Tuesday, June 11, 2019

BẢN TIN NGÀY 11-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




11/06/2019

Bài Mới Nhất

12/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019
11/06/2019

*
*
Tin Biển Đông

Bài thứ nhất trong loạt bài trên báo Thanh Niên về 5 năm Trung Quốc xây đảo trái phép ở Trường Sa: Bãi đá Huy Gơ. Đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ ngày 28/2/1988. Quá trình bồi đắp bắt đầu từ “tháng 1.2014, tàu Thiên Kình của Trung Quốc hoạt động suốt ngày đêm bồi đắp đảo. Đến thời điểm hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất”.

Bài báo cho biết: “Đến nay căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn”. Căn cứ trên đảo này đã có radar và pháo.

Tình hình Biển Đông: Các nước hợp lực trước sức ép Trung Quốc, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bắc Kinh “đã thừa nhận triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo nhân tạo ở biển Đông”, với lý do đưa ra là “bảo vệ những gì họ xem là lãnh thổ của đất nước”. Thượng tướng He Lei của Quân đội TQ còn cho rằng, việc triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo của biển Đông “là quyền hợp pháp của TQ”.

Đáp lại, phía Philippines phát động phong trào Sự thật về Biển Đông. Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi các nước trong khu vực hợp sức để lan tỏa phong trào này. Ông Carpio nói: “TQ chưa bao giờ sở hữu biển Đông. Trong khi có những vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông chỉ thuộc về các quốc gia ven biển liền kề. Chúng ta có thể gọi chiến dịch thông tin này là phong trào Sự thật về biển Đông”.

Tàu khu trục và tàu tiếp vận hậu cần của Canada thăm cảng Cam Ranh, RFA đưa tin. Tàu khu trục Regina và tàu tiếp vận hậu cần Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada cùng 240 thủy thủ đoàn bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 13/6. “Mục đích của chuyến thăm này nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước Canada và Việt Nam”. Theo lịch trình, chỉ huy hai tàu Canada sẽ gặp gỡ với UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Thái Lan bắt tám ngư dân Việt ‘đánh cá trái phép’, theo VOA. Chuẩn Đô đốc Banchobe Pohdaeng, GĐ Trung tâm Chỉ huy Thực thi Hàng hải Thái Lan, cho biết, vụ bắt giữ diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 8/6 tại vùng biển phía đông nam đảo Koh Juang, thuộc huyện Sattahip, tỉnh Chon Buri.

Một tàu tuần tra của hải quân Thái Lan đã phát hiện ba con tàu trái phép của ngư dân Việt, “khi các thuyền viên người Việt biết có tàu hải quân Thái tiến đến, họ đã cố gắng chạy trốn khỏi hiện trường. Một trong ba con tàu này đã sử dụng tên tiếng Thái và mang theo cờ Thái Lan để đánh lừa các viên chức”.


Các vụ “ăn” đất

Báo Lao Động bàn về 20ha ”đất vàng” ở Thanh Hóa: Cơ quan cho thuê không biết người thuê! Đó là khu ”đất vàng” diện tích 20.430m2 ven đại lộ Võ Nguyên Giáp, tuyến đường nối TP Thanh Hóa với TP Sầm Sơn. Mảnh đất này đã được cho thuê theo hợp đồng có thời hạn thuê đến 49 năm, mục đích cho thuê là làm trang trại nuôi vịt, danh tính chủ thuê trong hợp đồng là ông Trịnh Quang Nhân.

Bài viết lưu ý: “Điều lạ nữa, tất cả cán bộ có liên quan đến việc cho ông Trịnh Quang Nhân thuê đất đều không hề biết ông Nhân là ai, chưa bao giờ gặp”. Các ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ địa chính, Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Định, huyện Quảng Xương đều xác nhận chưa bao giờ biết ông Nhân là ai.

Lực lượng chức năng đã cắm xong 2.000 cọc mốc giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam qua Diễn Châu, báo Nghệ An đưa tin. Đây là dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn huyện Diễn Châu, chiều dài khoảng 26,68km qua 12 xã. “Dự kiến có 153 hộ phải thực hiện tái định cư, trong đó Diễn Cát nhiều nhất tới hơn 60 hộ, di dời 1.650 mồ mả”.

Nhiều người dân đã bị cướp đất đều hiểu, “giải phóng mặt bằng” chỉ là cách gọi văn hoa của hành động “giải tỏa trắng”, thậm chí cướp đất, đuổi dân khỏi mảnh đất họ đã sinh sống lâu đời, nếu có đền bù thì hầu như với mức giá rẻ mạt, không thể bù đắp nổi tổn thất vật chất, chưa tính đến tổn thất tinh thần của người dân.

Bí thư Bạc Liêu đề xuất công an tham gia giải phóng mặt bằng, theo báo Giao Thông. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đã đề nghị như vậy tại buổi họp chuyên đề vừa diễn ra tại UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh này, “mọi việc phải được triển khai quyết liệt, triệt để, dứt điểm về mục tiêu”.

Ông Dương không cần che giấu giọng điệu của kẻ cướp đất: “Đối với lực lượng công an phải tính đến khâu cuối cùng là cưỡng chế … công an vào luôn đi”. Không chỉ ông Dương mà nhiều lãnh đạo tỉnh khác đã dùng thủ đoạn để công an “phủ đầu”, không cho người dân cơ hội phản kháng, chỉ có khác là họ gian xảo và che giấu, trong khi ông Dương nói thẳng ra hết.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyen Quang Duong. Photo Courtesy

Chuyện ở thị xã Hương Trà (TT-Huế): Cụ bà 97 tuổi bỗng dưng mất quyền sử dụng đất, theo báo Công Lý.  Đó là vụ cụ Trần Thị Màu bị người cháu làm đơn khiếu nại, tranh giành quyền sử dụng đất. Cụ Màu kể, đã nhận chuyển nhượng mảnh đất này từ ngày 25/3/1957. Đến năm 1985, bà Nguyễn Thị Gái, người gọi cụ Màu bằng thím, đến xin ở nhờ trên nền đất này.

Năm 1986, khi đoàn 299 về đo đạc, bà Gái đã tự ý đăng ký tên của mình. Bà Màu đã làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Hương Toàn, ngăn chặn việc bà Gái đăng ký tên và làm sổ đỏ trái pháp luật. Sau khi vụ việc được hòa giải một thời gian, đến cuối năm 2013, con bà Gái là Nguyễn Hữu Đức lại làm đơn khiếu nại lên UBND thị xã Hương Trà để tranh giành quyền sử dụng đất với bà Màu.


Hàng chục học sinh hỗn chiến, chém nhau kinh hoàng

Báo Lao Động có bài: 21 học sinh chém nhau kinh hoàng sau giờ học. Ngày 10/6, Công an huyện Krông Năng, Đắk Lắk cho biết, đã triệu tập 21 học sinh của các trường trên địa bàn huyện để làm rõ hành vi đánh trọng thương một học sinh khác. Nhóm học sinh này do Hoàng Ngọc T, học sinh lớp 9 trường THCS Trần Phú cầm đầu. Còn nạn nhân là là Hoàng Minh Q, học cùng trường.

Theo đó, mâu thuẫn giữa T và Q nảy sinh liên quan đến chuyện tình cảm. Ngày 13/3, Q hành hung T, sau đó cả 2 lên mạng xã hội nhắn tin rồi thách thức nhau. T rủ thêm 20 học sinh khác, trong đó có 18 học sinh lớp 9, một học sinh lớp 10 và một em học sinh lớp 11 của các trường trên địa bàn huyện, mang theo kiếm, tuýp sắt, côn nhị khúc, bình xịt hơi cay đến trường THCS Trần Phú tìm Q để đánh, nhóm của Q chỉ có 4 người.


Dân Hồng Kông biểu tình chống luật dẫn độ

BBC có bài: Giải thích dự luật dẫn độ giữa Hong Kong và TQ gây tranh cãi. Mặc dù giới chức Hong Kong cho biết, nghi phạm bị cáo buộc phạm tội chính trị và tôn giáo sẽ không bị dẫn độ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, định nghĩa về “tội phạm chính trị và tôn giáo” của Hồng Kông và Trung Quốc khác nhau. Tương tự như CSVN, CSTQ không có tội phạm chính trị, nên những tội phạm mà Trung Cộng muốn dẫn độ đều là không phải là tội phạm chính trị.

Diễn biến “đúng quy trình”: Biểu tình Hong Kong đã có đụng độ, báo Trung Quốc tố ‘thế lực nước ngoài’ phá, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Theo đó, cuộc biểu tình ôn hòa đêm 9/6 ở Hong Kong đã trở thành cuộc đụng độ giữa hàng trăm ngàn người dân và cảnh sát. Sau đó, báo chí TQ lên tiếng cáo buộc “các thế lực nước ngoài” lợi dụng tình hình ở Hong Kong để phá Trung Quốc. “Một bài xã luận của tờ China Daily cho rằng dự luật mới là một điều luật cần thiết”.

Một số người bình luận, diễn biến này không khác so với các cuộc biểu tình ở VN dưới chế độ CSVN. Dù người dân đã cố gắng tuần hành ôn hòa, thậm chí dùng chính cờ đỏ để xuống đường, nhưng vẫn bị an ninh mặc thường phục khiêu khích để rồi biểu tình trở thành bạo loạn và an ninh có cớ đàn áp.


Dịch tả heo

Nổ như tạc đạn: Vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi: Suốt thế kỷ cả thế giới ‘bó tay’, Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui, VietNamNet dẫn tin từ Bộ NN&PTNT. Tại Hội nghị đánh giá tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường công bố, “sau hơn 4 tháng nghiên cứu, Bộ NN-PTNT đánh giá, quá trình khảo nghiệm hiệu quả vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho kết quả rất khả quan, có nhiều triển vọng để tiến hành các bước tiếp theo”.

Nếu vắc xin “cây nhà lá vườn” của VN thật sự có hiệu quả thì họ nên đưa vào áp dụng ngay chứ không nên chỉ ngồi đó “quăng bom”. Tình hình dịch tả heo châu Phi ở VN diễn biến ngày càng trầm trọng, đã “nuốt” trọn gần như toàn bộ lãnh thổ VN, đẩy hệ thống phòng dịch của VN gần như tới “độ căng” giới hạn, nhiều nơi đã cảnh báo, nếu còn có lợn chết thì không biết phải chôn ở đâu.

An Giang phát hiện 13 ổ dịch tả lợn châu Phi, báo Giao Thông đưa tin. Sáng 10/6, UBND tỉnh An Giang công bố dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh, với 13 ổ dịch tại 7 địa phương gồm: TP Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, và Chợ Mới. Tính đến tối 10/6, cơ quan chức năng đã tiêu hủy trên 390 con lợn nhiễm dịch. TP Long Xuyên là nơi xuất hiện dịch tả lợn đầu tiên ở tỉnh An Giang, đến nay đã có 5 ổ dịch tại 4 phường.

Dịch tả heo Châu Phi có chiều hướng lan nhanh tại Sóc Trăng, theo VOV. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh này xác nhận, đến nay đã có ít nhất 28 hộ chăn nuôi ở đây xảy ra  dịch tả heo châu Phi. Từ một hộ chăn nuôi bị phát hiện nhiễm dịch ở huyện Mỹ Xuyên, đến nay dịch đã lan ra nhiều hộ chăn nuôi tại 5 huyện, gồm: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Châu Thành và Kế Sách. Tổng số heo bệnh đã tiêu hủy là 487 con với trọng lượng trên 27 tấn.

Báo Dân Việt có bài: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, nhiều địa phương bất lực. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, Ninh Bình cảnh báo: “Do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan quá nhanh, chúng tôi chưa tìm ra cách ngăn chặn, dập dịch hiệu quả. Hiện, đàn lợn khoảng 1.000 con của bà con cũng khó cầm cự được lâu nữa. Điều đáng báo động hơn là hiện bãi chôn lợn đang có nguy cơ quá tải nên chúng tôi đang rất lo ngại số lợn còn lại khó tiêu hủy hết được”.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi có 3 chỗ tiêu hủy nhưng đến giờ đã gần như quá tải, người dân cũng phản đối không muốn cho chôn lợn ở đó nữa nên chúng tôi đang rất bí bách, đau đầu vì vấn đề này”.

Thông Tấn Xã VN có bài: Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng chóng mặt. Bài báo cho biết, mặt bằng chung về giá thịt heo đang ngày càng tăng cao ở các chợ bán lẻ của Hà Nội. Vào ngày 7/6 thịt thăn có giá là 74-76.000 đồng/kg, đến ngày 10/6 đã được bán ra với mức 80-82.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng. Tương tự, thịt ba chỉ, chân giò lên mức 72.000-75.000 đồng/kg; xương ống có giá từ 40.000 đồng/kg. Nhiều người cảnh báo rằng, đây chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng thịt heo đang đến gần.


***





No comments: