xe hạng sang, xe mang biển số xanh có giá khủng đang chạy ngoài đường có thể dừng lại và sau đó vài người ăn mặc lịch sự trên xe bước xuống và sỉ vả, thậm chí đánh đập một người xe ôm chỉ vì một cú va quẹt nhẹ mà phần lỗi lại thuộc về xe biển số xanh.

Bởi nhà cửa thì nhiều, thậm chí có hàng ngàn khu biệt phủ, biệt thự trị giá ngàn tỉ trên mỗi khu nhưng nếu tìm hiểu về chủ nhân của nó, không có gì để đảm bảo rằng chủ nhân của nó không phải là kẻ trộm cắp tài sản công hoặc kẻ toa rập trộm cắp tài sản công – một cán bộ quyền lực nào đó. Ngay cả một cái chức tưởng như tượng trưng, thậm chí có chức năng hết sức phọt phẹt trong hệ thống như Chủ tịch xã cũng đã dám lên giọng lộng quyền và có năm ba lô biệt thự, năm ba căn nhà cho vợ lớn vợ bé, cho bồ bịch… Tất cả là gì nếu không trộm cắp tài sản công mà có?! Và, với những biểu hiện phì đại vật dục bên ngoài nhưng giá trị tinh thần thì rỗng tuếch, thậm chí hôi thối như vậy, liệu có thể xem là đất nước đang phát triển? Thử nhìn vào hệ thống tiên phong trong phát triển giá trị con người là hệ thống giáo dục, dường như nó bốc đầy mùi xú uế, hôi thối… Thì liệu có thể gọi Việt Nam là đất nước phát triển hay không?!

Nói cho cùng, Việt Nam chỉ phát triển khi nào hệ thống những kẻ trộm cắp bị xóa bỏ, cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng không còn cần dùng đến và con người có lòng tự trọng, người ngoài nhìn vào Việt Nam với ánh mắt tin cậy, tôn trọng và ngưỡng vọng… Thì lúc ấy, chúng ta mới tự tin là chúng ta phát triển. Bởi hiện tại, chúng ta phì đại vật dụng nhưng chúng ta giàu được nhờ vào trộm cắp, chúng ta không thể đánh mất chút danh dự còn sót lại một khi đánh đồng việc trộm cắp với phát triển. Chúng ta đang thụt lùi, và chúng ta cần phải học làm người thực thụ để đi đến phát triển!


*
*
Thứ Hai, 12/09/2019 - 01:35 — VietTuSaiGon

Khi bạn đói, thiếu thốn mọi thứ thì bạn không có cơ hội để làm người tử tế nhưng đồng thời bạn cũng không có cơ hội để làm người gian manh. Bởi mọi thứ đều có xúc tác của nó. Người Cộng sản khi đói, có vẻ tử tế hơn khi no, dân tộc có chế độ độc tài Cộng sản khi đói, có vẻ tử tế hơn khi no. Điều đó không chứng minh được dân tộc tính của bạn là tử tế hay vô lại. Và ngay cả khi bạn no cơm ấm cật, việc bạn cà chớn cũng chưa khẳng định được căn tính của bạn. Bởi điều đó lại nằm ở một thứ hệ thống bên trên hành vi của bạn, nó có tính chất vĩ mô. Việt Nam sẽ đi về đâu với những hình ảnh, những hành trạng mà trong mấy ngày vừa qua khiến cả thế giới phải che mặt?

Trong đại hội SEA Games 30 này, hình ảnh các cô gái khỏa thân, hò hét đi bão lại xuất hiện, điều này đáng xấu hổ. Nhưng đáng xấu hổ hơn là hình ảnh Nguyễn Đức Chung, đường đường là một Chủ tịch thành phố Hà Nội, nơi đóng đô của chế độ, đã có những phát biểu không phải của một con người có lý trí. Điều này do đâu? Và câu chuyện này dự báo điều gì?

Nếu nhìn một cách tổng quan, dường như không riêng gì Nguyễn Đức Chung có những phát biểu vớ vẩn và có hành trạng bất minh trong vấn đề quản lý nhà nước. Có một thực tế là hầu hết giới cán bộ lãnh đạo nhà nước đều dùng bằng giả và một số nhân vật dính đến trọng án trước khi làm lãnh đạo nhưng sau đó khéo chạy chọt, man trá nên tiếp tục nắm quyền lực. Và đáng sợ nhất là dù có học hay vô học, dù dùng bằng thật hay bằng gải thì giới cán bộ Cộng sản đều thụ đắc một cách sâu sắc nền giáo dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Một nền giáo dục mà ở đó chỉ có hai loại kiến thức duy nhất, đó là kiến thức về tự nhiên, kĩ thuật và kiến thức về xã hội. Trong đó, kiến thức xã hội không hề dạy cho con người ý niệm, ý nghĩa nhân quần mà dạy cho con người cách để đạp lên nhau mà đi đến quyền lực. Và, hệ quả của nó là con người trở nên bất chấp mọi thứ, kể cả sinh mạng đồng loại để bước lên vũ đài chính trị.

Ông tổ của chế độ Cộng sản Việt Nam, phải nói tới Hồ Chí Minh, ông đóng vai trò là tấm gương lớn, tấm gương sáng cho mọi thế hệ Cộng sản noi theo. Nhưng nghiệt nỗi, bản thân ông cũng không tránh khỏi giết người hàng loạt. Một giai đoạn lịch sử đấu tố và cải cách ruộng đất đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng dưới triều đại Hồ Chí Minh đã chứng minh điều này. Và đương nhiên là sau đó Hồ Chí Minh đã khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt của ông làm liên tưởng đến những giọt nước mắt của đệ tử hàng thứ ba của ông là Nguyễn Thị Quyết Tâm. Bà này cũng từng vừa phát biểu vừa méo mó khóc trong một phiên họp quốc hội sau khi đẩy hàng trăm người dân Lộc Hưng ra đường, ngoài bà Tâm, Lê Thanh Hải cũng vậy, cũng từng méo mó khóc khi phát biểu. Và Võ Kim Cự cũng từng sụt sùi khóc… Người Cộng sản rất giỏi méo khóc sau khi gây ra cái chết hàng loạt hoặc đẩy hàng loạt cuộc đời vào chỗ bế tắc, lầm than. Và, họ có một điểm chung là bất chấp để đạt mục đích.

Lần này, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, đã đưa sự dối trá của mình lên tầm quốc tế. Bởi ở tầm nội địa, ông từng lừa hàng trăm người dân Đồng Tâm để đươc việc, Chung hứa với dân Đồng Tâm rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự với những người đã đấu tranh cho quyền lợi của họ. Thế rồi sau khi mọi chuyện đã ổn, các thanh niên của lực lượng cảnh sát cơ động được người dân thả về một cách lành lặn, câu chuyện đi vào lúc giảm nhiệt thì Chung bất ngờ đưa ra quyết định truy tố hình sự đối với người dân Đồng Tâm. Điều này, ngoài việc chính Chung tự sổ toẹt vào danh dự của mình, Chung cũng ném dơ lên gương mặt chế độ bởi hơn ai hết, Chung đang nắm vị trí lãnh đạo tối cao của một thành phố mà ở đó, mọi cơ quan đầu não, mọi gương mặt lãnh đạo tối cao của quốc gia đều sống và làm việc. Rõ ràng, dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng việc của Chung làm có sự đồng thuận của bề trên, nếu không, cho dù có ăn gan trời Chung cũng không dám lộng quyền, lộng hành và tráo trở với nhân dân như vậy.

Nhưng chuyện Đồng Tâm tuy đánh động dư luận thế giới, nó vẫn là câu chuyện mang tính quốc nội. Lần này, chuyện các chuyên gia Nhật Bản xử lý làm sạch sông Tô Lịch và Chung đã ném cả một túi tráo trở vào các chuyên gia Nhật khi nói rằng họ đã không xin phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khi thử nghiệm xử lý sông Tô Lịch. Làm được điều này, xem như Chung ngang nhiên đạp lên mọi thứ giá trị của lương tri và danh dự, nói hàm hồ và xàm xí. Rõ ràng, không thể dùng từ ngữ nào khác đối với Chung! Và, sự tráo trở của Chung cũng không phải là lập dị trong hệ thống cán bộ. Bởi hiện tại, có thể đi bất kì nơi nào trên đất nước này để bắt gặp loại cán bộ hống hách, láo toét, đạo đức giả, không có lòng tự trọng và hợm hĩnh, gian ác như Chung. Bởi nói không ngoa là tất cả giới cán bộ Việt Nam hiện tại đều là cá mè một lứa, đều được đào tạo ra chung một cái lò và đều coi dân như cỏ rác.

Hơn nữa, khi mà lợi ích nhóm đã bén sâu, mọc bền trong cánh rừng chính trị Việt Nam thì đương nhiên, mọi phát biểu hay mọi sự tráo trở, lộng hành của một quan chức nào đó đều không có tính cá biệt mà nó đóng vai trò phát ngôn của nhóm, nó như một thông điệp về sự cạnh tranh quyền lực và tiền bạc của nhóm gửi cho các nhóm khác để biết rằng “rừng nào cọp nấy”, “nước sông không phạm nước giếng” và phần ai nấy ăn, đừng dây vào miếng ăn của người khác mà mang vạ vào thân… Ở các phát biểu tráo trở của các cán bộ lãnh đạo, hoàn toàn không có bóng dáng của lợi ích nhân quần hay quyền lợi nhân dân. Mà nó đóng vai trò đòn răn đe trước các nhóm khác đang chực chờ cướp miềng ăn hoặc một nhóm thiện nguyện nào đó cho không biếu không làm mất đi một cơ hội tham nhũng, đục khoét của nhóm. Trường hợp các chuyên gia xử lý nước của Nhật Bản sẵn sàng đầu tư miễn phí để làm sạch sông Tô Lịch và sau này là hồ Tây khiến cho Chung phải ăn nói hồ đồ, bất chấp, để rồi sau đó, Chung lại một lần nữa nói rằng chỉ đọc nguyên văn báo cáo mà không hiểu gì cả là một điển hình.

Nghĩa là, khi mất miếng ăn, người ta trở nên lồng lộn, hết sáng suốt, có khi mụ mị và tàn nhẫn, tàn ác. Ông bà thường nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.” Lộn gan lên đầu là ám chỉ việc đầu óc trở nên đần độn, không quản lý được hành vì và quên mất mình là ai. Trường hợp Nguyễn Đức Chung ứng với câu ca dao của cổ nhân. Nhưng vấn đề lộn gan lên đầu của một con người vô danh, không chi phối được ai cũng đã đáng sợ, đằng này, một ông lớn lộn gan lên đầu, nhiều ông lớn lộn gan lên đầu trong lúc cái lò chống tham nhũng của ông Tổng Trọng vẫn đang ngùn ngụt lửa thì câu hỏi đặt ra là liệu có thứ tham nhũng thành củi, cũng có thứ tham nhũng được trưng bày thành của quí hay không? Và, với đà này thì đất nước sẽ về đâu? Một câu hỏi không lớn trong lúc này bởi hình như, ai cũng có thể manh nha thấy được đích đến của đất nước. Vấn đề là thái độ phản ứng của con người bị chi phối bởi lương tri trong sáng hay lòng tham mù quáng, ngu xuẩn. Có lẽ, lại một lần nữa phải cầu nguyện, nhờ cậy vào anh linh các bậc tổ tiên, ông cha đã dựng nước và giữ nước!








No comments: