Tuesday, April 16, 2019

BẢN TIN NGÀY 16-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




16/04/2019

Tin Biển Đông

Giàn khoan nước sâu của Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu hoạt động, VOA đưa tin. Đây không phải là giàn khoan Dongfang 13-2 mà là Hải Dương 981, từng được Trung Quốc triển khai trong thềm lục địa của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014. Bây giờ giàn khoan này hoạt động ở vùng biển phía tây Philippines, tức bên trong Biển Đông và bắt đầu khai thác dầu khí.

Hoàn Cầu thời báo nhận định, “việc Trung Quốc làm chủ được công nghệ tân tiến nhất trong việc khai thác dầu ở vùng biển sâu sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền công nghệ của Mỹ để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên Biển Đông”.

Trung Quốc khoan thành công giếng dầu đầu tiên ở Biển Đông, theo Viet Times. Truyền thông Trung Quốc loan tin: Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu đầu tiên, thế hệ 6, do Trung Quốc tự thiết kế đã khoan thành công giếng dầu khí ở Biển Đông và có kế hoạch khai thác khí hóa lỏng để cung cấp năng lượng cho khu vực vịnh Quảng Đông – Hongkong – Macao.

Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tuyên bố, giàn khoan 981 từ khi đi vào “vùng biển Đông Nam Á” đã hoàn thành tổng cộng 32 mũi khoan, mũi sâu nhất đạt 1.721m. Giếng khoan hoàn thành mới đây ở phía Đông Biển Đông, là giếng khoan khai thác biển sâu đầu tiên của tập đoàn này.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng ở Biển Đông, hai tàu hộ vệ Việt Nam thăm Trung Quốc, theo VnExpress. Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng và 015 Trần Hưng Đạo hôm qua rời cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, bắt đầu hành trình dài gần 6.700 km đến thành phố Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc, chuẩn bị dự lễ duyệt binh trên biển, kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc.


Kỷ niệm hai năm sự kiện Đồng Tâm

Hôm qua, người dân Đồng Tâm đã tổ chức lễ kỷ niệm hai năm sau sự kiện Đồng Tâm, trong tình hình an ninh siết chặt. Chính quyền Hà Nội đã huy động một lực lượng đông đảo gồm CSCĐ, an ninh chìm nổi và chính quyền địa phương để đối phó với người dân Đồng Tâm.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết: “Với hàng trăm CSCĐ giăng khắp đường đi lối lại trong làng tối qua, dân Đồng Tâm đã có một đêm thức trắng, phòng tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Sáng nay giữa sân đình làng Hoành, bà con đã có lời qua tiếng lại với phía chính quyền địa phương khi mà một bên nại lý do an ninh trật tự để triển khai CSCĐ, bên kia lại cho rằng sự kiện chỉ diễn ra trong nội bộ làng, chẳng cần nhiều CSCĐ thế kia làm gì mà còn khiến dân làng thêm bất an. Rất may là đôi bên đều kiềm chế và chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra“.



Các vụ “ăn” đất

Bộ Công an vừa yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ để điều tra vụ ‘phù phép’ 270ha đất công ở Đồng Nai, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đó là vụ sang nhượng 270ha đất công thuộc Nông trường Tam Lợi nằm ở hai xã An Phước và Long Đức, huyện Long Thành, liên quan đến việc mua bán cổ phần, đầu tư tại Công ty Long Đức và việc xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức .

Bài báo cho biết: Trước năm 2004, Nông trường Tam Lợi được Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý, rồi Cục Quản lý vốn nhà nước đồng ý giao đất nông trường cho Công ty Donafoods sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Đến năm 2004, tỉnh chấp thuận cho công ty này chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng hạ tầng KCN Long Đức. Đến tháng 11/2008, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định cho Công ty Long Đức thuê đất nông trường trái quy định.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi về vụ “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn: Mạnh tay với nhà nhỏ, nương tay với “biệt phủ”? Một lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói về chuyện cưỡng chế 68 công trình vi phạm đất rừng: “Đây là những công trình sai phạm diễn ra trong những năm 2017-2018. Cưỡng chế được 68 công trình này theo chỉ đạo của thành phố cũng đã rất vất vả rồi”. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó chỉ là các công trình nhỏ, thậm chí có “công trình” chỉ là nhà cấp bốn, còn công trình “khủng” như Việt phủ Thành Chương vẫn chưa bị đụng đến.

Thanh tra Chính phủ kết luận, Việt phủ Thành Chương có diện tích khoảng 3.000 – 8.000 m2 trên nền đất đã được quy hoạch là đất rừng đặc dụng, “qua nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm, nhưng trong kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội không nhắc đến công trình này”.

VietNamNet có bài: Thắng kiện ủy ban huyện, lão nông mòn mỏi chờ được trả đất. Đó là kết quả của hơn 17 năm đi đòi 6,7ha đất của ông Nguyễn Tấn Trưng ở huyện Núi Thành. Tuy nhiên, dù tòa sơ thẩm, rồi tòa phúc thẩm đều công nhận quyền sở hữu đất của ông, thậm chí TAND huyện ngày 17/10/2018 đã ra quyết định buộc UBND huyện giao trả đất, nhưng ông Trưng vẫn chưa nhận lại được đất.

Ông Trưng cho biết: “Tính đến nay đã qua 6 tháng buộc huyện Núi Thành thi hành án, nhưng huyện vẫn không thực hiện và phản hồi gì. Mong sao huyện sớm trả lại đất để gia đình tôi còn có chỗ làm kinh tế”.

UBND huyện Núi Thành giao 6,7ha đất rừng của ông Trương cho công ty khai thác đá. Nguồn: VNN


Vụ Mobifone mua AVG

RFA đặt câu hỏi: Sau Phạm Nhật Vũ sẽ là ai? Vụ cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị bắt, cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang bình luận: “Có hai khả năng: Một là cuộc đấu tranh chống tham nhũng bị nhiều sức ép cho nên bây giờ phải khởi tố tiếp những vấn đề trước đây chưa đụng tới. Thứ hai là khi bị tạm giam thì các bị can bị bắt trước đây khai ra là Phạm Nhật Vũ đưa hối lộ, cho nên phải khởi tố và bắt giam Phạm Nhật Vũ tội đưa hối lộ”.

Tuy nhiên, blogger Nguyễn Ngọc Già không dự đoán lạc quan về triển vọng của chiến dịch “đốt lò” 2019: “Tôi không nghĩ rằng có thể lôi được Nguyễn Thanh Phượng vô mà thậm chí có thể buộc phải trả tự do cho Phạm Nhật Vũ bởi chính trị luôn có sự bất ngờ và nền tư pháp cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam không đơn thuần là pháp lý mà nó bị chính trị hóa quá nặng rồi”.

Còn các báo “lề đảng” tiếp tục xoáy vào sai phạm của Công ty AMAX, một công ty gần như “vô danh” ở thời điểm đầu năm 2015, nhưng lại là đơn vị định giá AVG, góp phần làm nên thất thoát hàng ngàn tỉ. Báo Dân Việt có bài: Sai phạm của AMAX trong định giá AVG thời ông Phạm Nhật Vũ.

Bài viết dẫn lời từ kết luận của TTCP, cho rằng giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 được định giá 16.565 tỷ đồng là không có cơ sở pháp lý, không đáng tin cậy, MobiFone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan. Nhiều người cho rằng đây sẽ là “tử huyệt” để phe “đốt lò” chạm đến bà Nguyễn Thanh Phượng.


Chiến dịch nhắm vào các “hạt giống đỏ” ở Đà Nẵng

Trang Nhà Đầu Tư có bài: Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh và bài học quy hoạch cán bộ. Vụ cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, con trai cả của cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách hết các chức hồi tháng 10/2017 và vụ Phó ban Thường trực Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh, con trai của cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, vừa bị cách hết chức vụ, bài viết bình luận:

“Việc hai ông Anh – Cảnh chưa tự trui rèn kỹ để kế thừa, phát huy truyền thống gia đình đã để lại những bài học đắt giá. Hai ông làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

BBC đặt câu hỏi: Vụ Xuân Anh và Bá Cảnh là thất vọng nữa về ‘hạt giống đỏ’?  Từ bài viết nói trên của trang Nhà Đầu Tư, BBC bàn về khái niệm “hạt giống đỏ” trong chính trường VN, nhằm chỉ các nhân vật là “con ông cháu cha”, tương đương với “thái tử đảng” bên Trung Quốc, còn báo chí Phương Tây gọi là “princelings”, là những người sinh ra trong các gia đình công thần của chế độ CSVN.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận: “Phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ. Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác”. Khi các “đồng chí” còn liên kết với nhau thì cất nhắc “hạt giống đỏ” của nhau lên, còn đến khi phải thanh trừng lẫn nhau thì họ cũng không tha các “hạt giống đỏ”.


Tin giáo dục

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về chuyện danh sách thi sinh nâng điểm đóng dấu ‘mật’: Sao lại thế? Theo đó, ĐBQH Bùi Thị An vừa bày tỏ sự không đồng tình khi dấu “mật’ được đóng vào danh sách các thí sinh có bài thi bị can thiệp, nâng điểm khi gửi về các Sở GD&ĐT. “Việc này sẽ hạn chế số người tiếp cận được bản danh sách này mà chỉ những người giữ vị trí Ban Giám đốc mới biết được thí sinh nào được nâng điểm”.

Ở đất nước này, dấu “mật” từ lâu đã bị lạm dụng trong các vụ sai phạm nhất là sai phạm đất đai, như dấu “mật” trong dự án Thủ Thiêm mà nhiều người cho rằng đủ để Tất Thành Cang “nhập kho”, giờ dấu “mật” được tận dụng để bảo vệ các quan chức mua điểm cho con em họ.

Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa báo cáo Bộ Quốc Phòng xử lý Thủ khoa HV Kỹ thuật Quân sự là thí sinh Sơn La, theo báo Dân Trí. Bài viết lưu ý: “Trong số 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có một thông tin dư luận đặc biệt quan tâm là Thủ khoa Học viện kỹ thuật quân sự được nâng đến 18,7 điểm”. Cả 2 thí sinh từ Sơn La trúng tuyển vào học viện này đều được nâng điểm.

Cán bộ phòng đào tạo của Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nhà trường chưa nhận được danh sách chính thức từ Sở GD&ĐT Sơn La về thí sinh liên quan đến bài thi gian lận, nên chưa thể xử lý các thí sinh này.

Vụ sợ con bị bạn đánh, phụ huynh xin chuyển trường: Sẽ xử lý cán bộ quản lý và giáo viên, báo Thanh Niên đưa tin. Đó là vụ nam sinh N.H.T, lớp 8, Trường THCS Mỹ Thới,  TP Long Xuyên, An Giang bị bạn đánh đến mức phải nhập viện điều trị, ngày 14/4, Phòng GD&ĐT TP Long Xuyên cho biết trường này đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý các học sinh đánh bạn.

Trước đó, khi Trường THCS Mỹ Thới làm việc với các phụ huynh, nhà trường cho biết, có 3 học sinh tham gia đánh T. Phụ huynh của T không đồng ý vì T đã kể rằng có hơn 10 người tham gia hành hung nam sinh này.


Tin môi trường

Chuyện ở TP Vinh, Nghệ An: Hồ điều hòa thành “ao” nước thải, theo VOV. Đó là dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh, có tổng diện tích quy hoạch 6,475 ha, qua địa bàn 3 phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung, giờ dự án này lại trở thành nỗi ám ảnh về ô nhiễm môi trường cho người dân sống trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Dự án cải tạo hào thành hồ điều hòa có tổng đầu tư khoảng 110 tỉ đồng, giờ đã trở thành điểm ô nhiễm nặng nhất nội thành TP Vinh, nước trong hồ điều hòa tù đọng, sánh đặc, có màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một người sống gần đó cho biết, chưa bao giờ ông thấy hồ điều hòa ô nhiễm nặng nề như thế này.

Hồ điều hòa ô nhiễm nặng chảy qua cổng Thành Cổ Vinh. Nguồn: VOV

Báo Hà Tĩnh đưa tin: Không chịu được ô nhiễm, dân ra đường chặn xe chở vật liệu. Theo đó, chiều 14/4/2019, hàng chục hộ dân sống tại thôn Trường Thủy, xã Sơn Thủy huyện Hương Sơn, đã mang rào chắn ngang tuyến đường liên xã Sơn Bình – Sơn Thủy – Sơn Mai để ngăn chặn, phản đối hoạt động khai thác của các mỏ đá trong vùng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nơi đây.

Một người dân địa phương cho biết: “Tình trạng này đã diễn ra trên 10 năm nay, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến, xã cũng đã hứa có phương án xử lý nhưng đến giờ vẫn không được giải quyết”.

Chuyện ở thành Hồ: Dự án mãi nằm trên giấy, hàng nghìn hộ dân vẫn ‘sống chung với rác’, theo VTC. Đó là bãi rác tạm tồn tại gần 20 năm đang “bức tử” hàng ngàn nhân khẩu ở phường Hiệp Thành, quận 12. Dù chính quyền đã nhiều lần hứa hẹn (lần hứa gần nhất trong năm 2018), nhưng đến nay bãi rác tạm này vẫn tiếp tục hoạt động và có thể kéo dài rất lâu, mỗi ngày đều có các loại xe chuyên chở rác thải ra vào. Bãi rác tạm có diện tích 1ha, nằm một trong những trục đường chính với dân cư đông đúc của quận 12.

Bãi rác tạm ở phường Hiệp Thành vẫn sẽ tiếp tục kéo dài vì quy hoạch xây dựng trạm trung chuyển vẫn chỉ là… dự thảo. Nguồn: VTC


***






No comments: