Thursday, November 14, 2019

BẢN TIN NGÀY 14/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




14/11/2019

BÀI MỚI
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
14/11/2019
13/11/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 14/11/2019

Tin Biển Đông

Ngày 13/11/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ phát biểu của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Trường Sa, báo Người Lao Động đưa tin. Trả lời câu hỏi của PV về phát biểu của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8/11 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-11-2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.

Trước đó, sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tuyên bố Việt Nam không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, ngày 8/11/2019, ông Cảnh Sảng kêu gọi Việt Nam không “làm phức tạp” vấn đề ở Biển Đông và “Trung Quốc hy vọng Việt Nam đối diện với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận cao giữa hai nước là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, tránh những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông”

VTC có bài: Sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Cảnh Sảng. Vụ ông Cảnh tuyên bố chính Việt Nam mới là phía “xâm chiếm” các đảo ở quần đảo Trường Sa, vốn thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Bài báo có đoạn: “Phát ngôn của ông Cảnh Sảng một lần nữa cho thấy sự trơ tráo của Trung Quốc với thói ‘vừa ăn cướp vừa la làng’. Không một quốc gia văn minh nào trong thời đại này tự nhiên lại tuyên bố ‘nhà của người ta’ là ‘nhà của mình’ một cách trắng trợn mà chẳng ngại gì mếch lòng hàng xóm và cộng đồng quốc tế cả”


Dự án sân bay Long Thành

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời TS Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: ‘Các nước làm sân bay giá chỉ bằng 2/3 Long Thành’. Ông Thành chỉ ra, trong khi sân bay Long Thành cần vốn đầu tư 16 tỉ Mỹ kim nhưng chỉ có 2 đường băng, thì sân bay Đại Hưng bên TQ có diện tích 4.700ha, tương đương với Long Thành nhưng thiết kế đến 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ Mỹ kim. Còn sân bay Istanbul thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách/năm, vốn đầu tư chỉ 12 tỉ Mỹ kim.

So sánh các điểm “chênh lệch” lớn về vốn của ba sân bay Đại Hưng, Istanbul và Long Thành. Ảnh: Tấn Đạt/TT

Về vấn đề chỉ định thầu là Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), ĐBQH Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi, liệu ACV thực sự có đủ mạnh để thực hiện tất cả các lĩnh vực như việc thực hiện hai đường giao thông kết nối: “ACV có phải nổi trội trong các lĩnh vực làm đường giao thông này không? Hơn 4.000 tỉ mà sao chúng ta cũng phải chỉ định thầu? Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về giao thông hay về các loại dịch vụ không?”


Sông Đuống độc quyền bán nước

Báo Dân Trí dẫn lời PGS.TS. Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận định, vụ giá nước nhà máy Sông Đuống đắt vì đầu tư khủng: “Không thuyết phục, cần thanh tra làm rõ”. Ông Long phân tích:

“Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn chứ… Không riêng gì kiểm toán, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề này”.

Bài báo lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống lên tới gần 5.000 tỉ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tức gần 4.000 tỉ đồng. Một lãnh đạo Sở Tài chính TP Hà Nội thừa nhận: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết: Shark đẻ bọc điều! Ông Hữu viết về sự ưu ái không bình thường mà lãnh đạo TP Hà Nội dành cho bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống: “Đại khái, shark Liên làm nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 1 gần 5 ngàn tỉ, shark Liên gom được 1 ngàn tỉ rồi vay ngân hàng thêm 4 ngàn tỉ làm sông Đuống. Nước chưa được Cục chất lượng kết luận đảm bảo sạch, shark Liên vẫn được liên Sở Hà Nội duyệt bán hơn 10 ngàn/m3, trong 10 ngàn đó có cả hơn 2 ngàn tiền lãi vay cho shark Liên”.

Từ “nhân dân” lại bị lạm dụng và người dân trở thành nạn nhân: “Đừng nói là vay 4 ngàn tỷ, mà có vay 40 ngàn tỷ ngân hàng cũng cho shark Liên vay, vì tiền lãi này đã được ‘nhân dân đảm bảo’. Shark Liên có lẽ được đẻ bọc điều, còn thị dân hẳn nhiên đẻ bọc ny-lon”.

Các “thượng đế” được phục vụ thời tiền Sông Đuống. Ảnh: Nguyễn Khánh/ TT

Trong khi người dân thủ đô Hà Nội chấp nhận mua nước giá đắt vì một thế lực tư bản đỏ được ưu ái, thì ở TP.HCM: giá nước cao nhất chưa tới 4.500 đồng/m3, theo báo Tuổi Trẻ. Sau khi UBND TP HCM điều chỉnh giá nước sạch cho lộ trình 2019 – 2022, giá nước mua sỉ từ các nhà máy nước đang được đàm phán lại nhưng sẽ không tăng quá mức 5-6%/năm so với mức giá 3.400-4.300 đồng/m3 hiện nay.

Ông Trần Văn Khuyên, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) xác nhận như vậy và cho biết: “Với mức giá sỉ mua nước tương đối thấp, giá nước bán lẻ cho người dân trên địa bàn đã được duy trì ở mức thấp suốt từ năm 2013 đến nay”.


Vụ cổ phần hóa hãng phim truyện VN

Diễn biến vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Tình hình nghệ sĩ đang vô cùng bi đát, theo báo Giao Thông. Nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN (VFS) đã có đơn kiến nghị gửi lên Văn phòng Chính phủ, cho biết “dù đã có kết luận rõ ràng về việc xử lý sau thanh tra nhưng quá trình giải quyết hiện nay đang bế tắc, làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và tinh thần của công nhân viên, nghệ sĩ tại Hãng”.

Các nghệ sĩ cho biết, VFS hiện “không có người đại diện chính danh bảo vệ quyền lợi cho người lao động và tiến hành các công việc của Hãng. Toàn bộ nghệ sĩ khối nghệ thuật và CBCNV khối Kỹ thuật không được hưởng lương và BHXH từ tháng 7/2018. Đến hết ngày 30/6/2019, họ cũng bị cắt BHYT”.


Tin môi trường

VOV dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Thủy lợi: Gần 22.000 ha cây trồng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ bị hạn giữa mùa mưa. Trong các vụ hè và thu vừa qua, lượng mưa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên “thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-60%. Đồng thời, nắng nóng khô hạn xảy ra sớm và gay gắt trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh trong khu vực”.

Tổng cục Thủy lợi dự báo, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, nhất là tại Tây Nguyên, khi có tới 70% diện tích ở ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi. “Trong khi đó, không ít hồ lớn ở khu vực, đang tích nước đạt rất thấp như hồ Ka Nak tại Gia Lai, hiện chỉ tích được 30% dung tích. Mức độ thiếu nước có thể diễn ra gay gắt”

Infonet có bài: Giữa trưa, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội “biến mất” sau lớp sương mờ ô nhiễm. Trưa 13/11/2019, “dù đang giữa trưa nhưng bầu trời Hà Nội mịt mù như chuẩn bị vào chập tối”. Dù trời có mưa nhỏ nhưng bầu không khí tại Hà Nội không giảm bụi mù, các tòa nhà cao tầng như “biến mất” sau các lớp sương khói. 

Nhìn từ trên cao, tầm nhìn xa bị hạn chế dưới 5km. Mặc dù theo dự báo thời tiết, ngày 13/11 miền Bắc sẽ đón không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm. Nguồn: Infonet

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Dân đốt rẫy gây cháy rừng phải vào tù, có cán bộ nào mất chức chưa? Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đưa ra các vấn đề: Ngày 27/6, nông dân Nguyễn Thị Hảo, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7ha, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù. Đến ngày 28/6, một nông dân khác là Phan Đình Thành, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trong khi đó, “hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi” liên quan đến sự tắc trách của lãnh đạo, nhưng chưa thấy ai phải nhận các hình phạt nặng nề như người nông dân.




Tin giáo dục

Báo Giáo Dục và Thời Đại bàn về vấn đề tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Cần sự vào cuộc quyết liệt. Trong khi Bộ Nội vụ khẳng định, việc cho phép các địa phương tuyển dụng đặc cách GV đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước là tình huống đặc biệt, thì Hà Nội chưa giải quyết được bất cứ một trường hợp xét đặc cách nào trong số 256 GV hợp đồng, chỉ riêng ở huyện Sóc Sơn. Nghĩa là quan chức ngành GD ở Hà Nội không xem Bộ Nội vụ ra gì.

Thậm chí, TP Hà Nội đã tổ chức xong vòng 1, chuẩn bị tiếp tục thực hiện tuyển dụng vòng 2 từ ngày 17/11/2019 đối với kỳ tuyển dụng viên chức ngành GD năm 2019. “Nếu thực sự không quyết liệt đến tận cùng, thì rồi những chỉ đạo của Bộ Nội vụ cũng sẽ lại tiếp tục chìm vào vướng mắc của pháp lý cao hơn”.

Tin khó tin nhưng có thật ở VN: Thi được 1 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện, theo Zing. Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, Bến Tre, xác nhận, có 566 HS khá, giỏi ở khối lớp 8, 9 thuộc 13 trường THCS trên địa bàn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020. Ở môn Tin học, có 7 học sinh giành giải khuyến khích có điểm số 1-1,5, trên thang điểm 20.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Châu Thành lý giải, “điểm số môn Tin học thấp, nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu 50% học sinh tham gia có giải, ban tổ chức chọn theo điểm từ cao xuống thấp. Cũng từ kỳ thi này, huyện sẽ chọn mỗi môn 15 em có điểm số cao nhất đi thi cấp tỉnh”



***

***






No comments: