Saturday, October 19, 2019

TIN BIỂN ĐÔNG : BẢN ĐỒ LƯỠI BÒ LIÊN TỤC XUẤT HIỆN TRONG CÁC ẤN PHẨM CỦA VIỆT NAM (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
19/10/2019

Hải Dương 8 đang ở đâu?

Lúc 6h29′, ông Phạm Thắng Nam cho biết, lúc 18h44′ tối 18/10/2019, tàu Hải Dương 8 đã hoàn tất đường khảo sát thứ 18 và bắt đầu đường khảo sát thứ 19. Lúc 6h07′ sáng 19/10/2019, Hải Dương 8 đã hoàn thành 2/3 đường khảo sát thứ 19. Đường khảo sát này nằm sát vĩ tuyến N 14° 18′ và ở vị trí ngang với vịnh Vũng Mới, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Vị trí của Hải Dương 8 lúc 6h07′ sáng 19/10/2019

Ông Nam cũng cho biết thêm, tàu Khánh Hòa 01015 thời gian vừa qua đã liên tục theo dõi, bám sát Hải Dương 8. Hôm trước tàu này đã cập bờ, để tiếp tế nhiên liệu, thưc phẩm… nhưng hôm nay đã trở lại hiện trường, tiếp tục kèm sát Hải Dương 8.

Về tàu ngầm của TQ nổi lên ở quần đảo Hoàng Sa

Vụ tấm ảnh chụp tàu ngầm Trung Quốc nổi lên trong lãnh hải Việt Nam do ngư dân Việt Nam chụp, Facebooker Bình Thế Nguyễn cung cấp thêm một loạt ảnh“những hình ảnh về việc tàu ngầm hạt nhân type 094 Jin của Trung Quốc di chuyển ngang với tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi được chính những người ngư dân can trường chúng ta ghi lại được vào tháng 9/2019”.

Hình ảnh tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, do ngư dân Quảng Ngãi chụp.

Ông Bình Thế Nguyễn cho biết thêm, “tọa độ tương đối ở khoảng 18 độ vĩ bắc, 114 độ kinh đông, nằm ở phía bắc đông bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam). Theo thông tin mà tôi nhận được từ tác giả loạt ảnh này, tàu ngầm Trung Quốc nổi lên và di chuyển chậm ngược chiều với nhóm tàu cá VN, thủy thủ Trung Quốc sử dụng kính tiềm vọng để quan sát ngư dân rất nhiều”.

***

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: EU quan ngại về tình hình Biển Đông. Ngày 17/10, tại Brussels, Bỉ, bà Federica Mogherini, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu và Bộ trưởng BQP Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã ký một hiệp định, nhằm thiết lập một khuôn khổ cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Đây là hiệp định thứ 19 của EU và là hiệp định thứ 4 của khối này với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bà Mogherini phát biểu, “EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây. EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982. EU ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác”.

Trung Quốc điều tàu bám đuôi tàu sân bay Mỹ trên biển Đông, theo báo Pháp Luật TP HCM. Dẫn tin từ báo South China Morning Post, cho biết, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đã cập bến Singapore vào ngày 17/10, cùng với hai tuần dương hạm và một khu trục hạm hộ tống. Trả lời phỏng vấn, Chuẩn đô đốc Hải quân George Wikoff cho biết, ông không lo ngại về bất cứ mối đe dọa an ninh nào mà lực lượng Mỹ có thể đối mặt khi di chuyển ở biển Đông.

Ông Wikoff không phủ nhận “việc tàu trước đó đã bị nhiều tàu chiến Trung Quốc bám đuôi. Các hình ảnh vệ tinh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy tàu bị ít nhất bảy tàu được cho là của Trung Quốc vây quanh”.

Saigontourist xài ấn phẩm có đường lưỡi bò

Báo Người Việt đưa tin: Saigontourist ‘tiếp tay’ quảng bá ‘đường lưỡi bò’ cho Trung Cộng. Saigontourist, công ty du lịch nổi tiếng ở quận 1, đã tiếp tay phát tặng cẩm nang giới thiệu du lịch Trung Quốc có bản đồ in hình “đường lưỡi bò” cho du khách.

Trong tập sách được ghi “do Ủy Ban Đối Ngoại và Du Lịch Trương Gia Giới biên soạn”, ngoài hình ảnh các địa danh, lễ hội được quảng bá đến khách du lịch, ở trang cuối có in bản đồ đường bay phi trường quốc tế Hà Hoa, kèm theo hình ảnh “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Vụ việc đã được khách phản ánh đến Sở Du Lịch TP HCM. Ông Nguyễn Minh Lý, chánh Thanh Tra Sở Du Lịch, cùng đại diện Thanh Tra Sở TT&TT đã đến Công Ty Lữ Hành Saigontourist lập biên bản sự việc.

Báo Thanh Niên nhận định vụ Saigontourist dùng ấn phẩm ‘đường lưỡi bò’: Sự cố nghiêm trọng. Một đại diện công ty này trình bày: “Công ty Trung Thế đưa cho Saigontourist 15 ấn phẩm có in hình ‘đường lưỡi bò’. Cái lỗi chính ở đây là bộ phận nhận ấn phẩm chỉ xem lướt qua, chứ không xem kỹ nội dung. Điều này giống như Saigontourist khi sang nước ngoài công tác, Saigontourist cũng đem các ấn phẩm của công ty để giới thiệu những cảnh quan, tour trong nước với đối tác nước ngoài”.

Ngụy biện dài dòng nhưng về cơ bản cũng giống ý bà Nguyễn Thị Hồng Ngát bao biện vụ “đường lưỡi bò” chỉ xuất hiện “có mấy giây” trong phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ”. Theo báo Thanh Niên thì trang có in hình “đường lưỡi bò” rất dễ thấy.

Hình “đường lưỡi bò” nằm ở 2 trang gần cuối của ấn phẩm và rất dễ phát hiện. Ảnh: Trung Hiếu/TN

BBC đặt câu hỏi: Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN? “Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt, sàng lọc thông tin từ trung ương xuống địa phương nhưng lại vẫn để lọt ‘đường lưỡi bò’. Ví dụ, các phim chiếu ở Việt Nam đều phải qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim thuộc Cục Điện Ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Trong vụ việc của Saigontourist, lỗi được đổ cho nhân viên của công ty đã không kiểm tra kỹ cuốn cẩm nang du lịch do công ty Trung Quốc cung cấp. Trong vụ việc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019, các tờ rơi có hình bản đồ lưỡi bò bị mang đi tiêu hủy, nhưng không thấy tin công ty Hola China bị xử lý“.

Bản đồ lưỡi bò liên tục xuất hiện trong các ấn phẩm của Việt Nam. Đây không còn là hiện tượng nữa, mà nó thuộc về bản chất, bởi nó lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế nhưng những người có trách nhiệm chỉ xem xét, xử lý qua loa vấn đề, chứ không xem đây là vấn đề nghiêm trọng, cần truy ra nguồn gốc. Phải chăng, chuyện nhượng lãnh hải đã nhất quán từ trên xuống dưới?
______









No comments: