Saturday, October 19, 2019

THỰC TRẠNG CON QUÁI CHIMERA (Việt Nguyên)




Việt Nguyên                      
October 17, 2019

Mừng quốc khánh lần thứ 70 của Trung Quốc, 70 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã dương oai diệu võ với hơn 15 ngàn quân diễn hành và đoàn phản lực cơ chiến đấu 160 chiếc cùng những vũ khí tối tân.

Cộng Sản Trung Quốc treo biểu ngữ dọc theo một con đường phía trước nơi tổ chức diễn đàn “Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Forum, BRI) lần 2 từ ngày 25 đến 27 Tháng Tư, 2019, tại Bắc Kinh. (Hình: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Ông Tập tái xác nhận chế độ Cộng Sản không thay đổi, chỉ biến thể từ Mao Trạch Đông qua Đặng Tiểu Bình cải tổ kinh tế với đường hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyên bố sẽ đánh bại tất cả đe dọa từ kinh tế đến quân sự, Chủ Tịch Tập Cận Bình muốn đáp lại chính sách của Tổng Thống Donald Trump.

Ngày độc lập Hoa Kỳ 4 Tháng Bảy, 2019, Tổng Thống Trump với xe tăng và đoàn phản lực 24 chiếc đã khiến các nhà phê bình xem rằng ông Trump muốn trở thành nhà độc tài giống Hitler, mặc dù diễn hành quân sự của ông thua xa Trung Quốc, thua cả các ngày diễn binh của các nhà độc tài khác trên thế giới từ Belarus, Venezuela, Bắc Hàn, Iran qua đến Putin ở Nga nhân ngày chiến thắng Đức Quốc Xã.

Sử gia lo ngại tình trạng thế giới sẽ xảy ra giống như thời 1940 khi nhà độc tài Đức Quốc Xã Hitler trong hai năm cầm quyền đã đưa kinh tế Đức lên hàng thịnh vượng. Cả thế giới ca tụng Hitler rồi bỗng nhiên bàng hoàng chứng kiến các cuộc xâm lăng quân sự của Đức Quốc Xã dẫn đến Thế Chiến Thứ Hai năm 1945.

Thế giới đang đứng trong tình trạng hoang mang thay đổi từ ngày Tổng Thống Trump vào Tòa Bạch Ốc, nhưng những biến cố gần đây cho thấy thế giới có lẽ sẽ không bước vào Thế Chiến Thứ Ba. Trung Cộng vẫn dựa vào chính sách dùng quân đội và kinh tế để âm mưu thực dân hóa các nước lân cận, nhất là Việt Nam, và các nước Nam Thái Bình Dương trong chính sách và chiến thuật “Một vòng đai” từ biển đến đất liền.

Tổng Thống Donald Trump với những cảnh cáo nảy lửa với hai quốc gia chính Iran ở Trung Đông và Bắc Hàn ở Á Châu nhưng chiến tranh vẫn không xảy ra. Sau những khiêu khích từ bắn rơi máy bay drone của Hoa Kỳ đến tịch thu tàu chở dầu của Anh, ông tổng thống “thương dân Iran” đã không bắn phát đạn hay hỏa tiễn nào mặc dù “đạn đã lên nòng!”
Bắc Hàn vẫn giữ nguyên tắc phải có vũ khí nguyên tử (giống như Pakistan chủ trương các nước Hồi Giáo phải có vũ khí nguyên tử để chống lại Do Thái), Tổng Thống Trump đã yêu cầu Chủ Tịch Kim Jong Un bước qua biên giới bắt tay nhưng rồi “người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,” Bắc Hàn bỏ các buổi thương thuyết tay đôi sau khi bắn vài hỏa tiễn lên trời!

Chủ Tịch Tập Cận Bình tái xác nhận chủ nghĩa Cộng Sản, còn Tổng Thống Trump đã cho thấy chính sách của ông, chủ nghĩa Dân Túy (Populism), khi ra trước đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và dặn các nước phải tự lo, trừ các nước cùng một chủ nghĩa của ông, Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, ông Hoàng Saudi Aradia Mohammad Bin Salman Al Saud và Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (điều này giải thích chính sách quân sự của Hoa Kỳ ở Saudi Aradia và Thổ Nhĩ Kỳ).
Chiến tranh thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc là thương chiến Mỹ-Trung và vũ khí của trận chiến là thuế hàng hóa (tariff) chứ không phải là vũ khí nguyên tử.

Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế số một trên thế giới trước khi Tổng Thống Trump hô hào “Make America Great Again” MAGA. Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai tiến lên từ khi vào WTO năm 2001.

Tương quan giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, China-America, từ năm 2007 kết chặt với nhau giống như con quái Chimera trong truyện cổ Hy Lạp, con thú đầu sư tử, thân dê, đuôi rắn, thở ra khói. Kinh tế liên hệ nhưng khác biệt, kinh tế Mỹ là kinh tế tiêu thụ còn dân Trung Quốc bắt đầu có tiền sản xuất và tiết kiệm.

Tháng Mười Hai, 2018, chính sách an ninh của Tổng Thống Donald Trump xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Trên thực tế con quái Chimera đã bắt đầu tự tách rời từ năm 2015 (theo báo Wall Street Journal). Bắc Kinh nhằm giảm nguy cơ thị trường tài chính, ổn định đồng Yuan để khuyến khích các nhà đầu tư ngoại quốc, kinh tế từ đó phát triển nhanh hơn. Hoa kỳ bắt đầu thấy phải có chính sách mới để quân bình cán cân kinh tế không để Trung Quốc qua mặt.

Năm 2014, Tổng Thống Barack Obama đả kích Trung Quốc đã phát triển dựa trên các công ty quốc doanh, đánh cắp tài sản trí tuệ và phát minh của các công ty kỹ thuật thông tin Hoa Kỳ. Tất cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều đồng ý. Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ thiểu số Thượng Viện, đồng ý với chính sách của Tổng Thống Trump duy nhất về điểm này, không ai đồng ý với Trump xem “Thương chiến Mỹ-Trung rất dễ thắng” như ông đã nói trong năm 2018.

Thương chiến Mỹ-Trung với cây kiếm của Tổng Thống Trump trở thành thương chiến với tất cả các nước, kể cả Âu Châu và hai nước láng giềng Bắc Mỹ. Chỉ số kinh tế cho thấy kinh tế Trung Quốc thiệt hại nhưng chỉ số kinh tế sản xuất của Hoa Kỳ trong 10 năm qua cũng giảm, năm 2019 thống kê cho thấy hàng xuất cảng giảm 7% ảnh hưởng lên 36 tiểu bang do chính sách thuế mặt hàng.

Chính Tổng Thống Trump đã phải công nhận dân Mỹ phải trả giá cho thương chiến. Trong chiến tranh nào cũng phải có người chết và bị thương. Năm nay dân Mỹ phải trả thêm $1,000 cho giá hàng tiêu thụ và $259 tỷ thuế. Thương chiến như canh bài xì phé với Tổng Thống Trump “tố” $550 tỷ trên mặt hàng Trung Quốc, ngược lại Chủ Tịch Tập Cận Bình “tố” $150 tỷ trên mặt hàng Hoa Kỳ.

Tổng Thống Trump đánh vào yếu điểm Trung Quốc, đưa các hãng kỹ nghệ sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ngược lại Chủ Tịch Tập nhắm vào các tiểu bang Trung Tây Hoa Kỳ, cổ họng của Tổng Thống Trump trong thời kỳ tranh cử giữa nhiệm kỳ. Kết quả điển hình là sản xuất đậu nành giảm 98%. Thị trường chứng khoán lên xuống bất thường tùy đòn phép của Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Tập tung ra.

Thiệt hại kinh tế giữa hai nước có thể vĩnh viễn như các kinh tế gia cảnh cáo. Trong trận chiến nào cũng vậy, như truyện cổ tích Việt Nam “Trọng Thủy Mỵ Châu,” kẻ thù không ở trước mắt mà ngồi sau lưng ngựa. Kẻ thù của Tổng Thống Trump là Hiến Pháp Hoa Kỳ, một Hiến Pháp không cho phép công dân Hoa Kỳ kể cả tổng thống đạp trên pháp luật. Còn kẻ thù của Chủ Tịch Tập Cận Bình là những người yêu dân chủ, một Hồng Kông với những người trẻ yêu dân chủ đang là thử thách cho ông Tập.

Cuộc biểu tình ở Hồng Kông từ Tháng Sáu, 2019, chống luật dẫn độ kẻ phạm pháp đưa ra từ hồi Tháng Tư đến nay không có dấu hiệu cho thấy giới trẻ sẽ nhượng bộ mặc dù bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hồng Kông, đã chịu bỏ dự luật. Lý do biểu tình là dân Hồng Kông không tin vào luật pháp không công bằng của Cộng Sản Trung Quốc. Lý do sâu xa là phong trào dân chủ đã được nuôi dưỡng ở Hồng Kông trong một quốc gia hai chế độ. Một chế độ Cộng Sản và một chế độ theo đuổi tự do và hạnh phúc là quyền của người dân như bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ do Thomas Jefferson viết, một quyền làm người khi sinh ra giống như định luật vật lý, tự do như nước chảy tràn xuống nuôi sống con người.

Năm 1984, khi Luân Đôn và Bắc Kinh ký hiệp ước trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, người Anh đã phạm một lỗi quan trọng: Không có đại diện dân Hồng Kông. Thiếu tiếng nói của dân Hồng Kông hiệp định cũng giống như các hiệp định của các chính quyền thực dân khác sau Thế Chiến Thứ Hai khi chấm dứt chế độ thuộc địa.

Dân Hồng Kông thất vọng với hiệp định. Dân Trung Quốc dưới chế độ Cộng Sản nghĩ khác, sau 140 năm ngũ cường chiếm Trung Quốc nay họ cảm thấy có chủ quyền. Tinh thần ái quốc được đảng Cộng Sản Trung Quốc nuôi dưỡng và kích động. Năm ký hiệp định Cộng Sản trên thế giới đang thua, dân chủ thắng thế trên thế giới từ Đông Âu qua Nga. Dân Hồng Kông nuôi hy vọng là hiệp định sẽ bảo đảm nền hành pháp và tư pháp độc lập của Hồng Kông trong 50 năm (Bắc Kinh sẽ kiểm soát hoàn toàn năm 2047). Những người yêu chuộng tự do trên thế giới hy vọng Hồng Kông với ba nền lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập của một nước dân chủ sẽ là mô hình cho Trung Quốc.

Nhưng hiệp định không dẫn đến một Trung Quốc dân chủ từ Hồng Kông như mọi người dự đoán cũng vì lỗi của người Anh. Chính quyền Anh không cho bầu cử tự do ở Hồng Kông cho đến năm 1991. Tình cờ mà đúng ý với chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn muốn giữ hình ảnh Hồng Kông giống như người Anh đã tạo ra: một thành phố tài chính và thương cảng phi chính phủ.

Bỏ quên tiếng nói 7 triệu dân Hồng Kông (không khác gì Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam) trong những năm cầm quyền chính quyền Anh không khuyến khích dân Hồng Kông tham gia hoạt động đảng phái ngay cả theo Quốc Dân Đảng, đảng cầm quyền ở Đài Loan, nói gì đến lập đảng chính trị ở Hồng Kông. Con người Hồng Kông thập niên 1970 có văn hóa tiêu thụ, văn hóa Quảng Đông, nhạc “Pop” và phim võ thuật Bruce Lee, phi chính phủ, và giới trẻ Hồng Kông không cảm thấy họ là người Trung Quốc nhất là thế hệ sinh quanh năm 1997 là năm Hồng Kông trao trả về Trung Quốc.

Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong nói chuyện với giới truyền thông bên ngoài trụ sở chính quyền Hồng Kông hôm 2 Tháng Bảy, 2019. (Hình: Vivek Prakash/AFP/Getty Images)

Dân Hồng Kông muốn dân chủ, nhà cầm quyền Trung Quốc muốn thành lập chế độ Cộng Sản. Trung Quốc không chấp nhận tiếng Quảng Đông chỉ chấp nhận tiếng Quan Thoại (khác Hoa Kỳ, ngôn ngữ dân thiểu số được gìn giữ và khuyến khích, Cộng Sản Trung Quốc muốn các ngôn ngữ khác trừ Quan Thoại biến mất). Nứt rạn giữa Hồng Kông và Trung Quốc rõ ràng vào năm 2008 với Thế Vận Hội Bắc Kinh. Thiểu số dân Hồng Kông cảm thấy tự hào khi Thế Vận Hội được tổ chức ở Trung Quốc còn đa số cho thấy (qua thăm dò năm 2012), giới trẻ 18 đến 29 hãnh diện họ là người Hồng Kông không dính líu gì với Trung Quốc. Biểu tình ủng hộ thắp nến tưởng niệm Thiên An Môn hàng năm lúc đầu là ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc sau này vì họ là công dân thế giới ủng hộ dân chủ và bỏ hẳn chữ “yêu quê hương” trong các biểu ngữ.

Các lý do gần đây nằm sau lý do chống luật dẫn độ là vì dân Hồng Kông cảm thấy chính quyền Cộng Sản Trung Quốc áp dụng chính sách thuộc địa. Các công ty độc quyền chiếm nhà chiếm đất Hồng Kông, dân Trung Quốc tràn qua Hồng Kông giành việc làm, giành nhà, giới trung lưu và giới trẻ Hồng Kông không còn đủ khả năng mua chung cư. Dân Hồng Kông cảm thấy nguy hiểm gần kề khi thời hạn năm 2047 sắp đến.

Giới trẻ Hồng Kông như nhà tranh đấu Joshua Wong cảm thấy đây là trận chiến cuối cùng của họ, không ai khác hơn là chính họ phải tranh đấu cho tương lai (Tập Cận Bình không lay động với những cuộc biểu tình, các nhà lãnh đạo như Donald Trump không tiếp Joshua Wong). Thế giới đã chấp nhận quyền của Bắc Kinh trên 1 tỷ 4 trăm triệu, dân số Hồng Kông chỉ bằng 0.54% dân số Bắc Kinh, tiếng nói của họ là tiếng nói thiểu số, biểu tình kéo dài mới có thể đánh thức lương tâm thế giới.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không dẫn đến các cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Giới Tây phương đã lý luận nền dân chủ và tư bản đi đôi khi Đặng Tiểu Bình mở cửa và cải tổ Trung Quốc nhưng điều đó đã không xảy ra. Biểu tình xảy ra ở Hồng Kông nhờ thông tin mạng lưới và điện thoại di động nhưng cách mạng kỹ thuật truyền thông không đem đến thay đổi ở Trung Quốc.

Năm 1992, Tổng Thống Bill Clinton đã gọi “bọn đồ tể Bắc Kinh” sẽ bị lịch sử quét sạch. “Tự do sẽ được phổ biến bởi điện thoại di động và máy điện tính” Tổng Thống Clinton nói: “Chúng ta đã biết mạng lưới thông tin thay đổi Hoa Kỳ, xã hội cởi mở hơn, hãy xem Trung Quốc thay đổi vì mạng lưới.” Năm 2000 bức “Đại hỏa thành Trung Quốc” ra đời chặn kiểm duyệt, Tổng Thống Clinton chúc Cộng Sản Trung Quốc may mắn. Nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba xem mạng lưới là “tặng phẩm của Thượng Đế” cho cuộc tranh đấu Dân chủ Trung Quốc.

Những tiên đoán trên đã không xảy ra vì bài học Gorbachev, “Xô Viết sụp đổ vì Gorbachev tin vào Tây phương.” Năm nay tờ Nhân Dân thời báo lại học được bài học từ Tổng Thống Trump: “Donald Trump dùng fake news là kẻ thù, tất cả những chuyện biểu tình, thảm sát đều là fake news của bọn Tây phương.” Quan trọng nhất là ông Tập Cận Bình viết “Hồ sơ số 9” phổ biến trong đảng Cộng Sản Trung Quốc quyết định đi ngược lại tất cả “phong trào toàn cầu hóa, cởi mở, liên mạng, tự do thông tin” Quyết định đã phá vỡ thành quả mạng lưới Tây phương. Kiểm soát mạng lưới của đảng đã được áp dụng khi cách mạng dù ở Hồng Kông Tháng Chín, 2014. Tin tức các cuộc biểu tình bị chặn không gây chú ý ở lục địa. Ngoài ra sư đoàn 50 xu (bọn blogger trolls trên mạng lưới được trả 50 xu mỗi bài) đã tung tin fake news hữu hiệu.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không dẫn đến biểu tình dân chủ ở Trung Quốc một phần nữa vì giới trẻ hiện nay được gọi là giới trẻ thiên niên kỷ (Millennials). Giới trẻ thế kỷ 21 ở Trung Quốc là sản phẩm của toàn cầu hóa. Trong khi Tổng Thống Trump theo đuổi chủ nghĩa Dân Túy, Chủ Tịch Tập Cận Bình cổ võ tinh thần ái quốc cực đoan, thì giới trẻ hiện nay sống ơ thờ với chính trị, không đảng phái không tổ chức nhưng họ sống giống như thế hệ thiên niên kỷ ở Hoa Kỳ: chủ trương không lập gia đình, không chấp nhận cha mẹ sắp đặt hôn nhân, dùng điện thoại thông minh để kiếm bạn kiếm bồ, hẹn hò ở nhà hàng, gọi Uber, gọi taxi, sắm hàng…

Tỷ lệ hôn nhân năm 2018 giảm, tỷ lệ ly dị tăng. Lối ăn mặc giống Âu Châu, áo khoác, quần jean, quần bó, giày trắng, đội mũ baseball, mang kính hiệu, khác với giới trung lưu ngày trước họ không thích hàng Chanel. Một điểm nữa là họ muốn sống không lo nghĩ không cần thành công mặc dù sau 1989 Trung Quốc phát triển kinh tế.

Giống như giới trẻ ở Mỹ họ không thích công việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần) hay 007 (từ trưa đến nửa đêm, bảy ngày một tuần), không thích công việc ổn định họ thích làm việc ở nhà với máy điện toán nhờ BAT (Baidu, Alibaba, Tencent). Thích mạng xã hội nhưng không thích bàn chuyện chính trị, để ý đến thay đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm hơn là cha mẹ họ. Sở thích là ACGN, (văn hóa, phim hoạt họa, tranh vui cười, trò chơi điện tử, tiểu thuyết Harry Potter, Avengers, Lord of the rings, Sex and City…) giống như ở Mỹ, lợi tức giàu nghèo càng ngày càng cách xa vì kỹ thuật truyền thông.

Tuy nhiên tinh thần ái quốc cũng ảnh hưởng lên giới trẻ, họ không tin Mỹ hơn Trung Quốc nhiều. Có tiền, nên khác với thế hệ trước, họ xem du học không còn là vấn đề ưu tiên. Năm 2018, Đại Học Standford và Bắc Kinh làm cuộc nghiên cứu đã cho thấy 1,800 sinh viên ở Bắc Kinh năm 2017 được cho phần mềm để vượt bức tường lửa lên mạng tự do xem tin tức chính trị dân chủ Tây phương, và chỉ có 53% dùng phần mềm được cung cấp.

Thế hệ 1980-1990 có giấc mơ đi Mỹ học vì Mỹ được xem là quốc gia tân tiến và tự do nay các sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt tại Mỹ lại muốn trở về nước vì họ sợ con cái sống trong xã hội giết nhau vì súng đạn và nghiện ngập.

Thế giới chờ đợi một thảm sát Thiên An Môn có thể xảy ra ở Hồng Kông, Chủ Tịch Tập Cận Bình đang chơi trò chơi gây hoang mang phỏng đoán như Tổng Thống Trump, có lẽ thảm sát sẽ không xảy ra vì nhờ kỹ thuật tiến bộ nhận diện A.I. công an Trung Quốc bắt dân biểu tình bỏ vào trại tập trung cải tạo ít đổ máu nhưng tàn nhẫn và thế giới cũng không chú ý đến họ như một triệu người tù cải tạo Hồi Giáo ở Tân Cương. Danh từ trại cải tạo được báo chí Hoa Kỳ dùng đầu tiên năm 1897, tả trại tập trung ở Cuba trong trận chiến Tây Ban Nha-Mỹ Châu. Những người tù trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam sau 1975 đã rõ chính sách vô nhân đạo “học tập” để đày đọa con người hơn súc vật.

Joshua Wong đã nhắn giới trẻ Việt Nam phải tranh đấu cho dân chủ, những lời nhắn như tiếng vọng dưới đáy vực. Giới trẻ thiên niên kỷ ở Việt Nam cũng giống như giới trẻ ở Trung Quốc xem chén cơm manh áo trọng hơn tự do dân chủ. Dầu sao đi nữa biểu tình của giới trẻ ở Hồng Kông cũng là bài học cho các nhà tranh đấu dân chủ nhân quyền Việt Nam. (Việt Nguyên)





No comments: