Monday, April 15, 2019

JULIAN ASSANGE LÀ AI? (Lê Phan)




Lê Phan
April 13, 2019

Phải nói ông Julian Assange, bị lôi khỏi tòa đại sứ Ecuador ở khu sang trọng của thủ đô Luân Đôn hôm 11 Tháng Tư sau gần bảy năm tự đặt mình vào cảnh cô lập, tái nhợt nhạt và râu ria xồm xoàm, không phải là một người khách dễ chịu.

Ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, bị bắt hôm 11 Tháng Tư, 2019, tại London, Anh. (Hình: Jack Taylor/Getty Images)

Đối với những người ủng hộ ông, ông là một kẻ hy sinh, một anh hùng tranh đấu cho tự do báo chí. Đối với chính phủ Anh, ông là một sự bực mình. Đối với chính phủ Hoa Kỳ, ông là một kẻ thù và là tay sai của điện Kremlin. Nhưng khổ về ông nhất là chính phủ Ecuador.

Ông được nói là đã bôi phân lên tường của tòa đại sứ và bỏ rơi con mèo của ông, cùng nhiều hành động thô lậu khác, theo ông ngoại trưởng Ecuador vốn chán ngán than thở. Mặc dầu vậy, những người ủng hộ ông nói việc trục xuất và bắt ông là một sự tấn công vào tự do báo chí. Những người khác thì nghĩ sau cùng công lý đã bắt kịp một người đã tung một tình trạng thông tin vô chính phủ lên toàn thế giới dân chủ, mà kết quả là tạo bất ổn cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Vậy ông Assange là một nhà báo anh hùng, một nhà tranh đấu liều lĩnh hay ngay cả một điệp viên của kẻ thù?

Không ai nghi ngờ gì là ông Assange và tổ chức của ông, WikiLeaks, đã phổ biến một trong những tiết lộ nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại. Những văn kiện này đã cho thấy những hành động sai trái của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan (kể cả một dự đoán thương vong dân sự ở Afghanistan lớn hơn đã được loan báo, và đoạn video của một cuộc tấn công vô tội vạ của một trực thăng Hoa Kỳ ở Iraq) hồi năm 2010.

Cũng năm đó, WikiLeaks phổ biến một kho tàng trên 250,000 những điện tín ngoại giao, bị đánh cắp với sự giúp đỡ của Chelsea Manning, một tên tốt trong cuộc cờ. Nhưng có lẽ nghiêm trọng hơn cả, sự việc là trong cuộc bầu cử năm 2016, WikiLeaks đã là trung gian cho những email mà người Nga đã chiếm đoạt được từ đảng Dân Chủ vốn có thể đã thay đổi chiều hướng của cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ.

Ông Julian Assange hồi 1 Tháng Hai, 2012, tại London, Anh, sau khi bị quốc gia Nam Mỹ từ chối tị nạn. (Hình: AP Photo/Kirsty Wigglesworth, File)

Những người ái mộ ông Assange thì hỏi: Cái gì khác biệt giữa ông và tờ New York Times, vốn phổ biến tài liệu Pengagon Papers năm 1971, đưa ra những chi tiết tệ hại về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ? Là người Việt chúng ta hẳn còn đau đớn hơn vì từ tiết lộ này đã dẫn đến một sự bất mãn và kinh tởm cuộc chiến khiến đồng minh bỏ rơi chúng ta. Ở một số khía cạnh, ông Assange chả làm gì hơn ngoài việc đi theo con đường của những tổ chức truyền thông nổi tiếng, vốn đã từ lâu cung cấp nơi phổ biến cho những người tiết lộ chống chính phủ, và được hưởng sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất cho những hành động đó.

Nhưng có một số lý do tại sao cách hành xử của ông Assange đặt ông vào một loại khác hẳn. Cáo trạng của Hoa Kỳ đối với ông chỉ ra một trong những sự khác biệt đó. Họ cáo buộc ông Assange không phải vì tội tiết lộ thông tin – đó là điều mà các nhà báo thường xuyên làm – nhưng đã giúp người bây giờ là cô Manning giải được password cho một hệ thống bí mật của Ngũ Giác Đài, khiến ông trở thành “đồng âm mưu” cho việc đột nhập tin tặc bất hợp pháp. Nhiều nhà báo thúc đẩy nguồn tin của họ cung cấp thêm tin tức, như ông Assange bị nói đã làm; hầu hết không giúp nguồn tin của họ hủy những ổ khóa dầu cho là ổ khóa thật hay ổ khóa ảo.

Bộ Tư Pháp của Tổng Thống Barack Obama công nhận là họ không thể kiện ông Assange về tội tiết lộ mà không hình sự hóa công việc hằng ngày của truyền thông. Nhưng họ khuyến cáo, một cách rất có lý, là nhà báo không có toàn quyền tự do hành động: nếu họ được nghĩ là điệp viên cho một thế lực ngoại lai hay âm mưu tội phạm với một chính quyền ngoại quốc, họ có thể bị khởi tố hợp pháp.

Một số những hành động của WikiLeaks có thể đã đến gần hay vượt lằn ranh đó (tuy rằng liệu ông Assange đích thân tham dự đến mức nào thì chúng ta không rõ). Theo một cáo trạng do Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller phổ biến, năm 2016 WikiLeaks đã khuyến khích điệp viên Nga – họat động dưới những tên ẩn danh rất lộ liễu – gửi cho họ những email của người lúc đó là ứng cử viên của đảng Dân Chủ cho chức vụ tổng thống, cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton. Mục đích của WikiLeaks là để giúp cho đối thủ chính của bà trong đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders.

Mỉa mai thay Tổng Thống Donald Trump là ngư ông hưởng lợi. Năm 2016 ông đã tuyên bố trước nhiều ngàn ủng hộ viên “Tôi mê đọc WikiLeaks.” Nay, khi đã làm tổng thống, ông lại bảo đó “không phải trò của tôi.” Ông Mike Pompeo, lúc đó đang là một dân biểu Cộng Hòa, đã vui sướng tweet về WikiLeaks trong cuộc vận động tranh cử. Nhưng năm 2017, khi trở thành giám đốc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI), ông gọi WikiLeaks là “một tổ chức tình báo thù nghịch không dựa trên quốc gia nhưng thường được những tác nhân nhà nước như nhà nước Nga giúp đỡ.”

Điều này chỉ ra sự khác biệt thứ nhì giữa ông Assange và những nhà báo bình thường. Hầu hết các nhà báo có tinh thần trách nhiệm không năn nỉ gián điệp của một quốc gia độc tài gửi họ bí mật mà mục đích là gây vấn đề cho một cuộc bầu cử dân chủ; và nếu có dùng họ cũng sẽ thông báo cho độc giả bản chất đáng lo ngại về nguồn gốc của tin đó.

Sự sẵn lòng của WikiLeaks phục vụ một cách hăng say và không đăn đó trong vai trò một hệ thống máy rửa tin cho tình báo Nga phản ảnh lịch sử lâu dài của tổ chức chuyên phổ biến những tài liệu mà trong đó không có hay rất ít giá trị tin, nhưng được tính toán để làm hại quyền lợi của Hoa Kỳ. Một lô những dụng cụ tin tặc của CIA phổ biến năm 2017 là một thí dụ. Ngược lại, WikiLeaks chưa bao giờ phổ biến tiết lộ làm hại những đối thủ độc tài của Hoa Kỳ. Ông Assange có thể không phải là một điệp viên của kẻ thù, nhưng ít nhất thì ông cũng là một kẻ ngu đần hữu ích.

Quyết tâm đổ thông tin, thay vì tường thuật về chúng, đã đưa ông trực tiếp chống lại những nhà báo thực sự. Năm 2011 ông phổ biến ấn bản ròng, không che bớt tí gì cả, những điện tín giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ ở Washington, sau khi không đồng ý với quyết định một năm trước đó của nhiều tờ báo chỉ phổ biến một ấn bản có che bớt những thông tin tối mật.

Năm partner nhà báo của ông – các tờ Guardian của Anh, New York Times của Hoa Kỳ, El Pais của Tây Ban Nha, Der Spiegel của Đức và Le Monde của Pháp – lên án hành động này, chỉ ra là ông Assange đã tiết lộ những chi tiết về thông tin cá nhân tế nhị hay về an ninh quốc gia nhưng không có giá trị tin tức. Một số những nguồn tin mà tên tuổi bị WikiLeaks tiết lộ, như một nhà báo người Ethiopia bị buộc phải bỏ trốn ra khỏi nước.

Dĩ nhiên người ta có quyền nghi ngờ về mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ. Như tờ The Economist đã chỉ ra, Anh Quốc nên đề phòng trong vụ dẫn độ một nghi can nổi tiếng cho một quốc gia mà Bộ Tư Pháp đang bị rối loạn, và khi những chi tiết về cáo trạng tin tặc còn không rõ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là số phận của tự do báo chí tùy thuộc vào số phận của ông Assange. Nếu ông Assange coi mình là một nhà báo, ông đang rất cần phải theo học một khóa về đạo đức nghề nghiệp. Những hành vi của ông cho đến nay sẽ làm cho các nhà báo cảm thấy xấu hổ. Nhưng có lẽ điều đó không làm cho ông suy nghĩ vì ông không phải là một nhà báo. (Lê Phan)

---------------------

XEM THÊM

.
.





No comments: