Sunday, June 16, 2019

BIỂU TÌNH : KHÔNG CẤM ĐƯỢC THÌ QUẢN & BA CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ THÔNG DỤNG (Phùng Anh Khương - Luật Khoa)




15/06/2019

Bất kể các chính quyền từ Đông sang Tây nghĩ gì, biểu tình vẫn luôn là nhu cầu của người dân và là thực tế diễn ra ở khắp mọi nơi. Vậy các chính quyền có thể quản lý hoạt động này như thế nào?

Một lượng lớn người dân Việt Nam đã bắt đầu quen với việc biểu tình để yêu cầu minh bạch thông tin, giải quyết dứt điểm bê bối hay phản đối dự thảo luật. Trong ảnh là người biểu tình Sài Gòn đứng trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tháng 4/2016. Ảnh: Chưa rõ nguồn

*
Việc biểu tình ở các nước phương Tây không chỉ là một quyền hiến định mà còn là truyền thống và thậm chí một nét văn hóa, ví dụ như tại Pháp.

Tại các nền dân chủ phát triển trên thế giới như Anh và Mỹ, từ lâu người ta đã phải vắt óc với câu hỏi: làm sao để người dân có thể tự do biểu tình mà không dẫn đến bạo loạn?

Các nghiên cứu cho thấy quyền tự do biểu tình của người dân các nước dân chủ phát triển được bồi đắp từ từ bằng việc thực hành biểu tình thường xuyên, bằng các thay đổi luật pháp chậm rãi, và bằng sự tự trau dồi kinh nghiệm, chuyên môn của cả hai bên chính trong hoạt động biểu tình: người biểu tình và cảnh sát.

Người Mỹ có quyền tụ tập ôn hòa (peaceful assembly) và kiến nghị nhà nước giải quyết các bất bình (petition the government for a redress of grievances) thể theo Tu chính án thứ Nhất từ năm 1791. Tuy nhiên, mãi đến tận những năm 1960, người Mỹ khi đi biểu tình vẫn bị cảnh sát đàn áp bằng bạo lực.

Chính trong quá trình học hỏi và chuyển hóa gian khó đó, cả hai bên đi biểu tình và bên đi quản lý biểu tình dần dần nhận ra rằng: vũ lực không phải là cách quản lý biểu tình duy nhất.

Theo giới chuyên môn, trên thế giới hiện nay có ít nhất ba chiến lược quản lý biểu tình khác nhau (protest policing strategies) nhằm cân bằng giữa quyền biểu tình và an ninh trật tự.

Chiến lược 1: Quản lý biểu tình bằng thương lượng – kiểm soát

Theo nhà xã hội học Patrick F. Gillham, quản lý biểu tình bằng leo thang vũ lực là chiến lược chính của cảnh sát Mỹ trong giai đoạn đầy bất ổn trong xã hội Mỹ những năm 1960.

Tới những năm 1970, cảnh sát Mỹ nhận ra rằng chiến lược bạo lực này mang lại quá nhiều phiền toái do các thiệt hại về người và của. Giới hoạt động chính trị Mỹ cũng bắt đầu phê phán mạnh mẽ hơn và gây sức ép bắt giới cảnh sát Mỹ phải thay đổi.

Sau khi đã có kha khá kinh nghiệm từ việc quản lý hàng ngàn những cuộc biểu tình, tuần hành và diễu hành tại thủ đô Washington, lực lượng cảnh sát tại đây nhận ra rằng họ có thể không dùng bạo lực mà vẫn quản lý được biểu tình qua một chiến lược khác là thương lượng – kiểm soát.

Trong chiến lược này, cả hai bên cảnh sát và những người biểu tình cùng tích cực hợp tác với nhau thông qua một hệ thống xin phép biểu tình được chuẩn hóa.

Bên những người biểu tình phải có đội ngũ lãnh đạo với chiến lược cụ thể. Họ phải hoạch định và đưa ra kế hoạch cho các hoạt động sẽ diễn ra trong cuộc biểu tình. Bên cảnh sát sẽ làm việc trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo biểu tình để thống nhất kế hoạch biểu tình đó.

Đây là một quá trình thương lượng hai chiều tùy thuộc vào nhu cầu của bên biểu tình và điều kiện cụ thể tại nơi tổ chức biểu tình.

Bên cảnh sát có thể tìm cách thuyết phục bên biểu tình chịu khó gia giảm lại một số yếu tố. Bên biểu tình có thể tìm cách thuyết phục bên cảnh sát cho mở rộng một số yếu tố khác.

Hai bên có một mục tiêu chung: bảo đảm việc thực hành quyền biểu tình mà không quấy rối xã hội một cách quá đáng. Kết quả phải đạt được là một kế hoạch biểu tình cụ thể mà cả hai bên đều sẽ tuân thủ. Bên cảnh sát xem việc bắt giữ và dùng bạo lực để quản lý cuộc biểu tình là các lựa chọn bất đắc dĩ.

Chiến lược này tạo điều kiện cho phía cảnh sát quản lý cuộc biểu tình theo một cách chắc chắn và dễ đoán định hơn. Bản thân các nhà hoạt động Mỹ vào những năm 1970 cũng bắt đầu chuyên nghiệp hóa thành các tổ chức vận động xã hội, hội nhóm dân sự độc lập, và vì vậy, chiến lược quản lý biểu tình theo hướng thương lượng thỏa thuận rất được chào đón.

Có cái nhìn chuyên nghiệp bài bản hơn, giới hoạt động Mỹ hiểu rằng họ muốn các cuộc biểu tình phải gây được sự chú ý của công luận bằng bản thân những vấn đề chính trị xã hội mà họ đang muốn thay đổi, chứ không phải bằng những xung đột, đối đầu bạo lực đẫm máu với cơ quan công quyền.

Chiến lược 2: Quản lý biểu tình bằng cách vô hiệu hóa các mục tiêu cố định

Trong các năm 1980, giới cảnh sát Anh – Mỹ dần quen và cảm thấy thoải mái với việc hạn chế bạo lực và quản lý các phong trào biểu tình thông qua chiến lược thương lượng – kiểm soát.

Tuy nhiên, giới hoạt động xã hội ở cả hai nước lại phát triển theo hướng khác.

Giới hoạt động trẻ của những năm 1990-2000 bắt đầu có những tư tưởng khác hơn các thế hệ trước về phương cách hoạt động: họ cho rằng các cuộc biểu tình được “sàng lọc” thông qua quá trình thương lượng – kiểm soát quá “hiền”, quá nhu nhược, không tạo được nhiều sự chú ý cũng như chuyển biến trong xã hội.

Việc nói chuyện và thương lượng với giới cảnh sát trước khi biểu tình bị các nhà hoạt động trẻ này coi là “bắt tay với nhà cầm quyền”, làm giảm khả năng tạo ảnh hưởng của hoạt động biểu tình.

Họ cũng không thích tập trung thành các hội, đoàn dân sự lớn mà thích hoạt động trong nhiều nhóm nhỏ với các thành viên gắn kết với nhau. Các nhóm nhỏ này thường hoạt động trên cơ sở đồng thuận và không có cấu trúc lãnh đạo cụ thể.

Từ đấy, giới cảnh sát Anh – Mỹ phải đương đầu với một thử thách hoàn toàn mới: một cuộc biểu tình với hàng trăm, hàng ngàn các nhóm nhỏ, không có lãnh đạo cụ thể, từ chối làm việc với cảnh sát, nhưng lại táo bạo, cứng rắn hơn trong quan điểm và sáng tạo hơn trong các cách biểu tình để gây chú ý từ công luận.

Các chuyển biến về tư tưởng và cách thức biểu tình đó buộc giới cảnh sát Anh – Mỹ phải xây dựng một chiến lược mới: Quản lý biểu tình bằng cách vô hiệu hóa các mục tiêu cố định.

Chiến lược này buộc giới cảnh sát phải cực kỳ tích cực làm hai việc: Theo dõi giám sát (surveillance) và chia sẻ thông tin giữa các ban ngành nhà nước (information sharing).

Việc có nhiều thông tin, từ nhiều nguồn bao gồm cả các nguồn tình báo, là để giúp cảnh sát phân biệt hai dạng người biểu tình khác nhau:

Dạng 1: Những người biểu tình có kiểm soát (contained protesters). Dạng người này thường là những cá nhân đã được cảnh sát biết mặt, có các mục tiêu vận động rõ ràng, hay sử dụng các chiến thuật biểu tình thường thấy, chịu nói chuyện thương lượng với cảnh sát, và thường lớn tuổi hơn;

Dạng 2: Những người biểu tình có xu hướng phạm tội (transgressive protesters). Dạng người này thường trẻ tuổi hơn, hay dùng các chiến thuật biểu tình khó đoán định, không chịu thương lượng với cảnh sát, không có các mục tiêu vận động rõ ràng.  

Cảnh sát quản lý biểu tình sẽ tôn trọng quyền biểu tình của dạng người biểu tình thứ nhất trong khi áp dụng các biện pháp mạnh với dạng người biểu tình thứ hai.

Mục tiêu của giới cảnh sát là bảo đảm hoạt động biểu tình ôn hòa bằng cách vô hiệu hóa ngay các “mầm mống” có thể biến biểu tình thành bạo loạn.

Việc huy động lực lượng sẽ được tiến hành không phải theo hướng đàn áp toàn bộ cuộc biểu tình mà là khoanh vùng, cô lập các khu vực có nhiều người biểu tình có xu hướng phạm tội nhất.

Trong những năm qua, công nghệ đã giúp cho khả năng giám sát và chia sẻ thông tin của các lực lượng cảnh sát Anh – Mỹ trở nên tốt hơn rất nhiều.

Việc chú trọng theo dõi liên tục và sát sao các diễn tiến và phản ứng trên mạng xã hội trong lúc diễn ra biểu tình cũng được xem là để giúp cảnh sát xác định nhanh chóng các vùng rủi ro và các đối tượng biểu tình có xu hướng phạm tội.

Chiến lược quản lý biểu tình bằng cách vô hiệu hóa các mục tiêu cố định hiện được các lực lượng cảnh sát Anh – Mỹ sử dụng khá rộng rãi. Thường là đồng thời với chiến lược quản lý bằng thương lượng – kiểm soát.

Tuy nhiên, việc đầu tư sâu rộng vào hoạt động giám sát và thu thập thông tin một cách đại trà (mass surveillance) về người biểu tình và giới hoạt động xã hội cũng đã làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Nhưng đó là một đề tài tranh luận khác.  

Chiến lược 3: Quản lý biểu tình bằng việc tạo điều kiện có tính toán

Trong chiến lược này, giới cảnh sát vẫn sẽ chủ động thương lượng với những người biểu tình và phân tích thông tin để xác định các nhóm biểu tình có xu hướng phạm tội.

Nhưng thay vì cử đội vũ trang đến bao vây, cô lập, bắt giữ các nhóm này thì cảnh sát sẽ cử đến các đội tiếp xúc quần chúng chuyên nghiệp (liaison teams) để tìm cách nói chuyện thân thiện và duy trì đối thoại với các nhóm đó trong suốt cuộc biểu tình.

Đã có người phê phán rằng chuyện đối thoại như thế thường diễn ra trong thực tế theo một cách “lấy lệ cho có”, để “làm truyền thông” nhiều hơn là thực sự tạo một kênh giao tiếp giúp giảm rủi ro bạo lực và theo đó là giảm sự cần thiết dùng vũ lực của lực lượng cảnh sát.

----------------------------

Tài liệu tham khảo:






No comments: