Monday, April 15, 2019

VÌ SAO CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VẪN SẼ LUÔN 'HOT' (Y Chan - Luật Khoa)




Y Chan  -  Luật Khoa
15/04/2019

Trong trường ca vĩ đại về nhân loại, Lửa đóng một vai đặc biệt: vừa hủy diệt mọi thứ, lại vừa mở ra con đường tái sinh; vừa đặt chiếc bục đưa nhân loại lên một tầm cao mới, tách biệt với mọi loài sinh vật khác, lại vừa giúp con người có thể tàn phá hủy hoại lẫn nhau theo cách thức mà không một giống sinh vật khác nào có thể so bì.

Nhân loại ghét và sợ hậu quả tàn khốc mà Lửa gây ra, nhưng cũng biết ơn những thứ mà chỉ nó mới có thể mang lại, ấm áp trong cơn rét, ánh sáng trong đêm đen, thức ăn ngon lành bỏ vào miệng, cùng những công cụ mới tạo ra để khai phá thế giới.

Trong các nhân tố được xem là tạo ra thế giới này, từ học thuyết của người Hy Lạp về bốn nguyên tố Lửa, Không khí, Nước và Đất cho đến tư duy của người Trung Quốc về Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, không có thứ gì tạo cho con người một cảm giác đan xen lẫn lộn, vừa yêu vừa hận như Lửa.

Ở một phương diện nào đó, chủ nghĩa dân tộc, thứ tư tưởng đề cao, ưu tiên, bảo vệ một nhóm người nhất định cũng gây cho nhiều người cái cảm giác yêu ghét giống vậy.
Trong bài viết của mình, tác giả Andreas Wimmer giải thích vì sao người ta có những thái độ đó, và vì sao, giống như Lửa, chỉ cần biết cách kiểm soát, biết cách sử dụng đúng lúc đúng chỗ, chủ nghĩa dân tộc vẫn sẽ luôn là một trong những tư duy cần thiết và hữu ích nhất với con người.

***
Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh “Why Nationalism Works” của tác giả Andreas Wimmer, giáo sư xã hội học và triết học chính trị của Đại học Columbia (Mỹ). Bài gốc được đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.

***

“Chủ nghĩa dân tộc là một loại tư tưởng độc hại (ideological poison).”

Đó là phát biểu của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trước các viên chức ngoại giao của mình vào tháng 1/2019. Ông không phải người duy nhất nghĩ vậy.

Tháng 11/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi phát biểu ở Paris trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I đã tuyên bố “chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại chủ nghĩa yêu nước”. Không mấy người nghi ngờ lời của Macron được dùng để nhắm đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tự xưng là “người theo chủ nghĩa dân tộc” (nationalist), khi đó cũng có mặt trong hàng ghế quan khách.

Ngày nay, rất nhiều người có học thức ở phương Tây công khai ghét bỏ và tẩy chay chủ nghĩa dân tộc.

Trong khi vẫn ghi nhận những giá trị của chủ nghĩa yêu nước (patriotism), được hiểu như thứ tình cảm lành tính dành cho đất mẹ, họ lại xem chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là thứ tư duy hạn hẹp và vô đạo đức, trói buộc một cách mù quáng con người trong một khuôn khổ, thay vì để họ hòa vào các giá trị công lý và nhân văn của toàn thể nhân loại.

Họ tìm cách phân tách hai loại tư duy đó, giống như cách những học giả khác khi phân định chủ nghĩa dân tộc “trên cơ sở công dân” (civic) với chủ nghĩa dân tộc “trên cơ sở chủng tộc” (ethnic). Một cái được xem là “tốt” (công dân), gom tất cả các thành viên sống chung trên một đất nước lại làm một, không phân biệt ai. Một cái bị xem là “xấu” (chủng tộc) khi dựa trên nguồn gốc và ngôn ngữ để xác định đặc tính chung của một dân tộc, loại bỏ những thành viên khác.

Trong khi cố tìm cách tạo ra sự khác biệt tốt – xấu này, người ta lại rất thường bỏ qua nguồn gốc chung của tất cả các loại tư duy trên. Chủ nghĩa yêu nước là một phần của chủ nghĩa dân tộc. Chúng không phải họ hàng xa đại bác bắn không tới, mà chính là anh chị em cùng cha cùng mẹ với nhau.

Tất cả các loại tư duy bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc đó đều dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: (1) các thành viên của một đất nước – một nhóm các công dân bình đẳng, trải qua một quá khứ chung và hướng về cùng một tương lai – nên lãnh đạo nhà nước và (2) những người lãnh đạo đó phải vì lợi ích của đất nước.

Chủ nghĩa dân tộc vì thế chống lại việc người dân một đất nước bị ngoại bang thống trị, như trong trường hợp các đế quốc thực dân và vương quốc phong kiến khi xưa, và chống lại cả những nhà lãnh đạo chối bỏ quan điểm và nhu cầu của đa số dân chúng.

Trong hai thế kỷ qua, chủ nghĩa dân tộc đã được ướm gả với đủ loại ý thức hệ. Chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism) đơm hoa kết trái vào thế kỷ 19 tại châu Âu và Mỹ Latin. Chủ nghĩa dân tộc phát xít (fascist nationalism) bùng nổ tại Ý và Đức vào giai đoạn giữa hai cuộc Thế Chiến. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc Mác-xít (Marxist nationalism) lại là lò xo búng đẩy phong trào chống thực dân giải phóng dân tộc ở phía Nam bán cầu thời kỳ hậu Thế Chiến II.

Ngày nay, hầu khắp mọi người trên trái đất, bất kể đội chiếc mũ nào, tả hay hữu, đều đồng thuận chấp nhận hai nguyên tắc cơ bản nêu trên của chủ nghĩa dân tộc.

Sự lựa chọn đó sẽ dễ hiểu hơn nếu đặt chủ nghĩa dân tộc lên bàn cân so với các học thuyết khác. Chủ nghĩa thần quyền (theocracy) xác định nhà nước phải do các vị thánh thần lãnh đạo, như Chúa trời trong trường hợp của Vatican hoặc nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Các vương quốc vua chúa như kiểu Ả Rập Saudi lại quy định nhà nước phải do gia đình hoàng tộc nắm giữ. Vào thời Liên bang Xô Viết, quyền lãnh đạo nhà nước lại được trao cho một giai cấp: quốc tế vô sản.

So với những học thuyết khác về nhà nước, chủ nghĩa dân tộc rõ ràng nhận được nhiều cái gật đầu hơn hẳn.

Kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều được vận hành dựa trên nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc vì vậy không phải là triệu chứng lẫn đặc quyền của cánh hữu. Nó là nền tảng cho mọi học thuyết chính trị hiện đại, bao gồm cả những học thuyết tự do và tiến bộ.
Không có nó, con người sẽ không có cơ hội phát triển những thể chế như dân chủ, phúc lợi xã hội, và giáo dục cộng đồng, vốn dựa trên danh nghĩa của một tập thể thống nhất, chia sẻ chung một mục đích và gánh cùng trách nhiệm.

Không có nó, đa phần người dân các nước thuộc địa cũng sẽ không có cơ hội thoát khỏi ách thực dân của các đế quốc châu Âu, và nhân loại cũng sẽ thiếu đi một động lực to lớn giúp đánh bại phát xít Đức và đế quốc Nhật trong Thế Chiến II.

Chủ nghĩa dân tộc không phải là những thứ cảm xúc phi lý trí mà người dân cần được giáo dục khai trí để loại bỏ nó khỏi đời sống chính trị hiện đại. Chủ nghĩa dân tộc là một trong những nguyên tắc nền tảng xây dựng nên thế giới hiện đại ngày nay, và được đón nhận rộng rãi phổ biến hơn nhiều so với những chỉ trích nhắm vào nó.

Làm gì có ai ở Mỹ muốn được cai trị bởi một nhà quý tộc Pháp? Hay liệu có người nào ở Nigeria công khai kêu gọi thực dân Anh hãy quay trở lại lãnh đạo mình?

Bỏ qua một số ít ngoại lệ, tất cả chúng ta đều là những “người dân tộc” (nationalist).

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 10/6/2018 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: EPA.

Dân tộc ra đời

Chủ nghĩa dân tộc là một sáng tạo tương đối mới của nhân loại.

Cho đến năm 1750, hầu hết diện tích trên trái đất vẫn thuộc sự cai trị của một thiểu số các đế quốc xuyên quốc gia như Áo, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ottoman, Nga và Tây Ban Nha.

Mọi chuyện thay đổi kể từ cuộc Cách mạng Mỹ năm 1775 và Cách mạng Pháp năm 1789. Học thuyết chủ nghĩa dân tộc – quyền cai trị nằm trong tay nhóm người thuộc cùng một dân tộc – dần lan tỏa ra khắp nơi. Lần lượt trong hai thế kỷ sau đó, hết đế quốc này đến đế quốc khác tan rã, dẫn đến sự ra đời của các quốc gia dân tộc (nation-state). Năm 1900, các quốc gia dân tộc chỉ quản lý khoảng 35% diện tích trái đất. Đến năm 1950, con số này là 70%. Ngày nay, số nhà nước theo chủ nghĩa thần quyền và kiểu vương quốc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Chủ nghĩa dân tộc đến từ đâu, và vì sao nó được ưa chuộng vậy?

Căn nguyên của nó là từ những buổi đầu sơ khai của châu Âu thời hiện đại. Trong khoảng thế kỷ từ 16 đến 18, khu vực này chìm trong những cuộc chiến tranh liên miên giữa các nhà nước quản lý theo kiểu hành chính với quyền lực ngày càng tập trung. Đến cuối thế kỷ 18, những nhà nước này hầu như đã hất cẳng các thể chế khác (như nhà thờ) ra khỏi vai trò quản lý chính trong lãnh thổ của mình, đồng thời cũng loại bỏ hoặc hợp tác với những đối thủ cạnh tranh quyền lực khác như giới quý tộc. Quyền lực tập trung giúp cho việc phổ biến ngôn ngữ chung trong khu vực nhà nước quản lý, ít nhất là dành cho những người biết chữ, giúp các tổ chức xã hội dân sự có thể tập trung vận hành cùng giải quyết những vấn đề chung của nhà nước.

Các cuộc chiến triền miên và khốc liệt khiến những người cai trị liên tục tăng thuế đánh vào người dân của mình cũng như phải huy động càng lúc càng nhiều dân đi lính đánh trận. Ở chiều ngược lại, yêu cầu này cho người dân có nhiều cơ sở để đòi hỏi quyền lợi về chính trị, quyền bình đẳng trước pháp luật, và các sản phẩm dịch vụ công ngày một cải thiện.

Từ đó, một thỏa thuận mới thành hình: rằng những người cai trị đất nước phải đảm bảo lợi ích của người dân, và miễn là họ giữ lời, người dân sẽ trung thành với họ, đi lính và đóng thuế. Chủ nghĩa dân tộc vào thời điểm đó phản ánh và là cơ sở cho thỏa thuận này. Theo đó, cả người cai trị (ruler) và bị trị (ruled) đều thuộc cùng một dân tộc, chia sẻ chung một nguồn gốc lịch sử và một vận mệnh tương lai. Tầng lớp cai trị sẽ chăm lo đến lợi ích của những người cùng dân tộc mình thay vì bảo vệ lợi ích của những người cùng hoàng tộc.

Vì sao mô hình nhà nước mới này có sức hấp dẫn?

Đầu tiên là sức mạnh. Các nhà nước dân tộc mới – Pháp, Hà Lan, Anh và Mỹ – nhanh chóng thể hiện sức mạnh vượt trội so với mô hình các nhà nước cũ kỹ của các vương quốc và đế quốc. Thỏa thuận giữa giới cai trị và bị trị ở trên giúp nhà nước huy động được nhiều ngân sách (qua thuế) lẫn nhân lực (đi lính). Chế độ nghĩa vụ quân sự (military conscription) – bắt nguồn từ chính phủ cách mạng của Pháp – giúp các nhà nước tuyển được lượng lớn quân sĩ, những người có động lực để chiến đấu cho đất mẹ của mình.

Từ năm 1816 đến 2001, theo thống kê, quân đội của những nhà nước dân tộc giành chiến thắng khoảng 70% đến 90% các cuộc chiến với các vương quốc hay đế quốc.

Sức mạnh kinh tế và quân sự của các nhà nước dân tộc ở Tây Âu và Mỹ khiến giới cai trị ở những nơi khác tìm cách học hỏi, bắt chước áp dụng mô hình của họ.

Nhật Bản có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất. Năm 1868, một nhóm các nhà quý tộc trẻ ở Nhật đã lật đổ chế độ phong kiến độc tài với quyền lực tập trung dưới tay hoàng đế, thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất nước đầy tham vọng, biến Nhật Bản trở thành một nhà nước dân tộc trên nền tảng công nghiệp hóa và hiện đại – sự kiện ngày nay được biết đến với tên gọi Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration). Chỉ sau một thế hệ, Nhật Bản đã có thể thách thức sức mạnh quân sự của phương Tây ở Đông Á.

Không chỉ giới cầm quyền cai trị mới bị hấp dẫn bởi mô hình của chủ nghĩa dân tộc.

Những người dân bình thường cũng tìm thấy ở đây cơ sở để xây dựng một mối quan hệ mới với chính quyền, có lợi với họ hơn bất kỳ mô hình quan hệ nào từng có trong lịch sử.

Họ được hứa hẹn về sự bình đẳng của tất cả người dân trước pháp luật, thay vì phân chia đặc quyền dựa trên địa vị xã hội. Cơ hội tham gia vào hệ thống chính trị được mở rộng cho tất cả mọi người, thay vì chỉ có giới quý tộc như trước kia. Các hàng hóa dịch vụ công cũng được phân bổ công bằng hơn cho người dân một nước khi giờ đây trách nhiệm của nó thuộc về nhà nước, thay cho các thể chế tôn giáo, hội nghề nghiệp hay tổ chức làng xóm. Và địa vị của những người dân ít học giờ đây cũng được tôn trọng, giá trị văn hóa của họ được phát huy giữ gìn, thay vì bị giới thượng lưu hắt hủi xem thường như trước kia.
 
Cuộc “Duy Tân Minh Trị” mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc đã giúp nước Nhật trở nên hùng cường. Ảnh: library.metro.tokyo.jp.

Lợi ích của chủ nghĩa dân tộc

Ở những nơi mà thỏa thuận chủ nghĩa dân tộc được thực thi – giới cai trị giữ lời đảm bảo lợi ích của người dân, còn người dân ủng hộ họ – mọi người trong đất nước xem nhau như một đại gia đình, chia sẻ sự trung thành và ủng hộ dành cho nhau. Nó tạo ra nền tảng cho những sự phát triển tích cực khác.

Một trong số đó là chế độ dân chủ. Nó xuất hiện khi đặc tính dân tộc (national identity), điểm chung mà những người trong cùng một nước chia sẻ với nhau, lấn át những đặc tính khác dựa trên tôn giáo, sắc tộc (ethnic) hay bộ tộc (tribal).

Chủ nghĩa dân tộc trả lời được câu hỏi kinh điển về giới hạn của dân chủ: Ai là người mà chính phủ có thể nhân danh để cai trị?

Với việc xác định chỉ những thành viên trong dân tộc mới được tham gia, loại bỏ quyền bỏ phiếu của người ngoài, chế độ dân chủ và chủ nghĩa dân tộc chính thức trao nhẫn cho nhau, bước vào một cuộc hôn nhân lâu dài.

Trong cuộc hôn nhân đó, những người trong cùng dân tộc được xem là một tập thể thống nhất không có khác biệt nào về địa vị. Theo đó, ý tưởng xuất hiện từ thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) về quyền bình đẳng của tất cả công dân trước pháp luật được tiếp tục củng cố.

Nguyên tắc bình đẳng này thúc đẩy sự thay đổi trong giới cầm quyền, chuyển dịch từ sự cai trị kiểu hoàng tộc “con vua thì lại làm vua” sang việc hình thành các chính phủ đại diện cho dân theo chế độ pháp quyền. “Con sãi ở chùa” giờ đây cũng có thể làm vua chứ không bị buộc phải quét lá đa.

Những chế độ dân chủ đầu tiên này vẫn còn những hạn chế về quyền lợi trước pháp luật và quyền bầu cử cho một số nhóm người, ban đầu chỉ dành cho nam giới có sở hữu nhà đất, sau đó, như trường hợp của nước Mỹ, mở rộng dần sang tất cả công dân, từ đàn ông nghèo da trắng, đến phụ nữ da trắng, và sau đó là người da màu.

Chủ nghĩa dân tộc cũng giúp thiết lập chế độ phúc lợi xã hội trong các nhà nước. Ý thức về vận mệnh chung và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau giúp mọi người chấp nhận ý tưởng về việc người dân trong cùng một nước, cho dù hoàn toàn xa lạ không quen biết, cũng nên hỗ trợ nhau trong những thời khắc khó khăn.

Mô hình phúc lợi xã hội đầu tiên được xây dựng ở nước Đức cuối thế kỷ 19 nhằm đảm bảo sự trung thành của giai cấp lao động đối với quốc gia Đức thay vì với giai cấp vô sản quốc tế. Ở phần lớn các nước châu Âu khác, chế độ phúc lợi được lập ra sau Thế Chiến II, đáp lại lời kêu gọi đoàn kết dân tộc để vượt qua các mất mát và hi sinh trong cuộc chiến.

Hoa Kỳ – nơi chủ nghĩa dân tộc và dân chủ hoà quyện với nhau. Ảnh: quillette.com

Những lá cờ đen đẫm máu
Nhưng như mọi thứ khác trên đời, chủ nghĩa dân tộc không chỉ có mặt tốt, nó còn có mặt tối.

Mặt tối của nó trong lịch sử lại thường khá đẫm máu, khi lòng trung thành đối với một dân tộc dễ dẫn đến việc người ta xem những dân tộc khác, hoặc những cộng đồng thiểu số trong nước là ác quỷ.

Thống kê cho thấy, trong hơn hai thế kỷ qua, sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc cũng kéo theo sự gia tăng tần suất các cuộc chiến. Có khoảng các nhà nước hiện đại được khai sinh từ các cuộc chiến giành độc lập dân tộc, chống lại các đế quốc. Sự ra đời của những nhà nước dân tộc mới cũng đi kèm với một trong những chương bạo lực nhất trong lịch sử về nạn thanh trừng sắc tộc (ethnic cleansing) – xảy ra trong đa số trường hợp khi các nhóm thiểu số bị xem là không trung thành với dân tộc hoặc bị nghi ngờ hợp tác với kẻ thù.

Trong hai cuộc chiến Balkan trước Thế Chiến I, các quốc gia mới độc lập Bulgaria, Hy Lạp và Serbia sau khi giành được phần lãnh thổ châu Âu từ đế quốc Ottoman, đã trục xuất hàng triệu người Hồi giáo về lại phần lãnh thổ còn lại của đế quốc. Sau đó, trong Thế Chiến I, chính phủ Ottoman tham gia vào các chiến dịch sát hại hàng loạt công dân Armenia. Trong Thế Chiến II, nước Đức của Hitler đẩy mạnh các hoạt động bôi nhọ người Do Thái, từ đó dẫn đến nạn diệt chủng Holocaust, giết hại hàng triệu người Do Thái. Sau Thế Chiến II, khi các nhà nước mới được thành lập tại Liên bang Tiệp Khắc và Ba Lan, hàng triệu công dân Đức lại bị trục xuất khỏi những nơi này. Và vào năm 1947, rất nhiều người theo đạo Hindu và đạo Hồi đã bị giết trong các cuộc xung đột bạo lực khi Ấn Độ và Pakistan trở thành các quốc gia độc lập.

Thanh trừng sắc tộc có lẽ là dạng thức bệnh hoạn nhất của bạo lực xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc. Tuy vậy, hiện tượng này tương đối hiếm gặp. Xuất hiện với tần suất nhiều hơn là các cuộc nội chiến, nơi mà các nhóm thiểu số chiến đấu để độc lập khỏi một nhà nước, hoặc xung đột giữa các nhóm sắc tộc cạnh tranh ảnh hưởng trong một nhà nước mới giành được độc lập.

Kể từ năm 1945, đã có 31 quốc gia trải qua các cuộc xung đột ly khai và 28 quốc gia có xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc trong cùng một chính phủ.

Dung nạp hay loại trừ

Điểm cần lưu tâm là mặc dù chủ nghĩa dân tộc có xu hướng bạo lực, nhưng hiện tượng bạo lực đó lại phân bổ không đồng đều. Nói cách khác, cùng theo chủ nghĩa dân tộc, có những nước trải qua bạo lực, có những nước rất hòa bình.

Tìm hiểu về cách thức thiết lập cơ chế quản lý nhà nước và cách phân định ranh giới dân tộc giúp người ta hiểu được vì sao lại có sự khác biệt này.

Ở một số nước, những nhóm đa số lẫn thiểu số đều có đại diện ở cấp quản lý cao nhất của chính phủ. Mô hình này được gọi là dung nạp (inclusive).

Thụy Sĩ là một trường hợp điển hình. Kể từ khi nhà nước hiện đại của nước này được thành lập vào năm 1948, các cộng đồng nói tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ý đều được tham gia vào quá trình thành lập và chia sẻ quyền lực. Cả ba thứ ngôn ngữ trên đều được xem là ngôn ngữ chính thức của đất nước, có vai trò ngang bằng nhau. Các cộng đồng riêng lẻ ở Thụy Sĩ chưa bao giờ có xung khắc hay ý muốn tách ra khỏi nhà nước.

Câu chuyện ở những nước khác lại không được như vậy.

Có những nơi quyền lực nhà nước bị một nhóm người thuộc một nhóm sắc tộc nhất định thâu tóm, đá văng những nhóm khác ra khỏi bộ máy quản lý. Việc này không chỉ dẫn đến nguy cơ nhóm nắm quyền tiến hành thanh trừng sắc tộc nhóm thiểu số, nó còn tăng khả năng ly khai hoặc nội chiến giữa những nhóm bị loại trừ, khi họ đã không còn tin tưởng vào nhà nước, vốn vi phạm nguyên tắc cơ bản về quyền được tự trị của dân tộc. Trái ngược với dung nạp (inclusive), mô hình này được xem là loại trừ (exclusive).

Đất nước Syria là một ví dụ cực đoan của tình trạng này. Ở đây, người Alawite, chiếm 12% dân số, nắm toàn bộ quyền hành từ ghế tổng thống, nội các chính phủ, quân đội, tình báo đến các cấp quản lý cao nhất. Không ngạc nhiên gì khi những người Ả Rập Sunni ở Syria, vốn chiếm đa số, sẵn sàng chống lại một chính phủ mà họ xem là ngoại bang trong cuộc nội chiến đẫm máu suốt nhiều năm qua.

Yếu tố lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành mô hình quản lý dung nạp hay loại trừ.

Ở những quốc gia mà mô hình nhà nước quản lý theo kiểu hành chính (bureaucratic) và tập trung (centralized) xuất hiện từ lâu, phương thức quản lý dung nạp có xu hướng được hiện thực hóa.

Ngày nay, những quốc gia đó có khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ công tốt hơn cho người dân của mình. Việc này càng thu hút sự ủng hộ hợp tác của những người dân bình thường, kéo họ về phía nhà nước thay vì quanh quẩn các nhóm lãnh đạo theo sắc tộc, tôn giáo, bộ tộc. Càng nhiều người dân tham gia, càng xuất hiện nhiều liên minh chính trị đa dạng. Lịch sử hình thành dài cũng cho phép các quốc gia này phát triển và phổ biến một ngôn ngữ chung, giúp việc tạo ra các liên minh chính trị giữa những sắc tộc khác nhau thuận lợi hơn.

Cuối cùng, ở những quốc gia như Thụy Sĩ, nơi mà xã hội dân sự phát triển tương đối sớm, các liên minh đa sắc tộc cổ vũ cho những lợi ích chung cũng có nhiều cơ hội ra đời. Từ đó, những tầng lớp lãnh đạo đa sắc tộc cũng xuất hiện, và các đặc tính dân tộc bao dung hơn cũng được hình thành.

Nạn thanh trừng sắc tộc ở Myanmar đang đẩy hàng triệu người Rohingya vào cảnh chạy trốn. Ảnh: Adam Dean/The New York Times.

Một chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp hơn

Do những yếu tố thâm căn cố đế từ lịch sử, ở một số khu vực đang phát triển trên thế giới, thúc đẩy mô hình quản lý dung nạp là một việc khó khăn, đặc biệt nếu đứng ở vai trò của người ngoài.

Các chính phủ phương Tây và những định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới có thể giúp đỡ tạo các điều kiện hình thành mô hình này. Nó có thể được thực hiện thông qua những chính sách dài hạn giúp các chính phủ tăng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ công, khuyến khích sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự, tăng cường hòa nhập ngôn ngữ.

Tuy nhiên, mọi hoạt động này đều phải nhắm đến mục tiêu tăng cường vai trò và sức mạnh của nhà nước, thay vì làm suy yếu nó. Sự giúp đỡ can thiệp từ nước ngoài rất dễ khiến nhà nước “mất điểm” trong mắt người dân trong nước. Trong một cuộc khảo sát của Quỹ Châu Á (Asia Foundation) tiến hành tại Afghanistan từ năm 2006 đến 2015, những người được hỏi bày tỏ nhiều thiện cảm hơn đối với các hoạt động bạo lực của phiến quân Taliban sau khi nước ngoài tài trợ các dự án cung cấp sản phẩm dịch vụ công tại khu vực của họ.

Những quốc gia có nền dân chủ lâu đời như Mỹ lại có trở ngại khác trong việc thúc đẩy mô hình quản lý dung nạp và đặc tính dân tộc chung.

Tại đây, một bộ phận giai cấp lao động da trắng từ bỏ các đảng phái trung-tả khi những đảng này ủng hộ việc nhập cư và tự do thương mại. Việc những tầng lớp lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do (liberals) tôn vinh sự đa dạng trong khi mô tả những người da trắng, dị tính và đàn ông như là kẻ thù của tiến bộ cũng khiến họ thêm căm ghét.

Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc dân túy (populist nationalism) lại sẵn sàng rót mật vào tai, bù đắp cho họ tất cả những thiếu hụt đó. Những người dân túy hứa hẹn bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của lao động nhập cư, đồng thời trả lại danh dự cũng như vị trí trung tâm cho họ trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Lời hứa về việc nhà nước ưu tiên lợi ích và bảo vệ cho thành viên của cùng một dân tộc không phải là phát minh mới của những người dân túy. Đó luôn là nguyên tắc, là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình hình thành nhà nước dân tộc suốt hàng trăm năm qua.

Để giải quyết những hậu quả đến từ các công dân tức giận và bị bỏ rơi này, nhà nước sẽ cần phải thực hiện các giải pháp về kinh tế lẫn văn hóa.

Về kinh tế, đó là phát triển các dự án cung cấp sản phẩm dịch vụ công đem lại lợi ích cho tất cả công dân thuộc mọi màu da, vùng miền và giai cấp, qua đó tránh suy nghĩ tiêu cực về sự thiên vị dành cho một nhóm sắc tộc hay chính trị nào.

Về văn hóa, đó là xây dựng một dạng thức mới của chủ nghĩa dân tộc dung nạp (inclusive nationalism). Nhà sử học Mark Lilla và nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã gợi ý về việc tạo nên câu chuyện dân tộc mà ở đó cả những nhóm đa số lẫn thiểu số đều được trân trọng, lợi ích chung của họ được nhấn mạnh. Nó trái ngược với việc tạo ra sự đối đầu giữa những người da trắng với liên minh các thiểu số, theo cách mà cả những người dân túy lẫn những người tiến bộ (progressive) đang làm ngày nay.

Chủ nghĩa dân tộc sẽ không biến mất, cả ở những nước phát triển lẫn đang phát triển.
Vào thời điểm hiện tại, không có học thuyết nào có thể thay thế nó. Những thể chế xuyên quốc gia như Liên minh Châu Âu nếu đảm nhận được các chức năng cốt lõi của các chính phủ dân tộc, bao gồm việc cung cấp phúc lợi xã hội và quốc phòng, may ra sẽ có thể tiếp nhận được thêm nhiều ủng hộ. Nhưng không ai dám đảm bảo ngày đó sẽ tới.

Thách thức đối với các nhà nước dân tộc, mới lẫn cũ, là thảo lại hợp đồng thỏa thuận giữa giới cai trị và bị trị, bằng cách xây dựng mô hình quản lý dung nạp, gắn kết tất cả lại với nhau.

Chủ nghĩa dân tộc ôn hòa đến từ một thể chế chính trị dung nạp. Nó không thể đến từ việc áp đặt tư duy từ trên xuống, hay việc dạy bảo công dân của mình thứ gì là lợi ích cơ bản của họ.

Để có thể tạo nên những dạng thức chủ nghĩa dân tộc tốt hơn, bản thân những người lãnh đạo phải trở thành những “người dân tộc” tốt hơn. Họ phải học cách quan tâm và chăm lo lợi ích của tất cả người dân.

***
(Hết phần lược dịch)

Chủ nghĩa dân tộc đã đem đến nhiều thứ tốt đẹp trong lịch sử phát triển nhân loại, đồng thời cũng mang lại nhiều tai ương đáng sợ. Giống như Lửa, tốt hay xấu, lợi nhiều hay hại lớn, đa phần là do cách con người khống chế, kiểm soát và sử dụng nó. Không có cách nào, và cũng không phải là lựa chọn khôn ngoan nếu tìm mọi cách để loại trừ nó ra khỏi đời sống nhân loại.

Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus là người đã trao tặng Lửa cho nhân loại.

Tuy nhiên, Prometheus không phải thuộc giống người. Vị anh hùng này thuộc loài Titan (Người khổng lồ). Khi các Titan thất bại trong trận chiến với những vị Thần (Gods) trên đỉnh Olympus, họ bị cầm tù. Prometheus được các Thần trọng dụng vì đã đứng về phe họ. Nhưng sau khi thấy loài người nhỏ bé phải chịu khổ và bị các Thần ức hiếp, Prometheus đã mạo hiểm ăn cắp Lửa từ trên đỉnh Olympus để trao cho con người, nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Vì hành động đó, Prometheus bị Thần Zeus trừng phạt, treo ở vách núi, bị đại bàng rỉa ăn mất gan (và cứ mỗi ngày gan được mọc lại để hôm sau đại bàng tiếp tục tới rỉa).

Nhiều năm sau, Hercules, con lai của Thần Zeus và loài người, đi ngang qua vách núi đó, đã bắn hạ đại bàng và giải thoát cho Prometheus.

Những nhân vật không cùng giống loài với nhau, Prometheus, con người, Hercules, vẫn có thể bao dung che chở cho nhau, khi họ tìm thấy một điểm chung nào đó.

Tất nhiên đây là thần thoại. Nhưng thần thoại do con người viết nên. Ước muốn trong đó, vì vậy, cũng là ước muốn của con người.

Ước muốn về một thế giới mà nhân loại, cho dù khác biệt đến đâu, vẫn luôn có thể dung nạp và bao dung cho nhau.






No comments: