Saturday, March 16, 2019

GRETA THUNBERG & "THỨ SÁU VÌ TƯƠNG LAI" (Nguyễn Trang Nhung)




Thứ Sáu, 03/15/2019 - 05:25 — NguyenTrangNhung

1769 nơi tại 112 quốc gia đã có kế hoạch hưởng ứng phong trào bãi khóa chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào hôm nay, thứ Sáu, 15/3. Greta Thunberg, cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đã cho biết như vậy trên fanpage của mình, qua một status được đăng vào lúc 1 giờ 19 phút sáng 15/3 theo giờ Việt Nam. Các con số có thể sẽ còn cao hơn nữa.[1]
Hình: Greta Thunberg tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu vào tháng 12 năm 2018 (Nguồn: Internet)

Trên bản đồ cho thấy 1769 nơi hưởng ứng ngày "Thứ Sáu vì tương lai" này, có nhiều nơi ở 5 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, và Philippines (không có nơi nào ở Việt Nam). Hai quốc gia đông dân nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc cũng hưởng ứng.[2]

Phong trào bãi khóa được truyền cảm hứng từ chính Greta, nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, người mà kể từ tháng 8 năm ngoái đã kiên trì đến và ngồi lỳ ở tòa nhà Quốc hội Thụy Điển, giương biểu ngữ về biến đổi khí hậu, nhằm khiến Quốc hội và dư luận quan tâm hơn, và từ đó có các hành động thích hợp để cải thiện tình hình. Ban đầu cô đến hàng ngày, về sau, cô chỉ đến vào thứ Sáu.

Biến đổi khí hậu nói chung được xác định do hai nguyên nhân: tự nhiên và con người. Tuy nhiên, khi nói tới biến đổi khí hậu ngày nay, người ta xác định rằng con người là nguyên nhân (hay chí ít, là nguyên nhân chủ yếu).[3] Điều này đã được thừa nhận bởi 97 đến 98% các nhà nghiên cứu tích cực nhất về biến đổi về khí hậu, theo một khảo sát của một số tác giả tại một số trường và viện uy tín trên thế giới.[4]

Dù vậy, vì nhiều lý do, các chính phủ trên thế giới đã không quan tâm, hoặc quan tâm dưới mức cần thiết về biến đổi khí hậu, mà một biểu hiện của điều này là sự rút khỏi Thỏa thuận Paris của Hoa Kỳ vào năm 2017 và sự chậm lại của tiến trình thúc đẩy thỏa thuận này kể từ đó đến nay.

Greta, từ một cô bé không ai biết tới, đã trở thành nhà hoạt động về biến đổi khí hậu nổi tiếng toàn cầu.

"Nhiều người nói rằng Thụy Điển chỉ là một quốc gia nhỏ và những gì chúng ta làm không quan trọng. Nhưng tôi đã học được rằng các vị không bao giờ là quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt. Và nếu một vài đứa trẻ có thể gây sự chú ý trên toàn thế giới chỉ bằng cách không đến trường, thì hãy tưởng tượng những gì mà tất cả chúng ta có thể làm cùng nhau nếu chúng ta thực sự muốn."

Greta đã phát biểu như vậy trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu tại Katowice, Ba Lan vào tháng 12 năm 2018 vừa qua.[5] Bài phát biểu của cô đã được lan truyền rộng rãi trên báo chí lẫn mạng xã hội và gây xúc động cho rất nhiều người. Ngoài hội nghị này, cô còn diễn thuyết tại TEDxStockholm vào tháng 11 năm 2018,[6] và Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1 năm 2019,[7] v.v.

Ảnh hưởng của Greta đã lan rộng khắp hành tinh. Đầu tiên, ngay tại quê hương mình, Thụy Điển, cô nhận được sự hưởng ứng của mọi người kể từ ngày bãi khóa thứ hai.[8] Tính đến tháng 12 năm 2018, hơn 20.000 học sinh, sinh viên đã hưởng ứng bằng các cuộc tuần hành tại ít nhất 270 thành phố tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Úc, Bỉ, Nhật,[9] Đức,[10] Pháp,[11] Thụy Sỹ.[12] 

Mới đây, Greta đã được đề cử giải Nobel Hòa bình bởi 3 nhà lập pháp người Na Uy. Theo Freddy Andre Oevstegaard, một trong 3 người đề cử, "Phong trào rộng lớn mà Greta đã thiết lập là một đóng góp quan trọng cho hòa bình."[13] Nếu đoạt giải Nobel vào năm nay, Greta sẽ trở thành người trẻ nhất đoạt giải này trong lịch sử, thay thế nhà hoạt động người Pakistan Malala Yousafzai.

Là nhà hoạt động, Greta không tránh khỏi những lời đồn bất lợi về động cơ của mình. Để giải thích, cô cho hay cô không hoạt động vì động cơ thương mại hay bất cứ động cơ vụ lợi nào.[14] Cô hoạt động vì mối nguy mà cô thấy rõ, và muốn cảnh tỉnh mọi người khi họ còn thời gian để hành động, như cô đã nói trong bài phát biểu trước Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu kể trên, rằng: 

"Năm 2078, tôi sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình. Nếu tôi có con, có lẽ chúng sẽ ở bên tôi ngày đó. Có lẽ chúng sẽ hỏi tôi về các vị. Có lẽ chúng sẽ hỏi tại sao các vị không làm bất cứ điều gì trong khi vẫn còn thời gian để hành động. Các vị nói rằng các vị yêu con cái của các vị hơn tất cả, nhưng các vị đang đánh cắp tương lai của chúng ngay trước mắt chúng."
"Chúng tôi không đến đây để cầu xin các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm. Các vị đã bỏ qua chúng tôi trong quá khứ và các vị sẽ bỏ qua chúng tôi một lần nữa. Chúng tôi đã hết sự tha thứ và chúng tôi sắp hết thời gian. Chúng tôi đến đây để cho các vị biết rằng sự thay đổi đang đến, dù các vị có thích hay không. Sức mạnh thực sự thuộc về người dân."

Vâng, sự thay đổi đang đến, dù nhiều người, trong đó có các nhà lãnh đạo thế giới, có thích hay không.

Với một số người, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề nghiêm trọng. Có thể họ đúng cho đến khi họ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt của nó. Với các nhà lãnh đạo, biến đổi khí hậu không là vấn đề ưu tiên và luôn bị bỏ lại đằng sau nhiều vấn đề khác. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo không quan tâm thì còn những người khác quan tâm. Và khi người lớn không hành động, thì trẻ em cần làm gì đó. 

Và thiếu niên Greta đã quan tâm và hành động một cách bền bỉ và quả quyết. Trên hành trình của mình, cô đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, khiến họ nhận ra rằng họ có sức mạnh, cũng như nhận ra rằng khi tập hợp lại, họ có thể thay đổi thế giới. Nhờ cô, những người lớn tuổi có thêm hi vọng vào những người trẻ tuổi và những người trẻ tuổi có thêm hi vọng vào tương lai. 

--------------------

Chú thích:


[2] Danh sách các quốc gia và sự kiện hướng ứng ngày "Thứ Sáu vì tương lai"
https://www.fridaysforfuture.org/events/list

[3] Biến đổi khí hậu do nguyên nhân tự nhiên diễn ra qua quá trình dài hàng trăm đến hàng nghìn năm, và do vậy không được xem là nguyên nhân (hoặc nếu được xem là nguyên nhân, thì chỉ là nguyên nhân rất thứ yếu) của biến đổi khí hậu ngày nay. Xem thêm phần 'Nguyên nhân của biến đổi khí hậu' trong cuốn sách 'Những thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu' của NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

[4] Expert credibility in climate change
https://www.pnas.org/content/107/27/12107

[5] Bài phát biểu của Greta trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu tháng 12 năm 2018
https://www.lifegate.com/people/news/greta-thunberg-speech-cop24

[6] Bài phát biểu của Greta tại TEDxStockholm tháng 11 năm 2018
https://www.youtube.com/watch?v=EAmmUIEsN9A

[7] Bài phát biểu của Greta tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1 năm 2019
https://www.youtube.com/watch?v=M7dVF9xylaw

[8] Greta Thunberg, schoolgirl climate change warrior: ‘Some people can let things go. I can’t’
https://amp.theguardian.com/world/2019/mar/11/greta-thunberg-schoolgirl-...

[9] 'Our leaders are like children,' school strike founder tells climate summit
https://www.theguardian.com/environment/2018/dec/04/leaders-like-childre...

[10] Climate activist Greta Thunberg marches with students in Hamburg
https://www.dw.com/en/climate-activist-greta-thunberg-marches-with-stude...

[11] Swedish teen climate activist Greta brings school strike protest to Paris
https://www.thelocal.se/20190222/swedish-teen-activist-greta-brings-her-...

[12] More than 1,000 Swiss pupils strike over climate
https://www.swissinfo.ch/eng/global-warming_more-than-1-000-swiss-pupils...

[13] Swedish teen climate activist Greta Thunberg nominated for Nobel Peace Prize
https://www.theglobeandmail.com/world/article-swedish-teen-climate-activ...

[14] Phản hồi của Greta trước những lời đồn
https://www.facebook.com/gretathunbergsweden/posts/773673599667129


---------------------------

Trần Hà Linh  -  Luật Khoa
16/03/2019

Thứ Sáu, 15/3, nhiều học sinh ở hơn 100 nước trên thế giới đã đồng loạt nghỉ học để biểu tình kêu gọi lãnh đạo các quốc gia hành động chống biến đổi khí hậu.

Reuters cho biết các cuộc biểu tình này được truyền cảm hứng từ hành động của cô học sinh 15 tuổi người Thuỵ Điển Greta Thunberg, người vừa được đề cử cho giải Nobel Hoà bình. Trong suốt một năm qua, cô đã chủ động nghỉ học vào các ngày thứ Sáu hàng tuần để biểu tình trước toà nhà Quốc hội Thuỵ Điển, phản đối lãnh đạo nước này thờ ơ trước vấn đề biến đổi khí hậu. Greta Thunberg cũng có một bài phát biểu đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ đầu năm nay, thúc giục lãnh đạo thế giới nâng cao hiểu biết của chính mình về những hậu quả của biến đổi khí hậu. “Tôi muốn các ông bà cảm nhận được nỗi sợ hãi mà tôi cảm nhận thấy mỗi ngày. Và hành động như thể nhà của chính các ông bà đang cháy. Bởi vì [trái đất] quả thực đang cháy”, cô nói.

Hành động của Greta Thunberg đã khích lệ học sinh trên thế giới nghỉ học và xuống đường lên tiếng. Ngày thứ Sáu vừa qua là một ví dụ như vậy. Dưới đây là hình ảnh các cuộc biểu tình ở một số nước do tạp chí Quartz tổng hợp.


----------------------------------------------


Mai Vân – RFI
Đăng ngày 16-03-2019

Không hẹn mà gặp: Hai tuần báo Pháp Courier International và L’Obs đều dành trang bìa của số ra giữa tháng Ba 2019 này để nói về cuộc vận động của thanh thiếu niên tại nhiều nước trên thế giới, đang vùng lên thức tỉnh các bậc cha anh chống biến đổi khí hậu, cứu lấy hành tinh. Đỉnh cao của phong trào là cuộc đình công, bãi khóa trên toàn thế giới ngày 15/03/2019 vừa qua.

Các học sinh sinh viên Latvia tuần hành tại thủ đô Riga trong ngày "thứ Sáu vì tương lai" 15/03/2019.REUTERS/Ints Kalnins

Trang bìa Courrier International chạy tựa lớn: « Khí hậu – Tương lai chính là lúc này ». Câu hỏi mà tạp chí Pháp đặt ra là : « Phải chăng giới thanh thiếu niên sẽ cứu được hành tinh ? ».
Courrier International đã trích dẫn nhật báo Anh The Guardian, cho rằng phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu do giới trẻ khắp nơi khởi động cần phải dài hơi mới gây được sức ép trên giới lãnh đạo chính trị.
Nói đến phong trào thanh thiếu niên – tức là sinh viên học sinh – chống biến đổi khí hậu, không thể không nói đến cô nữ sinh Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg, người đã làm dấy lên phong trào. Courrier International đã trích dịch một bài trên nhật báo Anh Financial Times, phác họa chân dung của « Cô gái và Trái Đất », tựa của bài báo.
Lý thú nhất tuy nhiên lại là những ghi chú ngắn gọn về những gương mặt tiêu biểu của phong trào học sinh sinh viên vì môi trường tại một số quốc gia từ Âu sang Á. Trên một tấm bản đồ thế giới, độc giả có thể thấy phong trào này có mặt ở những quốc gia từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Áo, Anh, Tây Ban Nha, cho đến Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, và cả ở Nhật, Úc, New Zealand.

*
Tại Mỹ chẳng hạn, Courrier International ghi nhận: « Cứ mỗi thứ Sáu, từ đầu năm đến nay, các em Isra Hirsi, 16 tuổi, Haven Coleman, 12 tuổi, và Alexandria Villasenor, 13 tuổi, đều đến ngồi trước các công sở của thành phố nơi các em sống là Minneapolis, Denver và New York – với những tấm biển có dòng chữ : “Bãi khóa vì khí hậu” hay #FridaysforFuture (Những Ngày Thứ Sáu vì Tương Lai)".
Các em đã cùng nhau tạo dựng phong trào ở Mỹ mang tên Youth Climate Strike (Tuổi trẻ bãi khóa vì khí hậu), và muốn vận động hàng ngàn thanh thiếu niên trong khoảng 30 tiểu bang tham gia ngày Bãi Khóa Thế Giới 15/03.
Một tấm gương khác được Courrier International nêu lên là trường hợp cô học trò Maja Brouwer, 17 tuổi, ở thành phố La Haye, Hà Lan. Từ ngày cô phát biểu trước các ủy viên hội đồng thành phố, cô đã ý thức được về « sức mạnh của lời nói », và cảm thấy bớt bất lực khi nghe những dự báo đáng lo ngại về khí hâu ở chân trời 2050. Cô muốn lập ra một hiệp hội mà cô sẽ đặt tên là Wake up! (Thức tỉnh đi!), để giúp những thanh niên ưu tư về tương lai trái đất vận động giới chính khách, doanh nghiệp và người dân, các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về vấn đề khí hậu.
Lập luân của Maja Brouwer rất đơn giản: « Nếu thuyết phục được các lãnh đạo chính trị rằng hành động của họ có thể có ảnh hưởng tốt thì điều đó sẽ giúp rất nhiều, nhiều hơn là việc bớt tắm rửa (để khỏi lãng phí nước) ».

*
L’Obs: Giới trẻ thay đổi thế giới
Tạp chíL’Obs cũng nói về thanh niên và khí hậu trong hồ sơ nêu lên thành tựa trang bìa: « Giới trẻ sẽ thay đổi thế giới như thế nào » kèm theo tiểu tựa « Môi trường, bất bình đẳng, dân chủ ».
Trong một hồ sơ dài 10 trang bên trong, L’Obs công nhận: « Môi trường, dân chủ, chống bất bình đẳng... Ngày nay chính những người dưới 25 tuổi đã thức tỉnh chúng ta. Họ không còn xem chúng ta là những người lạc hậu hay bí rị, mà là những kẻ vô trách nhiệm ».
Tạp chí Pháp đã phác họa chân dung của một thế hệ dấn thân và sáng tạo, đã quyết tâm nắm lấy vận mệnh của hành tinh.
L’Obs ghi nhận : « Trong những tuần lễ gần đây, khắp nơi trên thế giới, học sinh, sinh viên đã bỏ các buổi học vào thứ Sáu để tố cáo tình trạng bất động của các Nhà Nước trong vấn đề khí hậu bị hâm nóng. Những Ngày Thứ Sáu vì Tương Lai - Fridays for Future, đạt đỉnh cao vào ngày 15/03, với cuộc bãi khóa cấp thế giới vì khí hậu, với những thanh thiếu niên dưới 25 tuổi sẽ ‘trốn học’ để chống lại những điều không ra gì về khí hậu, họ sẽ cầm lấy micro để lên tiếng, không một chút sợ hãi ».

*
L’Express: Cuộc đấu Macron-Marine Le Pen
Trang bìa tuần báo L’Express tuần này mang tựa lớn « Trận đấu lượt về » nổi bật bên trên ảnh ghép tổng thống Pháp Macron và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, được tờ báo gọi trong một tiểu tựa là « hai kẻ thù tốt nhất ». Bối cảnh trận đấu cũng được L’Express nêu rõ trên trang bìa : đó là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. L’Express thấy rằng hai bên đã có « hai chiến lược đối nghịch nhau », và ngạc nhiên tự hỏi : « Các đấu thủ khác đâu mất rồi ? ».
Trong một hồ sơ dài 12 trang bên trong, tạp chí Pháp dự đoán rằng nhân cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp diễn ra vào tháng 5 sắp tới, rất có thể người ta sẽ chứng kiến trận đấu lượt về của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Lý do là vì các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy hai danh sách của ông Macron và bà Le Pen đứng đầu các ý định bầu.
Và L’Express ghi nhận : « Khi nhìn lại chung quanh mình, hai người họ chỉ có thể hài lòng mà thôi. Không một ai khác có thể xen vào phá quấy họ. Macron củng cố vị trí trung tâm của ông bằng cánh tả cũng như cánh hữu, còn Marine Le Pen bao bọc chặt chẽ bên cánh hữu của bà. »
Đối với L’Express, kịch bản ông Macron vươn lên trở lại quả là bất ngờ, « chưa hề được viết trước ». Tờ báo nhắc lại :
« Vào tháng 10/2018, những người bạn của Emmanuel Macron, khi nghĩ đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, thì chỉ nghĩ đến mức 17%, và trong tình huống tốt nhất, dành được vị trí thứ hai sau đảng RN của bà Le Pen. Qua tháng 11, tình hình có vẻ xấu đi thêm, chế độ bị lung lay với mùa đông khoác lên lớp áo màu vàng. Thế nhưng thời tiết đã thay đổi, và mùa xuân lại ló dạng vào tháng Hai. Những cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Macron có thể đứng đầu với khoảng 23% ý định bầu. »
Dù bất ngờ nhưng L’Express cũng phải công nhận : « Chính trị là thế đấy ! ».

*
Đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu
Trên bình diên kinh tế, tạp chí L’Express tuần này chú ý đến đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu.
Ghi nhận đầu tiên của tạp chí là « Ở mọi nơi trên thế giới đầu tư của Trung Quốc ngày càng bị nghi ngờ ». Đức - bị sốc sau vụ bị Trung Quốc mua lại hãng chế tạo robot Kuka vào năm 2016 - đã từ chối không bán Leifeld, một nhà máy chế tạo máy-công cụ.
Đối với L’Express, đây là lần đầu tiên một quốc gia Châu Âu đã phủ quyết như thế đối với Trung Quốc. Tạp chí còn nhắc lại rằng đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu đã giám 40% trong năm 2018.

*
Le Point:Tầng lớp trung lưu cao cấp, con bò vắt sữa của Macron
Cũng quan tâm đến thời sư Pháp, tạp chí Le Point tuần này chú ý đến túi tiền của người Pháp, và dành trang bìa cho vấn đề đánh thuế, với một câu hỏi rất khiêu khích dùng làm tựa chính : « Liệu Macron có chấm dứt tình trạng cứ bắt cùng một tầng lớp lúc nào cũng phải đóng thêm tiền (thuế) ? »

Đối với Le Point, những ai tố cáo ông Macron là tổng thống của người giàu đều lầm lẫn, vì tầng lớp trung lưu phía trên mới chính là « con bò sữa của Nhà Nước », và luôn luôn là đối tượng bị tăng thuế khi cần thiết.
Trong một bài điều tra dài, tạp chí Pháp ghi nhận là Cuộc Đại Thảo Luận vừa kết thúc đã biến thành một đấu trường, nơi mọi người thi nhau đóng góp ý kiến về cách thức tốt nhất để buộc những người thuộc thành phần trung lưu cao cấp đóng góp thêm cho xã hội. Thế nhưng, đó chính là thành phần đã là con bò sữa của hệ thống xã hội Pháp.
Trích dẫn những số liệu chính thức, Le Point nêu bật thực tế là từ năm 2008, năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đến nay, 20% các hộ gia đình có lợi tức cao nhất là thành phần đã phải gánh vác một phần lớn các thâm thủng trong cán cân chi phó của Nhà Nước Pháp.
Một ví dụ được Le Point nêu bật : Một công trình nghiên cứu của Đài Quan Sát Tình Huống Kinh Tế Pháp OFCE công bố vào tháng 11 năm 2018 đã ghi nhận là trong vòng 8 năm, từ 2008 đến 2016, 20% giầu có nhất nước Pháp hàng năm đã bị mất đi bình quân 2.740 euro do các khoản tăng thuế và giảm lợi ích tài chánh mà Quốc Hội đã thông qua.
Và theo Le Point, chính sách thuế đó vẫn được tiếp tục dưới thời tổng thống Macron.

*
The Economist: Brexit đưa Anh Quốc vào hỗn loạn
Sự kiện tiến trình Brexit do thủ tướng Anh Theresa May chủ trương liên tiếp bị Nghị Viện phản bác, dĩ nhiên đã trở thành chủ đề trọng tâm của tuần báo Anh The Economist.
Với một tựa đề hết sức châm biếm trên trang bìa « Oh** UK ! », tạm dịch là « Hỡi ôi, Vương Quốc Anh », The Economist đã không tránh khỏi ngán ngẩm cho điều được tờ báo xem là «một đất nước trong cơn hỗn loạn ». Đối với tuần báo Anh, khủng hoảng chính trị tại vương quốc đã rơi xuống những độ sâu mới, do đó, đã đến lúc Nghị Viện Anh phải can thiệp.
Trong bài xã luận, sau khi ghi nhận tình trạng hỗn loạn của tại Nghị Viện Anh Quốc trong tuần trên vấn đề Brexit, cho thấy tình trạng chia rẽ rõ rệt của giới làm chính trị, The Economist mỉa mai nhắc lại tuyên bố của bà thủ tướng Theresa May khoe rằng Luân Đôn « sẽ cho toàn thế giới biết thế nào là Vương quốc Anh ».
Đối với tuần báo Anh, bà May không sai chút nào, nhưng điều mà Anh Quốc đã cho thấy là một trò cười. Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may : Việc kế hoạch Brexit của bà May bị phá vỡ đã tạo điều kiện cho nước Anh suy nghĩ lại về cách tiếp cận sai lầm của mình khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu… Sự hỗn loạn xẩy ra trong tuần này mang đến cho đất nước Anh một cơ hội để tìm ra thứ gì đó tốt hơn.

*
Le Point : Algeri, quân đội bỏ rơi phe cánh Bouteflika
Le Point chú ý đến một sân khấu chính trị khác là Algeri, và đã kể lể chi tiết về sự kiện : « Phe cánh Bouteflika sập bẫy như thế nào ? ».
Tạp chí ghi nhận là trước sức ép của đường phố, chống lại một nhiệm kỳ thứ 5 của ông Bouteflika, những người thân cận của ông đã bị buộc phải bỏ cuộc trong vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Phát súng ân huệ đến từ nhân vật lãnh đạo quân đội.
Le Point kể lại chuyện bất ngờ : Trước cử tọa là sinh viên sĩ quan, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri, Ahmed Gaïd Salah có bài phát biểu dài và đã có một số thay đổi trong ngôn từ , không còn trừng phạt ‘những sai lệch’ của đường phố, không nói gì đến vấn đề bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống, cũng không nhắc nhở gì đến lãnh đạo tối cao của quân đội, tức ông Abdelaziz Bouteflika.
Nhưng có một câu gây chú ý : « Quân đội và quần chúng cùng chia sẻ một quan điểm về tương lai ».
Đây là đòn chí mạng. Cánh Bouteflika dường như bị lãnh đạo hùng mạnh của quân đội bỏ rơi. Một cựu sĩ quan cao cấp giải thích : « Ông ấy không có chọn lựa nào khác, ông là người bảo đảm cho sự vững chắc của các định chế và sự ổn định của đất nước. Cho nên phải chọn lựa : Một nhiệm kỳ thứ 5 đặt đất nước trong vòng bất ổn định hay đứng về phía đòi hỏi của người dân ».
Le Point còn nhắc lại: Vào chiều ngày 11/03, người ta đã để cho tổng thống mãn nhiệm, trong thông báo của ông, nói rằng ông thực ra chưa bao giờ dự kiến ra tranh một nhiệm kỳ 5. Đây là thêm một cái tát tai đối với những người thân cận tổng thống.
Theo một nguồn tin Tư pháp, đây là « cách để ông (Bouteflika) thoái thác trách nhiệm về các hành động của những người đã lên tiếng nhân danh ông ». Nguồn tin này cũng chờ đợi sẽ có đơn kiện chính thức về việc mạo danh.
Nhiều câu hỏi đang được nêu lên: Ai đã viết lá thư tuyên bố ra ứng cử mà người đặc trách chiến dịch vận động tranh cử của ông Bouteflika đã nhân danh ông đọc lên trước Hội Đồng Bảo Hiến ? Và tại sao bây giờ ông Bouteflika lại khẳng định là ông không biết mình là ứng viên tổng thống?







No comments: