Saturday, August 17, 2019

CHỨNG KHOÁN TOÀN CẦU BỊ BÁN THÁO VÌ LO SUY THOÁI KINH TẾ (Russell Hotten - BBC)




Russell Hotten
BBC News, New York
15 tháng 8 2019

Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt giá giữa lúc những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu.

Ba thị trường chứng khoán chính của Mỹ đóng cửa ở mức thấp hơn 3% chỉ sau một đêm, chứng khoán châu Âu giảm ở mọi lãnh vực, còn thị trường chứng khoán châu Á xuống giá vào lúc đầu giờ mở cửa giao dịch.

Dữ liệu yếu từ Đức và Trung Quốc hôm thứ Tư khiến đẩy cơn sốt đầu tư vào các tài sản an toàn như trái phiếu và vàng.

Những biến động trong thị trường trái phiếu cho thấy suy thoái có thể xảy ra cho những nền kinh tế lớn.

Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cũng chịu áp lực mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vì bị cho là không làm đủ để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện có các lo ngại rằng việc ông Trump tiếp tục công kích Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào khả năng đưa ra quyết định độc lập của Cục.

Nhà phân tích Oliver Pursche, thuộc công ty dịch vụ tài chính Bruderman, cho biết bức tranh toàn cầu khá bấp bênh.

"Những gì đang xảy ra ở Hong Kong, những gì đang xảy ra với Brexit và cuộc chiến thương mại, tất cả đều là một mớ hỗn độn," chiến lược gia trưởng về thị trường nói. "Mọi ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng thúc đẩy kinh tế trong lúc mọi chính trị gia trên toàn thế giới lại đang cố tìm cách làm suy hại các nền kinh tế."

Tin GDP của Đức bị giảm trong quý hai và mức tăng trưởng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7 chạm mức thấp nhất trong 17 năm, đã làm kinh ngạc các thị trường ở châu Âu. FTSE 100 đóng cửa thấp hơn 1%, trong khi tại Đức và Pháp, các thị trường đóng cửa ở mức giảm trên 2%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm khoảng 2% vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Năm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong mở cửa thấp hơn 1,4%. Cả hai sau đó đã vãn hồi lại phần nào. Sự gián đoạn liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ cũng đã đè nặng lên thị trường chứng khoán Hong Kong.

Một lo lắng khác là thị trường trái phiếu đang ra những tín hiệu cảnh báo tình trạng suy thoái.

Lợi nhuận từ Trái phiếu Chính phủ loại thời hạn hai năm và 10 năm lần đầu tiên bị đảo ngược kể từ tháng 6/2007.

Điều này có nghĩa là nhu cầu an toàn của giới đầu tư khiến họ sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn trong khi giữ trái phiếu trong một thời gian dài hơn. Thường thì giới đầu tư muốn lợi nhuận cao hơn khi giữ trái phiếu lâu hơn do những rủi ro liên quan đến việc kẹt tiền vào đó trong một thời gian dài.

Trong quá khứ, các chuyển động của trái phiếu như vậy là một chỉ số đáng tin cậy về việc suy thoái có thể xảy ra. Chuyển động tương tự đã xảy ra trước cuộc suy thoái toàn cầu lần cuối cách đây hơn 10 năm.

Đường cong lãi suất trái phiếu của Anh cũng lần đầu tiên đảo ngược kể từ năm 2008, trong khi khoảng cách lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm và hai năm ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước.

Trong khi đó, chỉ số biến động CBOE - chỉ số được gọi là chỉ số sợ hãi - đã tăng cao hơn và giá vàng đang tăng.

Fed bị tấn công

Hôm thứ Tư, ông Trump một lần nữa cố gắng đánh lạc hướng sự hỗn loạn của thị trường bằng cách nhắm vào chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, gọi giám đốc Fed Jerome Powell là "không biết gì".

Với việc tăng lãi suất bốn lần vào năm ngoái, "Cục Dự trữ Liên bang đã hành động quá nhanh, và bây giờ là rất, rất muộn" trong việc cắt giảm chi phí vay nợ, tổng thống tweet.

Các vị tổng thống Hoa Kỳ gần đây thường tránh bình luận về chính sách của Fed, một dấu hiệu tôn trọng sự độc lập của ngân hàng.

*
Phân tích của Michelle Fleury
Phóng viên kinh doanh tại New York

Tín hiệu suy thoái từ thị trường trái phiếu sẽ chỉ gây thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang phải trao cho tổng thống những gì ông muốn - cắt giảm lãi suất thêm nữa.

Phố Wall chắc chắn nghĩ rằng điều không thể tránh khỏi là lãi suất sẽ giảm trong tháng Chín.

Tháng trước, ngân hàng trung ương của Mỹ đã giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên kể từ năm 2008. Nhưng điều đó không gây được ấn tượng với Donald Trump, người đã mắng Chủ tịch Fed Jay Powell là đã không cắt giảm lãi suất đủ nhanh.

Và trong lúc suy yếu trên thị trường tài chính đang diễn ra, Tổng thống Trump lại vào twitter bảo vệ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tấn công Fed, gọi chủ tịch là không biết gì.

Nhưng nếu ông Trump có được những gì ông muốn, ông có thể sẽ phải trả giá cao.

Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed đã không vực nổi các thị trường như trước đây. Vì vậy, không chắc rằng cắt giảm lãi suất nhiều hơn sẽ giảm được thiệt hại đến từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc, cuộc chiến cũng đang tạo ra sự bất ổn và tăng giá cả cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

*

Trước đó vào thứ Tư, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng nói với Fox Business Network rằng Ngân hàng Trung ương nên giảm lãi suất nửa điểm phần trăm "càng sớm càng tốt", một hành động mà ông tuyên bố sẽ đưa đến việc thị trường chứng khoán tăng vọt.

Tuy Mỹ trì hoãn, chưa áp thuế từ ngày 1/9 với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, nhưng điều đó đã không mấy giảm bớt lo ngại.

"Thách thức nằm ở chỗ chính sách thương mại của Trump đã được chứng minh rất thất thường đến nỗi bạn không thể nào làm giảm cảm giác không chắc chắn," Tim Duy, giáo sư kinh tế tại Đại học Oregon, nói.

Kể từ tháng 9 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã có triển vọng tương đối màu hồng cho nền kinh tế, kỳ vọng rằng sự kích thích từ việc cắt giảm khoản khổng lồ chi tiêu và thuế 1,5 nghìn tỷ đôla trong năm 2018 của chính quyền Trump sẽ duy trì tăng trưởng và hỗ trợ lãi suất cao hơn.

Ông Trump muốn biến kinh tế thành một tâm điểm trong chiến lược tái tranh cử năm 2020.

Trong cuộc phỏng vấn dự kiến phát sóng trên Fox Business Network vào thứ Sáu, cựu giám đốc Fed Janet Yellen nói rằng bà cảm thấy nền kinh tế Mỹ vẫn "đủ mạnh" để tránh được suy thoái, nhưng "nguy cơ suy thoái đã tăng rõ ràng và thẳng thắn mà nói ở mức tôi có thể cảm thấy thoải mái."


-----------------------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
August 16, 2019

AS VEGAS, Nevada (NV) – Trong mấy ngày qua, giới tài chính thế giới đã xôn xao về hiện tượng “đường cong biểu đồ lợi suất đảo nghịch” (inverted yield curve) xuất hiện ở Mỹ.

Hiện tượng này diễn ra trong thị trường trái phiếu (bond market), khi lãi suất dài hạn (longer-term interest rate) lại thấp hơn lãi suất ngắn hạn (shorter-term interest rate). Bình thường thì đi vay dài hạn phải trả lãi cao hơn, cho nên đây là tình trạng đảo nghịch; hình đồ đáng lẽ đi lên theo thời gian đáo hạn tăng lên thì nó lại đi xuống! Từ mấy chục năm nay, qua tất cả bẩy lần ở Mỹ, hiện tượng này vẫn báo trước kinh tế sắp suy thoái.

Để giải thích rõ ràng hơn cho độc giả về hiện tượng biểu đồ lợi suất đảo nghịch, tờ báo New York Times hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, đã dùng thị trường đánh cá cược thể thao làm thí dụ tiêu biểu.

Lấy thí dụ bạn là người thích cá cược, bước vào một sòng bài ở Las Vegas và đặt cược cho đội thể thao mình ưa thích. Bạn sẽ đánh cá một đội nào đó sẽ thắng bao nhiêu trận trong cả mùa năm nay. Bạn trả một số tiền mua một “giấy biên nhận” rồi sau đó mỗi lần đội của bạn thắng sòng bài phải trả cho bạn một số tiền, thí dụ $10! Tùy theo bạn đoán đội của mình sẽ thắng bao nhiêu trận, bạn sẽ tính mình nên trả bao nhiêu cho sòng bài.

Nhưng nếu sòng bài không chỉ cho phép người ta cá bao nhiêu trận thắng của đội này trong năm nay, mà còn cho đánh cá về kết quả trong hai năm tới, năm năm tới, 10 năm tới, hoặc ngay cả 30 năm tới thì sao?

Bạn sẽ chịu trả bao nhiêu tiền cho tờ giấy biên nhận, theo đó sòng bài hứa sẽ trả (thí dụ) $10 cho mỗi trận thắng của đội này trong 10 năm sắp tới? Cứ gọi tờ giấy biên nhận đó là một “trái khoán,” vì người “phát hành” tờ giấy đang mang nợ, họ sẽ phải trả tiền cho bạn.
Và sau đó bạn có thể bán lại tờ biên nhận (trái khoán) này cho những người ham đánh cá cược khác, thì giá cả của trái khoán cũng lên xuống tùy theo tình hình thắng bại của đội thể thao kia. Lúc đó bạn sẽ bán với giá nào?

Nói chung, bạn có thể lấy giá tiền mà người ta bằng lòng trả cho tờ giấy biên nhận, ở các giai đoạn khác nhau, như hai năm, năm năm, 10 năm, rồi từ đó tính ra được là người cá cược trông đợi đội thể thao đó thắng được bao nhiêu trận mỗi năm trong tương lai.

Đó cũng là cách vận hành của mức lãi suất trong thị trường trái phiếu. Trên thị trường quốc tế, các trái phiếu đáo hạn (mature) vào các thời điểm khác nhau vẫn đang thường xuyên được mua bán, và bạn cũng có thể nhận ra được là giá của các trái phiếu phản ánh sự trông đợi của người mua về mức lời trong tương lai như thế nào.

Mức lãi suất thường dính liền với mức phát triển kinh tế và lạm phát. Trong thời gian kinh tế phát triển, nhiều người muốn vay tiền cho những việc như khuyếch trương thương mại, hoặc mua nhà. Và trong thời gian này Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) sẽ tăng mức lãi suất để giữ cho nền kinh tế không phát triển quá nhanh khiến giá cả tăng gây tình trạng lạm phát. Và khi tình hình kinh tế suy thoái, thì tiến trình đó sẽ đi ngược lại.

Nay, nếu bạn mua công khố phiếu do Bộ Tài Chính phát hành với thời gian đáo hạn là 90 ngày, bạn nhiều phần sẽ được trả mức lãi suất tương đương với lãi suất mà Fed đang bắt các ngân hàng trả khi cần vay của nhà nước.

Điều này cũng giống như bạn đánh cược vào một trận đấu diễn ra ngay tuần tới: bạn biết rõ đối thủ của đội này là ai, họ chơi hay, dở ra sao, và liệu có ai sẽ bị chấn thương để có thể ảnh hưởng đến kết quả trận đấu hay không.

Nhưng nếu bạn mua công khố phiếu đáo hạn 10 năm tới đây, bạn đang cá cược về một tương lai khá xa.

Nền kinh tế Mỹ có thể thay đổi nhiều trong thập niên tới. Bạn khó có thể tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy ra, nhưng bạn có thể căn cứ vào tình hình chung: liệu là nền kinh tế có tăng nhiệt quá mức khiến tạo ra lạm phát hay không và điều này có khiến Fed tăng lãi suất hay không. Hay là bạn dự trù nền kinh tế sẽ chậm lại?

Do đó, việc mua công khố phiếu dài hạn cũng giống như bạn cá cược ở sòng bạc về tương lai lâu dài của một đội thể thao. Bạn không biết rõ chi tiết về các cầu thủ, như ai sẽ được nhận vào, ai sẽ bỏ đi, hoặc ai sẽ là huấn luyện viên của đội. Bạn chỉ có thể đánh cá dựa trên đường hướng chung chung.

Một đội thể thao đang không chơi quá hay trong lúc này nhưng đang có kế hoạch rõ ràng để dần dần phát triển thì sẽ có thể sẽ từ từ thắng nhiều trận hơn, theo cái nhìn chung chung.
Một đội khác ở hàng đầu lúc này, nhưng các cầu thủ đều đang cao tuổi, dễ bị chấn thương, huấn luyện viên đang muốn nghỉ hưu sau nhiều năm với đội, thì bạn cũng có thể dự trù là đội này sẽ dần dần đi xuống trong thời gian tới, cũng theo cái nhìn chung chung.

Đây là cũng chính là điều “biểu đồ lợi suất đảo nghịch” (inverted yield curve) đang nói với chúng ta, cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa mức lãi suất ngắn hạn và lãi suất dài hạn, và các nhà đầu tư lúc này đang nghĩ rằng nền kinh tế sẽ khá hơn hay tệ hại đi trong những năm sắp tới.

Các biến chuyển trong thị trường trái phiếu trong chín tháng qua, và đặc biệt là trong hai tuần qua, cũng giống như điều sẽ xảy ra nếu cầu thủ trụ cột và huấn luyện viên của đội thể thao đồng loạt tuyên bố sẽ giải nghệ khi hết mùa đấu năm nay.

Nghĩa là tình hình lúc này vẫn ổn định, nhưng tình hình trong cả thời gian dài sắp tới sẽ đen tối hơn.

Sự kiện lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn là chỉ dấu rõ ràng từ giới đầu tư trái phiếu rằng họ nghĩ nền kinh tế Mỹ đang đi xuống, và trong tương lai nền kinh tế sẽ tệ hại hơn lúc này.

Đây là điều khác hẳn với năm 2009, lúc đó nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng suy trầm, nhưng đường cong biểu đồ lợi suất của các trái phiếu cho thấy có sự cải thiện trong tương lai.

Điều này cũng tương tự như là một đội thể thao đang chơi làng nhàng nhưng có chiều hướng cải thiện trong những năm tới và có các chuẩn bị để đạt được điều này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bi quan, vì đây cũng chỉ là sự tiên đoán của các nhà đầu tư, kiểm soát trong tay hàng ngàn tỉ đô la. Sự tiên đoán này, dù được nghiên cứu kỹ càng, với các mô hình toán học phức tạp, cũng đều có thể sai lầm!

Và các chỉ dấu bi quan về nền kinh tế toàn cầu có thể chỉ là sự lo lắng quá độ, và nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cải thiện cho dù đường cong lãi suất có nói sẽ xấu đi chăng nữa.

Nếu một mùa thi đấu thể thao cũng còn có thể có những bất ngờ chứ đừng nói gì 5 hay 10 năm, thì tình hình nền kinh tế thế giới cũng tương tự như vậy.

Tất cả những tiên đoán, dự đoán cũng chỉ là những nhận định theo đường hướng chung chung mà thôi. (V.Giang)







No comments: